Lượt xem của khách bị giới hạn

[Đô thị] Tuổi thơ tươi đẹp - kizaru105

[Đô thị] Tuổi thơ tươi đẹp - kizaru105
Tham gia
19/9/24
Bài viết
27
Điểm cảm xúc
77
Điểm
13
TUỔI THƠ TƯƠI ĐẸP
1ky-uc-canh-dong-8348.jpg

Tác giả: kizaru105
Thể loại: Tuổi thơ, Hài hước, Cảm động
Rating: Không giới hạn độ tuổi
Tình trạng: Đang tiến hành.
Số chương:
Link thảo luận:https://forum.aatruyen.vn/threads/nhung-tac-pham-cua-kizaru105.1229/

Lời giới thiệu
Bạn có bao giờ thi thoảng nghĩ về tuổi thơ của mình và mỉm cười không? Trong cuộc sống hiện tại, với nhiều áp lực và lo toan, thậm chí stress. Khi nghĩ về tuổi thơ bạn có thấy thanh thản trong tâm hồn không? Nếu có thì bạn hãy cùng tôi đi qua hành trình tuổi thơ trong câu chuyện này. Bạn sẽ thấy nhiều câu chuyện, sự kiện mà bạn quen thuộc thời thơ ấu của mình. Hãy tưởng tượng bạn và tôi đang ngồi ôn lại với nhau về những câu chuyện của tuổi thơ và cười thật sảng khoái nhé!

Lấy cảm hứng từ bộ phim series Young Sheldon. Bộ phim xây dựng lại bối cảnh nước Mỹ vào những thập niên 80 và đầu 90. Nội dung xoay quanh quá trình lớn lên của cậu bé thiên tài Sheldon Cooper với IQ ngang với nhà bác học Albert Einstein. Cậu lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của bà ngoại, bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Tuy cậu rất thông minh, mới 11 tuổi đã đi học đại học nhưng cậu vẫn chỉ là đứa trẻ ngây ngô, hay đặt những câu hỏi ngớ ngẩn của con nít và làm nũng bố mẹ mình. Cậu cũng được khám phá những thứ mới lạ của thời bấy giờ như công nghệ, TV , truyền hình, cửa hàng truyện tranh hay ăn kem Dairy Queen. Tất cả những thước phim, sự vật trong phim đều làm tôi liên tưởng đến thời thơ ấu của tôi. Thật đẹp và bình yên!

Câu chuyện này lấy bối cảnh của một khu phố ở Hà Nội vào những năm 2000. Tất cả những sự kiện, nhân vật trong câu chuyện là hoàn toàn có thật với trí nhớ của tác giả thuộc thế hệ giữa 9x về tuổi thơ. Bao gồm rất nhiều chủ đề như gia đình, bạn bè, đời sống, âm nhạc, phim ảnh, trường lớp, trò chơi dân gian, trò chơi điện tử, truyện tranh, ... Truyện cũng liên kết những câu chuyện, vấn đề từ quá khứ đến hiện tại và so sánh, cùng với những suy nghĩ, góc nhìn của tác giả. Nếu bạn có bất cứ góp ý hay phản hồi nào về câu chuyện của tôi, hãy gửi email đến địa chỉ này: [email protected]
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
27
Điểm cảm xúc
77
Điểm
13
Chương 1: Tấm vé về tuổi thơ
Nếu bạn có một tấm vé và buộc phải trở về tuổi thơ, với hai lựa chọn: Giữ nguyên tâm trí, kiến thức, ký ức trong hình hài một đứa trẻ nhưng bị mất tuổi thơ hay xóa hết để sống lại từ đầu. Bạn sẽ chọn điều gì?

Tôi đã hỏi câu này với nhiều người quen của tôi, đa số mọi người sẽ chọn điều đầu tiên. Bởi vì khi đó, bạn sẽ rất dễ dàng trong cuộc sống. Bạn sẽ là đứa con vô cùng hiểu chuyện, làm cha mẹ hài lòng và tự hào . Là một học sinh luôn trong top đầu của trường lớp, quận/huyện, thành phố hay có thể là cả nước. Bạn sẽ rất nổi tiếng với vốn kiến thức và sự thông minh thấu hiểu của một người trưởng thành vào độ tuổi đó. Bạn có thể tận dụng trí nhớ về những sự kiện của tương lai để nắm bắt cơ hội, bạn sẽ là người thức thời và đi trước thời đại. Việc bạn trở nên giàu có và quyền lực khi có khả năng này là trong lòng bàn tay.

Khỏi cần nói, chúng ta sẽ làm mọi việc vô cùng dễ dàng mà không vấp phải một chút thử thách nào. Chỉ tưởng tượng thôi, cuộc sống đó đúng là đáng mơ ước, thật dễ dàng để mọi người lựa chọn. Nhưng tôi lại có một suy nghĩ khác, tôi chọn điều thứ hai.

Mới đầu, tôi cũng rất bị mê hoặc bởi lựa chọn thứ nhất nhưng tôi có một vài câu hỏi trong đầu. Nếu chúng ta đã biết hết mọi thứ, liệu chúng ta có thể có những cảm xúc mà mọi đứa trẻ khác đều có không?
Lần đầu biết nói.
Lần đầu biết đi.
Lần đầu biết đọc, biết viết.
Lần đầu biết lái xe đạp.
Lần đầu chơi máy tính.
Lần đầu được đến trường lớp.
Lần đầu được học sinh giỏi.
Lần đầu được ăn món gà rán KFC.
Lần đầu đọc truyện tranh.
Lần đầu xem phim trên truyền hình...
Tất cả những điều này, một đứa trẻ sẽ đều vô cùng thích thú với cảm giác hồi hộp, sung sướng vỡ òa khi mình được trải nghiệm lần đầu.

Khi tập đi xe đạp, đứa trẻ sẽ bị ngã đau rất nhiều lần rồi mới biết thăng bằng để đạp xe. Hành trình đó tuy sẽ bị đau, bị sợ, bị nản chí nhưng tất cả những điều đó sẽ tạo nên một niềm vui cực lớn khi đạt được thành quả. Nếu là người lớn , bạn có vác xe đạp đi vòng quanh phố xóm, đua với bạn hay tập những trò mới như thả hai tay hay bốc đầu không? Tôi nghĩ là bạn sẽ không hứng thú.

Bạn có còn nhớ trò ảo thuật thời thơ ấu với 2 ngón cái xếp vào nhau rồi che đi giả như ngón tay bị đứt rồi tháo ra lắp vào không? Tôi còn nhớ hồi bé tôi rất tò mò tại sao cậu bạn thân lại làm được và phải năn nỉ mãi nó mới dạy cho mình. Khi học được rồi, tôi hào hứng đi khoe với tất cả mọi người tôi biết và cảm giác khi nhìn khuôn mặt của họ òa lên, tôi thực sự sung sướng. Những niềm vui ấy tưởng chừng chỉ giản đơn nhưng liệu với tâm trí người lớn có dễ dàng có được?

Liệu bạn có được gia đình quan tâm, bao bọc, dành thời gian dạy dỗ khi bạn đã quá thông minh và hiểu chuyện, tự lo được hết cho mình. Tôi nghĩ bạn sẽ mất khá nhiều khoảng thời gian và những trải nghiệm khác nhau bên gia đình.

Liệu bạn có một tình bạn đích thực với bạn bè đồng trang lứa? Khi bạn đã quá thông minh và hiểu biết, bạn bè bạn với những suy nghĩ ngây ngô và trẻ con, bạn có muốn chơi với chúng hay cảm thấy rất phiền phức ? Nếu không chơi với trẻ con , liệu rằng những hình thức giải trí, công nghệ thời bấy giờ có làm bạn vui vẻ không khi chúng quá lạc hậu?

Liệu những thành tựu bạn đạt được trong cuộc sống mới có còn ý nghĩa khi chúng đến quá nhanh và dễ dàng mà không gặp bất cứ trở ngại gì?

Một câu hỏi khác, khi bạn là thần đồng ở thời thơ ấu. Nhưng khi lớn lên, 20, 30 tuổi , bạn sắp đến độ tuổi mà bạn dùng vé về tuổi thơ . Liệu bạn có khác biệt hay giỏi hơn những đứa trẻ khác cùng tuổi không? Khi mà chúng đã trải qua tuổi thơ và học hết những thứ bạn đã từng biết . Với những góc nhìn khác hoàn toàn bạn vì chúng có tuổi thơ? Dù rằng bạn có thể giàu có về tiền bạc và quyền lực, nhưng cuộc sống còn có những loại giàu khác như giàu lòng nhân ái, giàu sức khỏe, giàu tinh thần ... Tôi không biết liệu những điều kia mình có thể có khi không có tuổi thơ không ?

Giả sử nếu bạn thành công, có địa vị trong xã hội, được mọi người ca ngợi và tán dương nhưng khi ngồi một mình, bạn có tự dặn lòng thành công của bạn chẳng phải tài năng gì đặc biệt hay trải qua gian khổ gì nhiều, mà có được vì yếu tố ngoại cảnh?

Liệu khi 30 tuổi, những lo toan, suy nghĩ, áp lực lại quay trở lại và bạn có hối tiếc vì đã đánh mất cơ hội được trải qua tuổi thơ như bao đứa trẻ hồn nhiên khác?

Với những câu hỏi đó, sự lựa chọn của tôi nghiêng về điều hai nhiều hơn. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó, tôi sẽ không giữ lại được ký ức trước khi dùng chiếc vé . Tức là, tôi của hiện tại sẽ biến mất. Nghĩ thật đau đớn, nhưng tôi chấp nhận đánh đổi để tôi của sau này vẫn sẽ có được một tuổi thơ tươi đẹp và sự hồn nhiên trong sáng.

Nghĩ tôi sau này được sống trong mọi cung bậc cảm xúc, khám phá những điều mới mẻ, vấp phải những sai lầm và rồi trưởng thành. Nghĩ đến đó, như trong cuốn phim , tôi nhìn thấy chính tôi và những thước phim ký ức tuyệt đẹp của đứa trẻ vô tư, chơi đùa dưới ánh nắng, dưới vòng tay vỗ về của bố mẹ, bên những bạn bè yêu dấu và những nụ cười hồn nhiên, sảng khoái và đặc biệt không phải cùng một kích cỡ cũ.

Giống như cờ vua, khi hy sinh một quân cờ trên bàn, trường hợp này là quân Hậu (tưởng chừng như tất cả) để đổi lấy một cơ hội chiếu hết và tôi sẽ chiến thắng trong vang dội. Tuy không ai biết về chiến thắng ấy nhưng tôi nghĩ rằng Trời biết, Đất biết và tôi biết. Cậu bé tôi sẽ chơi tiếp những ván cờ dang dở của tôi, tiếp bước tôi trong hành trình phía trước.
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
27
Điểm cảm xúc
77
Điểm
13
Chương 2: Tuổi thơ của tôi
Có thể nói tuổi thơ của thế hệ 9x là một tuổi thơ rất tuyệt vời và trọn vẹn. Hiện nay trên facebook vẫn còn rất nhiều page có thể tìm với từ khóa “Born in 90s”, họ luôn nhớ về tuổi thơ của họ.

Một tuổi thơ với sự giao thoa của sự đổi mới lẫn những màu sắc truyền thống. Ở Việt Nam, đó là thời kỳ đất nước đang phát triển chóng mặt, sau khi mở cửa được hơn một thập kỷ với thế giới. Với sự xuất hiện của nhiều thứ rất mới mẻ như văn hóa, điện ảnh, âm nhạc, giải trí, dịch vụ , công nghệ, thiết bị điện tử,... Chắc hẳn bạn còn nhớ những hình ảnh quen thuộc mà chúng ta sẽ liên tưởng ngay được trong đầu sau đây, tôi sẽ dùng những đồ vật để gợi lên tuổi thơ của tôi xoay quanh chúng.

Tôi nhớ Chiếc TV hình hộp màn lồi to oạch với chất lượng không biết là có được 480p không nhưng lúc nào cũng dính mắt vào, xem vẫn thấy nét. Còn bây giờ TV 4k Ultra với đầy đủ Youtube, Netflix, VieON, FptPlay... cũng chẳng ngồi xem mấy. TV cũ chỉ có vài kênh của đài truyền hình (free) là VTV1, VTV2, VTV3, VTV4, VTV5, Hà Nội, Hà Tây...

Tôi nhớ VTV1 hay có những chương trình thời sự, phóng sự, và những thứ các ông bà, bố mẹ hay xem còn mình thì chẳng xem mấy. Nhưng có một chương trình lúc nào tôi cũng ngóng chờ đó là phim điện ảnh từ Hollywood và các nước chiếu lại vào 9h tối thứ 7 , giờ mà những đứa trẻ con thường bị bắt đi ngủ. Hồi đó tôi còn không biết đã có rạp phim chưa, chỉ được xem lại qua VTV 1. Một trong những bộ phim mà tôi nhớ thời đó vì nó quá hay và ý nghĩa có thể kể đến: Dặm Xanh – The Green Mile (1999) (Cảm động và ý nghĩa thực sự, tôi rất thương anh da đen và con chuột), Cuộn giấy thứ 7 - The Seventh Scroll ( 1995 ) (Hồi ấy tôi rất sợ con rắn biển khồng lồ trong phim đó, nổi da gà luôn), Catch me if you can (2002) (anh Leo quá ngầu), Chúa Nhẫn - The Lord of the Rings (2001) (Bộ phim mà tôi phải chờ một tuần chỉ để xem khoảng 40ph – 1 tiếng, mỗi tập 3 tiếng và có 3 phần. Nhưng cũng đáng vì đến bây giờ xem lại bạn vẫn thấy bối cảnh, dàn dựng, nhân vật, khung chiếu chiến tranh tổng lực hùng vĩ,... đều vẫn đẹp thì tưởng tượng thời bấy giờ xem sướng như thế nào. Tôi rất thích diễn viên Orlando Bloom thủ vai nhân vật bắn cung người Elf, vừa điển trai vừa ngầu, lại hết mình vì bạn bè)...

