Lượt xem của khách bị giới hạn

Truyện Đề Cử Tuổi thơ tươi đẹp

Truyện Đề Cử Tuổi thơ tươi đẹp
Tham gia
19/9/24
Bài viết
31
Điểm cảm xúc
93
Điểm
18
Chương 10: Thành viên gia đình - Chị gái tôi
Những điều để viết về gia đình có lẽ sẽ không bao giờ có thể đong đếm được bằng câu chữ, tuy nhiên tôi sẽ khép lại chủ đề này trong ba chương “Thành viên gia đình”

Ba chương này nói về những kỷ niệm thơ ấu của tôi với từng thành viên trong gia đình. Cùng với đó là những cảm nghĩ, những lời cảm ơn chân thành nhất đến họ, điều mà ngoài đời rất khó và ít cơ hội để nói nên lời.

Tôi may mắn vì được sinh ra và lớn lên trong một gia đình hòa thuận, mọi người yêu thương đùm bọc nhau. Tuy cũng có nhiều thăng trầm, sóng gió trong cuộc sống nhưng gia đình tôi luôn vượt qua chúng bằng sự hy sinh, lắng nghe và thấu hiểu.

Gia đình tôi lớn lên có 4 người, gồm bố mẹ, chị gái. Mọi người đều có tuổi là con giáp trong nhà (Tuất, Tý, Mão), có thể vì vậy nên tình cảm gia đình rất khăng khít như 3 loài vật này. Tuy mỗi người một cuộc sống, định hướng, quan điểm riêng nhưng điểm chung lớn nhất đó là luôn hướng về gia đình. Điều đó làm tôi cảm thấy bình yên, hạnh phúc, là hậu phương vững chắc để giúp tôi tự tin bước ra cuộc sống ngoài kia đầy chông gai, cạm bẫy và sóng gió.

Nếu có một điều ước, tôi chắc chắn sẽ dùng nó dành cho gia đình của mình. Bởi khi gia đình tôi tràn đầy sức khỏe, hòa thuận, hạnh phúc, những thứ khác có lẽ chẳng cần ước vì chúng rất nhỏ bé và dễ dàng có được!

Chị gái tôi
Khi xem nhân vật Georgie trong Young Sheldon, tôi luôn liên tưởng đến chị gái của tôi. Họ đều là con đầu trong gia đình, phải tự lập từ sớm và có nhiệm vụ chăm lo các em giúp bố mẹ. Mặc dù họ có những vấn đề riêng của mình nhưng họ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho những đứa em của mình. Đôi khi họ không nói ra, nhưng sự hy sinh thầm lặng của họ luôn có giá trị đối với các em, khiến các em tin tưởng.

Gia đình nào cũng vậy, con đầu sẽ rất được cưng chiều nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi đứa sau ra đời rồi bị cho “ra rìa” và phải chăm em, nhường nhịn em. Chính vì vậy, những người con đầu thường có xu hướng hiểu chuyện, tự lập và hình thành ý thức trách nhiệm hơn con thứ.

Chị tôi được hưởng điều ấy 9 năm trước khi tôi chào đời, kể từ sau đó, bố mẹ tập trung sự quan tâm, chiều chuộng sang tôi hơn. Do cách biệt khá nhiều tuổi nên chị tôi đã rất tự lập, không tị nạnh hay chành chọe với em như những gia đình đẻ sát nhau.

Thời chị tôi còn bé, đất nước ta mới mở cửa nên rất nhiều thứ vẫn còn đơn sơ, thiếu thốn. Chị lúc này đã đỡ đần bố mẹ được nhiều việc, từ phụ mẹ bán hàng, thổi cơm, quét nhà, bế em... Nhờ có chị tôi, bố mẹ cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều. Thế hệ 8x không có nhiều thứ mới mẻ, hiện đại để chơi như thời của tôi nhưng đối với chị tôi, tất cả những lần kể về tuổi thơ của mình đều rất đẹp và bình yên. Chị giống tôi, đều luôn nhớ về tuổi thơ!

Chị kể cho tôi rất nhiều về tuổi thơ của chị, khi tôi chưa ra đời và tôi cũng luôn thấy tuổi thơ chị cũng rất thú vị, đáng nhớ. Chị là người thích kể chuyện nên chị kể với tôi rất nhiều, tôi nói chuyện với chị hàng ngày. Tất cả câu chuyện từ nhỏ nhặt đến to lớn, chị đều kể cho tôi và tôi luôn lắng nghe, ghi nhớ từng chi tiết. Tôi có thể nhớ lại như sau...

Lúc chưa lớn, do bố mẹ đều bận rộn công việc nên chị tôi được gửi ở nhà trẻ tư. Không giống nhà trẻ tư hay mẫu giáo thời nay, nhà trẻ chị tôi được gửi theo thiên hướng gia đình, chỉ nhận 4 đến 5 cháu và một mình cô trông hết. Do phần lớn thời gian trong ngày chị ở bên cô nên cô như người mẹ thứ hai của chị vậy. Chị còn được cô đưa đi sở thú, chơi công viên, tổ chức sinh nhật cho rất vui. Mãi sau này, cô vẫn nhớ đến chị và chị vẫn gọi cô là mẹ nuôi.

Chị tôi hồi bé rất được bố mẹ cưng chiều. Chị thường được bố mẹ cho đi ăn ngon, mua quần áo đẹp, xem băng phim hàng tuần. Những thứ chị tôi được chơi cũng vui không kém gì thời 9x cả.

Hồi ấy mẹ tôi bán cơm ở cột điện phố Hàng Bún, rất đông khách nên chị tôi phải phụ mẹ từ bé. Tuy phải giúp mẹ, nhưng chị lại rất thích ăn ngon, ngày nào có món gì là chị tôi được ăn món đó. Thời đó còn khó khăn nên được ăn uống thỏa thích như vậy đối với chị là rất vui sướng.

Cứ cuối tuần, chị lại được bố mẹ thuê băng phim Hồng Kông và kiếm hiệp Trung Quốc về xem. Chiếc băng phim thời đó có hình chữ nhật rất to, màu đen và cuộn màu trắng, cần cho vào đầu đọc để xem. Chị tôi kể lần đầu xem Tây Du Ký qua màn hình TV trắng đen rất đã, cảm giác như được khai phá về giải trí.

Chị thời đó cũng rất mê chơi máy điện tử Brick Game màu vàng, là một trong những máy chơi game thế hệ đầu. Máy Brick Game với đồ họa trắng đen đơn giản, có rất nhiều trò chơi như xếp hình, nuôi rắn, bắn xe tăng,... Tuy có đồ họa tối giản nhưng nó rất gây nghiện cho mọi người thời bấy giờ, cả mẹ tôi cũng chơi nữa.

Chị tôi cũng hay được bố mẹ chở đi chơi phố Hàng Ngang, Hàng Đào và Hồ Gươm. Thăm những di tích lịch sử như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám... Hay đi những địa điểm vui chơi mà trẻ con đều thích như công viên Thủ Lệ, vườn Bách Thảo, rạp xiếc Trung Ương... Chị còn là con gái rượu đúng nghĩa của bố, bố hay đưa chị đi uống bia, uống rượu cùng mình.

Chị tôi cũng thường nằm nghe đài cát sét cùng bố tôi, chiếc máy phải dò tần sóng để nghe các kênh. Chiếc đài cũng có nhiều kênh nghe rất hay về tin tức, thời sự, âm nhạc, đời sống, truyện kiếm hiệp,... Chất giọng của người nói trong đài cát sét rất rõ ràng, dễ nghe. Tưởng tượng thôi, hình ảnh được nằm nghe cát sét cùng bố tôi bình yên đến nhường nào!

Chị tôi hồi bé khó khăn hơn tôi khá nhiều, chị mới đẻ ra đã bị vấn đề về tiêu hóa, sốt co giật hơn 40 độ. Bác sĩ từng nói với bố mẹ có thể sẽ không giữ được bé. Nhưng điều kì diệu đã đến, các bác sĩ tiêm thuốc kháng sinh cho chị và sau nhiều giờ chị đã dần hồi phục. Tuy nhiên, tác dụng phụ khi tiêm kháng sinh từ bé đã khiến chị sau này bị hỏng hết men răng, và cơ thể sức đề kháng cũng yếu. Mẹ tôi kể rằng các bác sĩ thời đó rất nhiệt tình, chi phí khám chữa bệnh cũng rẻ nhưng họ luôn tận tâm, hết mình cứu chữa. Thâm chí họ nhất định không lấy tiền cảm ơn từ bố mẹ khi đã cứu sống chị tôi.

Bố mẹ tôi kể, chị hồi bé còn có một lần suýt bị bắt cóc, thời ấy gọi kẻ bắt cóc là Mẹ Mìn, trẻ con nghe đến ông Ba Bị hay Mẹ Mìn đều rất sợ. Cả nhà náo loạn tìm quanh khu phố cũng không thấy, may được một bác hàng xóm bắt gặp một người lạ hoắc dắt chị tôi đi. Bác thấy nghi ngờ nên đã chạy lại hỏi thì bà ta chạy mất, bỏ lại chị ở đó, nghĩ lại thật đáng sợ! Bác đưa chị về nhà, bố mẹ tôi mừng như bắt được vàng. Sau này, khi kể lại những câu chuyện ấy bố mẹ tôi thường bảo nhà mình được các cụ phù hộ nên mới tai qua nạn khỏi.

Chị thiệt thòi là vậy nhưng sau khi sinh tôi, chị rất quý mến em trai. Chị đã biết bế ẵm, trông em giúp bố mẹ từ năm lớp 3. Tôi chưa được trải nghiệm cảm giác tranh giành, tị nạnh, đánh nhau cùng anh chị em thuở bé bao giờ. Chị tôi luôn nhường nhịn tôi phần vì chị đã quá lớn, không hứng thú đến những thứ tôi thích, phần vì chị cũng thương em, không muốn em buồn.

Tuổi thơ mà có anh trai hoặc chị gái hơn nhiều tuổi quả thực rất sung sướng, bởi vì chúng còn được thừa hưởng thêm tuổi thơ của anh chị. Chị tôi trải nghiệm thứ gì hay ho tôi cũng đều được trải nghiệm ké. Ví dụ lĩnh vực âm nhạc thời điểm còn bé tôi đã được nghe những ban nhạc huyền thoại như Back Street Boy, Westlife, A1,.. Thần tượng Hàn Quốc thì có ShinHwa, H.O.T,... Phim ảnh thì tôi được xem cùng chị rất nhiều phim như Giày thủy tinh, Ngôi nhà hạnh phúc, Trái tim mùa thu, Truyền thuyết Liêu Trai, Phong Vân, ... Truyện tranh thì tôi đọc ké của chị Black Jack và Nữ Hoàng Ai Cập.

Tôi nhớ khi tôi bị mấy đứa lớn trong xóm bắt nạt, tôi cũng mách chị gái ra bênh mình. Khi tôi gặp bài khó, chị lại giảng bài và giải thích cho tôi hiểu. Chị dạy tôi rất nhiều thứ trong cuộc sống, dạy tôi điều gì nên làm, điều gì không nên, khuyến khích tôi làm những việc khiến bố mẹ vui lòng. Nhờ có chị, bố mẹ cũng đỡ vất vả vì tôi nhiều, tôi cũng như có thêm một người bạn lớn.

Có thể thấy tuổi thơ của tôi một phần cũng ảnh hưởng từ chị, nó khiến tôi có những trải nghiệm khác so với bạn đồng trang lứa và tôi cảm thấy rất may mắn khi được như vậy. Tuổi thơ của tôi nếu thiếu chị sẽ không bao giờ được trọn vẹn. Tôi phải cảm ơn chị vì đã giúp tôi có một tuổi thơ tươi đẹp và bình yên hơn rất nhiều.

Khi chị tôi đi lấy chồng, tôi cảm thấy căn nhà rất trống vắng và nhớ chị. Nhớ những lúc gia đình đầy đủ bốn người, quây quần bên nhau. Chị cũng nhớ nhà, trước khi sang nhà chồng còn viết tâm thư gửi cho bố mẹ, trong đó có nhắc tới đứa em yêu mến, còn hứa rằng sau này sẽ thay bố mẹ giúp đỡ, lo cho nó.

Thật vậy, đến sau này chị giúp đỡ tôi khá nhiều thứ cả về vật chất lẫn tinh thần. Chị có tính cách khá giống bố tôi, thầm lặng và có sức chịu đựng phi thường. Chị luôn tâm nguyện rằng mình phải thay bố quán xuyến, giúp đỡ gia đình. Chị dặn tôi phải hết sức cố gắng vì tôi là con trai trong nhà, thay bố tôi làm trụ cột gia đình cùng với trách nhiệm cao.

Tôi lúc nào cũng ghi nhớ và phấn đấu như lời chị dặn. Tôi luôn thầm biết ơn những gì chị đã làm được cho gia đình và cho bản thân tôi. Tuy hai chị em cũng có bất đồng quan điểm, đôi lúc cãi vã nhưng chưa giận lâu hay tránh mặt nhau bao giờ. Tình chị em tôi hết sức bền chặt và hòa thuận, hàng xóm láng giềng đều khen hai đứa ngoan và biết tương trợ lẫn nhau, điều này khiến bố mẹ tôi rất vui lòng.

Tôi thấy rất đáng buồn cho những người không trân trọng tình anh em máu mủ. Họ bất hòa, cãi vã, từ mặt nhau, thậm chí còn huynh đệ tương tàn vì phân chia tài sản của cha mẹ. Những tin tức về anh em chém giết lẫn nhau có thể nói là không ít. Tôi từng đọc một vụ trên báo về ba chị em vì không được chia đất mà lôi xăng ra đốt mẹ làm tất cả bị bỏng nặng dẫn đến tử vong và thương tật suốt đời. Tôi không hiểu họ nghĩ gì khi có thể làm vậy, vì của cải vật chất mà sẵn sàng làm hại đến cả tính mạng của người thân trong gia đình, họ không bằng loài cầm thú!

“Anh em như thể tay chân” , “Câu chuyện bó đũa” là những tục ngữ, bài học muôn thuở của dân Việt về tình cảm anh em. Các cụ đã đúc kết từ trăm, ngàn đời nay rằng anh em trong nhà phải đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau thì mới có thể làm nên sức mạnh không thể bị phá vỡ. Một đời vua mà các thái tử chia bè kết phái , đấu đá lẫn nhau ắt sẽ sớm sụp đổ.

Thời hiện đại cũng thế, anh em đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau thì mới có thể phát triển, báo hiếu cha mẹ. Ngược lại, những ai “khôn nhà dại chợ”, làm hại anh em thì mãi chẳng thể có được một tấm chân tình và luôn phải sống trong cô độc!
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
31
Điểm cảm xúc
93
Điểm
18
Chương 11: Mẹ tôi
Hôm nay là ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10, ngày tôn vinh những người phụ nữ tự tin, đảm đang, dịu dàng, cá tính. Họ là những người giúp thế giới trở nên tươi đẹp hơn, thiếu họ thậm chí đàn ông còn không thể ra đời! Tôi muốn chúc chị em phụ nữ ngày càng tự tin, xinh đẹp và thành công trong cuộc sống.

Nhân dịp này, tôi nghĩ rằng không món quà nào đặc biệt hơn, đó là chương truyện này để dành tặng cho mẹ tôi - người quan trọng nhất trong cuộc đời. Đây là những kỷ niệm xuyên suốt hành trình lớn lên của tôi với mẹ, cùng những lời cảm ơn chân thành nhất tới bà từ tận đáy lòng.

Mẹ tôi sinh ra vào năm 1960, trong gia đình có chín người con, bà là người con thứ sáu. Giống như nhân vật người mẹ Mary Cooper trong Young Sheldon - những người mẹ của thập niên 80, bà là người phụ nữ truyền thống với đầy đủ tứ đức Công - Dung - Ngôn - Hạnh. Bà hết lòng chăm lo gia đình, từ những việc nhỏ nhất, mọi thứ xoay quanh bà đều liên quan đến gia đình. Bà là người có sự hy sinh và tần tảo đến phi thường, khiến tôi cảm thấy rất nể phục.

Mẹ tôi thường kể cho tôi về quãng thời gian bố mẹ yêu nhau tuổi đôi mươi. Bà quê ở Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc còn bố tôi ở Hà Nội. Khoảng cách địa lý xa xôi cùng với công nghệ lạc hậu thời bấy giờ không thể ngăn cách bố mẹ tôi yêu nhau.

Bố tôi gặp mẹ lần đầu khi bố đi học chuyên ngành cơ khí ở Vĩnh Yên. Tình yêu của thời ấy thật sự rất thuần khiết, mẹ tôi khiến bố tôi cảm nắng và kể từ lần gặp đầu tiên, bố tôi đã biết rằng bà sẽ là người phụ nữ của đời mình.

Bố tôi không ngại đường xá xa xôi, đạp xe hơn 50 cây số từ Hà Nội để gặp mẹ tôi, họ coi những giờ phút ngắn ngủi bên nhau thực sự quý giá. Họ liên lạc với nhau qua thư viết tay, phải mất vài ngày đến một tuần mới tới nơi. Bố tôi chỉ chờ để được nhận hồi âm của mẹ tôi, cầm lá thư đọc đi đọc lại, đút vào túi áo để thỉnh thoảng nhớ mẹ tôi thì đem ra đọc.

Không giống như tình yêu hiện đại, những dòng tin nhắn với tốc độ ngay lập tức, họ trân trọng từng khoảnh khắc có được bên nhau.

Họ nhớ những lần đèo xe đạp bên nhau vài chục cây số, vừa đi vừa trò chuyện.
Họ nhớ những lần đi ăn xôi ở phố Cấm Chỉ, đi lượn phố Hàng Ngang Hàng Đào.
Họ nhớ những lần nhảy tàu để trốn vé.
Họ nhớ những lần bố tôi đến thăm lớp mẹ dạy học, các bạn học sinh gọi bố tôi là chú Râu Rậm.


Tôi nể phục tình yêu ấy, tôi hiểu được rằng ai có được những kỷ niệm đó sẽ vô cùng hạnh phúc. Một thứ tình yêu thuần khiết, trong sáng, không vật chất, không thực dụng.

Năm 1986, vì yêu bố tôi, mẹ tôi chấp nhận bỏ nghề giáo để về nhà chồng, bà chỉ muốn được ở bên bố tôi. Một năm sau, ngày chị tôi ra đời và bà không bao giờ hối hận về quyết định bỏ nghề để đến với bố tôi, bà rất hạnh phúc.

Ngoài chăm lo gia đình, bà cũng rất giỏi trong việc bôn ba kiếm tiền. Bà nội tôi khen mẹ tôi rằng : “Vứt nó đi đâu cũng sống được”. Không làm nghề giáo, mẹ tôi bắt đầu mở quán cơm ở cột điện phố Hàng Bún. Bằng cái tâm của người nội trợ, bà bán đồ ăn cho khách y hệt đồ ăn cho nhà. Chính vì vậy, quán cơm của bà lúc nào cũng đông khách, một ngày bán đến bốn, năm yến gạo. Ngoài bố và chị, bà còn phải thuê thêm bốn người phụ giúp mới xuể. Cũng chính vì luôn bận rộn với quán cơm, chín năm ròng rã bà không thể mang thai vì vất vả.

Chín năm sau, công an phường đẩy mạnh dẹp hàng quán vỉa hè, bà quyết định nghỉ bán cơm. Bà hoàn toàn có thể thuê mặt bằng và bán tiếp nhưng có lẽ, bà đã quá mệt rồi. Sau khi nghỉ bán, bà đã mang thai tôi, đứa con trai mà hai người luôn mong ngóng. Mẹ tôi rất sợ đau, lúc đẻ tôi lại cứng đầu, mãi mới chịu ra, đó là lần làm khổ mẹ đầu đời của tôi!

Kỷ niệm hiếm hoi mà tôi nhớ được lúc 3 tuổi, đó là lúc mẹ bế tôi vào lòng, ru tôi ngủ. Bộ não tôi cho rằng, đây là ký ức mình nên lưu giữ nên tôi không bao giờ quên chính xác hình ảnh, âm thanh của ký ức đó. Mẹ tôi bế tôi, tôi ngả đầu vào cổ bà, bà vừa bế vừa rung nhẹ, tay vỗ vào lưng tôi thành nhịp, nhịp bài hát ru:
À á à à ơi, con cò mày đi ăn đêm, đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống (à) ao.
À á à à ơi, à á a à ời, công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước (á à ) trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha .. cho tròn chữ hiếu a á à .. mới là đạo con. À á a à ời, à á à à ơi.


Những câu hát mà đến tận bây giờ tôi vẫn có thể hình dung văng vẳng bên tai, đó là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất cuộc đời. Dù tôi có nhõng nhẽo, khóc lâu đến đâu thì bà vẫn kiên nhẫn bế tôi hát ru cho đến khi tôi ngủ. Bà hay nói: “Mẹ yêu em, mẹ thương em, mẹ quý em...” cho thấy rằng bà yêu quý tôi đến nhường nào.

Mẹ tôi rất chiều tôi, tôi thích ăn gì, chơi gì bà cũng chiều hết. Bà gần như chẳng bao giờ đánh tôi, mà hay mách bố. Bởi vì bà không thể làm đau con trai cưng của bà. Cũng vì bà chiều tôi quá nên tôi nhiều lúc cũng hư, nhờn với bà.

Bà lo chuyện học hành của tôi nên bà dạy tôi biết đọc biết viết từ rất sớm, lúc 4 tuổi. Sau này bà cũng là người đưa tôi ngày đầu đến trường, tôi vẫn nhớ hôm đó, tôi ngập ngừng không muốn rời tay mẹ, tiếng trống trường và tiếng trẻ con ồn ào khiến tôi hơi sợ. Bà dỗ dành tôi một lúc lâu tôi mới tự mình vào lớp, để gặp người mẹ thứ hai của mình.

Tôi nhớ những lần được ăn cơm ngon mẹ nấu, hồi bé tôi ăn rất khỏe, mỗi khi có món tôi thích tôi có thể ăn năm, sáu bát cơm. Tôi thích nhất món canh dưa bò, canh rau ngót thịt của mẹ, chỉ cần ăn canh không tôi cũng có thể ăn bao nhiêu cơm cũng được. Mỗi khi thấy tôi ăn ngon và ăn nhiều, mẹ tôi đều rất vui, tôi cảm thấy tình yêu của bà qua mỗi bữa cơm.

Khi tôi lên 3 tuổi, nhà tôi chuyển đến phố Tây Kết, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội sinh sống. Do đã nghỉ bán hàng cơm, bà mở một quán nước để bán cho dân cư xung quanh đây. Bà bán nước cũng rất đắt hàng, bởi vì con phố này có rất nhiều xe chở hàng hóa liên tỉnh ra vào. Đầu óc bà rất nhạy bén trong việc kinh doanh, vì vậy không những chăm lo nội trợ mà bà cũng đóng góp nhiều tiền để nuôi gia đình.

