Các cụ có câu “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”, điều đó tôi nghĩ là đúng nhưng chưa phải hoàn toàn. Tính cách hay những đức tính của trẻ được hình thành và ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường xung quanh và sự giáo dục của cha mẹ.
Độ tuổi này, con trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh những kiến thức mới vào đầu của chúng, vì vậy những bậc phụ huynh nếu tạo được môi trường giáo dục tốt cho con cái thì chúng sẽ có một tương lai rất sáng lạn sau này.
Có nhiều đức tính khác tôi nhắc đến xuyên suốt cuốn truyện như sự lễ phép, lòng biết ơn, lòng trắc ẩn... Tuy nhiên trong chương này, tôi sẽ nói về một vài đức tính của tôi được hình thành nên từ sự giáo dục của bố mẹ từ thời tuổi thơ mà tôi vẫn luôn gìn giữ và phát triển cho đến hiện tại.
Bố mẹ tôi có thể không chủ đích hoàn toàn giúp tôi có những đức tính này, tuy nhiên sự hợp lý trong cách dạy dỗ, sự răn đe nghiêm khắc đúng lúc, sự yêu thương vô điều kiện hay vị tha của ông bà giúp tôi luôn đi theo đúng hướng và phát triển nó.
Tính trung thực
“Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” là một trong 5 điều Bác Hồ dạy. Trung thực là đức tính vô cùng quan trọng của một con người. Nó sẽ định hướng con người đó theo một chiều hướng tích cực, trở nên tốt đẹp hơn.
Có đức tính này sẽ giúp chúng ta trở thành người uy tín, đáng tin cậy, chân thành trong các mối quan hệ và được mọi người trân trọng, quý mến.
Vì lẽ đó, các bậc phụ huynh luôn đề cao đức tính này đối với trẻ em. Họ sẽ luôn ủng hộ và tuyên dương những đứa trẻ trung thực, biết nhận lỗi và sửa sai.
Ngược lại, sự dối trá, lươn lẹo xứng đáng với những hình phạt răn đe nghiêm khắc vì chúng rất nguy hiểm cho tính cách đứa trẻ sau này. Nó là cội nguồn của những điều tiêu cực như lừa đảo, trốn tránh trách nhiệm, chối bỏ tội lỗi, đi đường tắt, thiếu chữ tín, huyễn hoặc, phóng đại bản thân hay thậm chí là lừa dối chính mình.
Bố mẹ tôi có những cách dạy rất khôn ngoan và hiệu quả đối với đức tính này. Họ triệt tiêu những lời nói dối của tôi từ trong trứng nước, đó là động cơ nói dối.
Động cơ nói dối có nhiều lý do: nói dối để đi chơi cùng bạn, nói dối để giấu điểm kém, nói dối để xin tiền,... Tôi hồi bé gần như không có nhiều động cơ để nói dối.
Bố mẹ rất chiều tôi, nên tôi xin thứ gì hầu như bố mẹ tôi cũng cho với sự hợp lý nhất định. Bố mẹ sẽ luôn giải thích lý do và thời điểm thích hợp để cho với những thứ mà tôi không xin được. Những thứ mà đối với nhiều phụ huynh khác, họ sẽ nói không và khá gay gắt, khiến trẻ em hình thành xu hướng phản vệ, tập nói dối, ví dụ như:
Nếu muốn đi chơi điện tử, thay vì nói dối rằng tôi xin tiền mua quà vặt, tôi sẽ nói thật là tôi xin tiền để đi chơi điện tử và vẫn được bố mẹ cho nhưng chỉ cho mỗi lần 1 đến 3 nghìn đồng để tôi chơi với thời gian nhất định.
Nếu tôi vô tình làm vỡ đồ vật trong nhà, thay vì tôi nói dối là tại con mèo, tôi thú nhận và bố mẹ tôi cũng rất nhẹ nhàng bỏ qua, nhắc tôi cẩn thận lần sau, giải thích rằng bố mẹ đi làm vất vả mới mua được đồ đạc, con phải gìn giữ.
Nếu tôi không buồn ngủ trưa và muốn xuống đường chơi với bạn. Thay vì tôi lẻn đi chơi rồi nói dối rằng tôi vẫn ngủ trưa, tôi xin phép và bố mẹ cho đi, dặn tôi tối nên ngủ sớm.
...
Có thể thấy, tôi không cần phải nói dối để đạt được những điều mình muốn. Vì vậy dần dần tôi quen và sử dụng những lời nói thật thường xuyên với những vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên cũng có lúc, tôi nói dối và bị bố xử phạt rất nghiêm khắc.
