Lượt xem của khách bị giới hạn

|Tập Tản Văn| - Những Lá Thư Không Bao Giờ Gửi

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.
|Tập Tản Văn| - Những Lá Thư Không Bao Giờ Gửi
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Bức thư thứ mười chín:
Gửi cho những linh hồn mạnh mẽ!


Sài Gòn, ngày ... tháng ... năm ...

Gửi cho những linh hồn mạnh mẽ!

Người ta thích xương rồng, đơn giản vì nó mạnh mẽ và gai góc, chẳng dễ dàng tổn thương. Tôi thích xương rồng, vì tôi thấu hiểu được cảm giác phải tự bảo vệ lấy mình, cái tôi yêu chính là sự yếu đuối chẳng bao giờ cho người ta thấy của nó.

Tôi thích hoa dại, không chỉ vì ý chí kiên cường và mạnh mẽ từ nó, mà còn vì tôi thấu hiểu được cảm giác phải tự dựa vào bản thân mà sinh tồn, không phụ thuộc, không ỷ lại, càng không phải vì tác động bên ngoài mà gục ngã.

Năm tháng xoay vần, cái người ta thấy chính là sự đổi thay từ vạn vật, những sinh linh muôn màu muôn vẻ, khoát lên trên mình một vẻ ngoài sáng bóng, đẹp đẽ và kiêu sa. Cứ thế, đến một ngày, rồi người ta cũng sẽ quên đi bản chất ban đầu của nó...

Nếu ví bản thân tôi như một loài hoa nào đó, thì hẳn có lẽ là Xuyến Chi. Ít người biết đến loài hoa này mang một ý nghĩa khác ngoài sự cô độc, đó là duy nhất.

Truân qua không ít gian lao, sắc trắng muôn đời chẳng bao giờ thay đổi, cũng chẳng nhầm lẫn với bất kì loài hoa nào. Xuyến Chi không nhiều màu sắc như hoa Hồng, cũng chẳng có hương thơm mặn mà như loài Cúc, càng chẳng đẹp điệu đà như nàng Lyly... có lẽ bởi vì thế, nên một Xuyến Chi hoang dã và giản dị lại là một loài hoa riêng biệt.

Trong một lần tình cờ, tôi được chứng kiến khoảnh khắc hoa Xuyến Chi nở rộ trên một khe đá, đá cuội cứng cáp vùi trên một lớp đất cát vụn, một môi trường gần như không có sự sống... giây phút ấy, dường như tôi đã cảm thấy lòng mình rung động.

Cho dù sau đó không lâu cành hoa ấy nhanh chóng tàn lụi, nhưng sức sống mãnh liệt ấy dường như đã chuyền ngọn lửa đó vào lòng tôi... nhỏ thôi, nhưng lại dường như có thể thiêu rụi cả một linh hồn lạnh lẽo.

Có người bạn hỏi tôi, nếu thích một Xuyến Chi riêng biệt như thế, sao lại thêu trên túi thơm một hoa Xuyến Chi màu đen, tôi liền cười và bảo, bởi vì nó vốn là duy nhất.

Người bạn ấy không hiểu, và tôi cũng không muốn cho bất kì ai thấu hiểu. Dù cho... có lúc họ sẽ nghĩ tôi điên khùng.

Từ bóng dáng loài hoa ấy, dường như khiến tôi chạm đến một quá khứ bi thương. Người của nhiều năm trước là người tôi kính yêu nhất, mãi cho đến sau này vẫn thế, dẫu cho người đã đến một nơi rất xa, thì người, vẫn là duy nhất, duy nhất đối với tôi!

Có lúc tôi như một loài xương rồng, sống trong sự kì vọng và tin tưởng của người khác, nhưng, tôi cũng rất sợ cái cảm giác ấy, tôi không nỡ làm người khác thất vọng, rằng thì có lúc họ vô tâm, họ đặt niềm tin đến mức cho rằng việc tự bản thân tôi chống chọi là điều hiển nhiên. Và có lẽ vì bản thân che giấu quá kĩ, cho nên, trong một khoảnh khắc nào đó bản thân tôi cũng tự nhận định rằng không gì là không thể vượt qua.

Sóng dẫu to, nhưng bờ cát chưa bao giờ rời khỏi biển.

Hoàng hôn chớm tàn, nhưng nó vẫn sẽ đến với bầu trời ngày sau đó.

Chỉ là... một ngọn gió, truân qua rất nhiều nơi, chạm qua vạn vật trên đời này, tất thảy, lại chẳng ai biết điểm bắt đầu và kết thúc của nó ở đâu...

***

Ở một nơi nào đó

Giữa thế giới muôn màu muôn sắc này

Có một loài hoa, loài hoa bất diệt

Sắc trắng phủ chân trời, màu vàng xuyên ánh mắt

Người có nhớ không, giữa biển trời ấy

Người có nhớ không, trên ngọn đồi ấy

Có một loài hoa đơn côi

Mạnh mẽ mà cô độc, sống trong cuộc đời sôi nổi

...

Người có nhớ không, tháng năm đã qua rồi

Nhưng thời gian chẳng phai mờ hoa sắc ấy

Tinh khiết và cao thượng

Người ơi, có nghe không?

Gió đang hát và gọi tên người đấy!

Hoa cũng ngại ngùng, vẫy cành lá vu vơ

...

Cũng trong đêm cuối mùa xuân ấy

Người có nhớ không

Đóa hoa ấy đã chết rồi!

Người có nhớ không...

***


Tôi lại quên tưới nước cho chậu xương rồng, có lẽ là ỷ vào sức sống của nó mạnh mẽ, ta lại quên đi mất nó vẫn cần những điều mà những loài cây khác vẫn cần, chỉ là ít hay nhiều mà thôi. Con người cũng vậy, muốn mạnh mẽ đấy, nhưng lắm lúc, họ cũng cần có một bờ vai sẻ chia và an ủi.

Nhưng, có lẽ, một Xuyến Chi cao ngạo và cô độc này, từ lâu đã chẳng cần một điểm dựa nào trong đời của mình nữa... bởi, quen rồi!

9/12/2018, Hoài Thu
 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Bức thư thứ hai mươi:
Gửi những con người mơ đêm!

Trong một đêm tĩnh lặng như thế này, tôi chợt muốn viết một điều gì đó cho chính mình.

Vốn dĩ sự vật trên đời này đều vạn biến, muốn dò đoán xem điều gì sẽ thay đổi trong cuộc đời mình là quá khó. Có lúc tôi vẫn tự nhủ rằng, cứ sống hạnh phúc từng giây trôi, không cần phí một giây cho sự do dự, hay một phút cho sự suy tư, hoặc hàng giờ cho việc lo sợ những thứ chẳng bao giờ dự đoán được. Cố sống tốt từng ngày, mọi điều tồi tệ rồi sẽ đến, và rồi sẽ qua, chỉ là, việc bản thân có thể toàn vẹn để trở ra khỏi thế giới như chiến trường này hay không lại là điều khó nói.

Giống như một viên đá cuội giữa đầu nguồn suối, vốn dĩ đã định sẵn cho nó một cuộc đời phải sống trong sự bào mòn và áp lực, nhưng giây tiếp theo, nếu nó có thể buông bỏ sự nặng nề và do dự, biết đâu khi xuôi mình theo dòng nước nó sẽ tìm được nơi thật sự mà nó nên thuộc về. Nhưng, có dù nó có mạnh mẽ và ý chí kiên cường thể nào, nó vẫn không cách nào trở thành một hạt cát, mà chỉ có thể gồng mình chống chọi với dòng suối kia, đơn giản vì từ lúc sinh ra nó đã định là đá, bản chất của nó luôn là nhẫn nại và bắt buộc phải kiên cường...

Tôi chẳng lo âu về một ngày mai chẳng bao giờ biết đến, mà chỉ e sợ những hồi ức từ quá khứ quá nhiều, nhiều đến mức có lúc tôi cho rằng bản thân một ngày nào đó sẽ bị nổ tung, từng mảnh kí ức vỡ vụn, và rồi tan biến.

Không có hồi ức, không biết tương lai, thực tại lại trở nên trống rỗng, ta nên làm gì để bù đắp lại khoảng rộng mênh mông đó đây.

Trước kia có rất nhiều người nói tôi cố chấp, lại cứng đầu, thật ra, đó chỉ là do bản thân tôi quá kiên định với điều mình nghĩ, những việc mình làm, kiên trì đến mức cố chấp, chẳng thà thân đày xác đọa của không chịu buông tay thỏa hiệp. Nhưng... càng lớn, dường như những thứ tôi muốn cố chấp giữ lấy rất nhiều, nhưng dũng khí để nắm chặt lại càng ít đi.

Có lẽ, việc phải bắt đầu với một cuộc sống mới quá khó khăn, và dường như đã vượt qua tầm kiểm soát, cho nên, giờ phút này tôi vẫn mãi do dự, một là lựa chọn con đường bình phàm mà tôi luôn khao khát, hai là nhắm mắt sa vào bóng đêm mà tôi đã từng rất ghét.

Phải, khi người ta lớn lên, những điều trước kia ghét bỏ lại trở thành mục tiêu phải đạt được.

Mọi sự đều có hai mặt, như một lưỡi dao hai đầu, càng cố ép thì tổn thương càng sâu, nhưng nếu buông lơi thì chẳng còn bất cứ cái gì cả.

Trong thoáng chốc khi buộc mình lựa chọn, tôi lại có cảm giác, cứ như thế này mãi thật tốt, mặc cho định số, cho dù tôi không tin vào trời đất, nhưng tôi tin vạn vật biến chuyển đều theo quỹ đạo, mất cái này thì sẽ có cái khác thay thế vào, dù chẳng ai đảm bảo rằng đó là tốt hay xấu.

Trước kia tôi rất thích sưu tập bướm, mỗi trưa đều trốn cha mẹ đi bắt bướm, mỗi loại bị tôi bắt được đều bị ép khô rồi dán vào một chiếc hộp, lúc ấy chỉ cảm thấy thật vui vì đã làm được điều mình thích, nhưng nhân đã gieo, và cái giá tất nhiên chẳng bao giờ là rẻ.

Sau đó tôi lại bắt đầu sưu tập hình ảnh, dường như mỗi nơi tôi đặt chân đến đều được lưu dấu lại, cuối cùng thì được một quyển album, và hầu hết, những bức ảnh đều kèm theo một chiếc lá khô hay một cành hoa khô được ép cùng, tựa như một vết tích tồn tại khi tôi bước đến nơi này.