VTV2 thì hay chiếu chương trình khoa học và thế giới động vật. Tôi thường xem thế giới động vật cùng mẹ tôi, nhưng xem rất buồn ngủ. Chỉ có chương trình liên quan đến rắn, rết, côn trùng làm tôi hứng thú xem hết, vì tôi rất sợ chúng.

VTV3 thì khỏi nói, thiên đường của các loại phim truyện từ Cảnh sát hình sự (Chạy án, Kẻ giấu mặt,...), phim cổ trang Trung Quốc (Tây Du Ký, Thần Điêu đại hiệp, Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Như Ý Cát Tường, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Tiếu Lý Phi Đao , Bảo Liên Đăng,...), phim sitcom (Khách sạn vui vẻ, Nhật ký Vàng Anh, 5S Online...), phim Hàn Quốc (Giày thủy tinh, Trái tim mùa thu, Bản tình ca mùa đông, Ngôi nhà hạnh phúc,...), rồi đến những gameshow ai cũng xem như Chiếc nón kỳ diệu, Gặp nhau cuối tuần, Ai là triệu phú, Hãy chọn giá đúng, Trò chơi âm nhạc, Rung chuông vàng,.... Hồi đó, cứ tan học về là háo hức đến 6h tối trước khi ăn cơm để xem phim tập, rồi 9h tối xem cảnh sát hình sự với bố mẹ. Cứ nhạc hết phim là lại hụt hẫng không biết diễn biến tiếp theo như thế nào, nghĩ lại thật vui biết bao!

VTV4 thì là kênh chiếu lại những chương trình của kênh khác, VTV5 chắc cũng vậy, tôi xem hai kênh này rất ít.

Kênh Hà Nội thì chuyên chiếu những bộ phim kiếm hiệp của Kim Dung như Tiếu ngạo giang hồ, Thiên Long Bát Bộ, Hiệp Khách Hành,... Những phim này thường chiếu vào giờ khá muộn nên tôi xem tập có tập không, tuy nhiên ký ức về chúng vẫn luôn ùa về. Đáng nhớ nhất là chương trình Đuổi hình bắt chữ của anh Xuân Bắc dẫn chương trình. Tôi không bỏ lỡ tập nào, luôn đón xem để được đoán chữ cùng cả nhà, vừa vui vẻ vừa bổ ích.

Kênh Hà Tây thì hay chiếu phim hoạt hình, và tiếng nhạc “Hà Tây, cửa ngõ thủ đô. Cô gái suối Hai chàng trai Cầu Rẽ” với giọng hát nam nội lực cứ văng vẳng bên tai tôi mỗi khi nhớ về.

TV có rất nhiều kỷ niệm đẹp với tôi, tuy nhiên cũng có đôi lúc tôi quá nghiện xem TV, bỏ bê bài tập về nhà làm mẹ tôi rất giận, rồi mắng tôi chểnh mảng việc học. Hồi đó nghiện TV cũng giống như trẻ em nghiện Youtube, Tiktok như bây giờ tuy nhiên nội dung thời chỉ được xem trong khung giờ cố định và các nội dung phát sóng đều rất chất lượng, không có nhiều những nội dung độc hại, vô nghĩa như hiện nay. Xem điện thoại thông minh, iPad đều rất gây hại mắt, trẻ em dễ bị cận sớm. Ngoài ra còn có thể mắc một số bệnh lý như Tic, mất tập trung, tăng động, ... do xem quá nhiều điện thoại. Càng hiện đại, tiện ích thì những hậu quả nó mang đến cũng không kém. Chúng ta nên sử dụng chúng một cách hợp lý đối với trẻ nhỏ, giới hạn giờ xem, khuyên chúng xem nhưng kênh bổ ích và khuyến khích chúng ra ngoài đường chơi với bạn bè.



Tôi nhớ Chiếc máy tính màn hình cũng to như cái hộp, và có màn chắn chống cận, cùng với con chuột có viên bi ở trong dùng để trỏ chuột. Cả cây hầu như là màu trắng, dễ bẩn và thành màu cháo lòng. Chiếc máy thời đó cấu hình rất “khiêm tốn” với bộ dung lượng RAM chỉ có 128MB, chip Pentium III chỉ 1.4 GHz bộ nhớ đệm chỉ tới 512KB, card đồ họa Geforce dung lượng 64MB cùng hệ điều hoành Window 98 trông cũ rích. Nhưng với chiếc máy đó bạn sẽ rất nổi tiếng trong xóm nhé, lại còn hay được sang nhà chơi nữa chứ.

Sẽ có những lần sau trong các chương tiếp tôi nhắc đến điều này, đó là tôi may mắn, vì được tiếp xúc với máy tính cá nhân rất sớm và hình thành nên ước mơ của tôi, tôi sẽ nhắc đến ước mơ của mình ở những chương sau.

Lần đầu tiên tôi được sử dụng nó vào năm 4 tuổi, hàng xóm thuê trọ ở bên nhà là mấy anh sinh viên đại học theo ngành IT. Tôi sang đó chơi với các anh và bị cuốn hút vô cùng bởi chiếc máy tính. Tôi nhìn các anh chơi game cả buổi mà không biết chán, và rồi cũng đến lúc tôi đòi chơi thử.

Game đầu tiên mà tôi chơi đó là Đế chế (Age of Empires I)- một trò chơi rất phức tạp và phải điều khiển nhiều tác vụ một lúc. Trò chơi này xoay quanh việc người chơi sẽ phát triển thành trì, thu hoạch tài nguyên để có tiền xây dựng và chiêu mộ quân lính đi đánh chiếm nước khác, có thể chơi với máy và người khác qua mạng LAN. Tôi không hiểu sao một đứa trẻ 4 tuổi mà lại thích thú và đam mê với trò chơi ấy đến vậy. Tiếng nhạc nền của game đầy rạo rực, những tiếng ra quân “Hi, Hà” của dân và quân, tiếng còi hú báo hiệu lãnh thổ bị xâm phậm, tiếng ông già phù thủy “À í ô”,... Những âm thanh mà chỉ nghe đến thôi là tôi có thể tưởng tượng ngay ra ký ức đó.

Từ ấy tôi rất hay làm phiền các anh, khi các anh đang học hoặc làm việc thì tôi cứ ở sau lưng giục để cho tôi chơi, tôi thậm chí còn lẻn sang nhà khi các anh đi vắng, đèn điện tối om nhưng tôi vẫn bật máy tính lên để chơi Đế Chế và sau đó khi bị phát hiện nhiều lần các anh cài mật khẩu cho máy không cho tôi chơi, từ đó tôi dỗi các anh luôn.

Sau khi lên 6 tuổi, đó là lúc tôi có chiếc máy tính cá nhân đầu tiên. Chị tôi hơn tôi 9 tuổi và bước vào cấp 3, bố mẹ tôi thời đó đầu tư cho chị tôi một chiếc máy tính mới để phục vụ học tập, tôi nghĩ là cũng đắt đấy. Nhưng chị tôi lại chẳng dùng mấy cả, tôi chiếm dụng luôn. Tôi kể chuyện này cho ai tôi quen họ cũng cười. Không biết bạn có cười khi đọc không nhưng nếu tôi kể trực tiếp chắc chắn bạn sẽ cười với giọng điệu của tôi.

Nhưng thế cũng là giới hạn của tôi, vì không được lắp mạng internet. Thời đó Internet chỉ có loại ADSL cắm bằng dây cáp điện thoại, không có modem như bây giờ. Có nghĩa là, khi điện thoại đến là bạn bị mất mạng. Mà mức phí cho dịch vụ trả sau là rất đắt đỏ, tải một bài hát về máy là bạn phải nhẩm tính tiền luôn đó không thì bố bạn sẽ đánh nát đít.

Mặc dù không có mạng, tôi không hề chán nản. Ngược lại nó mở ra một hành trình game offline đầy dày dặn của tôi. Tôi chơi hết những trò có sẵn trong máy như Line 98, Solitare, Pinball, Gỡ bom,... Tôi chơi chán hết tất cả, tưởng chừng như sắp bỏ được máy tính và tập trung vào họp tập, thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận thì hoàn cảnh éo le đưa đẩy, nhà bác tôi lại mở quán net.

Nhà bác tôi cách nhà tôi 5km, nên tôi chỉ được chơi ké khi sang nhà bác với thời gian ít ỏi. Quán net của bác tôi mở ngay gần trường học nên lúc nào cũng đông người, trẻ con ra vào tấp nập. Còn có cả những anh chị lớn vào quán để dùng Yahoo!, xem báo Trường Tồn, nghe nhạc, viết blog cá nhân, chat với nhau qua webcam. Tiếng gõ cửa khi đăng nhập vào Yahoo, cả tiếng những anh lớn chơi Đế Chế chia đội chửi nhau tới tấp, tiếng trẻ con cười nói hò reo tôi không bao giờ quên được. Tôi phát hiện ra nhiều trò chơi mới và hấp dẫn hơn game có sẵn trong máy tính nhiều lắm. Từ Heroes 3, Diablo, Rockman, Tom & Jerry, Samurai đối kháng ... Nhưng đỉnh nhất và ấn tượng nhất là huyền thoại MU.

Tôi bèn nhờ anh trai con bác hơn tôi 17 tuổi sang nhà cài game cho mình. Anh vui vẻ đồng ý, và tuổi thơ của tôi lại gắn liền với những hành trình game offline thời bấy giờ.

Khi anh qua nhà tôi cài game, tôi cố học lỏm cách cài game nhưng nó quá phức tạp, anh cài chúng bằng ổ cứng rời nên tôi không thể bắt chước theo được.

Nhưng điều gì đến cũng phải đến, tôi phát hiện ra rằng game có thể cài được qua đĩa CD mua ngoài cửa hàng linh kiện máy tính. Tôi được bố tôi chở ra tận Lý Nam Đế mua đĩa game, tôi nhớ giá đĩa game thời đó khoảng 6k 1 đĩa. Bằng cách nào đó, tôi mày mò cài được game, chỉ bấm những nút Next > Next > Install được bôi đậm và đó đúng là cảm giác chinh phục, thỏa mãn nhất của tôi.

Tuy nhiên, cách đó chỉ dùng được cho game chỉ có 1 đĩa CD, từ 2 trở lên là một vấn đề khác, tôi bỏ phí rất nhiều game như vậy và chỉ dám mua game có 1 đĩa CD.

Nhưng những điều mới mẻ về máy tính luôn đến với tôi như sắp đặt, máy tính tôi bị hỏng và tôi như một thằng nhóc điên cuồng, ăn vạ với bố mẹ. Vậy là bố tôi bèn nhờ một chú trên cơ quan sửa hộ. Khi chú sang nhà lắp máy, tôi nhanh trí hỏi chú cài game có 2 đĩa thế nào, chú liền chỉ cho tôi. Hóa ra sau khi cài xong đĩa 1, bạn phải giữ nguyên chương trình cài và cho đĩa thứ 2 vào để chạy nốt đến khi xong. Lúc đó mới “À” lên 1 tiếng rất khoái chí.

Tuổi thơ của tôi gắn với máy tính là vậy đấy nhưng chưa thể hết được đâu, sẽ còn tiếp những ký ức với máy tính ở những chương sau vì chúng khá quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi nghĩ rằng thời nay người ta đã ít dùng máy tính để bàn, thay vào đó họ dùng smartphone nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi thấy dùng máy tính rất tiện, làm được nhiều việc có ích và cấu hình khỏe để chơi game, chưa kể đỡ hại mắt hơn nữa chứ. Đến nay tôi vẫn dùng máy tính hàng ngày, và không thể rời xa chúng.

(Còn tiếp)
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
27
Điểm cảm xúc
77
Điểm
13
Chương 3: Tuổi thơ của tôi (p2)
Tiếp tục chủ đề những đồ vật “khêu gợi” ký ức tuổi thơ, tôi sẽ nói đến:

Những chiếc xe máy
Hẳn các bạn còn nhớ những chiếc xe máy xuất hiện trên những nẻo đường Việt Nam vào những năm 2000. Từ những chiếc “Ba bét nhè” có vẻ cổ lỗ sĩ, đến những chiếc xe hợp thời hơn như Honda Cub 82, hay sau này là Honda Wave Alpha, Dream chiến, Yamaha Jupiter, Suzuki Viva,... Đặc biệt các gia đình “đại gia” sở hữu cho mình những chiếc @ hay Dylan thời thượng thì đúng là cháy phố.

Những chiếc xe máy thời bấy giờ là cả một “gia tài” đối với chủ sở hữu, với trị giá lên đến 30 triệu đồng, tương đương khoảng 6 cây vàng hoặc 20 vé (1 vé = $100 theo cách gọi thời đó và 1$ = ~15000 đồng). Số tiền này có thể mua được vài mảnh đất hoặc một mảnh lớn ở những khu phố được coi là trung tâm và rất đắt đỏ ở hiện tại. Quy đổi giá đất hiện nay tại khu phố Xã Đàn, Thái Hà, Chùa Bộc dao động từ 400 – 600tr/m2 cho những mảnh đất có mặt bằng kinh doanh. Như vậy, một chiếc @ hay Dylan với mức giá 60 vé thì có thể được so sánh với những chiếc Maybach S680 sang trọng, chiếc Range Rover Autobiography hầm hố hay chiếc Porsche Panamera TurboS thể thao thời thượng ở hiện tại. Tuy nhiên, mặc dù với mức giá lớn như vậy nhưng vẫn có rất nhiều gia đình “tậu” cho mình một chiếc để vi vu khắp 36 phố phường Hà Nội. Người Hà Nội “chất chơi” như thế đấy!

Bố tôi, người không nằm ngoài “xu hướng”, cũng tậu cho mình một chiếc Honda Cub 82 màu xanh dương trông rất cổ điển. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của bố tôi chụp cùng mẹ tôi và chị gái bên chiếc xe ở Chùa Một Cột. Bố tôi mặc chiếc áo sơ mi với quần kaki, đeo một chiếc kính râm kiểu dáng RayBan màu đen đang ngồi một tay cầm côn xe trông rất ngầu. Mẹ tôi mặc chiếc áo dài thướt tha màu trắng, với chút họa tiết hình hoa đang tựa đầu vào vai bố tôi. Chị tôi mặc một chiếc váy màu đỏ sặc sỡ với rất nhiều họa tiết (mẹ tôi hay kể chiếc váy này có giá 80.000 đồng mua ở phố Hàng Đào, giá trị gần bằng một lượng vàng) đang nắm tay mẹ tôi. Thời điểm trong bức ảnh tôi còn chưa sinh ra nhưng mẹ tôi kể lại cho tôi nhiều đến mức tôi nhớ như in như mình đang ở đó vậy.