Có lần khi tôi 5 tuổi, tôi cùng mấy anh trong xóm sang khu khác để chơi cả buổi. Khi về, tôi nói dối rằng tôi sang nhà thằng bạn cùng xóm chơi. Mẹ tôi gọi điện hỏi nhà bên đó và phát hiện tôi nói dối, mẹ kể hết cho bố tôi nghe, bố tôi rất giận. Bố dặn mẹ bảo với tôi là bố về kiểu gì mày cũng ăn đòn.
Bố tôi chỉ đánh tôi khi tôi mắc lỗi nghiêm trọng và cần chấn chỉnh ngay. Vì thế tôi ít bị đánh đòn, nên tôi rất sợ mỗi lúc mắc lỗi nghiêm trọng nên chọn nói dối. Tuy nhiên sau lần đó tôi cũng không dám nói dối bố mẹ nữa.
Có thể nói đòn roi nếu sử dụng với tần suất ít và đúng thời điểm có sức hiệu quả ngoài mong đợi trong việc dạy dỗ trẻ. Bố tôi còn sử dụng chúng một cách hiệu quả hơn nữa bằng cách thông báo trước cho tôi rằng tôi sẽ bị đánh. Những roi của bố có thể đau nhưng không thể nào đáng sợ bằng khoảng thời gian giữa cuộc gọi của bố và lúc bố về.
Khoảng thời gian ấy, tôi rất sợ hãi và khóc lóc xin mẹ và chị nhưng không ai bênh tôi cả. Tôi thấy lạc lõng, tự ăn năn và nghĩ bụng mình sẽ không đi chơi như vậy nữa. Hóa ra, chưa cần đánh mà bố tôi đã dạy được tôi rồi!
Lúc bố về, bố tôi cầm cái thước dài 100 cm của mẹ tôi, giọng bố rất nghiêm túc và đanh thép khiến tôi nể sợ. Tôi xác định sẽ nghe theo mọi lời mà bố tôi nói mà không dám cãi lại hay nói dối gì cả.
- Thằng Mạnh đâu ra đây tao bảo!
- Dạ con biết tội rồi bố ơi!
- Tội của mày là gì?
- Dạ con đi chơi với các anh bên Trâu Bò Sữa ạ!
Bố vụt tôi một cái mạnh vào mông làm tôi khóc nức nở, rồi nói tiếp:
- Đấy là một tội, còn tội gì nữa?
Tôi lúc này rất sợ bố và cũng chợt quên tội lớn hơn rất nhiều.
- Dạ con không biết ạ!
Bố tôi vụt thêm một phát nữa thật mạnh vào mông, lúc này tôi khóc rống lên. Rồi bố mới nói tiếp:
- Mày nín chưa? Tội đi chơi của mày tao không tức bằng tội nói dối mẹ, tao ghét nhất là nói dối, dám bảo sang nhà thằng Tuấn chơi. Sau mà mày nói dối thì đừng trách tao nghe rõ chưa?
Đó là trận đòn khiến tôi nhớ đến tận bây giờ, cái uy của bố khiến tôi một phần sợ hãi nhưng cũng rất tâm phục khẩu phục. Tôi hiểu rằng bỏ đi chơi xa nhà hay tất cả những lỗi khác nó không hề nghiêm trọng mà chính sự thiếu trung thực mới là điều mà bố tôi không muốn thấy ở tôi. Tôi nhận ra điều đó và không muốn tái phạm nữa. Tuy chỉ đánh tôi có 2 roi nhưng bài học để lại là còn mãi!
Đến bây giờ tôi vẫn rất tôn trọng tính trung thực và thậm chí không giỏi nói dối. Tôi là người có suy nghĩ rất logic, tôi nghĩ rằng không lời nói dối nào là không có những kẻ hở. Những người tinh tế và nhạy bén sẽ nhìn ra và không đánh giá cao người dối trá. Vì vậy, lời nói dối hoàn hảo nhất là nói thật!
Khi trưởng thành, tôi nhận ra rằng có nhiều lúc, nói dối cũng có lợi ích. Nói dối để tránh người thân, bạn bè đau buồn, tức giận. Nói dối để khiến những câu chuyện không đi quá xa. Nói dối để người khác không lo lắng về mình. Tuy nhiên, tôi coi đó là không nói sự thật chứ không phải nói dối, tôi nghĩ rằng nói dối mang ý nghĩa tiêu cực hơn và luôn tránh dùng nó.