Tôi nhớ những lần bà nhờ tôi trông quán, bà dặn tôi giá từng món hàng và tôi ghi nhớ hết. Cảm giác lần đầu được bán hàng rất sướng, bán hàng theo yêu cầu và được thu tiền về. Tôi rất thích bán hàng vì tôi thích làm việc theo logic, khách gọi gì thì tôi làm nấy. Việc gì liên quan đến bán hàng tôi cũng biết, từ pha trà, thay nước, lấy đá, pha sữa đậu nành, pha nước sấu, pha bột sắn, lấy nước ngọt... cho đến bán những món có sẵn như kẹo cao su, kẹo lạc, lương khô, bánh ruốc, chuối... Tôi còn nhớ rõ khách nào dùng gì hết bao nhiêu tiền mà không cần ghi chép. Với một thằng nhóc mới học lớp hai lớp ba như vậy là rất tháo vát, có lẽ tôi thừa hưởng đức tính đó từ mẹ tôi.

Các bác các chú uống nước đều gọi trà đá và nước vối, tôi rất nhanh nhẹn lấy đá cho vào cốc, cho nước lọc rồi đổ trà. Tôi còn hỏi các chú uống loãng hay đặc để cháu pha cho, các chú thấy tôi lém lỉnh và nhanh nhẹn nên rất quý. Những lúc đông khách, tôi lại càng thích thú vì được bán nhiều hàng, càng nhiều tiền thì khoe mẹ tôi càng sướng. Việc giúp mẹ bán hàng khiến tôi cảm thấy tự lập và hãnh diện. Cứ khi nào mẹ về, tôi cũng khoe mẹ hôm nay bán được bao nhiêu tiền, mẹ rất vui và thưởng cho tôi một chai nước ngọt.

Những lúc tôi đang bán hàng, bạn bè trong khu phố đi qua cũng ghé chơi với tôi, chơi với tôi là phụ, uống nước ngọt là chính. Chúng bạn làm tôi rất vui, mải mê nói chuyện nhiều khi còn quên tính tiền cho khách.

Trong những món hàng của mẹ, tôi thích nhất là nước ngọt. Hồi ấy, được uống những chai Coca, Pepsi, Number One, Twister, Mirinda, sữa đậu nành đóng chai,... vào những ngày hè nóng bực quả thực rất đã. Tôi không bao giờ uống trộm nước ngọt của mẹ, tôi luôn xin bà khi tôi muốn uống và bà cũng vui vẻ cho tôi, chỉ trừ lúc sát giờ ăn cơm.

Hồi ấy, các công ty nước ngọt hay có chương trình “Bật nắp trúng thưởng”, tôi luôn hồi hộp cậy nắp ra để xem mình có trúng gì không. Đương nhiên, xe máy và ti vi chẳng bao giờ tôi mở được mặc dù tôi uống rất nhiều nước ngọt. Phần thưởng mà tôi mong đợi nhất là trúng một chai nước ngọt để tôi được để dành trong tủ lạnh và uống vào buổi tối.

Tôi nhớ những lần nhõng nhẽo xin mẹ một hai nghìn để đi chơi điện tử. Bà cũng không thích mấy món điện tử cho lắm nhưng vì tôi xin nhiều quá nên bà vẫn cho. Có lần, vì bà nhất quyết không cho, tôi còn lấy con dao giả vờ cho vào bụng để xin mẹ bằng được. Tôi biết điều này là xấu tính nhưng hồi bé tôi rất nghịch và ham chơi. Mẹ tôi đành miễn cưỡng cho tôi hai nghìn đi chơi điện tử và dĩ nhiên việc này khiến tôi bị bố tôi đánh đòn.

Tôi nhớ những lần mình nghe truyện ma Nguyễn Ngọc Ngạn và rất sợ bóng tối. Tôi đòi vào ngủ chung với bố mẹ, tuy bố tôi không cho nhưng mẹ thì chiều tôi, cho tôi ngủ cùng. Lúc đi vệ sinh tôi cũng không dám đi, bà cũng phải dậy đưa tôi đi xong mới vào ngủ tiếp. Khi đi chơi dưới đường, tôi không dám lên cầu thang vì nó rất tối, tôi gọi to từ dưới nhà gọi mẹ đón tôi lên. Nhiều lúc tôi rất phiền phức nhưng mẹ luôn luôn nhẹ nhàng và chiều những ý muốn của tôi vô điều kiện.

Mẹ tôi cũng luôn bênh tôi mỗi khi tôi bị bắt nạt hoặc bị bố đánh. Bà tuy nhiều lúc rất không hài lòng về tôi, mách bố tôi đánh đòn. Nhưng lúc bố đánh mẹ đều ra bảo bố: “Thôi, đánh nó hai cái nó biết lỗi rồi, sau nó không dám tái phạm nữa đâu!”. Những người mẹ lúc nào cũng sót con cái của mình, họ sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ chúng, kể cả nó có làm sai đi chăng nữa.

Có nhiều lúc, những hình ảnh đời thường của mẹ khiến tôi quặn lòng và thương mẹ. Những lúc trưa hè nóng bức, tôi ở trên nhà còn không chịu được mà mẹ tôi vẫn ngồi dưới đường bán hàng, nghĩ về điều đó lồng ngực tôi lại nhoi nhói. Nghĩ mẹ tất bật lo nội trợ, bán hàng mà bà chẳng có những phút giây thảnh thơi đi chơi với người cùng trang lứa vì bà cũng không còn mấy bạn bè. Quần áo của bà vẫn mặc từ những thời xa xưa, bà chẳng diện đồ gì mới cho mình, cũng chẳng son son phấn phấn, luôn để dành tiền cho gia đình và lo cho các con ăn học. Những lần bà ngồi khóc mà tôi cũng chẳng biết lý do, nhưng tôi biết rằng bà có nhiều nỗi khổ tâm của riêng mình mà không biết chia sẻ cùng ai. Những lần chúng tôi hư, cãi láo với bà, buông những lời cay đắng mà chúng tôi cứ ngỡ là chẳng gây hại gì, nhưng nó thực sự khiến bà rất buồn.

Cho đến bây giờ, mẹ vẫn chăm lo cho tôi từ việc nhà, giặt giũ, đi chợ, nấu cơm,... Dù bà có cháu ngoại nhưng bà chỉ giao cho nó một vài việc vặt, còn lại bà tự làm hết. Phần vì không ai giúp được, phần vì bà cũng muốn làm những công việc ấy. Những người phụ nữ truyền thống đã quá quen với việc chăm lo gia đình, thậm chí khi bị ốm cũng chỉ nhanh nhanh chóng chóng dậy làm việc nhà cho khuây khỏa. Bà vẫn hỏi tôi mai thích ăn gì để mẹ đi chợ, nhắc tôi đi ngủ sớm để mai còn đi làm. Bà lo cho tôi những việc nhỏ nhặt nhất từ chỗ đậu xe, mua cho tôi cây thuốc, nhắc tôi quên đồ đạc gì không,... Tôi có chuyện gì cũng tâm sự với mẹ tôi, bà luôn là người biết chuyện của tôi đầu tiên. Mọi vấn đề trong cuộc sống, thay vì giữ trong lòng, tôi luôn kể cho mẹ và điều đó giúp tinh thần tôi luôn được thoải mái, không bao giờ rơi vào trạng thái trầm cảm.

Mẹ tôi hiện nay đã trở về làm giáo viên như mong muốn của bà những năm tuổi trẻ, bà dạy cho những cháu vào lớp một và học sinh tiểu học tại nhà. Thấm thoát hơn chục năm, bà đã dạy được rất nhiều học sinh, lứa đầu học bà đã sắp vào đại học. Chúng rất yêu quí bà, vẫn gọi bà là bà giáo, rất nhiều cháu nhỏ hợp học với bà hơn ở trung tâm vì phong cách bà dạy như một người bà đáng kính vậy. Mẹ hiện tại cũng có nhiều bạn bè trong khu xóm, thường xuyên tụ họp và ăn uống với nhau. Bà cũng tham gia phong trào phường xã, là tổ trưởng phụ nữ trong khu phố, cuộc sống của bà giờ đã an nhàn, thoải mái hơn rất nhiều. Tôi rất hạnh phúc khi thấy mẹ có thể thoải mái như vậy, tôi mong bà sẽ luôn vui vẻ, an yên trong cuộc sống.

Mọi người hay trêu tôi là mama boy nhưng tôi cũng không thấy tự ái gì cả vì tôi thấy đúng là như vậy. Thiếu bà tôi cũng chẳng biết sống ra sao, trong mắt bà, tôi mãi là thằng bé ngây ngô ngày nào. Càng trưởng thành bao nhiêu, tôi lại càng thấy mình không thể xa rời mẹ vì giờ tôi chỉ còn mỗi bà thôi. Tôi hạnh phúc vì được bà yêu thương, lo lắng, bà là hậu phương vững chắc để tôi luôn yên tâm khi trở về. Tôi luôn biết ơn những công lao to lớn của mẹ, dặn lòng mình phải thật thành công, chẳng cần thành bà thành ông nhưng ít nhất là trở thành con người có ích cho xã hội , có hiếu với cha mẹ.

Đối với tôi, điều sung sướng của thành công không phải là địa vị, của cải vật chất, mà là nét mặt tươi cười, tự hào của cha mẹ. Nó là thành quả sau nhiều năm tâm huyết của những người cha, người mẹ dành cho con cái. Nó giúp mẹ tôi hiểu rằng, nó không lãng phí công sức chăm lo ngày đêm qua bao nhiêu năm của mình. Tôi hiểu được giá trị ấy và luôn cố gắng phấn đấu gặt hái được nhiều thành tựu, làm mẹ tôi tự hào. Nhìn mẹ vui vẻ đi khoe với các bác trong họ hàng, khoe với những người hàng xóm về những gì con cái làm được quả thực rất mãn nguyện!

Tôi luôn muốn nói "Con cảm ơn mẹ nhiều lắm!" và ôm mẹ thật chặt nhưng tôi chưa thể làm được điều ấy ngoài đời. Tình cảm giữa con trai với mẹ có thể không thể hiện nhiều ra bên ngoài, nhưng sâu trong tim, mẹ luôn được đặt ở vị trí đầu tiên và mọi thứ con làm đều hướng tới mẹ mà thôi.

Tôi cũng muốn nói "Con xin lỗi mẹ!”, vì những lần con đã nặng lời với mẹ, vì những lần con vô tâm không để ý, vì những điều con chưa làm được cho mẹ. Con nghĩ rằng những lỗi lầm ấy cũng không làm mẹ buồn lâu nhưng con vẫn hối hận vì những điều mình đã làm và chưa làm, một trong những điều chưa làm đáng trách nhất là xin lỗi mẹ.

Con có một thỉnh cầu duy nhất muốn nói với mẹ, đó là mẹ hãy giữ gìn sức khỏe thật tốt, mẹ sẽ được chứng kiến nhiều thứ của con khiến mẹ vui lòng, đặc biệt là cháu nội. Nỗi sợ duy nhất trong cuộc đời của con chỉ là sức khỏe của mẹ, mẹ hãy bảo vệ con trước nỗi sợ ấy, như mẹ đã bảo vệ con hồi thơ ấu. Mẹ sống càng lâu, con càng có thời gian để báo đáp những gì mẹ làm cho con, tuy không bao giờ là đủ nhưng con không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì. Con đã từng bỏ lỡ một lần, và không muốn lặp lại nữa, mẹ hãy giúp con mẹ nhé!
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
31
Điểm cảm xúc
93
Điểm
18
Chương 12: Bố tôi
Có thể nói người cha chính là anh hùng không áo choàng của mọi người con. Họ luôn miệt mài lao động, chăm lo cho gia đình trong thầm lặng, không hào nhoáng, phô trương. Những người con luôn nói về những điều bố chưa làm, mà chẳng bao giờ nhìn vào những điều bố đã làm. Nếu chúng ta đủ trưởng thành, ngẫm nghĩ về những điều bố làm, ta sẽ thấy được những điều đó vô cùng ý nghĩa và cảm thấy trước nay luôn có suy nghĩ không công bằng về bố. Chúng ta chỉ nghĩ đến những lần bố nghiêm khắc, cấm đoán, làm mình khó chịu đến bất lực. Hay những lần bố thờ ơ, lạnh lùng cùng những quan điểm không giống chúng ta. Tất cả những điều đó, đều có lý do của nó và chắc chắn sau này nghĩ lại, những điều đó tốt cho chúng ta rất nhiều.

Có rất nhiều bài hát, bài thơ viết về người mẹ nhưng lại rất ít về người cha, có lẽ bởi vì những công lao to lớn của họ chưa bao giờ cần chứng minh hay nói thành lời. Họ là những người có sở thích đứng từ đằng xa, ngắm nhìn những người thân đoàn tụ, hạnh phúc và mỉm cười trong tâm, đối với họ vậy là quá đủ. Tôi rất thích bài hát “Ánh mắt của cha” của ca sĩ Lam Trường, nghe cảm động và lời bát hát có ý nghĩa sâu sắc về người cha.

Ngày xưa khi con thơ dại
Thường quẩn quanh bên cha mỗi ngày
Để hàng đêm sân khấu lên đèn
Là bao giọt mồ hôi của cha
Con vẫn đứng khép nép bên cha
Và lặng nghe những tiếng thở dài
Đằng sau những vinh quang
Nào ai biết đến cha nhọc nhằn

Rồi khi đêm tan ánh đèn
Cha đến bên ôm con vỗ về
Nhìn ánh mắt của cha già
Con thấy tình thương yêu thiết tha
Một đời cha lo gánh mưu sinh
Vì tương lai của đứa con mình
Trong ánh mắt hy vọng
Mong ngày mai con yêu thành công

Rồi từng ngày khôn lớn
Chẳng quên được ánh mắt cha hôm nào
Trong tim luôn ghi nhớ
Những hy vọng ngày nào cha đã trao
Rồi hôm nay vinh quang đã về đây
Giữa mênh mông lung linh bao ánh đèn
Hàng đêm con rung lên tiếng ca
Với bao yêu dấu kính dâng về cha

Cha ơi
Có nghe tiếng nói của con?
Hôm nay
Đứa con xưa đã nên người
Xin dâng
Ngàn câu hát tạ ơn
Mãi mãi
Sống trong con bóng hình cha
Mãi mãi
Sống trong con bóng hình cha


Tôi khi nhớ về bố, đều bật lại bài hát này để nghe và đều rất xúc động, nghẹn đến cổ. Tôi biết rằng bố luôn mong con cái nên người, sau bao hy sinh vất vả mà chẳng bao giờ kể công. Lời bài hát cũng như lời tôi muốn nói với bố, tôi muốn đem tất cả vinh quang có được về cho bố tự hào, cùng ngàn lời tạ ơn, nhưng đã không kịp nữa rồi...

Tuổi thơ bên bố

Bố tôi rất thích con trai, chín năm sau khi sinh chị gái tôi, bố luôn mong mỏi có được một cậu quý tử. Và ông trời không phụ lòng bố, mẹ tôi sau khi nghỉ quán cơm đã mang thai tôi, tôi còn nhớ như in câu chuyện về ngày sinh của tôi mà tôi đã được kể lại rất nhiều lần.

Hôm ấy, bố tôi đưa mẹ tôi đến nhà hộ sinh gần nhà, mẹ tôi mất khá lâu mới đẻ được tôi. Vì sốt ruột và thấm mệt, bố tôi tạt qua nhà đánh một giấc. Khoảng ba giờ chiều, chị tôi hớt hải chạy về nhà, thấy bố tôi đang nằm kê tay lên trán, chân gác lên nhau nằm ngủ. Chị tôi gọi bố tôi “Bố ơi, mẹ đẻ em rồi, đẻ con trai!”, bố tôi bật phắt dậy, chở chị tôi đến viện. Vừa đến phòng đẻ, bố tôi chẳng hỏi mẹ tôi thế nào, mà hỏi : “Chim nó đâu???”

Câu chuyện mỗi khi nhắc lại là ai cũng cười phá lên, điều ấy chứng tỏ rằng bố mong mỏi tôi đến nhường nào. Bố tôi hay khoe với những ông bạn và đồng nghiệp trên công ty sau khi sinh ra tôi rằng : “Chín năm nhũn não của tôi đấy!”

Hồi bé, bố rất chiều chuộng tôi, bố hay chở tôi đi khắp nơi. Từ đi học trên trường, học phụ đạo, công viên, sở thú, rạp xiếc, vòng quanh phố phường, đi mua đồ chơi hay thậm chí là đi uống bia cũng đem tôi theo. Khoảng thời gian bên bố quả thực rất hạnh phúc, tôi lúc nào cũng muốn đi chơi với bố. Tuổi thơ của tôi quả thực rất trọn vẹn khi có một người cha luôn dành thời gian cho con cái.

Tôi nhớ những lần được bố chở đi mua đồ chơi ở Lương Văn Can. Cứ mỗi lần tan học, tôi hay đòi bố chở đi mua đồ chơi. Bố tôi vui vẻ chở tôi đi, chờ tôi chọn món đồ chơi tôi thích và tranh thủ hút vài điếu thuốc. Do những tiệm đồ chơi ở Lương Văn Can có rất nhiều mẫu mã, đồ chơi mới nên tôi chọn rất lâu, có lần đến cả tiếng đồng hồ. Tuy vậy nhưng bố chẳng bao giờ giục giã hay phàn nàn gì cả, khi tôi chọn xong rồi gọi bố, bố lại bảo: “Xong chưa? Lấy gì nữa không?”. Bố tôi rất kiên nhẫn, miễn là thời gian dành cho tôi, ông không bao giờ thấy phiền. Cầm bộ đồ chơi mới ngồi sau yên xe của bố là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của tôi, hí hửng và thích thú, cả thế giới như thu bé lại bằng một chiếc xe máy vậy.

Có những lần, bố bận việc hoặc tôi đòi mua đồ chơi quá nhiều, bố từ chối cho tôi đi. Tôi vùng vằng giận dỗi không lên xe để về, thế là bố phải bế tôi lên yên xe. Khi đi, tôi không ôm bố, thả thẳng hai chân không thèm để vào gạt để chân để tỏ thái độ với bố tôi. Ông thấy vậy cũng kệ, chở tôi thẳng một mạch về nhà. Tôi rất bướng bỉnh, không được chiều ý là khó chịu, về đến nhà, xe chưa dừng mà tôi đã nhảy phắt xuống. Có lần tôi bị ngã, bố còn bảo tôi đáng đời, đánh cho một trận vì tội nhõng nhẽo và cảnh cáo nhảy xe như thế rất nguy hiểm. Lúc ấy tôi rất ghét bố và chạy thẳng lên nhà, nghĩ lại thật buồn cười.

Tôi nhớ những lần bố tiện đường chở tôi đi học về, tạt qua quán bia làm vài cốc cho mát, số quán bia mà bố cho tôi ngồi phải đến cả tá. Chỉ cần một đĩa lạc và vài chiếc nem chua, ông nhâm nhi cốc bia và ngắm đường phố rất thư giãn. Tôi thì thích ăn giò sống và thỉnh thoảng xin bố một ngụm bia. Tuy tôi không nhậu được với bố nhưng tôi vẫn rất vui, bố cứ uống còn tôi ngồi chơi đồ chơi hoặc mượn điện thoại của bố chơi game.

Hồi ấy, tôi chơi thân với một đứa bạn tiểu học tên là Duy, bố Duy và bố tôi cũng thân nhau. Hai ông bố cứ đến giờ đón con là lôi nhau ra quán bia phố Nguyễn Hữu Huân nhậu. Bố tôi thì uống bia chuyện trò với bố Duy, còn tôi và Duy mỗi đứa được ăn một bát súp gà nóng hổi, rất ngon. Sau đó tôi và Duy chơi rất nhiều trò với nhau, từ bắn bi, chơi đập bài, lego,... Hai bọn tôi chơi rất vui, chẳng quan tâm mấy giờ thì hai bố đưa về, nhiều hôm hai ông bố ngồi đến tận tối và bị các mẹ mắng là cho con đi về muộn.

Những kỷ niệm bên bố ở những quán bia hơi tôi không bao giờ quên, trong giấc mơ, tôi ước có thể được ngồi uống bia với bố và ngắm phố phường vào những ngày hè nóng nực. Khung cảnh thật yên bình và hạnh phúc!

Tôi nhớ những lần bố chở tôi đi chúc Tết họ hàng, đồng nghiệp và bạn bè. Vào những ngày mùng Một, mùng Hai và mùng Ba, tôi háo hức được bố chở đi khắp nơi, ngắm phố phường vắng vẻ, chỉ lác đác những gia đình đi chúc Tết. Khi đến nhà các bác, các chú, ngoài được lì xì tôi được ăn rất nhiều món ngon, đặc biệt là bánh kẹo. Tôi rất thích ăn sô cô la nên những dịp này tôi được ăn thỏa thích. Trong lúc bố tôi chúc Tết thì tôi chơi cùng anh chị, con của các bác.

Tôi nhớ nhà em Tý, con chú Trường bên họ ngoại, có cả máy tính kết nối mạng, thế là tôi và Tý ngồi nhảy Audition thi với nhau. Tôi khoe với Tý là tôi finish được nhạc 178 - Up & Down (nhanh nhất thời bấy giờ) chế độ chơi bốn phím. Tất nhiên là Tý chỉ cười mỉm, vì tôi chỉ là trứng chọi đá. Tý có máy nên đương nhiên chơi giỏi hơn tôi rất nhiều, Tý chơi cả thể loại tám phím nhạc 178 và bật cả DEL (phím ngược) và tôi được dịp mở mang tầm mắt!

Sang chúc Tết nhà chú Vũ, đồng nghiệp trên cơ quan của bố, tôi được chú mở hài Tết cho xem. Đó là tiểu phẩm “Hàng xóm” của Xuân Hinh đóng cùng Minh Vượng nói về những tình huống éo le của hàng xóm, đến nay tôi xem vẫn thấy buồn cười.

Sang chúc Tết nhà chú Thắng, bạn thân của bố, tôi được gặp chị Cẩm, con gái chú. Chị rất xinh nên tôi rất thích được sang nhà chú Thắng chơi để được gặp chị. Có thể nói đó là những cảm nắng đầu đời của tôi.

Ngồi chơi chán chê xong bố tôi cũng gọi tôi về, nhưng tôi mải chơi đòi ở lại bố cũng nán lại thêm một chút để tôi chơi thêm. Những lần đi chúc Tết cùng bố luôn khiến tôi vui vẻ và đó là khoảng thời gian đáng nhớ. Đến nay tôi cũng chỉ đi chúc Tết họ hàng thân quen và không bao giờ có lại được cảm giác như hồi bé.

Tôi nhớ những lần bố dẫn các bạn của bố về nhà chơi bài. Các chú rất quý tôi, khi đến đều xoa đầu tôi, hỏi học hành thế nào và thường cho tôi tiền tiêu vặt. Khi các chú ngồi chơi, tôi ngây ngô ra xem rồi đọc bài các chú và bị bố mắng cho một trận. Tuy không hiểu gì nhưng tôi rất tò mò và hứng thú khi nhìn bố cùng các chú chơi. Tôi hay hỏi tại sao các chú đánh quân đó và các chú cũng giải thích cho mình, mặc dù thấy tôi rất phiền vì làm lộ bài.
Tôi thích nhất khi bố và các chú chơi trò om ba cây, trò này luật dễ hiểu nên tôi học được ngay. Tôi rất may mắn nên hay ra mở bài cho bố, mở xong bố đều thắng. Các chú thấy thế còn lôi kéo tôi ra mở hộ cho các chú nữa. Sau khi thắng, bố và các chú còn cho tôi tiền, tôi rất thích.