Thời gian tôi vài tuổi thì bố bán chiếc Cub và mua một chiếc Suzuki Viva màu xanh nhớt trông rất hiện đại, nhìn to khỏe hơn chiếc Cub. Chiếc xe này gắn bó với tôi từ lúc có ký ức đến hơn 15 năm sau, đến tuổi trưởng thành tôi cũng đi chiếc xe này.

Yên sau xe Viva là nơi tôi có rất nhiều kỷ niệm bên bố. Những lần tới trường, đi chơi phố xá, đi chúc Tết, đi về quê, đi thăm sở thú, đi mua đĩa game,... Tôi luôn ôm bố tôi khi đi trên đường và nhìn ngắm xung quanh, chiếc bụng bia to lớn của bố ôm rất sướng. Bố thường nói chuyện hay hỏi han tôi khi đi trên đường, làm thời gian di chuyển lúc nào cũng trôi rất nhanh, đó là khoảng thời gian hạnh phúc của tôi bên bố. Giờ đây, tôi luôn là người lái xe nhưng tôi chỉ ước được một lần ngồi sau xe của bố lần nữa, tôi nhớ bố tôi nhiều lắm!

Tôi vẫn như nhớ in một cuộc nói chuyện của tôi với bố về xe máy và coi đó là bài học mình ghi nhớ mãi về sau. Khoảng thời gian đó tôi đến tuổi trưởng thành, với sự bướng bỉnh và kiêu ngạo, tôi nói như dạy đời với bố tôi khi bố kể chuyện ngày xưa chiếc xe máy đắt như thế nào, rằng :

- Hồi đó bố tốn tiền mua xe máy làm cái gì, đi xe đạp cũng được. Để tiền đó mua mấy mảnh đất có phải bây giờ nhà mình giàu lắm rồi không? Giờ nhà mình chẳng có tiền mấy, con xe này bán lại chắc được mấy triệu bạc.

Bố tôi vẫn bình tĩnh, ân cần nói với tôi:

- Thời bao cấp bọn tao sống khổ mãi rồi, có được hưởng cái gì đâu, ăn còn chẳng có mà ăn. Lúc mở cửa thì phải được sướng chứ, mua cái xe đi cho nó sướng, không lấy gì chở mày. Cho tao quay lại tao vẫn mua xe thôi, chờ mấy chục năm đến bao giờ, tiền chết có mang đi được đâu!

Nghe bố tôi nói vậy tôi như bừng tỉnh, bởi của cải vật chất đúng là quan trọng nhưng tôi hiểu được cảm xúc của bố tôi thời điểm đó. Mua chiếc xe máy giúp gia đình tôi di chuyển thuận tiện hơn rất nhiều. Có xe máy đi về quê nội, quê ngoại thăm ông bà được thường xuyên hơn. Có xe máy thì bố tôi mới chở được cả nhà di chuyển. Có xe máy thì tôi mới được đi chơi nhiều hơn... Giờ nghĩ ngược lại, nếu không có xe máy, đi xe đạp vừa chậm vừa mất sức. Rồi sau này bố nhiều tuổi hơn thì đạp xe đạp đèo gia đình tôi rất vất vả, nhìn bố vất vả mình có thương không?

Đó là bài học về cảm xúc, nhu cầu mà bố tôi đã dạy cho tôi. Tôi luôn quan niệm rằng có nhiều thứ còn quan trọng hơn của cải vật chất mặc dù thiếu nó sẽ rất khó khăn, nhưng nếu mình chạy theo vật chất mà bỏ quên đi những thứ khác, rồi chúng ta còn lại gì?

Giàu có nhưng tâm địa xấu xa, vơ vét của người khác, làm cuộc sống người khác khổ cực để làm giàu thì có nghĩa lý gì?

Giàu có nhưng đổi hết thời gian, sức khỏe, các mối quan hệ để rồi cô độc với núi tiền có nghĩa lý gì?

Giàu có nhưng sức khỏe cạn kiệt, đời sống tinh thần suy giảm thì có tiêu được tiền không? Tất nhiên là tiêu được những chẳng vui vẻ gì.

Xã hội hiện nay dần trở nên thực dụng đến đáng sợ. Vật chất lên ngôi một cách thái quá khiến bao giá trị khác như danh dự, nhân phẩm, chữ tín, lòng tốt bị lu mờ đi. Nó cũng là thước đo giữa con người với con người, người giàu thì được trọng vọng còn người nghèo thì không có tiếng nói, thật đáng buồn!

Tôi nói vậy không có nghĩa là chúng ta không cầu tiến, tiêu xài hoang phí không còn lại gì. Chúng ta vẫn cần phải tìm kiếm những cơ hội thực sự để kiếm thêm nhiều tiền nhưng việc đó cần dựa trên pháp luật, win-win và không làm ảnh hưởng đến người khác. Có những kế hoạch tiết kiệm, chi tiêu hợp lý và có một quỹ hưu trí cho sau này. Ngoài ra, chúng ta nên quan tâm đến người thân xung quanh, tâm hồn bản thân nhiều hơn vì những điều đó quan trọng hơn tiền bạc.

Tôi chỉ muốn nói là đừng làm nô lệ của đồng tiền, hãy bắt đồng tiền làm nô lệ của chính mình. Và khi ấy, chúng ta sẽ cân bằng được cuộc sống và trở nên hạnh phúc.
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
27
Điểm cảm xúc
77
Điểm
13
Chương 4: Ước mơ
Bạn còn nhớ ước mơ thuở nhỏ của mình là gì không?
Ước mơ đó cho đến hiện tại bạn đã thực hiện được chưa?
Nếu thực hiện được rồi thì ước mơ tiếp theo của bạn là gì?
Nếu chưa thì bạn vẫn tiếp tục theo đuổi nó hay đã quên chúng?
Lý do gì khiến bạn dừng lại ước mơ đó, đổi sang ước mơ khác dễ thực hiện hơn hay tạm gác lại vì những nỗi lo toan trong cuộc sống?


Ước mơ của trẻ thơ là những ước mơ trong sáng nhất cuộc đời. Chúng đẹp đẽ, thuần khiết và tràn đầy hy vọng. Ước mơ giúp cuộc đời có nhiều ý nghĩa và màu sắc, giúp con người có mục tiêu để hướng đến.

Hẳn hồi nhỏ ai cũng có một hay nhiều ước mơ cho riêng mình. Từ những ước mơ nghề nghiệp:

Uớc mơ làm bác sĩ cứu chữa cho mọi người, tích đức cho đời sau.
Uớc mơ làm diễn viên, được nhập vai nhiều nhân vật khác nhau, để lại những câu thoại để đời.
Ước mơ làm ca sĩ dùng giọng hát làm say đắm lòng người.
Ước mơ làm vận động viên thể thao, được tham dự Olympic đem vinh quang về cho Tổ Quốc.
Ước mơ làm chủ doanh nghiệp với sức ảnh hưởng đến hàng ngàn người, tạo công ăn việc làm và đóng góp lớn cho xã hội.
...


Hay ước mơ những điều cụ thể như:

Ước mơ được đi vòng quanh thế giới, trải nghiệm và khám phá nhiều nền văn hóa khác nhau.
Ước mơ được giúp đỡ càng nhiều người càng tốt.
Ước mơ xây nhà cho trẻ em mồ côi, hoàn cảnh khó khăn.
Ước mơ phát minh ra cỗ máy thời gian.

...

Và những ước mơ giản dị hơn:

Ước mơ làm giáo viên để truyền lại kiến thức cho thế hệ sau.
Ước mơ có một quán tạp hóa nho nhỏ để tiện thì ăn vặt luôn.
Ước mơ mai sau có tiền để mua đồ chơi thỏa thích.
Và ước mơ của tôi, làm một lập trình viên, viết những phần mềm tiện ích và làm giảm khối lượng công việc cho con người.
...


Tôi nghĩ rằng môi trường xung quanh ảnh hưởng rất lớn đến ước mơ của trẻ nhỏ. Từ những nhân vật phim ảnh, truyện tranh, hay từ những người xung quanh như ông bà, cha mẹ, chú bác, anh chị...

Ước mơ làm lập trình viên của tôi ảnh hưởng rất lớn bởi nhiều lý do:

Những anh sinh viên hàng xóm của mình cũng học đại học ngành lập trình và tôi rất hay sang chơi với các anh, nhìn các anh làm việc với những dòng code trông rất hay ho và chuyên nghiệp.

Được tiếp xúc với máy tính sớm (tôi đã đề cập ở chương 2).

Đối với suy nghĩ của tôi hồi bé, nghề lập trình viên nghe rất "oách" và thông minh.

Và đến từ phim ảnh, với 2 bộ phim “Chạy án” và “Lập trình cho trái tim” được phát sóng trên VTV3.


Ngoài lề một chút, nhân vật Cao Thanh Lâm trong bộ phim truyền hình “Chạy án” là một “idol giới trẻ” đối với những đứa trẻ con thời bấy giờ. Diễn viên Việt Anh như sinh ra để đóng vai này vậy, với khuôn mặt công tử, “bad boy” cùng giọng nói “trai phố” của mình.

Cao Thanh Lâm có những “pha xử lý” rất ngầu như lấy tiền của bố mua vài chục chiếc @ tặng cho bạn, gọi điện cho mẹ xin vài ngàn đô tiêu vặt để bao cô bạn gái hoa hậu Mai Phương của mình, đánh bạc một hôm mất hơn 50 ngàn đô. Và hình ảnh huyền thoại nhất của anh là đốt ổ cứng để khôi phục dữ liệu. Bạn tìm trên google với từ khóa “Cao Thanh Lâm dangerous virus computer” có rất nhiều meme hài hước cho hình ảnh này.

Tuy vậy Cao Thanh Lâm rất thông minh, hack được cả hệ thống ngân hàng để đánh cắp vài triệu đô vào túi. Từ đó rất nhiều đứa trẻ có ước mơ làm hacker và tôi cũng vậy (tưởng làm lập trình viên cũng hack được).

“Lập trình cho trái tim” là một bộ phim với nội dung liên quan đến môi trường công sở của một công ty IT, xoay quanh câu chuyện tình yêu của Lâm (Minh Tiệp)Vũ Vũ (Quỳnh Nga). Phim cho tôi tất cả những thông tin liên quan đến IT như chức vụ (lập trình viên, tester, PM), công việc hàng ngày, những cuộc họp trao đổi... Tôi rất thích môi trường đó và sau này cũng muốn làm việc trong môi trường như vậy.

Sau này lớn lên, tôi vẫn coi đó là giấc mơ mình cần thực hiện và quyết định theo học ngành IT ở đại học.

Mới đầu, học nhập môn lập trình ngôn ngữ C/C++ trên lớp rất khó đối với tôi. Nó có những khái niệm gần gũi với toán học như biến (variable), phép tính cộng trừ nhân chia, lũy thừa, căn bậc hai,... Tôi có thể tiếp thu những kiến thức này, tuy nhiên những kiến thức lập trình như vòng lặp (for, while) hay con trỏ (pointer) đúng là ác mộng với tôi.

Tôi nghe thầy giảng mãi mà không thể hiểu nổi những kiến thức này kèm với việc đến độ tuổi đó tôi rất lười học. Thậm chí hết năm làm đồ ăn cuối kỳ, tôi tham gia vào một nhóm và “ăn bám” các bạn. Tôi không đóng góp được gì nhiều vì mình không hề hiểu lập trình.

Tôi bắt đầu tự hỏi liệu mình có theo được ngành này không? Liệu mình có phí phạm thanh xuân với ngành này không? Liệu mình có nên từ bỏ để chuyển sang ngành khác dễ học hơn không?

Tôi đã dằn vặt suy nghĩ rất nhiều, có những lúc dần đánh mất định hướng của bản thân, lãng quên ước mơ thuở nhỏ.

Tôi nghĩ vu vơ về tuổi thơ, nghĩ về lý do mà mình mơ ước làm IT là gì, tại sao mình bước đến đây rồi lại bỏ cuộc lãng nhách như vậy. Vậy là tôi quyết tâm vực lại tinh thần, điều chỉnh lại chính mình. Tôi cần một kế hoạch cụ thể cho bản thân để chiếc bánh của con tàu ước mơ khớp lại đường ray.

Tôi bắt đầu dành ra 1 tiếng mỗi ngày để đọc các tài liệu lập trình trên Internet và tập viết code cho những bài toán từ cơ bản đến nâng cao. Tôi chăm hỏi thầy trên lớp và giữ liên lạc với thầy.

Dần dần, tôi hiểu ra ý nghĩa và công dụng của vòng lặp, con trỏ, public/private, object, static, overload,.... là gì. Khi tôi “mở phong ấn”, “đả thông kinh mạch”, mọi kiến thức cứ nạp vun vút vào đầu tôi như ăn chiếc bánh mì tri thức của Doreamon vậy. Cảm giác sung sướng như lần đầu biết đi xe đạp, lần đầu biết làm ảo thuật hay lần đầu biết trồng cây chuối.

Mọi thứ bắt đầu đi đúng hướng, năm cuối tôi làm đồ án tốt nghiệp cùng nhóm 5 người.

Tuy là 5 người nhưng 4 người còn lại cũng giống tôi khi trước, cảm thấy không phù hợp với IT nên chuyển hướng làm nghề khác. Các bạn cố tốt nghiệp để lấy bằng đại học.

Tôi cũng hiểu và cảm thông cho các bạn nên tôi một mình làm đồ án tốt nghiệp. Từ nghĩ ý tưởng (phần mềm quản lý bán linh kiện máy tính), thiết kế, design giao diện, viết code, test, viết báo cáo, thuyết trình... Song song đó, tôi còn thực tập ở một công ty start-up để học việc làm thực tế. Ngoài ra, tôi tranh thủ buổi tối đi dạy gia sư môn Toán cho trẻ cấp 1, cấp 2 để kiếm tiền trang trải, đỡ phiền bố mẹ.

