Lượt xem của khách bị giới hạn

Có ai giống tôi không....đã lặng đi khi đọc chúng.

  • Có - tôi đã lặng đi khá lâu,lệ rời đầy mặt

  • Không- Thú thật nó chẳng để lại dư âm gì


Kết quả chỉ có thể xem được sau khi bình chọn.
[Truyện ngắn] Lặng

Thanh Hải

Tác giả
Tham gia
22/5/25
Bài viết
63
Điểm cảm xúc
295
Điểm
53
Tên tác phẩm: Lặng
images (6).jpeg

Tác Giả : Nhiều Tác Giả
Nguồn Cảm Hứng: từ một đoạn truyện ngắn nước ngoài.
Độ Tuổi: 16+
Trạng Thái : Tùy hứng

Lời Dẫn Truyện

Vài mẫu truyện ngắn,vài dòng tâm sự,có lẽ sẽ có tiếng cười đọng lại nhưng chắc thứ cảm xúc tôi cố gắng theo đuổi chỉ là những khoảng lặng mà thôi.

Thảo luận

Thread 'Góc thảo luận' https://forum.aatruyen.vn/threads/goc-thao-luan.1358/
 
Sửa lần cuối:

Thanh Hải

Tác giả
Tham gia
22/5/25
Bài viết
63
Điểm cảm xúc
295
Điểm
53
Tập 1 : Cô gái nhỏ

"Có những hy sinh không được nhớ tới.
Có những người chết đi không phải vì cái đói, mà vì lòng tốt bị chà đạp..."
----
Nạn đói kéo tới trong im lặng, nhưng cái đói không bao giờ chỉ đến một mình,cái rét đi kèm theo nó, len lỏi qua từng ngóc ngách của thôn làng, như bàn tay lạnh lẽo của tử thần luồn vào trong từng căn nhà, lục lọi từng góc bếp đã cạn sạch gạo,người chết đói ngồi dựa vách, miệng há hốc, đôi mắt mở trừng không kịp khép,không ai còn hơi sức để chôn họ.

Khi tưởng như cùng cực đã là tận cùng, chiến tranh lại tràn đến như một tiếng cười cay độc của số phận,lửa thiêu, người giết người, nhà cửa đổ sụp trong hoảng loạn và máu me,quan sai ập đến như lũ quạ đen, bắt bớ những kẻ còn sống sót, dồn họ thành từng nhóm và lùa đi như đàn cừu sắp mổ.

Tiểu Kỳ nằm trong số đó.

Cô vừa tròn mười sáu,đáng ra, tuổi đó người ta vẫn còn đang cười khi thấy cánh bướm, vẫn còn đỏ mặt khi được ai đó đưa tay nắm lấy,nhưng giờ, tất cả thanh âm tươi đẹp đều đã biến mất khỏi thế giới,mọi thứ bị bóp nghẹt trong tiếng gió buốt, tiếng roi da, và ánh mắt của những kẻ không còn chút nhân tính.

Đoàn người lặng lẽ bước qua vùng đất lạnh ngắt như nghĩa địa,mỗi bước chân là một lần gió cứa qua má,không ai dám nói, không ai dám khóc,nỗi sợ như lớp bùn dính chặt vào miệng lưỡi.

Một tên quan sai đi đầu, mắt dán vào cô,ánh mắt hắn mang một thứ ánh sáng mà không ngọn lửa nào có, sự thèm khát trần trụi, bẩn thỉu,hắn bước tới, không một lời cảnh báo, ôm chầm lấy cô như vồ một con mồi yếu ớt. Tiểu Kỳ giật lùi, cánh tay nhỏ bé tát mạnh vào mặt hắn. Âm thanh không lớn, nhưng đủ để đôi mắt hắn đỏ ngầu.

Hắn cười,không phải nụ cười vui vẻ, mà là tiếng bật cười khô khốc, lạnh tanh, như gió va vào vách đá.

Rồi hắn nói với cô, bằng cái giọng đều đều như kể một câu chuyện cũ kỹ.

“Nếu cô không thuận theo, những kẻ kia sẽ sống không bằng chết,còn nếu biết điều… có thể chúng sẽ được ‘đối xử nhẹ tay’ hơn,số phận của họ... tùy vào cô đấy.”

