Đực nghe mắng mà mặt mày nóng ran. Nếu lời này chỉ một mình anh nghe thì tốt rồi, xui rủi ở chỗ không chỉ có anh và thằng Bưởi, ngay cả cậu Thuận không biết đi ra từ lúc nào cũng đang đứng nghe.
“Nếu không làm gì sai thì cần gì trốn tránh, đây là cách mà nhà các người đối xử với người có lòng ư? Không tiếp đãi dù chỉ một chút, lễ nghi gia giáo nằm ở đâu?"
“Tôi không phục!"
Giọng hắn vọng lại từ sau cánh cửa gỗ, và tất cả đều theo gió truyền vào tai người đàn ông lẳng lặng đứng kia không sót chữ nào.
“Cậu Thuận..."
Đực rón rén nhìn anh, cần thận nuốt nước bọt.
Sắc mặt Văn Thuận nhìn là biết không được tốt, anh phẩy tay áo, dặn Đực: “Đâu phải lần đầu tôi nghe lời thế này? Tôi không sao."
“Mặc kệ họ, anh cứ đi vào nhà. Lại là cái bọn học đòi văn vẻ, nghe phong thanh rồi đến đây gây rối. Phiền toái."
Tiếng dép mộc gõ lộc cà lộc cộc trên nền gạch men xa dần, cậu Thuận không màng đến những lời kia, ngồi yên vị trên phản gỗ lật giở từng trang sách màu sắc đã phai úa.
Đực ngơ ngẩn, nhanh chóng chạy theo Thuận vào trong nhà, cũng không để tâm người bên ngoài nữa.
“Cậu giận rồi nhưng không thể hiện ra mặt, rõ ràng là phiền lòng về lời của tên đó." Nhớ năm đó cậu Thuận tuyên bố ngừng dệt đã chịu không ít chỉ trích từ người nhà, song cậu chưa từng giải thích về quyết định này.
Văn Thuận là người có tâm, Đực tin cậu nhà làm vậy cũng là có lý riêng của cậu.
Văn Thuận là một người đàn ông tầm hai mươi sáu tuổi, phong thái nhã nhặn chính trực, sắc mặt lạnh bạc, giữa hai đầu lông mày tiềm tàng khí chất của người thông tuệ. Anh ta mặc áo lụa ngũ thân màu trắng, đầu đội khăn đen, chân đi guốc mộc.
Anh ngồi trên phản mà tấm lưng thẳng thớm, ngón tay lật sách trắng trẻo tinh tế như chất ngọc dùi mài qua khe nước. Thật giống như hình tượng những nhà nho trong thời đại xưa cũ.
Đây cũng không phải do anh cố ý làm màu, thực chất trong tim luôn hoài cổ, vả lại từ nhỏ đã được truyền thống gia tiên hun đúc cho nên mới luôn mang trong mình bộ dáng chính chuyên như thế.
Thuận biết mình nảy sinh chút vấn đề, lần này anh không cách nào tập trung đọc sách được, bên tai cứ văng vẳng câu nói trách cứ của người lúc nãy, đành gấp sách lại nhìn hoàng hôn buông xuống trên nóc nhà.
"Đực đâu!"
Đực vội chạy từ bếp lên, lau bàn tay ướt nhẹp vào vạt áo, hẳn là đang lục đục chuẩn bị cơm tối dưới bếp.
“Bầm cậu, tôi đây ạ!"
Thuận lơ đãng hỏi: “Người kia... đã đi chưa?"
“Bầm cậu, chưa đi ạ! Ngài ấy đang ngồi phía trước thềm, trông có vẻ không muốn đi."
“Cậu ta có làm gì khác không?"
“Không ạ, chỉ ngồi phía trước thôi, cậu đừng lo, nếu lát nữa họ không đi thì tôi ra đuổi vậy."
Thuận nhìn Đực mà không đáp.
Không biết vì sao Thuận lại để tâm đến những lời nói của người con trai bên ngoài cánh cửa. Hắn ta nghi ngờ những gì anh làm cũng đúng, bởi vì đặt vào trường hợp đó ai mà không giận. Cứ tiền trảm hậu tấu, đột nhiên tuyên bố không dệt lụa nữa, cắt đứt nguồn cung một cách khó hiểu gây ra bao nghi ngờ, tranh cãi...
Nhưng mà anh cũng có nỗi khổ của anh, ai sẽ hiểu được, dù có nói ra cũng không ai hiểu.