Có một thủ thuật mà tôi coi nó là rất đáng quan ngại trong xã hội hiện nay mà nhiều người dùng đến đó là nói nửa sự thật. Đó là nói dối nhưng được che đậy hoàn hảo hơn và nguy hiểm hơn lời nói dối đơn thuần rất nhiều. Nó tước đi tính chân thực của câu chuyện nhưng vẫn được xem như là nói thật.
Điều này có thể bắt gặp ở những người hay huyễn hoặc bản thân như :
“Tôi bán hàng lời lắm, mỗi tháng vài trăm triệu. Tôi có cả đống đồ hiệu, đi du lịch Châu Âu như cơm bữa... ”. Nhưng lại không nói tiền chủ yếu không đến từ việc bán hàng.
Hay nguy hiểm hơn, đó là truyền thông định hướng dư luận như những quảng cáo sản phẩm hoặc những bài báo với tiêu đề như :
“Những tỷ phú thành công trên thế giới hầu như đều bỏ học” mà không nói rằng họ bỏ học những trường rất danh tiếng và nền tảng gia đình của họ rất vững.
Chính những điều này gây nên một hệ lụy rất nghiêm trọng trong xã hội khi mà những nền tảng MXH với những nội dung “nửa sự thật” đang tràn lan và người đọc thì rất dễ để tin chúng. Chúng ta cần có những cái nhìn khách quan, suy nghĩ logic với kiểu thông tin như vậy để tránh đưa ra phán xét, đánh giá hay quyết định vội vàng mà gây tổn hại đến người khác.
Tính tự giác, lập kế hoạch, phân bổ thời gian hiệu quả
Nếu giả sử bố mẹ là lãnh đạo, cấp trên hay sếp thì con cái sẽ là nhân viên dưới quyền.
Một người lãnh đạo giỏi, họ sẽ hiểu rõ năng lực và tư duy cấp dưới của mình. Họ sẽ giao một công việc (input) cho nhân viên và mong muốn có một kết quả (output) cụ thể trong một khoảng thời gian (estimation).
Mọi diễn biến, chi tiết họ sẽ không tham gia sâu và để nhân viên tự mình thực hiện. Họ chỉ nêu khái quát bài toán, đưa ra những gợi ý và sẽ can thiệp nếu quá trình xảy ra vấn đề hoặc kết quả không đạt kỳ vọng. Sau khi công việc, dự án kết thúc, họ cũng có những khen thưởng hoặc kỷ luật tương xứng với kết quả của từng người.
Bằng cách đó, nhân viên sẽ được phát huy những sở trường, năng lực, sáng tạo và làm theo cách riêng của mình mà vẫn đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc. Điều này cũng giúp nhân viên được thoải mái về mặt tinh thần, không bị gò bó hay áp lực quá nhiều, từ đó hiệu quả công việc cũng tỷ lệ thuận. Động lực làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp cũng tăng lên khi nhận được phần thưởng tương xứng cho những đóng góp của mình.
Yếu tố cảm xúc của nhân viên vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp . Nếu những người lãnh đạo tạo một môi trường làm việc áp lực, hà khắc và thiếu tôn trọng nhân viên, chẳng mấy mà những người giỏi sẽ lần lượt đi tìm bến đỗ mới dù cho thu nhập có cao đến mấy.
Mẹ cũng áp dụng với tôi như vậy, trong việc học tập tôi đã nhắc đến ở chương trước. Mẹ cho tôi tự giác hoàn thành bài tập trên lớp và làm việc nhà, phần thưởng cho tôi là được đi chơi cùng bạn bè dưới đường hoặc chơi máy tính tùy thích. Cách tiếp cận này khác với nhiều bậc phụ huynh khác nhưng tôi thấy nó lại rất hợp lý. Mẹ nắm bắt được tâm lý thích chơi của tôi, nên đưa ra phần thưởng rất hời khiến tôi luôn mong muốn hoàn thành sớm nhất có thể.
Điều này giúp tôi học được tính tự giác, chủ động lập kế hoạch làm bài tập và làm việc nhà để có nhiều thời gian chơi hơn cho mình. Bố mẹ tôi hoàn toàn ủng hộ điều đó nên khi làm việc vất vả về, hỏi con làm bài tập, việc nhà thì con đều đã hoàn thành khiến bố mẹ rất vui và an lòng. Cho dù tôi có mải chơi mấy thì bố mẹ cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng thôi.
