Lượt xem của khách bị giới hạn

[Truyện ngắn] [Truyện Hài] Ông Tám, Chuyện Chưa Kể - QuangNguyen

[Truyện ngắn] [Truyện Hài] Ông Tám, Chuyện Chưa Kể - QuangNguyen

Quangnguyen

Tác giả
Tham gia
10/7/25
Bài viết
13
Điểm cảm xúc
36
Điểm
13
Lời Mở Đầu ( Đã Hoàn thành)

Lịch sử, theo những gì người ta thường ghi chép lại, được tạo nên bởi các vị hoàng đế, những nhà quân sự đại tài, hay các nhà khoa học lỗi lạc. Sách vở nói về những quyết định làm thay đổi vận mệnh, những bài diễn văn làm rung chuyển thế giới, những phát minh thay đổi nhân loại. Nhưng lịch sử cũng có những khoảng trống kỳ lạ, những cú rẽ bất ngờ mà không một cuốn sách nào giải thích nổi, bởi vì chúng quá ngớ ngẩn để có thể được xem là nghiêm túc. Đây là câu chuyện về một trong những cú rẽ như vậy.

Một cú rẽ bắt nguồn từ một ông già 84 tuổi ở Bến Tre, người có mối bận tâm lớn nhất trong đời là làm sao để con dao phay gia truyền của mình đủ sắc để chặt một trái dừa xiêm ngọt nước, và kết thúc bằng việc đẩy các cường quốc hạt nhân vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao chỉ vì… cùi dừa.

Câu chuyện này, nếu không được kể lại, có lẽ đã bị chôn vùi dưới những bản tin thời sự về biến đổi khí hậu, các cuộc họp thượng đỉnh vô nghĩa và những dòng tweet của các tỷ phú. Nhưng nó đã xảy ra. Và nó chứng minh một điều: thế giới hiện đại vừa phức tạp đến mức đáng sợ, lại vừa ngớ ngẩn đến mức đáng kinh ngạc. Và đôi khi, sự khác biệt giữa một nhà hiền triết và một ông già lẩm cẩm chỉ nằm ở khả năng diễn giải của người phiên dịch.
 
Sửa lần cuối:

Quangnguyen

Tác giả
Tham gia
10/7/25
Bài viết
13
Điểm cảm xúc
36
Điểm
13
Vào một buổi sáng tháng Sáu năm 2019, khi những tia nắng đầu tiên còn chưa kịp xuyên qua tán lá dừa dày đặc của huyện Mỏ Cày Nam, ông Tám đã bắt đầu một ngày như mọi ngày trong suốt ba mươi năm qua.

Buổi sáng của ông thường bắt đầu bằng một thao tác quan trọng: kiểm tra mình còn sống không. Ông làm điều đó bằng cách khều nhẹ lên mu bàn chân xem còn cảm giác không. Sáng nay, chân trái lạnh như đá, chân phải thì có con kiến đang bò. Vậy là vẫn sống.

Ông bước ra sân, trời nắng nhẹ, gió thổi đủ để lá chuối giật nhè nhẹ như vẫy đuôi chó con. Con mèo tên Mắm leo lên nóc tủ, nhìn ông với ánh mắt như thể vừa phát hiện ông đã ăn hết phần cá khô của nó. Và đúng là ông đã ăn thật.

Việc đầu tiên khi ra vườn, ông hay vỗ về từng gốc dừa, trò chuyện với chúng như những người bạn cũ. "Hôm nay tụi bây mày thấy trong người sao? Nước có ngọt không?" - ông hỏi, và tin rằng đám dừa cũng đang trả lời ông bằng tiếng lá xào xạc. Khu vườn của ông là một thế giới thu nhỏ, với mùi đất ẩm sau một đêm, mùi hoa bưởi thoang thoảng và tiếng chim cu gáy đều đặn trên cành.

Ông Tám, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tám, 84 tuổi, từng là một cán bộ mẫn cán của hợp tác xã dừa Bến Tre thời bao cấp. Ông nhớ như in cái thời mà "năng suất" là một từ thiêng liêng và những trái dừa được cân đo đong đếm cẩn thận trước khi lên đường "phục vụ tổ quốc". Ông từng có một sáng kiến về việc dùng gáo dừa làm mũ bảo hiểm, nhưng nó đã thất bại thảm hại sau khi vị chủ tịch hợp tác xã đội thử và bị ong mật làm tổ bên trong chít đến hói đầu.

Thằng cháu gọi ông là “ông già khó tính” vì ông thường xuyên chửi thề khi coi dự báo thời tiết mỗi khi nghe sắp có mưa, nhưng vẫn đều đặn đi họp tổ dân phố mỗi chiều, ngồi nghe hết 45 phút để rồi đứng dậy phát biểu: “Tôi không có ý kiến, nhưng tôi không đồng ý.”

Sau khi tưới dừa, ông Tám bật chiếc radio National cũ kỹ, dò đúng tần số quen thuộc để nghe một bản vọng cổ của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Giọng ca buồn não ruột của bà như một phần không thể thiếu của buổi sáng. Và rồi, nghi thức quan trọng nhất bắt đầu: mài dao.

Con dao phay của ông Tám không phải là một con dao bình thường. Nó là di vật của ông nội ông, một người thợ rèn tài hoa. Nó đã ở trong gia đình hơn một thế kỷ, đã chặt hàng trăm ngàn trái dừa, và theo ông Tám, nó có linh hồn. Ông dành đúng mười lăm phút mỗi sáng để mài nó trên một hòn đá ướt lấy từ dưới mương. Ông mài chậm rãi, đều đặn, mỗi một đường mài là một lần chiêm nghiệm về cuộc đời. Với ông, độ sắc của con dao tỷ lệ thuận với sự bình yên trong tâm hồn. Một con dao cùn, theo ông, sẽ dẫn đến một cuộc đời cùn mòn, đầy bực dọc.

Thế giới bên ngoài khu vườn của ông đang sôi sục. Trên radio, sau bản vọng cổ, một giọng đọc tin tức khô khốc nói về "khủng hoảng năng lượng toàn cầu", "giá khí đốt tăng phi mã", "châu Âu đối mặt với mùa đông lạnh giá". Ông Tám không hiểu rõ lắm. Châu Âu ở đâu? Khí đốt là cái gì? Ông chỉ biết ở xứ ông, người ta chỉ cần vài gáo dừa khô là có thể nhóm lên một bếp lửa ấm cúng.

