Lượt xem của khách bị giới hạn

[Hiện đại] Kính Lệch, Tim Xao Xuyến

[Hiện đại] Kính Lệch, Tim Xao Xuyến
Tham gia
15/5/25
Bài viết
4
Điểm cảm xúc
38
Điểm
3
Trang Nhật Ký Viết Vội
KÍNH LỆCH, TIM SAO XUYẾN
kinh can.jpg

Tác giả: Kính cận
Thể loại: Tùy bút, nhật ký
Số chương: Chưa rõ
Tình trạng: Đang tiến hành
Link thảo luận: https://forum.aatruyen.vn/threads/kinh-lech-tim-xao-xuyen-kinh-can.1312/
Văn án: Gắn bó với chiếc kính cận từ năm lớp hai, Tuấn Kính đã trải qua một hành trình trưởng thành đầy màu sắc và cảm xúc. Đôi kính không chỉ giúp cậu nhìn rõ thế giới mà còn là người bạn đồng hành chứng kiến những buổi học, những trò đùa tinh quái, những rung động đầu đời và cả những cuộc chia ly bất ngờ. Cùng với nhóm bạn thân My “kính tròn”, Béo Địa, Hải “sát phạt” và Tùng tóc dựng, Tuấn đã có những năm tháng học trò đáng nhớ, nơi tiếng cười và những khoảng lặng sâu lắng cùng tồn tại, giúp cậu soi tỏ chính mình.
Đây là tác phẩm đầu tay của tôi, mong mọi người đón nhận, góp ý.

 
Sửa lần cuối:
Tham gia
15/5/25
Bài viết
4
Điểm cảm xúc
38
Điểm
3
Chương 1.
Cái ngày định mệnh ấy, khi thế giới bỗng dưng quyết định chơi trò ú tim với tôi, là một buổi trưa tháng Tư oi nồng của năm lớp Hai. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác cằm tì nặng trịch lên mặt bàn gỗ sần, mắt đăm đăm nhìn lên tấm bảng đen bóng. Và rồi, như một trò đùa của tạo hóa, tấm bảng cũng... nhìn lại tôi. Không phải bằng ánh mắt nghiêm nghị của cô giáo, mà bằng một mớ hỗn độn nhòe nhoẹt, tựa như ai đó vô tình vẩy một chén nước mắm đậm đặc lên từng con chữ. Dòng chữ “Tiếng Việt: Tập làm văn” mà cô nắn nót viết, trong mắt tôi bỗng hóa thành một thông điệp kỳ lạ: “Tiếng vịt: Tắm làm ván”.

Ba tôi, với sự lạc quan cố hữu, phán một câu xanh rờn: “Thằng này lười học, nhìn chữ nào cũng thấy ngán đây mà!” Nhưng má thì khác. Linh cảm của một người mẹ không bao giờ sai. Ngay lập tức, bà dắt tôi đến gặp bác sĩ mắt. Kết luận được đóng dấu chắc nịch: Cận 1.5 độ. Chưa hết, con mắt trái còn được “khuyến mãi” thêm một “cô bạn đồng hành” mang tên “loạn thị”.

Tôi chẳng hiểu “loạn thị” là cái giống gì, chỉ biết con mắt trái từ đó trở thành một kẻ phản bội đích thực. Nó khiến tôi viết sai con số 1 thành số 7, gọi nhầm tên đứa bạn thân thành tên đứa mình ghét cay ghét đắng. Đặc biệt, trong trò trốn tìm, tôi luôn là kẻ thua cuộc thảm hại, bởi thế giới phía trước chỉ là một màn sương mờ ảo, chẳng rõ hình thù đứa nào đang nấp sau gốc cây hay bờ tường.

Và thế là, tôi làm bạn với kính.

Chiếc kính đầu tiên đời tôi mang một màu đỏ sậm, với cái viền to tròn như chiếc bánh donut phủ đường. Nó rõ ràng là một “kẻ ngoại lai” trên khuôn mặt tôi, bởi mỗi lần tôi chạy nhảy hay chỉ đơn giản là cúi xuống nhặt cây bút chì, nó lại trượt một đường dài xuống tận chóp mũi. Thỉnh thoảng, trong vô thức, tôi lại đưa ngón tay trỏ lên đẩy gọng kính, một điệu bộ “mọt sách” kinh điển mà tôi hay thấy trong mấy cuốn truyện tranh Nhật Bản.

