Lượt xem của khách bị giới hạn

[Thơ] | Thơ Phổ | Chuyện của người...

[Thơ] | Thơ Phổ | Chuyện của người...
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
| Tập Thơ Phổ |

Chuyện Của Người...
pngtree-hand-painted-flower-peach-verse-chinese-style-ancient-poetic-ink-painting-png-image_40...jpg


Tác giả: Lạc Mỹ Xuyên Thu

Thể loại: thơ phổ, thơ phóng tác (đa thể loại)

Độ dài: không xác định (tùy thuộc vào cảm hứng của tác giả)

***

Giới thiệu:

Đây là tập thơ được sáng tác dựa trên những câu chuyện có thật hoặc là từ một tác phẩm văn học, một bài hát, một bộ phim,...

Như tựa đề, Chuyện Của Người là những áng thơ viết về những câu chuyện của đời người. Có thể là một bài thơ tự sự, cũng có thể là một bài thơ cảm thán, hoặc sẽ là một bài thơ viết về một cái kết khác cho câu chuyện được nói đến,... tất cả còn phải tùy thuộc vào cảm xúc của tác giả.

Mỗi bản gốc lấy ý thơ sẽ được trích dẫn, tóm tắt, hoặc giới thiệu sơ lược về bản gốc một cách ngắn gọn nhất có thể, hoặc đơn giản nó chỉ là một câu hát, một câu nói, một điệu nhạc cũng là nguồn cảm hứng cho thơ phổ.

Chuyện của người, hãy nghe tôi kể!


 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93

Review sách Đi qua hoa cúc



Có người thắc mắc rằng: “Làm sao mà chúng ta biết được rằng chúng ta đang dần lớn lên?” Câu trả lời hay nhất có lẽ nằm trong tác phẩm “Đi qua hoa cúc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một câu chuyện kể về tình yêu đầu đời của một chàng trai hội tụ mọi yếu tố từ hài hước cho đến đau khổ nhưng không quá bi lụy, để ta thấy được tình yêu đầu có thể đẹp hay không không quan trọng, mà chính là ấn tượng về nó sẽ theo ta suốt đời.

Nguyễn Nhật Ánh đã viết rất nhiều về những mối tình đầu đời của các chàng trai, thành cũng có, không thành cũng có, vậy thì “Đi qua hoa cúc” có điều gì khác biệt so với những câu chuyện khác của tác giả? Điểm khác biệt ở đây chính là, nhân vật cậu bé trong câu chuyện yêu một người chị lớn hơn mình 3 tuổi. Chính cái khoảng cách 3 tuổi kia đã góp phần khiến cho tình yêu của cậu mãi không bao giờ thành.

Câu chuyện xảy ra vào mùa hè năm Trường, nhân vật chính của câu chuyện, 16 tuổi. 16 tuổi thì chưa hẳn đã là một chàng trai trưởng thành, nhưng cũng không còn là đứa trẻ nữa. Trường có lẽ cũng nhận ra điều đó. Những trò chơi mà Trường thường chơi trước đây như câu cá, hái trộm trái cây hay bắt chim sẻ bỗng nhiên trở nên không còn hứng thú với Trường nữa. Mối quan tâm lớn nhất bấy giờ của Trường là chị Ngà, bạn học cùng lớp với cô Miên của trường về nghỉ hè ở nhà ông Trường. Trường đã biết chị Ngà trước đó qua một kỉ niệm đáng quên năm học lớp bảy, nhưng lần này gặp lại chị, có cái gì đó khang khác trong Trường. Trường thấy chị Ngà xinh hơn, nụ cười của chị đẹp hơn và Trường bỗng nhiên thấy mình nghe theo mọi lời chị Ngà nói. Chị nói gì Trường cũng nghe: từ việc chạy đi mua đồ cho tới không chơi trò bắn chim sẻ. Rồi khi biết chị Ngà thích hoa cúc, loài hoa trước nay Trường chả thèm đoái hoài đến, Trường bỗng thấy mình yêu hoa cúc đến lạ, yêu cả cái cảnh mỗi chiều chị ngồi trước nhà ngắm hoa, yêu đến mức siêng năng tưới nước cho hoa mỗi ngày. Tình yêu của Trường có lẽ đã bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt như vậy. Nhưng đối với chị Ngà, Trường chỉ như đứa em trai mà thôi. Chị có biết đến tình yêu của Trường dành cho chị chăng? Chị biết. Chị chỉ không thể đáp lại được, nhưng cũng không quá nhẫn tâm để từ chối thẳng thừng. Chị vẫn quan tâm đến Trường, vẫn rủ Trường đi chơi như bình thường. Với Trường, chỉ cần được ở bên cạnh chị, được ngồi cạnh chị ngắm hoa cúc đã là một niềm hạnh phúc không gì so sánh được rồi.

