Lượt xem của khách bị giới hạn

[Dã sử] Tĩnh Hải Loạn Lạc

Bạn thích nhân vật nào trong Tĩnh Hải Loạn Lạc?

  • Hạo Thiên

  • Tử Trọng

  • Trương Siêu

  • Lê Hầu

  • Lý Sử

  • Bá Hầu

  • Lê Cung

  • Quách Tuấn

  • Trần Lượng

  • Nguyễn Lương, Nguyễn Sơn


Kết quả chỉ có thể xem được sau khi bình chọn.
[Dã sử] Tĩnh Hải Loạn Lạc
Tham gia
19/9/24
Bài viết
51
Điểm cảm xúc
135
Điểm
33
Tĩnh Hải Loạn Lạc
pham-ngu-lao-378647.jpg

Tác giả: kizaru105
Thể loại: Tiểu thuyết, Dã sử, Mưu lược, Chính sự, Kỳ bí
Rating: 18+
Tình trạng: Đang tiến hành
Số chương:
Link thảo luận:
https://forum.aatruyen.vn/threads/nhung-tac-pham-cua-kizaru105.1229/

Lời giới thiệu
Lấy bối cảnh Tĩnh Hải quân (Việt Nam) giai đoạn 866-968, Tĩnh Hải Loạn Lạc là một tiểu thuyết dã sử nói về tình thế loạn lạc, giang sơn chia cắt, đất nước dưới sự đô hộ của Trung Nguyên thời nhà Đường. Trong loạn lạc, thiên hạ xuất hiện những bậc anh hùng kiệt xuất, không khuất phục trước sự đô hộ, bạo tàn của nhà Đường. Họ đứng lên phất cờ khởi nghĩa, giành lại từng tấc đất, đánh đuổi giặc ngoại xâm và xưng vương. Tuy nhiên, tham vọng của con người không bao giờ là đủ, họ là vua một cõi nhưng ai cũng muốn thống nhất giang sơn, hợp nhất ba miền. Từ đây, xảy ra nội chiến sâu sắc kéo dài gần 100 năm giữa ba nước Ngô, Soái, Vệ, tương ứng với ba miền Bắc, Trung, Nam của Tĩnh Hải quân.

Truyện chỉ tham khảo các mốc thời gian và tên địa danh trong lịch sử Việt Nam và có yếu tố tâm linh, huyền bí. Mọi nhân vật, sự kiện, sự vật trong truyện đều là hư cấu, không mang tính chất lịch sử.
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
51
Điểm cảm xúc
135
Điểm
33
Chương 1: Hạo gia gặp nạn, Hạo Thiên thoát chết
Tĩnh Hải quân năm 866, dưới ách đô hộ của nhà Đường, bách tính rơi vào cảnh lầm than, đói khổ, thiên hạ đại loạn, đạo tặc hoành hành khắp nơi. Người trẻ đến tuổi thì bị bắt đi lao động khổ sai, đa số không toàn mạng trở về nên nhiều kẻ bỏ trốn làm thổ phỉ, cướp của giết người vô số. Người già thì bơ vơ hiu quạnh, gồng mình cày cấy để có tiền nộp thuế cắt cổ cho triều đình. Nữ nhi đến tuổi cập kê cũng bị dâng lên cho Nam Chiếu Vương hưởng lạc, may mắn thì được vua ân sủng, không thì cũng bị cho vào lãnh cung, sống không bằng chết. Trẻ em chừng sáu tuổi đã bị các quan ép về làm người hầu, khổ không biết đâu mà kể.

Tiếng khóc ai oán vang lên khắp chốn trong thiên hạ, sự uất ức đến tận cùng của bách tính khiến nhiều nơi trỗi dậy, hình thành nhiều phiến quân hoạt động rải rác trên đồi núi, rừng rậm. Những phiến quân này có thiện có ác, tuy vậy họ có một điểm chung là rất oán ghét Nam Chiếu Vương, âm mưu hành thích nhiều lần nhưng đều thất bại và bỏ mạng oan uổng.

Khát Thác là một tướng lĩnh nhà Đường, có công chiếm lãnh đất Nam nên được vua Đường phong cho làm Nam Chiếu Vương, cai quản mười hai châu. Nam Chiếu Vương vốn là kẻ tàn bạo, ham mê tửu sắc, từ lúc lên vương ngày ngày hưởng lạc, không quan tâm đến việc triều chính. Hắn ta là kẻ ưa nịnh nên rất trọng đám hoạn quan, Tâm Phúc và Trần Cao, giao hết quyền hành cho chúng. Được sự tín nhiệm của Nam Chiếu Vương, Tâm Phúc và Trần Cao tha hồ tác oai tác quái, chúng giữ kẻ nghe lời, hãm hại những người quân tử, tận trung với nước.

Thừa tướng Quách Tuấn và nguyên soái Tôn Tần là những người chính trực, có công rất lớn với Nam Chiếu Vương. Họ tuy xâm chiếm nước Nam nhưng hết lòng thương bách tính nơi đây, luôn quan niệm rằng dân chúng ở đâu cũng là con người, cần phải đối tốt thì nước mới vững mạnh và phát triển. Quách Tuấn nhiều lần dâng sớ cho vua về việc giảm sưu thuế, chiêu mộ hiền tài, đắp đê chống lũ, cách chức quan tham nhưng Nam Chiếu Vương nghe lời của đám nịnh thần chối bỏ hết. Chúng lo sợ làm theo lời thừa tướng thì sẽ không thể vơ vét nhiều của cải, vây cánh bị chặt đứt sẽ liên lụy đến mình. Chúng khuyên nhủ Nam Chiếu Vương xây tháp Tường An để hưởng lạc, tuyển hàng trăm cung nữ hàng năm và gièm pha những quan tốt có ý chống đối. Thừa tướng và nguyên soái căm ghét chúng từ lâu nhưng không tài nào lay chuyển được Nam Chiếu Vương, dần dần chúng trở thành vua lúc nào không hay.

Một hôm, Quách Tuấn ngồi thưởng trà với Tôn Tần tại phủ của mình, vừa uống trà vừa buồn rầu, than thở:

- Ta với ngài chinh chiến suốt mấy chục năm mới gây dựng được cơ đồ nước Nam, vậy mà giờ đây vào tay hai tên cẩu tặc Tâm Phúc và Trần Cao, tôi thật không cam lòng!

Tôn Tần cũng lắc đầu ngao ngán, đáp:

- Từ ngày làm vương, bệ hạ nghe lời xu nịnh, ẩn mình chốn Tường An hưởng lạc, không màng chính sự. Đã ba tháng rồi người không thượng triều lần nào, ngoài kia dân chúng lầm than, đạo tặc hoành hành, nhiều phiến quân nổi dậy, tôi lấy làm lo lắm!

Quách Tuấn đồng tình, đáp:

- Ta ngày không ăn, đêm không ngủ, hết lòng lo cho bách tính đất Nam. Nhiều lần dâng sớ cho bệ hạ nhưng đều bị trả về, ta nghĩ vầy, ta với ngài cùng nhau đến cung Tường An, nói rõ phải trái cho bệ hạ, ta nghĩ bệ hạ sẽ tỉnh ngộ.

Tôn Tần nói:

- Ngài nói phải lắm, ta cùng ngài đi!

Thừa tướng và nguyên soái cùng nhau đến cung Tường An nhưng bị hai tên lính gác chặn ở cửa, nói:

- Chúng thần có lệnh của bệ hạ, bất cứ ai cũng không được vào cung, mong thừa tướng và nguyên soái về cho!

Tôn Tần tức giận tiến gần hai tên lính, quát:

- Hỗn láo, bọn ngươi dám vô lễ với thừa tướng, có mau tránh ra một bên không thì chớ trách ta vô tình.

Quách Tuấn bình tĩnh can Tôn Tần, nói với bọn lính:

- Bọn ta có chuyện đại sự cần tâu với bệ hạ gấp, ngươi chuyển lời giúp ta.

Tên lính nhận lời, đi lên tâu Nam Chiếu Vương. Nam Chiếu Vương đang say sưa thưởng nhạc cùng hai mỹ nữ Ngọc Kiều và Cẩm Vân trên giường, thấy tên lính đến, đỏ mặt quát:

- Trẫm đã dặn ngươi không được làm phiền ta thưởng nhạc, sao còn dám vào đây, ngươi muốn ta chém đầu không?

Tên lính run rẩy, lắp bắp:

- Dạ bẩm bệ hạ, tiểu nhân không dám. Thừa tướng và nguyên soái có chuyện đại sự cần tâu với bệ hạ gấp, mong bệ hạ tha tội.

Nam Chiếu Vương hạ hỏa, nói:

- Sao thừa tướng lại đi cùng nguyên soái đến gặp ta nhỉ? Mà thôi ta đang mệt, bảo với chúng lúc khác tâu cũng không muộn.

Tên lính lạy rồi đi ra cổng báo cho thừa tướng và nguyên soái. Tôn Tần bực mình nói:

- Ta với ngài đã cất công cùng nhau đến đây tâu chuyện gấp với bệ hạ mà bệ hạ không tiếp, chẳng hóa khinh chúng ta hay sao!

Quách Tuấn nói với tên lính:

- Ngươi giúp ta vào báo lại với bệ hạ thêm một lần nữa, nói chuyện rất gấp không tâu không được, nếu bệ hạ không tiếp thì bọn ta sẽ đứng đây đến lúc gặp mới thôi.

Tên lính lại chạy vào báo cho Nam Chiếu Vương, Nam Chiếu Vương không hài lòng nhưng vì cả thừa tướng lẫn nguyên soái đòi gặp cũng khó từ chối, nên đành truyền vào.

- Hôm nay thừa tướng cùng nguyên soái gấp gáp đến cung Tường An gặp ta phải chăng có chuyện chi?

Quách Tuấn tâu:

- Thưa bệ hạ, chúng thần ngày đêm lo việc nước, nghĩ bụng người cùng chúng thần chinh chiến mấy chục năm trời mới có được cơ đồ nước Nam. Vậy mà giờ đây thiên hạ loạn lạc, bách tính lầm than, há chẳng đáng buồn lắm sao? Đến nay đã ba tháng trời bệ hạ chưa lên triều, thần có nhiều điều muốn bệ hạ phê chuẩn, cứu giúp bách tính, đánh đuổi phản tặc hoành hành, mong bệ hạ minh xét.

Nam Chiếu Vương nói:

- Ta ở cung Tường An nghe Tâm Phúc và Trần Cao nói thiên hạ vẫn thái bình, bách tính ấm no, lời ngươi nói liệu có hàm hồ chăng?

Tôn Tần đáp:

- Hai tên hoạn quan xu nịnh chỉ che mắt bệ hạ thôi, thiên hạ đang lâm nguy lắm rồi, xin bệ hạ đi vi hành một lần sẽ hiểu điều chúng thần tâu ạ.

Nam Chiếu Vương cau mày nói:

- Tâm Phúc và Trần Cao là hai trọng thần của trẫm, giúp trẫm trăm công ngàn việc, trẫm hết lòng tin tưởng. Vậy mà người dám bảo chúng là nịnh thần ư, hóa ngươi chửi ta không có mắt nhìn người?

Tôn Tần giải thích

- Bẩm bệ hạ thần không có ý đó, thần chỉ muốn bệ hạ tỉnh ngộ, từ bỏ chốn ăn chơi hưởng lạc, đuổi hết lũ quan tham nịnh thần, lên triều trở lại để thiên hạ được thái bình, bệ hạ được hưởng phúc từ bách tính.

Nam Chiếu Vương tức giận, mặt đỏ bừng, đứng phắt dậy, quát:

- Hỗn xược, ngươi dám bảo trẫm ham mê tửu sắc, ngươi là cái thá gì mà lên mặt dạy đời trẫm? Người đâu, lôi Tôn Tần ra chém đầu ngay cho ta!

Quách Tuấn thất kinh, tâu:

- Xin bệ hạ bớt giận, nguyên soái chỉ lo cho giang sơn mới tâu lời ngay thẳng, người chớ nên vì giận mà mất đi công thần.

Nam Chiếu Vương nói:

- Cả thừa tướng cũng bênh hắn sao, ngươi cũng có những lời lẽ không hay với ta, ta nể tình người có công lớn nên tha cho ngươi nhưng Tôn Tần chắc chắn phải bị chém đầu!

Tôn Tần tức giận, răng nghiến kèn kẹt, quát lớn:

- Hôn quân! Ngươi là thứ ngu xuẩn, chỉ biết ham mê tửu sắc, nghe lời xu nịnh, ta dẫu có làm ma cũng ám cho ngươi chết mới thôi.

Nói xong rút đao cứa cổ tự vẫn. Quách Tuấn thất kinh, ôm xác Tôn Tần khóc lớn thành tiếng. Nam Chiếu Vương bỏ vào trong nằm nghỉ tiếp. Quách Tuấn sai người khiêng xác Tôn Tần về phủ để gia quyến chôn cất. Trên đường về, Quách Tuấn buồn rầu ngao ngán, thở dài:

- Nước Nam số đã tận, ta không còn tha thiết nơi đây nữa rồi!

Nói rồi về phủ, dặn gia quyến thu dọn hành lý về quê, hưởng tuổi già.

Lại nói đến Phúc Lộc Châu ở phương nam, dưới sự cai quản của Bá Hầu Trần Thọ. Trần Thọ là một người tham quyền chức, của cải, lại có tính đa nghi như Tào Tháo. Hắn ta ngày ngày bóc lột dân nghèo, cậy quyền cậy thế, không coi ai ra gì. Tuy bách tính căm ghét Bá Hầu, phiến quân nhiều lần tập kích nhưng đều thất bại, đó là vì dưới trướng Bá Hầu là tướng quân Hạo Vũ, oai phong lẫm liệt nên ai cũng khiếp sợ, không dám tạo phản.

