Lượt xem của khách bị giới hạn

[Hướng Dẫn] Những điều cần lưu ý khi viết truyện - SCP

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.
[Hướng Dẫn] Những điều cần lưu ý khi viết truyện - SCP

Sợ Cẩu Phập

Thành viên BQT
Bếp Trưởng
Tác giả
Mod - Sáng Tác
Newspaper Team
Tham gia
12/4/19
Bài viết
513
Điểm cảm xúc
1,025
Điểm
93
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI VIẾT TRUYỆN
:980:

-Đây là những lưu ý từ một người đã nỗ lực trên con đường viết truyện-

Trước khi bắt tay vào viết một bộ truyện, đầu tiên chúng ta cần phải trả lời câu hỏi: Một bộ truyện thu hút người đọc bao gồm những yếu tố nào? :emoji_thinking:

Theo Phập, một bộ truyện thu hút người đọc là một bộ truyện có cả hình thức và nội dung tốt.
Hình thức: Tại sao nó lại quan trọng? Tôi có thể không cần quan tâm đến hình thức không?

:641:
Đứng dưới góc độ người đọc, Phập không nghĩ ai đó sẽ có kiên nhẫn đọc một bộ truyện trình bày hỗn loạn, sai chính tả. :465:
Ví dụ như:
am thanh to lớn vag vọng như tiếeng bom nổ làm taii trần Thiên THANH đau đớn, cũng cắt đứỤt mạCh suY nghĩ của cậu. CậuU theEo bản năng chÊ tai mình lại, ôm đEầu chịu đựng. Dòng nướCc bị khuấy động càNng lúc càng hỗNNNNNn loạn. Trần ThiênV ThanhF cảm thấy cơ thSể bị siết theo nhiều hướSng. Cậu khHông thể khống chế cơ thể của mình, chỉ cDó thể bị cuốn đi.
Thay vì một bộ truyện được trình bày rõ ràng. Ví dụ như:
Âm thanh to lớn vang vọng như tiếng bom nổ làm tai Trần Thiên Thanh đau đớn, cũng cắt đứt mạch suy nghĩ của cậu. Cậu theo bản năng che tai mình lại, ôm đầu chịu đựng. Dòng nước bị khuấy động càng lúc càng hỗn loạn. Trần Thiên Thanh cảm thấy cơ thể bị siết theo nhiều hướng. Cậu không thể khống chế cơ thể của mình, chỉ có thể bị cuốn đi.
Việc trình bày đúng, dễ nhìn không những ảnh hưởng đến người đọc mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến người viết. Bởi vì cơ bản trước khi câu chuyện được đăng tải thì người viết cũng phải đọc đi đọc lại chương truyện mình viết rất nhiều lần. Hay nói cách khác người viết chính là độc giả đầu tiên của quyển truyện. Làm sao bạn có thể viết tiếp khi mà sau khi viết xong bạn không thể nhớ nổi mình đã viết những gì hoặc phải tốn thời gian giải mã đống từ ngữ mất chân, mất tay. Thông thường một chương truyện dài có thể chứa từ 1000 chữ trở lên. Tôi nghĩ bạn có thể giải mã một hoặc hai chương đó dễ dàng nhưng với 100 chương thì đó đúng là thảm hoạ!
:755::1082:

Ngoài ra mỗi diễn đàn cũng sẽ có những quy định về việc đăng tải nội dung. Nếu không đáp ứng được mặt hình thức, truyện của bạn sẽ không được duyệt.
:947:

Nội dung: Tôi muốn viết một câu chuyện thật hay nhưng không biết phải làm thế nào? Tôi rất hay quên tình tiết, làm sao để thay đổi? Tại sao những gì tôi viết không giống như những gì tôi muốn?