Chính vào lúc đó, cô bưu tá xã, một cô gái trẻ tên Mai, chạy chiếc xe đạp lọc cọc vào sân nhà ông. "Ông Tám ơi, cháu phát quảng cáo ngoại quốc nè!" Mai là sinh viên ngành ngôn ngữ Anh mới ra trường, về quê làm tạm công việc này trong lúc chờ cơ hội. Cô luôn tò mò về thế giới bên ngoài.

Tờ quảng trông rất lạ. Nó được in bởi một tổ chức có cái tên dài ngoằng mà ông đọc muốn líu lưỡi: "Stiftelsen för Global Hållbarhetsinitiativ" ở Thụy Điển. Mai phải dùng Google Dịch trên điện thoại mới hiểu lờ mờ đó là "Quỹ Sáng kiến Bền vững Toàn cầu". Sau một tuần nghiền ngẫm với sự trợ giúp của cuốn từ điển Pháp-Việt xuất bản năm 1958 và sự tò mò của Mai và sự trợ giúp của google dịch, ông Tám dịch ra bằng tiếng Việt cứng nhắc kiểu Google Translate, có đoạn:
“Tái chế – tái tạo – tái hòa nhập năng lượng! Mỗi hành động nhỏ là một bước lớn cho hành tinh.”

Ông Tám ngó quanh, ông chưa từng tái chế cái gì ngoài việc dùng lại hũ kem cạo râu để đựng tăm. Nhưng hôm nay, có gì đó khiến ông cảm thấy... mình nên hành động.



Ông quyết định hồi âm. Mai giúp ông soạn thảo. Bằng một thứ tiếng Việt mộc mạc của ông, được Mai dịch sang thứ tiếng Anh hơi sách vở, lá thư được viết ra:

“Kính gửi quý ngài Thụy Điển,

Tôi là Nguyễn Văn Tám, 84 tuổi, ở Bến Tre, Việt Nam
. Làm nghề trồng dừa tới nay đã được 63 năm, không bị tai nạn lao động, chỉ có một lần rớt từ cây xuống vì khỉ nhảy qua. Nay nghe nói bên mấy ông lạnh, không có gas, dân run rẩy. Thấy vậy, tôi xin đề nghị giải pháp là Đốt cùi dừa. Ở xứ tôi, chúng tôi có rất nhiều dừa. Cái cùi dừa (copra) sau khi phơi khô, đốt lên thì lửa cháy đượm và nóng lắm. Có thể dùng để nấu ăn, sưởi ấm. Đây là năng lượng từ mặt trời và đất mẹ, không cần khoan đào gì hết. Nếu quý ngài cần, tôi có thể gửi một ít qua làm mẫu.

Địa chỉ: nhà màu xanh lá, gần tiệm cắt tóc Ba Nhớ, ấp 4, xã Hữu Định. Ai cũng biết tôi.

Thân ái,

Nguyễn Văn Tám.”


Lá thư được Mai gửi đi ghi rõ địa chỉ như trên tờ rơi quảng cáo: Greta Foundation – Stockholm – Sweden.

Lá thư được gửi đi trong một buổi chiều có mưa phùn. Bưu điện xã Hữu Định chỉ có một người phụ trách tên Dậu, người này tưởng "Stockholm" là tên một loại cá hộp, nên... gửi thư chung với kiện hàng của tiệm tạp hóa đang xuất qua Phần Lan.

Vài tuần sau, lá thư đó được vận chuyển qua ba lần kiểm tra hải quan, một lần suýt bị ném vào máy hủy vì nhân viên tưởng đó là thư nặc danh (do chữ quá xấu), và cuối cùng đến được văn phòng Tổ chức Năng lượng Tái tạo Liên minh châu Âu nhờ… một con chó nghiệp vụ ngửi nhầm keo dán là chất sinh học mới.

Tại Stockholm, lá thư đến tay Lars, một nhân viên thực tập 22 tuổi đang chán nản với công việc phân loại thư từ. Cậu ta đang mơ về một kỳ nghỉ ở Ibiza hơn là cứu thế giới. Thấy lá thư viết tay từ Việt Nam, Lars cho rằng đó là thư của một người già cô đơn và xếp nó vào mục "Thư của công chúng phúc đáp bằng mẫu tự động". Nhưng hệ thống phúc đáp tự động lại đang bị lỗi sau một lần cập nhật phần mềm thất bại. Lá thư của ông Tám nằm im trong một chiếc khay bằng nhựa.

Câu chuyện sẽ kết thúc ở đó nếu không có Cường “Cùi”. Cường là cháu trai ông Tám, một thanh niên 25 tuổi với mái tóc nhuộm vàng cháy và ước mơ trở thành “chiến thần livestream” để trả nợ cho một phi vụ đầu tư tiền ảo thua lỗ và để gây ấn tượng với cô bán chè ở đầu hẻm. Cường đã thử bán mọi thứ: kem trộn trắng da từ nước cốt dừa (khiến da người dùng chuyển sang màu xanh lá mạ), kẹo dừa "siêu dính" (khách hàng phàn nàn rằng nó dính chặt cả hai hàm răng), và cả những con vật nuôi làm từ gáo dừa (trông chúng quá đáng sợ).

Hôm đó, sau một buổi livestream bán cùi dừa khô chỉ có ba người xem (một là mẹ anh, hai là hai tài khoản ảo của chính anh), Cường rơi vào tuyệt vọng. Anh nhìn đống cùi dừa chất trong góc nhà và một ý tưởng điên rồ lóe lên. Lấy cảm hứng từ những video "giải cứu nông sản" và những khẩu hiệu to tát trên mạng, anh quyết định nâng tầm sản phẩm của mình.

Anh ta lấy một tấm bạt cũ, dùng bút lông viết lên dòng chữ thật to: “DỪA NĂNG LƯỢỢNG SẠCH – 100% ORGANIC – ZERO CARBON – ĐỐT CẢ CHÂU ÂU ẤM LÊN!”

