Lượt xem của khách bị giới hạn

[Type sách] [Truyện Hoàn] Hãy Cố Lên Con - Hải Âu dịch

[Type sách] [Truyện Hoàn] Hãy Cố Lên Con - Hải Âu dịch
Tham gia
22/5/22
Bài viết
67
Điểm cảm xúc
91
Điểm
18
4. CHA VÀ CON

Thời khắc diễn ra lòng tin cậy trọn vẹn con cái dành cho cha mẹ là một khoảng khắc tuyệt diệu...
Một tối nọ vào năm ngoái, trong khi tôi đang ngồi đọc sách thì Luke, cậu con trai nhỏ của chúng tôi, im lặng xán đến bên ghế tôi vẻ thân thiện. Cháu đứng trong vùng tối của ánh sáng cây đèn đọc sách tỏa ra - một vật dụng đã từng chiếu sáng bàn làm việc trong phòng khám bệnh của cha tôi.

Dạo này Luke thường đến tâm sự với tôi những vấn đề nghiêm chỉnh của cháu trong khi tôi đọc sách. Trước đây không lâu thì cháu cũng làm như vậy, chỉ khác là khi tôi làm vườn chứ không đọc sách. Có lẽ vì cháu cảm thấy thoải mái nhất để tâm sự với tôi về những khó khăn của cháu khi tôi đang làm việc mà cháu cũng đang tập làm. Ví như năm ngoái cháu đã học được cách gieo hạt rồi để yên cho chúng nẩy mầm chứ không đào chúng lên ngay vào sáng hôm sau với nỗi nôn nóng xem chúng đã mọc chưa. Năm nay thì cháu đang học để tự mình có thể đọc sách - mặc dù cháu vẫn không chịu nhận với tôi là cháu có khả năng đó, để bắt tôi vẫn đọc sách cho cháu trước lúc ngủ.

Tôi ngẩng lên nhìn cháu và cháu mỉm cười với tôi. Rồi cháu nhanh chóng trở nên nghiêm nghị giống hệt vẻ nghiêm nghị khó ưa của tôi.

- Con đã làm gãy cái cưa của con rồi.

Cháu vừa nói vừa đưa món đồ chơi cháu giấu sau lưng ra.

- Đây bố ạ!

Cháu không hề hỏi xem tôi có khả năng sửa chữa nó không. Lòng tin tưởng tôi có thể sửa là lời khen tặng của một đứa con trai nhỏ dành cho người thợ tài ba có khả năng sửa từ chiếc xe đạp trẻ con, toa tàu đồ chơi đến đủ loại đồ chơi khác.

Lần này là chiếc tay cầm bằng nhựa màu xanh của cái cưa bị sút ra. Cha tôi, người luôn thích thú sưu tầm đủ mọi thứ dụng cụ trên đời, sẽ không đồng ý mua một cái cưa có cán bằng nhựa vì nó không bền.

- Bị thiếu mất mấy món, con có còn giữ không?

Luke chìa bàn tay nắm chặt ra, trong lòng bàn tay nhỏ bé ấy là những mảnh vụn còn sót lại. Tôi thấy không còn cách nào để sửa được nữa.

Cháu vẫn chăm chú nhìn tôi, nét mặt lộ vẻ tuyệt đối tin tưởng rằng tôi có thể làm được bất cứ chuyện gì. Ánh mắt của cháu làm sống dậy kỷ niệm trong tôi. Tôi xem xét cẩn thận cái cưa bị gãy, lật đi lật lại trong tay những mảnh gãy trong khi đầu óc tôi đang hồi tưởng lại quá khứ…

Năm tôi lên bảy, vào một ngày trong tháng mười một, khi từ trường về tôi vào chơi ngay ở phòng khám bệnh của cha tôi. Cha tôi là bác sĩ giỏi nhất trong vòng một trăm dặm của cái tỉnh nhỏ bên dòng sông Ohio - nơi chúng tôi ở. Tôi - và các bệnh nhân của cha - luôn ngạc nhiên về những điều ông làm được. Ông chẳng những luôn chữa khỏi bất cứ điều gì xảy ra cho bất kỳ ai, mà còn có thể đứng thẳng trên xe trượt tuyết của tôi trượt suốt từ đỉnh Long Hill xuống, hoặc thuần hóa bọn ngựa hoang! Tôi thích luẩn quẩn trong phòng chờ và được nghe những người bệnh gọi đùa tôi là “bác sĩ con”, tôi cũng rất thích được thấy người bệnh ra khỏi phòng khám của cha với vẻ khỏe khoắn hơn lúc bước vào.