Khỏi phải nói, đám bạn cùng lớp được dịp cười nghiêng ngả. Chúng nó ưu ái đặt cho tôi biệt danh “Tuấn Kính”. Không phải vì tôi đeo kính đâu, mà vì mỗi lần tôi đẩy gọng kính, khuôn mặt tôi lại nhăn nhúm y hệt bà ngoại mỗi khi cơn đau răng hành hạ. Trong mắt lũ bạn tinh nghịch, tôi chẳng khác nào một ông cụ non ba mươi tuổi đang cố gắng “cưa sừng làm nghé”, giả dạng làm một cậu học trò ngây thơ.

Đã có lúc, tôi căm ghét chiếc kính ấy đến tận xương tủy. Tôi đã từng mơ mộng đến viễn cảnh ném phăng nó vào sọt rác, hoặc giấu biệt nó dưới gầm giường, mặc kệ cho thế giới có nhòe nhoẹt đến đâu. Nhưng rồi, mọi thứ đã thay đổi… vào một buổi sáng đầu thu, khi bầu trời khoác lên mình chiếc áo xám bạc và tiếng chim én lạc đàn khẽ gọi mùa.

Đó là ngày đầu tiên tôi bước chân vào ngôi trường cấp hai, một thế giới hoàn toàn xa lạ. Tôi ngơ ngác đứng giữa sân trường rộng lớn, cảm giác như một chú gà con vừa lạc mẹ giữa phiên chợ đông. Và rồi, một giọng nói trong trẻo vang lên từ phía sau, kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ miên man:

— Ê, cậu ơi… kính lệch kìa!

Tôi giật mình quay lại.

Trước mắt tôi là một cô bé có mái tóc ngang vai mềm mại, khuôn mặt tròn bầu bĩnh và đôi mắt cũng được “trang điểm” bằng một cặp kính. Nhưng khác hẳn với “chiếc bánh donut” của tôi, kính của cô ấy nhỏ nhắn, thanh mảnh, gọng kính sáng bóng và mặt kính trong veo. Cô ấy tựa như một “quý tộc kính cận” vừa bước ra từ một câu chuyện cổ tích, còn tôi, chỉ là một gã “du mục” lôi thôi vừa lạc vào thế giới của những người văn minh.

Cô bé không đợi tôi kịp phản ứng, nhẹ nhàng bước tới, bàn tay nhỏ xinh khẽ đưa lên chỉnh lại chiếc kính đang nằm xô lệch trên sống mũi tôi. Rồi cô ấy thì thầm, giọng nói như tiếng gió thoảng qua:

— Cậu đeo kính trông cũng… dễ thương đấy chứ!

Dứt lời, cô ấy nở một nụ cười. Một nụ cười có sức mạnh diệu kỳ, đủ để làm tan chảy mọi lớp băng giá, đủ để khiến cặp kính trên mắt tôi bỗng dưng mờ đi trong tích tắc, dù chẳng hề có một chút hơi nước nào.

Tôi đứng như trời trồng. Trong khoảnh khắc ấy, tôi quên bẵng đi khuôn mặt đang nhăn nhó của mình, quên luôn cả việc mình đang đứng trước cửa lớp mới, trong tiết học đầu tiên của một năm học đầy bỡ ngỡ.

Cô ấy tên My.

Và từ hôm đó, tôi bắt đầu yêu việc đeo kính mỗi ngày. Không phải vì con mắt trái nổi loạn, mà vì một nhịp đập khẽ khàng, ấm áp nơi lồng ngực bên trái. Chiếc kính không còn là gánh nặng, mà trở thành một phần kỷ niệm, một nhân chứng cho rung động đầu đời trong veo như mặt kính của My.
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
15/5/25
Bài viết
4
Điểm cảm xúc
38
Điểm
3
Chương 2 .
Tháng Tám năm 2011. Trường tôi khai giảng sớm hơn hẳn các trường khác trong huyện. Lý do, theo lời thầy hiệu trưởng trong buổi chào cờ đầu tiên, là vì trường bắt đầu “học chương trình cải cách mới”. Cải cách cụ thể ra sao thì lũ học trò chúng tôi đứa nào tỏ tường, chỉ biết đám bạn hàng xóm vẫn còn đang thả diều ngoài đồng, đá bóng trên bãi cỏ ven đê, còn tôi thì đã phải nghiêm chỉnh ngồi trong lớp, nghe cô chủ nhiệm lớp 5A của chúng tôi đang giảng giải về “Giảm tải sách giáo khoa”.