Cô quay đầu nhìn những người xung quanh, những khuôn mặt bơ phờ, gầy guộc, run rẩy trong manh áo rách,nhưng đôi mắt họ, những đôi mắt vẫn còn ánh lên hy vọng,cái hy vọng mong manh rằng ai đó sẽ làm điều gì đó để cứu họ,họ nhìn cô, như thể chỉ có cô mới là con đường sống còn lại.

Tim cô như bị xiết chặt,mọi tế bào đều muốn hét lên "không...", Nhưng lý trí thì lại đang cân đo, cô biết rõ, thứ hắn muốn không phải là tình cảm,cũng chẳng phải là sự quy phục,hắn muốn quyền lực, muốn thấy con mồi khuất phục, muốn hành hạ cả thể xác lẫn linh hồn.

Và cô biết, nếu cô từ chối, sẽ chẳng ai dám đứng ra thay cô.

Nên cô gật đầu.

Sau đêm đó, trời vẫn không sáng. Những người trong đoàn vẫn bị roi quất vào lưng, vẫn bị bắt quỳ gối và nộp những gì họ có,không gì thay đổi cả, ngoại trừ ánh mắt của họ.

Những ánh mắt từng mong đợi cô, từng hy vọng vào cô... giờ đây đầy ghẻ lạnh. Họ không cần nói gì, bởi ánh nhìn đó đã quá rõ ràng "khinh bỉ..."

Cô thấy họ tránh né mình như thể cô mang bệnh,họ xì xào sau lưng, không buồn che giấu,họ cười nhạt mỗi khi cô ho khan hay ngã xuống vì kiệt sức,họ lấy phần cơm cuối cùng trong tay cô, bảo là vì “cô cũng chẳng cần đến nó nữa”.

Tiểu Kỳ không phản kháng,mắt cô dường như đã thôi ướt, nỗi đau không còn chảy thành nước mắt, nó đông lại trong lòng.

Cô co người trong một góc hẻm núi, nơi đoàn người tạm dừng nghỉ chân,tấm áo bị giật mất từ đêm trước, cơ thể lạnh như sắt vụn trong mưa,mắt cô mở lớn, dán vào khoảng không không hình thù. Câu hỏi trong đầu cứ lặp đi lặp lại, không có hồi đáp.

“Cô đã cứu họ mà...phải không...? Vậy thì tại sao...? Tại sao lại như thế này...?”

Môi cô không còn sức để mấp máy,bàn tay nhỏ bé run rẩy níu vào tảng đá lạnh như mặt người,cơn rét rút cạn mọi thứ, từ sức lực đến hơi thở,thế nhưng, không ai quay lại.

Không một ai hỏi cô lạnh không. Không ai che cho cô tấm áo, dù chỉ là một mảnh rách, một vài người còn cười, họ gọi cái chết của cô là “cái giá phải trả cho kẻ dơ bẩn.”

Gió lùa qua, mang theo tiếng cười nhẫn tâm và cái lạnh buốt thấu tận xương, mắt cô nhắm lại, cuối cùng cũng thoát khỏi cõi đời không còn chỗ cho lòng tốt.

Cái chết của cô không có người khóc.

Chỉ có một vết lõm nhỏ in lại trên nền đất đá lạnh lẽo, nơi một cô gái từng tồn tại, từng hy sinh, từng yêu thương, và rồi bị lãng quên.
 
Sửa lần cuối:

Thanh Hải

Tác giả
Tham gia
22/5/25
Bài viết
63
Điểm cảm xúc
295
Điểm
53
Tập 2 : Quán Ven Đường

"Một quán rượu ven đường.
Một con rối vải biết lặng im.
Và quá nhiều kẻ cô đơn đến tìm một ánh mắt không thật.
Họ không say vì rượu.
Họ say vì chính ảo vọng của mình..."
----
Lão nghệ nhân già mở một tiệm rượu nhỏ ven đường,cả đời lão chỉ biết làm rượu, từng giọt là từng nỗi niềm, từng hơi men là một phần máu thịt,lão ngỡ rằng rượu ngon tự khắc sẽ có người tìm đến,nhưng mãi cũng chỉ có vài ba kẻ lạc đường ghé chân, uống xong lại quên mất lối quay về.

Lão định đóng cửa, gom ít vốn còn lại tìm chỗ nào yên tĩnh mà sống nốt mấy năm cuối,nhưng rồi hôm ấy, lão ghé qua quán rượu ở làng bên, chỗ người ta đồn rằng khách ra vào như trẩy hội.