Sau đó nữa, tôi nhận ra hình ảnh chỉ là một phong cảnh vô tri, không cách nào thể hiện được tâm tình của người du khách, thế là tôi bắt đầu học viết lách, từ tản văn nhẹ nhàng đến dăm ba câu đối họa, và có khi tùy hứng, tôi sẽ phóng tác một bài thơ, có thoảng viết lên lá rồi thả theo dòng suối, chợt thấy đợi cứ thế trôi qua cũng không tệ chút nào.

Sau này của sau này nữa, tôi lại nhận ra, thật ra chẳng cần đi đâu xa, bởi xung quanh chúng ta đã có rất nhiều cảnh đẹp, những nhân tố góp phần cho cuộc đời thêm sinh động không chỉ là thiên nhiên mà là con người, ví như bà lão nhằm võng đung đưa cạnh nhà hay hát hí khúc vào mỗi chiều tà, hay ông lão từ canh ngôi Đình bên cạnh, lâu lâu lại nghe thấy tiếng trẻ con nô đùa hòa cùng tiếng chuông giáo thánh, lung linh mà rung động; hoặc như cô bán bánh đầu đường, mỗi sớm nghe tiếng gà gáy đã mon men nghe tiếng cô rao bán, kèm một vài tiếng thoát nước của nhóm nhân công, hay tiếng trống đầu giờ của ngôi trường tiểu học bên cạnh,... thật ra, cho dù là hình ảnh, âm thanh, lời nói hay suy nghĩ cũng chẳng cách nào diễn tả hết được điều kì diệu nhỏ nhoi trong khoảnh khắc này.

Và có lẽ vì thế, nên trước khi tôi kịp suy nghĩ đã điền nguyện vọng một vào ngành báo chí. Cho đến bây giờ tôi không biết mình có lựa chọn đúng hay không, nhưng, ít ra đến thời điểm hiện tại tôi vẫn chưa từng hối hận.

Con người là thế, vu vơ mấy bận cõi lòng, rồi thì cũng hóa hư không vào một ngày nắng gắt, bỏ qua cơn mưa ưu tư, bỏ qua gió lạnh đông về, tận hưởng rồi, lại cũng về với nhịp sống chơi vơi...

Hửng sáng rồi, khi những con người lại vùi đầu cho một ngày mới, thì tôi... lại thưởng cho mình một giấc ngủ thật sâu.

Đêm nay, lại chẳng dài như tôi đã tưởng...

Chúc ngủ ngon nhé, những con người mơ đêm!

5/1/2019
 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Bức thư thứ hai mươi một:
Gửi cho những điều "không thể nói"

Bức thư này, nếu như được lựa chọn, tôi vẫn muốn gửi cho bạn, cho tôi và cho họ...

Tiếc rằng dù là bất cứ ai, cũng không mong muốn nhận được bức thư này, thế nên tôi sẽ cất nó vào một góc, phủ bụi nó bằng lớp vôi của thời gian...


Sài Gòn, 31/1/2019, 00:05'

Tôi vẫn nghe tiếng chuông quen thuộc vang lên ở đầu ngỏ, cũng là khoảng thời gian này, dường như mỗi ngày tôi đều nghe tiếng nó khẽ vang trong đêm, một gã điên đèo trên chiếc xe đạp chạy một vòng quanh xóm, gã gắn một chiếc chuông vào tay lái, nhịp chuông vang đều đặn cho đến khi dần khuất. Kể từ khi tôi dọn đến đây, không một ngày gián đoạn.

Nếu như ai đó hỏi tôi, việc quen thuộc nhất tôi từng làm kể từ khi đến đây đó là gì, tôi sẽ trả lời rằng, đó là việc đợi chờ tiếng chuông đó vang lên, rồi đi vào giấc ngủ.

Bạn sẽ cảm thấy thật vô lý và nực cười?

Vậy tôi sẽ nói cho bạn biết, rằng tiếng chuông ấy là liều thuốc ngủ của tôi vào thời điểm này. Ít ra là cho đến nay, nó là vật duy nhất khiến tôi không còn mất ngủ thay vì tôi cứ phải dùng thuốc mỗi ngày nữa.

Nếu mỗi ngày trước khi ngủ bạn nhất định phải nghe một bản nhạc, hoặc cầm điện thoại lướt Fb, hay là nhắn tin với bạn bè và người yêu, và có thể là một điều gì đó cuối ngày bạn nhất định phải hoàn thành, hoặc... không có bất cứ một việc cố định nào trước khi bạn vào giấc.

Và... tôi chọn tiếng chuông.

Bạn tin không, rằng tôi đã từng đến trò chuyện với bác sĩ tâm lý rất nhiều lần, cô ấy cho tôi lời khuyên về việc chuyển đổi ý thức, và thay vì duy trì giấc ngủ hằng ngày bằng thuốc, thì hãy chuyển liều thuốc đó bằng một việc gì đó quy luật hằng ngày...

Thời gian đầu, đã rất khó khăn để tôi quen dần với cảm xúc, tôi tự trò chuyện với mình, và song song đó là việc giấu tất cả mọi người, rằng tôi rất ổn với mọi thứ, nhất là chị, tôi sẽ không cách nào nghĩ đến khi chị biết tôi đã lén dùng thuốc mỗi ngày sẽ phản ứng như thế nào, có lẽ chị sẽ giận dữ, hoặc tự trách, hoặc... bất cứ một điều gì đó làm thương tổn đến người thân yêu của tôi.

Cho đến khi, đầu xuân năm trước tôi dọn đến nơi này, một nơi yên bình và khá yên tĩnh, con người ở đây rất thân thiện, nhưng, ở mức độ nào đó, tôi vẫn không muốn tiếp xúc nhiều với họ. Có lẽ vì sợ chăng? Tôi cũng không rõ.

Tiếng chuông cứ vang lên mỗi ngày, đều đặn và chưa bao giờ bị gián đoạn, tôi vẫn cảm thấy đó là liệu trình thôi miên do chính mình tạo ra.

Cô ấy bảo tôi nên trò chuyện với nhiều người, và hãy tập viết nhật ký mỗi ngày, viết tay, hoặc bất cứ điều gì khiến tôi thoải mái, rằng hôm qua tôi đã gặp lại một người bạn cũ, rằng hôm nay tôi đã đến lễ chùa ở đâu, và đôi lúc, tôi mách bảo mình hãy chú ý những điều nhỏ nhặt hơn, rằng cơn mưa đêm qua đã làm tan mất tổ kiến trước nhà, rằng hôm nay con mèo chuyên vòi ăn ấy không đến, và... đôi lúc tôi cảm giác bản thân như đang đứng tại chỗ, không thời gian, không sự vật, lúc ấy, tôi chỉ muốn làm một vài điều, uống cafe ở một nơi thật xa, hoặc viết lại đôi câu trong quyển sách hôm nay đã đọc, và kể lại cho bản thân nghe, rằng hôm nay tôi đã làm được điều gì...

Cứ thế, dường như có rất nhiều điều khiến tôi chú tâm hơn, và đôi lúc, tôi phải lật lại quyển nhật ký thường xuyên, vì tôi sợ mình sẽ quên mất những tháng ngày tôi từng đi qua đó.

E rằng khi ai đó nghe đến đây sẽ nghĩ rằng tôi đang bệnh, một chứng bệnh tâm lý khiến người khác nghe thôi đã hoảng sợ. Nhưng không, tôi vẫn luôn biết bản thân làm gì và muốn gì, tôi khác người khác ở chỗ, khi người ta nghĩ đến việc mang ô cho ngày mưa thì tôi sẽ nghĩ đến lũ kiến kia sắp phải dời tổ mới, hoặc khi ai đó đang nghĩ xem hôm nay sẽ ăn món gì, tôi lại nghĩ đến việc phải nấu bao nhiêu thức ăn cho con mèo tham ăn kia... và thay vì yêu bản thân mình nhiều hơn, tôi lại phó mặc cho cảm xúc của mình, không hẳn là không vui, nhưng cũng chẳng khiến tôi hào hứng, việc đó giống như việc phải ăn ba bữa mỗi ngày, chỉ là thói quen mà thôi.

Người khác rất sợ tôi im lặng, tôi cảm nhận được điều đó, và đồng nghĩa với việc phải tươi cười giả tạo, tôi thích giúp họ vào lúc họ cần tôi, đôi khi chỉ là tùy tiện dán một miếng băng cá nhân vào vết thương, hay giúp họ thêm nước ấm vào phích, hoặc đơn giản là thêu giúp họ vết rách trên áo,...
Chỉ khi đó tôi mới cảm thấy mình đang sống.

Tôi thích vẽ hoa, hoặc một vài nhánh cỏ đang nhô lên chờ nắng, tôi thích uống cafe vào buổi chiều thay vì thưởng trà, tôi thích đánh cờ vây cùng mấy cụ già, họ sẽ bảo là tôi nhường họ khi thua, và hay mách lẻo rằng tôi không biết kính già yêu trẻ khi hiếm hoi một lần tôi thắng họ... và có khi, tôi thích vác balo dạo quanh đường sách, lật xem vài quyển sách ở Quán Sách Mùa Thu, tôi thích mùi sách cũ, thích ngồi hàng giờ để ngắm nhìn lũ trẻ đùa vui,...

Đôi lúc họ sẽ thấy tôi như một đứa trẻ, thích vòi kẹo nhưng chẳng bao giờ ăn, thích làm nũng để được nhìn ánh mắt cưng chiều của họ, và vui sướng cả ngày vì mới được lên cân. Có lúc, họ thấy tôi trầm mặc như có việc buồn, và cảm thấy xa cách khi tôi mãi thẩn thờ với suy nghĩ của mình, ngay cả ánh mắt trong vô thức trở nên vô định khiến họ khó hiểu. Có lẽ, họ đã từng e sợ khi tôi cười với họ, rằng chẳng biết một giây sau tôi sẽ lạnh lùng như thế nào.

Đó là một câu chuyện đã từng rất xa trước kia, nó khiến tôi nhận lấy sự dằn vặt theo năm tháng, rằng cứ mỗi độ thu sang, tôi lại vô thức trở nên thu mình. Không dưới một lần tôi muốn bản thân mình quên đi người đó, nhưng, rồi cũng thất bại trong một giây phút ai đó gọi tên người.

Tôi thích lối sống tối giản của người Nhật, nó khiến cho thế giới tôi thu bé lại, và trong một nơi nào đó, sẽ có hy vọng bùng lên, chỉ là tôi chưa từng nhìn thấy.

...

Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện.

Đó là về người bạn thân của tôi, cô ấy là người kiên cường nhất mà tôi đã từng gặp, và giây phút biến cố xảy ra, tôi chưa từng nhìn thấy nụ cười ngọt ngào nào của khi trước nữa, dường như mọi chuyện khiến cô ấy đã trưởng thành chỉ sau một đêm.