Sáng đầu tuần ấy, trời trong veo, nắng vàng dịu chứ không gắt gỏng. Ngoài sân trường, vài chiếc lá bàng cuối mùa khẽ chao nghiêng rồi đáp xuống mặt đất, đủ để mùi nắng hanh hao quyện với mùi bụi phấn quen thuộc len vào không gian, gợi lên một cảm giác vừa thân thương vừa bâng khuâng. Tôi chống cằm, cố rướn người từ dãy bàn cuối lớp, nheo mắt nhìn lên tấm bảng đen qua cặp kính đã trầy xước một bên tròng trái. Mắt tôi cận từ hồi lớp Hai, nhưng ba má bảo: “Chừng nào gọng nó gãy hẳn thì mới cho thay kính mới”. Thế nên, tôi đã phải nâng niu cặp kính này như một thứ bảo vật vô giá – cho đến tận cái buổi sáng định mệnh ấy.

Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, đúng lúc tôi đang cặm cụi xé một mẩu giấy nhỏ từ trang vở để chơi cờ caro với thằng Duy “lác” ngồi bàn trên, thì bạn My – lớp phó học tập xinh xắn – bất ngờ quay xuống.
— Tuấn ơi, cho mình mượn cây bút màu xanh một lát nhé.
Tôi giật bắn người, ngẩng lên mà tim đập nhanh hơn một nhịp. My là người duy nhất trong lớp này mà mỗi khi nói chuyện, tôi đều không dám nhìn thẳng vào mắt bạn ấy. Tôi quýnh quáng tìm cây bút trong hộp, tay chân vụng về va phải cạnh bàn, rồi... “Rắc!” một tiếng khô khốc. Chiếc kính trượt khỏi vành tai, rơi thẳng xuống nền gạch hoa. Một bên tròng kính nứt toác làm đôi. Khoảnh khắc ấy, tôi như chết lặng. Một bên mắt vẫn còn nhìn thấy My, rõ đến từng lọn tóc mai mềm mại, còn bên kia chỉ là một khoảng không gian lấp loáng ánh sáng và... sự ngượng ngùng đến đỏ mặt của chính tôi. My vội cúi xuống, nhặt chiếc kính vỡ đưa lại cho tôi, miệng mím chặt, giọng lí nhí:
— Xin lỗi Tuấn nha, tại mình gọi nên bạn mới giật mình...
Tôi chỉ biết lắc đầu, cổ họng nghẹn lại không nói được lời nào. Lần đầu tiên sau ba năm ròng rã làm bạn với cặp kính cận, tôi cảm thấy mình... trần trụi và yếu đuối đến lạ.

Suốt buổi học hôm đó, tôi phải nheo một mắt, cố gắng luận từng con chữ trên bảng đen mờ mịt như đang giải mật mã. Thi thoảng, My lại kín đáo chuyền xuống một mảnh giấy nhỏ ghi vội bài giảng. Tôi chỉ dám liếc nhanh, gượng cười cảm ơn rồi lại cắm cúi, mặt nóng ran. Tiếng trống ra chơi vang lên như một sự giải thoát. Nhưng thay vì ùa ra sân như mọi khi, tôi chọn ngồi lại một mình trong lớp. Chiếc kính gãy nằm chỏng chơ trên mặt bàn, như một lời nhắc nhở cay đắng: “Đã bảo đừng có mơ mộng linh tinh khi đang học Toán rồi mà !”

Ngay sau đó, thầy chủ nhiệm tươi cười bước vào lớp, tay dắt theo một bạn nữ còn khá rụt rè. Bạn ấy có mái tóc đen nhánh, dài ngang vai, được buộc gọn gàng hai bên, trông tựa đôi tai thỏ xinh xắn. Điểm đặc biệt nhất trên gương mặt nhỏ nhắn bầu bĩnh ấy là một cặp kính gọng tròn xoe, to đến nỗi tôi có cảm giác như bạn đang đeo hai cái nắp lọ tương ớt lên mắt vậy. Thầy cười hiền, giọng ấm áp:
— Giới thiệu với cả lớp, đây là bạn Bích, học sinh mới chuyển từ trường trên thị xã về. Từ hôm nay, Bích sẽ ngồi cạnh em Tuấn Kính nhé!
Cả lớp chợt “Ồ” lên một tiếng rồi cười khúc khích. Không phải vì sự xuất hiện của cô bạn mới đâu , mà vì thầy vừa gọi tôi là “Tuấn Kính”. Cái biệt danh trời đánh mà tôi đã cố gắng chối bỏ, lờ đi suốt ba năm qua. Tôi liếc nhanh lên tấm bảng tên tự làm bằng giấy bìa cứng dán ở góc bàn: "Nguyễn Văn Tuấn". Nhưng cũng chẳng ích gì. Lớp tôi có tới ba thằng Tuấn : Tuấn “Ròm” vì nó cao nhẳng gầy tong teo, Tuấn “Xoăn” vì mái tóc nó lúc nào cũng xoăn tít như mì gói, và cuối cùng là tôi. Biệt danh là thứ không thể nào tránh khỏi ở cái lớp này.