Để trông chuyên nghiệp hơn, Cường nhớ lại lời một người bạn "chuyên gia IT" tên Tí, người chuyên cài win dạo, rằng nên dùng VPN để livestream sẽ không bị giật. Anh ta cài một ứng dụng VPN miễn phí, và khi được hỏi chọn máy chủ, anh ta thấy cái tên "Switzerland" (Thụy Sĩ). Nghe có vẻ sang trọng và đáng tin cậy, giống như đồng hồ vậy. Anh ta nhấn chọn.

Video livestream bắt đầu. Cường, với vẻ mặt nghiêm trọng, cầm hai miếng cùi dừa khô đập vào nhau chan chát. "Thưa quý vị," anh ta nói hùng hồn, "Đây không phải là cùi dừa bình thường. Đây là tương lai của năng lượng! Một giải pháp từ Mẹ thiên nhiên Bến Tre, Việt Nam! Zero carbon, 100% hữu cơ! Hãy tưởng tượng, mỗi gia đình ở châu Âu sẽ có một túi 'Dừa Energy' của chúng tôi. Mùa đông sẽ không còn lạnh giá!"

Video của Cường vô tình được một thuật toán AI của Ủy ban châu Âu (EU) quét qua. Con AI với cái tên là “Sáng kiến Xanh”, được một nhóm thực tập sinh ở Brussels tạo ra với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp năng lượng đột phá trên mạng xã hội. Nó được lập trình để nhận diện các từ khóa: “Năng lượng sạch”, “Zero Carbon”, “Châu Âu”. Lần này, nó còn quét thêm hai yếu tố mới: “Dừa” (từ video của Cường) và “Thụy Sĩ” (từ địa chỉ IP máy chủ).

Trong bộ não điện tử của Nexus, các dữ kiện được kết nối một cách đầy sáng tạo:

  1. Sản phẩm: Nhiên liệu sinh học dạng rắn ("Dừa").
  2. Đặc tính: Sạch, không carbon, hiệu suất cao ("Đốt cả châu Âu ấm lên").
  3. Nguồn gốc: Việt Nam.
  4. Cơ sở pháp lý/tài chính: Đặt tại Thụy Sĩ (trung tâm tài chính và công nghệ an toàn).
  5. Suy luận logic của AI: Một công ty đặt máy chủ ở Thụy Sĩ, nói về một sản phẩm phi tập trung (dừa có ở khắp nơi), lại có "vỏ cứng" (hard shell) bảo vệ, thì chắc chắn đang sử dụng công nghệ blockchain để quản lý chuỗi cung ứng an toàn.
Kết quả phân tích của AI: Một startup công nghệ nông nghiệp tiềm năng có tên “Dừa Energy”, đặt tại Việt Nam với văn phòng đại diện ở Thụy Sĩ, đang phát triển một loại nhiên liệu sinh học dạng rắn, hiệu suất cao, dựa trên nền tảng blockchain.

Báo cáo được tự động gửi đến bàn làm việc của các nhà hoạch định chính sách ở Brussels, đúng vào lúc người giám sát là một viên công chức người Pháp tên Pierre, đang thưởng thức bữa trưa với bánh sừng bò và đang phàn nàn về việc AI đang lấy mất việc làm của con người.
 

Quangnguyen

Tác giả
Tham gia
10/7/25
Bài viết
13
Điểm cảm xúc
36
Điểm
13
Tại trụ sở của Ủy ban châu Âu, không khí căng thẳng như dây đàn. Mùa đông đang đến gần, các kho dự trữ khí đốt đang cạn dần, và các cuộc đàm phán với Nga lại đi vào ngõ cụt sau khi đại sứ Nga vô tình gọi món khoai tây chiên là "French Fries" thay vì "Belgian Fries" trong một bữa tiệc ngoại giao, gây ra một sự cố nhỏ nhưng đủ để dập tắt mọi thiện chí.

Báo cáo về “Dừa Energy” của AI Sáng kiến Xanh xuất hiện như một ly nước mát giữa sa mạc. Nó được trình bày trong một cuộc họp khẩn của Ủy ban Năng lượng.

Cuộc họp bắt đầu lúc 9 giờ sáng theo giờ Brussels, tức 15 giờ chiều ở Bến Tre – khi ông Tám đang ngồi vót tre làm rổ. Trong căn phòng họp kính cường lực tầng 17 của tòa nhà Berlaymont, trụ sở chính của Ủy ban châu Âu, mười hai chuyên gia năng lượng từ các nước thành viên đang lật xem bản báo cáo có tiêu đề lạ lẫm: "Sáng kiến năng lượng dân lập – Cùi dừa từ Việt Nam".

Dẫn đầu cuộc họp là Helga Schmidt, Chủ tịch Ủy ban, một phụ nữ Đức thực dụng, người luôn mặc những bộ vest có màu sắc trùng với màu cờ của quốc gia mà bà sắp có cuộc đàm phán quan trọng. Hôm đó bà mặc bộ vest màu đỏ và vàng. Bên cạnh bà là Giovanni Bellini, Ủy viên Năng lượng người Ý, một người đàn ông lãng mạn, xem chính trị như một vở kịch.

"Thưa quý vị," Helga bắt đầu, "Chúng ta đang ở trong một tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Chúng ta cần một giải pháp đột phá."

Giovanni Bellini đứng bật dậy, mái tóc bồng bềnh của ông ta rung lên. "Và chúng ta đã có nó! Dừa Energy! Che bello! Ôi, Tên của nó thật đẹp!”

Jan van der Hoek, Ủy viên Tài chính người Hà Lan, một người đàn ông chỉ tin vào các con số trong bảng tính Excel, đẩy gọng kính. "Nhưng... kế hoạch kinh doanh đâu? Phân tích rủi ro? Lợi tức đầu tư? Chi phí vận chuyển một tấn cùi dừa từ Việt Nam sang đây là bao nhiêu?"

Giovanni phẩy tay. "Jan, anh bạn của tôi ơi! Đừng để những con số khô khan bóp chết sự sáng tạo! Đây là một cuộc cách mạng! Một ông lão ở Việt Nam, một nhà hiền triết, đã tìm ra câu trả lời! Và họ còn dùng cả blockchain!"

Một cố vấn từ Đức nheo mắt: "Cùi dừa là gì?"

Helga đáp: "Là phần bên trong của quả dừa, thường bị bỏ đi. Nhưng khi phơi khô, nó cháy lâu, nhiệt lượng cao, và có thể sản xuất hàng loạt tại các nước Đông Nam Á. Đặc biệt: không phụ thuộc vào nguồn cung Nga hay Trung Đông."