Nhưng những tháng ngày êm đềm đó không kéo dài lâu. Anh Điền xuất hiện và anh cũng yêu chị Ngà. Thế rồi cứ từng bước từng bước một, anh dần chiếm được tình cảm của chị trong sự bất lực của Trường. Anh nhờ Trường đưa thư dùm, Trường giấu thư đi. Anh nhờ Trường ngỏ lời, Trường kiếm cớ từ chối. Những hành động trẻ con đó cho ta thấy được cái tình yêu của Trường dành cho chị Ngà có chút ích kỉ của tuổi trẻ, khi Trường không muốn ai tiếp cận chị. Có lẽ là bởi Trường lo sợ rằng, rồi đến một lúc nào đó chị sẽ đáp lại tình yêu của anh Điền, và tới lúc đó Trường không biết phải đối mặt với chị như thế nào. Đan xen với câu chuyện tình yêu buồn bã của Trường với chị Ngà là câu chuyện về tình bạn giữa Trường với hai em hàng xóm. Ba đứa trẻ cùng nhau bày biết bao trò quậy phá, những lúc hờn dỗi hăm dọa đánh nhau, nghỉ chơi nhau ra nhưng vào những lúc Trường không biết tâm sự với ai, thì hai anh em Chửng lại là người luôn ở bên cạnh Trường. Chửng anh chững chạc, nghiêm túc và hiểu rõ hoàn cảnh của Trường. Chửng em lém lỉnh, hay pha trò nhưng cũng chính Chửng em là người thay Trường “trả thù” anh Điền bằng những cục đất ném vào người khi biết anh tán tỉnh chị Ngà. Nếu tình yêu là dấu hiệu chứng tỏ Trướng sắp thành người lớn thì chính cái tình bạn ngộ nghĩnh đã giữ Trường lại với tuổi thơ để không phải lớn quá nhanh. Nhưng Trường vẫn phải rời bỏ tuổi thơ theo một cách đau khổ hơn rất nhiều so với việc tình yêu bị từ chối. Khi chị Ngà đi rồi, Trường bỗng nhớ lại tất cả những kỉ niệm về chị, từ cái lần gặp đầu tiên, lần rủ chị ra bờ suối câu cá cho những chiều tưới hoa cúc cùng nhau. Mới đây thôi, nhưng sao đã xa lắm rồi. Hoa cúc vẫn còn đây, nhưng chị Ngà sẽ không còn ngồi ngắm hoa chung với Trường nữa. Trường đã khóc, những giọt nước mắt cho số phận nghiệt ngã khiến chị phải tìm đến cái chết để giải thoát cho mình. Trường đã nghĩ rằng nếu lúc đó Trường hiểu chị đang định làm gì, có lẽ chị vẫn còn ở đây với Trường. Sau đó, để trốn tránh những kỉ niệm buồn đau, Trường theo một ông chú vào Nam, nói lời tạm biệt với quê hương, với tuổi thơ cùng hai đứa bạn và trên tất cả là tạm biệt những kỉ niệm đau buồn về chị Ngà.

Nguyễn Nhật Ánh đã khiến người đọc đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, từ nụ cười trước những trò láu cá của ba đứa trẻ cho đến những giọt nước mắt khi Trường bắt gặp anh Điền và chị Ngà ngoài vườn mà vẫn phải cố giữ bí mật giúp hai người, hay khi Trường nghe tin dữ về chị Ngà, và cuối cùng là một niềm an ủi khi tác giả để ngỏ khả năng rằng chị Ngà vẫn còn sống. Tác giả đã miêu tả khung cảnh làng quê yên bình hết sức chân thật và miêu tả tâm lí cũng như hành động của nhân vật như chính bản thân tác giả đang ở cái tuổi 16 vậy. Chuyện của Nguyễn Nhật Ánh một lần nữa thể hiện rằng không chỉ dành cho thanh thiếu niên mà còn dành cho những ai đã từng có một tuổi trẻ như vây.

Rèm XámTheo Girly.vn

Câu chuyện thứ nhất:

Đi Qua Hoa Cúc

Chân bước chậm đường về mấy bận
Hoa cúc vàng lẳng lặng ngoài sân
Người khách lạ đượm buồn ngoảnh lại
Thu mang theo tiếc nuối quay vần.

Có cô chị tóc mềm như lụa
Hương bồ đào quấn quýt bên tai
Tiếng ôn bài thì thầm khe khẽ
Rung động sao biết tỏ cho tày?

Tôi tuổi trẻ dại khờ đâu hiểu
Chị trắng trong thầm lặng lời yêu
Kẻ phụ tình lòng thương vụn vỡ
Hoa cúc vàng, dẫm nát tình yêu.