Vậy nên anh cứ dùng hành động để từ chối mọi ý đồ, cứ đóng cửa không tiếp là xong, khỏi vòng vo dông dài.
Thế mà lần này anh thấy lạ vì không thể kiên quyết mặc kệ cậu trai kia như những người khách vãng lai trước đây. Hắn nói hắn là khách phương xa lặn lội mà đến, đây không phải kể công, mà là uất ức vì bị xem thường.
Trước đây Thuận cũng từng từ chối không ít người, bọn họ đều là kẻ có tiền không chịu nổi sỉ nhục nên dùng dằng bỏ đi, thậm chí còn chửi rủa họ Võ kiêu căng làm giá. Còn hắn ta, vì sao hắn không đi?
Hắn nói hắn đến vì lụa, chỉ có người thật sự yêu quý lụa mới không màng đến danh dự mà chờ đợi ở bên ngoài. Cũng có chút ngang ngạnh cá tính...
Văn Thuận hạ quyết tâm, tính toán một chút rồi dặn Đực: “Anh canh chừng tầm sáu giờ nếu trời đã sầm tối mà người ta chưa chịu đi thì xem như tôi đánh giá sai họ, mời vào nhà dùng cơm để tạ tội."
Đực trợn mắt kinh ngạc.
"Có nghe không?"
"Dạ nghe."
Đực không dám nhiều lời, vâng dạ lui xuống nhà dưới.
Đúng sáu giờ chiều Đực ra trước cổng gỗ, qua khe hở của cánh cửa thấy người thanh niên
ấy còn đứng bên ngoài, không biết hắn đang nhìn cái gì mà thật chăm chú đăm chiêu, Đực mở cửa hắn cũng không để ý, đến khi Đực kêu một tiếng thì Thế mới tỉnh hồn.
Cuối cùng cũng chịu mở cửa, Thế bước lên trên một bước.
"Anh..."
“Cậu nhà tôi mời ngài vào dùng cơm. Vất vả cho ngài rồi!"
Thanh Thế nghẹn lời, thoáng chốc cứ tưởng mình nghe nhầm. Hắn không ngờ nhà này hồi tâm chuyển ý nhanh như thế, vẫn là không nén được nên mới hỏi: “Đây là do cậu nhà anh mời ư, chuyển ý nhanh thế à?"
Chứ không phải vì cậu mắng lớn quá, mắng thẳng mặt cậu Thuận khiến lòng dạ cậu ấy không yên, đến nỗi đọc một trang sách mà thở dài mấy hơi à? Đực nghĩ vậy nhưng không nói ra, chuyển lời đáp: “Cậu nhà tôi có mắt nhìn người, sẽ không bỏ qua người có tâm."
Theo chỉ dẫn của Đực, Thanh Thế đặt chân trên con đường trải gạch, đi vào trong tầm trăm mét mới thấy được toàn cảnh căn nhà theo kiểu biệt phủ ngày xưa.
Phong cách kiến trúc đã cũ chứng tỏ xây dựng rất lâu về trước, tu bổ lại đôi chút mà không làm mất đi sự cổ kính vốn có. Nhà có ba gian, tất cả được dựng bằng thanh gỗ đồ sộ như cột đình, đều là gỗ lim có điêu khắc hoa văn và chi chít kinh kệ, to bằng vòng tay ôm của trẻ con, mỗi một chi tiết đều rất tinh tế đắt giá.
Bên trong nhà không dùng điện mà thắp đèn dầu đồng loạt, ngọn đèn cháy vang lên những tiếng 'lách tách' nhỏ bé, hành lang cách một mét lại treo một cái đèn bão, bao trùm căn nhà trong sắc vàng đầm ấm.
Thanh Thế có phần ngỡ ngàng, so với khung cảnh hiện đại bên ngoài thì nơi này dường như không hề bị ảnh hưởng chút nào, nói đúng hơn thì nó như một khe hở bị thời gian lãng quên, mang một vẻ hoài niệm xưa cũ khó nói thành lời.
Đực là người thích nói chuyện, cũng bị thu hút với dáng vẻ hiện đại của cậu trai này, biết Thế kinh ngạc nên tốt bụng giải thích: “Cậu nhà chúng tôi luôn thích lối sống như trước đây nên vẫn cố gắng duy trì nó, nếu làm ngài khó chịu thì đừng để bụng."
“Không khó chịu, tôi thấy ý tưởng rất độc đáo!"