Từ ngày bé, gia đình cô ấy đã sớm chẳng còn nguyên vẹn, từ việc cha ngoại tình, đến người mẹ chỉ biết lười biếng, chú út vì nhiễm chất độc màu da cam mà sống chẳng khác chi người thực vật, người mang lại hơi ấm nhỏ nhoi cho cô ấy chỉ có bà nội tuổi cao sức yếu và đứa em trai mới lớn. Trên vai cô ấy đã sớm chằng chịt những nỗi lo, nhưng, dường như ông trời đã sớm an bày chông gai phía trước.

Mọi chuyện có lẽ sẽ êm đềm, nếu như cha cô ấy không đột nhiên mắc bệnh...

Cha cô ấy tuy có người khác, nhưng vẫn chăm lo cho gia đình, mọi khoảng chi tiêu trong gia đình đều do một tay ông gánh vác, thậm chí, có thể nói ông là người đem lại hơi ấm hiếm hoi cho cô. Có thể ông không phải là một người chồng tốt, nhưng lại là một người cha có trách nhiệm, cho nên, so với một người mẹ vô trách nhiệm sống chung nhà hằng ngày, cô ấy lại thương người cha ít khi gặp mặt này hơn cả.

Chỉ vài tháng trước, tôi vẫn thường nghe cô ấy nhắc đến cha mình, rằng việc ông chở nội lên Sài Gòn khám bệnh tiện ghé qua thăm cô, mua thật nhiều đồ, khi đi chơi với tôi, cô ấy phải vội về để lấy tiền học phí và sinh hoạt hàng tháng do cha gửi lên, dù chưa từng gặp mặt, nhưng tôi cảm thấy, ông là một người cha ấm áp.

Sau đó, ông đột nhiên ngã bệnh, nơi dựa dẫm duy nhất lung lay, tôi vẫn nhìn cô ấy vững vàng chăm lo tất cả, từ việc chăm ông trong viện đến việc làm thủ tục chuyển viện khắp nơi vì mãi chẳng tìm ra nguyên nhân căn bệnh, từ Sài Gòn đến Bình Dương, từ phòng khám tư nhân đến bệnh viện lớn, điều kì lạ là đều nhận được kết quả rằng cha cô ấy không hề có bệnh tật gì cả. Trong lúc tuyệt vọng, thì bỗng nhiên những người vốn tưởng như chẳng liên can gì là mẹ và dượng - tức em rể của mẹ cô ấy bỗng nhiên nói rằng sẽ mời thầy cúng về xem thử. Cô ấy học y dược, tư tưởng có thể nói đã tách biệt với thời phong kiến, dĩ nhiên chẳng hề tin chuyện quỷ thần. Nhưng... khi tất cả các bản xét nghiệm đều cùng một đáp án, thì cô ấy lại trở nên do dự, với hy vọng mong manh mà tin lời người dượng kia một lần.

Không ngờ mọi chuyện lại trở nên rắc rối hơn, trong lúc cô ấy nguyện tin tưởng nhà bên mẹ thì họ lại trở mặt, vòng vo không nói ra tung tích người thầy cúng kia ở đâu, dù ban đầu họ đã đảm bảo chắc chắn rằng sẽ trị khỏi bệnh cho cha cô ấy. Biết bên đó làm khó chỉ vì việc cha ngoại tình, cô cũng chịu uất ức mà quỳ xuống van xin, khóc hết nước mắt, nhưng họ lại vờ như khó xử mà cự tuyệt.

Hy vọng không còn, cô ấy chỉ có thể trơ mắt nhìn người cha thân yêu của mình ngày ngày suy yếu, nhìn nội tuổi già mà hai mắt đã nhuốm đầy bi thương, nhìn người mẹ chẳng có lấy một chút thương tiếc, nhìn đứa em trai còn nhỏ dại... rồi cuối cùng, khi cha cô ấy không còn chịu nổi nữa, ông đau đớn cầm tay cô mà nói, "con ơi cứu cha, cha đau quá, để cha đi, để cha đi đi...".

Tôi đã khóc khi nghe đến lúc cô ấy đau khổ mà tự trách mình, rằng bản thân cô vô dụng, mỗi khi nghe tiếng cha kêu đau mà chẳng thể làm gì, lại chẳng nhẫn tâm mà buông tay ông...
Cuối cùng, việc tàn nhẫn ấy lại phải nhờ đến người bà sức yếu. Bà buông tay để cho kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Để cho một gia đình tưởng chừng chẳng còn nguyên vẹn trở nên đổ nát hoàn toàn.

Ngày tôi nhận được tin, đó cũng là ngày giỗ lần thứ tư của bà nội tôi, trong đêm tưởng nhớ bà, tôi chợt nhận được tin nhắn từ cô bạn ấy, chỉ vỏn vẹn bốn chữ, "ba tao mất rồi".

Tôi không biết diễn tả cảm xúc bản thân mình lúc ấy như thế nào, tựa như khung cảnh này của bốn năm trước từng xảy ra đột nhiên tái hiện, cũng trong đêm thế này của bốn năm trước, mẹ tôi đột nhiên đẩy cửa phòng rồi nói với tôi rằng, "bà con mất rồi"...

Tôi gọi cho cô ấy, cả hai đều im lặng, cho đến khi đầu dây bên kia vang lên tiếng nấc nghẹn ngào, sau đó là tiếng gào khóc như cắt tim xé ruột, tôi chỉ có thể lặp đi lặp lại bên tai cô ấy rằng, "khóc đi, khóc được là tốt rồi".

Vì bệnh tình của cha mà cô ấy về quê từ sớm, tôi ở trên này lại chẳng cách nào an ủi, đành phải liên hệ một vài người bạn ở quê, mong rằng trong đêm đau đớn này sẽ có một ai ở bên cạnh cô ấy, vì tôi hiểu rõ nỗi đau khi phải một mình chống chọi, thật sự rất bi thương.

Và sau đó, tôi lại biết được một sự thật còn đau lòng hơn cả, đó là... "không được nói".

Đêm lễ tang, có một người thầy cúng bảo rằng cha cô ấy là do bị yếm bùa mà mất, một loại bùa sẽ hành hạ người ta trong đau đớn như thể kim châm nhưng chẳng thể khám ra bệnh tình, người bị yếm sẽ chết dần trong cơn đau của địa ngục. Chẳng ai tin lời của ông ấy, cho đến khi ông bảo rằng, hãy tìm những đồ vật cha cô ấy thường tiếp xúc, ắt sẽ tìm ra. Khi chẳng một ai để tâm đến thì cô bạn tôi đã lục tung khắp phòng cha cô ấy lên, sau đó... liền tìm được một lá bùa trong áo gối cha cô hay nằm, một lá bùa ghi rõ ngày sinh bát tự của ông, một lá bùa chết, người bị hạ bùa sẽ bị hành đến chết trong vòng ba tháng, và chẳng thể nào siêu sinh. Càng tuyệt vọng hơn, đó là người thầy cúng đó chỉ để lại ba chữ trước khi đi, đó là, "người trong nhà".

Thật sự không thể nào tin nổi, nhưng, tất cả dường như lại trở nên sáng tỏ, từ việc ba cô ấy đổ bệnh cho đến lúc mất chỉ vỏn vẹn ba tháng trời, và... việc "không thể nói" đó.

Tôi đã từng nghi ngờ mà hỏi cô ấy rằng, biết đâu tất cả chỉ là do ông thầy cúng kia suy đoán, và việc lá bùa chỉ là ngẫu nhiên? Trên đời này không đáng tin nhất chính là quỷ thần.

Cô ấy đã nhìn tôi mà nói rằng, bởi vì ngay từ đầu không tin, cho nên cha cô ấy mới phải mất trong đau đớn.


... Tôi chỉ có thể im lặng, dù thừa biết rằng tất cả mọi chuyện có thể là do một tay "người kia" an bày.

"Không thể nói"... tôi chỉ có thể nói với cô ấy như vậy. Vì một khi mọi chuyện đổ vỡ, sẽ chỉ khiến cô ấy tổn thương hơn mà thôi.

Nhìn cô ấy dao động, tôi lại chỉ có thể tàn nhẫn bồi thêm một câu, "vì bà nội, vì gia đình này, đừng nói gì cả".

Cô ấy im lặng rất lâu, tôi cũng im lặng đợi chờ, cuối cùng, tôi cũng kịp thở phào khi nghe được tiếng cô ấy khóc. Đừng nghĩ rằng tôi tàn nhẫn, vì tôi thấu hiểu hơn ai hết nỗi đau đè nén trong lòng, cách duy nhất để cô ấy không tự hủy hoại mình, đó chính là rơi lệ. Khóc... đôi khi lại là phương thức biểu đạt nỗi đau hữu hiệu nhất.

Mọi chuyện xảy ra chỉ trong vòng một tuần ngắn ngủi, tôi nhìn cô ấy từ kiên cường đến gục ngã, và rồi lại kiên cường. Trong lúc đó tôi chỉ có thể là người bên lề dõi theo, tôi sẽ không cố an ủi rằng cô ấy hãy quên đi, vì điều đó là vô ích. Tôi chỉ có thể âm thầm, nhìn cô ấy gục ngã rồi lại đứng lên, và đưa tay kịp lúc trước khi cô ấy lựa chọn từ bỏ...

Đáng ra cô ấy vẫn còn lựa chọn, đó là sang Mỹ du học, với thành tích và sự trợ giúp của một người họ hàng, cô ấy đã có thể buông bỏ hết nỗi đau ở nơi này mà lựa chọn rời đi, nhưng... cô ấy không cách nào buông bỏ được gánh nặng trên vai mình, cô ấy còn có bà nội, em trai và người chú út cần người chăm sóc, còn có... con của cô ấy nữa.

Phải, cô ấy đã có con ở tuổi 20, một đứa con đến bất ngờ, không hề có bất cứ một dự báo nào hết. Đau đớn thay, khi cô ấy quyết định chia tay với người bạn trai hiện tại thì phát hiện mình mang sinh mệnh của cô và hắn, nghiệt ngã thay, lúc cô ấy vừa sinh đứa bé ra thì lại phải chăm lo cho người cha bệnh tật, tuyệt vọng thay, chính là lúc cha cô ấy mất đi vẫn chẳng hề hay biết trên thế gian này ông từng có một đứa cháu gái vừa mới tròn một tháng tuổi...

Công bằng mà nói, dường như tất cả nỗi đau mà cô ấy phải gánh chịu trong mấy tháng này vừa đủ để trải qua một đời của người bình thường.