Quá khứ kia chị hòa dòng suối
Thấm trong tôi xao xuyến bồi hồi
Vẫn trông chờ một tia màu nhiệm
Mà nước kia cuốn mất chị rồi.

Tháng năm rồi chị nhớ hay không
Hoa cúc vàng vẫn đây trông ngóng
Mà sao bước chân người khách cũ
Chẳng lưu nơi lối nhỏ đôi dòng.

Dọc đường về cúc vàng xuôi trải
Trên chuyến xe thoáng bóng như người
Nào còn đâu dáng hình như liễu
Mảnh sân vàng mấy kiếp đời trôi...

...

Cứ ngỡ đời đối chị quá bất công
Nhìn nhạn vắng nhớ mong người con gái
Bỗng ai đấy gieo nên niềm hy vọng
Ngày đi qua hoa cúc vẫn nơi này.

Lạc Mỹ Xuyên Thu

24/3/2018

*** Bài thơ lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93



Câu chuyện thứ hai:

Người bạn đạo cô của tôi

Tựa:
Cái ôm của người dịu dàng thế
Lời hẹn gió trăng nguyện sánh kề
Ánh mắt nhu tình hòa trời bể
Tuyết dẫu lạnh lùng cũng trầm mê...


***

Sánh đôi trên đường người ngựa bước
Mưa xuân rơi tìm chỗ náu thân
Bạch y giao ngộ cùng giai ngẫu
Mắt lạnh mịt mờ tuyết Hoa Sơn.

Gió xuân êm đềm lòng níu giữ
Bóng hình bay lượn họa kiếm phong
Lướt qua cõi lòng như lông vũ
Hiểu được tình này chỉ hóa không...

Nét bút đắn đo người trong mộng
Cam lòng đổi nụ cười sáng trong
Dưới ô người xòe tay ôm xiết
Ước hẹn người mong giữ trọn lòng.

Pháo hồng tiệc rượu người kết duyên
Bỗng thấy giai nhân với mộng huyền
Đèn hoa in bóng người tương ngộ
Ánh mắt dịu dàng, kẻ đảo điên...

Bạch y vẫn thế mà xa lạ
Khẽ lướt qua như chẳng biết người
Mượn rượu giả say mong người đến
Dấu hôn in lại cũng tươi cười.

Cúi đầu nâng chén không nhìn nữa
Tự hứa với lòng chẳng hề chi
Đêm nay một giấc say rồi tỉnh
Kẻ vốn vô tình lặng bước đi.

Sơn môn tuyết phủ mờ mịt lối
Kiếm lặng bên hông chẳng nẻo rời
Giang hồ như mộng tròn một kiếp
Vở kịch vui - tự diễn tự cười.

Nếu đã sớm cùng ai sánh vai
Sao ta phải nữa đời vương vấn
Hay người muốn nhìn ta điên đảo
Tuổi xuân vùi người lại tiếc thương?

Trường kiếm dựng lên thành bia mộ
Nhờ gió chôn giùm kẻ cuồng mê
Tương phùng là sai ta nguyện dứt
Nhờ kiếm phong kia đoạn ước thề.

Cầu xưa nâng bước cùng yên ngựa
Tuyết phủ ngăn đường một giấc say
Tỉnh mộng rơi theo thân nát vụn
Từ nay ta nguyện chẳng thấy người...


Dẫn: Hồng trần như giấc mộng, chỉ mong đời độc một đạo cô...


Lạc Mỹ Xuyên Thu

*** Bài thơ dựa trên câu chuyện và bài hát cùng tên.
 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Câu chuyện thứ ba:

Cố Sự

Nhắn gửi cho người khách xa quê
Rằng ở phương xa nhớ trở về
Người qua lối cũ chiều thu ấy
Hoàng hôn vắng lặng dài lê thê.

Dập dìu chao liệng bóng chim uyên
Xuyên qua ánh nắng gọi thuyền quyên
Người mang ước nguyện trời cao đó
Đã xa vạn dặm bóng con thuyền.

Có nàng ở lại với núi sông
Khăn tay lụa trắng hãy vừa xong
Chẳng kịp gửi trao người chinh chiến
Nào hay ai đã xót xa lòng.

Màn đêm dần buông theo lối nhỏ
Hoa ban rụng trắng mảnh đường quê
Kí ức dội vào ngày xưa ấy
Vang mãi bên sông ước hẹn thề.

Khung trời người ấy thật xa xăm
Có biển, có mây lẫn danh thành
Một khung trời nhỏ nàng ấp ủ
Nỗi nhớ mong chàng thấu từng canh.

...