Tôi hoạt động rất chăm chỉ và năng suất vào thời gian đó, nhưng tôi không hề cảm thấy mệt mỏi hay lười biếng mà lại cảm thấy rất hứng thú. Có thể tôi biết những việc mình đang làm rất quan trọng cho tương lai, chúng không hề lãng phí một giây phút nào. Và lúc đó tôi chợt nhận ra, mình lại may mắn một lần nữa. Bởi vì, ước mơ thuở bé của tôi cũng chính là đam mê khi trưởng thành của mình!

Sau đó, tôi hoàn thành tốt nghiệp và ra trường, tôi tiếp tục làm thực tập ở công ty start-up và nhận lương 0 đồng suốt gần 1 năm trời.

Ngày tôi được làm nhân viên chính thức và làm việc miệt mài đến kỳ lĩnh lương, nhận 4 triệu đồng đầu tiên, tôi vui sướng như đứa trẻ. Vì tôi biết rằng, ước mơ của mình đã thành hiện thực!

(Còn tiếp)
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
27
Điểm cảm xúc
77
Điểm
13
Chương 5: Ước mơ (p2)
Ước mơ làm lập trình viên của tôi vào đúng thời kỳ phát triển cực mạnh của IT ở Việt Nam. Từ đó cơ hội việc làm, đãi ngộ, cách xã hội đánh giá ngành nghề IT trở nên rất tích cực. Tôi rất tự hào và cảm thấy may mắn khi tuổi thơ của mình đã chọn ước mơ này!

Hiện tại, tôi đã có một ước mơ khác, khó thực hiện hơn ước mơ thuở bé của tôi rất nhiều. Ước mơ của con người sẽ thay đổi theo từng giai đoạn trong cuộc đời, tuy nhiên tôi vẫn sử dụng cùng một cách thức thực hiện.

Để thực hiện được một ước mơ, cần rất nhiều yếu tố: kiên trì, năng lực, sự ủng hộ, may mắn ... Và tôi nghĩ là quan trọng nhất , đó là sự dũng cảm, đam mê và lập kế hoạch cụ thể.

Có 2 câu nói được treo trên những tấm bảng truyền cảm hứng trên văn phòng mà tôi rất tâm đắc, đó là:
“Fear kills more dreams than failures ever will”
“Be a Warrior, not a Worrier”

Nếu bạn sợ hãi, thì ước mơ sẽ chết từ trong trứng nước. Có thể thất bại sẽ làm bạn nản chí, nhưng đâu có nghĩa là kết thúc, vì “Thất bại là mẹ thành công” mà. Có mấy ai thành công mà không trải qua thất bại đâu!
Nếu bạn cứ tỏ ra lo lắng thái quá cho mọi điều bạn làm, tôi tin nó sẽ không bao giờ thành công. Hãy là một “chiến binh”, sắn tay vào làm, không thành công thì cũng gặt hái được kinh nghiệm, kiến thức tốt hơn cho lần sau. Cuộc đời là ngắn ngủi, vậy nên đừng lo lắng quá nhiều.

Đam mê như một thanh gươm quý, có thể chém mọi quân địch nản chí, lo lắng, sợ hãi, lười biếng, không được ủng hộ... Để thực hiện ước mơ, đam mê là vô cùng quan trọng, hay thậm chí là không thể thiếu. Đam mê giúp bạn làm việc không biết mệt mỏi, vượt qua mọi rào cản mà vẫn luôn thanh thản, hạnh phúc trong tâm hồn.

Một giấc mơ mà không có kế hoạch cụ thể thì sẽ mãi chỉ là giấc mơ mà thôi! Bạn cần lên ý tưởng, kế hoạch từng bước , từng bước để hiện thức hóa ước mơ. Nếu coi ước mơ là đích đến của một quãng đường dài, thì trước tiên bạn phải biết bạn bước đi như thế nào đã!

Khi đi cần chuẩn bị những hành lý gì?
Đi bằng giày hay dép?
Đi cung đường nào?
Đi bao nhiêu thì dừng nghỉ?
Đang đi đường bị vấp sỏi đá, bị thú dữ tấn công thì làm thế nào?


Bạn phải chuẩn bị trước cho những điều bạn sắp làm, chứ không thể cứ làm đi rồi tới đâu hay tới đó, không đi đến đâu và rất nhanh nản.

Không phải ước mơ nào cũng giản dị và dễ dàng, có những ước mơ phải có những điều kiện đặc biệt, sự cố gắng vượt trội, và tỷ lệ thành công khá thấp.
Tôi có hai người bạn thân, đã chơi với tôi gần 20 năm rồi, một người ước mơ làm diễn viên, một người ước mơ làm ca sĩ. Hai ước mơ này có những điểm giống nhau, đều là ngành nghệ thuật, đều rất khó thực hiện, đều cần các mối quan hệ, tiền bạc để nổi tiếng, tiếp cận công chúng... Tuy nhiên, họ, có hai cách nhìn hoàn toàn khác nhau về ước mơ khá thú vị!

Người bạn ước mơ làm diễn viên của tôi, với niềm đam mê và khát khao cháy bỏng, đi theo những bước đi đầu tiên từ rất sớm. Cậu học trường Đại học Thương Mại nhưng đó không phải là ngành đam mê của cậu. Cậu luôn nghĩ đến ánh hào quang sân khấu, được nhập vai hết mình vào nhân vật, để lại những câu thoại để đời. Vì vậy, cậu chọn bảo lưu đại học, bắt đầu vào hành trình đến với “nghệ thuật tối thứ 7” của mình.

Xuất phát điểm của cậu với ngành này khá khiêm tốn. Cậu không có nhiều nguồn lực làm bệ đỡ như tiền bạc hay những mối quan hệ, cũng không có nhiều sự ủng hộ từ người xung quanh. Nhưng cậu không để chúng làm cản bước, cậu quyết đi trên đôi bàn chân của mình.

Cậu ta bắt đầu tìm những lớp học diễn xuất, nghiên cứu trên Internet, thực hành diễn xuất ngoài đời. Có những lúc cậu ta tập “diễn” với hội chúng tôi mà bẵng mấy tháng chúng tôi không hề hay biết. Tôi cảm thấy cậu là một người có những tài năng rất tốt cho diễn xuất. Cậu có ngoại hình rất điển trai, cao ráo, trắng trẻo, có nét giống diễn viên Hàn Quốc Lee Min Ho. Cậu là người thông minh, hoạt ngôn, đầu nảy số rất nhanh, có khiếu hài hước, có những am hiểu về nhiều vấn đề trong cuộc sống, giả vờ rất giỏi,... Và cậu là người sống rất khép kín, có một nội tâm sâu sắc nên để nhập vai tốt vào một vai diễn, điều này là rất cần thiết.

Tôi rất nể phục đam mê và quyết tâm của cậu ấy. Cậu học diễn xuất ở Hà Nội một vài năm , cũng tích cực tham gia vào những dự án nhỏ, video clip trên mạng xã hội. Tôi theo dõi mọi tiểu phẩm, clip của cậu và thấy cậu làm rất tốt. Tuy nhiên, đích đến cậu hướng tới là điện ảnh. Vì vậy, cậu quyết tâm “Nam tiến”, một thân một mình vào đất Sài Gòn để lập nghiệp.

Xa gia đình, xa bạn bè trong một khoảng thời gian dài hẳn không dễ gì với cậu. Cậu tìm thuê một căn trọ nhỏ để ở, theo học lớp diễn xuất trong Sài Gòn và tìm kiếm những cơ hội nhận vai. Chúng tôi rất nhớ cậu ấy, thậm chí còn call video cho cậu khi ngồi nhậu với nhau.

Tư duy làm nghề của cậu rất khảng khái, chính trực. Cậu nói không với tất cả những điều “cửa sau” tiêu cực. Cậu muốn chứng minh bằng năng lực của mình.

Tuy nhiên, đời không như mơ, showbiz Việt không phải chỗ cho những người như cậu. Không tiền bạc, không quan hệ với bầu sô, không có quan hệ của bố mẹ,... thì rất rất khó để thành công trong lĩnh vực này. Hoạt động một thời gian khá dài những không đạt được thành quả đáng kể, mọi người cũng quanh cũng không ủng hộ cậu nhiều, tuy nhiên tôi chưa thấy dấu hiệu từ bỏ dễ dàng trong đôi mắt cậu.
Ước mơ của cậu không hề dễ dàng như ước mơ của tôi, gặp nhiều thất bại, hụt hẫng nhưng tinh thần cháy bỏng, đam mê khát khao của cậu với nghề là rất đáng trân trọng.

Cậu dám sống vì ước mơ của mình, ít nhất còn hơn rất nhiều giới trẻ hiện nay không có ước mơ, đam mê, định hướng rõ ràng. Họ bị mông lung từ ghế nhà trường, khi tốt nghiệp hay thậm chí đã đi làm với những công việc họ không hề thích. Tôi nghĩ, thanh xuân của bạn tôi rất đẹp!

Người bạn ước mơ làm ca sĩ của tôi lại có suy nghĩ rất khác. Với suy nghĩ lý trí của mình, cậu sẽ thực hiện ước mơ khi có đủ những điều kiện cần thiết. Cậu nghĩ rằng, không gì là quá muộn, và bắt đầu với một nền tảng vững chãi sẽ tăng khả năng thành công lên rất nhiều.

Tôi thấy suy nghĩ đó rất có lý, rất nhiều người gặt hái những thành công ở độ tuổi lớn, ông chủ KFC 60 tuổi mới khởi nghiệp những vẫn là doanh nghiệp toàn cầu, tỷ đô kia mà! Cậu cho rằng, đam mê của mình có thể tạm gác lại, tập trung lo những vấn đề, nhu cầu thiết yếu của cuộc sống trước tiên.

Cậu có năng khiếu với âm nhạc, bằng chứng là cậu hát rất hay và cảm xúc trong những buổi đi karaoke của mình. Cậu hát không bao giờ bị chệch tone, biết lên xuống chỗ nào là hợp lý, đẩy cảm xúc của người nghe. Cậu ta nghe nhạc rất nhiều, gần như bài gì cậu cũng biết. Cảm nhạc của cậu cũng tốt, nghe một bài hát nào đó chỉ vài lần là cậu có thể hát karaoke được.

Với những năng khiếu đó, tôi tin khi đủ điều kiện, cậu sẽ thành công. Góc nhìn của cậu về ước mơ tuy có phần lý trí những rất hợp lý. Nó không phải là bỏ dở hay lãng quên ước mơ, chỉ là một nốt nghỉ mà thôi!

Hiện nay, người trẻ mất phương hướng rất nhiều. Họ không có ước mơ hay đam mê gì cụ thể, không biết phải làm gì sau khi tốt nghiệp, không ai định hướng cho họ. Họ phải làm những công việc họ không hề thích, để duy trì cơm áo gạo tiền.

Tôi nghĩ rằng giáo dục Việt Nam cần có những lớp học, khóa học về định hướng, giúp người trẻ nhận ra đam mê, định hướng, mục tiêu của họ là gì. Như vậy, sự chuẩn bị từ sớm sẽ giúp họ không bị bỡ ngờ khi ra trường, ra đời. Song song đó, người trẻ cần ý thức được độ nguy hiểm của không có định hướng từ sớm, rơi vào cảm giác mông lung ở những độ tuổi 18, 25 hay thậm chí ngoài 30 là một cơn ác mộng!
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
27
Điểm cảm xúc
77
Điểm
13
Chương 6: Gia đình
“A man who does not spend time with with his family can never be a real man.” – Vito Corleone (Godfather).

Đây là câu nói về gia đình mà tôi rất tâm đắc từ bộ phim Godfather, đến nay tôi đã xem bộ phim này trên dưới 5 lần. Bộ phim xoay quanh gia đình gangster Corleone khét tiếng, có quyền lực rất lớn và vô cùng máu lạnh. Nhưng ông trùm luôn đặt gia đình lên trên tất cả những thứ khác, đó là điều cốt lõi, làm nên sự uy nghiêm và đáng tin cậy . Nếu không coi trọng gia đình, những ông trùm chỉ là những kẻ tầm thường và không thể khiến ai nể phục. Trước khi làm nên những điều vĩ đại, trước tiên phải hết lòng vì gia đình đã!

Bố già Vito Colerone là một nhân vật mang tính biểu tượng mọi thời đại trong phần một của bộ phim kinh điển Godfather. Gia đình Corleone là gia đình lớn mạnh nhất trong 5 đại gia đình gangster ở nước Mỹ và ông là người đã gây dựng nên đế chế ấy bằng hai bàn tay trắng.

Ông là một người sắc bén, quyết đoán và rất giữ chữ tín. Đặc biệt, ông luôn đặt gia đình của mình lên trên hết. Ông làm mọi điều trong cuộc đời với mục đích cuối cùng là làm cho gia đình không phải sống trong nghèo khổ và yếu thế trước các thế lực khác.

Hình ảnh đầu phim Godfather, trong đám cưới cô con gái Connie Corleone, ông nhất quyết phải đợi bằng được cậu con trai đi lính Michael Corleone có mặt thì mới chụp ảnh gia đình. Ảnh gia đình là biểu tượng của sự đông đủ, tề tựu và khi thiếu bất kì thành viên nào, nó cũng không được trọn vẹn.

Giống như những người ông, người cha của chúng ta, họ luôn luôn muốn sự đoàn tụ, đông đủ. Họ quan tâm đến từng thành viên trong gia đình và không để ai lại phía sau. Những người đàn ông như vậy luôn là trụ cột vững chãi và làm nên những điều lớn lao.

Sonny Colerone là con cả trong gia đình, khác với bố già, anh ta có tính cách rất bốc đồng và không phải hình tượng người chồng, người cha mẫu mực. Anh ta ngoại tình với chính cô phù dâu của em gái trong ngày cưới mà vợ mình vẫn ngồi bên ngoài, mà lẽ ra phải làm nhiều việc giúp gia đình trong ngày trọng đại ấy. Khi anh bước vào phòng gặp bố, ông rất nhẹ nhàng, nói với anh ta rằng:

“Có thời gian cho gia đình không? Người đàn ông không dành thời gian cho gia đình thì mãi mãi không phải là người đàn ông đích thực.”