Quán đông thật, chen chân chẳng lọt,lão ngồi xuống, đặt hai đồng, gọi một ly,rượu nhạt như nước mưa đầu mùa, chẳng có gì đặc biệt,lão nhíu mày không hiểu,mãi đến khi lão bước vào sâu bên trong quán, nơi trung tâm náo nhiệt nhất, lão mới hiểu vì sao.

Ở giữa là những cô gái ăn mặc chẳng còn gì để giấu, từng động tác như vẽ lửa vào mắt bọn đàn ông,mấy gã trai trẻ cười hô hố, vài ông già thì ngồi im thin thít, nhưng ánh nhìn không rời nửa phân,rượu chỉ là cái cớ,cái người ta tìm đến là ảo giác, là da thịt, là cám dỗ.

Lão đứng nhìn hồi lâu,rồi bước đi,không nói gì.

Vài ngày sau, quán rượu của lão đột nhiên có thêm một vị khách đặc biệt,đó là một cô gái,ngồi im một góc,không nói, không cười, chỉ ngồi nhìn ra cửa như chờ ai,mắt nàng đẹp đến lạ, ánh nhìn như xuyên qua người đối diện,môi nàng như thoáng cười, như chẳng bận tâm chuyện gì,khách đến vì nàng.

Nhưng nàng không phải người.

Lão dùng kinh nghiệm cả đời để tạo nên một con rối vải,không phải loại múa rối thường thấy đâu,mà là thứ mang hình hài sống động đến nỗi, nếu không nhìn kỹ, chẳng ai nhận ra được,lão khéo tay lắm, lại còn biết đổi giọng,mỗi khi có người trò chuyện với nàng, lão lại từ góc khuất mà đáp lại, giọng nữ mềm như tơ.

Rồi lão gắn thêm một cái ống nhỏ luồn vào thân rối,khi khách mời nàng một ly, lão điều khiển cho cánh tay nâng ly, rượu đổ xuống, trôi qua ống, chảy về sau quán,lão thu lại tất cả rượu thừa, lọc qua vài lớp, rồi dùng nó pha lại bán cho ngày kế.

Khách đến ngày một đông,họ không say vì rượu, họ say vì nàng,có gã đến năm ngày liền, ngày nào cũng tặng hoa, gọi rượu đắt, ngồi từ sáng đến tối,gã nói gã yêu nàng,gã muốn nàng là của gã,lão từ chối khéo, bảo nàng khó gần, nàng lạnh lùng, nàng không quen ai qua đêm.

Gã không tin,càng bị từ chối, gã càng điên cuồng.

Một hôm, gã cười nhẹ, tay cầm theo một chiếc bình nhỏ.

Gã bảo, "Rượu hôm nay ta tự tay chọn cho nàng."

Nàng nâng ly như thường,rượu chảy xuống, đi theo đường ống cũ,lão ở trong buồng nghe tiếng chảy róc rách, chẳng để tâm.

Ngày hôm sau, lão lọc lại rượu như mọi khi, trộn thêm chút mùi mới, rồi bày ra bàn.

Khách đến, rượu dâng, tiếng cười vang khắp quán.

Cho đến khi người đầu tiên gục xuống,rồi người thứ hai,rồi người thứ ba.

Lão chạy ra, hoảng hốt,cô gái vẫn ngồi đó, ánh mắt trống rỗng, vải vóc thấm đẫm thứ rượu độc.

Lão nhớ lại cái ly hôm qua,nhớ lại gã trai có nụ cười rất nhẹ.

Lão hiểu.

Nhưng đã muộn rồi.

Đều chết. Đều chết hết.

Không phải vì một ly rượu độc.

Mà vì tất cả đều chọn tin vào một điều không thật.
 

Thanh Hải

Tác giả
Tham gia
22/5/25
Bài viết
63
Điểm cảm xúc
295
Điểm
53
Tập 3 : Bát Mì Năm Đó

"Nếu ai cũng chỉ giúp người khi biết chắc mình sẽ được đền đáp, thì hẳn đã chẳng có gì để kể lại giữa đêm ba mươi lạnh lẽo năm ấy..."
-----

Ở đầu thôn, vừa mới dựng lên một quán mì nhỏ. Mái tôn cũ lợp vội, mấy tấm ván ghép làm vách, đơn sơ nhưng ấm cúng lạ. Chủ quán là cặp vợ chồng son mới cưới được chừng một tháng. Vừa qua ba ngày cưới, họ đã khăn gói dựng quán. Cả họ đều trầm trồ: vợ chồng gì mà chí thú làm ăn sớm thế!