Phương Bắc loan tin ngoài chiến trận
Cờ treo phấp phới cuối chân trời
Sao vàng như ánh chiều êm ả
Dạ mừng khôn xiết hỡi người ơi!

Ngõ vắng đông người theo tấp nập
Lương khô thành túi nối đuôi nhau
Hẹn lên công hội bàn việc nước
Lại vắng bóng người thiếu nữ đâu.

...

Quạ kêu thảm thiết dưới chân đồi
Quốc Quốc gọi người trong chiều vọng
Khăn tay nhuốm đỏ hoàng hôn ấy
Có người chốn bạc hóa hư không.

...

Xưa kia truyền tai người kể lại
Có người thiếu nữ chốn đồi nương
Tin thắng nhưng ai người tử trận
Lệ sầu hoen cả đất còn vương.

Hỡi ơi duyên bạc đôi tình ấy
Hạnh phúc chưa trao đã sớm tàn
Sương mang giọt mặn hòa dòng suối
Chảy cả đoạn trường mãi còn vang.

Lạc Mỹ Xuyên Thu

*** Bài thơ là một câu chuyện từng nghe nói đến, nay múa bút họa từ, gọi tên là Cố Sự!
Vì là một câu chuyện truyền miệng nên sẽ không có tư liệu chứng thực về bản gốc.
 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93

1189


1. Khi nói đến Hoạn Thư không ít ý kiến coi đây là nhân vật tiêu biểu cho sự tàn bạo độc ác, một con người có tính ghen tuông cay nghiệt… nhưng thật ra đó chỉ là lớp vỏ bề ngoài. Vượt qua tất cả, Hoạn Thư còn là một con người luôn biết cách giữ cho gia đình êm ấm, tránh điều tiếng, giữ gìn danh dự cho chồng, cho mình, trả thù thói đen bạc của chồng nhưng không đối xử cạn tàu ráo máng với tình địch mà còn có chút vị tha, trước hoàn cảnh bờ vực vẫn tỏ ra bình tĩnh, khôn ngoan để thoát chết… Có thể nói trong Hoạn Thư có đầy đủ phẩm chất của con người hiện thực.

Hoạn Thư vốn là vợ của Thúc sinh, nhưng giữa hai gia đình không được môn đăng hộ đối. Thúc Sinh tuy cũng là nòi thư hương, nhưng cha lại là một nhà buôn, có ngôi hàng ở Lâm Truy, không phải xuất thân quan lại nên không sánh được với “họ Hoạn danh gia/ Con quan Lại bộ”. Họ kết hôn chẳng qua là “Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa”chứ không phải từ tình yêu say đắm. Nhưng dù sao đi nữa thì Hoạn Thư vẫn đối xử với chồng rất tốt “Ở ăn thì nết cũng hay”, không bao giờ tỏ vẻ con nhà thế gia vọng tộc mà ức hiếp chồng hay bắt chồng phải làm theo ý mình… Nhưng bao nhiêu đó vẫn chưa đủ, bởi Thúc Sinh vốn là con người háo sắc và “quen thói bốc rời” nên mới sinh ra việc dan díu với Kiều. Và khi Hoạn Thư biết chuyện “Từ khi vườn mới thêm hoa / Miệng người đã lắm, tin nhà thì không” thì thử hỏi sao Hoạn Thư không “Lửa tâm càng dập càng nồng / Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa”, thử hỏi ruột gan nào mà không như xát muối, dẫu biết rằng cảnh chồng đèo bòng thêm cũng không xa lạ gì trong xã hội cũ, nhưng xưa nay có người phụ nữ nào thích thế đâu!

Thực tâm mà nói, Hoạn Thư cũng không muốn làm to chuyện “Ví người thú thật cùng ta/ Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên/ Dại gì chẳng giữ lấy nền/ Hay gì mà được tiếng ghen vào mình”. Nhưng nàng hận là ở chỗ Thúc Sinh cứ “bưng bít giấu quanh” và đã vi phạm vào nề nếp của gia đình quý tộc nhà nàng. Chính vì thế mà nàng mới quyết định dạy cho Thúc Sinh bài học nhớ đời nhớ kiếp “Làm cho nhìn chẳng được nhau/ Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên!/ Làm cho trông thấy nhãn tiền/ Cho người thăm ván bán thuyền biết tay”. Dù giận là vậy, toan tính kinh sợ là vậy, nhưng Hoạn Thư vẫn không làm ầm ĩ, không theo thói thường tình đánh ghen như bao người khác. Nàng vẫn cố giữ cho gia đình êm ấm như không có chuyện gì “Nỗi lòng kín chẳng ai hay/ Ngoài tai để mặc gió bay mé ngoài/ Tuần sau bỗng thấy hai người/ Mách tin ý cũng liệu bài tâng công / Tiểu thư nổi trận đùng đùng/ Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi/ Chồng tao nào phải như ai/ Điều này hẳn miếng những người thị phi/ Vội vàng xuống lệnh ra uy/ Đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng/ Trong ngoài kín mít như bưng/ Nào ai còn dám nói năng một lời”. Quả thật Hoạn Thư rất đáng nể phục trong phương diện xử lí thông minh khéo léo chuyện nhà là vậy. Một người vợ, bị phụ tình đã làm được những việc không phải ai cũng có thể làm được, giữ cho gia đình ngoài kín trong êm như vậy thật không hề dễ.