Nhưng vào cái ngày ấy, mục đích tôi vào phòng khám của cha là để gặp bạn thân nhất của tôi, Jimmy Hardesty. Jimmy đã nghỉ học ba ngày rồi và mẹ bạn ấy gửi lời nhắn qua cô y tá rằng sẽ đưa Jimmy đến khám bệnh.

Người bệnh cuối cùng ra về rồi mà vẫn chưa thấy Jimmy đến. Cha và tôi bắt đầu đi khám tại nhà. Cha thường cho tôi đi chung bởi vì ông thích kể chuyện trên đường đi. Và có lẽ vì tôi là người chịu nghe nhất mọi chuyện trên đời này do cha tôi kể.

Mãi tới gần bảy giờ tối mới xong việc, cha bảo tôi:

- Ta ghé qua xem Jimmy ra sao đi.

Tôi khoái quá vì nghĩ cha vì tôi mà ghé qua xem bệnh cho Jimmy.

Nhưng khi chúng tôi tới nơi thì thấy đèn sáng ở cửa sau - thường là dấu hiệu thông báo nhà có sự cố

Cha cho xe chạy thẳng vào sân. Chị Alice của Jimmy chạy ra ôm chầm lấy cha tôi, run rẩy khóc

và kể:

- Ôi bác sĩ! Jimmy chết mất! Cha cháu đi tìm bác sĩ khắp nơi. Cám ơn bác sĩ đã tới. Em cháu ban đầu chỉ cảm lạnh, thế mà từ chiều đến giờ mồ hôi em ra như tắm và em cứ nằm yên nhắm mắt.

Chị ấy cứ nói không ngừng và ôm chặt lấy cha tôi. Cha tôi trước nay như chưa hề chạy bao giờ. Ông vẫn bảo không có lý do gì phải chạy cả. Nếu như phải chạy có nghĩa là mình đã xử lý mọi việc không tốt để nước đến chân mới nhảy. Thế mà lần này cha bảo chị Alice buông cha ra rồi ông chạy vội vào nhà.

Tôi chạy theo, qua căn bếp xộc mùi mốc, rồi lên những bậc thang hẹp và tối tăm. Jimmy đang thở rất nhanh và hơi thở rít lên nghe kỳ quặc. Trên người bạn chất đầy chăn nên tôi chẳng thấy được gì ngoại trừ khuôn mặt bạn ấy với những khoảng tối sáng qua ánh đèn dầu tù mù. Nom bạn ấy như đang kiệt sức và da thì ướt rượt.

Mẹ bạn ấy chẳng nói lời nào. Bà là một phụ nữ to béo, mặt tròn xoe và lúc nào tôi cũng thấy bà mặc áo tạp dề làm việc nhà. Bà đứng sau lưng tôi, để hai tay lên vai tôi, trong khi cha tôi nghe phổi cho Jimmy. Ông lấy ống tiêm ra và lắp kim vào trong ánh đèn dầu. Mọi người nín thở nhìn cha bơm giọt thuốc đầu tiên ra khỏi kim rồi tiêm cho Jimmy. Tôi tin tưởng đó là loại thuốc mầu nhiệm mà Jimmy đang cần.

Sau đó cha để một miếng gạc lên miệng Jimmy rồi làm hô hấp nhân tạo. Không một ai cử động và không một tiếng động nào ngoài nhịp thở của Jimmy và của cha tôi.