Hạo Vũ tướng quân là người đức cao vọng trọng, thương dân như thương con, sẵn sàng bỏ tiền túi giúp kẻ hoạn nạn, tiếp đãi hiền sĩ như người nhà. Ông cũng nhiều lần đánh đuổi giặc trong giặc ngoài giúp Phúc Lộc Châu trụ vững như bàn thạch.

Ông còn mở một lữ quán để tiếp đãi kẻ hiền tài trong thiên hạ, bất cứ ai có tài đến đây cũng đều được trọng vọng bất kể địa vị, giàu nghèo. Ông chia khách thành ba loại: thượng khách, trung khách và hạ khách. Thượng khách là những người xuất chúng trong thiên hạ, Trạng nguyên, có thể tiến cử lên Bá Hầu giúp việc nước. Trung khách là những người ăn học đàng hoàng, có thứ hạng cao trong các kì thi như Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp. Hạ khách là những người chưa nhiều học vấn, muốn theo để trau dồi kiến thức, sẵn sàng để lên trung khách. Lữ quán của Hạo Vũ lúc nào cũng đông đúc, lên tới hàng trăm người tấp nập ra vào.

Uy danh Hạo Vũ vang xa đến cả những châu khác, dân chúng hết lòng tin yêu. Ông nắm trong tay 1 vạn quân, thế lực mạnh như hổ. Tuy Hạo Vũ nắm trong tay nhiều quyền lực và uy danh nhưng ông luôn trung thành với Bá Hầu, không bao giờ có một mảy may suy nghĩ việc mưu phản, lập cơ đồ.

Hổ phụ sinh hổ tử, Hạo Vũ có người con trai tên Hạo Thiên khôi ngô tuấn tú, cao gần 6 thước, mắt phượng mày ngài, tướng mạo ngút trời. Hạo Thiên từ nhỏ đã được Hạo Vũ cho học hành binh pháp thuộc làu, võ nghệ tinh thông đao, kiếm, thương, chùy. Hạo Thiên còn là đứa con ngoan hiếu thảo, hết lòng phụng dưỡng phụ mẫu. Với bách tính, Hạo Thiên cũng hết mực giúp đỡ, coi dân như người nhà nên được dân yêu mến. Nhận thấy tiền đồ của Hạo Thiên, Hạo Vũ rất an lòng, ông thường đem Hạo Thiên theo trận mạc, lập nhiều chiến công lớn.

Tuy Hạo Vũ trượng nghĩa là vậy nhưng Bá Hầu lúc nào cũng canh cánh lo âu, sợ Hạo Vũ tạo phản. Hắn có một quân sư tên là Lê Cung, lúc nào cũng gièm pha Hạo Vũ. Một hôm, hắn thủ thỉ với Bá Hầu:

- Bẩm chúa công, thần có lời ngay muốn thỉnh người, nếu người cho là không phải, xin bỏ quá cho!

Bá Hầu cười, nói:

- Ta với ngươi có gì mà phải ngại, có điều gì hay cứ nói.

Lê Cung đáp:

- Thần nhận thấy thanh thế của Hạo Vũ ngày một lớn mạnh, chiêu binh mãi mã, đãi kẻ hiền tài, uy danh vang danh thiên hạ, dân chúng giờ coi Hạo Vũ hơn cả chúa công, không sớm thì muộn ắt sẻ làm phản!

Bá Hầu giật mình, đáp:

- Hạo tướng quân xưa nay một lòng vì ta, có bao giờ hai lòng, ta cùng hắn đã mấy mươi năm, sao có chuyện đó?

Lê Cung xua tay, nói tiếp:

- Đó là lúc hoạn nạn thì vậy, nhưng lòng người dễ đổi, nay hắn đã có quyền lực, mở trạm xá, được lòng dân, trong tay 1 vạn quân. Tôi dám cá hắn không sinh tham mới lạ, không trừ sớm ắt có hậu họa.

Bá Hầu gật đầu, đáp:

- Ngươi nói cũng có lý, tý nữa thì ta sơ suất. Vậy theo ngươi giờ ta phải làm sao, dù gì hắn cũng là cánh tay phải của ta, vả lại hắn cũng được lòng nhiều người trong phủ, đâu dễ gì loại bỏ hắn.

Lê Cung cười, nói:

- Chúa công chớ lo, thần đã có kế ắt khiến Hạo Vũ rơi đầu.

Bá Hầu mừng rỡ, nói:

- Ngươi có kế gì hay, nói ta nghe thử?

Lê Cung trình bày:

- Chúa công sai người sang Hoan Châu mua chuộc một tên quan lại, bảo hắn viết thư cấu kết cùng Hạo Vũ mưu phản, cùng nhau chia cơ đồ Phúc Lộc Châu. Xong xuôi cho hắn 100 lạng vàng về quê ở ẩn. Sau đó chúa công cũng mua chuộc tên tâm phúc của Hạo Vũ, đưa hắn bức thư rồi giả bị phát hiện, vậy là xong!

Bá Hầu tâm đắc:

- Kế ấy hay lắm, cứ thế mà làm!

Ngày hôm sau, Bá Hầu có truyền gọi Hạo Vũ vào chầu có chuyện gấp nhưng chỉ cho đi một mình, không được mang đao kiếm. Hạo Vũ nghe vậy chuẩn bị y phục vào chầu, đang đi ra cửa thì quân sư Tử Trọng vội vàng chạy tới, tâu với Hạo Vũ:

- Chúa công không nên đi một mình, nguy hiểm lắm, Bá Hầu cho truyền người cùng điều kiện như vậy ắt có uẩn khúc gì chăng?

Hạo Vũ nói:

- Bá Hầu cho truyền ắt ta phải đi, cớ gì kháng lệnh, vả lại Bá Hầu cùng ta sát cánh bao nhiêu năm, sao có thể làm gì ta?

Tử Trọng giải thích:

- Bá Hầu từ xưa đến nay là người ham danh vọng, của cải và đa nghi như Tào Tháo. Bên cạnh Bá Hầu là tên Lê Cung rất xảo trá, nham hiểm, hắn tất gièm pha chúa công với Bá Hầu. Chúa công quyền lực ngày càng lớn, mở trạm xá, được lòng dân, trong tay 1 vạn quân, kiểu gì hắn cũng sợ người mưu phản, tìm cách loại trừ.

Hạo Vũ giận, đáp:

- Ngươi ăn nói hàm hồ, Bá Hầu tư xưa đến nay đều đối đãi với ta hết mực, chưa bao giờ nghi kỵ. Ta với Bá Hầu như thể huynh đệ, cớ gì hại ta, mà dẫu có hại đi chăng nữa, ắt ta có tội không thể dung thứ. Ngươi đừng nhiều lời nữa, ta vào chầu kẻo muộn.

Tử Trọng biết là không can ngăn được Hạo Vũ, bèn sai người mang quân từ xa yểm trợ bên ngoài, cùng lúc phi ngựa đến chỗ Hạo Thiên đang săn bắn.

Hạo Vũ vào chầu, kính cẩn hành lễ với Bá Hầu rồi nói:

- Bẩm Bá Hầu, không biết hôm nay người cho truyền Hạo Vũ có chuyện gì cần sai bảo?

Bá Hầu nói:

- Ngươi to gan lắm, dám mưu đồ tạo phản, nay lại còn giả bộ không biết chuyện gì à? Người đâu, trói hắn lại cho ta.

Hạo Vũ ngơ ngác, phân bua:

- Người nói gì thần không hiểu, thần mấy chục năm nay theo hầu người chưa bao giờ có mảy may mưu phản, mong người suy xét.

Bá Hầu liền cho truyền tên tâm phúc nhà Hạo Vũ, nói:

- Ngươi biết những gì, nói cho tên phản tặc Hạo Vũ.

Tên tâm phúc lẩm bẩm:

- Dạ bẩm Bá Hầu, tiểu nhân đang trên đường đưa thư từ phủ Lý tướng quân ở Hoan Châu về cho Hạo tướng quân thì bị lính giữ thành chặn lại, lục soát người phát hiện bức thư này ạ.

Bá Hầu nói tiếp:

- Ngươi đưa cho hắn đọc xem.

Hạo Vũ không tin, vội lấy bức thư đọc, trong thư có viết:

“Gửi Hạo tướng quân, ngày lành tháng tốt đã đến, ta và ngài hiện đã đầy đủ binh mã, hiện có thể chiếm lấy Phúc Lộc Châu. Ta có 5000 quân, ngài có 1 vạn quân trong ứng ngoài hợp, canh ba ngày Nhâm Tuất ngài cho người mở cổng thành, ta thừa thế xông vào ắt sẽ thành đại sự. Mong Hạo tướng quân sớm hồi âm!”

Hạo Vũ lúc này mới nghĩ đến lời Tử Trọng nói, tự trách mình:

- Ta đã không nghe lời Tử Trọng, Trời hại ta rồi. Tên cẩu Tặc Trần Thọ kia, ta mấy chục năm qua hết lòng phò tá ngươi, chưa bao giờ có mưu đồ, vậy mà ngươi hãm hại ta, ngươi sẽ gặp báo ứng, Thiên nhi chắc chắn sẽ báo thù cho ta.

Nói rồi đập đầu vào cột, chết. Lê Cung nói với Bá Hầu:

- Hạo Vũ đã xử xong, giờ ta phải bắt Hạo Thiên để trừ hậu họa sau này. Chúa công hãy sai Mã Sinh đi lùng sục bắt Hạo Thiên và Tử Trọng, thần cho người đi giết sạch phủ Hạo Gia.

Bá Hầu đáp:

- Ngươi nói phải, cứ thế mà làm!

Hạo Gia phủ hôm ấy chìm trong biển máu, tất thảy ba đời nhà Hạo bị Lê Cung giết sạch, không còn một mống. Lê Cung vơ vét hết của cải nhà Hạo làm của riêng, chỉ nộp về triều một phần.

Người dân Phúc Lộc Châu thương tiếc Hạo Vũ:
"Thương thay Hạo Vũ tướng quân
Quên mình vì nước vì dân
Mở lữ quán, chiêu hiền tài
Con dân hết lòng tin yêu
Đời đời không quên ơn người
Vậy mà chết oan tức tưởi
Dưới tay bè lũ Trần Thọ
Hạo Thiên ắt sẽ trả thù"


Tử Trọng và Hạo Thiên lúc bấy giờ trở về gần đến phủ, thấy hỗn loạn, một gia nhân phủ Hạo thương tích đầy mình, lết tới thì thào:

- Quân sư và Hạo công tử chạy ngay đi, Hạo gia bị giết sạch cả rồi.

Nói xong tắt thở. Tử Trọng và Hạo Thiên thất kinh, không tin những gì mình vừa nghe. Chưa kịp hoàn hồn, Mã Sinh cùng toán quân đã đuổi đến nơi, Tử Trọng hớt hải giục:

- Công tử, thần cùng người chạy đến Ái Châu, có Lê Hầu là bằng hữu của chúa công, nhất định sẽ giúp ta.

Hạo Thiên vẫn chưa hết sửng sốt, lệ ứa ra không ngớt, gạt nước mắt rồi quay ngựa chạy về phía Bắc.

Chạy ngựa khoảng vài canh giờ thì cả người lẫn ngựa đều đuối sức, Tử Trọng quay đầu lại thấy không còn bóng quân Mã Sinh, cho rằng đã an toàn, liền bảo Hạo Thiên dừng chân nghỉ uống nước suối.

Hạo Thiên như người mất hồn, mọi chuyện diễn ra quá nhanh khiến cậu vẫn nghĩ đây chỉ là mơ. Tử Trọng đến quỳ xuống chân Hạo Thiên, nói:

- Tất cả là lỗi của thần, thần đã biết Bá Hầu có mưu đồ chẳng lành nhưng không cản được chúa công, thần đáng tội chết!

Hạo Thiên lúc này trấn tĩnh lại, đỡ Tử Trọng dậy, nói:

- Không phải lỗi của quân sư, con biết quân sư đã làm hết sức mình rồi, chỉ trách tên cẩu tặc Trần Thọ ăn cháo đá bát, hãm hại cả dòng tộc họ Hạo. Thù này con không bao giờ quên, sẽ có ngày con băm vằm tên cẩu tặc Trần Thọ ra thành trăm mảnh, không thể siêu sinh!

Tử Trọng thấy Hạo Thiên gặp biến cố như vậy mà đã nhanh chóng trấn tĩnh, trong lòng tấm tắc khen, liền nói:

- Công tử muốn báo thù, trước tiên phải đi về Ái Châu yết kiến Lê Hầu, người chắc chắn sẽ thu nạp ta. Lê Hầu là người nhân nghĩa, trọng anh hùng, sau này với tiền đồ của công tử, ắt sẽ được Lê Hầu tin dùng.

Hạo Thiên nghe vậy cho là phải, dập đầu trước Tử Trọng, nói:

- Lời quân sư như ngàn vàng, con xin khắc trong tim. Nay con đã mất hết người thân, con cô độc lắm! Con xin phép quân sư cho con gọi người là á phụ.