Tôi luôn đọc qua những bài tập mà cô giáo giao cho, hình dung độ khó dễ và thời gian mình cần để làm xong. Với bài khó, tôi tranh thủ hỏi bạn bè trên lớp và hoàn thiện trước. Còn những bài dễ , tôi có thể dành ra 15 phút hoặc nửa tiếng để làm khi đi học về rồi soạn sách vở cho ngày mai luôn. Thậm chí, tôi còn tranh thủ làm bài tập vào giờ sinh hoạt (lúc cô giáo kỷ luật những bạn vi phạm, bị ghi sổ đầu bài) hoặc giờ học môn phụ. Tôi biết tiết sinh hoạt hay môn phụ cũng quan trọng nhưng có lẽ không quan trọng bằng thời gian chơi của mình!
Bài tập cuối tuần là một thách thức đối với việc lập kế hoạch học tập của tôi. Nó rất dài, có hai phiếu cho đề Toán gồm 5 đến 6 câu và Tiếng Việt khoảng 5 câu và một đoạn văn - thứ mà tôi rất ghét. Đồng thời, nó cũng được phát vào tiết cuối cùng của buổi học thứ 6, nên tôi không thể tranh thủ làm trên lớp. Tuy nhiên, không thứ gì có thể phá hỏng những ngày cuối tuần giải trí của tôi.
Tôi biết là chúng dài nên tôi chọn phương án “khổ trước sướng sau”, đó là dành nguyên một buổi tối thứ 6 để hoàn thành bài tập. Ngay khi đi học về, tôi lao ngay vào bàn học để giải quyết hết đề Toán, môn tôi học giỏi hơn. Khoảng thời gian từ lúc về đến giờ chiếu phim trên VTV3, tôi có thể hoàn thành đề Toán với sự tập trung của mình.
Sau khi xem phim và ăn cơm xong, tôi nghỉ ngơi một chút và bắt tay vào làm nốt đề Tiếng Việt. Tôi phân loại những câu có thể làm bằng cách tham khảo sách giáo khoa, những câu dễ tôi có thể tự suy luận được, những câu khó và đoạn văn. Tôi thích làm việc đâu vào đấy, cái gì xong là xong, câu khó sẽ để lại đến cuối.
Lúc này tôi cần sự trợ giúp của mẹ và chị tôi, họ luôn vui vẻ dạy tôi những câu khó và cùng tôi viết đoạn văn. Họ trợ giúp bằng cách gợi ý cho tôi chứ không đọc cho chép và bằng cách này, tôi có thể tiến bộ môn Tiếng Việt hơn.
Giờ làm đề Tiếng Việt cũng có nhiều yếu tố rất cám dỗ, các bạn trong xóm chơi ầm ĩ ngoài đường, có đứa còn lên tận nhà rủ đi chơi. Tôi rất rung động và cũng muốn đi chơi cùng các bạn, tuy nhiên lòng kiên định giúp tôi tập trung hoàn thành bài tập.
Lúc dấu chấm câu cuối cùng của đoạn văn được đặt xuống là lúc tôi sung sướng vỡ òa. Tôi đóng bút và để nguyên sách vở, chạy xuống đường chơi cùng các bạn trong trạng thái thoải mái, vô lo vô nghĩ.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn thích cảm giác giải trí khi không còn vướng bận gì đến công việc. Tôi vẫn luôn lập kế hoạch cho mọi thứ mình cần làm, dễ dàng cân bằng thời gian cho công việc và thời gian cho bản thân cho dù có bận rộn hay nhiều việc đến mấy. Từ đó cũng hình thành nên tinh thần trách nhiệm trong công việc của tôi. Tôi tin những điều này không phải tự nhiên mà có, mà sơ khai là đến từ sự giáo dục của mẹ tôi!
Quản lý tiền bạc
Có nhiều bậc phụ huynh rất khắt khe về vấn đề cho con tiền tiêu vặt, sợ chúng tiêu những thứ linh tinh, sợ chúng bỏ ăn để mua đồ, sợ chúng dính đến tiền sớm sẽ sinh hư,... Tuy nhiên tôi nghĩ chúng không đáng sợ đến như vậy!
Đây là quan điểm cá nhân của tôi, tôi nhận thấy cho chúng tiền tiêu vặt sẽ giúp chúng ý thức được giá trị của tiền bạc và cách quản lý chi tiêu từ rất sớm.
Hồi tôi học cấp 1, bố mẹ không có thời gian làm bữa sáng hay mua đồ ăn cho tôi. Vì vậy họ cho tôi 5000 đồng mỗi ngày để ăn sáng.