Tôi nhớ những lần phụ bố sửa điện hay những đồ vật trong nhà, bố thường gọi tôi phụ những việc vặt. Tôi rất thích được giúp bố, bố nhờ giúp gì thì tôi giúp cái đó. Bố tôi làm nghề sửa cơ khí nhưng về điện nước bố tôi cũng là một chuyên gia, bất cứ vẫn đề nào cũng có thể giải quyết được. Tôi vẫn nhớ như in những lần bố nhờ tôi giúp:

Mạnh lấy cho bố cuộn băng dính đen.
Mạnh lấy cho bố cái tua vít ở ngăn thứ ba.
Mạnh lấy cho bố bộ khoan.
Mạnh ra giữ ghế cho bố.


Tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ bố vì bố sửa được những thứ khó như vậy, tôi vừa giúp bố vừa tò mò xem bố sửa như thế nào. Sau khi làm xong tôi khoe mẹ là hôm nay con đã giúp bố và mẹ khen tôi ngoan, biết phụ bố.

Bố tôi rất giống như nhân vật người bố George Cooper trong Young Sheldon, việc gì trong nhà cũng biết làm từ sửa điện, sửa nước, sửa ăng ten, mái nhà,... Đàn ông thời trước quả thật nhanh nhẹn, tháo vát, quán xuyến gia đình. Chẳng bù cho tôi bây giờ, chỉ biết thay mỗi cái bóng đèn, những thứ khác cũng chỉ biết gọi thợ đến sửa. Tôi thực sự hâm mộ những ông bố toàn năng, luôn khiến thành viên trong gia đình an tâm về sự tháo vát và hiểu biết mọi thứ của mình.

Đôi điều về bố tôi

Bố tôi là một người hiền lành, chăm chỉ và rất quán xuyến việc gia đình. Ông là một người chồng, người cha tốt, ông luôn bỏ tâm huyết và thời gian của mình cho chúng tôi. Ông cũng được mọi người xung quanh quý mến vì sự nhiệt tình, tốt bụng và đặc biệt tửu lượng của ông rất khỏe. Nhắc đến bố tôi, ai cũng nói những điều tuyệt vời, tốt đẹp, ông là tấm gương sáng cho chúng tôi học tập, noi theo. Tuy nhiên, ông cũng là người thiệt thòi, chịu nhiều bất công trong cuộc sống và rất ít tâm sự với ai, luôn giữ kín trong lòng. Sau này khi biết về những chuyện đó, tôi rất thương bố tôi và cảm phục sự hy sinh thầm lặng ấy.

Người ta thường nói, con trai thân mẹ, con gái thân bố nhưng tôi may mắn thân thiết và nói chuyện gần gũi với cả hai người. Tôi tâm sự với ông rất nhiều, ông là một người lắng nghe và thấu hiểu. Khác với nhiều ông bố thời đại trước, bố tôi có xu hướng rất cởi mở với con cái. Ông chỉ nghiêm khắc, cấm đoán điều gì thực sự gây hại đến chúng tôi.

Từ khi tôi học cấp ba, ông coi tôi như một người đàn ông thực thụ, những việc lớn như sửa nhà, sắp xếp vị trí đồ vật ông luôn hỏi ý kiến tôi thế nào cho hợp lý. Ông là một ông bố độc nhất vô nhị, khi tôi biết uống rượu bia, ông không hề cấm đoán mà còn ngồi nhậu với tôi. Tôi nhớ lần đầu rủ bố tôi uống rượu, tôi nôn thốc nôn tháo còn bố tôi vẫn tỉnh bơ, đúng là ngựa non háu đá. Lần đầu tôi biết hút thuốc, bố cũng chẳng cấm đoán, còn hỏi “Mày hút thuốc gì mà thơm thế, cho bố thử một điếu”, sau này tôi và bố vẫn ngồi hút thuốc tâm sự với nhau.

Tôi cũng thích ngồi nói chuyện với bố về lịch sử, chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai và thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm của Việt Nam. Tôi cùng bố có thể ngồi hàng giờ để nói bất cứ vấn đề gì liên quan đến lịch sử, tôi cũng thích ngồi nghe bố chia sẻ những kiến thức của bố.

Không giống như những ông bố “Bonsivik”, việc lắng nghe và coi trọng ý kiến của con cái giúp tôi cảm thấy được tự lập, trưởng thành sớm hơn những đứa bạn cùng trang lứa. Việc tin tưởng, giao những việc lớn dần cho con cái ở độ tuổi thanh niên là một hướng đi không phải ai cũng làm được, bố tôi ảnh hưởng rất tích cực đến tôi.

Bố tôi rất kín tiếng về những vấn đề của mình trong cuộc sống, ông gần như không để ai biết vì sợ mọi người lo lắng. Có một lần, bố tôi tiêu hết tiền ngay kỳ lĩnh lương và không đưa cho mẹ tôi đồng nào. Tôi còn hùa với mẹ tôi bảo bố đang nuôi cô nào đúng không, bố tôi bảo không phải, làm gì có chuyện đó. Sau này, tôi mới biết đợt đó bố bỏ tiền ra làm răng và mua một hàm răng giả để nhai. Lúc ấy tôi thấy mình thật sự rất ích kỷ và phiến diện khi đã nói những lời không hay về bố, đồng thời tôi thương ông vô cùng. Nghĩ bố phải nhai bằng hàm răng giả, tôi đau đến quặn lòng.

Bố tôi sau khi nghỉ hưu vẫn kiếm việc làm thêm để có thu nhập. Ông chọn nghề chở hàng, dãi nắng dầm mưa để nuôi gia đình và lo cho tôi ăn học. Tôi rất thương bố, ở tuổi ấy làm chở hàng thực sự rất mệt, nhưng bố tôi chẳng bao giờ kêu ca than thở. Ông chỉ bảo ở nhà chơi chán nên đi làm cho vui. Tôi biết rằng ông nói vậy chỉ để hai mẹ con ở nhà yên lòng, chứ thực ra ông vất vả vô cùng. Có một lần ông đang xếp hàng ở tầng hai, ông là một người rất cẩn thận nhưng không biết hôm ấy thế nào mà bị ngã xuống tầng một. Ông kể rằng như có người đẩy ông xuống vậy, thế là ông bị gãy xương và rất đau đớn. Về đến nhà, hai mẹ con rất lo lắng cho ông nhưng ông vẫn bảo không sao, chờ mấy hôm là khỏi. Sau mấy hôm, ông còn tự mình đi cùng cháu ngoại đến một thầy lang để đắp thuốc, không chịu đi viện.

Sau khi đắp thuốc về, tôi và chị chẳng hỏi han bố được câu nào, chỉ trách bố sao không đi viện mà đi mấy ông lang băm làm gì. Còn trách ông để thằng cháu ngoại cho ông lái taxi trông, nhỡ nó bắt cóc thì sao. Bố tôi cũng chẳng nói gì, cứ ngồi nghe chúng tôi trách móc. Tôi chẳng hiểu sao mình lại có thể ngồi phán xét ích kỷ như vậy, trong khi chẳng nghĩ đến việc bố tôi đau đớn, cô đơn đi khám một mình.

Sau đợt đó, bố tôi cũng hồi phục bình thường, nhưng thể trạng của ông cũng có dấu hiệu đi xuống. Bố tôi nghỉ một thời gian sau đó vẫn tiếp tục đi chở hàng lại. Tuy nhiên, cú ngã đó không đơn giản như những gì chúng tôi nghĩ.

Có một hôm, tôi và bố đang đứng ngoài cửa thì đột nhiên, cái gương chiếu yêu trước cửa nhà rơi xuống đất , vỡ tan. Tôi thất kinh, hỏi bố rơi vỡ gương thế này có điềm xấu gì chăng, bố tôi vốn không tin tâm linh, bảo không sao đâu. Tôi thấy bố nói vậy cũng không bận tâm gì nữa, nhưng đó chính xác là điềm báo cho một bi kịch sắp ập đến gia đình tôi.

Bi kịch ập đến

Nửa năm sau cú ngã, bố tôi bắt đầu có những dấu hiệu ho nhiều, sức khỏe cũng giảm sút. Tôi rất lo lắng cho bố, thuyết phục mãi bố mới chịu đi khám. Hôm ấy tôi đưa ông đến khoa cấp cứu, viện 108 để khám bệnh, viện này khám rất đông, tôi cùng bố ngồi chờ ba đến bốn tiếng mới đến lượt khám. Nhìn ông mệt mỏi, chờ đợi lâu rất thương, ông đòi về mấy lần nhưng tôi thuyết phục bố khám bằng được. Qua chụp phim, bác sĩ phát hiện những hạt nhỏ li ti ở phổi bố tôi, kê thuốc cho ông uống. Trên đường về nhà, tôi trách móc bố tôi thậm tệ, vì tôi đã nhắc ông đi khám nhiều lần nhưng ông không chịu nghe. Ông ngồi nghe tôi nói hết, sau đó ông nói : “Bố biết rồi! Mày đừng mắng bố nữa!”. Tôi sau này cứ nghĩ đi nghĩ lại về khoảnh khắc ấy, tôi hối hận rất nhiều, lẽ ra tôi không nên nói những điều như thế với bố.

Khoảng một tuần sau, ông không có dấu hiệu thuyên giảm, tay ông cũng bị sưng vù lên gấp rưỡi bình thường, mọi người tưởng ông có dấu hiệu của tai biến. Sợ quá, hôm sau mẹ tôi đưa bố lên viện Xanh Pôn chụp chiếu và khám kỹ càng hơn. Tôi thì lúc đó đang thực tập ở công ty nên ban ngày vẫn đi làm.

Tôi là người có cảm xúc rất mạnh mẽ, từ lúc trưởng thành tôi chưa bao giờ khóc cả. Từ những chuyện tình yêu lứa đôi đến những khó khăn áp lực trong cuộc sống, chưa bao giờ khiến tôi rơi lệ cả. Nhưng rồi cũng đến lúc tôi phải khóc, những lần tôi khóc đều liên quan đến bố cả.

Hôm ấy đang trên công ty làm việc, mẹ tôi gọi điện cho tôi, tôi vẫn nhớ từng chữ mẹ tôi nói. Mẹ tôi nói với giọng rưng rưng, mếu máo:
- Mạnh ơi về đi con, mẹ vừa đưa bố đi khám, bố bị ung thư phổi giai đoạn cuối, di căn lên não rồi con ạ!

Hóa ra cú ngã đợt trước làm đẩy nhanh sự phát triển tế bào ung thư của bố. Nghe điện xong, tôi như mất hồn, tôi xin sếp cho tôi về sớm vì nhà tôi có việc. Lúc đó tôi cất đồ nhanh chóng rồi phóng xe thật vội về nhà, lúc này tâm trạng tôi rất hỗn loạn, rối bời không biết phải làm sao. Đi đến hầm Kim Liên, tôi bất lực quá, khóc nức nở như một đứa trẻ ngay giữa đường. Mọi người đi xung quanh quay ra nhìn tôi với ánh mắt hiếu kỳ nhưng tôi dường như không quan tâm và cứ thế vừa đi vừa khóc đến lúc về nhà.

Đó là lần đầu tiên tôi khóc kể từ khi dậy thì, những giọt nước mắt của sự đau đớn tột cùng, tôi biết rằng đó là một bản án tử dành cho bố tôi. Tôi không muốn tin đó là sự thật, tôi chỉ muốn nghĩ rằng bác sĩ có lẽ đã nhầm nhưng nước mắt tôi cứ tuôn ra không ngớt. Dần dần tôi cũng phải chấp nhận và tôi cũng ngầm hiểu rằng thời gian bên bố không còn nhiều.

Về nhà gặp mẹ nói chuyện một lúc, ăn vội bát cơm mà tôi chẳng thấy ngon rồi đưa mẹ lên viện gặp bố. Đến nơi, các bác họ hàng đã đứng sẵn trước cửa, vỗ vai tôi chia buồn, nói với tôi rằng: “Cháu với mẹ cần gì thì cứ nói các bác.” Tôi bước vào phòng bệnh và nắm lấy tay bố tôi, ông vẫn bảo: “Không sao đâu.”

Tôi may mắn hơn nhân vật Sheldon trong phim và nhiều người khác, họ đột ngột ra đi, không kịp nhắn nhủ điều gì. Còn tôi vẫn còn được ở bên bố tôi hai tháng nữa, nhưng hai tháng đó quả thực không hề dễ dàng đối với tôi.

Ngắm nhìn bố ngày một yếu đi, mỗi tiếng ho như nổ phổi của bố là bấy nhiêu lần tôi quặn đau trong ruột. Phổi bố giờ không hoạt động được hoàn toàn nữa, bố chỉ thở được nửa hơi mà thôi. Giọng bố lạc hẳn đi, người gầy tong teo mặc dù trước đây bố khá béo. Khi ung thư đã di căn lên não, bố tôi không thể nhận thức được như bình thường nữa, bố chỉ lờ đờ và nhiều khi không nắm bắt được hết một câu nói. Các cơn đau đến khắp nơi trên cơ thể, tay chân sưng phù lên như dị dạng. Bố tôi chịu đau rất giỏi, chưa bao giờ thấy bố tôi kêu đau bao giờ, nhưng hôm đó bố nói với tôi rằng: “Bố đau lắm con ạ!”. Tôi đau nhói trong tim, tôi ước tất cả những cơn đau bố phải chịu có thể chuyển sang cho mình, tôi không muốn thấy bố đau đớn.

Bố khi bị bệnh thường hay vào phòng tôi và chỉ nằm đó nhìn tôi làm việc trên máy tính. Tôi tâm sự với bố rất nhiều mặc dù không biết ông có nghe được hết không. Bố nằm đó, tôi ngồi cạnh và nắm bàn tay sưng vù của bố, nói ra hết những lời chất chứa bấy lâu nay. Tôi nói với bố rằng giờ tôi đã trưởng thành, công việc của tôi đang tiến triển rất tốt. Bố tôi khi nghe tôi nói vậy cũng cười rất mãn nguyện.

Lần thứ hai tôi khóc, đó là lúc tôi ngồi bên cạnh bố đang nằm ngủ. Tôi bật bản nhạc Time của Hans Zimmer lên nghe, vừa nghe vừa lôi album ảnh gia đình mấy chục năm lưu giữ ra xem từng tấm một. Nhìn những tấm hình bố tươi cười bế tôi, cả gia đình quây quần bên nhau, cùng với tiếng nhạc xé tim gan của Hans Zimmer, tôi khóc nức nở. Tôi biết rằng những khoảnh khắc này sắp kết thúc, như tên bài hát “Time”, thời gian với bố tôi sắp hết. Tôi khóc thành tiếng nên bố tôi chợt tỉnh giấc, nhìn thấy con trai đang khóc bên cạnh mình cùng với đống ảnh bừa bộn, bố tôi hiểu tất cả. Bố chỉ vỗ vào lưng tôi và bảo: “Không sao đâu con!”, tôi vẫn khóc nấc và nói: “Sau này không có bố con biết sống sao bây giờ.” Đó là khoảnh khắc tôi trút hết được tâm tư của mình, tôi thừa nhận với bố rằng bố quan trọng với tôi đến nhường nào, nói lời cảm ơn sâu sắc đến bố, có lẽ tôi đã may mắn hơn rất nhiều người.

Khoảng thời gian tôi trông bố ở viện K Thanh Nhàn, nơi khám chữa cho bệnh nhân ung thư, quả thực rất ám ảnh. Người bệnh đông không kể xiết, họ phải rải chiếu nằm ra cả hành lang tòa nhà. Tiếng kêu đau thảm thiết vì hóa trị xạ trị, tiếng người nhà bệnh nhân khóc lóc, mùi y tế khắp nơi trong viện, đó là khung cảnh của những người đối mặt với án tử.

Tôi trông bố khoảng vài đêm ở đây, ông chẳng ngủ được mấy. Ông chỉ ngồi nhìn vào khoảng không trong căn phòng, với ánh mắt như mất hồn. Tôi rất thương bố, bóp tay chân cho bố đỡ mỏi, lấy bình oxy cho bố dễ thở. Bố tôi cứ nằng nặc bảo tôi đi về, không cần trông bố đâu nhưng tôi vẫn nhất quyết ở lại. Tôi ngủ gục ở bên giường cạnh bố nằm, bố tôi còn ngồi dậy, nhường chỗ ngủ cho tôi vì ông cũng không ngủ được. Bố tôi ngay cả lúc như vậy vẫn luôn nghĩ đến tôi, sợ tôi thiếu ngủ hôm sau không đi làm được.

Ở viện được hơn một tuần thì bố tôi đòi về nhà, bố ghét không khí nơi đây, muốn về nhà để được thoải mái. Ông nói rằng nếu có ra đi thì cũng chỉ muốn được ra đi ở nhà. Tôi và mẹ cũng đồng ý cho bố về nhà, ở bên bố những ngày tháng cuối cùng.

Một hôm, vào 5 giờ sáng, bố tôi đến giai đoạn không thể thở bình thường được, nói với tôi là thiếu oxy. Tôi lập tức gọi điện cho cửa hàng đồ y tế ở Phương Mai và phóng xe máy thật nhanh đi lấy bình oxy cho bố thở. Tôi hôm đó phóng xe rất ẩu, tốc độ 7–80km/h, tôi sợ rằng đi càng lâu thì nhỡ bố tắt thở thì sao. Đến nơi, tôi hỏi anh bán hàng nhanh gọn cách dùng rồi tức tốc chở bình về nhà. Về nhà lắp bình cho bố, bố thở một cách cực kỳ sảng khoái, tôi nhẹ cả người. Bố nói với tôi: “Bố cảm ơn con nhiều lắm!”. Có lẽ đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất bố nói cảm ơn tôi, tôi biết rằng bố nhiều lúc cũng tự hào về tôi nhưng chưa bao giờ nói ra thành lời. Hôm ấy tôi thực sự cảm động và cũng không ngủ được thêm nữa.

Mẹ kể với tôi rằng, có nhiều hôm bố chỉ ngồi ở đầu giường, ngắm mẹ ngủ. Bà bảo ông muốn nhìn bà những lần cuối trước khi đi, tôi thực sự rất nghẹn lòng. Tình yêu của bố thực sự đẹp, những giây phút cuối chỉ cần ngắm nhìn người mình yêu, người chăm sóc mình cả đời thôi, vậy là đủ.

Thời khắc chia ly

Cuối cùng, ngày ấy cũng đến, ngày bố tôi rời xa thế giới này. Hôm ấy tôi đang ngồi dạy gia sư cho học sinh, chị tôi thì đang ngồi xem tivi. Đúng 8 giờ 25 phút tối, bố kêu lên vài tiếng trước khi tắt thở. Tôi và chị tôi hốt hoảng gọi cấp cứu nhưng không kịp nữa rồi, bố tôi đã ra đi mãi mãi. Mắt bố tôi vẫn mở, chị tôi khóc nấc rồi vuốt mắt bố tôi cụp xuống.

Tôi lúc ấy không khóc một chút nào, tôi xuống báo tin cho mẹ đang ngồi họp phụ nữ dưới nhà, mẹ tôi khóc to và nói “Sao anh lại bỏ em đi!”. Tôi gọi điện báo tin cho các bác trong họ và mọi người cũng có mặt ngay sau ấy. Có lẽ, tôi đã chuẩn bị cho giây phút này từ lúc biết bệnh của bố rồi. Tôi đau đớn nghĩ đến sự chia ly từng ngày, vậy nên khi bố ra đi, tôi không thể khóc được nữa.

Sáng hôm sau, tôi đưa bố đến nhà tang lễ Phùng Hưng và làm thủ tục lễ tang cho bố. Chiều hôm ấy, tôi chở bác trưởng về quê để mua một phần đất cho bố nằm. Gặp những ông trong ban trưởng làng rất phiền phức, thế này không được, thế kia không xong. Người thì bảo phải nằm ở phần mộ riêng đã dựng sẵn, bác tôi thì bảo để bố nằm sau mộ ông bà. Tranh cãi một hồi lâu, bác bảo tôi quyết định đi. Tôi lúc này tâm trạng rối bời, chỉ nói rằng bây giờ chỉ cần có một chỗ cho bố cháu yên nghỉ là được, các ông giúp cháu.

Sau khi lấy mộ về nhà, tôi hớt hải chạy vòng quanh phường để làm giấy chứng tử cho kịp hôm sau làm lễ tang. Lên phường tôi phải chờ một lúc lâu, sau đó họ mới bảo về xin chữ ký của tổ trưởng khu vực. Tôi sang nhà bác tổ trưởng nhưng bác không có nhà, tôi mất bình tĩnh đi tìm bác khắp nơi và bắt gặp đang đi bộ trên đường. Xin được chữ ký của bác, tôi vòng về phường, cán bộ phường lại nói phải đi xin chữ ký của công an khu vực nữa. Tôi lại tiếp tục đi xin chữ ký công an khu vực, may mắn là họ ký ngay lập tức cho tôi, còn dặn tôi nhanh lên không hết giờ làm việc đấy. Tôi cầm đầy đủ giấy tờ về phường thì đã quá giờ làm việc, tôi cầu xin các cô làm nốt cho tôi để mai kịp lễ tang, họ mủi lòng và giúp tôi làm nốt giấy chứng tử.

Tất cả chuyện này cùng với tâm trạng mất bố đối với tôi là quá tải, tôi dường như phải trưởng thành và làm những chuyện này khi mới chỉ 21 tuổi. Cái giá của sự trưởng thành thật sự là quá đắt, tôi ước gì mình không bao giờ phải làm những công việc này.

Ngày làm lễ tang, tôi đứng đầu hàng cùng gia đình để cảm ơn những người đi viếng. Suốt cả buổi cho đến lúc bác tôi đọc điếu văn và đưa tiễn bố tôi về quê, tôi không khóc một tiếng nào. Mặt tôi lạnh tanh như tiền, bạn bè tôi có hỏi sao tôi không khóc, tôi bảo rằng lúc đó tôi không muốn khóc. Những người không khóc ở lễ tang là những người đã chịu dằn vặt từ rất lâu rồi, nên khi giờ phút ấy đến, họ không hề muốn khóc. Trước linh cữu của bố tôi, tôi không hề muốn ủy mị, tôi muốn chứng minh cho ông thấy tôi đã trưởng thành và sẵn sàng thay ông gánh vác gia đình.

Sau này, một người chị có căn đến viếng nói với tôi rằng, chị thấy bố em ở lễ tang, trong góc nhìn của bố chỉ có mỗi em cầm gậy đứng đó, tất cả mọi người đều biến mất. Tôi hỏi sao lại vậy, thì chị nói bố tin tưởng ở em rất nhiều, gắng lên em nhé! Tôi luôn khắc ghi những lời đó và dặn mình phải thật cố gắng để bố ở trên kia nhìn xuống sẽ thấy được và mỉm cười.

Những khoảng trống

Có thể nói rằng cảm giác trống vắng khi người thân, người sinh hoạt cùng nhà, người gặp nhau và nói chuyện hàng ngày ra đi quả thực vô cùng đau đớn. Tôi vẫn thắp hương hàng ngày cho bố tôi ở bàn thờ bốn chín ngày. Trên bàn thờ có để một cái đài nhỏ, tiếng nhạc từ đài luôn làm tôi ám ảnh và nhớ về khoảng thời gian ấy.