Tử Trọng cảm động rơi nước mắt, đỡ Hạo Thiên dậy, tay đặt lên vai Hạo Thiên, nói:

- Hài nhi ngoan, từ nay ta sẽ hết lòng chỉ dạy cho con, ta cũng căm phẫn lũ cẩu tặc Trần Thọ như con vậy. Chừng nào ta còn sống, ta sẽ dùng đến hơi thở cuối cùng giúp con hoàn thành bá nghiệp, trả thù cho Hạo gia!

Tử Trọng ôm Hạo Thiên, hai người khóc một lúc lâu rồi lên ngựa tiến về phương Bắc.
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
51
Điểm cảm xúc
135
Điểm
33
Chương 2: Hạo Thiên trảm Xà Tinh, nạp Trương Siêu
Tử Trọng, Hạo Thiên đi ròng rã hai ngày hai đêm, chỉ uống nước cầm hơi và đã đến địa phận Hoan Châu. Nhìn thấy Tử Trọng đuối sức như sắp lả đi vì đói, Hạo Thiên nói:

- Á phụ, chúng ta đã đến Hoan Châu, nghỉ ở đây một lát con đi kiếm chút gì ăn.

Tử Trọng đồng ý, ngồi nghỉ ở một tảng đá ven đường. Nhìn cảnh vật xung quanh hữu tình, Tử Trọng ngẫm:

“Cảnh vật Hoan Châu thật đẹp biết bao, đã lâu rồi ta chưa ra khỏi Phúc Lộc, có lẽ lần này phải lưu lạc khắp nơi.”

Đã một canh giờ trôi qua, Tử Trọng không thấy Hạo Thiên quay về, trong lòng bất an. Chợt có một ông lão râu tóc bạc phơ, mặc y phục trắng toát, đang bước dần tới chỗ Tử Trọng. Tử Trọng thấy tướng mạo ông lão không giống phàm nhân, cảm nhận được luồng khí khác thường, Tử Trọng nghĩ:

“Ông lão này có lẽ không phải phàm nhân, họa chăng là thánh thần Hoan Châu?”

Ông lão bước đến ngồi cạnh Tử Trọng, mặt ngoảnh về hướng xa, nói:

- Tên tiểu tử đó đã gặp nó rồi!

Tử Trọng không hiểu chuyện gì, hỏi ông lão:

- Không biết tiên sinh có điều gì chỉ giáo vãn bối?

Ông lão cười, đáp:

- Không có chi, tiếc thay cho Hạo Vũ là một trang tuấn kiệt, thật không may chết bởi tay kẻ tiểu nhân, chỉ trách hắn thờ nhầm chủ!

Tử Trọng thất kinh, hỏi lại:

- Sao tiên sinh biết chuyện đó?

Ông lão cười phúc hậu, đáp:

- Ta có tai mắt khắp nơi.

Ngừng một lúc, nói tiếp:

- Ngươi là kẻ thần cơ diệu toán, tài trí hơn người, chẳng kém Y Doãn, Tử Nha. Mệnh ngươi chỉ phất khi quyền uy dưới một người, trên vạn người. Tài trí của ngươi có thể phò tá chúa công đoạt giang sơn, lưu danh sử sách nhưng có những điều ngươi không thể ngăn được ý Trời.

Tử Trọng nghe lời ông lão nói như sấm đánh bên tai, cảm thấy rất đúng, hỏi ông lão:

- Tiên sinh quả là người tinh tường, vãn bối đang phò tá con trai của Hạo Vũ, không biết vận mệnh ra sao?

Ông lão đáp:

- Hạo Thiên tướng mạo ngút trời, Hạo Thiên có nghĩa là Trời Xanh, hắn có chân mệnh thiên tử. Nếu hắn sinh thời khác, có lẽ thâu tóm thiên hạ chỉ một sớm một chiều.

Tử Trọng tò mò:

- Vậy còn thời nay?

Ông lão nói tiếp:

- Ta xem thiên văn, trông thấy Trung Bộ và phía Bắc có hai vì sao sáng, ứng với mệnh thiên tử tựa Hạo Thiên. Điều này chứng tỏ giang sơn Tĩnh Hải sẽ chia làm ba.

Tử Trọng vuốt râu tâm đắc, nói với ông lão:

- Vãn bối không nghĩ rằng còn có người sánh ngang được với công tử, xem ra Tử Trọng này có đất dụng võ rồi!

Ông lão gật đầu, rồi nói:

- Hạo Thiên sắp quay về đó, tên tiểu tử ấy chưa sẵn sàng gặp ta, cáo từ.

Nói rồi bước về đằng xa, dần biến mất.

Lúc bấy giờ Hạo Thiên đang đi qua cửa một hang động, thình lình bên trong xuất hiện một cái bóng lớn. Dường như đó là một con quái vật khổng lồ, đang thè chiếc lưỡi dài ngoằng. Hạo Thiên thất kinh, rút đao phòng vệ, thì ra đó là một con Hắc Xà Tinh. Chưa kịp định hình, nó lao vút về phía Hạo Thiên nhanh như cắt khiến Hạo Thiên ngã nhào xuống đất. Nó nhanh chóng quấn lấy Hạo Thiên vào người và bắt đầu siết chặt. Hạo Thiên cảm thấy toàn thân tê cứng, khó thở, tính mạng đang ngàn cân treo sợi tóc.

Trong đầu Hạo Thiên nghĩ: “thù Hạo gia chưa báo, ta không thể bỏ mạng chốn này được”. Hạo Thiên dồn hết chút sức lực còn lại vào quai hàm, cắn Hắc Xà một cái thật mạnh. Xà Tinh kêu to đau đớn, nhả Hạo Thiên xuống. Hạo Thiên nhanh chóng cầm lấy cây đao và chém bay đầu Xà Tinh, máu đen ứa đầy lên người. Hạo Thiên nằm vật ra đất, thở hổn hển, nói:

- Số ta chưa tận!

Nằm nghỉ một lúc, chợt có một người tiều phu thân hình vạm vỡ, khuôn mặt dữ tợn xông tới. Trông thấy xác Xà Tinh, hắn không tin vào mắt mình, quay ra hỏi Hạo Thiên:

- Có phải vị huynh đệ giết Xà Tinh không?

Hạo Thiên đáp:

- Phải!

Người tiều phu mừng rỡ, cúi đầu cảm ơn Hạo Thiên rối rít:

- Ta mang ơn huynh nhiều lắm, ta đã tìm con Xà Tinh này mấy năm trời rồi mà không thấy, nay không phải bận lòng nữa rồi.

Hạo Thiên ngạc nhiên, hỏi:

- Sao huynh lại tìm nó?

Tiều phu đáp:

- Xà Tinh là một con rắn thành tinh ngàn tuổi, ta vốn có thâm thù với Xà Tinh, hồi nhỏ, mẫu thân đi hái củi bị con Xà Tinh này nuốt mất. Nó còn ăn thịt vô số người vùng này, nay nó đã phải đền tội, ông Trời quả có mắt. Mà vị huynh đệ từ đâu đến, ta chưa gặp bao giờ?

Hạo Thiên trả lời:

- Ta từ Phúc Lộc Châu tới đây, đang trên đường kiếm nhà dân xin một bữa cơm thì gặp con Xà Tinh này. Ta còn có á phụ đang chờ cũng đã lâu rồi.

Tiều phu cười, nói:

- Vậy thì tiện quá, ta cũng trên đường về nhà, nếu không chê cơm dân dã, mời huynh về nhà dùng bữa.

Hạo Thiên mừng, nói:

- Tốt quá rồi, ta cùng á phụ chưa có gì bỏ bụng hai ngày rồi, đa tạ huynh đệ. Tiện xin được hỏi quý danh của huynh, ta là Hạo Thiên.

Tiều phu trả lời:

- Ta tên Trương Siêu, người Hoan Châu. Nào, ta cùng đi đón á phụ của huynh.

Hạo Thiên và Trương Siêu vừa đi vừa hàn huyên.

Trở về chỗ Tử Trọng, Hạo Thiên nói:

- Á phụ, con về rồi đây.

Tử Trọng hỏi:

- Sao con đi lâu thế? Vị này là?

Hạo Thiên đáp:

- Chuyện dài lắm á phụ, đây là Trương Siêu, người con mới gặp. Huynh ấy mời chúng ta về nhà dùng bữa.

Tử Trọng gật đầu, lên ngựa cùng Hạo Thiên về nhà Trương Siêu.

Về đến nhà, Trương Siêu gọi lớn:

- Cha, con về rồi đây!

Phụ thân Trương Siêu bước ra, nói:

- Siêu nhi về rồi đó à? Hai vị này là?

Tử Trọng đáp:

- Ta là Tử Trọng, còn đây là Hạo Thiên, bọn ta từ Phúc Lộc Châu đi ngang qua đây, xin dùng bữa cơm.

Phụ thân Trương Siêu trông tướng mạo và y phục thấy không phải người tầm thường, trong lòng mừng rỡ, nói:

- Ta là Trương Hàn, phụ thân của Trương Sinh. Hai vị không cần khách sáo, ta đã chuẩn bị sẵn rượu thịt, mời vào trong dùng bữa.

Tử Trọng và Hạo Thiên hai ngày không có gì vào bụng, ăn ngấu nghiến. Trương Siêu khoe với Trương Hàn:

- Cha, vị huynh đệ Hạo Thiên đây đã chém bay đầu Xà Tinh rồi.

Trương Hàn kinh ngạc, hỏi:

- Thật vậy ư? Vị công tử này võ nghệ quả cao cường.

Hạo Thiên khiêm tốn, đáp:

- Tiểu bối chỉ sinh tồn trong cảnh tử thôi.

Trương Hàn nói tiếp:

- Ta thấy tướng mạo hai vị không phải người tầm thường. Chẳng giấu gì hai người, Siêu nhi luôn trông ngóng được phò tá minh chủ, đánh đuổi giặc Bắc nhưng vì chưa báo thù được cho phụ mẫu nên vẫn ở lại núi Từ Sơn. Nay Hạo công tử đã trảm Hắc Xà, không còn vướng bận gì nữa. Nó từ nhỏ đã không thích học cao, chỉ say mê luyện võ, ngày ngày vác tám mươi cân củi đi bán. Có lần, một mình Siêu nhi đánh đuổi trăm tên thổ phỉ, bách tính Từ Sơn nhờ thế mà được yên bình.

Tử Trọng nói:

- Trương thiếu hiệp, thiếu hiệp có muốn tỉ thí võ nghệ với Hạo Thiên không?

Trương Siêu hăng hái, đáp:

- Đương nhiên, tiểu bối muốn thử võ nghệ với người đã trảm Hắc Xà. Hạo Thiên, huynh thấy sao?

Hạo Thiên vui vẻ nhận lời.

Nghỉ ngơi một lúc, bốn người đi ra vườn để Hạo Thiên tỉ thí với Trương Siêu. Trương Siêu nói:

- Hạo huynh, xin thất lễ!

Trương Siêu tiến tới tung quyền thăm dò, Hạo Thiên từ tốn đỡ rất nhịp nhàng. Trương Siêu tuy thân hình hộ pháp nhưng di chuyển nhanh như gió, lực quyền cũng rất dũng mãnh. Hạo Thiên gặp đối thủ xứng tầm, như cá gặp nước, tâm đắc:

“Xưa nay chỉ có phụ thân mới có uy lực dũng mãnh như vậy, Trương Siêu quả đúng là bậc kỳ tài!”

Hai người tỉ thí tám mươi hiệp vẫn bất phân thắng bại, Tử Trọng quay sang nói với Trương Hàn:

- Trương thiếu hiệp võ nghệ cao cường, uy lực như hổ, không kém gì Bạch Khởi năm xưa. Thiên nhi kết giao với Trương thiếu hiệp như hổ mọc thêm cánh.

Trương Hàn gật đầu khen phải, rồi hỏi Tử Trọng:

- Ta từ lâu đã nghe danh Hạo tướng quân ở Phúc Lộc Châu, Hạo Thiên có phải con trai người không?

Tử Trọng đáp:

- Trương tiên sinh có con mắt tinh tường, quả đúng vậy! Hạo gia bị Bá Hầu bày mưu sát hại, giờ chỉ còn lại Hạo Thiên. Ta và Hạo Thiên đang trên đường đến Ái Châu yết kiến Lê Hầu.

Trương Hàn cau mày, nghiến răng:

- Tên cẩu tặc Trần Thọ không bằng cầm thú.

Trương Hàn quỳ xuống trước Tử Trọng, nói:

- Trương Siêu trăm sự nhờ tiên sinh, sau này lập chiến công, phò tá Hạo công tử, ta có chết cũng an lòng.

Tử Trọng vội đỡ Trương Hàn dậy, nói:

- Trương tiên sinh không cần đa lễ, Trương thiếu hiệp có tài ắt sẽ có đất dụng võ.

Hạo Thiên và Trương Siêu tỉ thí bất phân thắng bại, mồ hôi nhễ nhại, thở hổn hển. Hạo Thiên nói:

- Huynh đệ, đánh nữa cũng vậy thôi, chúng ta dừng được rồi.

Trương Siêu đáp:

- Hạo huynh đệ quả là kỳ tài hiếm có!

Hạo Thiên nói tiếp:

- Lâu lắm rồi ta mới được đánh một trận đã như vậy. Không giấu gì huynh, ta đã mất hết người thân, muốn cùng huynh kết nghĩa huynh đệ, huynh thấy thế nào?

Trương Siêu mừng rỡ:

- Chính hợp ý ta! Ta ít tuổi là đệ, Hạo công tử là sư huynh, từ nay có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Thù của Hạo gia cũng là thù của Trương Siêu này!

Hạo Thiên vui mừng, đáp:

- Được, hảo sư đệ!