Câu thoại tuy chỉ nhẹ nhàng thoáng qua nhưng đầy sức nặng, trở thành câu nói để đời mọi thời đại, làm mọi người phải suy ngẫm.

Chúng ta dù có thành công thế nào, bận rộn đến đâu, cũng phải dành thời gian cho gia đình của mình. Đó là thứ thiêng liêng nhất trong cuộc đời.
Gia đình luôn chào đón chúng ta trở về dù chúng ta có thất bại, tệ hại thế nào đi chăng nữa. Gia đình không bao giờ phản bội chúng ta, là điểm tựa tinh thần mỗi khi chúng ta cần. Người hết lòng vì ra đình, ắt sẽ là một người làm nên chuyện và đáng tin cậy. Ngược lại, dù giàu có hay quyền lực đến mấy mà đối xử tệ bạc với gia đình, thì cũng chỉ là kẻ thất bại mà thôi!

Gia đình tôi
Tôi sinh ra trong một gia đình phổ thông, bố làm thợ sửa cơ khí, mẹ làm nội trợ và có một chị gái hơn tôi 9 tuổi. Những kỷ niệm tuổi thơ của tôi bên gia đình luôn đẹp đẽ như những ngày đầu.

Nhiều người hay ghen tị với những gia đình có điều kiện hơn, trách rằng nếu được đẻ ra ở nhà đó đời mình sẽ khác, nói họ “sinh ra từ vạch đích”. Nhưng với tôi , tôi không được gia đình cho nhiều điều kiện về vật chất, nhưng tôi được sinh ra ở vạch đích của sự yêu thương, bao bọc và những tiếng cười mà gia đình đã dành cho tôi thuở nhỏ. Điều ấy làm nên chính tôi, chứ không phải ở bất kì một gia đình nào khác!

Tôi nhớ những lần gia đình quây quần bên mâm cơm. Sau một ngày dài đi học và nô đùa với chiếc bụng đói meo, tôi được ăn bữa cơm ngon, canh ngọt của mẹ. Đó là lúc gia đình vui vẻ bên nhau, mọi người cùng dùng bữa và nói chuyện rôm rả.

Trước khi vào bữa cơm tối, cả nhà tôi xuống phụ mẹ tôi dọn hàng. Bố tôi thì cất bàn ghế, tôi và chị giúp mẹ cất đồ đạc vào tủ và bê những vật dụng khác lên nhà. Mỗi người phụ một chân một tay nên mẹ tôi dọn hàng cũng rất nhanh. Xong xuôi cả nhà rửa mặt mũi chân tay rồi ngồi vào bàn ăn tối.

Bố tôi thì bữa nào cũng có một cốc rượu nhâm nhi với thức ăn. Ông không bao giờ ăn cơm ngay, mà phải nhâm nhi các món ăn với rượu trước. Ông hay hỏi chúng tôi học hành ra sao, trên trường lớp có chuyện gì vui. Bố tôi luôn lắng nghe người khác và ít chia sẻ về bản thân. Ông cũng có thói quen ngồi ăn và xem thời sự lúc 7h tối.

Mẹ tôi thì vừa bán hàng vừa phải chuẩn bị thức ăn từ trước. Sau khi dọn hàng bà mới tất bật hâm nóng lại đồ ăn và sắp cơm. Bà luôn xới cơm cho từng người và ăn sau cùng. Mẹ tôi cũng thích xem thời sự cùng bố tôi.

Chị tôi thì có nhiệm vụ sắp bát, đũa và thìa, rồi bê mâm cơm vào nhà. Chị tôi hay cho thức ăn vào bát trước rồi mới xới cơm để ủ cho thức ăn nóng.

Tôi thì ngồi xem TV, bố mẹ gọi ra ăn cơm thì mới túc tắc chạy ra ăn. Hồi đó tôi rất thích ăn cơm mẹ nấu. Tôi có thể ăn đến 6 7 lưng bát nếu có những món ăn tôi thích, ví dụ như thịt rán, gà rán mật ong, canh rau ngót thịt, canh dưa bò,... Hương vị mẹ nấu luôn là hương vị ngon nhất đối với tôi! Cũng vì vậy mà hồi nhỏ người tôi tròn xoe.

Nhà tôi cũng giống bao gia đình ở miền Bắc khác, có luật bất thành văn là trước khi dùng bữa thì phải mời người lớn ăn cơm. Cho nên, bữa nào tôi cũng mời “Con mời bố, mời mẹ, em mời chị ăn cơm”. Ngoài ra, khi ăn thì không được rơi vãi cơm ra ngoài, gắp miếng nào là gắp luôn, không được bới. Và một số thói quen khác như “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, ...

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn giữ những thói quen này. Kể cả không phải ngồi ăn với gia đình, với người khác tôi cũng mời: “Mời anh em ăn cơm”, “Mời mọi người ăn cơm” hay “Mời cả nhà ăn cơm” trước khi dùng bữa.

Nhiều người nói rằng, những luật bất thành văn này trước khi dùng bữa của người Bắc là rất rườm rà, cổ hủ nhưng tôi không nghĩ vậy. Nó là phép lịch sự tối thiểu và cần tuân thủ nếu là một người văn minh, lịch sự. Con tôi chắc chắn sẽ bị dạy dỗ nếu chúng ăn không mời ai, bới tung hết món ăn tìm miếng ngon hay tự ăn hết món ăn mà không hỏi người khác. Những điều bố mẹ dạy tôi giúp tôi sau này ứng xử có văn hóa và lịch sự, ít nhất là trên bàn ăn!

Bữa ăn là khoảng thời gian gắn kết mọi người trong gia đình, nó không dài nhưng là một khoảng thời gian mọi người được quây quần và vui vẻ bên nhau. Bạn hãy ăn mọi bữa với gia đình khi còn có thể, đừng kiếm cớ việc riêng để ăn một mình vào lúc khác, hoặc khi ăn đừng sử dụng điện thoại quá nhiều, hãy tập trung vào bữa ăn. Tin tôi đi, bạn sẽ không bao giờ nuối tiếc!

Tôi nhớ những lần gia đình bên chiếc TV xem những chương trình truyền hình hay những bộ phim cuối tuần. Đó cũng là khoảng thời gian êm đềm và hạnh phúc trong ký ức của tôi.

Cứ tối thứ 3 hàng tuần, gia đình tôi lại ngồi xem chương trình Ai là triệu phú của chú Lại Văn Sâm dẫn chương trình.

Tôi rất thích trả lời những câu hỏi ở vòng bấm phím nhanh, sắp xếp các đáp án thành câu trả lời đúng. Tôi rất giỏi đoán trò này, tôi nhiều lúc còn đoán nhanh nhất cả nhà. Câu 1 đến câu 5 tôi cũng hay trả lời được, hồi đó tôi hay nói “Úi xời câu này dễ, A”. Nhiều khi tôi đoán cũng sai, và bố mẹ tôi lại nói : “Thằng này chỉ được cái cầm đèn chạy trước ô tô!” và tôi lại gãi đầu cười hì hì.

Các câu sau, chỉ bố mẹ tôi là đoán được. Ngồi nghe bố mẹ đoán rồi giải thích, tôi thấy rất hay và bổ ích, cảm thấy bố mẹ rất hiểu biết. Chị tôi cũng hay đoán được những câu liên quan đến nhà văn nhà thơ, tác phẩm văn học.

Khi xem, nhà tôi như đang ở trên trường quay S9, cổ vũ cho người chơi chính nếu họ lên đến những mốc thưởng cao. Cảm giác như cổ vũ bóng đá vậy.
Và khi tiếng còi báo hiệu chương trình kết thúc, cả nhà tôi lại tiếc nuối và phải chờ tuần sau mới được xem tiếp.

Một chương trình khác có tính giải trí và tương tác rất cao mà gia đình tôi hay xem, đó là Hãy chọn giá đúng có chú Lại Minh Vũ dẫn chương trình, chiếu vào trưa chủ nhật trên VTV 3.

Chương trình rất thú vị và bổ ích. Nó vừa quảng cáo sản phẩm cho các hãng, giúp mọi người biết giá trị của các loại đồ vật khác nhau. Và những cô người mẫu giới thiệu sản phẩm rất xinh đẹp và duyên dáng.

Cả nhà tôi thi nhau đoán giá cho các sản phẩm khác nhau trên chương trình. Cuộc hội thoại sau đây có lẽ quen thuộc với rất nhiều người khi xem chương trình này.
Bố tôi: - Cái này chắc phải 200 nghìn.
Mẹ tôi: - Cái này em đi chợ mua em biết, trăm rưỡi thôi!
Chị tôi: - Con đoán tầm 180 nghìn.
Tôi: - Con đoán 500 nghìn!

Cả nhà lại cười ồ lên!

Những chương trình TV thời bấy giờ luôn giúp gắn kết mọi gia đình quây quần bên nhau. Tuy chỉ có thời lượng phát sóng chỉ 1 tiếng nhưng cho rất nhiều điều bổ ích và tiếng cười sảng khoái.

Ngày nay, mọi người đã không còn mặn mà xem những chương trình như vậy nữa. Một số chương trình đã dừng phát sóng như Chiếc nón kỳ diệu, Hãy chọn giá đúng, Gặp nhau cuối tuần... làm bao người tiếc nuối. Họ tiếc nuối vì một phần đó là tuổi thơ trong họ, là những ký ức tươi đẹp về những khoảnh khắc gia đình vui vẻ bên nhau.

Tôi thấy rất nhiều gia đình hiện nay, sống cùng nhà nhưng chẳng tiếp xúc với nhau mấy, mỗi người một chiếc điện thoại rồi về phòng. Tôi cảm thấy như vậy thật lạnh lẽo và đáng tiếc. Thời gian dần trôi, rồi những lúc có muốn chúng ta cũng không thể tua ngược được. Vì vậy, chúng ta nên gắn kết với gia đình mình nhiều hơn, cùng vui vẻ bên nhau để những kỷ niệm tươi đẹp về gia đình ngày càng đồ sộ, đáng nhớ. Khi đó, chúng ta sẽ không bao giờ nuối tiếc vì những điều ta chưa từng làm!

(Còn tiếp)
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
27
Điểm cảm xúc
77
Điểm
13
Chương 7: Quê hương tôi
Quê hương là chùm khế ngọt,
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học,
Con về rợp bướm vàng bay.


Câu ca dao luôn làm tôi nhớ về hình ảnh quê hương thân thuộc, bình dị , những kỷ niệm ở quê ngọt ngào như những chùm khế và tình yêu quê hương của mình thời thơ ấu.

Tôi nhớ những lần được về quê cùng gia đình luôn làm tôi háo hức mong chờ.

Quê tôi ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội. Nay đã là một con đường đông đúc, tấp nập, thậm chí thường xuyên bị tắc đường. Con đường nay đã được làm lại phẳng phiu, có đủ những hàng quán, trường học, dịch vụ kinh doanh và cư dân từ khắp nơi đến sinh sống.

Cách đây hơn 20 năm, nơi đây là một vùng quê yên bình, có cánh đồng lúa vàng, những ngôi đình cổ kính, những căn nhà tranh đơn sơ, những lá cờ ngũ sắc bay phấp phới, những đống rơm chất cao ngút, những đàn trâu bước đi chậm rãi, những chú gà trống cất tiếng gáy khắp vùng, những cô chú đang gặt lúa, những đứa trẻ con nô đùa thả diều... cùng với không khí trong lành và một mùi thơm rất đặc trưng của vùng quê. Tất cả tạo nên một khung cảnh thật yên bình và tươi đẹp.

Bây giờ tôi vẫn thường về thăm mộ ở quê mỗi dịp giỗ hoặc các ngày lễ. Đi qua con đường này, thi thoảng tôi vẫn nhớ về những ký ức khi xưa, vô tư và hồn nhiên nô đùa, chạy quanh xóm làng.

Hồi ấy, gia đình tôi cứ khoảng một tháng lại về thăm ông bà nội một lần. Bố tôi lái xe máy chở cả nhà về quê, tôi được ngồi yên trước (ngày đó xe máy chưa có luật giới hạn 2 người). Tuy rằng 4 người ngồi trên chiếc xe máy hơi chật chội, đường về quê khoảng hơn 15 km nhưng cả nhà không hề thấy mệt mỏi mà rất vui vẻ, háo hức. Tôi được ngồi trước bố, được ngắm nhìn đường phố, cảnh vật xung quanh nên tôi thường hay chỉ trỏ những sự vật trên đường và tỏ ra rất thích thú.

Nhà ông bà nội tôi rất rộng, xây bằng kiểu kiến trúc gạch ngói đất nung thời xưa, có một khu vườn trồng các loại cây, ở giữa nhà và vườn có một khoảng sân rộng.

Khi đến nhà ông bà, tôi luôn nhảy xuống xe trước và chạy thật nhanh vào chào ông bà nội. Ông bà mỗi lần gặp tôi đều rất vui, nụ cười ông bà rạng rỡ và ôm tôi vào lòng, xoa đầu hỏi thăm tôi.

Ông nội tôi với mái tóc bạc phơ, cùng khuôn mặt rất nghiêm nghị. Ông thường rất nghiêm khắc khi tôi hư hoặc nghịch ngợm nên tôi rất sợ ông. Tuy nhiên lúc được ông bế vào lòng xoa đầu hoặc khen tôi lại rất hạnh phúc.

Bà nội tôi mái tóc cũng bạc phơ, trên trán đã nhiều nếp nhăn nhưng mặt bà rất hiền hậu, nhất là lúc cười. Bà tôi rất chiều chuộng, không bao giờ đánh hay mắng chửi với tôi nên tôi rất quý bà. Tôi thường hay nũng nịu, vịn vào nhờ bà bênh mỗi khi bị ông mắng và bà luôn bênh tôi dù tôi có nghịch thế nào.