Nam mô A Di Đà Phật, nam mô A Di Đà Phật, nam mô A Di Đà Phật

Những tiếng hát lặp đi lặp lại của người đàn ông trong đài khiến tôi vô cùng não nề, tôi sợ phải nghe tiếng hát đó.

Trong một năm trời, tôi rất sợ buổi đêm, cứ trước khi nhắm mắt, tôi lại nhớ về bố. Tôi ghét trí nhớ thấu niệm của tôi, tôi cứ nhớ từng khoảng khắc, hình ảnh, câu nói của tôi với bố. Mọi hình ảnh của ông cứ lặp đi lặp lại khiến tôi bị đau ngực và khó ngủ. Cảm giác trống vắng này chỉ thời gian mới có thể xóa nhòa.

Sau khi bố mất, cả hai mẹ con đều cảm thấy trống vắng vô cùng, vì thế tôi dành tiền mua một chú chó pug về nuôi. Từ ngày có chú, tôi và mẹ cũng đỡ buồn hơn. Tôi nghĩ rằng nếu bố về nhà, kiểu gì bố cũng quý chú. Bố tôi tuổi Tuất nên chú chó luôn làm tôi nhớ về bố, nhớ về những tháng ngày trống vắng mà nhờ có chú tôi và mẹ được xoa dịu phần nào. Chú chó làm tôi nhớ lại hồi tôi ở bên bố, tôi có nói rằng: “Con là con trai, nên con mãi là chú chó trung thành của bố, con sẽ luôn ở đây bên bố, bố đừng sợ nhé!”

Hiện tại

Một năm sau ngày mất của bố, tôi cũng nguôi ngoai phần nào, trở lại cuộc sống bình thường. Tôi và mẹ liên lạc với họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp cũ của bố để mời đến ăn giỗ đầu.

Hôm ấy, trời mưa bão, tôi nghĩ rằng thời tiết xấu như vậy thì giỗ đầu của bố sẽ thưa người. Nhưng ngược lại, tất cả mọi người thân quen của ông đều đến đủ không thiếu một ai, khiến tôi rất xúc động. Điều ấy chứng tỏ rằng khi còn sống, bố tôi đã sống một cuộc đời được mọi người quý mến, tôn trọng rất nhiều. Tôi chưa kịp ăn gì, mời rượu mỗi người một ly để bày tỏ lòng cảm kích của tôi với sự nhiệt tình của họ. Sau đó, tôi say không biết trời đất là gì.

Thấm thoát đã tám năm, hiện tại, tôi và chị gái đã có một cuộc sống ổn định và hết lòng chăm lo cho mẹ tôi. Tôi đã gặt hái được nhiều điều trong cuộc sống và vẫn luôn kể cho bố mỗi lần thắp hương, tôi chào bố hàng ngày mỗi khi đi làm.
Nhiều lúc tôi nghĩ, không hiểu sao một người lương thiện như bố tôi lại phải ra đi sớm như vậy, ông quá thiệt thòi, cả cuộc đời gánh vác, đến cuối cùng khi những thành quả của con cái đến thì lại không được chứng kiến. Nhưng tôi dặn lòng rằng bố ở trên kia vẫn luôn dõi theo tôi, bố thấy mọi điều tôi làm và vì thế tôi càng phải trở nên cố gắng hơn nữa. Bố sẽ mãi là tấm gương mà tôi noi theo và sau này tôi sẽ dạy con tôi y như cách mà bố đã dạy mình. Nói với chúng rằng ông nội chúng là một người tuyệt vời, đáng kính như thế nào!
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
31
Điểm cảm xúc
93
Điểm
18
Chương 13: Âm nhạc
Các bạn có bao giờ nghe nhiều lần một bài hát, rồi thời gian sau nghe lại thì liên tưởng ngay đến khoảng thời gian đó không? Tôi thường xuyên có cảm giác đó và âm nhạc giúp tôi hoài niệm một cách nhẹ nhàng, sống động hơn. Những bài hát thời thơ ấu cũng vậy, tôi vẫn nhớ những sự kiện gắn liền với những bài hát đó:

Khi nghe bài hát “Hy vọng” (LK, Young Uno), tôi nhớ ngay đến khoảng thời gian tôi đọc bộ truyện tranh “Bảy Viên Ngọc Rồng” (Dragon Ball) huyền thoại. Tôi nằm ở đầu giường, dưới cửa sổ có ánh nắng chiếu vào, tôi đọc từng trang truyện với sự chăm chú tuyệt đối, tuy nhiên tiếng nhạc từ chiếc đài vẫn len lỏi vào tầm trí tôi. Đọc đến đoạn nhân vật Goku bị đối thủ đánh gục, rồi sau đó từ từ đứng dậy rồi hóa “Siêu Xay Da” cùng với tiếng nhạc của bài hát Hy Vọng khiến tôi nổi da gà:

Có khi nào bạn đánh mất đi chính mình và lạc lối giữa bao con người,
giữa dòng đời chìm trong màu đen.
Đi về đâu đi về đâu.
U mê trong cơn mơ tìm một lối đi cho riêng ta.
Cuộc sống trôi đi không buông tha ngày tháng qua.
Xua tan bao đêm đen để được thấy chút ít ánh sáng và nỗi đau phôi pha đi mau.
Từng cánh tay yếu đuối vươn lên nguyện cầu.


Bài hát “Bức thư tình đầu tiên” của Tấn Minh chị tôi từng nghe trên đài rất nhiều khi tôi còn bé, lời hát “Anh đã mơ về, ngôi nhà và những đứa trẻ” khiến tôi liên tưởng ngay đến khoảng thời gian tôi chơi trò chơi “Grand Theft Auto – Vice City” trên máy tính. Những pha cướp xe đầy chất tội phạm, những cuộc rượt đuổi cùng với cảnh sát không liên quan đến lời bài hát lắm và tôi chỉ nghe một cách bị động vì chị tôi bật nhưng tôi luôn nhớ về khoảnh khắc ấy mỗi khi nghe lại.

Bài hát Hàn Quốc “Because Im Stupid” của nhóm nhạc SS501 luôn làm tôi nhớ đến khoảng thời gian học lớp 7, dùng Yahoo chat chit với các bạn cùng lớp. Các bạn xem phim “Vườn Sao Băng” và giới thiệu tôi nghe. Tôi rất thích bài này và nghe đi nghe lại, vừa nghe vừa xem bạn nào online thì tôi “Buzz” để nói chuyện suốt cả buổi tối.

Đó chỉ là một vài bài hát trong rất nhiều kỷ niệm gắn liền với âm nhạc của tôi. Âm nhạc thực sự rất quan trọng với tôi, không chỉ giúp tôi hoài niệm mà chúng còn truyền cảm hứng cho tôi, giúp tôi hưng phấn trong cuộc sống. Nghe nhạc cũng là cách để tôi đối diện với nỗi buồn, tôi muốn đạt đến tận cùng của sự cô đơn, buồn bã, chán nản, trống vắng,... cùng tiếng nhạc da diết. Nhạc khiến tôi nhân sự buồn đó lên vài lần trong lúc ấy nhưng sau đó tôi trở lại bình thường và vui vẻ.

Cách tiếp cận âm nhạc những năm 2000

Âm nhạc những năm 2000 quả thực luôn gây ấn tượng mạnh mẽ trong trí nhớ của tôi. Tuy chưa phát triển như âm nhạc ngày nay nhưng nó vô cùng mới mẻ, đa dạng và cuốn hút. Từ nhạc Việt, nhạc Hàn, nhạc Âu Mỹ, tất cả đều khiến tôi rất thích thú và tôi nghe nhạc mọi lúc mọi nơi. Tuy không có điện thoại, máy tính, mạng xã hội để tiếp cận nhạc mới dễ dàng nhưng tôi có nhiều cách khác để thực hiện:

Tôi nhớ được tiếng hát nhại của những bạn học trên lớp, những đứa trẻ trong xóm, chúng vừa chơi vừa hát rất vui vẻ. Đứa nào nghe thấy hay thì lại hỏi là bài gì, những bài hát mới từ đó lan truyền rất nhanh theo phương pháp truyền miệng. Hồi ấy, những bài hát nổi tiếng như “Một vòng Trái Đất”, “Con đường mưa” mà có đứa chưa nghe là sẽ bị trêu nhà quê, rất ngộ nghĩnh. Thậm chí những đứa bạn học của tôi còn biết cả lời nhạc chế của những bài hát đó, lời khá tục nên tôi không tiện miêu tả. Phải nói rằng trong mắt tôi, những cậu bạn biết nhiều về âm nhạc lúc ấy rất sành điệu.

Nghe nhạc trên radio cũng rất phổ biến ở thời điểm đó, những chiếc radio chạy bằng đĩa CD đã dần du nhập vào Việt Nam. Với giá thành khoảng 300 nghìn, chiếc đài giúp tôi và chị gái có thể nghe nhạc ở khắp nơi trên thế giới. Hồi ấy, có một dịch vụ “ăn nên làm ra” đó là ghi đĩa nhạc. Rất ít nhà có máy tính cùng internet để tải nhạc nên khi muốn nghe nhạc theo sở thích thì phải ra hàng ghi nhạc ra đĩa CD. Dịch vụ này rất đơn giản, chủ quán chỉ cần có máy tính được kết nối internet (trọn gói để tải nhạc không giới hạn) và lắp thêm ổ ghi đĩa là có thể kinh doanh. Khách chỉ cần ghi tên 10 bài hát mà họ muốn, có thể tham khảo danh sách bài hát mới ở quán, hôm sau là đã có một chiếc CD mới toanh theo danh sách đó để nghe đài radio. Chị tôi khi ghi đĩa nếu chưa đủ 10 bài, thường hỏi tôi có muốn ghi bài gì không, tôi rất phấn khích và háo hức chờ đĩa mới.

Quán net là nơi tiếp cận những bài nhạc “xu hướng” rất hiệu quả. Chủ quán net thường là những anh lớn rất chăm cập nhật nhạc mới và bật cho cả quán nghe. Hồi ấy, tôi từng phát cuồng bài “Dragostea Din Tei” hay được biết đến “Alo Picasso” của O-Zone, giai điệu “Ma ia hi, ma ia hu, ma ia ha, ma ia há ha” xuất hiện mọi lúc ở quán net. Đến nỗi khi ra quán chép nhạc, tôi phải hát nhại lại cho chủ quán nghe để tìm tên bài hát. Phải nói chủ quán chép nhạc còn giỏi hơn cả Google! Ngoài “Dragostea Din Tei”, còn có rất nhiều bài hay ở quán net như “Walking in the sun” - Degauss, “Lucky” - Lucky Twice,... mà đến nay tôi vẫn hay nghe lại.

Cũng ở tiệm net, nguồn âm nhạc mới đến với tôi từ tựa game Audition - Nhịp Điệu Cuộc Sống. Chắc hẳn ai cũng biết bài “Tuyết Yêu Thương” của rapper Young Uno (tốc độ 125) hay “Chính em” - Lương Bàng Quang (120). Audition cũng có nhiều nhạc Hàn hay như S.O.S (tốc độ 76 chậm nhất game), “Aloha” - Cool (110), “Please tell me why” - FreeStyle(78), "Fan" - Epik High(166).

Sau này lắp cáp truyền hình với nhiều kênh mới, tôi ưa thích nghe nhạc từ kênh iTV. Trên đây sẽ phát nhạc theo yêu cầu của người nghe, chỉ cần soạn tin nhắn tên bài hát rồi gửi đến tổng đài. Tất cả những bài hát thịnh hành nhất sẽ được phát trên kênh này, từ đó tôi cũng biết tên những bài hát đó và ghi ra đĩa để nghe lại.

Nhạc Việt

Nhạc Việt thời bấy giờ vẫn còn rất sơ khai, không được đầu tư chỉnh chu như hiện tại, thậm chí rất nhiều bài hát được đạo lại từ nhạc nước ngoài. Tuy nhiên không đứa trẻ nào thời ấy là không biết đến bài hát của những ca sĩ nổi tiếng như Mỹ Tâm ( Đời sinh viên có cây đàn ghi ta, đàn ngân lên chúng ta cùng hòa ca... ), Ưng Hoàng Phúc (Thà như thế, thà rằng như thế, thà đừng cố níu kéo nát tan lòng nhau chi hỡi em...), Lam Trường ( Katy Katy em hãy vui lên, hãy cố vui cười lên, nỗi buồn sẽ trôi dần trong lãng quên, và em, yêu đi đừng suy tư mãi...), Duy Mạnh (Giờ ta chẳng còn chi, mãi trắng tay mà thôi, đời bạc gian lắm phũ phàng...) cùng với rất nhiều ca sỹ khác như Đan Trường, Lý Hải, Tuấn Hưng, Ngô Kiến Huy, Quang Vinh, Bảo Thy, Cao Thái Sơn, Đông Nhi,...

Có thể thời ấy không có những mạng xã hội Youtube, Facebook, Tiktok như bây giờ nhưng độ phủ sóng của họ lan truyền đến khắp mọi con phố, mọi ngóc ngách của Hà Nội. Từ những đứa trẻ tiểu học, những anh chị lớn hay thậm chí những bậc cha mẹ cũng đều biết đến những bài hát, ca sĩ này. Tôi không nằm ngoài “xu hướng”, rất thích nghe nhạc của Ưng Hoàng Phúc và Lam Trường. Tuy lời bài hát về tình cảm lứa đôi tôi không hiểu lắm nhưng giai điệu nghe rất lôi cuốn và bắt tai, phong cách của họ cũng nam tính và mạnh mẽ.

Phong trào hip hop, Rap Việt thời ấy cũng nổi lên mạnh mẽ với dòng nhạc Rap Love. Tôi du nhập dòng nhạc này từ chị tôi, chị thường mua đĩa của những rapper nổi tiếng thời bấy giờ như LK, Young Uno, Andree Right Hand, Justa Tee... Những thanh niên thời bấy giờ không thể không biết tới những bản hit “Cơn mưa qua”, “Ký ức học trò”, “1 Cái tên”,... Tôi hứng thú với những bản nhạc rap vì chúng nghe rất ngầu cùng giai điệu lôi cuốn. Tôi tò mò không hiểu sao họ lại hát được tốc độ nhanh như vậy và cũng cố học vẹt một vài câu rap để lên lớp khè các bạn.

Bài hát “Tiểu thuyết tình yêu” của Lee7 và Andre là bài rap đậm chất tuổi thơ nhất của tôi. Tôi nghe nó nhiều đến nỗi thuộc hết cả lời, khi nghe bài hát tôi nhớ về năm tháng tôi hay đi bộ ra phố Lương Yên để thuê truyện tranh, tôi nhớ cả mùi lò bánh thơm nức mũi trên con đường. Thực sự là kỷ niệm đẹp đối với tôi!

Thời ấy còn nổi lên dòng nhạc rap chửi hay còn gọi là rap dizz, mang những từ ngữ đầy đả kích, tục tĩu của các rapper chửi nhau, thậm chí còn bôi bác cả chế độ và thời ấy chưa có kiểm duyệt như bây giờ. Tôi nhớ một cái tên rất nổi tiếng thời bấy giờ đó là Chip Nhỏ, với bản hit “Hải Phòng Sao” công kích dân Hải Phòng. Đám bạn trên lớp của tôi thuộc làu làu bài này và hay hát cho nhau nghe. Ngoài những đoạn chửi tục, tôi chỉ nhớ mỗi đoạn “Tưởng mình là Đan Trường, nằm trên giường hát cải lương”, tôi cũng hay dùng lời bài hát để chửi nhau với đứa tôi ghét. Tôi tò mò không biết Chip Nhỏ sau này ra sao sau bài nhạc đó, đọc trên diễn đàn Voz người thì nói anh ta đã bị dân Hải Phòng chém, người thì bảo đã ở ẩn không xuất hiện lại. Dù gì thì cái tên Chip Nhỏ luôn là cái tên “nhắc là nhớ” của bao thế hệ 8x, 9x.

Sau này lên cấp 2, tôi bắt đầu nghe những cái tên mới hơn trong làng rap như Lil Shady, Kyo, Binz,... Phong trào rap thời bấy giờ tuy không chuyên nghiệp cũng như nhiều kỹ thuật như hiện nay nhưng luôn để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi.

Kpop

Tôi là người tiếp cận đến nhạc Hàn Quốc từ rất sớm vì chị tôi là một fan hâm mộ đời đầu của nhóm nhạc tiền bối H.O.T (Highfive Of Teenagers) theo thể loại Rock, nhóm có kỹ năng hát và vũ đạo rất lôi cuốn. Tôi bị chị tôi “đầu độc” và cũng hâm mộ nhóm nhạc nam này. Chị tôi thì thích nhóm trưởng Hee Joon với phong cách cá tính, còn tôi thì thích thành viên Kang-ta vì đẹp trai và hát hay. Tôi háo hức mỗi lần chị tôi mua album của nhóm về, chị và tôi còn dán biểu tượng của nhóm khắp nơi trong phòng. Những bản hit của HOT mà tôi vẫn nhớ đó là "We are the future", "I yah!", "Full Of Happiness".

Sau HOT, năm 2008 là thời kì cực thịnh của những nhóm nhạc idol Kpop, lượng người hâm mộ đến cả triệu người khắp nơi trên thế giới. Phong cách, thể loại, vũ đạo của Hàn Quốc đã mới mẻ và đa dạng hơn rất nhiều. Không chỉ còn là một vài nhóm như Shinhwa, HOT, số lượng nhóm nhạc cả nam lẫn nữ đến cả tá: SNSD (Genie, Gee, Oh!, Mr Taxi,...), Super Junior (Sorry Sorry, Its you, Bonamana,...), 2PM (Without You, I will be back, Again & Again,...), T-Ara (Why you being like this, Day by day, Roly Poly,... ), Wonder Girls (Nobody), 2NE1 (Fire, I don’t care,...) Nhưng nổi bật hơn tất cả và cạnh tranh gắt gao với nhau, DBSK(Mirotic, Lovin You, Forever love, Bolero,...) và Big Bang (Haru Haru, Lies, Beautiful Hangover, Tonight...)

Tôi là một người hâm mộ của nhóm nhạc DBSK, và thành viên tôi thích nhất lúc ấy là Hero (Jeajoong). Tôi hâm mộ nhóm này vì họ hát rất hay, nội lực, phong cách ngầu và nam tính, đặc biệt nhảy rất đẹp. Phải nói rằng sự hâm mộ của tôi thời ấy khá mãnh liệt. Tôi tạo nguyên một danh sách nhạc của riêng DBSK gồm gần hai chục bài trong máy tính, cắt tóc giống thành viên Hero và bắt chước vũ đạo của nhóm. Sau này nhóm tan rã tôi cũng không nghe nhạc Hàn nữa, phần vì buồn, không còn được nghe DBSK, phần vì tôi cũng không thích phong cách Kpop thời nay lắm.

Bạn cấp hai của tôi đứa nào cũng hâm mộ hoặc nghe Kpop. Mỗi người có thần tượng của riêng mình, tuy nhiên fan của DBSK và Big Bang thường xuyên tranh cãi và cho rằng thần tượng của mình hay hơn. Chúng tôi có thể tranh luận hàng tiếng, cả trong giờ học để nói về hai nhóm này. Hội con trai tôi chơi cùng đa số thì thích DBSK, duy chỉ có một anh bạn tên Quân thích Big Bang và GDragon. Mỗi khi tranh cãi, Quân cùng các bạn nữ cũng thích Big Bang đối đầu với chúng tôi. Fan DBSK thì bảo nhóm hát hay, nhảy đẹp, Hero đẹp trai hơn còn fan Big Bang thì nói nhóm hát nhạc sôi động, phong cách Âu Mỹ hiện đại, GDragon phong cách hơn. Mỗi người một ý tạo thành những mẩu chuyện rất buồn cười trên lớp học.

Nhắc đến Quân, cậu còn là một đứa nhảy rất giỏi. Cậu có thể bắt chước vũ đạo của các nhóm nhạc và nhảy theo. Cậu còn được chị em trong lớp hò reo ríu rít và năn nỉ cậu nhảy bằng được. Tôi vẫn nhớ có lần cậu ta nhảy bài Mirotic của DBSK và Ring Ding Dong của Shinee trên bục giảng giờ ra chơi rất mượt, như trong MV. Các bạn nữ trong lớp thì vỗ tay, hò reo không ngớt, tôi và nhóm bạn trai thì tấm tắc khen giỏi. Đến nay, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nhắc lại vụ đó và cười rất sảng khoái.

Nhạc Âu Mỹ

Tôi nghe nhạc Âu Mỹ lần đầu tiên từ bố tôi, ông là fan hâm mộ của Michael Jackson và Modern Talking. Ông sắm dàn âm li và loa rất xịn, treo bốn góc tường ở phòng khách. Ông thường xuyên bật nhạc của Modern Talking ở phòng khách, tôi buộc phải nghe và rất may nhạc của họ quá hay. Hai bản hit “Cheri Cheri Lady” và “Sexy Sexy Lover” cùng dàn loa của bố khiến tôi không thể ngồi yên, ra phòng khách nhún nhảy theo điệu nhạc. Bố tôi thấy tôi cũng thích nên rất vui, luôn hỏi tôi thấy nhạc hay không. Nghe nhạc của Modern Talking cũng khiến tôi nhớ về những kỷ niệm tươi vui bên bố.

Michael Jackson thì chinh phục tôi bằng cả hình ảnh lẫn âm thanh. Ông vua nhạc Pop và cũng là ông vua của những điệu nhảy là những gì mà tôi nghĩ về Michael thời bấy giờ. Bố tôi có cả bộ sưu tập đĩa của Michael Jackson với đủ những bản hit của ông như : Heal the World, You Are Not Alone, Earth Song,... Những MV ca nhạc của Michael được đầu tư rất hoành tráng, nội dung phong phú cùng những điệu nhảy huyền thoại của ông luôn khiến tôi mãn nhãn. Tôi vẫn nhớ lần đầu xem bài Smooth Criminal khiến tôi nổi da gà về độ ngầu và tài năng nhảy của Michael. Cú Moonwalk và nghiêng người 45 độ của Michael làm tôi bắt chước mãi mà chỉ toàn ngã.

Vẫn là chị tôi, người ảnh hưởng đến tuổi thơ âm nhạc của tôi rất nhiều, một lần nữa “đầu độc” tôi với những nhóm nhạc huyền thoại thời bấy giờ như Backstreet Boys (I want it that way, Shape of my heart, As long as you love me,...), Westlife (My love, I lay my love on you, Uptown Girl,...), A1 (Everytime, Treat me like a rose,...), NSync (Bye bye bye, I will never stop,..) cùng rất nhiều nhóm nhạc khác như Blue, All4One, Michael Learn to Rock,...

Nhóm nhạc Âu Mỹ những năm 2000 là những huyền thoại trong lòng tôi. Từ giai điệu, lời bài hát, hình ảnh, ngoại hình của “những ông chú” quả thực không thể chê vào đâu được. Dù hiện tại họ không còn hoạt động nữa nhưng họ vẫn sống mãi trong lòng người hâm mộ. Những tác phẩm nghe rất bắt tai nhưng vẫn mang tính trường tồn, xứng đáng trong danh sách nhạc bất hủ.