Trương Hàn tiến tới, nói:

- Được lắm, hai bậc hào kiệt kết nghĩa huynh đệ, đúng là anh hùng trọng anh hùng. Siêu nhi, Hạo công tử đây là con trai Hạo Vũ tướng quân, từ nay con hãy theo phò tá huynh ấy, lập nên cơ đồ, đánh đuổi giặc Bắc. Thân ta tự lo được, con chớ nghĩ nhiều!

Trương Siêu đáp:

- Lời cha dạy rất phải, con sẽ vâng lời, phụ thân ở lại bảo trọng, sau này con tất sẽ về thăm Từ Sơn.

Hạo Thiên mừng rỡ, nói với hai cha con:

- Có hiền đệ đồng hành thì còn gì bằng, đa tạ Trương tiên sinh.

Hạo Thiên và Trương Siêu hôm ấy uống rượu đến tận sáng.

Hôm sau, Trương Siêu từ biệt Trương Hàn, cùng Tử Trọng và Hạo Thiên tiếp tục tiến về Ái Châu.
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
51
Điểm cảm xúc
135
Điểm
33
Chương 3: Bị truy nã, Tử Trọng nhờ cậy phủ doãn Trần Lượng
Sau khi từ giã Trương Hàn, ba người tiến về phía thành Hoan Châu tá túc một đêm trước khi tiếp tục đi Ái Châu yết kiến Lê Hầu. Trên đường, Tử Trọng, Hạo Thiên và Trương Siêu trò chuyện rôm rả nên con đường trở nên ngắn hơn. Trương Siêu nói với Tử Trọng:

- Tiên sinh, tiểu bối nay đã kết nghĩa huynh đệ với Hạo huynh, Hạo huynh lại gọi tiên sinh là á phụ, vậy tiểu bối cũng gọi tiên sinh như thế há có được chăng?

Tử Trọng cười lớn, đáp:

- Ta từ trẻ đến giờ, làm cánh tay phải của chúa công, chưa có thời gian lập gia quyến, nay hai tên tiểu tử gọi á phụ ta cũng vui lòng lắm! Vả lại Trương tiên sinh cũng nhờ cậy ta. Được, Siêu nhi, ta đồng ý!

Trương Siêu mừng rỡ, nhảy phắt xuống ngựa, quỳ trước Tử Trọng lạy tạ. Tử Trọng cũng nhảy xuống ngựa, đỡ Trương Siêu dậy, nói tiếp:

- Siêu nhi, con không cần đa lễ, từ nay con phải hết lòng phò tá sư huynh, gây dựng cơ đồ, báo thù cho Hạo gia, chớ nên chểnh mảng!

Trương Siêu nói:

- Lời á phụ dặn con nguyện giữ đến chết!

Hạo Thiên thấy vậy, cảm động nói:

- Giờ hai người là người thân duy nhất của con, từ nay bất kể chuyện gì của á phụ và sư đệ cũng là chuyện của Hạo Thiên này.

Ba người cười nói vui vẻ rồi lên ngựa khởi hành tiếp.

Trên lưng ngựa, Tử Trọng nói với Hạo Thiên:

- Thiên nhi, sau này con làm quân chủ ta không thể tùy ý dạy dỗ con nữa. Thế nên bây giờ ta muốn căn dặn con vài điều, con phải khắc cốt ghi tâm.

Hạo Thiên đáp:

- Lời á phụ dặn con xin nghe ạ!

Tử Trọng tiếp:

- Con nên nhớ rằng, một vị quân chủ anh minh không cần phải lo mọi chuyện trong thiên hạ. Điều binh khiển tướng đã có nguyên soái, bày mưu tính kế đã có quân sư, tề gia trị quốc đã có thừa tướng, việc của minh chủ là phải biết dùng người. Không biết người hiền là hại, biết người hiền mà không dùng là hại, dùng người hiền mà không dám phó thác việc lớn là hại, phó thác việc lớn mà để kẻ tiểu nhân xen vào là hại.

Hạo Thiên tâm đắc:

- Lời á phụ tựa như ngàn vàng, con xin khắc ghi!

Tử Trọng hỏi Hạo Thiên:

- Trồng một cây lúa gặt được mấy lần?

Hạo Thiên đáp:

- Dạ một.

Tử Trọng hỏi tiếp:

- Trồng một cây trái gặt được mấy lần?

Hạo Thiên đáp:

- Dạ mười lần.

Tử Trọng hỏi tiếp:

- Vậy trồng gì gặt được trăm lần?

Hạo Thiên ngẫm nghĩ một lúc, đáp:

- Dạ, trồng người!

Tử Trọng gật đầu, nói tiếp:

- Con muốn dùng kế một năm, chi bằng trồng lúa. Dùng kế mười năm, chi bằng trồng cây. Dùng kế trọn đời, chi bằng trồng người.

Hạo Thiên nghe Tử Trọng nói cảm thấy khâm phục tài trí ông vô cùng. Dù dưới trướng phụ thân, từng nghe á phụ nhiều lần hiến kế nhưng đây là những lời thâm sâu nhất Hạo Thiên từng nghe. Cậu biết rằng quân sư của mình là bậc trí giả đệ nhất thiên hạ, sau này sẽ hết lòng làm theo Tử Trọng. Hạo Thiên đang ngẫm nghĩ, Trương Siêu nói:

- Con nghe lời á phụ nói không hiểu cho lắm, nhưng con thấy người là đệ nhất quân sư trong thiên hạ. Hạo huynh có quân sư là á phụ lo gì không dựng được bá nghiệp.

Ba người cười lớn, vừa đi vừa nói chuyện thoáng chốc đã đến cổng thành Hoan Châu. Trương Siêu nhìn từ xa, thất kinh, nói:

- Á phụ, sư huynh, lệnh truy nã hai người dán trên tường kìa, làm thế nào bây giờ?

Hạo Thiên nói:

- Tên cẩu tặc Trần Thọ ắt đã loan tin truy nã chúng ta khắp nơi rồi. Á phụ, ta phải làm sao bây giờ?

Tử Trọng ngẫm nghĩ một hồi, nói với Trương Siêu:

- Siêu nhi, con không bị truy nã, chỉ có con mới giúp được bọn ta qua cổng thành.

Trương Siêu đáp:

- Giúp thế nào, á phụ?

Tử Trọng nói tiếp:

- Ta quen một vị bằng hữu năm xưa học cùng, tên Trần Lượng, làm chức phủ doãn ở Hoan Châu, người này tất giúp được.

Trương Siêu mừng, đáp:

- Tốt quá rồi, cụ thể giúp ra sao, á phụ?

Tử Trọng đáp:

- Ta sẽ viết một lá thư gửi Trần Lượng, con đem lá thư đưa cho y, y sẽ nhận ra chữ viết của ta ngay. Ta sẽ nhờ Trần Lượng đưa cho con xe ngựa chở hàng, sáng sớm canh năm con ra đây đón bọn ta, bọn ta trốn sau đống hàng. Khi xe ngựa đi qua cổng sẽ bị lính gác kiểm tra, lúc ấy Trần Lượng xuất hiện bảo lãnh cho xe ngựa ắt sẽ được vào.

Trương Siêu gật đầu, nói:

- Kế ấy hay lắm, con đi ngay!

Nói rồi Trương Siêu một mình vào thành Hoan Châu yết kiến phủ doãn Trần Lượng. Đến phủ Trần Lượng, tên lính gác cổng nói:

- Ngươi là ai? Đến đây có việc gì?

Trương Siêu đáp:

- Ta là bằng hữu của quan phủ doãn, ngươi chuyển giúp ta bức thư này.

Tên lính cầm bức thư vào đưa cho Trần Lượng. Trần Lượng mở bức thư ra xem:

“Gửi bằng hữu Trần Lượng. Ta là Tử Trọng, năm xưa học cùng bằng hữu ở Giao Châu. Suốt hai mươi năm qua, ta phò tá Hạo Vũ tướng quân, chưa có dịp hàn huyên với bằng hữu. Nay sa cơ lỡ vận, Hạo gia bị bè lũ Trần Thọ hãm hại, sót lại mỗi Hạo Thiên, nay cũng bị truy nã. Mong Lượng huynh giúp đỡ qua thành Hoan Châu, sau này được việc tất sẽ không quên ơn.”

Trần Lượng nhận ra người cũ, truyền Trương Siêu vào phủ. Trương Siêu yết kiến Trần Lượng, thuật lại ngọn ngành câu chuyện. Trần Lượng nói với Trương Siêu:

- Ngươi an tâm, ta sẽ thu xếp chỗ nghỉ cho ngươi. Sáng sớm mai sẽ có sẵn xe ngựa ngoài phủ, ngươi hãy đi đón Tử Trọng và Hạo Thiên về đây.

Trương Siêu mừng rỡ, đáp:

- Đa tạ tiền bối!

Sáng hôm sau, Trương Siêu mang xe ngựa đến đón Tử Trọng và Hạo Thiên. Đi đến cửa thành, tên lính gác lớn tiếng hỏi:

- Ngươi chở hàng gì đây?

Trương Siêu đáp:

- Tiểu dân chở văn thư, sách đến cho ngài phủ doãn ạ!

Tên lính đi ra đằng sau, vén tấm vải che thì thấy đúng là văn thư và sách, toan lục kỹ khám xét thì Trần Lượng đi tới, nói:

- Đây là văn thư quan trọng của ta, ngươi chớ nên xem!

Tên lính thấy Trần Lượng, nói:

- Bẩm phủ doãn, tiểu nhân không dám, người đâu, cho xe vào thành!

Thế là Tử Trọng, Hạo Thiên được trở thẳng đến phủ Trần Lượng. Gặp Tử Trọng, Trần Lượng mừng rỡ:

- Trọng huynh, đã lâu không gặp, ta đã chuẩn bị tiệc rượu sẵn, mời vào dùng bữa.

Tử Trọng đáp:

- Đa ta Lượng huynh, ta và Thiên nhi chắc chắn sẽ không quên ơn huynh, sau này báo đáp.

Trần Lượng xua tay:

- Ta và huynh như ngươi một nhà, chớ nên đa lễ. Nào, mời!

Tử Trọng ngồi cạnh Trần Lượng, Trương Siêu và Hạo Thiên ngồi ở dưới, tiệc bày rất thịnh soạn. Trương Siêu trông thấy nhiều đồ ăn ngon, lại có hảo tửu, cảm kích:

- Đã lâu tiểu bối không được ăn ngon thế này, đa tạ Trần tiền bối!

Trần Lượng cười, đáp:

- Cứ tự nhiên như ở nhà! Trọng huynh, chuyện Hạo Gia bị diệt là thế nào, huynh có thể kể rõ ngọn ngành không?

Tử Trọng thuật lại toàn bộ diễn biến ở Phúc Lộc Châu cho Trần Lượng, Trần Lượng đập bàn một tiếng lớn, nói:

- Tên súc sinh Trần Thọ không bằng cầm thú! Ta từ lâu đã nghe tiếng Hạo Vũ tướng quân lầy lững bốn phương, muốn phò tá người nhưng Hạo tướng quân nhất mực trung thành với tên Trần Thọ, không lập cơ đồ riêng. Ta đã có ước muốn cùng Trọng huynh phò tá minh chủ, đánh đuổi giặc Bắc nhưng chẳng gặp thời.

Trần Lượng nói xong, uống một hơi hết chén rượu, quay xuống nhìn Hạo Thiên, hỏi:

- Vị thiếu hiệp này có phải là con trai Hạo Vũ tướng quân?

Hạo Thiên kính cẩn, đáp:

- Dạ phải, tiểu bối Hạo Thiên kính tiền bối một chén!

Trần Lượng nhìn tướng mạo Hạo Thiên ngút trời, không kém gì Hạo Vũ, gật đầu tâm đắc:

- Quả đúng là hổ phụ sinh hổ tử, Hạo công tử đây tướng mạo phi phàm, sau ắt làm nên đại sự!

Trần Lượng quay sang Tử Trọng, hỏi tiếp:

- Trọng huynh sắp tới tính sao, có ở lại Hoan Châu không?

Tử Trọng đáp:

- Đa tạ lòng hiếu khách của Lượng huynh, chắc nhờ Lượng huynh cho ở lại phủ vài hôm dưỡng sức. Sau đó sẽ tiến tới Ái Châu yết kiến Lê Hầu, bằng hữu của Hạo Vũ tướng quân cậy nhờ giúp đỡ.

Trần Lượng nói:

- Quả không hổ Tử Trọng liệu việc đâu vào đấy! Lê Hầu là người nhân nghĩa, biết phải trái, ắt sẽ nghĩ vụ việc Hạo gia có uẩn khúc. Nạp Trọng huynh và Hạo công tử, Lê Hầu như hổ mọc thêm cánh. Có điều Lê Hầu không phải là người tham vọng làm bá chủ, Trọng huynh đã nghĩ đến chăng?

Tử Trọng nói:

- Đã lâu không gặp, Lượng huynh vẫn tinh tường như xưa. Trước mắt, bọn ta sẽ nhờ cậy Lê Hầu giúp củng cố binh mã, xây dựng thế lực. Sau này Lê Hầu muốn thâu tóm thiên hạ, bọn ta ắt sẽ phò tá người. Nếu Lê Hầu không muốn, người sẽ hiểu và trợ giúp từ sau.

Trần Lượng gật đầu tâm đắc:

- Trọng huynh nghĩ vậy phải lắm. Đến lúc ấy chớ quên Lượng này, ta cũng muốn phò tá, góp chút sức đánh giặc.

