Lượt xem của khách bị giới hạn

[Truyện ngắn] Bà lão - Hạ Vy

[Truyện ngắn] Bà lão - Hạ Vy
Tham gia
24/4/20
Bài viết
3
Điểm cảm xúc
17
Điểm
3
BÀ LÃO
maxresdefault.jpg

Tác giả: Hạ Vy
Thể loại: Truyện ngắn
Tình trạng: Đã hoàn thành

*****

Người ta làm huyên náo cả khu chợ vào buổi ban sáng.

Ấy là khi tiếng la thất thanh đầu tiên xé tan không gian ngái ngủ của cả khu tập thể. Rồi những kẻ tò mò cũng nhanh chóng xúm tới.
...

Chẳng ai biết bà lão ấy là ai, từ đâu đến mà dạt về khu chợ này. Cho đến khi một người từng biết bà đi ngang qua đây mới kể cho mọi người nghe.

Chồng bà sớm mất do tai nạn lao động để cho người phụ nữ mới ngoài đôi mươi đã phải đeo cái gông bốn năm ba đứa. Bà cũng chẳng đi bước nữa, đúng ra là không ai dám đi, bởi có thương cũng chẳng thương kèm thêm ba miệng ăn kia được. Hai bên nội ngoại cũng chẳng có gì khá giá nên cũng chẳng giúp đỡ được bà. Cái hồi lo thân chưa xong, sức đâu lo cho người khác. Nói có hơi quá thì chung máu mà đành phải tanh lòng.

Có hỏi tất cả những ai biết về người mẹ đơn thân ấy cũng chẳng thể tả xiết bà đã gánh gồng bươn chải nhường nào! Mà rồi đâu cũng vào đấy được. Trừ thằng cả phải phụ mẹ từ nhỏ, còn đứa nào cũng được ăn học đến nơi đến chốn. Ai có nhìn vào bà, cũng phải cộng thêm chục tuổi nữa mới hiểu được sự lam lũ của người phụ nữ này. Người ta từng bảo: Số bà là tướng sát phu, bộn bề thanh xuân nhưng được cái nhờ cậy con cháu sau này. Bà chỉ cười trừ: "Hậu vận rồi chết, đến lúc nhờ được cũng ích gì...".

Thằng cả sớm khổ cùng mẹ, thành ra lại là đứa có kinh tế trước. Rồi chốc chốc người ta thấy nhà bà có ông con mở xưởng nhỏ xưởng to, ai cũng ngạc nhiên, cũng mừng cho bà. Dài lâu khấm khá hơn, làm ăn lời lãi, ông chủ xưởng rồi cũng thành ông chủ công ty tư. Hai đứa em học xong đại học thất nghiệp rồi cũng về công ty của anh cả. Đấy, đâu cần phải về già, nuôi còn khôn lớn rồi đến ngày hái quả.

Nhưng cũng nghiệt ngã thay, cuộc đời đã bắt khổ thì cũng chẳng thể sướng tiếp được nữa. Đến ngày thằng con cả của bà bỏ trốn sang nước ngoài khi bị truy nã buôn bán quốc cấm và dính dáng với xã hội đen, hai đứa em cùng nằm trong dây thì nhanh chóng cũng bị bắt. Nghe đâu khoan hồng rồi mà vẫn chung thân. Thằng cả từ đó biệt vô âm tín, sống chết không ai hay. Công ty không chủ rồi cũng mất vào tay kẻ khác. Ngay cả cái nhà ở quê mà các con bà vẫn từng tự hào đã trang trải cho mẹ một mái ấm cũng bị người ta xiết nợ.

Họ nói bà bị hóa điên và cũng bỏ đi đâu mất. Số đời lại quay về cảnh cùng cực.

Kẻ thì nói bà đã trầm mình để giải kiếp. Ừ, thì sống còn có nghĩa lý gì.

Người cuối cùng còn nhìn thấy bà thì bảo gặp bà cứ lững thững đi thẳng, hỏi han cũng không thưa không gửi.
***

Ấy là những lần kể vụn vặt rồi thành 1 câu chuyện. Ở khu chợ của khu tập thể cũ này, người ta đã quen với bóng dáng một bà lão rách rưới, lẩm cẩm đi xin ăn quanh chợ. Lúc nào bà cũng ôm theo một khay diêm bán quanh các gian và quán xá lân cận. Hồi đầu, người ta thấy bà chỉ xin tiền, xin ăn. Ai có gì thừa ngon nghẻ cũng thương tình cho bà. Rồi chẳng biết ai mách, người ta lại thấy bà có khay diêm đi bán.