Âm nhạc hiện tại

Hiện tại âm nhạc đã phát triển vượt bậc, có nhiều dòng nhạc mới mẻ, hiện đại. Tính chuyên nghiệp về hình ảnh lẫn âm thanh đều hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, không ít những âm nhạc vì đồng tiền, được gọi là “nhạc thị trường” với phương châm mì ăn liền, nghe dễ bắt tai và người nghe được một thời gian ngắn là chán, cùng với những MV độc hại, không nhiều giá trị nghệ thuật. Ngày trước tôi cập nhật danh sách nhạc mỗi ngày nhưng hiện nay tôi rất ít nghe nhạc mới, hầu như là nghe những bản nhạc cũ đã lưu trong máy từ rất lâu về trước. Tuy âm nhạc hiện đại màu mỡ là vậy, nhưng để tìm một bài hát mà tôi tâm đắc, nghe đi nghe lại quả thực khó hơn trước rất nhiều. Ngày mà Bruno Mars và Lady Gaga ra bài “Die With A Smile”, tôi như được sống lại trong âm nhạc của những năm tháng đỉnh cao, khi mà những ca sĩ hàng đầu ngẫu nhiên hợp tác. Tôi cần những bài hát như vậy, nghe đi nghe lại nhiều lần, để sau này 20 năm, tôi sẽ hoài niệm về hiện tại như đã từng.
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
31
Điểm cảm xúc
93
Điểm
18
Chương 14: Truyện tranh
Truyện tranh là món ăn tinh thần không thể thiếu của giới trẻ mọi thế hệ, giúp ta xả stress sau những giờ đi học, đi làm căng thẳng. Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận đến truyện tranh trên internet với vô số thể loại từ phiêu lưu, tình cảm, kinh dị, hài hước,... Với công nghệ, khả năng con người ngày càng phát triển, những nét vẽ hay nội dung của truyện tranh ngày càng phong phú, chất lượng và giàu tính logic. Tuy nhiên, chúng không thể cho cảm giác phấn khích, mãn nguyện như đọc truyện tranh thời thơ ấu của tôi.

Từ những năm 90, truyện tranh đã cập bến Việt Nam với rất nhiều thể loại và được giới trẻ ưa thích, đặc biệt là truyện tranh đến từ Nhật Bản. Một số bộ truyện được coi là huyền thoại thời bấy giờ và nhắc đến tên đứa trẻ nào cũng biết có thể kể đến: Bảy Viên Ngọc Rồng, Doraemon, Conan, Dấu Ấn Rồng Thiêng, Black Jack, Thủy Thủ Mặt Trăng, Nữ Hoàng Ai Cập, Ninja Loạn Thị,...

Đọc truyện tranh thời bấy giờ cảm giác rất khác vì trẻ em phải đọc bằng truyện giấy chứ không thể đọc qua máy tính hay điện thoại. Có nhiều cách để đọc một cuốn truyện: mua ở cửa hàng sách hoặc sạp báo, mượn của bạn bè hay đi thuê truyện. Tôi rất mê truyện tranh nên cả ba cách tôi đều sử dụng.

Hồi ấy, tôi hay đi mua truyện Conan của nhà xuất bản Kim Đồng từ sạp báo cách nhà tôi một cây số. Truyện không ra theo chương mỗi tuần như hiện tại mà ra theo tập, một tháng một lần và mỗi truyện có một ngày ra khác nhau. Truyện Conan với nội dung trinh thám đầy bí ẩn và cuốn hút nên tôi rất háo hức chờ một tháng để có trong tay cuốn truyện mới nhất.

Đến ngày ra tập Conan mới, tôi háo hức từ lúc trên lớp học. Tiếng trống trường tan học làm tôi cực kì sung sướng. Sau khi từ trường về nhà, tôi vội vàng cất cặp và mặc nguyên bộ đồng phục chạy đi mua truyện. Quãng đường một cây số không dài nhưng tôi chạy hết sức có thể vì sợ người khác mua hết, khi đến sạp báo tôi thở hồng hộc. Chị bán truyện nhìn thấy tôi chạy đến biết ngay là khách quen, bảo:

- Mạnh đấy à, Conan tập mới của em đây!

Tôi vui sướng với câu nói ấy của chị, ngược lại, tôi rất sợ khi chị nói “Tập mới người ta mua hết rồi em ạ”. Trên tay cuốn truyện, tôi vén những trang truyện hít hà mùi giấy mới, sờ bìa truyện phẳng phiu, mịn hoàn hảo. Tôi đọc hết cuốn truyện chỉ trong một buổi tối, và lại tiếp tục hụt hẫng chờ đợi một tháng trời. Tuy vậy, mục đích mua cuốn truyện không phải chỉ để đọc, mà còn để sưu tầm. Tôi không mua nhiều truyện nhưng truyện nào mà tôi mua là tôi sẽ mua đủ không thiếu tập nào. Tôi có một góc tủ riêng để truyện, sắp xếp ngăn nắp thành từng góc, gáy truyện hướng ra ngoài và theo thứ tự từ tập một đến tập cuối. Thỉnh thoảng, tôi chỉ mở tủ ra và ngắm những cuốn truyện là đủ thích rồi. Tôi luôn giữ truyện của mình như mới, không làm quăn hay gấp nếp, tuy nhiên, chúng bạn của tôi lại không như vậy. Sau vài lần cho bạn bè mượn truyện đọc, lúc thì bị gấp nếp, lúc thì bị rách, lúc thì bẩn khiến tôi rất khó chịu. Từ đó, tôi chỉ cho những chị lớn trong xóm mượn truyện, vì các chị đọc truyện rất giữ gìn và cẩn thận, các chị còn cho tôi mượn những bộ truyện khác nữa.

Số lượng truyện trên thị trường là rất nhiều nên tôi không thể mua hết nhưng tôi vẫn muốn đọc chúng, vì vậy tôi đi mượn truyện từ tất cả những người tôi biết từ trường lớp đến trong xóm.

Cuốn truyện đầu tiên đưa tôi đến sở thích đọc truyện tranh đó là Thần Đồng Đất Việt của nhà xuất bản Trẻ, mượn từ anh Việt Anh chơi thân trong xóm. Thần Đồng Đất Việt nói về thần đồng Trạng Tí và bạn bè vào thời kì xưa của Đại Việt. Truyện dựa trên nhiều điển tích, điển cố có thật của nhiều nhân vật lịch sử Việt Nam, cùng với đó là những nét văn hóa xưa như câu đối hay trò chơi dân gian. Truyện với trang bìa rất đơn giản và nhỏ nhắn nhưng nội dung thì rất hay và dí dỏm. Đây cũng là bộ truyện hiếm hoi của nhà xuất bản trong nước gây được tiếng vang thời điểm đó.

Tập một của Thần Đồng Đất Việt có tên Pháp sư gọi Bưởi, tôi tò mò không biết nhân vật Trạng Tí trong truyện có phép thuật gì mà lấy được trái bưởi từ dưới hố sâu. Nhưng hóa ra cậu ta gọi bưởi bằng trí thông minh của mình, bằng cách đổ đầy nước xuống hố và quả bưởi từ từ nhô lên. Tôi thích nhân vật Trạng Tí vì cậu rất thông minh và tốt bụng. Cậu hiếu thảo với mẹ, bênh vực bạn bè và dùng trí thông minh để bảo vệ dân lành trước những tên địa chủ xấu xa, tham lam. Truyện có rất nhiều kiến thức, bài học hữu ích mà trẻ em có thể noi theo mà vẫn cuốn hút khi đọc, ngày nay khó có thể tìm được cho trẻ cuốn truyện như vậy.

Sau một khoảng thời gian mượn truyện, tôi nhận thấy điều này còn nhiều thiếu sót như chờ đợi, thiếu tập, lượng truyện hạn chế nên tôi quyết định đi thuê truyện. Thời ấy, ngành kinh doanh cho thuê truyện rất khởi sắc. Những cửa hàng cho thuê truyện cũng mọc lên rất nhiều với đủ các thể loại truyện đang hiện hành. Lần đầu tôi thuê ở một cửa hàng cho thuê lâu năm do hai ông bà đã nhiều tuổi mở ở phố Lê Quý Đôn. Hàng thuê truyện chỉ có một tấm biển bằng bìa ghi dòng chữ to bằng bút dạ “CHO THUÊ TRUYỆN” rất đơn giản. Tuy nhiên, do ông bà đã nhiều tuổi nên cũng không cập nhật được nhiều những loại truyện mới mà đa số là truyện cũ nên tôi chuyển qua thuê ở một quán khác ở phố Lương Yên, cách nhà tôi hơn một cây số.

Cửa hàng cho thuê truyện ở phố Lương Yên là một nơi gắn liền tuổi thơ của tôi. Tôi thuê truyện ở đây cũng khoảng hai năm, đều như vắt chanh, một tuần tôi ghé qua khoảng ba đến bốn lần. Niềm vui của tôi những năm lớp ba đến lớp năm gắn bó rất nhiều với nơi đây. Cửa hàng là của một bác lấy mặt bằng tầng một nhà riêng để cho thuê truyện. Bác giao phó hết cho anh con trai út đang học đại học quản lý cửa hàng, bác chỉ giúp trông quán mà thôi.

Anh chủ quán tên Đức, còn trẻ nên truyện anh nhập về đều là những truyện rất mới và đang thịnh hành, những truyện dài tập nổi tiếng khác anh cũng có trọn bộ và không thiếu truyện gì. Hồi đó, tôi thuê truyện với giá 500 đồng một ngày cho một tập và phải cọc theo giá tiền được ghi đằng sau quyển truyện. Vì vậy, tôi chỉ thuê một lần từ một đến hai cuốn, và đọc trong một ngày là trả. Sau khoảng một tháng tôi thường xuyên thuê truyện ở đây, anh Đức cho tôi thuê truyện mà không cần cọc, và thời kì đỉnh cao đọc truyện tranh của tôi bắt đầu.

Quán thuê truyện có rất nhiều những bộ truyện mới mà tôi không thấy ở sạp báo hoặc đi mượn. Hàng loạt những bộ truyện mới và hay ho như Naruto, Inuyasha, Doreamon Bóng Chày, Shin Cậu Bé Bút Chì, Siêu Quậy Teppei, Mar, Hiệp Khách Giang Hồ, Diêm Đế, Ranma ½, Con Quay Truyền Thuyết, Đội Quân Nhí Nhố... Những bộ truyện này gắn liền với ký ức tươi đẹp của tôi, quãng thời gian đó sau khi đi học về, việc đầu tiên tôi làm là đi bộ ra quán truyện.

Trên đường đến quán truyện, tôi cũng nhớ những cảnh vật xung quanh, từ quán nước đầu phố có máy chơi xèng, cửa hàng bán bánh mùi thơm nức mũi và tấm biển cho thuê truyện nền trắng chữ xanh rất giản dị. Mỗi ngày tôi ra đây là mỗi ngày vui, đọc những bộ truyện với tình tiết ly kỳ, hồi hộp. Những hôm rảnh rỗi, tôi ngồi đọc tại chỗ với anh Đức, vừa đọc vừa hỏi anh về tình tiết trong truyện. Anh rất vui tính và cởi mở, coi tôi như em trai vậy. Anh luôn giữ tập mới cho tôi, bảo để dành cho thằng Mạnh, dặn mẹ không cho ai thuê. Mẹ anh Đức cũng quý tôi, nhiều lần còn mời tôi ở lại ăn cơm với gia đình bác và không quên dặn tôi gọi điện về báo cho bố mẹ. Tôi thích những sự gắn bó như vậy thời ấy, từ một người xa lạ rồi trở thành thân thiết, rất giản dị và chân thành. Tôi cảm giác rằng, những điều như vậy trở nên hiếm ở hiện tại, khi mà thành phố ngày càng đông đúc và con người dần lạnh lùng, khép kín hơn trước rất nhiều.

Số truyện tranh tôi đọc khi còn bé là rất nhiều nên tôi sẽ viết về một vài bộ truyện nổi bật nhất, để lại ấn tượng sâu sắc đến tôi. Những bộ truyện này chắc chắn rất nhiều người đã đọc nó và có cùng sự phấn khích, hồi hộp, sung sướng giống tôi khi đọc. Tôi sẽ đưa bạn đi một vòng tuổi thơ qua những tập truyện tranh nhé!

Dragon Ball

Dragon Ball hay Bảy Viên Ngọc Rồng có thể nói là huyền thoại mọi thời đại trong thế giới truyện tranh của tác giả Akira Toriyama. Truyện nói về cậu bé Goku người Xay Da sau một tai họa trên hành tinh của mình được bố mẹ gửi gắm đến Trái Đất. Hành trình cậu lớn lên, kết bạn và phát triển sức mạnh khiến bộ truyện 52 tập này vô cùng cuốn hút. Mọi đứa trẻ thời ấy khi đọc Bảy Viên Ngọc Rồng đều rất “cuồng”, thần tượng những nhân vật như Goku, Cadic, Picolo hay Kikilin. Trên trường lớp hay trong xóm có thể rất dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ giơ hai tay xòe ra để bên hông, miệng hô “Ka mê jo ko” hay “Hà mê hà mê ... há” rồi chĩa tay lên phía trước như để bắn chưởng. Hay hai tay giơ cao lên trời hô “Quả Cầu Hủy Diệt”, “Quả Cầu Kinh Khi” rồi ném xuống. Những tấm hình các nhân vật dán khắp nơi từ tường đến tủ đồ, trên bàn học, trong hộp bút, chiếc thước kẻ. Những món đồ chơi từ lớn đến bé, đi đâu cũng thấy hình ảnh của Dragon Ball, không nhiều bộ truyện có sức ảnh hưởng lớn như vậy.

Tôi không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó, lần đầu đọc tập 1 nhờ mượn của anh Việt Anh hàng xóm. Tuy nhiên, anh chỉ có đủ bộ từ tập 1 đến tập 30, những tập còn lại tôi đi mượn mỗi người một ít. Người thì có tập này, người thì có tập khác nên tôi phải đi hỏi rất nhiều người mới đọc được đủ bộ truyện.

Ngay từ những tập đầu, tôi đã bị cuốn hút trong hành trình rèn luyện sức mạnh của Goku cùng Kikilin với người thầy đầu tiên là Cụ Rùa. Hai chú nhóc phải đeo mai rùa nặng vài chục cân rồi phải chạy, leo trèo, làm việc giúp tốc độ và sự mạnh của hai chú tăng vượt trội khi tháo ra. Sau đó Goku và Kikilin cùng nhau tham dự đại hội toàn quốc rồi chiến đấu với các thế lực bên ngoài vũ trụ. Những trận đánh trong Dragon Ball đều rất khó khăn và gian khổ, chính vì vậy những khoảnh khắc của truyện tôi vẫn nhớ đến tận bây giờ:

Khi Goku lần đầu gặp kẻ thù cũng là đồng hương của mình - Cadic (nhân vật mà tôi cũng rất thích sau này) đổ bộ Trái Đất .
Lần đầu Goku hóa Siêu Xay Da tóc vàng khi chiến đấu với Fide .
Khoảnh khắc tiếp sức cho cậu con trai Gohan qua linh hồn trong cú “Quả Cầu Hủy Diệt” để đánh bại Xên Bọ Hung.
Goku và Cadic đeo bông tai Porata kết hợp thành Đíc Ku chiến đấu với Ma Bư .
Khoảnh khắc Goku tập hợp năng lượng của mọi người trên Trái Đất vào “Quả Cầu Kinh Khi” và tiêu diệu Ma Bư.


Truyện đề cao tinh thần bạn bè, sự kiên trì khổ luyện và ý chí kiên cường khi chiến đâu với kẻ thù có sức mạnh khủng khiếp. Truyện truyền cảm hứng rất nhiều cho tôi, tôi còn học theo và áp dụng ngoài đời. Tôi nhét đầy sách vở, đồ dùng vào cặp cho thật nặng khi đi học rồi đi bộ, leo cầu thang trong trường. Tôi cũng đòi bố mua cho bao cát để tập đấm, rèn luyện sức mạnh và mong rằng có ngày mình cũng được mạnh mẽ như Goku. Khi đọc tin tác giả Akira Toriyama qua đời, tôi khá hụt hẫng vì ông là tác giả bộ truyện gắn liền với ký ức tuổi thơ của tôi. Cảm ơn ông vì đã sáng tác ra một bộ truyện tuyệt vời và truyện sẽ tồn tại mãi trong kí ức tuổi thơ của rất nhiều đứa trẻ trên thế giới.

Yugi-Oh!

Tiếp theo đến một bộ truyện cũng rất nổi tiếng đó là Yugi-Oh! (Vua Trò Chơi) được phát hành từ nhà xuất bản Kim Đồng. Bộ truyện xoay quanh nhân vật một chú bé hiền lành, nhút nhát Yugi, cậu thường xuyên thua những trò chơi và hay bị bắt nạt. Nhưng kể từ khi cậu ghép được sợi dây chuyền hình kim tự tháp “Trò Chơi Ngàn Năm”, một nhân cách khác xuất hiện. Nhân cách này với tính cách hoàn toàn trái ngược với Yugi, mạnh mẽ, quyết đoán, thông minh và đặc biệt là vua của mọi trò chơi.

Tôi lần đầu đọc truyện này từ một cậu bạn tên Duy cùng lớp, cậu cho tôi mượn tập 1 với tiêu đề “Vua Trò Chơi” cùng hình biểu tượng của “Trò Chơi Ngàn Năm” kèm theo những ký tự Ai Cập thời Pharaoh trông rất huyền bí. Ngay từ tập một, tôi đã bị nhân cách thứ hai của Yugi thu hút, cậu ta chơi một trò chơi không có cửa thắng bằng trò tung xúc xắc. Luật chơi rất đơn giản, cậu cược với tên côn đồ rằng ai tung được nhiều điểm hơn thì người ấy thắng, Yugi còn chấp hắn nếu bằng điểm thì Yugi thua. Thế rồi tên côn đồ tung xúc xắc được sáu, cao nhất của viên xúc sắc, tôi tò mò không hiểu Yugi có thể thắng bằng cách nào, thế nhưng ông Vua Trò Chơi vẫn có cách hóa giải. Trong lúc tung xúc xắc, Yugi chẻ con xúc xắc làm đôi , một mặt ngửa sáu, một mặt một, tổng là bảy điểm. Tôi vô cùng bất ngờ trước sự sáng tạo này của Yugi, từ đó là liên tiếp những trò chơi khác nhau với tỷ lệ thắng gần như bằng 0 nhưng Yugi vẫn lần lượt vượt qua tất cả.

Cốt truyện của Yugi có phần tăm tối hơn nhưng bộ truyện khác, thậm chí phần hai của bộ truyện sau này tôi đọc trên internet còn cảm thấy rùng rợn. Phần sau của bộ truyện chủ yếu xoay quanh trò chơi bài ma thuật hay còn gọi là bài Magic, trên thị trường đồ chơi lúc bấy giờ tràn ngập những bộ bài này và trẻ em rất thích. Đây là lần đầu tiên khái niệm trò chơi đấu thẻ bài đến với tôi, luật chơi khá phức tạp và chức năng thẻ bài được viết bằng tiếng anh nên đa số trẻ con chỉ chơi bịa mà thôi. Tôi còn chơi cả game trên máy tính với ba phần đấu với Yugi, Joey và Kaiba. Tựa game đó vô cùng đẹp mắt và lôi cuốn thời bấy giờ với nội dung sưu tầm và đấu bài với những nhân vật chính.

Trong truyện, quân bài còn có linh hồn, mỗi quân bài là một hình dạng, chủng loại, yếu tố khác nhau và có chỉ số công (ATK), thủ (DEF). Có ba loại bài chính đó là quái vật, ma thuật và cạm bẫy. Một số quân bài mang tính biểu tượng của Yugi có thể kể đến : Phù Thùy Áo Đen (ATK:2500, DEF: 2100), Triệu hồi Demon (ATK:2500, DEF:1200), Phù Thủy Thời Gian kết hợp với Rồng Con thành Rồng Ngàn Tuổi (ATK:2400, DEF:2000), mạnh mẽ nhất đó là Vị Thần Sức Mạnh cần 5 lá cơ thể trên tay và ngay lập tức chiến thắng. Yugi đã dùng Vị Thần Sức Mạnh để chiến thắng đối thủ vô cùng mạnh đó là Kaiba khi anh ta đã gọi ra được Rồng Trắng Mắt Xanh Ba Đầu Sáu Cánh với chỉ số cực khủng (ATK:4500, DEF:3800). Càng đi sâu vào nội dung, truyện mở ra hàng loạt những tình tiết, thông tin gay cấn cho người đọc. Như sáu loại bảo vật ngàn năm khác dưới thời Pharaoh được sở hữu bởi những người khác nhau. Yugi lần lượt đánh bại những người này, thậm chí cậu còn đánh thắng cả người tạo ra trò chơi bài Magic - Pegasus với "Con Mắt Ngàn Năm" nhìn thấu suy nghĩ và bài của đối phương.

Phải nói rằng Yugi là bộ truyện vô cùng sáng tạo của tác giả Takahashi Kazuki. Nội dung cuốn truyện đòi hỏi sự tỉ mỉ và ghi nhớ cũng như cân bằng luật chơi rất lớn của tác giả. Bên cạnh những bộ truyện tươi sáng, hài hước thì Yugi chính là món ăn không thể thiếu cho dân đọc truyện tranh với sự tăm tối, kì bí và đầy sáng tạo của mình.

One Piece

One Piece hay Đảo Hải Tặc của tác giả Oda Eiichiro lần đầu ra mắt năm 1997 là bộ truyện thành công, bán chạy không thua kém gì đàn anh Dragon Ball. Lại một lần nữa, nhà xuất bản Kim Đồng thâu tóm được một bộ truyện chất lượng và One Piece vẫn tiếp tục xuất bản cho đến hiện tại. Bộ truyện xoay quanh cuộc phiêu lưu của cậu nhóc Monkey D Luffy và những người bạn, ước mơ của Luffy tìm ra kho báu One Piece, trở thành Vua Hải Tặc. Khác với những bộ truyện khác, One Piece với hệ thống địa lý, tuyến nhân vật, cốt truyện vô cùng rộng lớn và phức tạp. Tác giả Oda có thể nói là một thiên tài khi viết một bộ truyện có chiều sâu và dài hơi, lên tới vài chục năm mà nội dung vẫn liên kết chặt chẽ đến nhau.

Đối với tôi, Nhật Bản là đất nước viết truyện tranh với chủ đề tình bạn, tình đồng đội hay nhất thế giới. Trẻ em luôn yêu thích và được khuyến khích đọc những bộ truyện như vậy, điển hình là One Piece. Tôi mượn truyện này từ cậu bạn thân nối khố của tôi, tên Tuấn ngay cạnh nhà. Từ những tập đầu tiên, cuộc phiêu lưu của cậu đã rất thú vị, lôi cuốn và cho người đọc cảm giác bao la của biển cả. Tôi thắc mắc không biết vì sao nhân vật chính trong câu chuyện lại là một hải tặc, nghề nghiệp thường được coi là xấu xa. Tuy nhiên, tư duy của Oda lại rất mới mẻ, nhân vật chính lại là hải tặc còn nhân vật phản diện lại là chính quyền thế giới. Ông cho độc giả thấy góc nhìn mới rằng, bất cứ điều gì đều có hai mặt của nó, không phải hải tặc nào cũng làm điều xấu và không phải hải quân nào cũng làm điều tốt. Tôi thường mượn Tuấn cả bốn đến năm tập một lần và đọc một lèo vào ngày nghỉ.