Ngài Francois Gauthier, đại diện từ Pháp, bật cười: "Chúng ta đang bị đốt nóng bởi một loại gỗ dừa?"

Nhưng người Ý không cười. Ngài Giovanni – người vừa phải ký đơn xin hỗ trợ năng lượng khẩn cấp – gật gù: "Nếu dân của họ đã sống ấm với cái này hàng trăm năm, chúng ta nên xem xét."



Sven Eriksson, đại diện từ Thụy Điển, một người đàn ông tóc vàng, trông mệt mỏi, lên tiếng. "Thực ra, đốt sinh khối không phải là mới. Chúng tôi đã làm điều đó trong nhiều thập kỷ. Và nó không hoàn toàn 'zero carbon'..."

Nhưng không ai nghe Sven. Mọi người chỉ xem biểu đồ tăng trưởng tương tác của video livestream mà AI vẽ ra, một đường cong dựng đứng trông rất ấn tượng. Họ xem một đoạn clip Cường "Cùi" đang đập hai miếng cùi dừa vào nhau, và Giovanni diễn giải đó là "một màn trình diễn đầy đam mê, một biểu tượng cho sự va chạm của truyền thống và công nghệ".

Sau 40 phút tranh luận, ba nhóm nghiên cứu được lập ra: một để kiểm tra đặc tính cháy của cùi dừa, một để đánh giá tác động sinh thái, và một nhóm PR chuyên trách tạo chiến dịch truyền thông cho chương trình thử nghiệm mang tên "BioCoco EU". Tên do chính Lars đề xuất, và được duyệt ngay vì nghe... rất startup.

Một tiếng sau, cuộc họp đi đến kết luận bất ngờ: EU sẽ thử nghiệm mô hình năng lượng từ cùi dừa tại 3 khu dân cư thử nghiệm ở Bắc Âu, bắt đầu từ tháng tới và 1 gói tài trợ trị giá 80 triệu euro được thông qua.

Cùng lúc đó, ở Bến Tre, Cường nhận được email từ một tổ chức môi trường có tên viết tắt là GEI – Greta Energy Initiative – ngỏ lời đặt mua 5 tấn cùi dừa mẫu. Cường hét lên:

"Ông nội ơi! Người ta đặt hàng thiệt rồi! Mà gửi qua tận Thụy Điển luôn á!"

Ông Tám giật mình nhìn thằng cháu, rồi nhìn cây dừa không trái:

"Hết hồn mày! Bộ tụi nó thiệt sự mua củi dừa sao?"

_________

Không lâu sau, tin tức về "Sáng kiến Cùi Dừa" bắt đầu xuất hiện trên báo chí quốc tế. Tờ Guardian chạy dòng tít: "Coconut Revolution: Châu Âu học đốt lửa từ ông lão Việt Nam." CNN đưa tin: "Ông Tám – người nông dân thay đổi chiến lược năng lượng toàn cầu." Các đài truyền hình đổ về Bến Tre phỏng vấn Cường, người giờ đây bắt đầu tự gọi mình là "Giám đốc Điều hành Dừa Sạch Bến Tre Toàn Cầu."

Truyền thông thổi phồng mọi chi tiết. Có tờ còn viết rằng ông Tám từng dùng cùi dừa để cứu một con bò khỏi chết cóng – một chuyện hoàn toàn bịa, nhưng lại lan nhanh hơn cả video bán hàng của Cường. Hệ thống lọc tin giả của Twitter gắn nhãn cảnh báo, nhưng ai cũng share vì "dễ thương quá trời."

Chính phủ Việt Nam cũng bắt đầu chú ý. Một đoàn cán bộ từ Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh xuống tận nhà ông Tám để "tìm hiểu mô hình phát triển năng lượng nông thôn", trong khi ông đang mặc áo ba lỗ phơi cá lóc.

"Chúng tôi rất ấn tượng với chú Tám. Chú có bằng sáng chế chưa?" – một vị cán bộ hỏi.

"Tôi có bằng lái xe Honda năm 1987. Tới giờ vẫn còn. Đề một phát nổ liền," ông Tám đáp, hoàn toàn không hiểu câu hỏi.

__________

Một phái đoàn cấp cao của EU, dẫn đầu là chính Helga Schmidt, được cử đến Bến Tre. Chuyến đi là một cú sốc văn hóa. Họ bị kẹt xe sau một đàn vịt đang qua đường, và chiếc xe Mercedes của họ bị lún bánh trong bùn. Những đôi giày cao gót hàng hiệu của họ trở nên vô dụng.

Cuộc gặp đầu tiên với ông Tám diễn ra tại vườn nhà ông. Ông Tám, trong bộ bà ba màu nâu sồng đã sờn vai, đang loay hoay sửa lại hàng rào. Ông đón tiếp phái đoàn bằng nụ cười hiền hậu và những trái dừa xiêm tươi mát vừa được chặt xuống từ trên cây.

Helga, thông qua một phiên dịch viên trẻ tuổi tên An, người đang toát mồ hôi vì áp lực, bắt đầu: "Thưa ngài Nguyễn Văn Tám, chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ tầm nhìn của ngài. Ủy ban châu Âu đã quyết định đầu tư 80 triệu euro vào Dừa Energy. Chúng tôi muốn thảo luận về lộ trình phát triển và các chỉ số hiệu suất chính (KPIs)."

Ông Tám nghe xong, gật gù. "Tám chục triệu... đồng hả con? Mua cùi dừa của tui thì tui bớt cho. Còn cái gì 'cây bi ai' thì tui không biết, trong vườn tui không có trồng cây đó."

An, trong một khoảnh khắc thiên tài tuyệt vọng, dịch lại: "Nhà hiền triết bày tỏ sự khiêm tốn trước quy mô của khoản đầu tư. Ngài nói rằng giá trị cốt lõi của dự án không nằm ở tiền bạc, mà ở bản chất tự nhiên của nó, và ngài không quan tâm đến những thước đo phù phiếm của thế giới vật chất."

Cuộc đối thoại cứ thế tiếp diễn trong sự hiểu lầm tuyệt đối. Phái đoàn nói về chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Tám nói về cách bón phân cho dừa bằng phân dơi. Họ nói về quyền sở hữu trí tuệ, ông nói về con chó mực nhà ông vừa đẻ được năm con chó con, và ông sẽ đặt tên một con là "Châu Âu".