Tử Trọng đáp:

- Có Lượng huynh thì như có thêm Bàng Thống, còn gì bằng. Nào Lượng huynh, mời!

Bốn người uống rượu hàn huyên một lúc lâu, đã ngà ngà say, Trần Lượng nói với Hạo Thiên:

- Ta rất ưng Hạo công tử, ta có đứa con gái tên Trần Nguyệt Ánh, sắc đẹp tựa mỹ nhân, lại biết cầm kỳ thi họa nay đã đến tuổi cập kê, ta muốn se duyên cho công tử.

Nói rồi gọi người hầu cho truyền Trần Nguyệt Ánh. Trần Nguyệt Ánh xuất hiện, vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành cùng mùi hương thơm dịu khiến Hạo Thiên phút chốc siêu lòng. Trần Nguyệt Ánh thưa:

- Phụ thân, không biết phụ thân truyền con ra đây có việc gì ạ?

Trần Lượng đáp:

- Con gái ngoan, ta muốn giới thiệu con một người. Đây là Hạo Thiên, con trai Hạo Vũ tướng quân danh chấn thiên hạ.

Trần Nguyệt Ánh trông thấy Hạo Thiên tướng mạo phi phàm, điển trai nên không khỏi rung động trong lòng, e thẹn đáp:

- Nguyệt Ánh bái kiến Hạo công tử.

Hạo Thiên mời Trần Lượng và Nguyệt Ánh một chén, rồi nói:

- Nguyệt Ánh cô nương quả có nhan sắc minh diễm đoan trang, tựa Tây Thi, Bao Tự. Tiểu bối cảm kích Lượng tiên sinh gả con gái, có điều Hạo Thiên còn vướng bận chuyện đại sự, thù Hạo Gia một ngày chưa báo thì vẫn chưa thể yên lòng. Mong Lượng tiền bối lượng thứ.

Trần Lượng vui vẻ, nói:

- Người ta thường nói: “Anh hùng không qua ải mỹ nhân”, xem ra Hạo công tử là bậc đại anh hùng!

Nguyệt Ánh nghe lời Hạo Thiên nói có chút buồn trong lòng nhưng càng khiến Nguyệt Ánh cảm mến Hạo Thiên hơn. Nàng cảm phục ý chí sắt đá, một lòng nghĩ về đại sự của Hạo Thiên, nàng quyết định chờ đợi và sẽ âm thầm dõi theo con đường chàng đi.

Trương Siêu cười lớn, nói với Hạo Thiên:

- Sư huynh đúng là hồ đồ, Nguyệt Ánh cô nương xinh đẹp tuyệt trần vậy mà huynh không đồng ý. Hay là nhường cho đệ?

Hạo Thiên cau mày, nói:

- Tên tiểu tử ăn nói hàm hồ, chốc ta tính chuyện ngươi sau.

Trương Siêu nghe vậy lại càng cười lớn, trêu chọc, khiến Hạo Thiên và Trần Nguyệt Ánh đỏ mặt, ngượng ngùng.

Tiệc tan, mọi người về phòng nghỉ. Hạo Thiên ngồi ngoài sân mắt nhìn xa xăm. Nguyệt Ánh bước tới ngồi cạnh, hỏi:

- Muộn rồi sao công tử chưa ngủ?

Hạo Thiên đáp:

- Ta vẫn chưa ngủ được, còn vướng bận vài chuyện.

Nguyệt Ánh tựa nhẹ đầu vào vai Hạo Thiên, nói:

- Ta hiểu chàng đã trải đại họa, người thường khó lòng trụ vững. Ta mong chàng được bình an, nhất định sẽ trả thù được cho Hạo gia. Ta sẽ đợi chàng, bất kể là bao lâu đi chăng nữa.

Hạo Thiên cảm động, chạm vào tay Nguyệt Ánh:

- Ta thực sự cảm mến nàng, bên nàng ta cảm thấy một chút bình yên giữa lửa thù hận trong lòng. Sau này khi chín muồi, nếu nàng chưa lên xe hoa, ta nhất định sẽ quay lại, hỏi cưới nàng.

Nguyệt Ánh trong lòng vui sướng vì tình cảm của mình được đáp lại. Nàng nói:

- Ta nhất định sẽ đợi chàng, chàng có chân mệnh thiên tử, chí ở bốn phương, chàng không cần bận tâm đến thiếp.

Hạo Thiên nghe vậy trong lòng nghĩ rằng đây chắc chắn sẽ là nương tử của mình. Nguyệt Ánh tựa vai Hạo Thiên ngắm trăng đến tận khuya.
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
51
Điểm cảm xúc
135
Điểm
33
Chương 4: Lê Hầu thử tài Tử Trọng, Hạo Thiên
Đã hai ngày Tử Trọng, Hạo Thiên, Trương Siêu ở phủ Trần Lượng, họ đang chuẩn bị hành lý thu xếp lên đường đi Ái Châu. Ba phụ tử từ biệt Trần Lượng, Nguyệt Ánh. Trước khi đi, Trần Lượng nói với Tử Trọng:

- Trọng huynh, ta rất vui vì được hội ngộ cùng huynh trong hai ngày qua. Huynh đệ ta sẽ sớm tương phùng, bảo trọng!

Tử Trọng đáp:

- Ơn Lượng huynh Tử Trọng này không bao giờ quên, sau này ắt báo đáp. Ta phải lên đường ngay kẻo muộn, Lượng huynh giữ gìn sức khỏe, cáo từ!

Trần Nguyệt Ánh đến bên Hạo Thiên, vương vấn không nỡ rời xa, nói:

- Công tử đi không biết bao giờ gặp lại, thiếp sẽ nhớ chàng lắm. Thiếp sẽ viết thư cho công tử, nếu có thể, hãy hồi âm cho thiếp...

Hạo Thiên vén mái tóc của Nguyệt Ánh, cười nói:

- Ta đi chuyến này cùng á phụ gây dựng cơ đồ, trả nợ máu cho Hạo gia chắc sẽ nhiều gian truân, gập ghềnh. Nhưng ta sẽ nhớ đến nàng, ta sẽ viết thư hồi âm nếu có thể. Nàng ở lại bảo trọng!

Ba phụ tử lên xe ngựa và được người của Trần Lượng hộ tống ra ngoài thành. Trương Siêu cười, nói với Hạo Thiên:

- Sư huynh thích người ta quá mà cứ làm bộ lạnh nhạt, giờ lại nhớ người ta chứ gì?

Hạo Thiên cốc đầu Trương Siêu, nói:

- Tên tiểu tử đừng ăn nói hàm hồ!

Tử Trọng dặn Trương Siêu và Hạo Thiên:

- Trước khi tới Ái Châu, ta muốn dặn các con một vài điều. Tuy Lê Hầu là bằng hữu lâu năm của tướng quân Hạo Vũ nhưng dưới trướng ngài ấy chưa chắc đã thuận ta. Sẽ có những người nghi kỵ và gièm pha nhưng ta thấy có điểm lợi.

Hạo Thiên nói:

- Điểm lợi là gì, thưa á phụ?

Tử Trọng giải thích:

- Lê Hầu là một người biết phải trái, dưới trướng Lê Hầu là quân sư Lý Sử tài trí chẳng kém Quách Tuấn. Hắn là người quan sát tỉ mỉ và nhìn thấu nhân sinh, chính vì vậy những phẩm chất anh hùng, quân tử của bọn con sẽ là điểm lợi.

Trương Siêu gật gù, nói:

- Á phụ đúng là chuyện gì cũng liệu trước tính sau, con quả khâm phục người! Nhưng con chỉ giỏi đánh đấm, á phụ và sư huynh ứng phó họ nhé.

Tử Trọng lại dặn tiếp:

- Và một điều quan trọng, khi gặp người ngoài, tuyệt đối không được gọi ta là á phụ. Siêu nhi và Thiên nhi cũng không được gọi nhau là huynh đệ. Ta và Siêu nhi sẽ gọi Hạo Thiên là chúa công.

Trương Siêu và Hạo Thiên đồng thanh đáp:

- Rõ, thưa á phụ!

Sau hai ngày đường, ba phụ tử đã đến thành Ái Châu. Cảnh vật, đường xá nơi đây tấp nập, bách tính cười nói khắp nơi. Tử Trọng vuốt râu, nói:

- Quả không hổ Lê Hầu, nhìn bách tính là thấy được ngài ấy cai quản Ái Châu rất tốt.

Trương Siêu hỏi Tử Trọng:

- Á phụ, sao người và sư huynh không bị truy nã ở Ái Châu?

Tử Trọng đáp:

- Việc ấy thì ta cũng liệu được, Lê Hầu vốn không ưa gì tên Trần Thọ, vả lại ngài ấy cũng sẽ nghi ngờ chuyện Hạo gia có uẩn khúc nên không phát lệnh truy nã.

Hạo Thiên nói:

- Á phụ nói có lý, vậy là chúng ta được an toàn tại đây rồi!

Tử Trọng đáp:

- Có thể coi là vậy!

Trương Siêu hỏi Tử Trọng:

- Á phụ, Lê Hầu là người thế nào?

Tử Trọng đáp:

- Lê Hầu Phạm Chính vốn là con trai của quân hầu đời trước Phạm Quân, hai cha con chủ trương theo đường lối đặt bách tính lên trên hết nên rất được lòng dân chúng. Hai người họ xưa nay đấu đá với bè lũ Bá Hầu, Tước Hầu, Quảng Hầu ác bá, tham lam. Hai đời Lê Hầu là cái gai trong mắt bọn chúng nhưng vì Lê Hầu có công rất lớn với triều đình và thế lực của họ cũng vững mạnh nên chưa thể làm gì được. Hạo tướng quân khi xưa hợp quân cùng Phạm Chính đánh đuổi giặc man di. Hai người họ cùng chiến tuyến, năm lần bảy lượt cứu nhau khỏi cửa tử nên họ là bằng hữu chí cốt của nhau.

Hạo Thiên đáp:

- Lê Hầu quả đúng là bậc quân tử, lại là bằng hữu của phụ thân, con sẽ hết lòng trợ giúp ngài ấy.

Ba người kiếm một quán trọ nghỉ ngơi qua ngày.

Sáng hôm sau, họ đến phủ Lê Hầu xin yết kiến. Tử Trọng nói với tên lính canh:

- Bọn ta là người từ phủ Hạo gia ở Phúc Lộc Châu đến xin yết kiến Lê Hầu, ngươi chuyển lời giúp ta.

Tên lính nhận lời, vào cung truyền tin cho Lê Hầu. Lúc bấy giờ Lê Hầu đang bàn chính sự cùng các quan, tên lính chạy lại tâu:

- Bẩm chúa công, ngoài triều có ba người tên Tử Trọng, Hạo Thiên, Trương Siêu từ phủ Hạo gia ở Phúc Lộc Châu xin yết kiến!

Lê Hầu ngạc nhiên:

- Hạo gia? Ngươi về thu xếp chỗ nghỉ cho họ, lát ta cho truyền.

Tên lính tuân mệnh, trở về thu xếp.

Các quan trong triều xôn xao, bàn tán:

- Ta nghe nói Hạo gia âm mưu phản nghịch, bị truy nã khắp nơi trong thiên hạ.

- Phải đấy, ba đời họ Hạo đã bị giết cả, vậy mà còn ba người sống sót.

- Lỡ chúng lợi dụng chúng ta, gây thù chuốc oán với Bá Hầu thì phải làm thế nào?

Các quan xì xào không ngớt, Lê Hầu nói lớn:

- Các ngươi yên lặng một chút.

Lê Hầu quay sang Lý Sử, hỏi:

- Hạo Vũ tướng quân khi xưa là bằng hữu vào sinh ra tử của ta, theo quân sư nên xử trí thế nào?

Lý Sử đáp:

- Bẩm chúa công, thần biết Hạo Vũ tướng quân là bằng hữu xưa của người. Thần cũng biết uy danh Hạo Vũ lẫy lừng khắp thiên hạ, không thể có chuyện phản nghịch được, nhiều khả năng Bá Hầu đã hãm hại Hạo gia.

Lê Hầu nói:

- Quân sư nói quả đúng ý ta, vậy ta nên truyền họ vào?

Lý Sử đáp:

- Hãy khoan truyền họ, nếu bây giờ ta dung nạp người của Hạo gia, không khác gì gây thêm thù với Bá Hầu. Thần có hạ sách, trung sách, thượng sách, chúa công muốn nghe cách nào?

Lê Hầu hỏi:

- Hạ sách là thế nào?

Lý Sử đáp:

- Hạ sách là đem bắt họ giao nộp cho Bá Hầu, ta không phải chịu trách nhiệm gì cả, sẽ xoa dịu được mối thâm thù với hắn và đồng minh. Có điều làm vậy thì chúa công sẽ mang danh bất nghĩa, không trọng tình xưa, bách tính cũng sẽ quay lưng với chúa công vì họ rất tôn kính Hạo Vũ tướng quân.

Lê Hầu hỏi tiếp:

- Trung sách là thế nào?

Lý Sử đáp:

- Trung sách là từ chối tiếp họ, đuổi họ ra khỏi Ái Châu. Làm theo cách này chúa công sẽ ở thế trung lập, không mất lòng Bá Hầu và cũng không làm mất lòng bách tính.

Lê Hầu hỏi tiếp:

- Vậy còn thượng sách?