Dĩ nhiên một quyển truyện hay không thể thiếu nội dung hấp dẫn. Nhưng trước khi viết truyện, tôi mong mọi người hiểu một điều: Đó là không có quyển truyện nào được tất cả mọi người yêu thích tuyệt đối! Mỗi người đều có “gu” của riêng họ. Việc lựa chọn đọc quyển truyện nào là quyền tự do của mỗi người. Cho nên nếu lượt xem một quyển truyện nào đó kém đôi khi không phải vì nó có nội dung không hấp dẫn.
P/S: Mặc dù không hấp dẫn là một lý do quan trọng để người ta không lựa chọn đọc một quyển truyện. :1081:

Vì vậy trước hết bạn cần có một tâm thái tìm kiếm những người cùng “gu” với mình. Ví dụ: Phập viết một quyển truyện đam mỹ, những người không thích thể loại namxnam sẽ không muốn đọc quyển truyện Phập viết.
:527:

“Tôi muốn viết một câu chuyện thật hay nhưng không biết phải làm thế nào?”

Bạn cần có một định nghĩa về quyển truyện hay cho riêng mình đã. Viết truyện giống như ăn cơm, khi ăn bạn sẽ biết món nào ngon, món nào dở, món nào hợp với mình, món nào không. Bạn phải giữ cái cảm giác đó và thể hiện ra cho những người khác biết, như vậy mới có thể thuyết phục người khác cũng cảm thấy nó ngon như bạn cảm nhận. Bạn có nhớ cảm giác hoặc nội dung một quyển truyện từng đọc mà bạn cảm thấy thật hay không? Nó sẽ là kim chỉ nam để bạn đạt đến nội dung một quyển truyện hay. Bạn không thể viết ra một quyển truyện hay nếu người viết là bạn cũng không thích nó được.
:640:

“Tôi rất hay quên tình tiết, làm sao để thay đổi?”

Chuyện này thường hay xảy ra đối với những người viết truyện dài. Những truyện dài hơn trăm ngàn chữ yêu cầu rất nhiều tình tiết, nhân vật cũng như bối cảnh. Để quyển truyện có nội dung hay và mượt thì người viết không nên tạo ra một nhân vật, tình tiết, bối cảnh rồi bỏ dở giữa chừng hoặc xử lí không đầy đủ. Khi bạn đọc truyện lại dưới góc độ độc giả nhất định cũng sẽ thấy khó chịu.

Để khắc phục điều này thì bạn cần có một đại cương. Nó là tổng thể ý tưởng của bạn về quyển truyện đó bao gồm chuỗi mạch truyện, những nhân vật sẽ xuất hiện, những bối cảnh cần thiết. Đại cương càng chi tiết càng tốt. Người viết chuyên nghiệp có thể chú trọng phân bố nội dung từng chương. Hắn các bạn từng nghe đến các thuyết âm mưu về One Piece chứ! Chắc chắn ai cũng phải trầm trồ vì tác giả đã chôn dấu nhiều manh mối về kết truyện từ những chương đầu tiên!
:838:
Đại cương sẽ giúp bạn giữ mạch truyện ổn định và logic. Vì vậy trước khi viết, hãy xây dựng truyện mình bằng một đại cương nhé!
:394:
Ví dụ: Sắc muốn viết một truyện ngắn 10 chương, mỗi chương khoảng 1500 chữ về thể loại huyền huyễn, xuyên không. Tên truyện là “Xin chào, quý ngài ngủ trong rừng”. Nhân vật chính là Huyền Dương, một người có thể xuất hồn. Vì lý do xxx nên hắn muốn chủ động xuất hồn, thậm chí không tiếc mạng sống. Hắn tìm kiếm Yêu kiều tướng quân là để hợp sức cùng cô đánh bại xxx, cứu vợ hắn. Yêu kiều tướng quân là xxx (thân phận thật sự lẫn lý do Yêu kiều tướng quân xuất hiện, tại sao Yêu kiều tướng quân truy đuổi xxx). Vì đây là truyện ngắn nên không cần quá nhiều tình tiết. Nội dung có thể chia thành 3 phần: Phần một: Huyền Dương gặp Yêu kiều tướng quân. Phần hai: Quá trình hoà hợp của hai nhân vật. Phần ba: Truy bắt xxx.