5000 đồng thời đó có thể mua được rất nhiều thứ. Một chiếc bánh bao nhân thịt hay chiếc xúc xích rán chỉ 2 nghìn đồng, một cốc coca nhỏ chỉ 500 đồng, một bát phở chỉ 5000 đồng, một bộ bài Magic chỉ 5000 đồng...
Với 5000 đồng mỗi ngày, tôi biết cách chia chúng ra để mua những thứ mình thích. Tôi thường dành 2000 đồng để ăn một chiếc bánh bao, bánh mì hoặc một cây xúc xích là đủ, hôm nào ăn phở thì hết sạch tiền tiêu nên tôi ít ăn phở. Tôi thường dành 500 đồng để mua một cốc nước ngọt nhỏ khi tôi đi bộ từ trường đến nơi học bán trú. 2500 đồng còn lại tôi thường ăn vặt nem chua rán, mì trẻ em, thạch dừa đá, ô mai Trung Quốc,... lúc cuối giờ cùng các bạn, trong lúc chờ bố mẹ đón.
Đó là thời gian ban đầu khi “tập tành” dùng tiền tiêu vặt. Về sau tôi bắt đầu hứng thứ hơn với những loại đồ chơi nổi tiếng thời bấy giờ như bài Magic, bài/bài 3D/đồ chơi Pokemon, Yoyo, ốc mượn hồn, bi đủ loại,... Những thứ này với giá trị lớn hơn, và tôi cần tích tiền từ hôm trước hoặc nhịn ăn sáng để mua.
Điều này giúp tôi hình thành tính tiết kiệm, “đánh đổi” bữa sáng của mình để mua những đồ chơi mình thích. Tuy rằng nhịn ăn sáng là không tốt, nhưng việc trẻ con chấp nhận nhịn ăn để mua đồ chơi chứng tỏ chúng rất khao khát có đồ chơi ấy, và thứ chúng phải bỏ ra là những bữa sáng của mình. Nó cũng tương tự như việc bỏ công sức kiếm tiền để mua một thứ gì đó, cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm tiền mua nhà, mua xe, ...
Bố mẹ tôi thấy tôi mua đồ chơi và cũng biết tôi nhịn ăn sáng để mua chúng, nhưng không bao giờ bố mẹ tôi cấm cả. Có lẽ họ hiểu rằng, để tôi tự chi tiêu số tiền ấy sẽ tốt hơn cho tôi, nếu đói thì tôi cũng tự biết bỏ tiền mà ăn. Điều này ngoài giúp tôi hiểu giá trị và cách quản lý tiền bạc, cũng giúp tôi tự lập hơn rất nhiều.
Thậm chí khi tôi tiết kiệm được một khoản tiền kha khá từ tiền tiêu vặt và tiền mừng tuổi, tôi còn đưa bố tôi gửi vào két cùng một tờ giấy xác nhận ghi bằng chữ nguệch ngoạc rất hài hước. Đến nay tôi vẫn giữ nó , với nội dung khớp từng chữ (bao gồm sai chính tả) như sau:
Thứ Bảy ngày 1-2-2002. Ngô vi mạnh có số tiền Là 272.000đ gửi bố giữ hộ cho ngô vi mạnh, ngô vi mạnh về sau mua xe máy và ô tô. Thêm 30.000đ về sau nhận.
Tôi nghĩ rằng nếu trẻ con không được dùng tiền trong suốt quãng thời gian tuổi thơ của chúng sẽ khiến tiền trở thành một thứ gì đó rất ghê gớm và bí ẩn.
Tôi từng chứng kiến một số đứa trẻ trở nên keo kiệt, giữ khư khư tiền mừng tuổi của mình, cất nó vào hộp có khóa và chỉ tiết kiệm như dạng sưu tầm, không mua gì chúng thích. Một số còn trộm tiền của bố mẹ để mua đồ chơi hay đồ ăn vặt.
Việc được tiếp xúc với tiền bạc từ rất sớm giúp tôi quen thuộc và hiểu rõ hơn về tiền bạc. Điều đó giúp tôi sau này có những góc nhìn khác hơn về tiền bạc, coi tiền bạc là thứ rất hữu ích và có thể mua được những thứ khiến ta cảm thấy hạnh phúc, như những món đồ chơi thuở bé.
Giống như tiền tiêu vặt, tiền hôm nay hết mai lại có. Với trí tuệ và sự cần cù, tiền bạc sẽ lại đến như tiền tiêu vặt bố mẹ cho vậy. Sự giáo dục của bố mẹ tôi giúp tôi có những góc nhìn rất tích cực và lạc quan về đồng tiền!