Lương của một người năm triệu đồng mà họ tiêu hết ba triệu thì còn hai triệu cất đi. Lương mười triệu rồi cũng chỉ tiêu ba triệu thì người đó biết thu quén. Người bình thường thì nghĩ chật vật vậy. Còn với người ăn xin như bà, một ngày chỉ cần dăm chục mua hột cơm là được lắm rồi. Hôm nào người ta cho đồ ăn thì tiền cất đi, phòng khi...

Rồi cũng có ngày họ thấy bà có con chó lúc nào cũng lẽo đẽo theo bên cạnh. Họ bảo cảnh khổ nên mới tìm đến nhau. Con chó hoang trở thành người bạn trung thành với bà lão. Lại nhớ cái ngày bà thấy nó gục đói nằm một chỗ, chân sau rướm máu (chắc người ta đánh vì ăn vụng trong chợ), bà thương tình sẻ miếng ăn cho nó là cái đùi gà gặm dở ai đó vứt thùng rác. Lần đầu tiên cửa hàng thuốc thấy bà lão ăn xin ghé vào mua bông băng thuốc đỏ.

Bà lão ăn xin cùng con chó tập tễnh cứ thế ngày qua ngày quanh chợ.
***

Người ta mua diêm cho bà cũng vì thương tình bà, hoặc mua để châm thuốc. Mà giờ người ta toàn dùng bật lửa cả, mấy ai còn dùng diêm nữa. Có bán cho ai một lần rồi thì lâu lâu mới bán lại được. Suốt từ hồi đầu xuân người ta mua lửa lấy may, bà cũng bán được. Nhưng đến giờ, bà lão ăn xin cũng có những ngày ế hàng.

Đó là vào những lúc tiết trời đầu mùa mưa rả rích. Cả người và chó cứ thu lu trong cái xó khuất của khu chợ. Rồi bà lão ốm, người già mà bệnh thì lại càng mệt, rồi muốn đi đến đầu chợ xin miếng cơm mà chẳng lết nổi. Con chó chỉ biết chạy và oăng oẳng quanh bà. Nó cũng đói, cũng muốn đi kiếm cái gì ăn mà chẳng dám rời khỏi bà lão. Đôi lúc nó quay ra liếm láp cái má nhăn nheo thô rạp của bà, liếm cả giọt nước mắt lăn ra. "Con đi đi, không là chết cùng bà...". khi ấy nó chỉ biết nằm rạp xuống cạnh bà, tru lên vài tiếng.

Thi thoảng, có kẻ vô tình ngang qua trông thấy, đều giật mình khi thấy bộ dạng hốc hác của bà lão ăn xin.

Khay diêm bên cạnh đã ẩm và mục từ khi nào.
***

Đến một đêm, con chó tập tễnh tha về một bọc nilon, nó nhả xuống cạnh tay bà, vẫy đuôi sủa inh ỏi. Thấy bà lão không động đậy, nó cắn tay áo kéo, rồi một hồi bà cũng dậy. Bao ngày trời bà đã đói lả rồi, có lúc lại miên man, lúc thức lúc tỉnh. Nhìn con chó, nhìn bọc nilon, bà chảy cả nước mắt, miệng mở ra định nói gì mà chẳng nên hơi. Cả người và chó nhanh chóng ngấu nghiến bọc cơm bằng hai cái bụng đã trống rỗng bao ngày.

Rồi hôm sau, người ta huyên náo cả khúc chợ lúc còn nhá nhem.

Ấy là khi tiếng la thất thanh đầu tiên xé tan không gian ngái ngủ của cả khu tập thể. Rồi những kẻ tò mò cũng nhanh chóng xúm tới.

Người ta bịt mũi bởi cái mùi phân hủy của hai cái xác.

Già, ốm rồi chết.

Hoặc phải bả.

Chứ không sao con chó cũng chết theo?

Mà đánh con bao nhiêu mới ăn đề?

Ai gở mồm chứ người ta quật cho, ở đấy mà đề đóm.

Chứ không dọn hai các xác đi cứ để đây mà ám à?.

Không có người nhà à?

Ăn xin ở đâu tới ấy chứ.

Đừng để bọn trẻ con thấy, không chúng nó sợ.

Cả đời đã khổ, chết lại càng khổ.

Là người ta cứ bàn tán vậy.

Rồi đến tận trưa, cái xó khuất của chợ mới được dọn xong.

Bát hương được đặt chính giữa cái khay diêm ngay cạnh vị trí người ta thấy.

Mấy bà mẹ cũng dặn bọn trẻ con đừng có bén mảng qua đó không lại bị này bị nọ. Ai đi qua cũng bước nhanh hơn và né nhìn vào trong. Cũng may đó cũng là góc khuất, chẳng mấy khi phải qua lại.


Khi những hạt mưa đầu mùa thôi rơi, tiết trời ấm hơn, lại hửng nắng.
*****

HẾT
 
Top