Một mặt là bảo vệ chồng khỏi điều tiếng dư luận, một mặt là dằn nén để xem thái độ của chồng ra sao. Ở khía cạnh này ta dễ dàng đồng cảm với Hoạn Thư hơn. Còn gì vui hơn vợ chồng gặp nhau sau bao ngày xa cách và còn gì đau đớn tủi cực hơn khi Hoạn Thư phải trong vai người vợ nồng thắm với chồng chỉ bằng cái vẻ bề ngoài, còn sâu thẳm bên trong thì vật vã oán hờn với con người trăng hoa đen bạc “Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra”. Thật ra cái mà Hoạn Thư mong mỏi ở Thúc Sinh cũng đâu có gì quá đáng hay khó khăn. Nàng chỉ cần được chồng báo tin là chuyện đã như vậy, được chồng thú thật, để rồi nàng sẽ dung lượng trên mà bao dung tha thứ sắp xếp một cách đàng hoàng, ổn thỏa. Nhưng điều đáng tiếc là Thúc Sinh không phải là con người tri âm tri kỉ. Thấy vậy cứ tưởng mọi chuyện còn kín chưa ai hay biết. Một mặt nào đó Thúc Sinh cũng thuộc loại nhát gan, lo sợ mọi việc bại lộ. Sự im lặng của chàng Thúc đã đẩy kịch tính đến mức tai hại. Hoạn Thư, một người vợ tốt phải mang tiếng ghen tuông cay nghiệt muôn đời của sử sách. Thúy Kiều, con người tội nghiệp thì phải rơi vào tình cảnh nhục nhã, đau đớn đến ê chề.

Thú quê thuần vược bén mùi

Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô

Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ

Một màu quan tái bốn mùa gió trăng


Đó là lúc mà chàng Thúc muốn ra đi và Hoạn Thư cũng dư biết. Nàng biết chàng ở bên mình chỉ là cái xác, còn hồn thì ở tận Lâm Tri. Chính vì thế mà nàng không hề ngăn cản, mà còn động viên chàng đi cho sớm. Còn về Thúc Sinh thì quá vô tư “Được lời như mở tấc son/ Vó câu thẳng ruổi nước non quê người”.Đứng trước việc phải làm là dày vò tình địch, dằn mặt dạy cho ông chồng bài học Hoạn Thư phải chọn cách nào đây? Nếu thủ tiêu Kiều thì chắc gì chuyện không bại lộ mà chuyện bại lộ thì coi như mất chồng, gia đình tan nát. Nếu đánh động cho Kiều cao chạy xa bay thì chàng Thúc làm sao dứt khỏi tơ lòng vương vấn, rồi mải tìm, rồi dù có về thì cũng về bằng cái xác. Một lần nữa ta thấy Hoạn Thư khôn ngoan khi chọn chiêu bắt cóc Kiều, đốt nhà thế xác, tạo hiện trường giả… để Thúc Sinh xem như đã hết mà toàn tâm toàn ý trở về “Chạnh lòng nhớ cảnh gia hương,/ Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê”. Hay là ở chỗ đó mà cay nghiệt cũng là ở chỗ đó.

Thúy Kiều bị bắt về quan Lại Bộ (nhà cha mẹ của Hoạn Thư), nơi đây Kiều phải một phen mưa gió tan tành “Hoa trôi nước chảy đã yên/ Biết đâu địa ngục là miền trần gian”, rồi bị bắt làm thị tì, sau đó Kiều mới được chuyển về làm con hầu ở nhà Hoạn Thư. Việc hành hạ thể xác của Kiều chỉ dừng đến đấy, chứ không đến mức tàn nhẫn mất hết nhân tính. Thực ra, đó cũng chỉ là chuyện giận cá chém thớt, chứ Hoạn Thư muốn bắt về trị tội chính là cái kẻ “thăm ván bán thuyền” Thúc Sinh mới phải lẽ. Cho nên không khi nào ta thấy hình ảnh Thúy Kiều hiện lên một như một đối tượng chủ yếu và trực tiếp trong cơn ghen tức, hay trong nỗi tam bành của Hoạn Thư.