Đôi khi tôi thấy bản thân là người tàn nhẫn nhất, nhưng, so với nỗi đau mà cô bạn ấy gặp phải, chút ưu thương trong cuộc sống này đều trở nên thật nhỏ bé, tôi cảm thấy nỗi đau mình chẳng đáng một xu. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình chưa phải là người bất hạnh nhất.

Có lẽ đó là bản năng chăng?

Bản năng của kẻ vô tình...

...

Hiện tại, tôi đã lựa chọn được hướng đi cho riêng mình, cô bạn ấy cũng thế.

Điều đang đợi chờ chúng tôi là thời gian, là tương lai, là hạnh phúc qua chông gai để giành lấy.

Và nếu một ngày, cô ấy quyết định lựa chọn từ bỏ tất cả để đi theo ước mơ, tôi vẫn sẽ là người tiễn bước chân cô đến đoạn chuyển dời ấy, vì, cô ấy đáng nhận được hạnh phúc.

Người nhà sao? Sẽ yên ổn thôi nếu cô ấy thu xếp mọi chuyện chu toàn.

Việc học? Sẽ còn tiếp diễn nếu như cô ấy bay sang Mỹ trong năm nay, mọi chuyện rồi sẽ ổn cả.

Còn đứa bé sao? Giờ nó là con gái nuôi của tôi rồi. Cho nên, cô ấy không cần bận tâm nữa. Dù sao, xem như bên nhà trai kia cũng chịu trách nhiệm nuôi cháu nội mình, tôi làm hậu phương cũng yên tâm tất thảy.


Còn tôi? Tôi thì chỉ là kẻ phiêu lưu trong cuộc đời người khác mà thôi...

...

Tiếng chuông đã vãng từ lâu, đêm nay thật khó ngủ, chỉ vì sớm mai thôi, tôi sẽ gặp được gia đình của mình, về với tổ ấm thân yêu...

Và, vẫn mong sao cho cơn mê mang này sẽ không kéo dài lâu hơn nữa.


Chúc ngủ ngon nhé, Sài Gòn đêm giã biệt!

31/1/2019, Hoài Thu
 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Bức thư thứ hai mươi hai:
Gửi cho mối tình đầu tươi đẹp nhất!


Sài Gòn, ngày... tháng... năm...

Gửi cậu, mối tình đầu tươi đẹp nhất!


Tôi có một mối tình đầu, ừm, thế nào nhỉ, đó không hẳn là thích, chỉ là cảm giác rung động tuổi xuân thì, qua đi chớp nhoáng.

Cậu ấy là một chàng trai rất hay cười, thân thiện và rất hiền, không phải loại chất phác dễ bắt nạt, mà là kiểu người trầm tính hướng nội. Tôi rất thích cậu ấy mỗi khi cười, nụ cười ấy khiến người khác cảm thấy thoải mái, nhất là đôi mắt cong cong làm người ta liên tưởng đến hàng liễu đong đưa vào tháng sáu...

Chúng tôi là bạn học cùng lớp hai năm, cậu ấy ngồi phía trên tôi, bóng lưng ấy hai năm trời tôi cứ nhìn mãi, sau đó cũng thành quen. Lần đầu tiên tôi có cảm giác với cậu ấy là năm cuối cấp hai, lúc ấy cả hai đều chia vào hai lớp khác nhau, chỉ mỗi khi học tiết âm nhạc mới được ngồi cùng lớp, vốn cũng chẳng để ý nhiều, sau đó, có một lần tôi đang ngồi thẩn thờ khi nghe thầy đàn một bản nhạc, giai điệu êm tai khiến người khác thả hồn đi... rồi bất chợt, cậu ấy quay đầu lại, đối diện với ánh mắt biết cười kia... sau đó thì tôi rung động. Đơn giản như vậy, chỉ một giây thôi, trái tim tôi cứ đập dồn dập liên hồi như muốn bay ra khỏi lồng ngực, ánh mắt lại không cách nào rời khỏi đôi mắt kia, nụ cười kia, đến khi bản nhạc của thầy kết thúc tôi mới lấy lại được tinh thần. Phát hiện cậu ấy đã quay lên, trong tay tôi lại cầm một thứ, là một con trâu làm bằng lá đa, một món đồ chơi của trẻ con... tại sao lại đưa tôi món đồ chơi này? Tặng tôi sao?

Nhưng cho đến khi kết thúc tiết học cuối cùng ấy, tôi vẫn không cách nào nói chuyện được với cậu ấy... và mãi sau này cũng không còn cơ hội nữa.

Kì thi cuối cấp đến nhanh, áp lực thi cử và việc chọn trường khiến tôi gần như đã quên đi cảm giác rung động ngày ấy, mãi sau này khi nhận được giấy nhập học, rồi làm quen với ngôi trường mới, ôn thi đầu năm,... mọi thứ diễn ra như một lộ trình được bày sẵn. Chỉ khi tôi vô tình bắt gặp con trâu làm bằng lá đa trong ngăn tủ, tựa như là một minh chứng cho tuổi thanh xuân của mình, tôi mới nhớ ra rằng, dường như cậu ấy còn nợ tôi một lời giải thích, còn tôi... có lẽ cũng nợ cậu ấy một lời cảm ơn...

...

Mãi đến hôm nay, khi lang thang giữa dòng người xa lạ, trong một giây phút không kịp ngờ đến, tôi lại bắt gặp thân ảnh của cậu ấy giữa vạn người qua lại, bên cạnh cũng có thêm một người bạn gái, tôi đoán hẳn là người yêu của cậu ấy đi. Cậu ấy đeo kính, chắc là mấy năm không gặp nên cậu ấy bị cận rồi, dáng người cao ráo hơn xưa, trông cậu khác xưa nhiều lắm, nhưng tôi có thể kịp nhận ra cậu ấy giữa vạn người, chắc có lẽ là do nụ cười kia quá mức thân thuộc, quen đến mức khiến tôi chỉ kịp lướt qua một dòng hồi tưởng.

Tôi không biết diễn tả cảm xúc của bản thân mình thế nào, giống như là việc lúc nhỏ bạn sẽ cảm thấy buồn khi lỡ làm mất một món đồ chơi yêu thích, nhưng lớn lên rồi thì không còn cảm giác ấy nữa. Cảm giác của tôi đã không còn như xưa, không có rung động, cũng không có nuối tiếc, càng không có đau lòng. Chỉ có thản nhiên và thản nhiên, chúng tôi đi lướt qua nhau như những người xa lạ, tựa như chưa từng quen. Giây phút ấy khiến tôi cứ ngỡ, phải chăng trong quá khứ, cảm giác rung động ấy chỉ là một hồi chớp giật giữa cơn mưa rào của thanh xuân, chỉ nhoáng lên một phút, rồi lại chìm sâu vào bóng đêm vô tận.

Trong đời mỗi người chắc hẳn đều có ít nhất một lần rung động như thế, vừa như mơ hồ, lại vừa như rõ ràng, vừa như nắm bắt, lại như lập tức sẽ bỏ lở ở giây phút tiếp theo. Mỗi người, trong thanh xuân ấy chắc rằng đang hoài niệm, cũng đang tiếc nuối... tự nhủ rằng, giá mà khi ấy thanh xuân cho ta một cơ hội, biết đâu sau này, ta gặp lại người ấy ở một con đường nào đó, có thể nhìn nhau, nở một nụ cười chúc phút và mãn nguyện, rồi lặng lẽ đi qua đời nhau.

Một chiếc lá rời cành, cả mùa thu hiu quạnh, một người lướt qua mau, cả đời mang nuối tiếc... chỉ có thể trách, trong lòng tôi lúc ấy chỉ biết học và học, những thứ như tình yêu, nó như một áng mây cao vời vợi, thưởng thức đấy, nhưng lại không có mơ ước chạm vào.

...

Tôi nợ cậu một lời cảm ơn, cảm ơn vì cậu đã mang đến cho tôi cảm giác rung động đầu đời, cảm ơn vì món đồ chơi ấy, cảm ơn vì... thanh xuân mơ hồ của tôi từng có cậu - mối tình đầu tươi đẹp nhất!

13/2/2019, Hoài Thu
 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Bức thư thứ hai mươi ba:
Sài Gòn và những điều chưa kể


Sài Gòn, ngày... tháng... năm...

Sài Gòn, có lúc tôi rất ghét sự dối trá và phức tạp ở nơi này, lại có lúc tôi yêu Sài Gòn đến lạ, bởi nơi này không đến mức phù hoa như mọi người hằng tưởng. Có lúc nó rất to lớn với những người bương trãi khó khăn trong thành phố tập nập này, có lúc nó ồn ào và mệt mỏi với phố xa đầy xe cộ, nhưng, có lúc nó lại trở nên nhỏ bé, đến mức một kẻ thích lang thang như tôi, loanh quanh một buổi, đã chẳng còn biết phải dừng chân đến nơi nào.

Nơi yên bình mà tôi thích nhất ở Sài Gòn, có lẽ là con đường sách cạnh nhà thờ Đức Bà, tôi thường ghé đến Quán Sách Mùa Thu, ngửi thỏa thích cái mùi sách cũ nhàn nhạt, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ văng vẳng bên tai, nhìn dòng người xa lạ lại chậm bước giữa con đường sách đầy yên bình.

Nếu có thời gian, bạn hãy thử lang thang một lần, nơi đâu cũng được, có thể là trên đường bạn đi làm về, thử buông thả bản thân mà quan sát. Biết đâu những điều giản dị tầm thường nhất lại là những điều tuyệt vời nhất.

Tôi vẫn luôn viết về những chuyến đi, về cuộc sống và cảm nhận của riêng mình. Chỉ là đôi lúc, tôi lại cất giấu chúng ở một nơi không cho ai biết đến mà thôi.

Mỗi chuyến đi không phải đều có thành quả, và những bức ảnh chính là thành quả tốt nhất, tôi nghĩ thế.


LddFqhx.jpg


Tôi thích lưu lại những khoảnh khắc mình cho là ý nghĩa nhất. Và bức ảnh trên, trong lúc lang thang tôi đã nhìn thấy họ, họ đứng đấy, không nói bất cứ điều gì, họ mang trên mình chiếc mặt nạ, và điều khiến người khác phải suy nghĩ là. Truth. Sự Thật.

Cái gì là sự thật? Mỗi người đều có nhận định riêng của mình. Ngay khoảnh khắc gặp họ trên đường, tôi chỉ nghĩ, sự thật, chính là đằng sau chiếc mặt nạ tươi cười có chăng là một khuôn mặt chứa đầy đau khổ. Đằng sau một khuôn mặt hoàn mỹ có phải đã chứa đựng nhiều vết nứt của tháng năm?

Và sự thật ấy chỉ có bản thân họ hiểu.