Thế rồi, bất chợt như một ánh chớp, tất cả chỉ còn nghe một nhịp thở đơn độc của cha tôi, không còn nghe nhịp thở của Jimmy nữa. Tôi cảm thấy đôi bàn tay của mẹ Jimmy bóp chặt lấy vai tôi và dường như bà hiểu, rằng có gì đó đã đứt dây. Nhưng cha tôi vẫn tiếp tục hà hơi vào phổi Jimmy. Lâu sau, mẹ Jimmy đến bên cha tôi và bình tĩnh nói:

- Cháu nó đi rồi, bác sĩ ạ. Vô ích thôi, bác sĩ. Bác sĩ ngưng được rồi. Con trai tôi không còn ở với chúng ta nữa.

Nhưng cha vẫn đứng bên giường Jimmy.

Khi ấy mẹ Jimmy quay lại nắm tay tôi dẫn xuống nhà. Vào tới bếp bà ngồi xuống ghế xích đu và chị Alice, vẻ mặt thất thần mà tôi chưa bao giờ thấy, nhào đến gục vào lòng bà. Tôi ra ngoài ngồi xuống bậc thềm. Trong đêm tối lạnh lẽo. Tôi muốn không ai thấy hoặc nghe tiếng nói của tôi.

Khi ông Hardesty về nhà và thấy xe chúng tôi đậu trước cửa, ông chạy vội vào nhà. Tôi nghe giọng ông và cha tôi trao đổi một lát. Rồi im lặng, rồi lại nói tiếp. Cuối cùng là tiếng bước chân nặng nề trên bậc thềm. Cha tôi bước ra và tôi theo ông ra xe. Và tôi không tài nào mở miệng thốt một lời gì cả. Thế giới mà tôi những tưởng mình biết rõ đã nằm vỡ vụn trong trái tim tôi.

Chúng tôi không về nhà mà ra phòng khám của cha. Ông đứng một lúc lâu trước cửa. Rồi ông gọi tôi thật lớn tiếng, dữ dằn, đưa tôi chìa khóa và bảo

- Mở cửa giùm cha. Cha không mở được.

Tôi rất hoảng sợ. Tôi không quen giúp cha vì thường là cha giúp tôi. Chúng tôi bước vào phòng khám tối om. Cha bảo tôi mở đèn bàn làm việc của cha. Ông bắt đầu lật tung sách lên cầu mong tim ra điều gì đáng lẽ ông phải làm thêm để cứu sống Jimmy.

Tôi muốn ngăn cha lại nhưng tôi không biết phải làm sao. Tôi không thể nghĩ được làm thế nào cho trời sáng. Thỉnh thoảng, không nén được, tôi tấm tức khóc.

Cuối cùng tôi nghe như có ai đó nơi cửa và tôi bước ra phòng đợi, lòng thầm biết ơn bất kỳ ai đã đến đây vào lúc này. Trong một tỉnh nhỏ tin tức đi rất nhanh. Thì ra là mẹ đến với cha con tôi.

Mẹ quỳ xuống, ôm chặt lấy tôi, xoa gáy tôi và tôi bám chặt lấy mẹ, như ngày xưa tôi còn bé tí xíu.

Tôi bật khóc, dựa đầu vào vai mẹ:

- Ôi, mẹ ơi! Sao cha lại có thể thế! Sao cha lại có thể thế!

Mẹ xoa lưng tôi mãi cho tới khi tôi nín. Rồi mẹ bảo:

- Cha con lớn hơn con nhưng nhỏ hơn sự sống; chúng ta không bớt yêu quý ông vì những điều ông không làm được. Tình yêu luôn chấp nhận - bất kể điều gì.

Dù ngay vào lúc ấy tôi không chắc là đã hiểu rõ ý mẹ tôi muốn nói, nhưng tôi biết là tôi nhận thức được tầm quan trọng về những lời mẹ bảo tôi. Rồi mẹ vào phòng gặp cha.

Chuyện ấy xảy ra đã lâu lắm rồi, tôi cũng sống qua mùa đông ấy nên cảm giác như nó đã ra đi mãi mãi. Thế mà nay bỗng chốc nó sống lại trong trí tôi khi tôi xoay xoay trong tay những mảnh vỡ món đồ chơi của con tôi. Tôi bảo cháu:

- Bố e cưa bị gãy rồi con à.

- Con biết là gãy rồi. Bố sửa giùm con đi.

Giọng cháu lộ vẻ nôn nóng.