Nhà ông bà tôi nuôi một chú chó ta, tên nó là Tô. Nó đã nhiều tuổi nên rất khôn và nghe lời chủ. Khi chúng tôi đến nhà, nó quẫy đuôi chạy ra tận cửa để đón. Tôi thường hay vuốt ve Tô và tâm sự với nó. Có vài lần tôi nghịch, cưỡi lên nó và bị ông tôi đánh cho mấy roi.

Bữa cơm cùng gia đình và ông bà nội luôn đáng nhớ với tôi. Bữa ăn tối nhưng thường rất sớm, vào 5h chiều và ngồi ngoài trời với không khí trong lành. Bà nội tôi nấu cơm rất ngon, tôi nhớ nhất món cơm hơi nát và trứng hấp với mộc nhĩ nấm hương ăn rất đưa cơm. Ngồi ăn ông bà thường hỏi chuyện học hành của tôi và chị tôi, gắp cho chúng tôi những miếng ngon nhất.

Ăn uống xong xuôi, ông nội và bố tôi thì hút thuốc và nói chuyện trước hiên nhà. Tôi cùng chị tôi phụ bà và mẹ dọn dẹp rồi vào nhà chuẩn bị xem phim kiếm hiệp lúc 6h tối trên kênh VTV3. Ông bà tôi thường ngủ rất sớm nên chúng tôi cũng không được xem TV quá muộn, lúc đó là lúc tôi nằm nghe chị tôi kể truyện ma.

Hồi bé, với trí tưởng tượng phong phú như trong quảng cáo sữa Fristi, tôi rất sợ ma. Giọng kể của chị tôi nhè nhẹ, kèm những tiếng quạ, tiếng chim lợn kêu ở vùng quê càng làm tôi sợ sệt. Dù rằng mẹ tôi hay nhắc chị tôi đừng có kể truyện ma cho tôi nhưng tôi luôn tò mò và bảo chị kể cho mình.

Tôi nhớ truyện ma đầu tiên chị kể cho tôi là về chuyến tàu tử thần, nói về những con quỷ ở trên tàu giết hại những hành khách. Và nhân vật chính phải dùng những lọ nước thánh rải xung quanh mới ngăn cản được chúng. Chị tôi kể chuyện rất ly kỳ, đưa tôi đến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Mắt tôi luôn trong trạng thái mở to, nhìn về khoảng không và lắng nghe từng chi tiết. Tôi sợ đến mức không hỏi chị câu nào, chỉ tập trung nghe đến khi hết truyện. Cái kết của chuyện đó là có hậu, một vài người đã sống sót bằng cách rải nước thánh dọc đường làm bọn quỷ không thể đuổi theo. Tôi mừng rỡ và thấy nhẹ hẳn người, lúc này mới đặt những câu hỏi cho chị. Tuy nhiên, nỗi sợ chỉ tạm biến mất...

Sau khi cả nhà tôi đi ngủ, xung quanh tối om và nỗi sợ của tôi lại ùa về. Trí óc của tôi chỉ tưởng tượng những hình ảnh theo truyện ma chị tôi kể, dưới ngực tôi đau nhói vì sợ sệt. Nằm sợ một lúc thì tôi buồn đi tiểu, mà nhà vệ sinh lại phải đi qua cái sân vườn rộng hun hút, đầy cây cối và lặng như tờ. Tôi lên dây cót cả chục lần, nghĩ tới nghĩ lui nhưng cũng không dám đi. Cuối cùng, vì quá buồn tiểu, tôi phải gọi mẹ dậy để đưa tôi đi và tôi bị mẹ tôi mắng, chị tôi cũng bị vạ lây. Đó là khoảnh khắc rất hài hước và đáng nhớ của tôi ở quê!

Sáng sớm tinh mơ ở làng quê có một năng lượng rất sảng khoái và thoải mái. Tôi thường hay dậy sớm và xin phép người lớn cho đi chơi cùng các anh hàng xóm trong làng.

Các anh ở quê chỉ hơn tôi một vài tuổi nhưng biết làm rất nhiều thứ, không “gà công nghiệp” như tôi. Các anh dẫn tôi đi ra đồng thả diều, cưỡi trâu, nghịch rơm rạ, ... Tôi luôn bị các anh trêu vì tôi ngố, chẳng biết chơi những trò chơi ở quê nhưng các anh vẫn rất quý mến tôi, kiên nhẫn dạy và hay sang nhà rủ tôi đi chơi cùng.

Các anh dạy tôi cách leo lên con trâu để cưỡi, mặc dù tôi cũng bị ngã nhiều lần nhưng tôi vẫn quyết tâm leo lên chú trâu bằng được. Rồi các anh dạy cho tôi cách thả diều sao cho đúng, từ cách cầm diều, bắt gió cho diều, chạy lấy đà rồi thả diều lên. Trông các anh làm thì rất dễ nhưng với tôi nó đúng là khó hơn chơi điện tử rất nhiều!

Những trò chơi ở quê luôn có giá trị và niềm vui của riêng nó. Tạm xa TV, máy tính ở nơi thành thị, tôi hòa mình vào cánh đồng bao la cùng không khí trong lành, cầm trên tay cánh diều chạy lon ton và ngắm nhìn bầu trời xanh biếc. Có lẽ, đó là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi!

Hết những ngày cuối tuần, cũng đến lúc tôi phải trở về nhà cùng cả nhà để bố mẹ đi làm còn chúng tôi đi học. Tôi bẽn lẽn không muốn về vì thời gian ở quê thật vui vẻ, được ông bà chiều chuộng, được ăn ngon, được vui chơi ngoài đồng thỏa thích. Nhiều lần bố mẹ còn phải lôi tôi xềnh xệch tôi mới chịu về.

Trên đường về, tôi đã cảm thấy hụt hẫng và nhớ quê, có những lúc vừa về tôi vừa khóc. Thấy vậy, trên đường về bố mẹ cho tôi và chị tôi vào tiệm bách hóa to để mua đồ chơi. Trong đây có rất nhiều đồ chơi hay ho và một trong những thứ tôi thích nhất là máy chơi game cầm tay màu vàng, tôi sẽ nhắc đến chúng trong chương Đồ chơi. Tôi rất biết ơn bố mẹ vì bố mẹ luôn hiểu tâm lý của tôi, làm tôi vui lên và tạm quên đi nỗi nhớ quê.

Ngày nay, xã hội đang ngày càng phát triển, những làng quê như quê tôi đã ít dần. Thay vào đó là những tòa nhà cao tầng, hàng quán và xe cộ tấp nập. Đó là điều tất yếu và tốt đẹp của sự phát triển, nhưng tôi vẫn có chút khoảng lặng, nhớ về những hình ảnh thời ấy. Tôi sẽ không bao giờ quên những hình ảnh đó, chúng luôn được lưu giữ trong thư viện ký ức của tôi, một trong những phần ký ức của Tuổi thơ tươi đẹp!
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
27
Điểm cảm xúc
77
Điểm
13
Chương 8: Nền tảng giáo dục
Ngày nay, xã hội với sự phát triển thần tốc, giúp cho những bậc phụ huynh có nhiều điều kiện lý tưởng hơn dành cho con cái của mình.

Các con giờ đã được ăn uống đầy đủ hơn, quần áo tươm tất hơn, học những trường tư danh tiếng hay những khóa học ngoại ngữ, kỹ năng sống với mức phí đắt đỏ,... Với sự phát triển của công nghệ, các con còn được tiếp xúc với nguồn tri thức khổng lồ thông qua Internet chỉ trong ít phút tìm kiếm.

Ngày xưa, rất nhiều trẻ em gia đình không có điều kiện, phải dừng việc học để đi làm lao động, mưu sinh, thậm chí có những người phải nghỉ học từ cấp 2. Thời nay, tỷ lệ trẻ em được đi học đầy đủ, tốt nghiệp THPT, đại học cũng lớn hơn trước rất nhiều. Trẻ cũng có những tư duy thông minh, nhạy bén của thời đại mới giúp chúng không hề thua kém những bạn bè đồng trang lứa ở những nước phát triển.

Với những lợi thế đó, trẻ em sẽ có thể phát triển nhanh hơn những thế hệ trước rất nhiều. Điều này là sự phát triển tất yếu và tốt đẹp, tạo nên những mầm cây, hạt giống vô cùng tiềm năng cho xã hội. Chính trẻ em thời nay, sẽ là những người giúp đất nước ngày càng thu hẹp khoảng cách với thế giới.

Tuy nhiên, như các cụ thường nói “Lợi bất cập hại”. Những lợi thế về điều kiện, công nghệ, tư duy đổi mới,... nếu không được sử dụng đúng cách, sẽ gây ra những khuyết điểm, hay thậm chí hệ lụy không tốt cho trẻ em.

Có nhiều bậc phụ huynh trẻ hiện nay có thể có điều kiện về vật chất hơn, nhưng việc dạy dỗ một đứa trẻ đôi phần lại không đi đúng hướng.

Họ bận rộn, mải mê kiếm tiền mà ít bỏ thời gian, không quan tâm đến những suy nghĩ của chúng. Phụ huynh thời nay lười biếng hơn thế hệ trước rất nhiều, họ không sẵn sàng bỏ thời gian và công sức của mình dành cho con cái. Lười đưa con đi học thêm, lười đi mua những món đồ mà chúng thích, lười đưa chúng đi chơi, đi sang nhà bạn bè,... Điều mà bố mẹ thời xưa sẽ không ngần ngại thực hiện dù phải đèo con bằng xe đạp, dù có bận rộn và vất vả thế nào. Phụ huynh trẻ lười biếng đến mức không thể chơi cùng con mà cứ để chúng xem TV, điện thoại cho đỡ phiền. Những tác hại của trẻ em xem ipad, smartphone quá nhiều tôi đã nhắc đến ở chương 2, nhưng phụ huynh trẻ dường như không để tâm. Cũng không trách chúng được vì bố mẹ đâu có chơi cùng chúng, chính bố mẹ còn nghiện điện thoại kia mà?

Họ nuông chiều , bảo bọc chúng quá mức cần thiết. Họ lo sợ mọi thứ cho dù là nhỏ nhất xảy đến với con mình, gây ra tình trạng thiếu tự lập hay thiếu năng động của trẻ. Họ nuông chiều những thứ không nên nhưng lại khắt khe với những thứ cần thiết trong quá trình trưởng thành của chúng.

Chúng mắc những sai lầm nghiêm trọng về tư duy, ứng xử, lễ độ, cách sống... nhưng không hề có một sự can thiệp nghiêm khắc tương xứng để răn đe chúng. Thậm chí, thầy cô trên trường lớp cũng lực bất tòng tâm dạy dỗ học sinh hư vì phụ huynh sẵn sàng phản ánh nhà trường, áp lực lên giáo viên, thậm chí còn bị đuổi việc vì dám động đến con của họ. Như vậy hình thành nên trạng thái sợ của giáo viên, và mặc kệ những đứa trẻ hư.

Ngược lại, những thứ làm nên sự tự lập, trưởng thành của trẻ em như đi chơi với bạn bè trong xóm, tự qua đường, tự đi học bằng xe đạp, tự quản lý tiền tiêu vặt,... thì họ lại rất nghiêm khắc, không cho chúng trải nghiệm vì những nỗi sợ rất vô lý như sợ bắt cóc, sợ xe cộ đông đúc, sợ bạn bè xấu, sợ chúng mua những món đồ độc hại,...

Tôi từng chứng kiến những đứa trẻ đã lên cấp 2, cấp 3 mà phụ huynh vẫn phải dắt tay qua đường. Những đứa lớn hơn học đại học, đi làm mà phụ huynh vẫn chở đến cơ quan , trường học. Hay những đứa trẻ cứ ru rú trong nhà vì không được cho ra ngoài chơi.

Tất cả mọi thứ trên đời đều tiềm ẩn rủi ro, nhưng không vì vậy mà ngăn cấm chúng làm những điều phải làm để trưởng thành. Liệu họ có bao bọc được đứa trẻ mãi không? Luôn lo sợ như vậy sao họ không sống thay cho đứa trẻ?

Có một tư duy tôi thấy rất sai lầm và phiến diện của nhiều phụ huynh trẻ hiện nay, rằng: Chúng tôi sẽ không áp dụng những cách dạy cũ của phụ huynh thời trước, bố mẹ nghiêm khắc, gây áp lực cho mình thì mình sẽ không lặp lại những điều ấy với con cái mình. Họ nghĩ rằng chỉ với những lời nói nhẹ nhàng, niềm yêu thương bao bọc vô điều kiện của mình sẽ giúp trẻ tự nhận thức và không tái phạm sai lầm. Họ vỗ ngực tự hào rằng họ áp dụng phương pháp dạy con tiên tiến có tên gọi “Montessori” nghe rất khoa học và tri thức, nhưng liệu họ có áp dụng những phương pháp này đúng cách hay không?

Đồng ý rằng thời trước, nhiều phụ huynh có phần quá hà khắc, gây cho trẻ sự tự ti và có suy nghĩ thoát khỏi vòng tay gia đình để được tự do bay lượn. Nhưng có những điều chúng ta không thể phủ nhận, phụ huynh thì luôn muốn những điều tốt nhất cho con mình và có những phương pháp giáo dục vẫn còn nguyên giá trị của nó. Chúng ta có thể học tập từ chính ông bà, cha mẹ hay từ người khác cách nuôi dạy trẻ nhỏ, kết hợp với những phương pháp hiện đại để tạo nên sự giáo dục hài hòa, linh động nhưng cũng không hề đánh mất sự răn đe, nghiêm khắc khi cần thiết.

Cách giáo dục của gia đình tôi

Gia đình tôi tuy không có quá nhiều điều kiện cho con cái, nhưng cách giáo dục của bố mẹ tôi theo cách rất riêng, giúp tôi hình thành sự tự lập, trách nhiệm, trung thực, biết phải trái, lòng trắc ẩn... khi trưởng thành. Sự giáo dục đúng cách đáng giá hơn mọi yếu tố vật chất mà bố mẹ có thể dành cho tôi, tôi rất biết ơn bố mẹ tôi vì điều ấy!

Bố mẹ tôi không sử dụng phương pháp cụ thể nào, chỉ nuôi con theo một cách tự nhiên, hiện đại, thấy gì hợp lý thì dạy cho con và quan trọng nhất, đó là trở thành tấm gương tốt cho chúng.