Góc đọc truyện ưa thích của tôi là trên giường ngay dưới cửa sổ, với ánh nắng chiếu vào cùng độ sáng hoàn hảo để đọc truyện. Nằm trên giường nhưng tôi được đi phiêu lưu khắp nơi trên thế giới biển cả, cùng Luffy gặp những đồng đội tuyệt vời Zoro, Nami, Sanji, Usop, Chopper... và đánh đuổi những tên xấu xa, cứu giúp dân lành. One Piece có phần logic hơn Dragon Ball, khi những tên trùm phản diện mà Luffy đánh bại đều cần những yếu tố hợp lý. Ví dụ như lúc đấu với Enel ở Đảo Trên Trời, Enel thì là thần, ăn trái ác quỷ sấm sét vô cùng mạnh mẽ nhưng Luffy lại là người cao su, chống giật. Hay khi gặp tên người cát Crocodile, cậu đựng nước vào trong cái thùng rồi đánh vào cát, Oda là tác giả sáng tạo và hiểu biết nhất tôi từng thấy.

Oda có tư duy xây dựng nhân vật không giống những bộ truyện khác, những nhân vật chính của ông vô cùng nhỏ bé trong đại dương và sự phát triển sức mạnh chỉ nhích từ từ. Họ mạnh lên qua từng sự kiện, từng khoảng thời gian luyện tập, chuẩn bị để đến với những vùng biển mới. Ngay từ đầu truyện, ông đã cho Zoro đấu với Mihawk - kiếm sĩ mạnh nhất thế giới và hắn chỉ cần một cái dao nhỏ để thắng mà không mất một giọt mồ hôi. Hay khi đô đốc hải quân Aokiji xuất hiện, hắn dễ dàng đánh bại băng hải tặc của Luffy mà không cần nghiêm túc. Ngay từ những tập truyện ấy, tôi đã biết hành trình của Luffy sẽ rất dài, và đúng như vậy, 27 năm rồi mà One Piece vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Tôi hiện tại đã gần ba mươi tuổi nhưng vẫn đón đọc từng chương của One Piece hàng tuần, đây là bộ truyện duy nhất gắn liền xuyên suốt từ tuổi thơ đến hiện tại của tôi. Nhân vật ưa thích của tôi là đô đốc Kizaru và những biệt danh, tài khoản ứng dụng tôi đều lấy tên Kizaru. Tôi sẽ theo dõi One Piece đến cuối cùng và có lẽ khi tôi già mới kết thúc. Nhưng không sao, tôi sẽ đọc One Piece cùng với những thế hệ sau nữa, có thể là con cháu của tôi và đây là bộ truyện duy nhất nối liền những thế hệ.

Jindo

Jindo hay Itto (Đường dẫn đến khung thành) là bộ truyện hài hước và tích cực nhất tôi từng đọc. Nếu ai chưa đọc truyện này, tôi khuyên các bạn nên đọc một lần, vì nó sẽ khiến bạn cười chảy nước mắt, cười lăn lộn. Bộ truyện của tác giả Monma Motoki lần đầu xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1998, tôi lần đầu đọc chúng nhờ anh Đức ở cửa hàng thuê truyện giới thiệu. Anh Đức rất tâm đắc bộ truyện này và nói tôi phải đọc bằng được. Nghe lời anh Đức quả thật không thất vọng, Jindo là bộ truyện để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong tuổi thơ của tôi.

Bộ truyện với chủ đề thể thao là bóng đá, xoay quanh nhân vật Jindo, mới cùng bố chuyển đến Tokyo nhập học và tham gia vào đội bóng của trường - Seiga. Cậu ta có một vóc dáng lùn tịt nhưng kỹ thuật bóng đá của cậu rất thượng thừa, từ rê rắt, tăng tốc, nhào lộn, trồng cây chuối đến những kỹ thuật siêu nhây như cắn, làm xiếc với bóng. Jindo có tinh thần thi đấu vô cùng kiên cường, không bao giờ bỏ cuộc và cậu luôn là người làm nên điều khác biệt trong những khoảnh khắc ngặt nghèo nhất. Cậu sẵn sàng dùng đầu để phá bóng trong chân đối thủ, chân tay chấn thương đầy máu cũng vẫn gắng gượng đến cùng. Cậu làm tôi liên tưởng đến cầu thủ Messi trong giới túc cầu.

Ngoài yếu tố thể thao, truyện còn khai thác chủ đề đánh đấm nơi học đường, một chủ đề mà đứa trẻ nào cũng thích. Jindo ngoài sự xuất sắc ở sân cỏ, cậu còn là tay du côn ngoài đời nhờ học võ Thiếu Lâm từ nhỏ. Cậu sẵn sàng choảng nhau với những tên to xác hơn cậu cả chục lần, sơ hở chút là cậu kiếm chuyện đánh nhau. Đến nỗi đội bóng cứ mỗi lần không thấy cậu, là kiểu gì cũng nghĩ cậu đi la cà đánh đấm. Tác giả thường cho cậu đánh nhau với một cầu thủ chủ chốt bên đối thủ trước khi ngày thi đấu diễn ra, tạo nên mối thù oán sẵn nên khi bước vào sân cỏ tạo ra những tình huống rất éo le và buồn cười.

Tuyến nhân vật trong truyện ngoài Jindo cũng có nhiều cầu thủ thú vị ,cá tính khác như đội trưởng kiêm tiền đạo Yura Kazuma, thủ môn Makoto, hậu vệ quét Hiraki, hậu vệ Miyake, những đối thủ rất bảnh và ngầu như Kai Kunihiko, siêu thủ môn Satomi Io hay đại kình địch Munechika Akura. Đọc truyện tôi cũng rất thích những nhân vật đối thủ vì họ có tính cách rất khảng khái, quân tử, sẵn sàng chơi sòng phẳng chứ không làm mọi thủ đoạn vì kết quả, họ cũng công nhận Jindo là thiên tài và tâm phục khẩu phục khi bại trận. Đây là tinh thần thể thao nói riêng cũng như tinh thần của người Nhật nói chung, như một võ sĩ đạo.

Đến tận bây giờ, cứ một vài năm tôi lại đọc lại Jindo. Mỗi khi đọc là tôi lại được một tràng cười như mới, mọi cảm giác buồn bực sẽ ngay lập tức tan biến. Tuy nhiên, bộ truyện gây cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối cho mọi độc giả trên thế giới vì tác giả ngừng viết tiếp với lý do cá nhân. Tôi chỉ ước tác giả có thể viết nốt phần còn lại để tôi được sát cánh cùng Jindo và những người bạn chinh phục giải toàn quốc trường cấp 3, đại học, thi đấu chuyên nghiệp. Có lẽ nếu tác giả viết hết, đây cũng là bộ truyện huyền thoại, xứng đáng trong ngôi đền Dragon Ball, One Piece.
 
Sửa lần cuối:
Tham gia
19/9/24
Bài viết
31
Điểm cảm xúc
93
Điểm
18
Chương 15: Trò chơi đường phố
Trò chơi đường phố là phần không thể thiếu trong tuổi thơ của tôi cũng như bạn bè đồng trang lứa. Nó giúp trẻ em được hoạt động thể chất ngoài trời giúp tăng sức đề kháng, đồng thời đem lại quãng thời gian rất vui vẻ cùng bạn bè.

Người ta thường so sánh vui rằng: ngày xưa thì phụ huynh bắt trẻ con chơi ở ngoài đường về nhà, ngày nay phụ huynh chỉ mong chúng tạm rời đồ công nghệ và ra ngoài chơi. Thật vậy, hồi bé tôi không ngày nào là không la cà ngoài đường cả, mặc dù có máy tính và các trò chơi điện tử nhưng tôi luôn muốn ra đường chơi với các bạn. Mẹ tôi thường phải gọi tôi về trước giờ ăn cơm, giờ ngủ trưa hay thậm chí là 11 giờ đêm vì tôi rất mải chơi.

Khu tôi sống

Tôi lớn lên ở một khu phố khá yên tĩnh, bao quanh là những khu tập thể và nhà dân khoảng mười con ngõ ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngoài đường cái, đường xá ở đây rất rộng rãi và ít xe đi lại. Vì vậy, nơi đây là thiên đường cho những trò chơi đường phố của chúng tôi. Có thể nói, gần như tất cả mọi ngóc ngách trong khu phố chúng tôi đều đã đi qua không biết bao nhiêu lần.

Hồi ấy, tôi có rất nhiều bạn bè trong khu phố, từ tiểu học đến trung học. Chúng tôi có một sự gắn bó rất thân thiết, thậm chí gặp nhau còn nhiều hơn cả bố mẹ. Hiện tại chỉ còn một vài người bạn thơ ấu của tôi ở lại khu phố, những người còn lại đều đã chuyển đi nơi khác hoặc đi du học. Thời gian thực sự nhanh như một cơn gió, mới ngày nào:

Cứ đến 8h tối là nhanh nhanh chóng chóng ùa xuống đường, tiếng trẻ con ầm ĩ khắp khu phố. Những đứa vẫn ở trên nhà thì nghe tiếng ầm ầm ở dưới cũng tự khắc mò xuống. Tôi những hôm còn bài tập hoặc bị phạt khi nghe tiếng trẻ con tụ tập cũng bứt rứt vô cùng, mấy lần còn nhờ thằng bạn thân Tuấn Chiến sang xin bố mẹ cho đi chơi.

Chúng tôi sang nhà nhau chơi đồ chơi, chơi máy tính, đọc truyện, chơi tú lơ khơ, xem TV, ăn cơm chực, ... Nhà bạn cũng như nhà mình, phụ huynh mấy đứa cũng không lạ lẫm gì mấy thằng hàng xóm tinh nghịch này và thường hỏi có muốn ăn gì không hoặc mời ở lại ăn cơm.

Cứ mỗi dịp sinh nhật, chúng tôi lại viết một tấm thiệp nhỏ nhắn với thông tin giờ giấc, địa điểm rồi mang sang tận nhà các bạn mời. Những bữa sinh nhật này thường rất đơn giản, chỉ có bim bim, bánh kẹo và nước ngọt, nhà nào có điều kiện thì mua hẳn bánh gato. Bọn tôi đến dự sinh nhật cũng không quên đem theo quà, đứa thì tặng đồ dùng học tập, đứa thì tặng đồ chơi, có đứa còn tặng cả bánh xà phòng...

Chúng tôi thân nhau đến mức, khi một đứa được phụ huynh cho đi ăn kem Tràng Tiền, ăn KFC, ăn chè,... thì đứa bạn cũng được chở đi ăn cùng.

Chúng tôi rủ nhau đi chơi xa bằng xe đạp và về mỗi đứa bị đánh cho một trận nhừ tử.


Sau đây là những kỷ niệm của tôi gắn liền với trò chơi đường phố xuất hiện trên khắp nẻo đường Việt Nam mà bất cứ đứa trẻ nào cũng từng chơi, tôi tin rằng bạn sẽ thấy quen thuộc và nhớ lại những năm tháng ấy.

Trốn tìm

Trốn tìm là trò chơi phổ biến nhất và luật chơi tương đối đơn giản, trẻ em rất dễ tiếp cận trò này. Có lẽ ai cũng biết đến luật chơi của trốn tìm, trò chơi rèn luyện những kỹ năng như ẩn nấp, quan sát, chạy, giữ im lặng...

Với địa hình xung quanh nhiều nhà cửa, ngõ ngách nên khu phố tôi là địa điểm hoàn hảo để chơi trốn tìm. Tôi chơi trốn tìm rất giỏi, đặc biệt là người trốn, tôi thường nghĩ ra nhiều chiến thuật chơi hiệu quả.

Mới đầu, tôi hay trốn ở gần chỗ người tìm, chỗ này phải có góc để quan sát và không bị tìm đầu tiên. Ngay sau khi người tìm đếm “Xong” và bắt đầu đi tìm, tôi lập tức chạy ra và đập tay vào tường hô “mô tê” thắng cuộc.

Sau này trò đó bị bắt bài, tôi lại chọn những chỗ ở xa hơn một chút và khó tìm như ở dưới xe máy hoặc sau gốc cây, nơi dễ dàng quan sát người tìm rời khỏi vị trí. Với tốc độ chạy nhanh của mình, chỉ cần căn khoảng cách đến điểm “mô tê” là tôi sẽ luôn nhanh hơn người tìm vì yếu tố bất ngờ.

Tuy nhiên, có một hôm tôi nhiều lần lộ chỗ trốn và bị người tìm “Xì”, dù những chỗ tôi trốn vẫn rất kín. Tôi không biết vì sao mấy thằng bạn lại tìm giỏi vậy, sau mới biết có một đứa chỉ điểm:

- Thằng Tuấn ở sau dãy xe máy đằng kia, thằng Mạnh trốn sau chỗ cầu thang đằng kia,...

Vậy nên chúng tôi luôn bị phát hiện.

Tôi và Tuấn sau khi phát hiện kẻ chỉ điểm, rất tức lũ bạn chơi xấu, ra chửi thằng Bi:

- Thằng Bi chơi bửn, xì đểu bọn tao!

Nhưng tụi nó cứ chối. Tôi vẫn nhớ giọng cãi cùn trẻ con rất buồn cười của Bi :

- Chỉ điểm lúc nào? Ở đâu? Mấy giờ? Mấy phút? Mấy giây?

Tôi và Tuấn rất tức nhưng không làm gì được, thế là chúng tôi bàn với nhau kế hoạch trả đũa. Sau mấy lượt chơi đến thằng Bi làm người tìm, tôi và Tuấn chạy ra cầu thang, lên thẳng nhà tôi chơi điện tử. Chúng nó tuy có chỉ điểm nhưng chỉ biết tôi và Tuấn chạy ra xa chỗ cầu thang, không biết đi đâu, thế là đi tìm nửa tiếng đồng hồ vẫn không thấy chúng tôi. Bi và đồng bọn khó hiểu vì không tìm được mà bọn tôi cũng không ra “mô tê”, thế là hét to “Chịu”, “Thua”, bọn tôi ở trên nhà nghe tiếng rất khoái chí, vẫn ngồi chơi tiếp.

Cá sấu lên bờ

Cá sấu lên bờ là trò chơi cần lòng đường cùng hai bên vỉa hè để chơi. Luật chơi rất đơn giản, người chơi oẳn tù tì để xem ai là cá sấu, ai là người. Cá sấu thì chỉ ở lòng đường (nước) còn người thì chạy từ bờ này sang bờ kia, với điều kiện khi đặt chân xuống nước thì không được quay lại.

Trò này nếu làm người thì tương đối dễ chơi, còn làm cá sấu thì rất dễ bị hầm cả buổi. Làm người có một thú vui là vừa chạy qua bờ vừa lêu lêu, thậm chí còn chạy đằng sau vỗ đầu cá sấu. Làm cá sấu nếu biết chơi, có thể đổi hướng 180 độ thật nhanh gây áp lực khiến người bị chạm, phải rụt chân về bờ hoặc chạy ra ngoài tầm với của cá sấu.

Khung cảnh một đám trẻ con chạy qua chạy lại hai bên vỉa hè rất phổ biến ở khu phố của tôi. Tôi rất thích chơi trò này vì làm người hay cá sấu đều vui.

Đồ Cứu

Đồ Cứu là một trò chơi rất phổ biến của trẻ con xóm tôi. Đồ Cứu luật chơi cũng cần oẳn tù tì để lấy một người đi đuổi, người chạy nếu bị chạm thì sẽ thay thế làm người đuổi. Tuy nhiên, trước khi bị bắt thì người chơi có thế giơ tay như phát biểu bài rồi hô “Đồ” để tránh bị chạm. Những người đã hô “Đồ” cần đứng yên một chỗ và chờ người chơi khác cứu mình bằng cạnh chạm rồi hô “Cứu”.

Đồ Cứu cũng là một trò chơi khá thiếu cân bằng vì người đuổi rất dễ bị hầm, rơi vào cảnh cứ khiến một người “Đồ” thì ngay lập tức bị một người khác “Cứu”. Vậy nên chúng tôi giới hạn phạm vi chạy của người chơi trong một diện tích nhất định để người đuổi có thể khoanh vùng, khiến lần lượt từng người “Đồ” và không thể cứu nhau.

Ma Lon

Ma Lon là trò chơi mang tính chất tâm linh mà trẻ con rất tò mò và sợ hãi. Cái hay của trò này lại đến từ những câu chuyện kể rùng rợn xoay quanh nó và khâu chuẩn bị. Trong xóm tôi khi ấy có một anh học lớp 5, tên là Kỳ, anh đầu têu ra trò Ma Lon kể cho chúng tôi một câu chuyện về nó rất đáng sợ:

- Chúng mày chơi trò Ma Lon chưa, đứa nào dám chơi thì anh kể. Ma Lon một khi hiện hồn là nó sẽ đuổi theo chúng mày đến chết, cái lon thì nhẹ hều nhưng khi nhập hồn thì nặng trịch, cứ gõ vào mắt cá chân đau lắm, đứa nào què thì anh không chịu trách nhiệm.

Chúng tôi nghe kể đứa nào đứa nấy cũng sợ hãi nhưng vì tò mò và nghĩ cái lon thì sao đuổi được mình, nên quyết định bảo anh Kỳ hướng dẫn chơi. Anh nói tiếp:

-Bây giờ chúng mày chuẩn bị một lon bò húc, một bát gạo, ba cái kẹo dừa và một nén nhang cho tao. Lúc chuẩn bị xong xuôi thì thắp nén nhang cắm trong cái lon, mỗi đứa tiểu vào rồi chửi tục lên nó. Cuối cùng anh sẽ đá cái lon là nó sẽ hiện hồn về.

Bọn tôi răm rắp chuẩn bị theo lời anh dặn và tụ tập ở một góc tối cầu thang. Chúng tôi hồi hộp xếp ngăn nắp như để thờ rồi đốt nén nhang, tiểu bậy và chửi tục ý như lời anh Kỳ. Cuối cùng anh Kỳ đá cái lon xong cả lũ chạy tán loạn, hét ầm ĩ cả xóm.

Thế nhưng chạy một lúc cũng chẳng thấy Ma Lon đuổi, thế là bọn tôi quay lại chỗ cái lon và chẳng thấy nó nhúc nhích. Bọn tôi thắc mắc với anh Kỳ tại sao cái lon lại không đuổi, anh bảo:

- Chắc chỗ này không thiêng, không gọi được hồn Ma Lon về rồi, chúng mày chuẩn bị rồi làm lại ở chỗ khác, lần này chắc chắn được!

Chúng tôi cũng tin lời anh, chuẩn bị đồ giống lần trước rồi tìm nơi khác để làm. Lần này chúng tôi làm y hệt lần trước và quả nhiên, sau khi đá, cái lon đuổi theo một thằng yếu bóng vía nhất nhóm tên là Quân, hay gọi là Quân Chùn.

Quân cứ chạy mãi mà cái lon vẫn cứ đập liên tục vào chân, cu cậu vừa chạy vừa mếu máo, trách bọn tôi chơi dại. Tôi và đám bạn cũng hãi hùng, sợ không biết thằng Quân có bị què không, thì thấy anh Kì cười khanh khách. Hóa ra, trong lúc bọn tôi làm lễ, anh buộc sợi chỉ dài màu trắng vào chân thằng Quân, thế là cái lon cứ đuổi theo nó. Giờ nghĩ lại tôi cứ phì cười.

Nhảy Cừu

Nhảy Cừu là trò chơi tương đối khó và có phần nguy hiểm. Tuy nhiên hồi ấy bọn tôi không sợ gì cả, thường xuyên chơi Nhảy Cừu. Trò chơi cần oẳn tù tì, chọn ra người thua làm Cừu. Cừu phải lần lượt đứng theo dáng từ cấp độ 1 đến cấp độ 5, với độ khó tăng dần. Cấp 1 là ngồi, cấp 2 là đứng cúi xuống hai tay chạm ống đồng, cấp 3 khoanh tay rồi cúi cao hơn cấp 2, cấp 4 chắp hai tay để lên cổ rồi cúi cao hơn cấp 3, cấp 5 là chỉ cúi một chút và đan hai tay lên gáy.

Người nhảy phải lần lượt thực hiện thử thách là nhảy qua Cừu, có thể dùng tay ấn lên lưng Cừu để thêm sức bật. Nếu Cừu chơi xấu, cố tình hạ người khi nhảy sẽ khiến người nhảy bị hụt và ngã. Những thành phần Cừu như vậy rất dễ bị cả làng “Ba đấm, một sút, một cùi” (hình phạt nếu một ai đó chơi xấu hoặc bùng khi bị làm).

Để chơi được trò Nhảy Cừu này, ngoài sức bật và chọn thời điểm, quan trọng nhất là sự quyết đoán khi nhảy, không được nao núng. Tôi mới đầu chơi rất nhát, cứ chuẩn bị chạy đến Cừu là sợ nhảy nên toàn bị thua từ cấp độ 3. Sau này khi đã thạo và không sợ, tôi chỉ cần lấy hai tay chạm lưng Cừu đúng thời điểm rồi bật mạnh lên là được. Khi nắm được quy luật nhảy bạn sẽ rất khoái trò này. Tôi có thể nhảy được cấp độ 5 nhưng với những chú Cừu thấp hoặc trung bình. Xóm tôi có một anh tên là Khang, bọn trong xóm hay gọi là Khang Đầu Bò rất cao ráo. Anh mà làm Cừu thì đa số dừng lại ở cấp độ 4, may ra chỉ những anh học cấp hai mới nhảy được.

Bắn bi

Bắn bi là trò chơi có phần “yên tĩnh” hơn các trò khác, tuy nhiên nó cũng là trò chơi mà chúng tôi rất ưa thích. Dù trưa hè oi bức, bọn tôi cả đám vẫn ngồi ở vỉa hè chơi bắn bi rất chăm chú. Bắn bi có hai kiểu chơi chính, một là bắn Bi Tuổi, hai là loại phổ biến hơn là Bi Lồ.

Bi Tuổi mỗi người sẽ chỉ dùng một viên bi và bắn theo lượt. Sau khi bắn thì bi sẽ ở nguyên chỗ đó và người chơi khác phải tìm cách bắn trúng bất kể xa gần (giống tập phim Mr Bean đánh golf và chạy theo quả bóng). Mỗi lượt bắn trúng bi thì sẽ được cộng một tuổi, ai nhiều tuổi nhất người đó thắng và ăn hết chỗ bi còn lại. Một trận bắn Bi Tuổi kéo dài rất lâu, có khi đến cả buổi mới xong. Có hôm khi bắt đầu chúng tôi chơi ở đầu phố, lúc kết thúc thì bi ở tận cuối phố.