Và cái gì tới đã tới, khi Thúc Sinh trở về chạm mặt Kiều một cách bất ngờ, choáng váng “Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm./ Rõ ràng thật lứa đôi ta,/ Làm ra con ở chủ nhà đôi nơi”. Có thể nói lúc này là lúc Hoạn Thư hả hê nhất. Nàng bắt “ kẻ thứ ba” phải khoan nhặt cung đàn, quỳ tận mặt mời tận tay Thúc Sinh chén rượu. Còn kẻ lòng dạ đen bạc kia thì phải phách lạc hồn xiêu, gan gầy ruột héo “Sinh càng như dại như ngây/ Giọt dài giọt ngắn chén đầy chén vơi”, rồi phải giả say để lảng ra nhưng khổ thay lại kẹt vào thế khác “Tiểu thư vội thét con Hoa/ Khuyên chàng chẳng cạn thì ta cho đòn/ Sinh càng nát ruột tan hồn/ Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay”; Khi nghe Kiều đàn, Thúc nước mắt lả chã mà cũng không dám khóc, phải gượng nói gượng cười “Sao chẳng biết ý tứ gì/ Cho chàng buồn bã tội thì tại ngươi/ Sinh càng thảm thiết bồi hồi/ Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua”. Cái cảnh này thật là bi hài, và có lẽ trên đời này hiếm có người vợ nào trị tội đen bạc của chồng một cách vừa nhẹ nhàng mà lại vừa cay độc đến như vậy. Nhưng dù cay độc mà không đến nỗi quá tàn ác “Giọt rồng canh đã điểm ba/ Tiểu thư nhìn mặt dường đà cam tâm/ Lòng riêng khấp khởi mừng thầm/ Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay”.

Nhưng người đọc sẽ đặt một câu hỏi: Tại sao qua sự vụ này Hoạn Thư không tống khứ Kiều đi mà lại nhận lời Kiều cho nàng xuất gia chép kinh ở Quan Âm Các (chùa của nhà Hoạn Thư)? Điều này cho thấy Hoạn Thư không đến mức nhẫn tâm, không ép Kiều đến cùng cực, mà chừng mực nào đó Hoạn Thư cũng có lòng từ bi. Vì về với Phật là coi như trần duyên chấm dứt! Hoạn Thư rõ là người yêu ghét phân minh. Khi thấy Kiều viết chữ đẹp, Hoạn Thư cũng khen “So ra với thiếp Lan Đình nào thua”, nàng cũng mến tài Kiều và ở khía cạnh này Hoạn Thư cũng có nét tài hoa. Bởi chỉ có kẻ tài hoa mới nhận ra kẻ tài hoa ngay giữa hồng trần gió bụi. Và thậm chí Hoạn Thư còn khen Kiều trước mặt Thúc “Ví chăng có số giàu sang,/ Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên”. Thử hỏi trên đời này dễ mấy ai đủ bản lĩnh để đưa ra một lời khen tuyệt đỉnh đối với tình địch của mình như vậy.

Tiếp theo là vấn đề Hoạn Thư về nhà cha mẹ vấn an, thực ra đó chỉ là phép thử cuối cùng để khẳng định lòng dạ của Thúc – Kiều như thế nào. Khi nghe hai người sụt sùi khóc than rồi Kiều hở ra ý trốn chạy: “Liệu mà mở cửa cho ra,/ Ấy là tình nặng ấy là ơn sâu” và rồi Thúc sinh quyết dứt tình: “Liệu mà cao chạy xa bay,/ Ái ân ta có ngần này mà thôi”, Hoạn Thư mới xuất hiện với vẻ mặt và cử chỉ vui vẻ, mãn nguyện. Hoạn Thư khen ngợi Kiều rồi nàng cùng chồng về lại thư trai. Chi tiết này cho ta thấy Hoạn Thư quả là người vợ thông minh tót vời và đã nắm chắc phần thắng về mình. Việc còn lại chỉ còn là gia ân cho Kiều, là tạo sơ hở để Thúy Kiều bỏ trốn mà thôi. Ở đây phải khẳng định rằng Hoạn Thư là con người của trí tuệ khôn khéo, con người có bản lĩnh phi thường và một nhân cách cao thượng đáng khâm phục.

Và y như sự tính toán, Kiều đã nghĩ và đã hành động “Phận bèo bao quản nước sa/ Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh lênh/ Chỉn em quê khách một mình/ Tay không chưa dễ tìm vành ấm no/ Nghĩ đi nghĩ lại quanh co/ Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân/ Bên mình giắt để hộ thân/ Lần nghe canh đã một phần trống ba/ Cất mình qua ngọn tường hoa/ Lần đường theo bóng trăng tà về tây”. Việc Kiều lấy đồ và trốn đi, Hoạn Thư đều biết rõ, nhưng nàng vẫn không truy đuổi và coi đó là con đường giải thoát cho con người hoạn nạn, con người tài hoa mà nàng đã có phần thương phần trọng.