Họ sẵn sàng để người khác lưu lại hình ảnh đó, tôi cảm tưởng như họ không phải đang che đậy mà là muốn hỏi những người kia, sự thật là gì? Và tôi cũng đã tự hỏi mình, đến cùng thì cái gì là sự thật?

Có đôi lúc người ta đều muốn trốn tránh hiện thực, thích nghe những lời dối trá sáo rỗng để thỏa mãn tâm hồn mình, dần dần, họ không còn muốn nghe những lời thật lòng từ ai khác nữa. Cũng có lúc, là chính họ đang tự lừa dối bản thân mình.

Giữa may mắn và trí tuệ, người ta lựa chọn may mắn. Giữa thần phật và chính mình, người ta lại không muốn lựa chọn tin tưởng vào sự thật.

Tôi lưu lại hình ảnh này, trong một khoảnh khắc, tôi thấy họ thật đẹp.
Đẹp theo một cách riêng của họ.


Bạn có thể nói tôi đã nghĩ quá nhiều, không sao, bạn có thể suy nghĩ trái chiều và thực dụng hơn, rằng họ chỉ đang quảng cáo cho một sản phẩm nào đó chẳng hạn. Miễn lòng thấy vui vì những điều mình nghĩ, đừng bận tâm quá nhiều về lý trí, đôi lúc bạn cần trở nên điên rồ một chút, biết đâu bạn lại cảm nhận được hạnh phúc của một kẻ điên...

Nói về chụp ảnh, phong cảnh thiên nhiên là điều mà tôi thích lưu lại nhất, giá mà có thời gian để tôi kể hết về quê hương và những chuyến du hành của mình, và nhiều hơn là những bức ảnh được lưu lại. Tôi thích dừng chân ở một khung cảnh thiên nhiên nào đó, biển, suối, hoặc là những ngọn đồi cao tít, tôi cảm thấy tâm hồn mình như được gột rửa và dễ dàng trải lòng trước những thứ thuần khiết nhất.

Tôi chỉ thích lưu lại những khoảnh khắc đẹp và ý nghĩa trong cuộc sống này, còn những cảnh thương tâm, xin lỗi, tôi thật sự chẳng có can đảm để nhìn huống chi là lưu giữ nó lại. Tôi đã từng gặp qua rất nhiều cảnh tượng rất đau lòng trong cuộc sống này, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ lưu lại hình ảnh đó, bởi tôi chỉ muốn lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất của họ. Tôi nghĩ rằng, chính bản thân mình cũng không muốn bản thân lưu lại ở nơi nào đó một hình ảnh không đẹp, và chắc chắn rằng họ cũng nghĩ thế.

Cảm thương sự bất hạnh của họ, tôi lại cảm thấy sự thương hại của mình chẳng đáng một đồng so với sự giúp đỡ của người khác. Nếu có thể, tôi càng mong muốn bản thân có thể kéo họ đứng dậy thay vì đứng nhìn hay chụp ảnh, tôi cảm thấy điều ấy thật vô nghĩa.

Đối với những video clip về những người sống khó khăn được chia sẻ trên mạng, trừ khi tường thuật lại, còn nếu không thì tôi chẳng bao giờ xem, vì tôi biết mình sẽ thương tâm, và quan trọng là tôi ghét người lưu lại khoảnh khắc ấy, nếu thay vì dang tay giúp đỡ hay kêu gọi mọi người bằng một cách khác, thiết nghĩ ngay cả họ cũng không muốn trở thành đề tài bàn tán trên mạng xã hội, cho dù đó là những bình luận đầy thương hại hay đồng cảm. Và tôi cảm tưởng bản thân là một kẻ vô tâm đứng nhìn như họ, nếu đã không giúp được, thế thì thà rằng không biết. Ít ra, trong lúc ấy tôi muốn bản thân mình trở nên mạnh mẽ hơn và có thể giúp đỡ nhiều người hơn, thay vì nói những lời thương hại sáo rỗng.

...


UTb9E3j.jpg



Gần một năm trước tôi có bắt gặp một câu chuyện, nhỏ thôi, và có lẽ đối với một số người thì nó chẳng hề to tát gì cả, nhưng chẳng ai biết trong giây phút ấy, nó đã đánh động vào lòng tôi rất nhiều.

Một người chạy xe xich-lo vừa chở một vị khách nước ngoài chạy một vòng, họ dừng xe ngay gần cạnh bên tôi, trong lúc vô tình tôi đã bắt gặp câu chuyện của họ.

Người khách nước ngoài kia dường như là một người du khách mới sang, tay ông ta còn mang một chiếc balo to đùng, thế mà ông ta lại không đổi trị giá tiền tệ VN, thấy thế người chạy xe nói rằng vậy cứ tính theo trị giá tiền USD, và người du khách phải trả cho ông ta phí di chuyển là một con số bao nhiêu tôi không nghe rõ, hẳn là một cái giá khá rẻ đối với vị du khách, ông ta cười cười và xem lại ví, và dường như ông ta lại không có tờ tiền nào trị giá như thế, cuối cùng vị du khách lấy ra một tờ 20$, do dự một chút, ông ấy ngó quanh như đang tìm người đồng hành cùng, cuối cùng vị du khách vẫn đưa cho ông lão chạy xich-lo và tỏ ý rằng không cần gửi tiền thừa lại.

Bạn biết tôi thấy gì không? Tôi thấy người chạy xe kia thoáng do dự, không phải vui mừng vì nhận được "tiền boa" khá cao, mà là đắn đo suy nghĩ, cuối cùng, tôi cảm thấy ông ấy đã hạ được quyết tâm nào đó, ông ấy nói với vị khách rằng sẽ đi đổi số tiền này và sẽ gửi tiền thừa lại, bảo vị du khách đứng đợi một chút. Tôi nhìn ông ấy rời đi, chạy đến những hàng quán và cả những người chạy xe kia để đi đổi tiền. Trong lúc đó, tôi thấy vị du khách kia thoáng mỉm cười, tôi cảm thấy trong mắt người nọ có chút gì đó như cảm thông và tự hiểu, và ông ta lẳng lặng rời đi. Một lúc sau, người chạy xich-lo kia quay lại, nhưng bóng dáng của vị du khách đã đi xa, lần này, tôi lại bắt gặp vẻ mặt người lái xe thoáng qua chút thở phào, chút vui mừng và một chút hụt hẫng...

Tôi hiểu được cảm giác của ông ấy lúc này, hiểu tâm trạng khi muốn trở thành một người sống đúng với giá trị của bản thân, dù cuộc sống thực tại và đầy khó khăn đã chôn vùi đi nó, nhưng đôi khi, trong một khoảnh khắc nào đó, con người dù bị bào mòn dưới tầng lớp xã hội vẫn còn chút gì đó của sự trung tâm, sống thật với giá trị của mình, dù cho nó chỉ thoáng qua nhưng thật sự nó đã từng tồn tại.

Trong khoảnh khắc ấy, tôi thật sự có suy nghĩ muốn chạy đến ngăn vị du khách kia lại, muốn giúp người chạy xe kia hoàn thành một chút con người chân thật từ ông ấy. Nhưng thay vào đó, tôi lại cảm thấy như vậy cũng tốt, vì trong cuộc sống xã hội đầy lọc lừa dối trá này âu vẫn còn tồn tại những tấm lòng trung thực của con người, dù nó đã bị tha hóa hay chôn vùi dưới lớp đất của danh vọng, thì ít ra trong sâu thẳm con người vẫn còn tồn tại sự lương thiện của mình.

Câu chuyện nay khiến tôi nhớ đến một nhân vật trong tác phẩm văn học Chí Phèo và câu nói "ai cho tao lương thiện" của anh Chí. Đúng vậy, con người khi đã bị xã hội hóa đến mức chẳng giống dạng người, nhưng anh ta đã rất "người" ở chỗ, anh ta còn lương thiện, chỉ là xã hội đã không cho anh ta cơ hội để trở thành "người lương thiện". Và cái chết cuối cùng của anh ta là sự giải thoát tốt nhất, tôi cảm tưởng như phút cuối cùng điều anh ta muốn nói chính là, "không ai cho tao lương thiện, vậy chính tao cho mình lương thiện".

Một câu chuyện nhỏ mà tôi lại suy tưởng ra nhiều cái như thế đấy. Thật sự, tôi cũng cảm thấy bản thân mình nghĩ nhiều. Nhưng mà đó chính là một cảm nhận của tôi, trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy người lái xe kia thật đẹp, đẹp ở chính linh hồn của họ. Và rồi tôi chụp lại khoảnh khắc này, tuy là hình ảnh của họ một lúc lâu sau đó, nhưng tôi đã kịp thời lưu trữ được hình ảnh đẹp nhất từ họ. Trong mắt tôi, lúc ấy họ thật sự rất đẹp.

Một góc khuất rất nhỏ ở Sài Gòn, một câu chuyện có thể đã từng xảy ra hàng trăm nghìn lần ở một nơi nào đó, chỉ là bạn chưa từng nghĩ sẽ để ý đến mà thôi.

Đôi lúc bạn nên sống chậm lại, để thử nhìn cuộc sống xung quanh mình, có thể, trong một khoảnh khắc nào đó, bạn sẽ thấy được, thì ra, thế giới này vẫn còn rất nhiều linh hồn đẹp đẽ xoay quanh mình đến vậy.

Sống chậm lại, nghĩ khác đi, và, lúc nên ngốc nghếch thì đừng tội tình gì phải ôm hết tất cả vào mình, nhớ nhé, những con người mơ đêm.

17/3/2019
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Bức thư thứ hai mươi bốn:
Gửi Cho Tháng Năm Hoài Niệm...

Hồi còn nhỏ tôi cuồng nghe băng cassette kinh khủng, lúc đó trong xóm chỉ có lác đác hai ba hộ có tivi màu xem, nhà tôi lại chỉ có cái tivi trắng đen đời cũ, không chạy được băng đĩa, chỉ có cái cassette của ba làm thú vui tiêu khiến. Lúc con nhà người ta xem hoạt hình Tom and Jerry sống động thì tôi lại lò mò với cái cassette cũ, dò đài cả buổi trời mới nghe thấy tiếng của cô Phượng Mai cất lên, đúng rồi, tôi là đang dò xem cải lương đấy.