Bi Lồ thì phổ biến, mang tính ăn thua nhiều hơn. Luật chơi Bi Lồ là kẻ một ô vuông trong đó có rất nhiều bi mục tiêu, mỗi người đặt vào hai đến năm viên tùy số lượng người chơi cũng như kích thước Lồ. Người bắn bi sẽ kẻ vạch cách xa ô vuông và đây là nơi bắt đầu một trận bắn bi. Trước khi bắn, người chơi sẽ bắn từ Lồ đến vạch xem ai gần nhất thì được bắn trước. Mục tiêu của người chơi là bắn bi cái vào bi mục tiêu cho chúng ra khỏi Lồ, ai bắn được viên nào thì sẽ thắng viên đó. Thời ấy, bi là tài sản của trẻ con nên chơi trò này rất ganh đua, máu chiến. Tôi thì chơi bắn bi kém nên toàn bị thua rất nhiều bi.

Ném lon

Ném lon là trò chơi chúng tôi chơi rất nhiều khi còn bé, nó không giới hạn số lượng người chơi và có tính giải trí cao. Ném lon chỉ cần một chiếc dép và một cái chai hoặc lon nước ngọt rỗng để chơi.

Người chơi đặt lon ở một điểm cố định và cách xa một đường kẻ, thường là vạch kẻ đường. Trước khi bắt đầu, người chơi sẽ ném chiếc dép sao cho gần vạch nhất, ai xa vạch hoặc vượt vạch sẽ bị làm canh lon.

Khi trò chơi bắt đầu, người canh lon sẽ đứng gần lon, người chơi ném dép từ vạch, nếu ném trúng thì người canh phải xếp lại lon vào vị trí cũ. Nếu ném trượt thì người chơi phải đứng tại chỗ dép rơi, nếu cầm dép lên thì sẽ bị người canh lon bắt (với điều kiện lon không đổ) và phải thay thế canh lon. Người chơi có hai lựa chọn: một là chờ thời cơ có người ném trúng lon rồi cầm dép chạy về vạch, hai là cầm dép chạy và không để người canh lon bắt được.
Những đứa nhát gan hoặc béo thì chọn cách chờ, còn tôi thì luôn cầm dép thách thức người canh. Hồi bé tôi chạy rất nhanh, tôi còn biết luồn lách, chạy vòng quanh dãy xe máy nên rất khó bắt.

Trò chơi vừa có kỹ năng ném, chạy, rình rập nên có độ giải trí rất cao, chúng tôi chơi ném lon nhiều hơn các trò khác. Người canh lon khả năng bị hầm cũng cao và dễ bị trúng dép nên ai cũng sợ bị làm. Tôi vẫn nhớ có lần Bi bị hầm đến cả tiếng đồng hồ không bắt được ai, thế là mẹ cậu phải gọi cậu về để tránh bị “Ba đấm, một sút, một cùi”, rất tếu.

Đá bóng nhựa

Trò chơi không thể thiếu đối với chúng tôi đó là đá bóng nhựa. Những quả bóng nhựa với quỹ đạo khó lường hơn cả cú sút phạt của Roberto Carlos. Chúng tôi đá bóng dưới đường thường đi chân đất, lấy dép xếp làm gôn. Thể thức chia đội thì rất ngẫu hứng, đội nào có người đá hay thì có thể chấp đội kia thêm người. Luật bóng nhựa thì rất sơ sài, chỉ cần sút không quá cao và qua dép là tính bàn. Bóng nhựa không có vạch biên gì cả, có thể rê bóng cả lên vỉa hè, dắt bóng vòng quanh xe máy tùy thích.

Trò đá bóng nhựa là trò gây náo loạn xóm nhất trong các trò. Hình ảnh hai ba đứa tranh nhau quả bóng trên vỉa hè, chân đất bẩn thỉu, mặt mũi lấm lem, mồ hôi nhễ nhại, tiếng hò reo bàn thắng ầm ĩ rất quen thuộc trong trò chơi này. Nếu tính hiệu suất, Ronaldo hay Messi cũng phải chào thua những cầu thủ đường phố, với số bàn thắng đến cả tá một buổi.

Cảnh sát bắt kẻ trộm

Cảnh sát bắt kẻ trộm là trò chơi tôi thích nhất thuở bé vì luật chơi rất hay ho và được nhập vai. Trò này cần từ sáu người trở lên, người chơi sẽ chia làm hai phe: cảnh sát và trộm. Cảnh sát thì có nhiệm vụ đuổi bắt và đưa trộm về đồn (đồn là một nơi chỉ định từ đầu), trộm thì chạy trốn, cứu đồng bọn bị bắt. Đây là trò chơi có phạm vi hoạt động rộng nhất trong các trò, lên đến cả khu phố và cần thể lực rất nhiều để chạy.

Trò này chia phe nên cần sự đoàn kết của các thành viên, dù làm trộm hay làm cảnh cũng đều thú vị. Trước khi chơi, hai phe cần cử ra một đội trưởng để “uyn chọn đội”. Đội trưởng thường là những anh lớn, lớp bốn lớp năm và cố gắng chọn càng nhiều đứa chạy nhanh càng tốt.

Tôi thường cùng phe với Tuấn Chiến. Tôi và Tuấn nếu làm trộm thì sẽ chạy cùng nhau, hai anh em vừa chạy vừa nói chuyện trên trời dưới biển. Nếu làm cảnh sát thì sẽ cùng nhau canh đồn hoặc đi bắt trộm, bàn kế chặn hai đầu dồn trộm vào thế bí. Tôi rất nể cậu bạn tên Thuận , hay gọi là Trâu Đất, chạy rất nhanh ở đội địch. Tôi và Thuận rượt đuổi khắp nơi từ đường lên đến cầu thang các tầng, hai thằng chạy như muốn nổ phổi nhưng vẫn cứ chạy.
Sau mỗi buổi chơi cảnh sát bắt kẻ trộm, đứa nào cũng mệt bở hơi tai, mồ hôi nhễ nhại. Ngay sau khi về nhà, tôi phải uống một cốc nước đá to oạch để giải khát.

Cho đến hiện tại

Còn rất nhiều những kỷ niệm và trò chơi khác nữa mà tôi vẫn hay ôn lại với bạn bè của tôi, tôi nhớ những năm tháng vô tư hồn nhiên đó. Sau khi lên cấp ba tôi không còn xuống đường chơi vì không còn hứng thú như trước nữa mặc dù trẻ con vẫn chơi rất vui. Tôi hiểu rằng đây là điều tất yếu của sự trưởng thành, niềm vui sẽ chỉ rực rỡ nhất khi đúng thời điểm của nó. Chúng ta đều biết những trò chơi như trốn tìm, ném lon, cảnh sát bắt kẻ trộm,... rất vui nhưng chẳng bao giờ muốn chơi cả, vì sự vui đó gắn liền với tuổi thơ cũa chúng ta, không phải hiện tại nên tôi sẽ giữ những kỷ niệm đẹp ấy mãi mãi trong ký ức của mình. Tôi luôn dặn những đứa trẻ bây giờ nên ra ngoài chơi nhiều hơn để sau này chúng không hối hận vì đã đánh mất một phần tuổi thơ tươi đẹp. Sẽ rất đáng buồn nếu sau này chúng lớn lên, tất cả những gì chúng kể liên quan đến tuổi thơ đều là điện thoại, mạng xã hội, Youtube, TikTok,...
 
Tham gia
19/9/24
Bài viết
31
Điểm cảm xúc
93
Điểm
18
Chương 16: Đồ chơi
Giống như những thứ mới mẻ cập bến Việt Nam vào những năm 2000, đồ chơi cũng xuất hiện tràn ngập thị trường với rất nhiều chủng loại, mẫu mã mới. Ngoài những món đồ chơi truyền thống, thị trường còn du nhập thêm đồ chơi lấy cảm hứng từ truyện tranh, hoạt hình thời bấy giờ như Pokemon, Yugi, Siêu Nhân Gao, Lego... Đồ chơi trở thành thứ không thể thiếu để giải trí của trẻ em, gắn liền tuổi thơ rất nhiều người.

Xung quanh tôi, đồ chơi xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ cổng trường, quán tạp hóa, cửa hàng văn phòng phẩm cho đến những khu phố đồ chơi như Lương Văn Can. Tôi thường tiết kiệm tiền ăn sáng và tiền tiêu vặt để mua đồ chơi, giá giao động từ 3 nghìn đến 20 nghìn đồng. Đồ chơi đắt tiền như Lego, Siêu Nhân Gao hay ô tô điều khiển thì thỉnh thoảng tôi xin bố mua cho. Những đồ chơi này tôi có thể tự chơi trong nhà hoặc mang đi chơi cùng bạn bè trong xóm và trên lớp. Tôi rất yêu quý những món đồ chơi của tôi và tôi chơi chúng trong khoảng thời gian dài chứ không cả thèm chóng chán. Ngoài đồ chơi của mình, tôi còn mượn của các bạn xung quanh và ngược lại, trẻ em rất vui vẻ với việc chia sẻ đồ chơi. Sau đây tôi sẽ viết về những món đồ chơi quen thuộc mà mọi người đã từng chơi và có một vài kỷ niệm với chúng.

Brick Game
Chắc hẳn bạn còn nhớ chiếc máy điện tử đời đầu có tên Brick Game màu vàng, gồm bốn nút di chuyển ở bên trái, nút xoay to ở bên phải và một số nút khởi động lại, dừng/bật, chỉnh tiếng ở bên trên. Chiếc máy này đã xuất hiện từ đầu thập niên 90, trước khi tôi ra đời và thịnh hành trong khoảng 15 năm.

Lần đầu tôi được chơi chiếc máy này là từ dịp về quê, bố mẹ mua cho một chiếc ở tiệm bách hóa tổng hợp. Mẹ tôi kể rằng chiếc máy này rất gây nghiện, nhiều khi mẹ mải chơi quên cả bán hàng. Bà từng khoe chơi trò xếp hình đến cấp độ 10, tốc độ rất nhanh. Tôi nghe mẹ kể nên cũng tò mò mua chơi thử, quả nhiên chiếc máy thực sự gây nghiện.

Brick Game thiết kế đơn giản, nhỏ nhắn, đồ họa chỉ có màu trắng đen chạy bằng pin nhưng có rất nhiều trò chơi và thuận tiện, chơi được mọi lúc mọi nơi. Trò đầu tiên tôi chơi dĩ nhiên là xếp hình, trò chơi biểu tượng của chiếc máy. Với lối chơi đơn giản, lần lượt thả những khối hình vuông, thanh dài, dấu cộng, chữ Z và người chơi phải di chuyển, xoay chúng rồi xếp sao cho chúng phủ kín một hàng ngang là tính điểm. Nếu xếp không khít, những khối hình ngày càng chồng chất đến hết màn hình thì sẽ thua cuộc.

Mới đầu, tôi làm quen trò chơi một cách nhanh chóng, tôi xếp những khối hình ngay ngắn thành hàng rất mượt mà. Mỗi khi được điểm, máy kêu tiếng “xèo xèo” rất vui tai. Tuy nhiên sau đó, độ khó của trò chơi ngày càng tăng theo cấp độ, khiến tôi không xếp kịp, đây mới chính là lúc tôi ngày càng nghiện Brick Game. Tôi hỏi mẹ tôi cách chơi sao cho hiệu quả, rồi bà chỉ cho tôi cách chơi xếp dày những khối hình và để chừa một ô duy nhất, cuối cùng dùng thanh gậy dài quét cả mảng. Tôi áp dụng theo, dần nắm được cách chơi, tay tôi cùng phản xạ ngày càng nhanh và có thể chơi lên cấp độ 8, 9.

Tôi mang máy sang nhà bạn bè trong xóm để chơi đua cùng các bạn, thi xem ai chơi được cấp cao hơn, rất vui. Các bạn còn chỉ tôi chơi những trò khác ngoài xếp hình, như Rắn săn mồi, Bắn xe tăng,... Những trò chơi này gây nghiện không kém gì xếp hình, khiến tôi ngày càng mải mê và nhiều lần còn bị bố mẹ tịch thu.

Siêu nhân Gao
Siêu nhân Gao là biểu tượng huyền thoại trong lòng những đứa trẻ thời bấy giờ. Mỗi khi tiếng nhạc phim Gao Ranger được phát, tôi luôn nổi da gà.

Grao! Tobikakare!
Grao! Kuraitsu!
Grao! Sakebe! Cao! Taoose!
Grao! Grao! Grao!!


Những siêu nhân từ người thường, khi tập hợp để đánh quái vật, lôi chiếc điện thoại ra và biến hình rất ngầu. Năm nhân vật ngoài trang phục siêu nhân đầy đủ màu sắc, còn có thể ghép lại với nhau thành một cỗ máy khổng lồ và được điều khiển ở trong.

Lấy ý tưởng từ phim hoạt hình Gao Ranger, hàng loạt đồ chơi thịnh hành được ra đời. Đầu tiên là chiếc điện thoại biến hình, có hình đầu thú và phím bấm ở trong. Chiếc điện thoại này còn có đầy đủ tay chân, có thể mở ra gập vào thành nhiều hình dạng khác nhau. Hồi ấy tôi cực kỳ hứng thú với chiếc điện thoại này vì sự sáng tạo của nó. Tôi vừa có thể cầm như một chiếc điện thoại, bắt chước siêu nhân để lên tai biến hình, vừa có thể xếp nó thành hình con thú hoặc hình người. Bạn bè trong xóm tôi mỗi đứa có một cái cầm xuống đường, chơi trò đóng giả siêu nhân tập hợp.

Tiếp đến là những chiếc kiếm, viên ngọc được làm y hệt trong phim và đặc biệt nhất là bộ đồ chơi robot của siêu nhân Gao. Bộ robot này có giá thành khá cao, đến vài trăm nghìn đồng thời ấy không phải đứa trẻ nào cũng được mua.

Tôi sở hữu một con duy nhất từ một lần nài nỉ mãi bố mới cho mua, đó là robot Gao King, hình dạng phổ biến nhất của năm thành viên Gao Ranger hợp lại. Con robot này được ghép bằng năm con thú riêng lẻ là sư tử, hổ, cá mập, chim, trâu tương ứng với các nhân vật siêu nhân. Các bộ phận tách rời cũng là một con thú có thể chơi riêng lẻ, như vậy là mua một bộ ta có sáu đến bảy đồ chơi khác nhau. Tôi vẫn nhớ ngày đầu được mua bộ đồ chơi này, tôi sung sướng vô cùng và còn ôm chúng đi ngủ.

Anh bạn Tuấn Chiến cùng xóm của tôi thì được bố mẹ mua cho hẳn ba bộ siêu nhân Gao, tôi thường sang chơi ké với cậu. Cậu có bộ robot của Gao bạc rất ngầu, gồm cá sấu, sói, cá mập đầu búa, bộ này tôi nhớ giá thành đâu đó gần 500 nghìn đồng. Bộ phượng hoàng của cậu cũng chất chơi không kém, gồm phượng hoàng, hươu cao cổ, tê giác, tê tê và tuần lộc. Đặc biệt đôi cánh của con robot là cây cung dài khoảng 30 cm và có chỗ để ngọc, tôi nhìn thèm chảy nước miếng. Tôi và Tuấn có quãng thời gian vui vẻ khi cùng chơi đồ chơi Gao Ranger với nhau.

Pokemon
Chắc bạn còn nhớ anh chàng Ash với chiếc mũ đỏ cùng chú Pikachu béo ú màu vàng trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng Pokemon. Có vô số đồ chơi làm theo phim hoạt hình này và chúng rất phổ biến với trẻ con lúc bấy giờ.

Đầu tiên có thể kể đến bộ tú lơ khơ kích thước nhỏ xíu in hình pokemon, là đồ chơi Pokemon đầu tiên mà tôi tiếp cận. Tuy chỉ là bộ tú nhưng tôi chỉ cần xòe ra ngắm nghía hình những Pokemon rồi nâng niu từng lá mới toanh là đủ vui rồi.

Pokemon có cả bài với đầy đủ chỉ số công thủ như bài Magic nhưng tôi không mua được. Tuy nhiên, hồi ấy có một cách sở hữu những lá bài này bằng cách mua một gói xúc xích gồm ba chiếc được đính cùng bài Pokemon và tôi thường xin bố mẹ mua xúc xích để sưu tầm.

Phổ biến hơn là loại thẻ 3D hình tròn có hình Pokemon màu xanh, khi ngửa lên là đổi thành hình dạng khác. Cùng với những viên bi, thẻ 3D Pokemon cũng là tài sản của trẻ em thời ấy. Chúng tôi có thể chơi đập bài xem ai ngửa thì được tấm thẻ hoặc đặt cược bất cứ trò gì bằng thẻ 3D Pokemon, bạn bè tôi mỗi đứa ít nhất cũng phải có cả sấp mang đi chơi.

Cuối cùng là quả bóng Pokemon quen thuộc màu đỏ trắng, bên trong là đủ loại Pokemon bằng nhựa, kích cỡ khoảng 5cm. Tôi từng sở hữu một chú Charmander đuôi lửa và một chú Bulbasaur lưng hình củ tỏi. Tôi rất yêu chúng và thường đem theo khi tới trường lớp.

Lego
Có rất nhiều loại đồ chơi liên quan đến lắp ghép với đầy đủ mẫu mã, kiểu dáng trên thị trường, tuy nhiên Lego là thứ đồ chơi để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất. Cho đến hiện tại, Lego vẫn xuất hiện ở khắp các chuỗi cửa hàng đồ chơi My Kingdom, Tini Store và được trẻ em ưa thích.

Lego bắt đầu thịnh hành ở Việt Nam vào những năm đầu 2000, trẻ em yêu thích loại đồ chơi này vì chúng có thiết kế rất đặc biệt, hình viên gạch với các đốt có thể lắp vào bất cứ đâu. Chính vì thiết kế độc đáo này, trẻ em có thể thỏa sức sáng tạo với những bộ Lego của mình. Chúng có thể lắp theo hình mẫu, lắp tự do theo sở thích mà không cần theo một quy tắc nào.

Lego có rất nhiều bộ chủ đề từ lớn đến nhỏ, cướp biển, cảnh sát, bác sĩ, phi công,... gì cũng có. Một hộp Lego nhỏ có giá dao động từ 10 đến 20 nghìn đồng, bán khắp nơi quanh cổng trường học. Phụ huynh có điều kiện còn mua những bộ to lên tới vài trăm nghìn cho trẻ con chơi. Tôi thường để dành 10 nghìn tiền ăn sáng để mua một bộ Lego nhỏ, dài khoảng 10cm theo chủ đề.

Với bộ Lego nhỏ này, tôi đầu tiên sẽ ráp thành hình trên tờ hướng dẫn và chơi trong vòng 1 tuần. Sau đó, tôi tháo hết ra và tự lắp theo ý tưởng của mình. Tôi còn mang những bộ Lego sang nhà bạn để kết hợp với nhau, hai đứa ngồi nghịch ngợm, lắp ráp cũng hết cả buổi chiều.

Bi
Bi là loại đồ chơi lâu đời và đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng thời của tôi xuất hiện rất nhiều chủng loại bi mới như bi sứ, bi trà sữa, bi trứng, bi không mắt,... Trẻ em đứa nào cũng có một hộp bánh quy to để đựng bi, đây là cả gia tài của chúng.

Tôi có sở thích sưu tầm bi các loại, bi rất rẻ, chỉ từ 500 đồng đến 2000 đồng một viên. Với những loại bi mắt mèo truyền thống, gần nhà tôi có quán bà Sen Gà bán, trẻ em trong khu đều đến đây để mua bi. Bi mắt mèo dùng để trao đổi như tiền tệ, hoặc lấy ra để bắn. Loại bi này tôi còn mài xuống đường cho sần hết, khá thú vị.

Với những loại bi đẹp mắt như bi sứ, bi trà sữa, bi trứng, bi không mắt màu xanh, tím,... tôi mua một vài viên ở cổng trường để sưu tầm. Những loại bi này tôi rất giữ gìn, cất kỹ và không có một vết xước nào. Tôi chỉ cần lấy ra một vài viên để cầm hoặc cho chúng vào một chai nước, ngắm rất đẹp.

Búp bê Barbi và Đồ Hàng
Tôi thì không mua những loại đồ chơi này, tôi sang nhà những bạn, chị gái trong xóm và được rủ chơi. Đồ chơi cho con gái cũng rất đa dạng và đẹp mắt. Những con búp bê Barbi cực kì xinh xắn, tóc vàng, tóc nâu với đủ loại trang phục.

Khi sang nhà các bạn nữ, bạn rủ tôi chơi Đồ Hàng với nhân vật búp bê Barbi. Bộ Đồ Hàng có đầy đủ dụng cụ làm bếp, món ăn, bàn ghế ngồi bằng nhựa rất đẹp mắt. Dù ngây thơ nhưng tôi thường chơi đóng giả vợ chồng với các bạn. Tôi bắt chước người lớn, giả giọng hỏi : “Hôm nay mẹ nó cho ăn gì?”, thế là bạn đóng nhân vật người vợ lấy bếp, dụng cụ nấu ăn cho tôi. Những trò chơi của những bạn gái cũng rất vui, thực tế và thú vị.

Yoyo
Yoyo xuất hiện sau những loại đồ chơi khác khoảng vài năm nhưng chúng có độ phổ biến rất lớn. Những loại đồ chơi thú vị, nhỏ gọn và giá thành rẻ rất được trẻ em ưa chuộng thời bấy giờ. Yoyo xuất hiện như một hiện tượng, tôi bắt đầu thấy chúng bạn quanh xóm, trên trường lớp đứa nào cũng tậu một chiếc làm tôi cũng tò mò.

Với kết cấu rất đơn giản, gồm một con quay và dây nhỏ cuốn quanh, người chơi chỉ cần thả con Yoyo và giật lên xuống. Yoyo có rất nhiều chủng loại, từ nhỏ đến to, có cả đèn phát sáng, dao động từ 5 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng. Bọn tôi đánh giá một chiếc Yoyo là xịn bằng việc kiểm tra xem chúng có “ngủ” được không. “Ngủ” là kỹ thuật chơi Yoyo bằng cách quăng chúng thật mạnh gần chạm đất, và con quay cứ xoay tít ở dưới một lúc trước khi trở lại.

Tôi hồi đó rất nghiện chơi Yoyo, ngoài “ngủ” tôi học một số kỹ năng khác như kéo dây thành hình tam giác rồi cho Yoyo vào giữa, tung Yoyo theo quỹ đạo vòng tròn,... Hình ảnh học sinh nghịch Yoyo vào giờ ra chơi dưới sân trường rất thường thấy. Bọn tôi cùng chơi Yoyo và dạy nhau những kỹ thuật chơi mới rất vui.

Súng nhựa
Súng nhựa là đồ chơi khá nguy hiểm với trẻ em, người lớn thường cấm nhưng bọn tôi vẫn tìm cách mua vì chơi rất vui. Súng nhựa thời ấy chủ yếu là súng lục, có màu bạc hoặc đen với đạn bằng nhựa hình tròn nhỏ. Súng nhựa có giá thành dao động khoảng 20 đến 50 nghìn đồng. Súng có thể nạp đạn nhựa vào khay súng và lên cò bắn như súng thật. Lực bắn của súng nhựa cũng rất mạnh, đủ làm tím chân tay.