Phần một: Giới thiệu Huyền Dương như thế nào (tính cách, những điểm mấu chốt về hắn liên quan đến câu chuyện như tại sao hắn hay xuất hồn, tại sao hắn muốn làm những việc nguy hiểm, mục đích của hắn là gì,…). Huyền Dương gặp Yêu kiều tướng quân như thế nào. Yêu kiều tướng quân là người như thế nào. Làm sao Huyền Dương có thể thuyết phục Yêu kiều tướng quân đi cùng hắn. Chênh lệch giữa hai nhân vật sẽ quyết định thái độ bọn họ thể hiện. Ví dụ Huyền Dương ban đầu là hốt hoảng đuổi theo, sau đó nắm bắt được bản tính Yêu kiều tướng quân thì bình tĩnh thương lượng cùng cô…

“Tại sao những gì tôi viết không giống như những gì tôi muốn?”

Để có thể viết đúng câu chuyện bạn muốn thì bạn cần đại cương. Tuy nhiên từ đại cương đến nội dung truyện cuối cùng thì còn cần rất nhiều thứ. Khi bạn thể hiện nội dung đại cương thành chương truyện, có thể bạn sẽ không hài lòng vì những gì mình đã viết như bạn không cảm nhận được cảm giác, bầu không khí mình muốn truyền tải dù đã đúng nội dung đại cương mình dự tính hoặc nhân vật không thể hiện đúng tính cách mà bạn muốn.
:430:

Đầu tiên về bầu không khí: Bầu không khí đặc biệt quan trọng trong việc thể hiện chính xác nội dung, thể loại truyện bạn muốn viết. Ví dụ nếu bạn muốn viết một câu chuyện tình yêu ngọt ngào thì bạn phải thể hiện được bầu không khí ngọt ngào, cũng như phản ứng hoá học giữa hai nhân vật chính. Nếu bạn muốn viết một câu chuyện kinh dị, huyền bí thì bạn cần thể hiện một không gian rùng rợn, bí ẩn, khiến người đọc lẫn bạn phải thấp thỏm và tò mò về nó. Để thực hiện được điều này thì việc lựa chọn từ ngữ, cách ngắt nhịp câu chữ rất quan trọng.
:1238:
Ví dụ về một bầu không khí ngọt ngào:
[Không cảm nhận được]
:465:

Mũi thương dừng lại trước mặt Phùng Hy Viên. Cô “ực” một tiếng nuốt một ngụm nước bọt, đưa hai tay lên đâu, cất tiếng nói.

“Xin đừng giết tôi!”

Cô run rẩy nói. Mũi trường thương dừng trước mặt cô. Máu tươi từ mũi thương nhỏ giọt xuống đất. Tấm da thú trên người người kia trượt xuống để lộ một đôi mắt màu xám bạc.

Phùng Hy Viên nhìn mũi thương rồi lại nhìn lên mặt hắn, không biết tại sao hắn không đem mũi thương này đi.

Thương Cảnh nghe thấy âm thanh mềm mại ngoài ý muốn, hắn đã rất lâu rồi chưa từng nghe qua âm thanh nào dễ nghe như thế, có lẽ trước đây từng có nhưng hắn đã không nhớ rõ nữa.
[Cảm nhận được]
:754:

Mũi thương xé gió phanh gấp dừng lại trước mặt Phùng Hy Viên. Cô nhịn không được “ực” một tiếng nuốt một ngụm nước bọt, phản xạ đưa hai tay lên đâu, cất tiếng nói.

“Xin đừng giết tôi!”

Lời này của cô nói ra không dễ dàng, nghe ra được run rẩy. Phùng Hy Viên run rẩy vừa vì sợ vừa vì ngượng, cô cảm thấy đây là lời kì quặc nhất cô từng nói nhưng nhất thời nghĩ không ra câu khác nên đành chịu. Mũi trường thương dừng trước mặt cô hồi lâu không nhúc nhích biểu hiện tâm tình chủ nhân nó đang do dự. Máu tươi từ mũi thương nhỏ giọt xuống đất, Phùng Hy Viên nhíu mày lùi về sau tránh né. Tấm da thú trên người người kia trượt xuống để lộ một đôi mắt màu xám bạc mở to, sắc đỏ trong mắt đã lui đi mất.