Có lẽ từ bé đã sớm chịu ảnh hưởng của bà nội, trưa nào bà cũng ôm cassette đung đưa trên võng, vừa nghe cải lương vừa nghêu ngao vài câu chẳng đầu chẳng cuối, lúc không tụ tập với đám bạn trong xóm, tôi thường nhảy lên nằm với bà, nghe tuồng cổ, cũng học theo người ta hát điệu hồ quảng, lúc cao lúc thấp chọc bà tôi đến cười. Hồi đó nghe nhiều tuồng lắm, hầu như tuồng nào cũng nghe giọng cô Phượng Mai hát, cái điệu đừa trầm vừa luyến lại nhẹ nhàng, nghe nhiều lần lại đâm ra nghiện, có lần tôi hỏi nội: cô này là ai mà hát hay thế?
Bà nội ngó tôi rồi bảo: thần tượng của nội đó mày, tên Phượng Mai, hát hay muốn chết luôn, mày cũng biết nghe lắm đó con.

Thế là từ đó tôi cứ ôm khư khư cái cassette của ba mà dò đài suốt, có lần dò cả đêm cũng không nghe tiếng, ba tôi bảo tại cái cassette này cũ quá, băng cũng bung dây hết rồi, nghe được một chút thì lại tắt cũng thế. Những lúc như vậy tôi chỉ nhìn ba một cái, rồi buông cái cassette của ba xuống, chạy sang nhà bà nội, tôi chắc rằng lúc đó nội cũng đang nghe cải lương.

Xung quanh xóm toàn họ hàng nhà tôi, nội tôi có mười một người con, ai cưới vợ thì cho mảnh đất cất xung quanh xóm mà ở, cho nên không đến mấy phút tôi đã chạy sang nhà bà, lúc nghe tiếng hát cô Phượng Mai văng vẳng, tôi liền tăng tốc mà chạy vọt vào phòng bà, bà ngó tôi một tẹo rồi giở cái mùng lên, chẳng thừa hơi mà xoi mói tôi sao đêm nào cũng chạy sang đây ngủ... chủ yếu là sang nghe cải lương ké ấy, bà bảo có người nghe chung cũng vui nên không đuổi, chứ bình thường bà lại chỉ thích ngủ một mình, ông nội còn bị bỏ qua phòng bên cạnh kia kìa. Thế mới nói có lúc tôi thầm nghĩ, có phải bà thương tôi nhất hay không, rồi lại cười vui sướng vì cái ý nghĩ đó, bởi bà có nhiều con cháu, chắt cũng có rồi, thế mà có bao giờ mà thân thiết với họ hơn tôi đâu.

Bù lại đó là bà bắt tôi ngồi nhổ tóc, người ta nhổ thì tính từng sợi để đòi tiền mua bánh, mua kẹo, còn tôi nhổ tóc là đếm từng lần được nghe ké cải lương, nhổ được hơn chục nội sẽ cho mượn luôn cái cassette về, nghe xong thì phải trả lại. Giờ nghĩ đến lại thấy buồn cười, có lẽ tôi đã bị nội lây cái tính mê mẩn cải lương từ bé, đến bây giờ tôi vẫn thích nghe.

Hồi đó nghe nhiều nhất là tuồng "Lý Chiêu Lan" (hay còn có tên là Hoa Bướm Ngày Xưa), mỗi lần nghe tiếng cô đào nào hát là tôi lại ngồi đoán, đến khi nghe được tiếng cô Phượng Mai thì sẽ biết được ngay, mấy câu cô ngân hồ quảng là hay nhất, nghe đến là mê muội.

Chẳng mấy chốc mà nhà nhà đều sắm tivi, nhà tôi cũng có, tôi bình thường sẽ không đòi mua, cái cassette cũ của ba không nghe được tôi cũng không đòi mua cái mới, chắc có lẽ là tôi thích vòi của nội, hoặc thích nghe cùng nội hơn, vì mấy lần ba thấy tôi nghe cải lương cũng bảo: con nít mà đã nghe cải lương rồi, khéo lại thành bà cụ non.

Có tivi thì chắc chắn sẽ có đầu đĩa, lúc đó thịnh hành nhất là đầu VCD, màu không đẹp lắm nhưng âm thanh lại rất tốt, êm hơn cassette nhiều, ba mẹ tôi thuê rất nhiều phim ngắn về xem, chủ yếu toàn là phim Bao Thanh Thiên xử án, có cái vụ án Trần Thế Mỹ mà ba mẹ tôi xem cả chục lần, nội tôi cũng thường qua xem ké, nội cũng thích xem Bao Công xử án lắm, lúc còn bé chẳng hiểu phim ấy có gì hay, chỉ ám ảnh chuyện Tần Hương Liên cắt thịt nấu cho ba mẹ chồng ăn là thấy buồn nôn ra rồi, thế mà bà nội với ba mẹ tôi lại rưng rưng chực khóc. Thế nhưng, tôi lại thích mỗi lần nội qua xem phim, vì như thế tôi lại có cơ hội ôm cassette của nội mà nghe cô Phượng Mai hát tuồng, bao lần nghe cũng vẫn không chán nỗi, có khi một tuồng nghe đi nghe lại cả chục lần.

Sau này có một chuyện khiến một khoảng thời gian khá lâu tôi không dám đụng đến cái cassette hay là cải lương nữa.

Chuyện phải kể là từ lúc mua tivi về ba mẹ tôi cứ như bị nghiện, anh trai tôi cũng thế, mặc dù tôi cũng thích xem Tom and Jerry, nhưng tôi lại có hứng thú với cái cassette hơn. Có lần nội tôi mang qua một cái VCD cũ, bảo ba mẹ tôi mở lên xem, tôi vừa định chuồn đi lấy cái cassette thì nội liền lôi tôi lại, bảo cho tôi xem cô Phượng Mai kìa, tôi liền ngồi im một chỗ, trong lòng nghĩ đến sắp gặp được "thần tượng" rồi nên vui lắm, mắt cứ ngó vào cái màn hình tivi, hoàn toàn quên bén chuyện cái cassette qua sau đầu, đôi lần nghĩ lại, tôi vẫn hối hận thối ruột cái quyết định của mình khi ấy, nếu lúc đó không ở lại thì tôi đã trở thành nghệ sĩ hát cải lương rồi cũng nên.

Cái VCD đó đúng là tuồng cải lương của cô Phượng Mai, lần đầu gặp mặt cô ấy chân thật như thế khiến tôi xem đến mê mệt, cô đẹp từ trên xuống dưới, dáng thướt tha lại múa bộ rất thuần thục, mỗi lần hát lên là tôi lại thấy hưng phấn đến lạ kì. Sau đó... là một hồi bi kịch, bạn biết tôi đang xem tuồng gì không, là tuồng "Hoàng Hậu Không Đầu", lần này không phải chỉ là âm thanh nữa mà là hình ảnh chân chân thực thực trước mắt, cái đầu với cái mình lìa ra bay lơ lửng, cái giọng gọi chủ quán mua bình sữa mà đến giờ nhớ lại tôi vẫn lạnh mình. Bạn biết đấy, một đứa trẻ như tôi lúc đó sao mà chịu nổi cái cảnh kinh dị ấy, đến lúc ấy là tôi lại hét lên rồi chạy đi, bên tai cứ văng vẳng cái điệu hát ru con ấy. Mấy đêm liền sau đó tôi toàn gặp ác mộng, nửa đêm tỉnh giấc là liền chạy sang phòng ba mẹ đòi ngủ chung, sợ đến mức không dám lại gần tivi hay cái cassette nữa, mỗi lần đi ngang nhà nội tôi đều phải chạy qua thật nhanh như bị thú đuổi, sợ nghe phải cái âm thanh nào đó cất lên...

Thời gian lần nữa đem con người ta mài giũa, khi vào học rồi tôi lại quên luôn chuyện lúc trước mình từng nghiện cassette đến thế nào, cũng chẳng biết là ba đã bán hay quăng đi cái cassette cũ kia mà tôi không nhìn thấy nó nữa. Dần dần thi thoảng ba tôi chuyển kênh phát cải lương rồi nằm nghe tôi cũng không trốn nữa, chỉ là cái cảm giác say mê lúc trước không còn nữa, nghe một lúc thì tôi đã ngủ mất. Có lẽ từ cái ngày xem xong tuồng kinh dị ấy, cái ý nghĩ trở thành nghệ sĩ cải lương của tôi cũng chôn vùi đi mất.

Tôi vẫn thần tượng cô Phượng Mai, có người ghép cô với chú Vũ Linh, bảo hai người hát hợp, tôi cũng thấy thế, nhưng có lẽ do ảnh hưởng từ bé, nên tôi cảm thấy dù cô Phượng Mai hát với ai thì chỉ có cô là hát hay nhất, múa bộ đẹp nhất, và cũng xinh đẹp nhất.

Thi thoảng tôi vẫn mở youtube lên nghe, giờ thì hiện đại hơn xưa rất nhiều, chỉ cần có mạng là xem được tất các tuồng xưa cũ, bây giờ tôi lại xem nhiều nhất cái tuồng "Hoàng Hậu Không Đầu" đó, giờ thì không còn sợ nữa, mà lại cảm thấy tuồng này là tuồng cô hát hay nhất, hay hơn cả tuồng cô hát Lý Chiêu Lan mà tôi thích nữa, nghe nhiều lần đâm ra lại thuộc tất, chỉ cần nhạc lên là tôi lại biết ai hát, hát câu nào, điệu hồ quảng nào rồi. Thế mới nói cái ước mơ hồi bé có triển vọng là thế mà đã bị gia đình tôi chôn vùi mất rồi.


Tôi lại bỗng nhớ về cái cassette cũ của bà nội, cassette từ lâu đã không còn, bà cũng không còn nữa, những kỉ niệm xưa cũ từng đọng một lớp bụi dày đặt lại dần được lau đi, trở nên rõ ràng như thế...

Đêm nay là một đêm hoài niệm.

Tôi nhớ cái băng cassette cũ, mỗi tiếng hát cất lên lại như thấm đượm vào lòng tôi khao khát gì đó, và rồi rất nhanh lại tan biến mất.

Tôi nhớ bà, nhớ bà nội vẫn thường cao giọng gọi tôi ra nhổ tóc, nhớ lúc nội đong đưa võng sau nhà ngâm nga điệu hồ quảng, nhớ những lúc hai bà cháu chen nhau trên giường nghe tuồng cổ, chốc chốc lại trò chuyện về cái điệu này dài quá khó hát, hay lên cao quá lại không hát nổi, nhớ lúc tôi ngồi cạnh bà xem phim Đài Loan, bà thích xem mấy bộ phim ướt át của Quỳnh Dao như Xóm Vắng, Dòng Sông Ly Biệt có Tần Hán và Lưu Tuyết Hoa đóng, bà nói bà thích đôi mắt của Lưu Tuyết Hoa, đôi mắt đẹp u buồn mà có hồn lắm... có lần hai bà cháu còn khóc muốn chết lúc Chương Hàm Yên (nhân vật nữ chính trong phim "Xóm Vắng" do Lưu Tuyết Hoa diễn) giả làm cô giáo cho con gái lúc quay về, tưởng như đã chết lòng với Bách Bá Văn (Tần Hán, lúc này bị mù mắt), hai người gặp nhau mà người trốn người không nhận ra...