Tôi nghĩ rằng trẻ con là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ. Cha mẹ hay cáu gắt, đổ lỗi, nói dối, bạo lực, lười biếng,... thì chúng cũng học theo như vậy. Trẻ con học rất nhanh, chỉ cần làm mẫu cho chúng, thì cha mẹ sẽ có bản sao của chính mình. Nếu mai này chúng cũng có những tính cách như vậy, thì cũng phải tự trách chính mình.

Chúng ta không thể dạy một đứa trẻ trung thực nếu chúng ta nói dối như Cuội.
Chúng ta không thể dạy chúng về hiếu thảo nếu chúng ta đối xử không tốt với ông bà của chúng.
Chúng ta không thể dạy chúng giữ chữ tín mà luôn hứa với chúng mà không thực hiện.
Chúng ta không thể dạy chúng về lòng tốt, giúp đỡ người khác trong khi chính mình lại làm hại người khác.
Chúng ta không thể dạy chúng biết nghĩ đến người khác nếu chúng ta chỉ suy nghĩ đến bản thân.

...

Tôi là con trai út, kém chị tôi 9 tuổi, nên rất được bố mẹ cưng chiều nhưng sự chiều chuộng không bao giờ vượt quá giới hạn. Bố mẹ sẽ nói không nếu điều tôi muốn là không hợp lý và luôn nói lý do, khi nào tôi có thể có được điều mình muốn.

Hồi tôi mới biết đi xe đạp, tôi nằng nặc đòi bố mẹ cho tự đến trường, cách nhà tôi 3km. Bố mẹ tôi không cho, vì sợ rằng tôi chưa đủ lớn để tham gia giao thông. Bố nói với tôi rằng:

- Mày tự đi học được bố mẹ càng nhàn, nhưng mà phải lên lớp 6 tao mới cho đi, giờ mày đi xe nó tông cho!

Lời hứa của cha mẹ tưởng rằng như gió thoảng qua, nhưng con trẻ sẽ luôn nhớ những lời hứa của cha mẹ dành cho chúng. Tôi đến hè năm lớp 5 vẫn nhớ lời hứa của bố tôi như in trong đầu và nói với bố tôi. Bố tôi vui vẻ mua cho tôi chiếc xe đạp mới và còn kèm tôi đi học buổi đầu đến trường.

Việc giữ lời hứa và tin tưởng tôi có thể tự mình đến trường luôn ảnh hưởng đến tôi. Đó là những năng lượng tích cực mà con trẻ cần đón nhận. Từ khi tôi được tự đi học, tôi cảm thấy rất tự lập và tự do. Tôi háo hức được đi học trên chiếc xe đạp của mình và bố mẹ tôi cũng đỡ công sức đưa đón.

Mẹ tôi rất quan tâm đến việc học của con cái, mẹ dạy tôi học chữ và đánh vần từ khi tôi lên 4 tuổi để lúc đi học không bị bỡ ngỡ. Điều đó giúp tôi dễ dàng học chương trình trên lớp sau này. Mẹ tôi luôn cho tôi học bất cứ thứ gì mà tôi thích, từ học thêm các trung tâm, học gia sư, học tiếng anh, học cờ vua,...

Dù không có nhiều tiền, nhưng mẹ tôi không bao giờ tiếc tiền cho tôi đi học. Tôi nhớ hồi lớp 3 tôi xin mẹ đi học ở trường Quốc tế Mỹ dạy Anh ngữ, hết 2 triệu rưỡi một năm, đó là một số tiền khá lớn với gia đình tôi thời điểm đó, nhưng mẹ tôi không cần nghĩ ngợi, đóng luôn tiền học 1 năm và bảo bố chở tôi lên tận phố Kim Mã để học.

Nhưng bà không can thiệp quá sâu vào việc học của tôi, bà để tôi tự giác và điểm số sẽ nói lên tất cả. Phần thưởng cho sự tự giác này là chỉ cần tôi hoàn thành bài tập và giúp đỡ bố mẹ, tôi có thể chơi máy tính hay chơi với bạn bè dưới đường bao nhiêu tùy thích. Bằng một cách dạy rất thông minh và hiện đại này, tôi tự giác học mà không hề cảm thấy bị gượng ép. Nó giúp tôi chủ động học bài trên lớp, làm bài tập về nhà và tự soạn sách vở chuẩn bị cho ngày hôm sau. Nó dạy tôi cách tự giác tuân thủ, lập kế hoạch và phân bổ thời gian cho chuyện trường lớp và giải trí. Tôi tự giác học một phần bởi vì tôi không muốn thua bạn bè trên lớp, một phần bởi vì tôi không muốn phụ lòng kì vọng của mẹ tôi.

Mỗi khi tôi bị điểm kém, mẹ tôi rất thất vọng, mắng tôi tại sao học hành lại chểnh mảng. Sự nghiêm khắc của bà khi điểm số trong học tập không tốt làm tôi sợ và buồn vì làm mẹ thất vọng, từ đó cải thiện kết quả.

Tôi nhớ có một năm học hồi lớp 4, tôi mải mê buôn chuyện, chăm lo quần áo và mải chơi khiến tôi học rất sa sút. Nhìn bảng điểm của tôi toàn dưới 7 mẹ rất buồn, sau khi đã nói với tôi rất nhiều lần, bà bảo:

- Tao cũng chỉ nói với mày thế thôi, mày muốn học kiểu gì mày học, đúp lớp cũng được tao kệ mày.

Tôi nghĩ có nhiều thứ còn có sức răn đe hơn cả đòn roi, một trong số đó là sự lạnh lùng của người từng kỳ vọng mình rất nhiều. Bằng lời nói mẹ tôi khiến tôi rất sợ hãi và ân hận. Tôi sợ không phải vì sợ mẹ, mà vì sợ cho tương lai của chính mình, học lớp 4 chẳng xong thì sau này làm được cái gì? Thế là tôi quyết tâm học trở lại và dần dần cải thiện điểm số của mình. Khi tôi khoe mẹ tôi vở Toán toàn điểm 10, mẹ tôi rất sung sướng.

(Còn tiếp)
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
27
Điểm cảm xúc
77
Điểm
13
Chương 9: Những đức tính hình thành từ giáo dục
Các cụ có câu “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”, điều đó tôi nghĩ là đúng nhưng chưa phải hoàn toàn. Tính cách hay những đức tính của trẻ được hình thành và ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường xung quanh và sự giáo dục của cha mẹ.

Độ tuổi này, con trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh những kiến thức mới vào đầu của chúng, vì vậy những bậc phụ huynh nếu tạo được môi trường giáo dục tốt cho con cái thì chúng sẽ có một tương lai rất sáng lạn sau này.

Có nhiều đức tính khác tôi nhắc đến xuyên suốt cuốn truyện như sự lễ phép, lòng biết ơn, lòng trắc ẩn... Tuy nhiên trong chương này, tôi sẽ nói về một vài đức tính của tôi được hình thành nên từ sự giáo dục của bố mẹ từ thời tuổi thơ mà tôi vẫn luôn gìn giữ và phát triển cho đến hiện tại.

Bố mẹ tôi có thể không chủ đích hoàn toàn giúp tôi có những đức tính này, tuy nhiên sự hợp lý trong cách dạy dỗ, sự răn đe nghiêm khắc đúng lúc, sự yêu thương vô điều kiện hay vị tha của ông bà giúp tôi luôn đi theo đúng hướng và phát triển nó.

Tính trung thực
“Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” là một trong 5 điều Bác Hồ dạy. Trung thực là đức tính vô cùng quan trọng của một con người. Nó sẽ định hướng con người đó theo một chiều hướng tích cực, trở nên tốt đẹp hơn.

Có đức tính này sẽ giúp chúng ta trở thành người uy tín, đáng tin cậy, chân thành trong các mối quan hệ và được mọi người trân trọng, quý mến.

Vì lẽ đó, các bậc phụ huynh luôn đề cao đức tính này đối với trẻ em. Họ sẽ luôn ủng hộ và tuyên dương những đứa trẻ trung thực, biết nhận lỗi và sửa sai.

Ngược lại, sự dối trá, lươn lẹo xứng đáng với những hình phạt răn đe nghiêm khắc vì chúng rất nguy hiểm cho tính cách đứa trẻ sau này. Nó là cội nguồn của những điều tiêu cực như lừa đảo, trốn tránh trách nhiệm, chối bỏ tội lỗi, đi đường tắt, thiếu chữ tín, huyễn hoặc, phóng đại bản thân hay thậm chí là lừa dối chính mình.

Bố mẹ tôi có những cách dạy rất khôn ngoan và hiệu quả đối với đức tính này. Họ triệt tiêu những lời nói dối của tôi từ trong trứng nước, đó là động cơ nói dối.

Động cơ nói dối có nhiều lý do: nói dối để đi chơi cùng bạn, nói dối để giấu điểm kém, nói dối để xin tiền,... Tôi hồi bé gần như không có nhiều động cơ để nói dối.

Bố mẹ rất chiều tôi, nên tôi xin thứ gì hầu như bố mẹ tôi cũng cho với sự hợp lý nhất định. Bố mẹ sẽ luôn giải thích lý do và thời điểm thích hợp để cho với những thứ mà tôi không xin được. Những thứ mà đối với nhiều phụ huynh khác, họ sẽ nói không và khá gay gắt, khiến trẻ em hình thành xu hướng phản vệ, tập nói dối, ví dụ như:

Nếu muốn đi chơi điện tử, thay vì nói dối rằng tôi xin tiền mua quà vặt, tôi sẽ nói thật là tôi xin tiền để đi chơi điện tử và vẫn được bố mẹ cho nhưng chỉ cho mỗi lần 1 đến 3 nghìn đồng để tôi chơi với thời gian nhất định.

Nếu tôi vô tình làm vỡ đồ vật trong nhà, thay vì tôi nói dối là tại con mèo, tôi thú nhận và bố mẹ tôi cũng rất nhẹ nhàng bỏ qua, nhắc tôi cẩn thận lần sau, giải thích rằng bố mẹ đi làm vất vả mới mua được đồ đạc, con phải gìn giữ.

Nếu tôi không buồn ngủ trưa và muốn xuống đường chơi với bạn. Thay vì tôi lẻn đi chơi rồi nói dối rằng tôi vẫn ngủ trưa, tôi xin phép và bố mẹ cho đi, dặn tôi tối nên ngủ sớm.
...

Có thể thấy, tôi không cần phải nói dối để đạt được những điều mình muốn. Vì vậy dần dần tôi quen và sử dụng những lời nói thật thường xuyên với những vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên cũng có lúc, tôi nói dối và bị bố xử phạt rất nghiêm khắc.

Có lần khi tôi 5 tuổi, tôi cùng mấy anh trong xóm sang khu khác để chơi cả buổi. Khi về, tôi nói dối rằng tôi sang nhà thằng bạn cùng xóm chơi. Mẹ tôi gọi điện hỏi nhà bên đó và phát hiện tôi nói dối, mẹ kể hết cho bố tôi nghe, bố tôi rất giận. Bố dặn mẹ bảo với tôi là bố về kiểu gì mày cũng ăn đòn.

Bố tôi chỉ đánh tôi khi tôi mắc lỗi nghiêm trọng và cần chấn chỉnh ngay. Vì thế tôi ít bị đánh đòn, nên tôi rất sợ mỗi lúc mắc lỗi nghiêm trọng nên chọn nói dối. Tuy nhiên sau lần đó tôi cũng không dám nói dối bố mẹ nữa.

Có thể nói đòn roi nếu sử dụng với tần suất ít và đúng thời điểm có sức hiệu quả ngoài mong đợi trong việc dạy dỗ trẻ. Bố tôi còn sử dụng chúng một cách hiệu quả hơn nữa bằng cách thông báo trước cho tôi rằng tôi sẽ bị đánh. Những roi của bố có thể đau nhưng không thể nào đáng sợ bằng khoảng thời gian giữa cuộc gọi của bố và lúc bố về.

Khoảng thời gian ấy, tôi rất sợ hãi và khóc lóc xin mẹ và chị nhưng không ai bênh tôi cả. Tôi thấy lạc lõng, tự ăn năn và nghĩ bụng mình sẽ không đi chơi như vậy nữa. Hóa ra, chưa cần đánh mà bố tôi đã dạy được tôi rồi!

Lúc bố về, bố tôi cầm cái thước dài 100 cm của mẹ tôi, giọng bố rất nghiêm túc và đanh thép khiến tôi nể sợ. Tôi xác định sẽ nghe theo mọi lời mà bố tôi nói mà không dám cãi lại hay nói dối gì cả.
- Thằng Mạnh đâu ra đây tao bảo!
- Dạ con biết tội rồi bố ơi!
- Tội của mày là gì?
- Dạ con đi chơi với các anh bên Trâu Bò Sữa ạ!


Bố vụt tôi một cái mạnh vào mông làm tôi khóc nức nở, rồi nói tiếp:
- Đấy là một tội, còn tội gì nữa?

Tôi lúc này rất sợ bố và cũng chợt quên tội lớn hơn rất nhiều.
- Dạ con không biết ạ!

Bố tôi vụt thêm một phát nữa thật mạnh vào mông, lúc này tôi khóc rống lên. Rồi bố mới nói tiếp:
- Mày nín chưa? Tội đi chơi của mày tao không tức bằng tội nói dối mẹ, tao ghét nhất là nói dối, dám bảo sang nhà thằng Tuấn chơi. Sau mà mày nói dối thì đừng trách tao nghe rõ chưa?

Đó là trận đòn khiến tôi nhớ đến tận bây giờ, cái uy của bố khiến tôi một phần sợ hãi nhưng cũng rất tâm phục khẩu phục. Tôi hiểu rằng bỏ đi chơi xa nhà hay tất cả những lỗi khác nó không hề nghiêm trọng mà chính sự thiếu trung thực mới là điều mà bố tôi không muốn thấy ở tôi. Tôi nhận ra điều đó và không muốn tái phạm nữa. Tuy chỉ đánh tôi có 2 roi nhưng bài học để lại là còn mãi!