Cuối cùng, một lá thư mời ông Tám sang Brussels để “trình bày về tầm nhìn chiến lược” được gửi hỏa tốc. Ngay ngày hôm sau, ông Tám nhận được một bưu kiện. Trong đó là một lá thư in, dịch tiếng Việt dịch lắp bắp:

"Ngài Tám kính mến. Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến của Ngài. EU quyết định chọn cùi dừa là giải pháp thí điểm năng lượng tái tạo mùa đông 2019. Xin mời Ngài sang Brussels chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị Cấp cao về Khí hậu. Vé máy bay và lịch trình đính kèm."

Ông Tám đọc thư ba lần. Không hiểu rõ hết, nhưng thấy có chữ "mời", có "vé", có chữ "cao cấp" thì gật đầu:

"Đi thì đi. Miễn tụi nó cho đem theo mắm kho. Bên bển nghe nói ăn nhạt dữ lắm."

Hàng xóm xúm lại chụp hình chung, ký tên lên nón bảo hiểm của ông, tặng quà vặt như kẹo dừa, ruốc khô, bánh tét chân không. Một chị tiểu thương chợ xã còn dúi vào tay ông bịch muối tôm Tây Ninh và nói: "Bên bển không có cái này đâu. Chú đem mà rắc vô mì gói bên đó, ăn cho đỡ nhớ nhà."

Trên đường ra sân bay, ông Tám thủ thỉ với Cường: "Thằng nhỏ à, tao chưa bao giờ đi xa hơn Mỹ Tho. Giờ đi cái vèo tới tận trời Âu. Mà tao chỉ nói tụi nó... đốt cùi dừa thôi. Tụi nó tưởng tao phát minh ra gì to tát. Đời thiệt lạ."

____________

Chuyến bay đến Brussels là lần đầu tiên ông Tám đi máy bay. Ông ngạc nhiên trước mọi thứ: cái ghế có thể ngả ra sau, cái màn hình nhỏ xíu chiếu phim, và việc các cô tiếp viên xinh đẹp liên tục mang nước cho ông. Ông từ chối món bò bít tết và chỉ xin một ít cơm trắng.

Tại Nghị viện Châu Âu, ông Tám, vẫn trong bộ bà ba màu nâu sồng, đứng trước hàng trăm quan chức mặc vest sang trọng. Ông không có bài phát biểu nào được chuẩn bị sẵn. Ông chỉ nói những gì ông nghĩ.

"Thưa mấy cô mấy cậu," ông bắt đầu. "Tui là Tám, ở Bến Tre. Xứ tui có nhiều dừa lắm. Cây dừa nó dễ thương lắm. Nó cho mình nước uống, cái ăn, lá để lợp nhà, thân để làm cầu. Nó không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần miếng đất, chút nước, chút nắng là nó sống."

Ông kể về những kỷ niệm của mình với cây dừa, về những trưa hè trốn dưới bóng dừa, về vị ngọt của nước dừa sau một buổi làm đồng mệt nhọc. Ông kết thúc bài phát biểu bằng một câu chân thật:

“Cái cùi dừa này á, phơi khô, đốt lên nó cháy đượm lắm đó con.”

Thông qua An, người phiên dịch giờ đã đạt đến cảnh giới của sự sáng tạo, câu này được dịch thành: “Bản chất của vật chất này, khi được tinh lọc đến trạng thái thuần khiết, sẽ giải phóng một nguồn năng lượng bền vững và vô tận. Nó là một món quà từ thiên nhiên, một mô hình cho sự cộng sinh hài hòa giữa con người và hành tinh.”

Cả khán phòng đứng dậy vỗ tay như sấm. Ông Tám chỉ cười hiền hậu, lộ cả hàm răng đen vì ăn trầu. Nụ cười của ông được các tờ báo lớn của châu Âu đăng lên trang nhất với dòng tít: "Nụ cười của một nhà hiền triết phương Đông và lời giải cho cuộc khủng hoảng năng lượng Châu Âu".

Bến Tre bỗng chốc trở thành “Thung lũng Silicon của Năng lượng Dừa”. Greta von Schönberg, một nhà báo người Đức bị đày về Việt Nam viết bài về du lịch sinh thái sau khi chọc giận một tập đoàn năng lượng, đọc tin tức và làm rơi cả ly cà phê sữa đá. Cô là người duy nhất nhận ra sự phi lý của câu chuyện. Nhưng bài báo của cô với tiêu đề "Phải chăng châu Âu đã bị lừa bởi một ông già bán dừa?" bị tổng biên tập gạt đi vì “đi ngược lại xu hướng tích cực của thế giới”.

Elon Musk tweet: “Coconut energy? Interesting. If it not famous, I’ll buy Twitter”

Ngoài ra, Cổ phiếu của các công ty sản xuất kẹo dừa trên thế giới đồng loạt tăng vọt.
 
Sửa lần cuối:

Quangnguyen

Tác giả
Tham gia
10/7/25
Bài viết
13
Điểm cảm xúc
36
Điểm
13
Sự nổi tiếng của “Dừa Energy” bắt đầu thu hút sự chú ý không mong muốn.

Tại Langley, Virginia, trụ sở CIA, đặc vụ Miller, một người đàn ông đã ly dị hai lần, gần đây bị cholesterol cao và đang mệt mỏi đếm từng ngày về hưu. Ông chỉ muốn đến Việt Nam để ăn phở bò tái gầu do người Hà Nội chính hiệu nấu. Nhưng giờ, đang tranh cãi với Davis, một tân binh trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết, vừa tốt nghiệp ngành mật mã học. Davis đang phân tích những hình ảnh vệ tinh chụp từ Bến Tre.

"Nhìn đi, sếp," Davis nói, chỉ vào một tấm ảnh vệ tinh có độ phân giải cao. "Ông ta trồng dừa theo một hình xoắn ốc. Đó là dãy Fibonacci! Một mật mã tự nhiên! Ông ta đang gửi tín hiệu gì đó, có thể là hệ tọa độ, có thể là cảnh báo...”