...

Kể tiếp sẽ đến sáng mất thôi, vì tuổi thơ tôi là tháng năm của những câu chuyện...

Ngủ ngon nhé, những con người mơ đêm!

29/3/2019, Hoài Thu
 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Bức thư thứ hai mươi lăm:
Gửi cho chúng ta


Nếu so sánh giữa việc thích cá mập và con người, có lẽ phần nào tôi sẽ bảo, tôi thích cá mập hơn. Từ thích này, không phải là yêu thích, mà là cảm thấy, trên phương diện lý trí, tôi lại muốn điên rồ một lần mà chọn đứng về phía kẻ có thể gây tổn thương cho mình, vì đôi lúc nó không hoàn toàn sai. Đó là sự lựa chọn của lý trí, không liên quan đến tình cảm.

Thích cá mập không phải là điều đáng sợ nhất, đáng sợ nhất chính là cá mập còn dám thích nhưng lại sợ hãi với con người... có ai đó nói tôi dường như điên rồ rồi mới dám thích cái loài xấu xa ấy... thế ta thay đổi lập trường nhé.

Chỉ khi bị xâm phạm đến lợi ích và sự sống còn, con người ta mới sợ hãi và căm ghét loài vật ấy. Tỉ như nếu là một con mèo hay một con chó thì "người bình thường" có "quyền" yêu thương.

Thế ra con người lại là loài đáng sợ nhất trên đời rồi, bởi con người có thể "ăn thịt" bất cứ loài vật nào còn tồn tại trên đời này, họ sẽ khen vi cá là món ăn ngon nhất trên đời đấy. Và tôi dám cá rằng nếu khủng long chưa tuyệt chủng thì họ cũng sẽ muốn nếm thử thịt khủng long như thế nào... chỉ là cách thức ăn khác nhau mà thôi, người nhật còn từng ăn đồ sống theo kiểu "thời thượng" và lấy làm vinh dự vì nó kia mà. Thế ra chúng ta nên khen con người biết cách ăn, hay là nên chê các loài ăn thịt người kia không biết cách thưởng thức nhỉ.

Đối nghịch với số đông và đi ngược lại với "bình thường" chẳng khác nào là dị nhân cả, cho dù có thể bạn đang nói sự thật mà thôi. Mà cái sự thật ấy lại là thứ người ta không muốn nghe nhất. Có người ăn chay mà còn bị nói là giả tạo kia mà, và họ cảm thấy mình đúng khi nói như vậy. Con người chẳng phải là đáng sợ hơn rất nhiều sao?

Họ sẽ dùng biện minh như là,

"Cá lớn nuốt cá bé là chuyện thường tình thôi mà."

- Một con thỏ và một con sói cùng đứng trên một lãnh thổ thì chẳng có điều gì phải suy nghĩ cả, vì chắc chắn là con thỏ kia đã lọt vào miệng con sói rồi. Và như thế, loài có sức mạnh lớn hơn thường giành thắng lợi.

- Lại lấy ví dụ về chuyện con thỏ và sói, nếu thỏ không xâm phạm đến lãnh thổ của sói thì có rơi vào miệng sói không? Người ta gọi hành động đấy là ngu ngốc.

- Tiếp tục ví dụ trên, con thỏ không xâm phạm mà là con sói xâm phạm. Người ta lại xem đó là việc hiển nhiên. Xem đi, suy nghĩ lại trái ngược rồi, vậy ra thế mạnh luôn có quyền chủ động xâm phạm.

- Trở về việc cá mập và loài người. Chúng ta thử phản biện lại hai luận điểm này xem nào:

+ Khi cá mập xâm phạm lãnh thổ của con người, vậy lúc này là cá mập ngu ngốc hay là điều hiển nhiên?

+ Khi con người xâm phạm lãnh thổ của cá mập, vậy lúc này là con người ngu ngốc hay là điều hiển nhiên?

Hai năm trời, từ đứng về phía con người và đưa ra lập luận bênh vực, đến khách quan, rồi lại từ khách quan đến dẫn chứng... dẫn chứng... khi không thể dẫn chứng để chứng minh luận điểm của mình, tôi chợt phát hiện lập trường của bản thân từ một phía đã trở thành đứng giữa hai phía và bắt đầu hoang mang. Thầy tôi bảo, hãy thử phản biện lại những luận điểm mà bản thân đưa ra thử xem, biết đâu lại tìm thấy câu trả lời. Sau đó... sau đó tôi phát hiện, bản thân lại có thể phản biện lại những luận điểm mà bản thân cho là không một sơ hở nào, thậm chí, tôi lại dần đưa ra những luận điểm khác về phía cá mập, khách quan và chẳng có chủ đích bênh vực. Sau đó lại không cách nào phản biện lại một lần nữa. Kết quả... tôi không dám đưa ra kết luận. Có lẽ là bắt đầu từ đấy, tôi lại cảm thấy sợ hãi với con người.

Tôi đưa kết quả phản biện cho thầy, thầy bảo tôi, nếu không thể vượt qua, vậy thì việc chuẩn bị tâm lý của tôi chưa đủ để bắt đầu nghiên cứu... tư duy phản biện của tôi có thể làm tốt, nhưng tâm lý thì chưa, mỗi lần phản biện tôi đều không thể giữ tâm lý bình tĩnh, bởi phạm vi này đã vượt qua rất nhiều so với những gì tôi từng nhận thức, nó còn đáng sợ hơn mặt trái của xã hội...

Cho đến một ngày tôi thật sự tiếp nhận, tôi bỗng thấy ánh nhìn của mình đối với vạn vật dường như đã biến hóa đa chiều hơn, sự công tâm mà đánh giá ấy khi áp dụng vào cuộc sống đời thường lại trở thành luân lí khác biệt, có lẽ từ đó, người ta thấy tôi trở thành người vô tâm và lý trí.

Tôi nói với họ những gì tôi suy nghĩ, họ liền cảm thấy sợ hãi với những vấn đề tôi đưa ra, họ xem tôi chẳng khác nào là kẻ thần kinh nói mộng. Thế là tôi bắt đầu im lặng với họ, tôi không giận, mà là tự bản thân tôi cũng cảm thấy không nên đưa ra quá nhiều luận điểm đi ngược tự nhiên vào cuộc sống của họ, bởi nó đã đi quá xa nhận thức, đến bản thân tôi còn khó tiếp nhận kia mà.

Sau khi tiếp nhận, tôi cảm thấy bản thân đã loại bỏ đi rất nhiều thứ trong bản năng của con người, ví dụ như bản tính thiên vị. Tôi không cách nào thiên vị được, không, hẳn là khó mà thiên vị, cho dù có là người thân, bạn bè, thì khi mọi mâu thuẫn hoặc vấn đề của họ xảy ra tôi đều sẽ suy nghĩ rất nhiều mặt trái phải. Có lẽ vì vậy mà tôi khó mà được lòng tất cả mọi người.


Bỏ qua phần tư duy phản biện, chúng ta nói về việc những luận điểm điên rồ trong các thập kỉ qua, tôi không nghĩ những thứ phản tự nhiên đều đúng và ngược lại, vì "tự nhiên" lúc nào cũng là một phạm trù mà bất cứ ai cũng không thể định dạng và bao quát được.

Có ai đó đã từng nói, những kẻ phản tự nhiên là những kẻ điên rồ và không thể chấp nhận trong xã hội này. Nhưng, có ai nghĩ nó sẽ xuất hiện và trở thành điều tự nhiên ở những thập kỉ hoặc niên kỉ sau này không? Chẳng ai có thể chắc chắn điều gì cả.

Nhắc đến điều này, tôi lại nhớ đến nhà toán học người Đức - Geogr Cantor. Lý thuyết của Cantor về số siêu hạn, ban đầu bị xem là phản trực giác - thậm chí gây sốc, tới mức nó vấp phải sự chống đối của những nhà toán học lừng lẫy đương thời như Leopold Kronecker và Henri Poincaré và sau đó là Hermann Weyl và L. E. J. Brouwer, trong khi Ludwig Wittgenstein đưa ra những phản đối về triết học. Một số nhà thần học Thiên Chúa giáo xem công trình của Cantor là một thách thức đối với tính độc nhất hiện hữu của sự vô hạn tuyệt đối trong bản thể Chúa Trời - từng có lần đặt thuyết về số siêu hạn ngang hàng với thuyết phiếm thần - một điều mà Cantor phản đối mãnh liệt. Những sự chống đối với công trình của ông đôi khi trở lên hung tợn: Poincaré đòi loại bỏ những ý tưởng của Cantor "một lần và mãi mãi", và Kronecker ngoài phản đối công khai còn tấn công vào cá nhân Cantor, gọi ông là một tên "lang băm khoa học", "kẻ bội tín" và "kẻ làm suy đồi giới trẻ". Kronecker thậm chí còn bác bỏ các chứng minh của Cantor rằng các số đại số là có thể đếm được, còn các số siêu việt thì không, những kết quả mà ngày nay được hiển nhiên thừa nhận trong các sách giáo khoa toán học cơ bản. Nhiều thập kỉ sau khi Cantor mất, Wittgenstein phàn nàn rằng toán học "bị dẫn qua dẫn lại bởi những thành ngữ độc hại của lý thuyết tập hợp", thứ mà ông xem là "hết sức vô nghĩa", "nực cười" và "sai lầm". Người ta cho rằng thái độ thù địch của những người đương thời là nguyên nhân dẫn đến những cơn trầm uất thường xuyên lặp lại mà Cantor phải chịu đựng từ 1884 cho tới cuối đời mặc dù cũng có một giải thích khác rằng những cơn trầm uất này có thể là biểu hiện của một bệnh tâm thần lưỡng cực.

Sau đó thì sao? Năm 1904, Hội Hoàng gia Luân Đôn đã trao tặng cho Cantor Huy chương Sylvester, danh dự cao nhất của Hội dành cho toán học.

Và bây giờ, ở thời điểm hiện tại, số siêu hạn và công trình nghiên cứu toán học của Cantor trở thành một tư liệu học tập, một điều rất "tự nhiên". Và có ai nhớ chăng, nó từng là một điều "phản tự nhiên" ở những niên kỉ trước?