Đến bây giờ tôi vẫn rất tôn trọng tính trung thực và thậm chí không giỏi nói dối. Tôi là người có suy nghĩ rất logic, tôi nghĩ rằng không lời nói dối nào là không có những kẻ hở. Những người tinh tế và nhạy bén sẽ nhìn ra và không đánh giá cao người dối trá. Vì vậy, lời nói dối hoàn hảo nhất là nói thật!

Khi trưởng thành, tôi nhận ra rằng có nhiều lúc, nói dối cũng có lợi ích. Nói dối để tránh người thân, bạn bè đau buồn, tức giận. Nói dối để khiến những câu chuyện không đi quá xa. Nói dối để người khác không lo lắng về mình. Tuy nhiên, tôi coi đó là không nói sự thật chứ không phải nói dối, tôi nghĩ rằng nói dối mang ý nghĩa tiêu cực hơn và luôn tránh dùng nó.

Có một thủ thuật mà tôi coi nó là rất đáng quan ngại trong xã hội hiện nay mà nhiều người dùng đến đó là nói nửa sự thật. Đó là nói dối nhưng được che đậy hoàn hảo hơn và nguy hiểm hơn lời nói dối đơn thuần rất nhiều. Nó tước đi tính chân thực của câu chuyện nhưng vẫn được xem như là nói thật.

Điều này có thể bắt gặp ở những người hay huyễn hoặc bản thân như :
“Tôi bán hàng lời lắm, mỗi tháng vài trăm triệu. Tôi có cả đống đồ hiệu, đi du lịch Châu Âu như cơm bữa... ”. Nhưng lại không nói tiền chủ yếu không đến từ việc bán hàng.

Hay nguy hiểm hơn, đó là truyền thông định hướng dư luận như những quảng cáo sản phẩm hoặc những bài báo với tiêu đề như :
“Những tỷ phú thành công trên thế giới hầu như đều bỏ học” mà không nói rằng họ bỏ học những trường rất danh tiếng và nền tảng gia đình của họ rất vững.

Chính những điều này gây nên một hệ lụy rất nghiêm trọng trong xã hội khi mà những nền tảng MXH với những nội dung “nửa sự thật” đang tràn lan và người đọc thì rất dễ để tin chúng. Chúng ta cần có những cái nhìn khách quan, suy nghĩ logic với kiểu thông tin như vậy để tránh đưa ra phán xét, đánh giá hay quyết định vội vàng mà gây tổn hại đến người khác.

Tính tự giác, lập kế hoạch, phân bổ thời gian hiệu quả

Nếu giả sử bố mẹ là lãnh đạo, cấp trên hay sếp thì con cái sẽ là nhân viên dưới quyền.

Một người lãnh đạo giỏi, họ sẽ hiểu rõ năng lực và tư duy cấp dưới của mình. Họ sẽ giao một công việc (input) cho nhân viên và mong muốn có một kết quả (output) cụ thể trong một khoảng thời gian (estimation).

Mọi diễn biến, chi tiết họ sẽ không tham gia sâu và để nhân viên tự mình thực hiện. Họ chỉ nêu khái quát bài toán, đưa ra những gợi ý và sẽ can thiệp nếu quá trình xảy ra vấn đề hoặc kết quả không đạt kỳ vọng. Sau khi công việc, dự án kết thúc, họ cũng có những khen thưởng hoặc kỷ luật tương xứng với kết quả của từng người.

Bằng cách đó, nhân viên sẽ được phát huy những sở trường, năng lực, sáng tạo và làm theo cách riêng của mình mà vẫn đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc. Điều này cũng giúp nhân viên được thoải mái về mặt tinh thần, không bị gò bó hay áp lực quá nhiều, từ đó hiệu quả công việc cũng tỷ lệ thuận. Động lực làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp cũng tăng lên khi nhận được phần thưởng tương xứng cho những đóng góp của mình.

Yếu tố cảm xúc của nhân viên vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp . Nếu những người lãnh đạo tạo một môi trường làm việc áp lực, hà khắc và thiếu tôn trọng nhân viên, chẳng mấy mà những người giỏi sẽ lần lượt đi tìm bến đỗ mới dù cho thu nhập có cao đến mấy.

Mẹ cũng áp dụng với tôi như vậy, trong việc học tập tôi đã nhắc đến ở chương trước. Mẹ cho tôi tự giác hoàn thành bài tập trên lớp và làm việc nhà, phần thưởng cho tôi là được đi chơi cùng bạn bè dưới đường hoặc chơi máy tính tùy thích. Cách tiếp cận này khác với nhiều bậc phụ huynh khác nhưng tôi thấy nó lại rất hợp lý. Mẹ nắm bắt được tâm lý thích chơi của tôi, nên đưa ra phần thưởng rất hời khiến tôi luôn mong muốn hoàn thành sớm nhất có thể.

Điều này giúp tôi học được tính tự giác, chủ động lập kế hoạch làm bài tập và làm việc nhà để có nhiều thời gian chơi hơn cho mình. Bố mẹ tôi hoàn toàn ủng hộ điều đó nên khi làm việc vất vả về, hỏi con làm bài tập, việc nhà thì con đều đã hoàn thành khiến bố mẹ rất vui và an lòng. Cho dù tôi có mải chơi mấy thì bố mẹ cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng thôi.

Tôi luôn đọc qua những bài tập mà cô giáo giao cho, hình dung độ khó dễ và thời gian mình cần để làm xong. Với bài khó, tôi tranh thủ hỏi bạn bè trên lớp và hoàn thiện trước. Còn những bài dễ , tôi có thể dành ra 15 phút hoặc nửa tiếng để làm khi đi học về rồi soạn sách vở cho ngày mai luôn. Thậm chí, tôi còn tranh thủ làm bài tập vào giờ sinh hoạt (lúc cô giáo kỷ luật những bạn vi phạm, bị ghi sổ đầu bài) hoặc giờ học môn phụ. Tôi biết tiết sinh hoạt hay môn phụ cũng quan trọng nhưng có lẽ không quan trọng bằng thời gian chơi của mình!

Bài tập cuối tuần là một thách thức đối với việc lập kế hoạch học tập của tôi. Nó rất dài, có hai phiếu cho đề Toán gồm 5 đến 6 câu và Tiếng Việt khoảng 5 câu và một đoạn văn - thứ mà tôi rất ghét. Đồng thời, nó cũng được phát vào tiết cuối cùng của buổi học thứ 6, nên tôi không thể tranh thủ làm trên lớp. Tuy nhiên, không thứ gì có thể phá hỏng những ngày cuối tuần giải trí của tôi.

Tôi biết là chúng dài nên tôi chọn phương án “khổ trước sướng sau”, đó là dành nguyên một buổi tối thứ 6 để hoàn thành bài tập. Ngay khi đi học về, tôi lao ngay vào bàn học để giải quyết hết đề Toán, môn tôi học giỏi hơn. Khoảng thời gian từ lúc về đến giờ chiếu phim trên VTV3, tôi có thể hoàn thành đề Toán với sự tập trung của mình.

Sau khi xem phim và ăn cơm xong, tôi nghỉ ngơi một chút và bắt tay vào làm nốt đề Tiếng Việt. Tôi phân loại những câu có thể làm bằng cách tham khảo sách giáo khoa, những câu dễ tôi có thể tự suy luận được, những câu khó và đoạn văn. Tôi thích làm việc đâu vào đấy, cái gì xong là xong, câu khó sẽ để lại đến cuối.

Lúc này tôi cần sự trợ giúp của mẹ và chị tôi, họ luôn vui vẻ dạy tôi những câu khó và cùng tôi viết đoạn văn. Họ trợ giúp bằng cách gợi ý cho tôi chứ không đọc cho chép và bằng cách này, tôi có thể tiến bộ môn Tiếng Việt hơn.

Giờ làm đề Tiếng Việt cũng có nhiều yếu tố rất cám dỗ, các bạn trong xóm chơi ầm ĩ ngoài đường, có đứa còn lên tận nhà rủ đi chơi. Tôi rất rung động và cũng muốn đi chơi cùng các bạn, tuy nhiên lòng kiên định giúp tôi tập trung hoàn thành bài tập.

Lúc dấu chấm câu cuối cùng của đoạn văn được đặt xuống là lúc tôi sung sướng vỡ òa. Tôi đóng bút và để nguyên sách vở, chạy xuống đường chơi cùng các bạn trong trạng thái thoải mái, vô lo vô nghĩ.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn thích cảm giác giải trí khi không còn vướng bận gì đến công việc. Tôi vẫn luôn lập kế hoạch cho mọi thứ mình cần làm, dễ dàng cân bằng thời gian cho công việc và thời gian cho bản thân cho dù có bận rộn hay nhiều việc đến mấy. Từ đó cũng hình thành nên tinh thần trách nhiệm trong công việc của tôi. Tôi tin những điều này không phải tự nhiên mà có, mà sơ khai là đến từ sự giáo dục của mẹ tôi!

Quản lý tiền bạc

Có nhiều bậc phụ huynh rất khắt khe về vấn đề cho con tiền tiêu vặt, sợ chúng tiêu những thứ linh tinh, sợ chúng bỏ ăn để mua đồ, sợ chúng dính đến tiền sớm sẽ sinh hư,... Tuy nhiên tôi nghĩ chúng không đáng sợ đến như vậy!

Đây là quan điểm cá nhân của tôi, tôi nhận thấy cho chúng tiền tiêu vặt sẽ giúp chúng ý thức được giá trị của tiền bạc và cách quản lý chi tiêu từ rất sớm.

Hồi tôi học cấp 1, bố mẹ không có thời gian làm bữa sáng hay mua đồ ăn cho tôi. Vì vậy họ cho tôi 5000 đồng mỗi ngày để ăn sáng.
5000 đồng thời đó có thể mua được rất nhiều thứ. Một chiếc bánh bao nhân thịt hay chiếc xúc xích rán chỉ 2 nghìn đồng, một cốc coca nhỏ chỉ 500 đồng, một bát phở chỉ 5000 đồng, một bộ bài Magic chỉ 5000 đồng...

Với 5000 đồng mỗi ngày, tôi biết cách chia chúng ra để mua những thứ mình thích. Tôi thường dành 2000 đồng để ăn một chiếc bánh bao, bánh mì hoặc một cây xúc xích là đủ, hôm nào ăn phở thì hết sạch tiền tiêu nên tôi ít ăn phở. Tôi thường dành 500 đồng để mua một cốc nước ngọt nhỏ khi tôi đi bộ từ trường đến nơi học bán trú. 2500 đồng còn lại tôi thường ăn vặt nem chua rán, mì trẻ em, thạch dừa đá, ô mai Trung Quốc,... lúc cuối giờ cùng các bạn, trong lúc chờ bố mẹ đón.

Đó là thời gian ban đầu khi “tập tành” dùng tiền tiêu vặt. Về sau tôi bắt đầu hứng thứ hơn với những loại đồ chơi nổi tiếng thời bấy giờ như bài Magic, bài/bài 3D/đồ chơi Pokemon, Yoyo, ốc mượn hồn, bi đủ loại,... Những thứ này với giá trị lớn hơn, và tôi cần tích tiền từ hôm trước hoặc nhịn ăn sáng để mua.

Điều này giúp tôi hình thành tính tiết kiệm, “đánh đổi” bữa sáng của mình để mua những đồ chơi mình thích. Tuy rằng nhịn ăn sáng là không tốt, nhưng việc trẻ con chấp nhận nhịn ăn để mua đồ chơi chứng tỏ chúng rất khao khát có đồ chơi ấy, và thứ chúng phải bỏ ra là những bữa sáng của mình. Nó cũng tương tự như việc bỏ công sức kiếm tiền để mua một thứ gì đó, cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm tiền mua nhà, mua xe, ...

Bố mẹ tôi thấy tôi mua đồ chơi và cũng biết tôi nhịn ăn sáng để mua chúng, nhưng không bao giờ bố mẹ tôi cấm cả. Có lẽ họ hiểu rằng, để tôi tự chi tiêu số tiền ấy sẽ tốt hơn cho tôi, nếu đói thì tôi cũng tự biết bỏ tiền mà ăn. Điều này ngoài giúp tôi hiểu giá trị và cách quản lý tiền bạc, cũng giúp tôi tự lập hơn rất nhiều.

Thậm chí khi tôi tiết kiệm được một khoản tiền kha khá từ tiền tiêu vặt và tiền mừng tuổi, tôi còn đưa bố tôi gửi vào két cùng một tờ giấy xác nhận ghi bằng chữ nguệch ngoạc rất hài hước. Đến nay tôi vẫn giữ nó , với nội dung khớp từng chữ (bao gồm sai chính tả) như sau:

Thứ Bảy ngày 1-2-2002. Ngô vi mạnh có số tiền Là 272.000đ gửi bố giữ hộ cho ngô vi mạnh, ngô vi mạnh về sau mua xe máy và ô tô. Thêm 30.000đ về sau nhận.

Tôi nghĩ rằng nếu trẻ con không được dùng tiền trong suốt quãng thời gian tuổi thơ của chúng sẽ khiến tiền trở thành một thứ gì đó rất ghê gớm và bí ẩn.

Tôi từng chứng kiến một số đứa trẻ trở nên keo kiệt, giữ khư khư tiền mừng tuổi của mình, cất nó vào hộp có khóa và chỉ tiết kiệm như dạng sưu tầm, không mua gì chúng thích. Một số còn trộm tiền của bố mẹ để mua đồ chơi hay đồ ăn vặt.

Việc được tiếp xúc với tiền bạc từ rất sớm giúp tôi quen thuộc và hiểu rõ hơn về tiền bạc. Điều đó giúp tôi sau này có những góc nhìn khác hơn về tiền bạc, coi tiền bạc là thứ rất hữu ích và có thể mua được những thứ khiến ta cảm thấy hạnh phúc, như những món đồ chơi thuở bé.

Giống như tiền tiêu vặt, tiền hôm nay hết mai lại có. Với trí tuệ và sự cần cù, tiền bạc sẽ lại đến như tiền tiêu vặt bố mẹ cho vậy. Sự giáo dục của bố mẹ tôi giúp tôi có những góc nhìn rất tích cực và lạc quan về đồng tiền!
 
Sửa lần cuối:
Top