Miller thở dài, xoa xoa thái dương. "Hoặc có thể ông ta chỉ trồng dừa theo hình xoắn ốc vì nó dễ đi tưới nước thôi, Davis ạ. Tuần trước cậu còn nói cách ông ta cho gà ăn là một chiến thuật phân tán mục tiêu quân sự cơ mà."

Họ mở một hồ sơ mật mang tên "Dự án Dừa" (Project Coconut). Trong đó có: – Ảnh ông Tám rót trà bên bếp lửa dừa, – Phân tích hành vi qua video TikTok, – Biểu đồ giá dừa toàn cầu, – Và một bản đồ thể hiện mật độ cây dừa trong vừa nhà ông.

Giả thuyết hàng đầu: Ông Tám là vỏ bọc của một dự án quân sự sinh học bí mật. Chính phủ Việt Nam, có thể được hậu thuẫn bởi một thế lực lớn chưa xác định – Trung Quốc, Nga, hoặc tập đoàn đa quốc gia, thế lực nào đó – đang âm thầm phát triển loại vũ khí năng lượng mới, ngụy trang dưới dạng “cùi dừa sạch.”

___________

Tại Bắc Kinh, ông Trần, bộ trưởng của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đọc báo cáo và cau mày. “Không thể để Mỹ đi trước. Dừa mọc khắp Đông Nam Á. Đây là cơ hội chiến lược.”

Ông ta tin rằng đây là một kế hoạch của Mỹ nhằm kiểm soát tuyến hàng hải ở Biển Đông thông qua việc độc quyền một nguồn năng lượng mới. Lệnh được ban hành: cử một đặc vụ điệp viên ưu tú đến Việt Nam điều tra. Người được chọn là đặc vụ Vệ –người từng hoạt động bí mật tại Nam Bộ, nổi tiếng vì có thể leo cây dừa chỉ bằng hai chân và có thể nói giọng miền Tây giống người miền Tây thật thụ. Vệ được cử đến Bến Tre dưới vỏ bọc một nhà thờ muốn tìm hiểu về "cuộc sống miệt vườn" và tìm kiếm những cảm hứng khác biệt.

Đến Việt Nam, điệp viên Vệ cố gắng tiếp cận ông Tám. Anh ta giả vờ là một nhà thơ đi tìm cảm hứng và cố hỏi chuyện ông Tám, nhưng ông Tám chỉ nói về giá phân bón. Anh ta thách ông Tám chơi cờ tướng, nhưng ông Tám lại bận đi đuổi một con gà mái vừa ăn mất mấy cây rau mầm. Trong một nỗ lực tuyệt vọng, Vệ lắp một thiết bị nghe lén siêu nhỏ lên Mắm, con mèo của ông Tám.

Kết quả thu được sau 24 giờ là: 14 giờ tiếng ngáy, 6 giờ tiếng mèo kêu, 3 giờ tiếng gãi và 1 giờ tiếng gió - nghi bị chuột rượt. Báo cáo của Vệ gửi về Bắc Kinh ngày càng trở nên kỳ lạ: "Đối tượng có khả năng ngụy trang phi thường. Giả vờ không quan tâm đến đại cục, chỉ tập trung vào những việc nhỏ nhặt. Tâm lý cực kỳ vững vàng.

Đề xuất: theo dõi thụ động, tránh tiếp xúc sâu thêm vì có thể rơi vào bẫy gián điệp ngược."

_________

Trong khi đó, tại Nga, Điện Kremlin ra một thông cáo báo chí, tố cáo “hành vi phá hoại thị trường năng lượng toàn cầu của phương Tây bằng những chiêu trò không tưởng, sử dụng một lão nông làm bình phong. Đây là có thể là chiến tranh năng lượng ngầm”.

Hai điệp viên kỳ cựu, Boris và Dimitri, được cử đi, nhưng do nhầm lẫn trong giấy tờ, họ lại bay đến huyện Mỏ Cày Bắc thay vì Mỏ Cày Nam của tỉnh Bến Tre. Họ dành cả tuần để điều tra về thị trường sầu riêng. Sau một tuần miệt mài bám theo các xe chở trái cây, họ kết luận rằng "vua của các loại trái cây" là một mật danh cho một loại nhiên liệu mới.

Boris ghi vào báo cáo: “Loại trái cây gai góc, mùi khủng khiếp, tiềm năng phá hoại tinh thần địch.”

Dimitri bổ sung: “Khả năng phòng thủ cao. Gai sắc. Mùi tấn công tầm xa. Cần nghiên cứu ứng dụng sinh học.”

Báo cáo của họ về "mùi hương chiến lược" và "vỏ gai phòng thủ" đã gây ra sự hoảng loạn tột độ ở giới chính trị Moscow.

_________

Trong khi các siêu cường nghi kỵ lẫn nhau, một cuộc khủng hoảng thực sự đã nổ ra: khủng hoảng thiếu dừa.

Các quốc gia châu Âu, được thúc đẩy bởi gói tài trợ 80 triệu euro, bắt đầu đặt hàng triệu tấn cùi dừa. Giá dừa trên toàn thế giới tăng gấp 12 lần.

Thế giới thật sự hỗn loạn…..

Philippines biểu tình vì thiếu dừa nấu gà adobo. Ở Thái Lan, lễ hội Songkran có nguy cơ thiếu nước dừa để giải nhiệt. Ở Brazil, các vũ công samba dọa đình công vì giá cocktail Piña Colada quá cao khiến Brazil phải hoãn lễ hội Samba.

Tại Paris, tiệm bánh nổi tiếng tên “Le Petit Coco” phải ngừng làm macaron dừa trứ danh. Tại một quán bar sang trọng ở London, một nhà môi giới tài chính ném ly cocktail vào bartender vì phát hiện ra ly cocktail của mình được trang trí bằng một lát chanh thay vì một miếng dừa và một cuộc ẩu đả diện rộng đã nổ ra ngay sau đó…

Trên TikTok, một trào lưu mới ra đời: #CoconutChallenge, nơi các thanh thiếu niên đốt cùi dừa trong phòng ngủ để chứng minh mình đủ giàu để mua củi dừa. Sở cứu hỏa ở nhiều thành phố phải làm việc hết công suất. Sở cứu hỏa Iceland phải phát cảnh báo khẩn: “Xin đừng dốt cùi dừa trong phòng ngủ.”