Tôi tự thấy bản thân đang sống trong xã hội loại trừ, nói thế tức là do một số yếu tố khách quan người ta thường bất cập đến. Tựa như bàn luận về cảm quan, thật ra, chẳng ai chú ý bạn như bản thân bạn cảm thấy đâu. Có lẽ điều này khắc nghiệt và khó khăn để có thể chấp nhận, nhưng trên thực tế chính là như vậy. Nếu cứ mải vẩn vơ suy đoán liệu người khác có để ý hoặc quan tâm đến bạn nhiều như mong đợi hay không chỉ khiến bạn thêm tổn thương, bất an mà thôi. Bởi vì mọi người có thể đều bị mắc kẹt trong những vấn đề và sự thiếu tự tin của chính bản thân họ. Cho nên, có lẽ câu nói, "mình làm gì thì làm, để tâm đến người khác làm gì cho khổ thân", thật ra lại có phần hợp lý. Tốt hơn hết là bạn nên ghi nhớ điều này, giữ một cái đầu lạnh và tỉnh táo, bởi hầu hết những gì mà chúng ta cho rằng mọi người đang nghĩ chỉ là những giả định, chúng được tạo ra từ những kinh nghiệm trong quá khứ hoặc những nhận thức và diễn giải không chính xác. Hãy là chính mình, sống vì mình và không phải lo lắng đã là một điều hạnh phúc rồi!

...

Đối với cuộc sống hiện tại, tôi luôn tự nhủ với bản thân mình thế đấy. Rằng bản thân hãy quen với việc khác đi trong suy nghĩ và hành động của mình hay người khác, vì ai rồi cũng sẽ thay đổi, hoặc giả như, nếu có ai đó nói rằng tôi đã trở thành một con người khác, tôi cũng sẽ mỉm cười và bảo, "Thật không, thế thì tốt, bởi con người hiện tại của tôi khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc."

Cứ mạnh dạn thay đổi và tự tin vào bản thân mình, học cách chọn lọc và tiếp thu những gì mình nghĩ, rồi một ngày, biết đâu sự điên rồ của bạn lúc này lại là một cơ hội dẫn đến thành công mà bạn mong muốn.

Chúc may mắn và bình an!

5/4/2019, Hoài Thu​
 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Bức thư thứ hai mươi sáu:
Gửi tháng tư, gửi cho những ngày còn mẹ!


Tháng tư nhẹ nhàng với lòng người mệt mỏi, từ lúc đầu mùa này, đã sớm có nhiều những con sóng lúc xa lúc gần, tháng tư nghiền ép tôi dần kiệt sức, nhưng, tôi vẫn yêu tháng tư, bởi người từng nói, chẳng ai yêu tháng tư với lời nói dối cả, chỉ có người, lại thích tháng tư chân thật, giống hoa lựu đỏ, giống nhành thiên lý, chỉ chân thành đợi nắng, không pha lẫn khói bụi, không quyện hòa cơn mưa.

Sài Gòn mùa này nóng lắm người ạ, lúc gian nan tôi lại nhớ người, có đôi lúc người như vầng sáng trên cao kia, chỉ khi đêm đến mới khiến người ta vô thức kiếm tìm. Tôi sắp phải đi rồi người ạ, không phải tôi từ bỏ, chỉ là tôi muốn tìm nơi nào đó để yên bình một chút. Có thể khi mưa tháng năm đến kịp lúc, tôi sẽ mang phượng tím về, sẽ giữ lại một nhành cho người trong lưu bút nhé. Mất đi ai đó trong đời mình, thật ra rất đau người ạ, tôi nghĩ mình đã chay sạn rồi, nhưng còn kém xa lắm, rồi tôi sẽ dần cô độc, tôi sẽ tự tìm lối thoát cho mình, người yên tâm đi nhé.

Người nhớ cái mp3 người tặng tôi không? Chẳng biết bao giờ nó đã đầy ắp những bản nhạc tình ca buồn bả, trước kia tôi đâu thế này người nhỉ, cũng không thật sự buồn, chỉ là, đôi lúc tôi sẽ mệt mỏi, cũng sẽ biết nhớ nhung vòng tay an yên mình từng có, người đừng buồn tôi, cái bóng người để lại quá lớn, hẳn là quá lớn để tôi không cách nào thoát khỏi. Chúng ta sẽ gặp nhau chứ? Tháng tư mà, người cứ nói rằng sẽ trở về đi, dù là nói dối, biết đâu tôi lại dại khờ mà tin thật thì sao...

Tôi sẽ đến đồi chè, tôi đoán mùa này nắng trên đó sẽ đẹp hơn nắng ở Sài Gòn gấp tỷ lần ấy, cái se lạnh ở đấy biết đâu lại yên bình hơn với phố thị xa hoa này. Có lần người hỏi tôi, một người đơn côi như tôi sao lại thích lạnh lẽo như thế, hẳn là phải lưu luyến dư vị ấm áp đêm xuân, hay cái cái mát trong lành nơi cuối hạ chứ? Rồi người chợt tự cười, nói rằng có lẽ tôi thích cái lạnh cuối thu, vì tôi yêu mùa thu nhất, cho nên dù mùa thu có thể sẽ lạnh lẽo, hiu quạnh, đơn côi, tôi vẫn sẽ yêu, Thu của người ngốc như thế đấy. Xem đi, người hiểu tôi đến thế, người khiến tôi phải lòng đến thế, thì lúc người đi rồi, bảo sao tôi lại không thể rung động với ai khác ngoài người, bởi có ai sẽ như người đâu, sao phải xuất hiện trong đời tôi khi người hoàn hảo trong tôi đến vậy, rồi lại phải ra đi, tôi biết tìm ai hơn người để thế thay đây?

Tháng tư, tôi lại nhớ người...


Có ai đó từng nói rằng, trưởng thành là lúc ta biết đứng dậy khỏi cơn đau. Sau khi trải qua đủ loại đau, tôi lại chợt nhận ra mình không trưởng thành như tôi vẫn nghĩ, không biết có phải mỗi lựa chọn của mỗi người đều khác nhau hay không, chỉ đơn giản là khi tôi cần quyết tâm hơn thì bị nhiều thứ mang tên chữ tình níu lấy, thật vô dụng.

Mới sang thu được hơn mấy tháng đâu, tôi lại nhớ thu da diết, nhớ từng chiếc lá, từng con sông, từng nhịp chuyển mùa chậm rãi. Tôi nhìn thu từ oi bức đến mát mẻ, hiu quạnh rồi lạnh lẽo dần, một chút nắng lóe lên, cũng chỉ khiến cho thu càng đơn côi hơn chút nữa. Tôi cũng nhớ tách trà atiso nóng ấm, quyện vào lòng nhiều dư vị thân quen, nhớ những nhành atiso đỏ ba trồng, mỗi lần về ba lại pha một ít siro cho tôi giải nhiệt, càng nhớ những chậu hoa lan sau nhà, vừa tắt nắng ba đã đem vòi ra tưới nước, tôi thích nhất là hoa lan dại, cái màu vàng óng ánh giữa nắng, mọc từng chùm nhỏ xinh, khi vương mình lại kiêu hãnh đến lạ lùng, tựa như giữa sắc hoa muôn màu của hồ điệp, lan rừng vẫn mạnh mẽ và tự tin với bản thân mình.

Nhịp sống lại bắt đầu tăng dần, lắm khi tôi nhớ những ngày còn thơ bé, chẳng chút lo âu hay buồn bã gì.

Tôi muốn trở về những ngày thơ, khi những âu lo chỉ là khi trốn nhà đi chơi sợ mẹ đánh, khi hạnh phúc nhất là mẹ cho tiền mua quà bánh kẹo ăn, khi đau khổ nhất là khi bị đánh ba roi vì tội trộm quả sau nhà, khi to lớn nhất chính là bờ vai ba, khi ấm áp nhất là cái ôm dịu dàng của mẹ, khi vui vẻ nhất là chơi đùa với đủ loại bạn chẳng cần phân biệt thân quen, và khi muốn hận một ai đó nhất thì chính là người anh lúc nào cũng chọc ghẹo mình, khi tha thứ chính là bỏ qua lúc ai đó nói lời xin lỗi,... khi ta còn giữ niềm tin yêu và hy vọng cao nhất chính là gia đình.

Mỗi khi ta bước một nấc thang giữa cuộc đời, ước mơ, hạnh phúc, khổ đau hay vui vẻ đều sẽ biến đổi, trở nên thực tế và khắc sâu hơn, nghiền ép ta đến mức chỉ có thể gian nan bước tới mà không thể quay đầu lại được nữa.

Khi ta lớn lên, ước mơ dần bé lại, gia đình chỉ là nhà, hạnh phúc là xa hoa...


Một tuổi: Mama

Ba tuổi: Mẹ ơi, con yêu mẹ.

Năm tuổi: Con muốn lớn thật nhanh. Mẹ mãi mãi luôn đẹp.

Mười tuổi: Mẹ ơi! Sao cũng được.

Mười bốn tuổi: Mẹ phiền quá đi mất.

Mười sáu tuổi: Chuyện của con không cần mẹ lo.

Mười tám tuổi: Con muốn đi khỏi căn nhà này.

Hai mươi tuổi: Mẹ ơi! Con nhớ mẹ!

Hai mươi bốn tuổi: Mẹ ơi! Lúc ấy mẹ đã đúng.

Hai mươi bảy tuổi: Mẹ ơi, con gái không nỡ rời xa mẹ.

Hai mươi chín tuổi: Chỉ có làm mẹ rồi, mới thật sự hiểu được hàm nghĩa của "Mẹ".

Ba mươi ba tuổi: Thời gian xin hãy trôi chậm lại. Đừng để mẹ tôi già thêm nữa.


Trên thế gian này, có lẽ tôi nợ rất nhiều người lời xin lỗi, nhưng, chỉ nợ duy nhất một người lời cảm ơn, lời mà cho dù muốn cất lên rất nhiều lần những vẫn không thể nói ra lời được.

Mẹ ơi, cảm ơn mẹ!

10/4/2019, Hoài Thu
 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Hoàn tập tản văn:
Những lá thư không bao giờ gửi.

Hai mươi sáu lá thư được lưu lại, chỉ còn một lá thư cuối cùng, chỉ là, tôi đã gửi nó đi.

Dù dặn lòng đó là bức thư không nên gửi nhất, nhưng, tháng tư này cho em lời nói dối hoàn hảo, cho nên em chọn cách ra đi. Những gì vì người mà viết nên, em sẽ giữ lại một góc, phủ bụi với thời gian, hy vọng, sau này nó sẽ trở thành hoài niệm đẹp nhất, mà không phải là quá khứ khổ đau nhất.

Có một lời tháng tư vẫn nói thật, đó chính là em luôn mong người sẽ sống thật hạnh phúc.


Lạc Mỹ Xuyên Thu, 18/4/2019
 
Trạng thái
Không mở trả lời sau này.
Top