- Bố không sửa được đâu con.

- Bố chắc chắn sửa được mà.

- Không, bố không sửa được. Bố rất tiếc, Luke à.

Cháu nhìn tôi - và ánh mắt tin cậy tuyệt đối dần dần nhạt nhòa. Môi cháu bắt đầu run lên, và cháu cố cầm không cho nước mắt chảy ra.

Tôi bế cháu lên ngồi vào lòng tôi và cố gắng hết sức mình xoa dịu nỗi đau của cháu dành cho món đồ chơi bị vỡ vụn cùng với thần tượng đang bị sụp đổ. Dần dần cháu nín khóc. Tôi biết chắc chắn cháu đã cảm nhận được nỗi buồn khi thấy chính bố mình chỉ còn là một người trần bình thường. Tôi tin như vậy bởi vì cháu chịu ngồi rất lâu, và bá cổ nép vào tôi.

Cháu ra khỏi phòng sau khi nhìn thẳng vào mắt tôi với ánh mắt thân thiện, tôi như nghe lời mẹ ngày xưa còn vẳng bên tai: “Tình yêu là vô điều kiện”. Có thời là con, nay là cha, tôi đã nhận ra rằng ngoài nỗi buồn của sự tìm ra chân lý ấy thì có sự khởi đầu của sự hiểu ra.

Walter Meade​
 
Tham gia
22/5/22
Bài viết
67
Điểm cảm xúc
91
Điểm
18
5. KỶ NIỆM MỘT DÒNG SÔNG

Chúng tôi chỉ nói chuyện với nhau có một lần nhưng nhờ dòng sông tôi đã hiểu rõ anh ấy.
Khi tôi còn là một chàng trai trẻ, đi du lịch balô được coi như là sống trên mây, ít nhất đó cũng là quan điểm của dân sống vùng bờ đông nước Mỹ. Bọn tôi chỉ có một số nhỏ đi giày thể thao vai đeo balô đến cắm trại ở những suối hồ vùng sâu vùng xa. Vào thời ấy, bất kỳ đi đâu xa bầy đàn ở thành phố đều bị coi là người kỳ quặc.

Mùa hè năm đó, sau khi tốt nghiệp trung học, tôi bỏ hành lý lên chiếc xe Cheviolet già nua rồi lên phương Bắc tìm một ngọn suối vắng vẻ để có thể ngồi một mình câu cá. Tôi bảo với bạn bè là tôi đi thăm một cô bạn ở Vermont. Đi thăm bạn gái được coi là bình thường hơn đi du lịch balô và chính nhờ vào chuyến đi đó mà tôi gặp dòng sông của anh Roger.

Tôi đang lái xe trên một con đường bụi mù ở Vermont thì bắt gặp một con đường mòn không biết dẫn đi đâu và tôi quyết định ngừng xe rẽ vào đi bộ. Con đường ngoằn ngoèo leo lên ngọn đồi dẫn sâu vào khu rừng đây bóng mát tĩnh lặng, lánh xa cái nóng khô ran của đường phố.

Ra đến khoảng trống, tôi thấy anh ngồi dựa gốc cây bình thản đọc sách, balô và cần câu để kế bên. Anh mặc quần soọc kaki và nom anh lớn hơn tôi khoảng năm tuổi.

Balô nặng làm tôi mất thăng bằng suýt ngã chúi xuống khi đứng dừng lại. Anh nhắc tôi:

- Cẩn thận đấy!

Tôi lầm bầm hỏi lại:

- Anh đang đọc sách hả?

- Ờ! Chú em có hay đọc sách không?

- Ồ không đâu! À ý em muốn nói là lúc này em tạm ngưng đọc.

Và thế là giữa cỏ hoang và dương xỉ, chúng tôi chia sẻ với nhau bữa trưa, phần của ai nấy ăn, nhưng chung nhau khoảng khắc và không gian ngoài trời. Anh kể là anh đã đến đây nhiều năm rồi, dòng sông bắt nguồn ở xa tít trên kia. Ở đấy dù mùa hè nóng bức nước vẫn mát lạnh và đầy cá lóc. Tuyệt nhất là chúng hiếm khi bị câu.