2. Đọc Truyện Kiều đến đây, ta cứ ngỡ Hoạn Thư và Kiều mọi chuyện đã chấm dứt, nhưng cuộc đời lại không dễ dàng bỏ qua ân oán tình thù cho họ. Và họ lại gặp nhau ở một tình thế đảo ngược : Kiều báo ân báo oán. Sau khi rơi vào lầu xanh lần thứ hai, Kiều được Từ Hải cứu và đưa nàng lên ngôi vị phu nhân cao quý. Và cũng chính Từ Hải đã giúp nàng báo ân báo oán. Hoạn Thư xưa là chủ nhà thị uy thì nay trở thành “chính danh thủ phạm”. Kiều từ một thị tì nay trở thành vị quan tòa có đủ mọi quyền hành sinh sát trong tay. Trong tình huống sinh tử này, ta thấy Hoạn Thư một lần nữa hết sức khôn ngoan, nhờ đó mà thoát án tử hình.

Đầu tiên là Kiều mỉa mai đay nghiến Hoạn Thư: “Thoắt trong nàng đã chào thưa/ Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây/ Đàn bà dễ có mấy tay/ Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan/ Dễ dàng là thói hồng nhan/ Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”, cho ta thấy ý đồ của Kiều sẽ xử Hoạn Thư thế nào, bên cạnh đó là quan quân, gươm giáo chực sẵn. Rõ ràng Hoạn Thư đang đối mặt với tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Lúc này nàng không có thời gian để nghĩ suy cân nhắc như ở nhà lúc trước và cũng không người thân nào bên cạnh để bàn bạc. Còn anh chàng Thúc Sinh thì “mặt như chàm đổ mình dường dẽ run” còn làm được cái gì nữa. Khoảnh khắc sinh tử là phụ thuộc vào khôn khéo của bản thân Hoạn Thư. Và nàng đã tự bào chữa.

Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.

Nghĩ cho khi các viết kinh,

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.

Lòng riêng riêng những kính yêu,

Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.

Trót đà gây việc chông gai,

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”.


Tám câu lục bát này quả thật có sức mạnh thần diệu. Đầu tiên là Hoạn Thư cho mình là vô tội. Còn việc “kẻ cắp, quỷ quái tinh ma, thói hồng nhan, cay nghiệt”, đó chẳng qua là chuyện ghen tuông thường tình của đàn bà, đã là đàn bà thì ai mà chả vậy. Đó là quy luật của tạo hóa, chứ không phải do riêng Hoạn Thư gây ra. Vấn đề này đã tác động đến suy nghĩ của Kiều, vì nàng cũng là đàn bà, đổi lại nàng, thì nàng cũng làm như vậy mà thôi. Vấn đề thứ hai là Hoạn Thư nhắc lại chuyện “khi các viết kinh”, và thầm nhắc lại công trạng của mình đối với Kiều. Đó là sẵn sàng chiều theo ý Kiều cho xuất gia ở Quan Âm Các, xóa kiếp làm thị tì, rồi đến khi Kiều bỏ trốn Hoạn Thư cũng chấm dứt thù oán. Ở điểm này Hoạn Thư còn lịch sự không nói ra việc Kiều lấy đồ kim ngân trốn đi, cốt yếu là để tránh làm cho Kiều mất mặt. Tất cả điều đó Kiều rõ hơn ai hết và không thể không thừa nhận. Vấn đề thứ ba là Hoạn Thư đưa ra cảnh chồng chung, mà chồng chung thì ai nhường cho ai? Đó cũng là cái quy luật của tạo hóa, tâm lý chung của đàn bà, dù Kiều đang ngồi ở ngôi vị nào đi nữa vẫn không thoát khỏi quy luật đó. Vấn đề này buộc Kiều phải suy ngẫm và không thể bẻ lại được. Cuối cùng là Hoạn Thư thừa nhận đã “lỡ lầm gây việc chông gai”. Và cầu xin “lượng bể thương bài nào chăng”. Câu nói này Hoạn Thư vừa hạ mình vừa tôn Kiều lên thành “lượng hải hà”, là người bề trên. Không lẽ người bề trên không rộng lượng với kẻ dưới, người bề trên sao lại phải cố chấp với kẻ lỡ lầm… Và Kiều cuối cùng đã thốt “Làm ra thì cũng con người nhỏ nhen”, thế là Hoạn Thư được tha bổng. Có thể nói đây là phiên tòa có một không hai trong lịch sử văn học.