Tôi và các bạn trong xóm cũng tậu cho mình mỗi người một chiếc, cầm súng chia đội bắn nhau rất vui. Khung cảnh đấu súng nhựa trong khu phố tôi rất hỗn loạn, trẻ con chạy khắp nơi và tiếng "pặc pặc" của súng ở trên nhà cũng nghe thấy. Chúng tôi còn áp dụng súng nhựa vào trò chơi “Cảnh sát bắt kẻ trộm”, vừa rượt đuổi vừa cầm súng bắn nhau. Tuy vậy, súng nhựa cũng là vũ khí của những kẻ bắt nạt, thường lấy súng dí sát đùi bắn rất đau. Vì vậy trẻ con hay mách bố mẹ và các loại súng nhựa cũng bị tịch thu hết.

Pháo diêm
Ngày xưa nhưng loại pháo còn chưa bị cấm ở Việt Nam, vào dịp lễ Tết, trẻ con hay mua pháo diêm để chơi. Pháo diêm rất gọn, y hệt như bao diêm, chỉ cần quẹt và ném đi là nổ. Vì sự tiện lợi này nên trẻ con mỗi đứa mua vài hộp đi khắp nơi để ném.

Pháo cũng là một trò chơi nguy hiểm và bị phụ huynh cấm, rất may là chúng tôi chơi pháo mà không xảy ra vụ việc nào. Chúng tôi thường tụ tập nhau đi khắp xóm ném pháo diêm, tiếng nổ “tét, tét” vừa đủ to nghe vui tai. Chúng tôi ném pháo trêu chó, trêu những đứa trẻ khác rất vui nhộn, mỗi lần ném cả lũ đều cười khúc khích với nhau.

Đồ chơi, một phần tuổi thơ
Còn rất nhiều trò chơi thú vị thời bấy giờ như máy nuôi gà, trứng khủng long, con quay lên cót, mô hình quân đội, máy gắp cá bằng nam châm, bàn bi a mini, ô tô điều khiển... Tuổi thơ của tôi tràn ngập những đồ chơi đa dạng và sáng tạo, giúp tôi có những giờ phút giải trí thú vị sau giờ học tập căng thẳng. Tôi yêu quý và gìn giữ những món đồ chơi của mình, chia sẻ và chơi chúng cùng bạn bè cùng trang lứa. Ký ức tuổi thơ tươi đẹp của tôi không thể thiếu những món đồ chơi đó.

Hiện nay những cửa hàng đồ chơi đa phần tập trung ở những chuỗi lớn, như My Kingdom hay Tini Store. Tôi vào mua đồ chơi cho cháu và bị choáng ngợp vì có quá nhiều chủng loại đồ chơi khác nhau. Tuy nhiên tôi thấy trẻ em thời nay không có sự say mê với đồ chơi như ngày trước, chúng rất mau chán và thích chơi điện thoại hoặc máy tính bảng hơn. Nếu tôi có con, tôi sẽ mua thật nhiều đồ chơi cho chúng, để chúng có sự trải nghiệm ngoài chiếc màn hình điện thoại. Đồ chơi cũng giúp tăng trí thông minh, sáng tạo của trẻ. Là thứ gắn kết cha mẹ với con cái bằng việc dành thời gian chơi đồ chơi cùng chúng, cũng là một dịp ôn lại tuổi thơ.
 
Tham gia
19/9/24
Bài viết
31
Điểm cảm xúc
93
Điểm
18
Chương 17: Trò chơi điện tử
Những năm 2000 là thời kỳ bùng nổ công nghệ ở Việt Nam, trò chơi điện tử cũng là một trong số đó. Tuổi thơ của tôi vừa được vui chơi ngoài đường phố, vừa được trải nghiệm những trò chơi điện tử mới mẻ. Trò chơi điện tử có nhiều hình thức như máy tính, điện tử bốn nút, Game Boy, Nitendo,...
Trò chơi điện tử lúc bấy giờ đồ họa lẫn lối chơi còn sơ khai nhưng những thứ mới mẻ luôn làm tôi hứng thú. Tuổi thơ tôi gắn liền với những lần rủ bạn sang nhà chơi máy tính, xin bố mẹ một vài nghìn ra quán net chơi điện tử. Trò chơi hiện nay cải tiến rất nhiều cả về đồ họa lẫn lối chơi cùng vô số thể loại kháu nhau nhưng không bao giờ cho tôi được cảm giác như thuở bé.

Điện tử băng bốn nút
Chắc hẳn bạn còn nhớ bộ điện tử bốn nút cùng những chiếc băng nhỏ xíu màu vàng có in hình trò chơi. Tôi lần đầu được bố mua cho bộ điện tử bốn nút lúc 5 tuổi, tôi vẫn nhớ tôi đã sung sướng thế nào khi đập hộp chiếc máy.

Bộ điện tử bao gồm một máy chính màu trắng, ở giữa có một khay để cắm băng, hai tay cầm mỗi bên có bốn nút, một cục dây nguồn màu đen, một đoạn dây nối có ba giắc cắm màu đỏ, vàng, trắng để cắm vào TV, một chiếc băng màu vàng có bốn trò chơi và một khẩu súng có dây. Tôi và chị gái phải loay hoay một lúc lâu mới khởi động được chiếc máy. Tôi không tưởng tượng được rằng lại có thể chơi điện tử trên màn hình TV, thứ tôi nghĩ chỉ để xem mà thôi, kỳ diệu là cảm nghĩ của tôi về nó.

Trò tôi chơi đầu tiên là “Mario cứu công chúa”, với tiếng nhạc quen thuộc cứ văng vẳng trong đầu tôi “ting ting tình ting tính”. Thể loại màn hình ngang đi bàn rất phổ biến thời bấy giờ và nhắc đến thể loại này không trò nào qua được Mario. Trò chơi có đồ họa nhiều màu sắc, màn đầu tiên có nền là bầu trời cùng mây và núi, anh chàng Mario xuất hiện đi trên gạch trông rất bắt mắt.

Mới đầu mày mò chơi Mario, tôi không biết cách chơi, cứ chạm vào con nấm và chết. Sau mới biết phải nhảy vào đầu nó bẹp dí, nhảy vào dấu hỏi để ăn nấm nâng cấp Mario, con rùa thì có thể nhảy vào đầu cho cụp mai rồi đá nó xuống vực hoặc vào con quái khác. Đặc biệt, sau khi ăn hoa để nâng cấp, Mario còn bắn ra đạn rất dễ chơi. Sau vài chục lần chơi, cuối cùng tôi cũng đi đến cột cờ, Mario từ từ đu xuống và tiếng nhạc chiến thắng nổi lên khiến tôi rất phấn khích.

Ngoài Mario, chiếc băng còn có các trò khác như bắn xe tăng, Contra và bắn đĩa. Trò bắn đĩa thực sự làm tôi bất ngờ, tôi cảm thấy bộ điện tử quá hiện đại, không tin nó có thể làm được vậy. Mới đầu bật trò chơi, tôi dùng tay cầm để điều khiển nhưng không được, tưởng bị lỗi nhưng sực nhớ ra còn cây súng chưa sử dụng. Sau khi cắm cây súng vào máy, tôi có thể dùng nó để bắn đĩa, bắn vịt. Cả nhà tôi cùng chơi, mỗi lần bắn trúng mục tiêu lại hô lên rất vui nhộn, tôi nhớ những khoảnh khắc ấy.

Trong xóm tôi cũng nhiều nhà có bộ điện tử này, nhiều lúc tôi chán chơi một mình ở nhà hoặc phải trả TV cho người lớn xem, tôi xuống nhà ông Lập để chơi cùng hai anh lớn là Đạt Trố và Phúc Bồ. Kỷ niệm chơi điện tử bốn nút dưới nhà ông Lập có khi còn nhiều hơn tôi chơi ở nhà.

Khi đi chơi ngoài đường, tôi ngó qua nhà ông Lập thấy hai anh đang ngồi chơi Contra với nhau, tôi đang chơi cảnh sát bắt kẻ trộm, tạt vào nhà chơi với hai anh luôn. Anh Đạt và anh Phúc chơi rất giỏi, tôi nhìn các anh chơi cũng học được nhiều thứ. Contra cũng là một trò chơi huyền thoại của điện tử bốn nút, nó giống Mario chơi màn hình ngang nhưng khó và phức tạp hơn nhiều. Người chơi phải điều khiển nhân vật nhảy, nằm, bắn đạn tiêu diệt địch khắp nơi trong màn với cường độ cao và nguy hiểm luôn xuất hiện bất ngờ.

Ngồi xem một lúc hai anh cũng cho tôi chơi cùng mặc dù tôi chơi toàn bị chết trước và kéo màn hình các anh (khi một người không di chuyển thì người còn lại cũng không đi tiếp được). Chơi với anh lớn tôi luôn được nhường, cứ khi nào xuất hiện đạn S (đạn chùm nhiều hướng) anh lại nhường cho tôi còn anh thì bắn những đạn khác yếu hơn. Dần dần vừa chơi vừa được các anh chỉ, tôi đã bắt kịp được nhịp chơi của các anh. Tôi đã thuộc những cạm bẫy, chướng ngại vật trong màn và dễ dàng tiêu diệt chúng, luôn sát cánh cùng các anh. Ba anh em ngồi chơi quên cả thời gian, thoáng chốc đã hết một buổi chiều.

Sau khi không thấy tôi đâu, lũ bạn trong xóm phát hiện tôi ngồi chơi điện tử trong nhà ông Lập, cũng vào xem cùng. Vì đông người, chúng tôi chơi theo luật “thua ra đập vào”, cứ hai đứa một thay nhau chơi. Sau hôm ấy, chúng tôi cứ hẹn nhau khoảng 8h tối xuống nhà ông Lập tụ tập chơi điện tử. Tôi, Tuấn Chiến, anh Việt Anh nhà ngay bên cạnh cùng hai anh Phúc Bồ, Đạt Trố cùng nhau chơi trong nhiều tháng. Chúng tôi cùng nhau thắng trò Contra sau hàng trăm lần chơi, từ “phá đảo” cũng bắt nguồn từ trò chơi Contra vì hình ảnh cuối cùng là hòn đảo bị phá hủy cùng chiếc trực thăng trở nhân vật chính trốn thoát. “Phá đảo” cũng để chỉ khi thắng được một trò chơi rất khó, như Contra.

Chúng tôi trở nên thân thiết, khăng khít hơn nhờ có bộ điện tử bốn nút, chúng tôi còn sang nhà hai anh chơi kể cả khi không chơi điện tử. Năm anh em sau khi phá đảo Contra còn chơi cả bắn xe tăng, Olympic, đá bóng chưởng,... Tôi rất thích quãng thời gian đó, kỷ niệm gắn liền với bộ điện tử bốn nút cùng bạn bè luôn trong ký ức của tôi.

PS1
Sau khi phá đảo hết các trò của điện tử bốn nút, tôi tiếp tục được trải nghiệm công nghệ mới, đó là PS1. Trong xóm tôi, nhà chú Tứ mở quán điện tử PS1 và nhanh chóng trở thành tụ điểm của giới trẻ. Tôi và đám bạn như thường lệ, phát hiện quán mới là phải chơi thử ngay. Quán chú Tứ khá nhỏ, chỉ có năm máy nhưng lúc nào cũng xuất hiện khoảng hai mươi đứa lớn nhỏ đến chơi. Chú đầu tư TV to cùng chiếc máy PS1 màu xám có logo PlayStation và tên hãng SONY trông rất hiện đại. Đặc biệt, chiếc máy này chạy bằng đĩa chứ không phải băng nữa.

Lần đầu xuống nhà chú Tứ chơi cùng Tuấn Chiến, tôi phải xếp hàng chờ đến lượt vì quá đông khách. Ai cũng muốn trải nghiệm trò chơi mới, các anh lớn thì chơi đá bóng, bọn trẻ con thì chơi Dragon Ball, Tekken, Đua xe thú... Khi có máy, tôi và Tuấn góp mỗi đứa 2 nghìn đưa cho chú Tứ để chơi trong một tiếng. Trò đầu tiên tôi chơi cùng Tuấn là Tam Quốc Chí (Warrior of Fate) có lối chơi màn hình ngang nhưng không chỉ di chuyển trên một đường thẳng mà còn đi lên xuống được. Đối với tôi, trò chơi có đồ họa rất đẹp mắt và mới mẻ, tôi chọn nhân vật Trương Phi còn Tuấn chọn nhân vật Hoàng Trung. Trò chơi có tính phối hợp đồng đội cao, cùng nhau di chuyển đánh quân lính và kiếm đồ ở các chum, rương trong bàn. Ngoài ra còn có thể nhặt vũ khí như giáo, cung và cưỡi ngựa chơi rất thú vị. Tôi và Tuấn chơi một lúc đã một tiếng và hết giờ chơi, hai đứa chơi cảm giác vẫn chưa đã, nán lại xem người khác chơi chán chê mới về.

Ngoài Tam Quốc Chí, tôi còn ấn tượng với trò chơi Dragon Ball GT của PS1, đây là trò chơi được mọi người ưa thích nhất. Trò chơi theo thể loại đối kháng màn hình ngang nhưng khi luyện chưởng hay biến hình thì màn hình xoay xung quanh (giả 3D). Những thứ mới mẻ như vậy làm tôi rất hứng thú, cộng thêm thời lượng chơi ít ỏi khiến trò chơi càng thêm thú vị. Tôi hay chọn nhân vật Vegeta tóc vàng, mới chơi chỉ biết đánh đấm bằng các nút vuông , X, tam giác. Sau đó mấy anh lớn chỉ cho tôi các tổ hợp phím để luyện chưởng, như (lùi + xuống + tiến + tam giác), (tiến + lùi + xuống + lên tam giác), cảm giác như học được bí kíp vậy. Tôi còn mày mò bấm bừa các tổ hợp phím bao giờ ra chưởng mới thôi. Những lần đấm đá, luyện Kamejoko, giữ phím đọ chưởng khiến chú Tứ cứ phải ra nhắc nhở sợ hỏng tay cầm. Sức hút của trò chơi còn đến mức các anh lớn đấu ăn tiền và cả lũ trẻ xúm đặc kín quán điện tử xem, hô hào inh ỏi.

PS1 gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người, đến nay người ta vẫn tìm lại những chiếc máy PS1 cũ để ôn lại kỷ niệm xưa. Tôi thấy rằng, cảm giác mới mẻ của công nghệ nói chung cũng như trò chơi điện tử nói riêng thời bấy giờ cho con người cảm giác rất đặc biệt mà khó tả thành lời. Hiện tại Play Station đã ra đến thế hệ PS5 rất xịn và trò chơi đồ họa đẹp như thật nhưng không thể cho tôi cảm giác phấn khích như PS1 đã từng.

Trò chơi trực tuyến
Ngoài những trò chơi offline mà tôi đã từng nhắc đến ở những chương trước như Đế Chế, Diablo, Heroes 3, Yugi, Rockman, GTA,... Ở chương này tôi muốn nhắc đến những trò chơi online cùng sự ra đời của quán net.

Hồi ấy, nhà tôi chưa được lắp mạng nên không thể tiếp cận những game online. Vừa hay, gần nhà tôi có tiệm net mới mở, có đầy đủ game online thịnh hành. Ngày khai trương, tôi là một trong những khách hàng đầu tiên của quán vì được miễn phí một tiếng chơi thử. Chủ quán net là bác Sơn, cho cậu con trai tên là Thái quản lý, mọi người hay gọi là Thái Vẩu. Quán net có hai tầng, đầu tư khoảng hai mươi máy và bán cả trà đá, nước ngọt. Trẻ em khắp xóm kéo tới chơi nên hai mươi máy là không đủ, phải chờ đến lượt.

Game online đầu tiên mà tôi chơi đó là Gun Bound, một trò chơi bắn nhau theo lượt, giống tựa game offline Worms Party nổi tiếng. Đồ họa của trò chơi theo phong cách hoạt hình rất đẹp và bắt mắt, cách chơi cũng lôi cuốn với nhiều nhân vật, thể thức đa dạng. Trò chơi kết nối trực tuyến với cơ chế tạo phòng và có thể bắt đầu chơi từ hai đến tám người, chia theo đội xanh đỏ.

Tôi chọn cho mình con tướng Sâu (Worm) và bắt đầu trải nghiệm game online là như thế nào. Trò chơi tương đối dễ tiếp cận, chỉ cần chỉnh góc và giữ phím cách để căn lực sao cho bắn trúng đội địch. Tôi đã quen thuộc với tựa game Worms Part nên cũng không có gì bỡ ngỡ. Tuy nhiên, trò chơi có cả yếu tố gió làm lệch hướng bắn, mỗi con tướng đều có chưởng cuối riêng và vô số trang bị có thể mua nên tính hấp dẫn rất cao. Người chơi online cũng giỏi hơn những đứa bạn cùng khu khi chơi Worms nên tôi cảm thấy rất phấn khích.

Từ ngày chơi Gun Bound ở quán net, tôi tiết kiệm tiền tiêu vặt để ra chơi mỗi ngày. Bẵng một thời gian, tôi đã cày lên Rìu Vàng 3, mua được chiếc mũ thổ dân cộng nhiều sức mạnh. Tôi còn rủ anh em trong quán lập đội để bắn với nhau rất vui vẻ.

Game mà tôi luôn muốn chơi nhưng không có cơ hội thời ấy đó là MU, một huyền thoại trong làng game online Việt Nam. Nhìn các anh lớn chơi mà tôi mê lắm, tuy nhiên MU là game thu phí nên tôi cũng không chơi được. Tuy nhiên, một hôm tôi kể về game MU cho chị gái tôi, chị bảo ở lớp có một anh bạn tên Thắng cũng chơi, thích chơi thì chị mượn tài khoản cho. Tôi như bắt được vàng, giục chị mượn nhanh để cho tôi chơi. Hôm sau, chị đưa tôi tờ giấy có ghi tài khoản MU của anh đó, thế là tôi hí hửng ra quán net chơi ngay.

Ra quán bật MU, màn hình đăng nhập quen thuộc hiện lên với nhân vật phù thủy Soul Mage đang đứng trên thuyền, nhìn về phía trước. Tôi nhập tài khoản và đăng nhập thành công, di chuyển đến thành phố Lorencia. Tài khoản của anh Thắng là chiến binh, mặc nguyên bộ trang bị Rồng Đỏ rất ngầu. Tôi điều khiển nhân vật đi khắp nơi đánh quái vật, một chém đã chết rồi. Chơi một lúc tôi mới biết cách chuyển bản đồ, bằng phím M, tôi lên map Tarkan và đánh quái vật ở đây. Ngồi chơi một lúc, có một anh lớn tên Long hay chơi ở quán net đi qua và thấy tôi chơi. Anh Long giở thói bắt nạt, bắt tôi tránh qua để anh chơi tài khoản ấy. Anh bật đồ sát giết hết người chơi trong map, khiến nhân vật của anh Thắng đỏ lòm và bị truy nã. Sau buổi hôm ấy, anh Thắng đổi mật khẩu và không cho tôi chơi nữa, trách chị tôi là em bà nghịch quá!

Game online khác rất hay và quen thuộc tôi chơi hồi ấy đó là Rakion. Trò chơi với không gian rộng lớn, nhập vai nhân vật và đánh nhau hỗn chiến với những người chơi khác. Rakion là thể loại tôi chưa từng chơi trước đó, đồ họa của nó rất thật, phong cách Châu Âu. Thời điểm Rakion ra mắt khiến quán net phát sốt, ai cũng muốn chơi. Hồi ấy, quán net có cài phần mềm Deep Freeze (cài đặt lại về mặc định khi tắt máy) nên muốn chơi Rakion đều phải cập nhật rất lâu. Vì thế, tôi thường canh xem có ai cũng chơi Rakion sắp nghỉ rồi nhảy vào luôn. Nhập vai vào thế giới Rakion, tôi chơi nhân vật cầm búa trông rất lực lưỡng, sức sát thương cao. Trò chơi điều khiển bằng chuột với chuột trái là chém thường, giữ chuột phải là chưởng đặc biệt cùng những phím WASD, Space để di chuyển và nhảy. Game hỗn chiến rất vui, tôi cứ thấy ai là lao vào bổ tới tấp nhưng đều bị người chơi khác KS mạng. Đặc biệt, nhân vật khi đủ năng lượng có thể hóa chaos trông rất ngầu và mạnh. Ngoài đánh nhau hỗn chiến, Rakion còn có đi bàn nhiều cấp độ, đi bàn khá khó với quái vật, trùm rất mạnh và phải hoàn thành trong một khoảng thời gian nhất định. Tôi phải nhờ mấy anh lớn chỉ cho và chơi đi chơi lại mới hoàn thành được cấp S.

Sau này, tôi cùng Tuấn Chiến còn tìm được quán net ở cách nhà hơn một km, có nhiều trò chơi cần cấu hình mạnh như Con đường tơ lụa và Audition. Con đường tơ lụa (Silk Road) là game online tôi chơi nhiều nhất thời đó, tôi và Tuấn cùng nhau đi bộ ra quán ông Tâm chơi. Silk Road là tựa game có đồ họa đẹp nhất thời ấy, về sau chơi lại tôi vẫn thấy đẹp. Trò chơi khiến tôi bất ngờ ngay từ bước tạo nhân vật, có thể chọn nhiều tạo hình nam, nữ, chỉnh chiều cao, chọn giáp, vũ khí... Tựa game lấy bối cảnh Trung Quốc thời phong kiến, không gian trong trò chơi cũng rất rộng lớn, thỏa sức khám phá. Tuy lối chơi cày cuốc giống MU nhưng Silk Road nhiều chức năng và nhiệm vụ hơn nhiều. Người chơi có thể chọn học nhiều bảng chưởng khác nhau như hỏa, lôi, băng cùng binh pháp cho từng vũ khí. Cách đánh quái vật cũng như thật, khiến người chơi như được nhập vai vào trò chơi. Tôi và Tuấn mấy năm liền đi net cùng nhau chơi Silk Road, lập tổ đội rồi đi làm nhiệm vụ. Chúng tôi còn đeo khăn đánh nhau hỗn loạn trước cổng thành, đi cướp hàng của thương nhân, .... Kỷ niệm chơi Silk Road quả thực rất vui và tôi sau này vẫn cài lại để chơi.

Còn rất nhiều những game online khác cũng hay và thú vị như Võ Lâm Truyền Kỳ, Hiệp Khách Giang Hồ, Thiên Long Bát Bộ, Tiểu Bá Vương, TS Online, Cao Bồi Không Gian,... Tôi đam mê game từ bé nên trò gì tôi cũng mày mò chơi thử, sau này tôi vẫn cài lại những tựa game tuổi thơ chơi lại. Game online là thứ giải trí dễ dàng, dễ tiếp cận và gây nghiện. Nếu chơi điều độ để giải trí, nó không gây hại như phụ huynh nghĩ về chúng mà còn rất bổ ích, tương tác với người khác khắp mọi miền thông qua internet. Nó còn là phiên bản phát triển thu nhỏ của người chơi và phát triển từng ngày, cảm giác như nuôi một đứa con ảo vậy. Tôi qua game online cũng có rất nhiều mối quan hệ ngoài đời qua những lần offline bang hội. Game online giúp tôi có những giờ giải trí thư giãn, quên đi âu lo và đến hiện tại tôi vẫn chơi game online hàng ngày.
 
Top