Lý Sử đáp:

- Muốn thực hiện thượng sách, chúa công cần tin vào trực giác. Ta sẽ thử tài trí của Tử Trọng, Hạo Thiên xem họ có đáng bậc chính nhân quân tử không? Nếu họ không phải, ta sẽ làm theo trung sách. Nếu phải, chiêu nạp họ sẽ giúp chúa công như hổ mọc thêm cánh, lại được tiếng giúp đỡ Hạo gia lúc hoạn nạn. Sau này nên đại sự chúa công ắt sẽ được người đời nói anh minh. Có điều khi ấy, ta sẽ trực tiếp đối đầu với Bá Hầu và bè lũ.

Lê Hầu vuốt râu, nghĩ một hồi rồi nói:

- Ta sẽ chọn thượng sách. Theo quân sư có cách nào thử họ?

Lý Sử đáp:

- Xưa nay thần có nghe Tử Trọng thần cơ diệu toán, không kém Y Doãn, Tử Nha. Ta có thể thử bằng cách cho triều thần chất vấn hắn xem hắn đối đáp thế nào, chúa công có thể lui đằng sau quan sát. Thần cũng nghe danh hổ phụ Hạo Vũ sinh hổ tử Hạo Thiên, thần có kế giúp chúa công một mũi tên trúng ba con nhạn.

Lê Hầu mừng, nói:

- Kế gì quân sư nói ta nghe!

Lý Sử tiếp:

- Chẳng phải chúa công vẫn canh cánh trong lòng phiến quân Trần Tiềm sao? Chúa công hãy giao cho Hạo Thiên và Tử Trọng năm trăm lính trẻ mới nhập ngũ, nội trong sáu tháng đánh đuổi phiến quân Trần Tiềm. Như vậy nếu thành công, chúa công thứ nhất thu nạp được hai mãnh hổ, thứ nhì dẹp được cái gai trong mắt Trần Tiềm, thứ ba có thêm năm trăm lính tinh nhuệ.

Lê Hầu hỏi lại:

- Đưa chúng năm trăm lính mới nhập ngũ dẹp Trần Tiềm khác nào đưa chúng vào chỗ chết?

Lý Sử đáp:

- Lửa thử vàng gian nan thử sức, càng khó càng chứng tỏ cái tài của Hạo Thiên và Tử Trọng.

Lê Hầu nói:

- Được, kế ấy hay lắm, các quan thấy thế nào?

Các quan đều đồng lòng với ý của quân sư Lý Sử, không ai phản bác.

Lê Hầu chốt:

- Nếu không có ai phản đối thì cho truyền người phủ Hạo gia vào, ta sẽ lùi vào trong quan sát.

Nói rồi cho truyền Tử Trọng, Hạo Thiên, Trương Siêu vào yết kiến.

Khi vào triều, Tử Trọng, Hạo Thiên, Trương Siêu bái kiến các vị quan văn võ Ái Châu.

Tử Trọng nhìn quanh không thấy Lê Hầu, liền hỏi:

- Tại hạ lặn lội từ Phúc Lộc Châu đến đây mong được yết kiến Lê Hầu có chuyện đại sự cần thỉnh cầu, người hôm nay có dự triều không?

Lý Sử đáp:

- Lê Hầu có công chuyện cần giải quyết, sẽ thượng triều sau.

Lý Sử nhìn tướng mạo Tử Trọng uyên thâm, độ lượng, khảng khái, trong lòng có đôi phần nể phục. Tuy vậy vẫn phải thử tài Tử Trọng, Lý Sử hỏi:

- Ta nghe nói phủ Hạo gia ba đời bị Bá Hầu giết sạch, sao ba người vẫn sống sót tới đây, chẳng hóa tham sống sợ chết hay sao?

Tử Trọng cười, đáp:

- Chết thì dễ, sống mới khó. Lũ cẩu tặc Trần Thọ, Lê Cung lập kế hãm hại Hạo tướng quân, người sáng suốt sẽ nhìn ra. Nếu tại hạ và Hạo Thiên chết chẳng hóa uổng công lắm hay sao? Ai sẽ minh oan cho Hạo gia? Ai sẽ dẹp đám cẩu tặc Trần Thọ? Ai sẽ kế thừa uy danh lẫy lừng của Hạo Vũ tướng quân?

Định nói tiếp nhưng lời của Tử Trọng khiến Lý Sử cứng họng.

Một quan triều thần Ái Châu tên Lưu Nghi hỏi Tử Trọng:

- Cứ cho lời tiên sinh là đúng, nhưng nếu dung nạp người của Hạo gia có khác nào chuốc thù với Bá Hầu?

Tử Trọng đáp:

- Các hạ nói vậy chứng tỏ chỉ hiểu một chứ không hiểu mười. Xưa nay Lê Hầu vốn không ưa bè lũ Bá Hầu, chúng là lũ ác bá, hà hiếp bách tính, ai ai cũng oán trách. Đối đầu với Bá Hầu là việc không sớm thì muộn, đó là Thiên ý. Hạo Vũ tướng quân còn là bằng hữu xưa của Lê Hầu, nhiều lần vào sinh ra tử, há Lê Hầu có thể làm ngơ khi Hạo gia bị diệt, con trai Hạo Vũ tướng quân đến cậy nhờ giúp đỡ?

Lưu Nghi cứng họng, không nói được gì.

Một quan võ Ái Châu tên Quách Tư hỏi Tử Trọng:

- Tiên sinh nói thì hay lắm, chữ nghĩa cũng quan trọng nhưng đối đầu với Bá Hầu lúc này chưa phải thích hợp. Lê Hầu có thể từ chối giúp người Hạo gia để tránh giao tranh với Bá Hầu, một mặt ẩn mình chờ thời đánh sau cũng không muộn? Giờ thu nạp ba người chẳng có lấy một binh lính, Ái Châu cũng đâu có mạnh thêm thước nào?

Tử Trọng cười lớn, đáp:

- Ta không ngờ Ái Châu ấm no, sung túc là vậy mà lại có quan thiếu hiểu biết và hèn nhát như các hạ. Thứ nhất, thiên hạ đại loạn, Nam Chiếu vương đắm chìm tửu sắc bỏ bê triều chính, bách tính lầm than, phiến quân nổi dậy khắp nơi, không phải lúc này thì là lúc nào? Thứ hai, khi xưa Tư Mã Ý từng nói, một Gia Cát Lượng bằng mười vạn tinh binh, người đứng đầu mới nắm vai trò then chốt, điều khiển vạn binh. Như các hạ so số lượng há chẳng nông cạn hay sao?

Quách Tư tâm phục khẩu phục không nói được thêm lời nào.

Lúc này một tên lính gác đến, hô:

- Chúa công tới!

Tử Trọng, Hạo Thiên, Trương Siêu cúi đầu bái kiến Lê Hầu.

Lê Hầu nói:

- Miễn lễ, ta có chút công chuyện cần giải quyết, giờ mới thượng triều được, tiên sinh và công tử lượng thứ.

Tử Trọng đáp:

- Bẩm Lê Hầu, sau khi Hạo gia bị diệt, tại hạ và Hạo công tử nghĩ ngay đến việc yết kiến người ở Ái Châu. Người là bằng hữu xưa của Hạo tướng quân, nhiều lần vào sinh ra tử. Hơn nữa, Lê Hầu còn là người nhân nghĩa, hiểu lý lẽ phải trái, nên tại hạ mạo muội đến nương nhờ Ái Châu phủ.

Lê Hầu cười, đáp:

- Đúng là quân sư của Hạo tướng quân, liệu việc hơn người. Ta biết cái tài của quân sư Tử Trọng và con trai Hạo Vũ tướng quân, Hạo Thiên. Tuy nhiên, để thu nạp người của Hạo gia, đối đầu với Bá Hầu, cũng phải trả một cái giá, tiên sinh và công tử có chịu không?

Hạo Thiên đáp:

- Xin Lê Hầu cứ nói, dù có phải vào sinh ra tử Hạo Thiên cũng cam lòng.

Lê Hầu gật đầu, nói:

- Khẩu khí được lắm, đúng là hổ phụ sinh hổ tử. Ta có một việc muốn giao cho ba người. Ta sẽ điều cho các hạ năm trăm quân lính và binh phù. Nội trong sáu tháng phải đánh đuổi giặc Trần Tiềm làm loạn gần Ái Châu, các hạ đồng ý không?

Tử Trọng hỏi:

- Bẩm Lê Hầu, cho tại hạ hỏi tình hình binh lực Trần Tiềm?

Lý Sử đáp:

- Bè lũ Trần Tiềm có ba nghìn quân đóng trại cách Ái Châu năm mươi dặm về phía Bắc.

Trương Siêu nói:

- Năm trăm đấu với ba nghìn khác gì lao vào chỗ chết!

Tử Trọng quay sang Hạo Thiên gật đầu. Hạo Thiên nói với Lê Hầu:

- Tại hạ đồng ý!

Trương Siêu:

- Nhưng...

Tử Trọng vỗ vai Trương Siêu, gật đầu ra tín hiệu, Trương Siêu cũng thôi.

Lê Hầu cười lớn, nói:

- Được lắm, người đâu, mang binh phù trao cho Hạo công tử. Ta đã sắp xếp chỗ nghỉ cho ba người, ngày mai Lý Sử sẽ chuyển giao binh lính.

Tử Trọng, Hạo Thiên, Trương Siêu đồng thanh:

- Tuân mệnh!

Nói rồi hành lễ cáo lui.

Trên đường về phủ, Trương Siêu hỏi Tử Trọng:

- Á phụ, sao người lại đồng ý việc ấy, khác gì đẩy vào chỗ chết?

Tử Trọng đáp:

- Ta khắc có lo liệu, con không cần lo!
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
51
Điểm cảm xúc
135
Điểm
33
Chương 5: Tử Trọng mở Chiêu Hiền Quán, Hạo Thiên phủ dụ binh sĩ
Lê Hầu đang đàm đạo cùng Lý Sử tại phủ, Lê Hầu nói:

- Ta quả thực rất mến cái tài của Hạo Thiên và Tử Trọng. Có điều thử thách lần này của chúng có khó quá chăng? Ta e...

Lý Sử đáp:

- Chúa công chớ lo, thần tin bọn họ có thể xoay sở được. Thần cảm phục cái tài của Tử Trọng, qua màn đối đáp với các quan trong triều ta có thể thấy được phần nào, thần muốn xem ông ta sẽ làm gì tiếp. Hạo Thiên thì toát ra thần thái phi phàm, quả là một chính nhân quân tử, có điều tài năng của hắn vẫn là một ẩn số, ngày mai thần chuyển giao binh lính để xem hắn điểm binh thế nào, qua đó thần sẽ kiểm chứng được cái tài điều binh khiển mã của hắn. Tên Trương Siêu đi cùng thân hình hộ pháp, dáng người bệ vệ, trông có vẻ hữu dũng vô mưu nhưng thần dám chắc hắn là một mãnh tướng của Hạo Thiên, Tử Trọng tất sẽ biết dùng hắn.

Lê Hầu nói:

- Quân sư quả đúng là biết nhìn người, nếu Tử Trọng và Hạo Thiên đánh đuổi được lũ Trần Tiềm thì ắt không phải phàm nhân, tất làm nên đại sự sau này.

Lý Sử gật đầu, nói tiếp:

- Nếu họ thành công đánh đuổi Trần Tiềm, ắt sau này thế lực không vừa, chúa công có lo chăng?

Lê Hầu cười, đáp:

- Người hiền tài như vậy há ta phải lo? Nếu chúng có đức sẽ tốt cho đất Nam. Ta vốn không mưu cầu bá chủ, chỉ lo quốc thái dân an, sau này chúng mà thành đại sự ắt dân được nhờ, ta góp chút công sức há chẳng lưu danh sử sách?

Lý Sử nghe Lê Hầu nói vậy, cảm phục:

- Chúa công quả là bậc hiền nhân, sự thấu hiểu luân thường đạo lý của người thần không sánh kịp.

Lê Hầu cùng Lý Sử đàm đạo hồi lâu đến khuya.

Tử Trọng, Hạo Thiên, Trương Siêu đang ngồi bàn bạc đánh Trần Tiềm. Hạo Thiên hỏi Tử Trọng:

- Thưa á phụ, xưa nay con theo phò tá phụ thân, chinh chiến nhiều trận lớn nhỏ, chưa biết sợ là gì. Nhưng muốn công thành thì binh mã phải gấp đôi, ba lần binh thủ, Lê Hầu giao chúng ta năm trăm binh mã đánh ba nghìn quân Trần Tiềm há chẳng vô lý hay sao?

Tử Trọng đáp:

- Lê Hầu và Lý Sử rất hiểu lý lẽ, tất không giao nhiệm vụ vô lý, đẩy ta vào chỗ chết. Ta nghĩ Lê Hầu đang muốn thử tài chúng ta, nếu thành công ắt sẽ giao phó đại sự.

Trương Siêu nói:

- Nhưng con không tài nào nghĩ được cách đánh bại Trần Tiềm cả, á phụ?

Tử Trọng đáp:

- Lê Hầu giao chúng ta năm trăm binh mã nhưng đâu có cấm ta chiêu mộ thêm? Cái ta đang lo là kiếm đâu được người hiền chỉ huy binh mã, chỉ dựa vào ba chúng ta e không đủ.

Hạo Thiên nói:

- Á phụ nói phải lắm, Siêu đệ có thể làm tướng tiên phong, con thống lĩnh trung phong, ta cần hai tướng lĩnh cho cánh tả và cánh hữu, chưa kể còn cần thêm mưu sĩ nữa.

Tử Trọng nói:

- Có lẽ ta phải học theo tiên quân, mở lữ quán chiêu mộ hiền tài.