Đối với người được đưa sang Hoa Kỳ từ bé như Thế mà nói, hắn thấy công nghệ càng ngày càng tân tiến vượt bật hơn chứ chưa nhìn thấy lối sống cổ lỗ sĩ như thế này bao giờ, trong ánh mắt tức thì dâng trào hứng thú.
Chính diện gian nhà thờ có bày hương khói la liệt, bàn gia tiên trưng vô số những bài vị khắc gỗ được đơm hoa kết quả trang trọng cung kính, hình như trên một cái mâm cao còn trưng xấp vải lụa trắng.
Đi tới một chút, Thanh Thế thấy trên phản gỗ bày một mâm cơm đầy đủ hương vị đồng nội, có một người mặc áo trắng đã ngồi xếp bằng đợi sẵn trên đó, đưa lưng về phía hắn.
Cái ót người ấy rất cao.
Nghe tiếng bước chân, người áo trắng bước xuống phản, trong giây phút hai tầm mắt chạm nhau, Thanh Thế nảy sinh một sự kích động nhẹ nhàng nơi trái tim.
Thuận đưa tay làm động tác mời với thái độ không vồ vập cũng không quá xa cách, chất giọng anh rất ấm: “Chào cậu, mời cậu ngồi. Nếu đã đến thì cùng tôi ăn một bữa cơm để tôi nhận tội vì vừa nãy thất lễ."
“Không lẽ anh là...?"
“Tôi là Văn Thuận, truyền nhân thứ ba mươi hai của nhà họ Võ vùng Lục tỉnh Nam Kỳ."
"Còn trẻ quá!"
Thanh Thế buộc miệng thốt ra một câu như thế, hắn để ý từ cách ăn mặc cho đến đi đứng, kể cả ngữ khí của Thuận đều mang theo cả một bầu trời văn hóa thời xưa, nhìn qua có chút bảo thủ kín đáo.
Nhìn mặt mày hồng hào, đây mà là 'bệnh tật sắp chết' trong lời của Trọng à? Đúng là qua cái miệng của gã thì dù trâu lành cũng biến thành trâu què!
Hắn ý thức được mình lỡ lời bèn đưa tay ra chạm lấy tay anh, giới thiệu nửa thật nửa giả: “Tôi là Thanh Thế, xuất thân con cái nhà buôn lâu đời, nhà ở ngay Gia Định giáp với phía bắc của Định Tường, nghe danh anh đã lâu bây giờ mới được gặp."
Văn Thuận sâu xa cười: “Tôi thì có danh tiếng gì mà nghe chứ, đều là hưởng phúc của tổ tiên. Cậu ngồi đi."
Ấn tượng lần đầu gặp mặt không tồi, chỉ là Thanh Thế còn để bụng chuyện lúc nãy nên luôn tìm cách nói bóng nói gió anh.
Văn Thuận hiểu ý cười khổ: “Tôi không nghĩ cậu sẽ ở lại cho đến cùng.”
[Tôi cho rằng cậu tầm thường như những thương nhân kia, không đạt được mục đích thì quay ra dẫm đạp.]
Câu ấy Thuận giữ lại không nói ra, cầm ấm rót cho Thế một chén trà nóng hồi. Thế rũ mi nhìn mặt nước đong đầy trong chén, thẳng thắn nói: “Nếu tôi không kiên trì thì không xứng nhận được khoản đãi như vậy. Tôi biết anh thử lòng tôi. Có điều, tôi thật sự khó hiểu ở một điểm, vì sao anh không kế thừa truyền thống của gia tộc nữa chứ, lụa Nam Phương là nét đẹp thủ công rất đáng được kế tục đấy?"
Anh bất đắc dĩ lắc đầu, vô cùng ôn tồn như đã sớm bằng lòng với thực tại khốc liệt: “Dệt lụa để làm gì trong khi lòng người đã thay đổi, khi người ta không đánh giá một kiệt tác thông qua giá trị mà chỉ tới vì thương hiệu đình đám của nó, xem nó như tôm cá nhan nhản ngoài chợ mà mặc cả?"
“Có mấy ai hiểu được ý nghĩa của lụa, có khi cậu cũng giống họ, chẳng qua là so với họ, cậu tôn trọng cái đẹp nhiều hơn một chút."
Thanh Thế phản ứng: “Tôi không giống họ! Anh có thể không tin lời tôi nói nhưng sự thật đúng là như vậy."