Phùng Hy Viên nhìn mũi thương rồi lại nhìn lên mặt hắn, trong mắt là nghi hoặc tại sao hắn còn không đem mũi thương này đi. Tình huống này không giống như những gì cô nghĩ.

Thương Cảnh nghe thấy âm thanh mềm mại ngoài ý muốn trong lòng chấn kinh, âm thanh thật dễ nghe, hắn đã rất lâu rồi chưa từng nghe qua âm thanh nào dễ nghe như thế, có lẽ trước đây từng có nhưng hắn đã không nhớ rõ nữa. Âm thanh này giống như cào nhẹ vào lòng hắn làm hắn ngứa ngáy, tai sau làn tóc đỏ lên. Mắt bạc đảo loạn, hỗn loạn không nói hết, hồi lâu mới hồi phục tinh thần.

Ví dụ về bầu không khí kinh dị:
[Không cảm nhận được]
:1148:

Một người cả người ướt sũng dừng chân trước một bảng dán đầy giấy. Trong đó có một tờ giấy ghi chữ màu đỏ như bằng máu.

Mục tiêu thứ nhất là Hoằng.

Người nọ đứng đó nhìn hồi lâu.
[Cảm nhận được]
:947:

Tí tách! Tí tách!

Tiếng nước nhỏ giọt vang lên trong phòng nhỏ, một người cả người ướt sũng bước đi trên sàn. Ngoài trời sấm chớp đùng đùng như một điềm báo đáng sợ. Người nọ dừng chân trước một bảng dán đầy giấy. Trong đó có một tờ giấy ghi chữ màu đỏ như bằng máu.

“Mục tiêu thứ nhất…”

“Hoằng.”

Đùng! Đoàng!

Sấm chớp chợt lóe bên kia cửa sổ khiến không gian càng thêm u ám.

Người nọ đứng đó nhìn hồi lâu, ánh sáng lúc có lúc không phản chiếu từ kim loại lạnh lên đôi giày đen dính đầy bùn đất nghĩa địa.

Tính cách nhân vật thể hiện qua lời thoại và hành động của họ. Nếu bạn viết cách nhân vật nói hoặc hành động của họ mâu thuẫn với thiết lập nhân vật trong đại cương của bạn thì câu chuyện sẽ trở nên kì quái ngay. Ví dụ: Bạn viết nam chính là người có tính cách điềm tĩnh, chững chạc nhưng thoại của cậu ấy bạn lại viết: “Ấy ấy ấy, em hổng biết đâu” Hoặc “Ông đây cốc cần quan tâm nhá!” thì không thể hiện được tính cách điềm tĩnh, chững chạc của nhân vật.
:870:
Trên đây là một số chia sẻ của Phập, hy vọng có thể giúp ích được cho mọi người!
:394:
 

Sợ Cẩu Phập

Thành viên BQT
Bếp Trưởng
Tác giả
Mod - Sáng Tác
Newspaper Team
Tham gia
12/4/19
Bài viết
513
Điểm cảm xúc
1,025
Điểm
93
MỘT SỐ LƯU Ý VỀ XÂY DỰNG NHÂN VẬT
:157:

Để tạo ra được một quyển truyện hay thì bên cạnh xây dựng nội dung thì tác giả còn cần để ý tới việc xây dựng nhân vật.