Hạo Thiên nói:

- Ta có thể gửi thư cho những vị bằng hữu từng ở lữ quán của phụ thân, con nghĩ vẫn còn nhiều người cùng chí hướng, có thể trợ giúp ta.

Tử Trọng khen:

- Quả là ý rất hay, ta sẽ viết thư gửi họ gấp. Ngày mai Lý Sử sẽ bàn giao binh phù và năm trăm binh mã, Thiên nhi và Siêu nhi phụ trách rèn luyện binh mã, cùng với đó chiêu mộ thêm binh lực Ái Châu, chúng ta sẽ không có thời gian nghỉ ngơi đâu.

Hạo Thiên và Trương Siêu đồng thanh:

- Vâng, thưa á phụ!

Hạo Thiên quay sang nói với Trương Siêu:

- Ngày mai đệ cùng huynh đi đến nơi sầm uất của Ái Châu, ta có việc nhờ đệ.

Trương Siêu đáp:

- Việc gì thế sư huynh?

Hạo Thiên cười, vỗ vai Trương Siêu:

- Việc đánh đấm!

Trương Siêu khoái chí:

- Hay lắm! Đến lúc dùng sở trường của Trương Siêu này rồi!

Sáng hôm sau, Tử Trọng, Hạo Thiên, Trương Siêu đến quân trường gặp Lý Sử nhận binh phù và binh mã. Hạo Thiên nhìn xung quanh thấy quân lính mặt mũi non trẻ, hàng ngũ lộn xộn, nói với Tử Trọng:

- Á phụ, đây đều là những người mới nhập ngũ, chưa có chút kinh nghiệm chiến trường.

Tử Trọng đáp:

- Vậy càng tốt, mới nhập ngũ thì theo ta từ đầu, càng trung thành. Nửa năm tới, hàng ngũ này có tinh nhuệ hay không là do các con đó!

Hạo Thiên đáp:

- Á phụ chớ lo, con sẽ cố gắng hết sức!

Lý Sử cùng tùy tùng đem theo năm chiếc rương tới, nói với Tử Trọng và Hạo Thiên:

- Bái kiến Tử Trọng tiên sinh, Hạo công tử. Tại hạ theo lệnh của chúa công, trao binh phù cho Hạo công tử cùng với năm trăm lạng vàng, dùng cho việc binh.

Tử Trọng vuốt râu, nghĩ thầm:

“Quả đúng như ta nghĩ, chỉ giao năm trăm binh sĩ nhưng cấp năm trăm lạng vàng cho ta lo việc khác. Lê Hầu và Lý Sử quả đúng là chu toàn, không ép người quá đáng.”

Lý Sử quay xuống binh lính, nói:

- Từ nay, Hạo Thiên sẽ là chủ tướng của các ngươi, các ngươi hãy hết mình phò tá Hạo tướng quân đánh đuổi giặc Trần Tiềm!

Đám lính đồng thanh:

- Rõ!

Hạo Thiên tiến tới Lý Sử, nói:

- Đa tạ tiên sinh, tại hạ không thể đòi hỏi gì hơn. Nhờ tiên sinh chuyển lời cảm ơn đến Lê Hầu giúp tại hạ.

Lý Sử nói:

- Công tử không cần khách sáo, Trần Tiềm vẫn là cái gai trong mắt Lê Hầu. Công tử chuyến này dẹp được Trần Tiềm thì quả là có công lớn với Ái Châu. Nếu Hạo công tử và Tử Trọng tiên sinh cần gì cứ nói với tại hạ, tại hạ sẽ thu xếp với Lê Hầu.

Tử Trọng nói:

- Đa tạ quân sư, đã làm phiền quân sư rồi!

Lý Sử khua tay, cười.

Hạo Thiên tiến tới trước binh lính, nói lớn:

- Chư vị huynh đệ, ta là Hạo Thiên người Phúc Lộc Châu, nay được trao binh phù, thống lĩnh ba quân, mong chư vị huynh đệ đồng lòng đồng sức, đánh đuổi giặc Trần Tiềm, đem lại bình yên cho bách tính Ái Châu.

Hạo Thiên lấy một tấm bảng, viết lên các điều luật nơi doanh trại, như sau:

1) Nghe trống không tiến, nghe chiêng không lùi, phất cờ không dậy, ngã cờ không phục, ấy là tội bội quân, phải chém.
2) Điểm quân vắng mặt, sai hẹn, trễ nải, ấy là tội mạng quân, phải chém.
3) Đêm nghe hiệu không báo lại, giờ canh bỏ vắng, khẩu hiệu nói sai, ấy là tội hoạnh quân, phải chém.
4) Đem oán hờn rêu rao trong quân sĩ, nói sau lưng chủ tướng, không tuân mệnh truyền, ấy là tội khi quân, phải chém.
5) Giáo gươm không sắc, cờ hiệu thất lạc, cung để mất dây, tên bỏ mất cánh, ấy là tội thất thoát, phải chém.
6) Ăn nói bậy bạ, không tuân lệnh cấm, rượu chè be bét, tiết lộ quân tình, ấy là tội khinh quân, phải chém.
7) Đặt chuyện điêu ngoa, ma quỷ, làm rối lòng quân, ấy là tội ngoa ngữ, phải chém.
8) Đến đâu quấy nhiễu bách tính, hãm hiếp đàn bà, ấy là tội gian quân, phải chém.
9) Lấy tài sản người khác làm của mình, cướp công người khác, ấy là tội đạo quân, phải chém.
10) Hành quân không chú ý hàng ngũ, trái hiệu lệnh, ấy là tội loạn quân, phải chém.
11) Giả đau ốm, trốn họp quân, ấy là tội trá quân, phải chém.
12) Không biết yêu thương, giúp đỡ đồng đội, để giặc uy hiếp mà không cứu, ấy là tội tệ quân, phải chém.

Binh lính đọc xong ai nấy vừa sợ vừa phục cái uy của Hạo Thiên, từ đó về sau răm rắp làm theo, binh mã theo trật tự đường lối, thế như mãnh hổ.

Lý Sử tấm tắc khen thầm:

“Nay tận mắt chứng kiến, Hạo Thiên không thua kém gì Hạo Vũ năm xưa”

Lý Sử từ biệt Tử Trọng và Hạo Thiên rồi về phủ.

Hạo Thiên cho binh sĩ về nghỉ ngơi, hôm sau sẽ khổ luyện nghiêm ngặt.

Tử Trọng mua lại một lữ quán trong thành, đặt bảng hiệu là Chiêu Hiền Quán, hai bên treo hai tấm yết thị lớn, viết:

1) Am hiểu sách lược, tinh thông binh pháp sẽ được chức Nguyên nhung.
2) Dũng cảm hơn người, đủ sức phá thành chém tướng sẽ được chức Tiên phong.
3) Tài hay khinh khiển, võ nghệ siêu quần, sẽ được chức Tán ky.
4) Thông hiểu thiên văn, thạo việc phong vũ, sẽ được chức Tân hoạch.
5) Tinh tường địa đạo sẽ được làm chức Hướng đạo.
6) Mực thước công bằng, tính tình ngay thẳng, sẽ được làm chức Kỹ lục.
7) Ứng xử tài tình, động việc khéo lo sẽ được làm chức Nghị quân.
8) Nói năng hoạt bát, ứng đối nhanh lẹ, sẽ được làm chức Thuyết khách.
9) Tính toán tinh tường, một mảy không lộn, sẽ được làm chức Thượng thư.
10) Sách vở xem rộng, hỏi đâu biết đấy, sẽ được làm chức Bác sĩ.
11) Chuyên tập sách thuốc, mạch lục tinh thông, sẽ được làm chức Quốc thủ.
12) Giỏi nghề len lỏi, thạo việc rình mò, sẽ chọn làm Thám tử.
13) Chưởng quản tiền lương, tiêu pha hợp lý, sẽ được chọn làm Quân xướng .

Bất cứ ai giỏi một trong mười ba khoản này cứ tới Chiêu Hiền Quán kê khai tên họ, lập tức được trọng dụng bất kể giàu nghèo, địa vị.

Dân chúng túm lại rất đông xì xào, nhiều người lập tức vào ứng cử với Tử Trọng để thỏa cái tài của mình.

Hạo Thiên cùng Trương Siêu ra nơi sầm uất nhất trong thành, treo tấm biển:

“Bất cứ ai đấu võ với vị này được năm hiệp, thưởng một lạng bạc. Mười hiệp được ba lạng bạc. Hai mươi hiệp được mười lạng bạc. Năm mươi hiệp được ba mươi lạng bạc. Đánh bại được một lạng vàng”.

Đứng cạnh tấm biển là Trương Siêu, sừng sững như bàn thạch.

Nhiều anh hùng hảo hán tới thách đấu với Trương Siêu nhưng trụ chưa tới ba hiệp đã bị Trương Siêu đánh cho nhừ tử. Hiếm hoi có những vị trụ được mười hiệp đều được Hạo Thiên cất nhắc gia nhập binh ngũ.

Đến chiều tối, Hạo Thiên và Trương Siêu chuẩn bị cất bảng đi về, chợt có hai vị huynh đệ tên Nguyễn Lương và Nguyễn Sơn tiến tới, nói:

- Huynh đệ ta cũng muốn thử sức, có điều bọn ta có hai người, đấu một mình vị đây quả không cân sức.

Trương Siêu cau mày, nói:

- Các ngươi chớ tự tin quá, nhào vô ta đánh hết!

Hạo Thiên trông hình thể Nguyễn Lương và Nguyễn Sơn có vẻ rắn chắc, khỏe khoắn cùng phong thái tự tin, có vẻ là người giỏi võ, liền vỗ vai Trương Siêu, nói:

- Được, ta cũng sẽ tham gia tỷ thí cùng Trương Siêu!

Trương Siêu nói:

- Đâu cần sư huynh phải ra tay, một mình đệ là đủ rồi!

Hạo Thiên đáp:

- Hai vị đây không giống những người trước, ta với đệ phen này không dễ đâu!

Hạo Thiên quay ra nói với Nguyễn Lương, Nguyễn Sơn:

- Hai vị huynh đệ, chớ khách sáo!

Nói rồi lao vào tỉ thí cùng Nguyễn Lương còn Trương Siêu tỉ thí với Nguyễn Sơn.

Quả đúng như Hạo Thiên nhận định, Nguyễn Lương và Nguyễn Sơn thân pháp nhanh nhẹn, uy lực dũng mãnh, tiếp chiêu Hạo Thiên, Trương Siêu không hề thua kém.

Bẵng một hồi, bốn người tỷ thí hơn năm mươi hiệp bất phân thắng bại, Hạo Thiên nói:

- Chúng ta dừng được rồi, ta đã biết võ nghệ của hai vị huynh đài rất cao cường. Trương Siêu, đệ lấy tiền đưa cho hai vị huynh đệ đi.

Trương Siêu nói:

- Ta đã đánh giá thấp hai vị, xin thứ lỗi!

Nguyễn Lương nói:

- Không có chi! Hai huynh đệ ta lâu rồi cũng chưa đánh với ai ngang tài ngang sức như vậy. Hai vị quả đúng là bậc kỳ tài.

Hạo Thiên cười, nói:

- Được lắm, tỉ võ xong kết bằng hữu. Giờ cũng đói bụng rồi, hai vị huynh đệ có nhã hứng đi uống rượu không?

Nguyễn Lương và Nguyễn Sơn đồng thanh:

- Được, bọn ta cũng đang khát đây!
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
51
Điểm cảm xúc
135
Điểm
33
Chương 6: Hiền tài tề tựu, Lê Hầu nằm mộng thấy Lam Long
Hạo Thiên, Trương Siêu cùng Nguyễn Lương, Nguyễn Sơn đến tửu quán nhậu nhẹt linh đình. Hạo Thiên nâng chén mời hai huynh đệ Nguyễn Lương, Nguyễn Sơn, giới thiệu:

- Ta là Hạo Thiên, người Phúc Lộc Châu, còn đây là sư đệ của ta, Trương Siêu, người Hoan Châu. Rất vui vì được kết giao với hai vị huynh đệ đây. Mời!

Nguyễn Lương và Nguyễn Sơn cụng chén cùng Hạo Thiên, Trương Siêu, nói:

- Ta là Nguyễn Lương, còn đây là sư đệ Nguyễn Sơn, người Ái Châu. Ta và sư đệ làm nghề thợ săn, kiêm đi bắt những kẻ phạm tội bị truy nã cho Ái Châu. Lê Hầu vốn mến tài võ của huynh đệ ta, nhiều lần chiêu mộ nhưng bọn ta vốn thích tự do, nay đây mai đó nên đành từ chối.

Nguyễn Sơn nâng chén uống cạn, nói:

- Hai vị huynh đệ quả đúng là võ nghệ cao cường, ta cùng Lương huynh đã lâu rồi chưa gặp đối thủ xứng tầm, sảng khoái vô cùng. Hai vị huynh đệ không biết có công chuyện gì ngao du qua đây?

Hạo Thiên thuật lại ngọn ngành chuyện Hạo gia bị Bá Hầu hãm hại, lưu lạc đến Ái Châu nhờ cậy giúp đỡ. Nguyễn Lương đồng cảm, nói:

- Hạo Thiên huynh đệ đã trải qua quãng thời gian khó khăn, ta hiểu được cảm giác của huynh. Từ xưa đến giờ ai cũng biết tên Bá Hầu chẳng tốt lành gì, vơ vét của cải của bách tính, sát hại người hiền vì thói đa nghi. Hạo Vũ tướng quân lẫy lừng là vậy, chỉ tiếc rằng đã thờ nhầm chủ. Không biết huynh đệ đã có suy tính gì chăng?