Một quốc gia Bắc Âu, trong cơn hưng phấn tột độ, đã chính thức bỏ phiếu thay đổi khẩu hiệu quốc gia từ "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" thành Dừa là Niềm tin – Củi Dừa là Tự do.Cả thế giới lắc đầu. Người ta tưởng đây là trò đùa ngớ ngẩn. Nhưng không phải, Quốc hội của nước này thậm chí đã thông qua với tỷ lệ 92/100 phiếu ủng hộ.
______

Và ông Tám? Ông Tám vẫn ở Bến Tre, mặc áo thun 3 lỗ, lo bọn sâu đục thân phá cây dừa lão. Ông không hiểu tại sao dạo này có nhiều người lạ mặt đến hỏi mua cùi dừa với giá trên trời. Ông từ chối bán, nói rằng số cùi dừa đó ông để dành cho mùa mưa, nhóm bếp cho ấm. Mối bận tâm lớn nhất của ông lúc này là kiểm tra xem có nên bón thêm tro cho gốc dừa hay không. Ông từ chối mọi cuộc phỏng vấn, nói rằng mình bận "giải quyết quốc gia đại sự" của khu vườn.

Nhà báo Greta von Schönberg, sau nhiều lần bị từ chối, cuối cùng cũng gặp được Cường "Cùi". Cường giờ đã là một người nổi tiếng, mặc áo vest, đi xe tay ga mới coóng.

"Dự án Dừa Energy là một dự án toàn cầu," Cường nói với Greta một cách tự tin, lặp lại những gì anh ta đọc được trên báo. "Chúng tôi có tầm nhìn, có chiến lược. Ông tôi là bộ não, còn tôi là người thực thi." Khi Greta hỏi về công nghệ blockchain, Cường trả lời: "À... cái đó là bí mật kinh doanh."

Greta quyết định hợp tác với An, người phiên dịch đang cảm thấy vô cùng tội lỗi. Họ cùng nhau cố gắng phơi bày sự thật. Họ đi khắp các vườn dừa, phỏng vấn những người nông dân thật thà. Tất cả đều trả lời: “Dừa tăng giá dữ lắm. Bán chạy quá trời.” “Blockchain là giống dừa mới hả?”

Không ai biết gì về "năng lượng" hay "blockchain".

Greta trở về, ngồi xuống bàn làm việc. Cô viết dòng đầu tiên cho bài báo để đời:

“Toàn thế giới đang thay đổi vì một ông lão không muốn bán cùi dừa của mình.”
 
Sửa lần cuối:

Quangnguyen

Tác giả
Tham gia
10/7/25
Bài viết
13
Điểm cảm xúc
36
Điểm
13
Thế giới đang đứng trên bờ vực của một "cuộc chiến tranh lạnh". Báo chí gọi đó là “Coconutgate”. Mạng xã hội gọi là “Dừa Armageddon”. Một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp được triệu tập tại Geneva, với sự hiện diện của lãnh đạo G7, Nga, Trung Quốc, đại diện Liên Hợp Quốc, và một nhóm chuyên gia độc lập chuyên nghiên cứu... củi sinh học.

Không khí căng thẳng đến mức cà phê cũng được pha loãng để tránh gây áp lực tim mạch cho các nguyên thủ. Bên ngoài hội trường, hàng trăm phóng viên chen lấn để đưa tin. Chỉ cần một chiếc drone bay lạc vào khu vực cấm cũng có thể bị bắn rơi ngay lập tức.

Và đúng vào lúc người ta tưởng không thể có thêm gì bất ngờ, hãng thông tấn Reuters phát đi một tin chấn động toàn cầu:

Ông Tám đã mất tích.

Thế giới hoảng loạn.

Ông bị bắt cóc? Bị thủ tiêu? Hay đã đào tẩu sang Cuba để mở hợp tác xã dừa liên lục địa?

CIA, KGB, MSS, MI6 và cả Interpol cùng lúc mở chiến dịch truy tìm. Các bên thi nhau chĩa mũi dùi vào nhau. Tổng thống Mỹ huỷ trận đánh golf tại Florida – điều chỉ từng xảy ra một lần: vào ngày chó cưng của ông bị lạc.

Tổng thống Nga triệu tập Hội đồng An ninh ngay lập tức khi biết tin bất chấp đang… xông hơi. Thị trường chứng khoán toàn cầu rúng động. Giá cùi dừa vượt cả giá vàng. Trên các sàn giao dịch chứng khoán nhỏ, người ta thậm chí còn đưa cả cùi dừa lên sàn giao dịch.

Tại Geneva, các nhà lãnh đạo nhìn nhau đầy nghi kỵ. Giovanni Bellini, Ủy viên Năng lượng EU, sau khi nhận tin đã thở dốc, hét lên “Madonna mia!” rồi… ngất lịm đi. Đội ngũ y tế đã đưa ông đi vào phòng y tế bằng cáng, tay trái ông vẫn nắm chặt khẩu hiệu “Coconut is Future.”

_________

Nhưng sự thật thì đơn giản – và bùn lầy – hơn rất nhiều.

Tối hôm trước, trong lúc đi soi đèn bắt cá lóc ở con mương sau nhà, ông Tám đã trượt chân và ngã xuống.

Tuy mương không sâu nhưng trơn vì nhiều bùn, Ông không bị thương, nhưng cũng không leo lên được vì thành mương quá trơn. Sau vài lần cố gắng bất thành và chửi thề nhẹ, ông ngừng vật lộn, ngả lưng xuống lớp bùn êm ái dưới rặng dừa nước, miệng vẫn nhai trầu.

Ông nhìn trời. Trăng non. Gió mát. Một con đom đóm bay ngang. Ếch kêu râm ran.

“Thôi thì nằm đây nghỉ luôn,” ông nghĩ. “Ngủ một giấc. Biết đâu mơ thấy bà nhà. Haizz, không biết ngày mai có nên nấu món cá lóc kho tộ hay không.”

Và thế là ông Tám, người đang làm cả hệ thống tài chính toàn cầu chao đảo, ngủ một mạch đến sáng.