Tại cuối bài viết [Những điều cần lưu ý khi viết truyện] ở trên Phập đã ghi nhận: để thể hiện chính xác tính cách nhân vật mình muốn thì tác giả cần lưu ý mô tả hành động và thoại của nhân vật. Với mục đích làm rõ hơn những ý tưởng đó, Phập quyết định viết một bài viết riêng về “nhân vật”.
:153:

Nhân vật tồn tại trong quyển truyện có thể là con người, sinh vật,… hư cấu hoặc dựa trên hình mẫu có thật. Tuỳ theo mục đích thể hiện câu chuyện mà tác giả sẽ xây dựng các nhân vật khác nhau theo ý mình.
:114:

Về bản thân Phập, khi xây dựng nhân vật Phập thường phải trả lời những câu hỏi sau:
:250:

1. Có những nhân vật nào sẽ xuất hiện?

Đối với Phập thì có 3 nhóm nhân vật thường thấy: nhóm nhân vật chính, nhóm nhân vật phản diện, nhóm nhân vật khác thúc đẩy tình tiết truyện (phụ).
:187:
Nhóm nhân vật chính: Có thể là một người, hai người hoặc một nhóm người. Số lượng nhân vật tuỳ vào ý muốn của tác giả. Thông thường đối với những câu chuyện có số lượng nhân vật chính từ năm người trở xuống sẽ dễ khống chế hơn câu chuyện có số lượng nhân vật chính nhiều hơn. Nhân vật chính không nhất định là người tốt, chính diện. Có thể là người hoặc không phải người, tồn tại hoặc đã chết,… Điểm đặc biệt phân biệt họ với những nhân vật là “nhân vật trọng tâm dẫn dắt câu chuyện” dưới góc nhìn của họ.

Nhóm nhân vật phản diện: Có thể có hoặc không. Trong trường hợp có thì hầu hết đều xuất hiện dưới số lượng nhiều. Phản diện không nhất định là người xấu nhưng họ nhất định có “hành động xấu”. Họ là những nhân vật tạo ra những thử thách cho nhân vật chính bộc lộ cảm xúc, tính cách, năng lực. Họ đại diện cho những mặt tối của thế giới nằm trong câu chuyện.

Nhóm nhân vật thúc đẩy tình tiết: Số lượng thường nhiều. Những nhân vật phụ cũng phân chia mức độ quan trọng. Có những nhân vật phụ quan trọng ảnh hưởng toàn bộ câu chuyện (ví dụ như sư phụ của nhân vật chính), có những nhân vật chỉ xuất hiện để báo hiệu một sự kiện (ví dụ bà lão qua đường). Họ là những nhân vật thường xuyên có sự thay đổi, dễ bị thay thế nhưng nếu không có họ câu chuyện không thể diễn ra suôn sẻ. Mục đích tồn tại của họ là nâng đỡ toàn bộ khung truyện.
:263:
2. Cần có câu chuyện riêng của nhân vật bên cạnh cốt truyện chính?

Câu chuyện cuộc đời của một nhân vật có thể xuất hiện trong cốt truyện chính hoặc không nhưng tác giả cần thiết xây dựng cốt truyện nhân vật, ít nhất phải xây dựng cho những nhân vật có phân lượng xuất hiện tương đối nặng trở lên.

Nhóm nhân vật chính và nhân vật phản diện bắt buộc phải có cốt truyện riêng bên cạnh đại cương chính. Bởi vì các nhân vật này liên quan mật thiết đến cốt truyện chính nên phần lớn các cốt truyện riêng của nhân vật cũng có phần nào thể hiện nội dung cốt truyện chính. Nó là phần chi tiết, bổ sung ý tưởng cho tác giả khi viết nội dung cụ thể. Đồng thời nó cũng là kim chỉ nam để tác giả cân nhắc các hành động, tính cách của nhân vật.
:165:

Ví dụ:
Kình là nhân vật chính trong một quyển truyện chủ đề học đường, đời thường, hài hước. Mỗi chương truyện chính đều nói về sự vui tươi, buồn cười trong cuộc sống trường học. Trong một chương truyện, khi đám nam sinh đều phàn nàn không thích bị cha mẹ cho ăn cái này, cho ăn cái nọ, có cái không thích họ vẫn phải ăn cho người nhà hài lòng,… thì Kình đáp cậu ta không hiểu lắm chuyện bọn họ nói như thế nào. Chương truyện này không tập trung vào Kình, nhịp điệu vui tươi kéo dài đến cuối cùng. Nhưng tại một chương nào đó lại xây dựng câu trả lời cho tình tiết nhỏ kia là Kình chưa bao giờ ăn cơm ở nhà vì cậu ta không biết nấu, cũng không có ai nấu cho cậu ta, tự nhiên cũng không có ai ép cậu ta ăn cái này, ăn cái kia. Như vậy sau chương này nhân vật Kình sẽ có được một ấn tượng đa chiều.