Cre: Đào Thái Sơn

Câu chuyện thứ tư:

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, ngoài thương xót cho thân phận éo le của Thúy Kiều, người để lại ấn tượng nhất với tôi chính là Hoạn Thư, thật tình mà nói, đứng trước ánh nhìn phong kiến, trước góc nhìn thời bấy giờ, cho dù là Nguyễn Du, cũng không tránh khỏi việc áp đặt suy nghĩ phong kiến tòng phụ tòng phu của người phụ nữ, họ không được phép hờn ghen, cũng không được phép có ý kiến gì với việc chồng làm. Cũng chính suy nghĩ ấy, Hoạn Thư dù thế nào vẫn là người đáng thương hơn đáng trách, thử hỏi đứng trước người tình của chồng mình, mấy ai còn giữ được lòng lương thiện? Trách sao? Vậy thì chỉ trách số phận cô sinh ra trong thời đại áp đặt phụ nữ cùng cực nhất của thời phong kiến lúc bấy giờ, Kiều cũng thế, mà Hoạn Thư thì có khác chi đâu...

Ghen Hờn!

Đề:
Kẻ biết yêu chân thành bằng lời nói
Người chung tình dẫn lối một hờn ghen.

...

Người xoay vần trong yêu sầu tủi khổ
Kiếp chung chồng hỏi được mấy ai đau?
Mắt oán hờn tâm lại thêm giằng xé
Biết thế nào khi chọn lựa người sau.

Cùng phận đào sao nỡ gieo hờn oán
Trước phu lang chỉ dám ngoảnh lệ sầu
Thiết tha gì cũng ẩn hiện đâu đâu
Nào dám trách hóa công gieo điều xấu.

Thương hồng nhan lại tủi phận cho mình
Hỏi thói đời nhân nghĩa đã đinh ninh
Nào dám mắng, phận nữ nhi nào dám...
Chỉ mông lung nhìn gối chiếc riêng mình.

Môi cay độc thốt nên lời ghen tức
Dạ xót thương khi mất kẻ chung đồng
Ước hẹn thề bao năm giờ thay đổi
Ta trách người hay trách kiếp rêu phong.

Thân là lụa người chẳng màn son phấn
Vén nhung bào cắt đoạn nghĩa phu thê
Miệng nói yêu sao dung hòa gian dối
Phận bọt bèo trong ong bướm giao thề.

Rèm khuất bóng người xưa rằng có biết
Nơi cô phòng có kẻ kiếp chồng chung
Khoát thân hoa rũ duyên trần tạp vị
Hóa thân nào cho tiếng xấu đời sau!

...

Dẫn: "Chồng chung ai dễ nhường ai, cho dẫu không nỡ oán nhau...
Một trời mộng mờ giờ tan trong... đôi mắt dối gian."

Lạc Mỹ Xuyên Thu


 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93

Gió bấc - một câu chuyện thấm đẫm nước mắt của người mẹ mang nặng đẻ đau nhưng lại chẳng thể nuôi con vì cảnh bần cùng, có ai nói, có thương có xót thật thì đừng đẻ ra rồi không nuôi. Nhưng ai ơi, trời cho con là cái duyên của họ, nhưng, ai cũng có khổ của mình. Xót xa cho phận làm mẹ, thương cho phận làm mẹ, mới hiểu, nỗi đau này, cũng chẳng dễ dàng gì. Cảnh đã xót, lòng càng đau, hôm nay, tôi kể về chuyện của mẹ...

Gió Bấc

Gió bấc thoảng qua đời gian khó
Lay xác thân già mẹ héo hon
Thương thay tay chẳng vẹn tròn
Mang sinh không dưỡng để con cho người.

Bụi chuối sau nhà thương lá cội
Tháng năm theo gió cuốn đời trôi
Con thơ êm ấm bên người
Xót xa trong mắt, dạ thời thương đau.

Gió bấc đi về nẻo trời trong
Con nay khôn lớn bước theo chồng
Mẹ già mắt đã mờ không
Trông con xa thẳm đặng mong ngắm nhìn.

Gió bấc mang theo đứa con khờ
Nụ cười khép lại lòng mẹ mơ
Con đi mẹ vẫn mong chờ
Gió kia có gọi con thơ quay về...

Gió bấc rì rào buổi hôm nay
Đời mẹ trôi theo tháng năm dài
Quãng đời chân bước mờ phai
Thương về nẻo vắng còn ai mỏi mòn...

***

"Gió bấc về, xác sơ những bụi chuối sau hè.
Má nó ngồi, mắt đăm chiêu nhìn trời xa..."
- Gió Bấc -

Lạc Mỹ Xuyên Thu
 
Top