Ngày đầu mở quán, khách vắng hoe, chỉ vài ba người. Nhưng ai từng ghé một lần rồi cũng sẽ quay lại. Không chỉ vì hương vị tô mì thơm nồng trong gió chiều, mà bởi cái cách hai vợ chồng trẻ luôn cười, luôn nhiệt tình, đôi mắt họ lúc nào cũng ánh lên hạnh phúc. Người ta thương cái hiền, cái thật. Vậy là tối nào cũng có người ngồi lại, trò chuyện, ăn xong rồi buông vài lời chúc dễ thương.

Mỗi đêm, khi khách đã về hết, họ gom từng đồng lẻ, đếm từng tờ tiền còn thơm mùi mực. Chẳng nhiều nhặn gì, đôi lúc chỉ lời được mấy nghìn. Nhưng với họ, thế là đủ để mỉm cười hạnh phúc.

Gần Tết, quán bắt đầu đông hơn. Giá cả vật liệu tăng vùn vụt. Họ bàn nhau mãi, rồi mới quyết định tăng giá một tô mì lên ba mươi ngàn. Không nhiều, nhưng khiến họ ngập ngừng lắm. Sợ người ta nghĩ mình tham. Thế mà khách vẫn vui vẻ trả, còn trấn an: “Chỗ khác Tết này tăng giá gấp đôi rồi!”

Tối ba mươi Tết. Quán đông nghịt. Tiếng chào hỏi râm ran. Cả ngày hôm đó, hai vợ chồng gần như không ngơi tay. Đến gần mười một giờ đêm, khi dòng người bắt đầu thưa thớt, họ mới thở phào định dọn dẹp. Bỗng nghe đâu đó từ ngoài cửa, có tiếng động khẽ khàng – âm thanh đói bụng khẽ vang lên, như lời thì thầm trong gió lạnh.

Ngoái nhìn ra, họ thấy ba mẹ con đứng nép bên hiên. Người mẹ ôm hai đứa trẻ, quần áo lấm lem, tóc tai rối bời. Bọn trẻ gầy gò, đôi mắt tròn ngước nhìn vào trong, đầy thèm khát và chần chừ.

Người chồng vẫy tay:
– Vô đây ăn mì đi chị. Giờ này còn sớm mà!

Ba mẹ con ngần ngại một lúc lâu rồi mới bước vào. Người mẹ lôi từ túi áo ra một tờ tiền hai mươi ngàn cũ kỹ, góc đã cháy sém. Đưa cho anh chồng, chị nói khẽ, như sợ lời nói của mình làm rơi mất sự tự trọng mong manh cuối cùng.

– Chú coi… tờ này còn ăn được không… một tô nhỏ thôi cũng được. Nay Tết rồi, cũng là sinh nhật tụi nhỏ… Mình không có gì, tụi nó muốn được ăn mì... không thịt cũng được, chỉ mì thôi cũng mừng.

Câu nói gãy khúc. Mắt người mẹ hoe đỏ. Hai đứa nhỏ thì chỉ ngồi im, nhìn lom lom vào nồi nước lèo đang bốc khói, như thể đó là điều kỳ diệu nhất trong năm.

Người vợ lặng đi. Chị quay vội vào bếp, toan làm ba tô mì nhỏ. Nhưng anh chồng bước đến, ngăn lại. Không nói không rằng, anh đi thẳng ra sân sau, lấy cái tô to nhất quán – cái tô chỉ dùng để chan nước lèo. Anh bỏ mì đầy tràn, thịt dày, nước nóng hổi đến tận mép bát. Rồi đặt tô lên bàn, nhẹ nhàng.

– Một tô thôi. Nhiều hơn cả ba cộng lại. Làm vậy họ không ngại.

Người mẹ định nói gì đó, nhưng rồi thôi. Chị chỉ cúi đầu, đôi mắt đỏ hoe. Hai đứa nhỏ thì hì hụi ăn. Chúng thề là chưa bao giờ được ăn gì ngon đến vậy. Vị ngọt của nước lèo, vị đậm của thịt, cái ấm của mì giữa đêm cuối năm – tất cả hòa quyện như một giấc mơ mà chúng không muốn tỉnh.