Bích nhẹ nhàng bước đến, kéo chiếc ghế trống bên cạnh tôi rồi ngồi xuống, cử chỉ rất ý tứ. Bạn mở cặp lấy sách vở, đoạn quay sang nhìn tôi bằng đôi mắt to tròn sau cặp kính ngộ nghĩnh:
— Chào bạn, bạn cũng đeo kính hả?
Tôi gật đầu lia lịa, tay chỉ vào chiếc kính đã nằm bẹp dúm trên bàn:
— Ừm... nhưng hôm nay kính mình được “nghỉ phép đột xuất” rồi…
Bích nhìn xuống chiếc kính gãy, rồi lại nhìn lên mắt tôi, khẽ nói:
— Mắt bạn trông mệt mỏi quá. Mai nhớ đi thay kính nha. Tôi lí nhí cảm ơn, tim đập thình thịch. Lòng rối như tơ vò, nhưng kỳ lạ thay, một niềm vui nho nhỏ len lỏi trong tôi, dù một bên mắt vẫn còn nhức và trán thì ê ẩm vì phải nheo quá nhiều.
Giờ ra chơi hôm ấy, khác hẳn với sự im lặng của tôi lúc trước, Bích chủ động rủ tôi xuống góc sân sau – nơi có cây phượng già rợp bóng và chiếc ghế đá cũ kỹ đã loang lổ màu sơn.
— Mình có một ý tưởng này hay lắm, nhưng bạn phải hứa là không được cười mình nghen.
Tôi tò mò gật đầu. Bích liền rút từ trong chiếc cặp vải của bạn ấy ra một cuốn sổ tay nhỏ xinh, bìa màu đỏ thắm, có hình vẽ hai cặp kính đang cười toe toét rất ngộ.
— Mình muốn lập một hội bí mật. Gọi là “Hội Kính Cận ”. Tạm thời hội chúng ta chỉ có hai thành viên là mình với bạn thôi. Điều kiện tiên quyết để gia nhập là phải đeo kính, ai không đeo kính thì không được tham gia!
Tôi không nhịn được, bật cười thành tiếng:
— Nghe hay đó! Vậy… hội của tụi mình sẽ làm gì?
Bích hắng giọng, vẻ rất nghiêm túc:
— Chúng ta sẽ cùng nhau ghi lại tất cả những điều thú vị mà tụi mình quan sát được qua lăng kính của riêng mình. Mình sẽ gọi nó là “Nhật ký sau tròng kính”. Biết đâu sau này cuốn nhật ký này lại trở thành một cuốn sách best-seller, ai muốn đọc cũng phải đeo kính vào mới thấu hiểu được những điều tuyệt vời trong đó!
Bạn ấy nói bằng một giọng quả quyết và đầy tin tưởng, đến mức tôi không dám… không tin vào điều đó. Khi Bích trao cuốn sổ cho tôi, bạn trịnh trọng tuyên bố:
— Đây, bạn giữ cuốn sổ này nhé. Bạn sẽ là Phó Chủ tịch Danh dự của Hội!
— Vậy còn bạn thì sao? – Tôi hỏi.
— Mình á? Mình đương nhiên là Chủ tịch Hội rồi! Ý tưởng này là do mình nghĩ ra mà!
Cả hai chúng tôi cùng cười vang dưới bóng cây phượng già. Ánh nắng ban trưa tinh nghịch xuyên qua từng kẽ lá, nhảy múa trên mặt đất, tạo thành những vệt sáng tối loang lổ, hệt như hình ảnh hai đứa trẻ đang ngồi cạnh nhau, mơ mộng về một thế giới diệu kỳ chỉ có… kính cận và những trang sách thơm mùi chữ nghĩa.
 
Sửa lần cuối:
Top