Sáng hôm sau, bà Bảy – hàng xóm, ưa chuyện, vừa mới tán dóc với bà Năm bán bánh Tráng gần chợ. Câu chuyện giữa hai bà bắt đầu từ tờ mờ sáng khi bà Bảy định đi ra ruộng hái ít rau về nấu bữa trưa và vô tình đi ngang qua nhà bà Năm, người đang lui cui nướng bánh tráng. Hai bà bàn với nhau mọi chuyện trên đời, từ nhà ra ngỏ, từ Việt Nam ra Nước Ngoài và chỉ thật sự kết thúc khi ông chồng của bà Năm đi làm cày về và mời bà Bảy ở lại ăn trưa.

Bà Bảy giờ vội vả đi ra ruộng, cắt rau muống. Khi ra tới ruộng, bà thấy một cái nón lá nổi lềnh bềnh, rồi thấy một bàn tay nắm cá lóc.

“Trời đất ơi, ông Tám! Ông làm gì dưới mương vậy? Bắt cá mà ngủ quên luôn hả?”

Ông Tám được kéo lên. Người đầy bùn, miệng ổng đen thui, tay ôm chặt con cá lóc to bằng bắp chân. Ông chỉ nói:

“Bắt được nó lúc hai giờ sáng rồi, mà không leo lên được, may có bà Bảy đi qua đây, nãy giờ tui kêu quá trời mà hổng ai nghe hết trơn. ”

Cùng lúc đó, một phóng viên của Đài Truyền hình Bến Tre – vốn đang làm phóng sự “Ẩm thực và sinh thái vùng mương” – vô tình ghi lại khoảnh khắc ông Tám xuất hiện trở lại. Clip phát sóng lập tức được toàn thế giới chia sẻ. Tờ New York Times giật tít: "Người đàn ông làm cả thế giới bấn loạn vì… ngủ dưới mương."

_________

Trong khi các nhà lãnh đạo ở Geneva còn đang bàn cách “dập scandal năng lượng” và đổ lỗi cho nhau, thì ông Tám, sau khi được cô phóng viên hỏi về kế hoạch tương lai cho “Dừa Energy”, đã nhìn thẳng vào máy quay. Ông không nói về kinh tế vĩ mô hay địa chính trị. Ông nói như đang nói với đứa cháu của mình.

“Thôi, tôi xin nghỉ. Mệt quá rồi. Mấy bữa nay người lạ tới nhà hoài, hỏi tùm lum, tui nhức cả đầu. Cây dừa thì bị sâu ăn, cá dưới mương thì chưa bắt xong. Tui chỉ là một ông già làm vườn. Dừa để ăn, để uống, để làm mái nhà. Đốt lên thì nó cháy. Có vậy thôi. Mấy ông mấy bà trên tivi làm gì mà ầm ĩ. Tui về trồng rau, nuôi cá đây. Thế giới này… kỳ cục quá.”

Câu nói ấy được truyền đi như một cú tát vào mặt toàn bộ giới tinh hoa toàn cầu. Mạng xã hội im bặt. Các nhà phân tích gỡ bài. Các chính trị gia lặng lẽ đốt khẩu hiệu “Nhiệt là Tự do.”

Bong bóng “Dừa Energy” vỡ tan trong im lặng.

Gói 80 triệu euro bị đóng băng với lý do "cần đánh giá lại tác động môi trường." Các hợp đồng tương lai cùi dừa bị huỷ bỏ. Người Thụy Điển quay lại dùng củi bạch dương. Người Pháp lại đốt rượu cognac sưởi nhà. Quốc gia Bắc Âu nọ họp quốc hội khẩn lúc nửa đêm để… lặng lẽ đổi lại khẩu hiệu cũ.

__________

Một năm sau.

Thế giới vẫn tiếp tục quay, vẫn với những vấn đề của nó. Dừa vẫn rụng. Cá vẫn bơi. Người thì…vẫn ồn ào.

Giovanni Bellini từ chức để "dành thời gian cho vườn ô liu của gia đình" và xuất bản một tập thơ về sự lãng mạn của năng lượng mặt trời. Helga Schmidt viết một cuốn hồi ký bán rất chạy có tựa đề "Dừa, Dối trá và Ngoại giao" bán chạy hơn cả sách dạy cách làm giàu.

Jan van der Hoek được thăng chức vì “đã luôn thận trọng.” Không ai biết ông đã làm gì, nhưng rõ ràng ông không ngất, không khóc, không bị cá cắn, thế là đủ.

Greta von Schönberg và An, người phiên dịch cho ông Tám, cùng nhau viết một bài báo dài kỳ, phơi bày toàn bộ sự thật. Bài báo không gây chấn động như họ mong đợi, nhưng đã thắng một giải thưởng báo chí nhỏ ở hạng mục "Câu chuyện kỳ lạ nhất năm". Greta được mời trở lại Đức, nhưng cô quyết định ở lại Việt Nam, mở một quán cà phê nhỏ bên bờ sông, nơi cô có thể viết những câu chuyện mà cô thực sự quan tâm.

Cường "Cùi" từ bỏ giấc mơ chiến thần, anh dùng số tiền kiếm được mở xưởng làm kẹo dừa thủ công theo công thức của bà nội, đặt tên "Kẹo dừa Ông Tám." Kẹo ngon, gói đẹp, bán chạy, nó chở thành đặc sản địa phương. Anh giờ đủ tự tin mời cô bán chè đi xem phim. Cô đồng ý. Họ cưới nhau một năm sau. Mâm cưới có bốn quả dừa, tượng trưng cho bốn chữ: "Tình – Tiền – Từ – Tám."

Lars, nhân viên thực tập ở Thụy Điển, một ngày nọ dọn dẹp văn phòng và tìm thấy lá thư cũ của ông Tám. Cậu đọc nó, mặt biến sắc, và lặng lẽ vứt nó vào máy hủy giấy.

Thỉnh thoảng, du khách vẫn tìm đến Mỏ Cày Nam, Bến Tre, hy vọng được gặp "nhà hiền triết". Nhưng họ chỉ thấy một ông lão gầy gò, mặc áo thun bạc màu, nằm lim dim ngủ trưa trên chiếc võng mắc giữa hai cây dừa, miệng móm mém cười, thanh thản như thể ông chưa bao giờ làm cả thế giới điên đảo. Con Mắm lười biếng nằm ngủ gần đó, trong khi con dao phay của ông, thứ được mài mỗi ngày, sáng loáng, nằm cạnh ông như một người bạn trung thành. Và có lẽ, đó mới là điều thực sự quan trọng.
 
Top