Ăn xong, người mẹ lặng lẽ đứng dậy. Không một lời cảm ơn, chỉ cúi gập người, cúi rất thấp. Hai đứa nhỏ chẳng hiểu vì sao mẹ làm thế, nhưng cũng bắt chước làm theo. Rồi họ rời đi, bóng khuất dần trong màn đêm lặng lẽ.

Từ đó, cứ mỗi đêm ba mươi Tết, gần mười một giờ đêm, người chồng lại lặng lẽ thay cái bảng giá. Gác bảng ba mươi ngàn xuống, dựng lại bảng cũ – hai mươi ngàn một tô. Cặp vợ chồng không nói gì, chỉ nhìn nhau cười. Và dõi mắt về góc tối trước hiên quán.

Năm nào cũng vậy. Ba mẹ con lại đến. Nhưng giờ hai đứa nhỏ đã lớn hơn, gương mặt đầy đặn, áo quần sạch sẽ hơn. Vẫn chỉ gọi một tô. Vẫn là cái tô to ngày trước. Vẫn cúi đầu thật sâu khi rời đi. Và vợ chồng chủ quán vẫn nhìn theo, vẫn dõi mắt cho đến khi bóng họ tan vào đêm.

Năm thứ ba, họ không đến. Hai vợ chồng đợi đến khuya, đèn trong quán đã mỏi, chỉ còn ánh trăng vắt ngang. Người chồng khẽ lắc đầu, nói nhỏ: “Chắc họ bận...”

Rồi thời gian cứ thế trôi. Mười năm. Hai mươi năm. Quán mì giờ đã thành nổi tiếng khắp vùng. Người ta tìm đến không chỉ vì hương vị, mà còn vì chuyện kể bên bàn cũ – nơi không ai từng thấy có người ngồi, nhưng luôn sạch sẽ, như có ai đó lau mỗi đêm.

Tối ba mươi năm nay, như thường lệ, gần mười một giờ, người chồng lại thay bảng giá cũ. Vợ chồng họ vẫn dõi mắt sang cái góc tối ấy. Nhưng lần này, có một chiếc xe hơi dừng trước quán. Hai người thanh niên bước vào. Ăn mặc bảnh bao. Lịch sự. Họ không nói gì, chỉ nhìn chăm chăm vào chiếc bàn cũ, rồi bỗng rưng mắt.

Lúc ấy, vợ chồng chủ quán mới nhận ra. Là hai đứa nhỏ năm nào. Giờ đã trưởng thành.

Người anh nói khẽ:

– Mẹ tụi con mất năm đó rồi. Năm thứ ba. Bệnh lâu lắm… Sau đó, hai anh em tản mát, nhưng may mắn được người giúp đỡ. Hôm nay tụi con quay lại, như mẹ từng mong.

Họ gọi hai tô mì. Ăn rất chậm. Như muốn giữ lại từng thìa, từng sợi mì, như thể tìm lại thời khắc ấm áp cuối cùng bên mẹ. Ăn xong, họ cúi đầu thật sâu – không còn như đứa trẻ bắt chước năm xưa, mà là cúi đầu của người đã hiểu.

Rồi họ rời đi, không một lời. Vẫn ánh mắt dõi theo quen thuộc.

Người vợ dọn bàn như thường lệ. Nhưng khi nhấc cái tô đi, chị khựng lại. Dưới đáy bát là một phong bì dày cộm. Xấp tiền mới tinh. Không đếm được là bao nhiêu, chỉ biết nhiều đến độ tay chị run lên. Trong phong bì có một mẩu giấy, dòng chữ nguệch ngoạc viết vội, mực nhòe vì nước mắt:

Mẹ tụi con từng nói: “Bát mì hôm đó là cái nghĩa, là cái tình.”
Lúc đó tụi con còn nhỏ, không hiểu.
Nhưng lớn lên rồi, đi qua bao nhiêu nơi, gặp bao nhiêu người, tụi con mới biết…
Cái bát mì năm ấy… lớn đến mức nào.
Cảm ơn cô chú. Cảm ơn vì đã cho tụi con một đêm Tết được làm người có hạnh phúc.
 
Top