Hạo Thiên đáp:

- Lê Hầu giao cho bọn ta năm trăm lính, nội trong sáu tháng đánh đuổi phản loạn Trần Tiềm. Ta và Siêu đệ đang tìm mãnh tướng, thống lĩnh binh mã.

Nguyễn Lương nói:

- Trần Tiềm? Ta và Sơn đệ cũng căm ghét hắn lắm! Hắn làm hại bách tính Ái Châu, giết người cướp của, bắt cóc dân nữ làm nhục, nhiều chuyện xấu vô cùng. Tiếc rằng chỉ dựa vào sức hai huynh đệ ta thì cũng chẳng làm gì được hắn.

Trương Siêu nói:

- Nếu hai vị huynh đệ căm ghét hắn vậy thì hợp lực cùng bọn ta há chẳng hợp lắm ru?

Nguyễn Lương mừng rỡ, đáp:

- Huynh đệ nói phải lắm, chính hợp ý ta! Có điều tên Trần Tiềm binh mã hơn ba ngàn, lại lắm mưu mô chước quỷ, ta e chỉ dựa sức bốn người ta với năm trăm quân chẳng khác gì đâm đầu vào chỗ chết.

Hạo Thiên cười, đáp:

- Lương huynh đệ chớ lo, quân sư của bọn ta tên Tử Trọng, tài trí hơn người, tất có kế sách.

Nguyễn Sơn nói:

- Được, nếu đã như vậy thì huynh đệ ta xin góp chút sức đánh đuổi giặc Trần Tiềm, đem lại bình yên cho bách tính Ái Châu.

Trương Siêu đập bàn, nói lớn:

- Hay lắm! Thiên huynh, có thêm hai vị huynh đệ đây thì lo gì không đánh được Trần Tiềm.

Hạo Thiên đồng tình, đáp:

- Ngày tàn của Trần Tiềm sắp đến rồi! Thôi, không bàn việc nữa, uống rượu thôi các huynh đệ!

Bốn người cười nói rôm rả, uống hết mười bình rượu, say khướt.

Lê Hầu đang nằm ngủ, mơ thấy một con rồng xanh khổng lồ bay từ hướng Nam đến trước sảnh, rống lên một tiếng vang trời. Lê Hầu giật mình tỉnh giấc, thở hổn hển, nói:

- Giấc mơ thật quái lạ, mai phải hỏi Lý Sử mới được!

Sáng hôm sau, Lê Hầu cho truyền Lý Sử vào cung, thuật lại:

- Đêm qua ta nằm mơ có một con Lam Long khổng lồ bay từ hướng Nam đến trước sảnh, rống một tiếng vang trời. Con rồng trông rất uy nghi, bí ẩn nhưng ta lại không hề thấy đáng sợ, có vẻ nó không muốn làm hại ta. Không biết mộng như thế có ý nghĩa gì?

Lý Sử đáp:

- Bẩm chúa công, theo suy đoán của thần thì con rồng này chính là Hạo Thiên.

Lê Hầu ngạc nhiên, hỏi:

- Cớ sao lại vậy?

Lý Sử giải thích:

- Tên của Hạo Thiên có nghĩa là Trời Xanh, rồng bay từ phía Nam đến ứng với hướng từ Phúc Lộc Châu. Loài rồng tượng trưng cho sức mạnh, quyền uy ám chỉ hắn có chân mệnh thiên tử. Con rồng này không uy hiếp chúa công chứng tỏ Hạo Thiên không phải mối nguy hại, mầm mống phản loạn.

Lê Hầu vuốt râu gật gù, nói:

- Ngươi nói rất có lý, không ngờ tên Hạo Thiên lại có mệnh lớn đến vậy, quả không tầm thường. Ông Trời muốn ta giúp Hạo Thiên thì ta cũng thuận theo Thiên ý!

Hạo Thiên, Trương Siêu cùng hai anh em Nguyễn Lương, Nguyễn Sơn đến Chiêu Hiền Quán gặp Tử Trọng.

Hạo Thiên mở lời:

- Quân sư, hai vị huynh đệ Nguyễn Lương, Nguyễn Sơn đây võ nghệ cao cường, là bậc hào kiệt nơi Ái Châu, muốn gia nhập binh đoàn chúng ta đánh giặc Trần Tiềm.

Tử Trọng mừng, nói:

- Có hai vị hào kiệt gia nhập thì chúng ta như hổ mọc thêm cánh, lo gì không đánh được giặc!

Nguyễn Lương, Nguyễn Sơn nói:

- Bái kiến quân sư, vãn bối nghe Hạo Thiên huynh đệ kể về tiên sinh, trong lòng thán phục vô cùng!

Tử Trọng nói:

- Ta không dám nhận tài trí hơn người, chỉ biết góp chút sức mọn phò tá chúa công. Nếu hai người đã có ý gia nhập binh đoàn, ta có việc muốn nhờ giúp.

Nguyễn Lương đáp:

- Tiên sinh có gì muốn sai bảo, cứ nói!

Tử Trọng đáp:

- Tình hình binh lực chúng ta vẫn còn rất mỏng, cần tăng số lượng. Hai vị hãy tuyển gấp trai tráng thành Ái Châu gia nhập hàng ngũ.

Nguyễn Lương và Nguyễn Sơn đồng thanh:

- Rõ!

Hạo Thiên nói tiếp:

- Từ nay Nguyễn Lương thống lĩnh quân cánh tả, Nguyễn Sơn thống lĩnh quân cánh hữu, ta thống lĩnh quân trung phong, Trương Siêu thống lĩnh quân tiên phong. Nhiệm vụ đã được phân, cứ thế mà làm!

Trương Siêu, Nguyễn Lương, Nguyễn Sơn đồng thanh:

- Tuân lệnh!

Hạo Thiên và Trương Siêu tức tốc huấn luyện binh lính ngày đêm, kỷ luật nghiêm chỉnh. Nhờ kinh nghiệm từ những năm tháng theo Hạo Vũ, Hạo Thiên khiến hàng ngũ của mình trở nên tinh nhuệ nhanh chóng.

Nguyễn Lương và Nguyễn Sơn treo cờ Hạo tuyển binh đánh Trần Tiềm. Ai gia nhập cũng đều được hưởng bổng lộc năm lạng bạc, trảm một địch thưởng một lạng bạc, trảm một tướng thưởng mười lạng bạc. Nhờ uy danh Hạo gia cùng với sự oán ghét Trần Tiềm, dân chúng Ái Châu đổ xô đi nhập ngũ, mỗi ngày tới cả trăm người. Trong vòng một tháng, Nguyễn Lương và Nguyễn Sơn đã tuyển thêm được hai nghìn binh mã.

Chiêu Hiền Quán của Tử Trọng cũng chiêu mộ được trên dưới một trăm người cho đủ lĩnh vực, cộng thêm hai mươi người gồm thượng khách và trung khách từ lữ quán của Hạo Vũ đến gia nhập.

Nổi bật nhất có thể kể đến Lã Vinh, có tài quản lý tiền bạc, đầu óc nhạy bén, được Tử Trọng giao phó việc ngân sách. Hoa Đinh, có tài bắt mạch, chữa bách bệnh được giao phó làm thầy lang. Trương Ngũ, có tài hùng biện, ứng đối mau lẹ, được giao phó làm thuyết khách. Hoàng Trí, có tài bắn cung, bách phát bách trúng, được giao phó làm xạ thủ. Ngô Hoàng, có tài xem thiên văn, được giao phó việc dự báo thời tiết. Dương Minh, đa mưu túc kế, được giao phó làm mưu sĩ. Trần Thái, có tài chế tạo , được giao phó làm thợ rèn.

Ba tháng trôi qua, hàng ngũ của Hạo Thiên đã vào guồng, các vị trí đều hoạt động hết công suất và tỏ ra hiệu quả.

Một hôm, Hạo Thiên cho truyền các nhân vật chủ chốt họp bàn. Mọi người có mặt đông đủ, ngồi ngay ngắn thành hai hàng. Hạo Thiên ngồi giữa chủ tọa, bên cạnh là quân sư Tử Trọng. Hạo Thiên mở lời:

- Cảm ơn chư vị đã có mặt đông đủ ngày hôm nay, ta muốn nhân buổi họp này một mặt để mọi người gặp gỡ lẫn nhau, một mặt để cập nhật tình hình hoạt động của doanh trại ta.

Hạo Thiên hỏi:

- Nguyễn Lương, Nguyễn Sơn, tình hình chiêu mộ binh mã đến đâu rồi?

Nguyễn Lương đáp:

- Nhờ uy danh của chúa công, bách tính Ái Châu rất hăng hái nhập ngũ. Đến nay đã chiêu mộ được ba nghìn năm trăm binh mã.

Hạo Thiên đáp:

- Rất tốt, vậy là chúng ta hiện có bốn nghìn binh mã. Hai người tiếp tục chiêu mộ thêm một nghìn quân lính dự bị.

Nguyễn Lương, Nguyễn Sơn đáp:

- Rõ!

Hạo Thiên hỏi tiếp:

- Trương Siêu, tình hình huấn luyện binh mã đến đâu rồi?

Trương Siêu đáp:

- Thần làm theo bài luyện binh của chúa công, đến nay hàng ngũ đã theo nề nếp, quân sĩ đã tăng thể lực, sức khỏe gấp nhiều lần ban đầu và sử dụng binh khí thành thạo. Ngoài ra, quân sĩ đã biết triển khai một số trận đồ theo hiệu lệnh.

Hạo Thiên đáp:

- Tốt lắm, một tháng tới quân sĩ phải tinh nhuệ hơn nữa, một người có thể chọi ba, chọi năm.

Trương Siêu đáp:

- Rõ!

Hạo Thiên hỏi tiếp:

- Lã Vinh, tình hình ngân khố bản doanh thế nào?

Lã Vinh đáp:

- Bẩm chúa công, thần thắt chặt chi tiêu những thứ lãng phí, chỉ tiêu những việc cần thiết. Vàng trong ngân khố thần dùng để cho dân buôn bán trong thành vay lãi, đến nay đã sinh lời một trăm lạng vàng. Số tiền lời này vẫn còn thừa để chi tiêu, còn lại thần sẽ tiếp tục cho vay để gia tăng ngân sách.

Hạo Thiên nói:

- Ngân khố là huyết mạch của bản doanh, ta phải có một ngân khố dồi dào, khi ấy mới có thể mua lương thực, vật dụng tốt cho binh sĩ, khen thưởng bổng lộc cho người có công. Khanh đang làm rất tốt, cố gắng phát huy để gia tăng ngân khố.

Lã Vinh đáp:

- Tuân mệnh!

Hạo Thiên hỏi tiếp:

- Hoàng Trí, việc huấn luyện đội cung thủ thế nào?

Hoàng Trí đáp:

- Bẩm chú công, thần đã huấn luyện đội cung thủ gia tăng tỷ lệ chính xác lên gấp nhiều lần, bắn mười trúng bảy, tám. Thần cũng huấn luyện kỹ năng bắn tập trung diện rộng, ứng biến theo mưu lược.

Hạo Thiên đáp:

- Rất tốt, khanh hãy tiếp tục huấn luyện sát sao cung thủ, bách phát bách trúng, nhất tiễn đoạt mạng.

Hoàng Trí đáp:

- Rõ!

Hạo Thiên hỏi tiếp:

- Trần Thái, việc chế tạo thế nào?

Trần Thái đáp:

- Thưa chúa công, thần đã chế tạo được liên hoàn nỏ, có thể bắn được hai mươi mũi tên trong mười giây. Máy bắn đá có thể phóng ba tảng đá cùng lúc, giúp tăng sát thương công thành.

Hạo Thiên nói:

- Khanh hãy sản xuất thêm số lượng những vũ khí này, đồng thời huấn luyện quân sĩ cách sử dụng. Những thứ này là then chốt giúp quân ta đánh bại Trần Tiềm.

Trần Thái đáp:

- Rõ!

Hạo Thiên quay sang hỏi Tử Trọng:

- Chúng ta còn thời hạn ba tháng nữa để đánh Trần Tiềm, quân sư tính có khả thi chăng?

Tử Trọng đáp:

- Chúng ta còn rất ít thời gian, các tướng lĩnh ở đây đều làm rất tốt nhưng như vậy là chưa đủ để đánh bại Trần Tiềm. Hai tháng tới ta phải tăng tốc độ lên gấp đôi họa may mới có thể kịp được.

Hạo Thiên nói:

- Vậy là chỉ có một tháng để đánh hạ Trần Tiềm?

Tử Trọng đáp:

- Phải, chúng ta cần phải tốc chiến tốc thắng.

Hạo Thiên nói:

- Chư vị nghe cả rồi chứ? Hai tháng tới chúng ta không có thời gian nghỉ ngơi, phải hết sức tập trung rèn luyện binh mã. Binh lực của ta vẫn là chưa đủ để công phá thành Trần Tiềm, bổ sung thêm tân binh cũng vô ích vì không còn thời gian luyện binh. Bằng mọi cách, ta phải khiến bốn nghìn binh sĩ trở nên tinh nhuệ nhất có thể. Đồng thời sử dụng những vũ khí tối tân của Trần Thái khiến bọn chúng không kịp trở tay. Bách tính Ái Châu đang cần chúng ta hơn bao giờ hết, đây là trận chiến phải thắng!

Tất cả tướng lĩnh đồng thanh:

- Rõ!
 
Sửa lần cuối:
Top