3. Làm sao để tạo ra một nhân vật khác biệt?

Nhân vật muốn khác biệt thì cần có hai điều: 1. Ngoại hình. 2. Linh hồn.
:252:

Về ngoại hình: cần mô tả chi tiết đặc điểm của nhân vật, không nhất thiết phải mô tả từ đầu đến chân nhân vật đó. Chỉ cần một đặc điểm có thể phân biệt nhân vật đó với những nhân vật khác mỗi khi nhân vật đó xuất hiện.

Ví dụ:
Kình bị cận nên phải đeo kính. Những học sinh khác trong lớp thường lựa chọn gọng kính tối màu hoăc đơn sắc nhưng Kình thích những màu sắc rực rỡ nên mỗi lần lên lớp gặp cậu ta là nhìn thấy cậu ta mang một gọng kính “nghệ thuật” khác nhau.

Về linh hồn: Yêu cầu này rất khó. Yêu cầu tác giả thâm nhập sâu vào tâm lý nhân vật. Đối với những nhân vật có mức độ phức tạp khác nhau thì việc thấu hiểu và thể hiện nhân vật cũng khó khăn khác nhau. Để thể hiện linh hồn khác biệt thì nhân vật cần có trải nghiệm, suy nghĩ độc đáo, các yếu tố tính cách xung đột với nhau,… và tác giả cần cân nhắc kĩ trong cốt truyện về nhân vật.
:287:

Ví dụ:
Kình là một người sợ đau, cực kì sợ đau. Vì vậy cậu ta ghét vận động cũng như đánh nhau. Đó là lí do cậu ta không hợp với Thông, một người chuyên cúp học, cho mình là trùm trường. Trong một lần nhìn thấy Thông bị người ta chặn đường đánh hội đồng trong hẻm nhỏ, Kình ban đầu muốn lướt qua xem như chưa thấy gì đi về nhà. Nhưng mỗi bước chân càng xa con hẻm kia thì lòng cậu ta càng nặng trĩu. Cuối cùng sau khi đấu tranh nội tâm, cậu ta làm việc cậu ta cho là ngu ngốc nhất trong đời đó là quay lại hù dọa báo cảnh sát với đám người kia cứu Thông. Trong lúc xô xát bị người ta đánh cho mấy cú, gan cậu ta bé lại. Một bên Kình mắng mình ngu trong lòng, một bên lại thở phào nhẹ nhõm khi cứu được Thông.

4. Khoảnh khắc của nhân vật?

Ai cũng có khoảnh khắc và khi khoảnh khắc ấy tới nhân vật đó sẽ “sống” hơn bất cứ lúc nào.
:130:

Tựa như ví dụ ở trên, khi Kình điên khùng chạy đi cứu người thì tình huống đó có thể xem là khoảnh khắc của nhân vật Kình. Bởi vì câu chuyện đã thể hiện Kình là một kẻ nhát gan, chán ghét phiền phức, nhận thức rõ cứu người sẽ liên lụy bản thân,… nên khi cậu ta hành động phản kháng lại những đặc tính cố hữu nhân vật khiến cậu ta trở nên tỏa sáng (dũng khí của kẻ yếu). Các khoảnh khắc của nhân vật cũng có thể là cao trào của quyển truyện.
Trên đây là một số chia sẻ của Phập về xây dựng nhân vật, hy vọng có thể giúp ích mọi người.

Tạm biệt và chúc mọi người một ngày vui vẻ
.

:300:
 
Trạng thái
Không mở trả lời sau này.
Top