Thế rồi anh đi mất, vô danh tính, không theo con đường mòn mà rẽ bụi rậm ra thẳng đường cái. Tôi đã cố ý muốn nói với anh tôi rất đồng cảm về ý thích đi du lịch balô và lòng đam mê không khí núi rừng - nhưng tôi đã không nói thành lời với anh. Thật ra tôi nghĩ giữa hai người hiểu nhau thì lời nói không mấy cần thiết.

Mãi sau, vào cuối mùa hè tôi mới quay lại dòng sông. Tôi đã đăng ký nghĩa vụ quân sự và sắp lên đường vào trại.

Tôi dừng xe Cheviolet rồi đi bộ. Trên thảm cỏ ở khúc quanh của dòng sông tôi thấy lều của anh ấy, có lửa trại được bao quanh bởi những phiến đá, xung quanh lều rất gọn gàng sạch sẽ, đúng như tôi đã nghĩ về anh.

Tôi đi xuống tiếp khoảng nửa dặm rồi cắm lều của chính tôi trên một khoảng đất bằng phẳng.

Chiều tà dần buông khi tôi bắt đầu câu cá nơi thượng nguồn. Chỉ trong vòng có nửa giờ đồng hồ tôi đã câu được năm con cá lóc nhỏ. Tôi sắp câu được con thứ sáu thì tiếng kèn Harmonica của anh vang lên trong đêm tối. Anh đang chơi bài ruột của tôi “Thung lũng sông Hồng”(1). Tiếng kèn chậm buồn. Và tôi đứng đó, để mặc cho khúc nhạc đồng quê và tiếng róc rách của dòng sông phủ lên tôi. Rồi thì tôi chậm bước về lều của mình.

Tôi dự định sáng hôm sau sẽ dậy sớm để trở lên thượng nguồn, ghé lều anh cùng chia với anh những con cá câu được. Nhưng khi tôi thức dậy thì mặc trời đã đứng bóng, thế là tôi đành ăn một mình. Khi tôi định đi câu thì đã khá muộn.

Khi rẽ qua lều trại của anh, nếu không thấy chút tro tàn còn sót lại thì không ai biết anh đã từng cắm trại ở đây. Anh đã chất củi bù vào chỗ anh đã dùng để cho người sau và để lại lá thư:

Nhiệt độ: 72°F

Nước nóng: 66° ở dưới sâu

68 ở trên mặt.

Trời trong, mây ở trên cao, không gió.

Dùng mồi câu số 18.

Bắt ba, thả bốn.

Phía dưới những dòng chữ ấy là một bài thơ viết về tâm trạng của anh khi sắp đi xa dòng sông này.

Tôi cẩn thận gấp mảnh giấy lại và cất nó vào hộp đựng mồi. Rồi tôi đi bộ trở lại xe. Tôi có cảm giác mình đang chia tay với một điều gì đó còn lớn hơn dòng sông đang ở lại.

Sau đó tôi học khóa huấn luyện quân sự cơ bản và nâng cao, rồi lên đường sang đóng quân ở Bắc Hàn. Mặc dù chiến tranh đã chấm dứt nhưng tôi vẫn phải bay thám sát hàng đêm dài dằng dặc.

Đi câu đã trở thành một dĩ vãng xa vời, nhưng những đêm đông giá buốt nằm co ro trong túi ngủ tôi vẫn nghĩ đến dòng sông và anh, người tôi đã thoáng gặp bên bờ sông. Trong trí tôi anh đã mang tên “Roger”. Cái tên ấy rất hợp với anh - cũng như anh và dòng sông hợp với nhau.

Cuối cùng, hết thời gian nghĩa vụ, tôi được xuất ngũ về lại đất Mỹ. Một tuần sau tôi lại lên phương Bắc tìm về dòng sông xưa, dòng sông của anh Roger. Tôi dễ dàng xuyên bụi rậm đến khu lều trại của anh ngay trên khúc quanh của dòng sông.

Nhưng khu đất sạch sẽ mà tôi đã từng biết thì nay đã tràn ngập rác rưởi, bịch nilông, lon rỗng, chai bể.

Sự kỳ diệu như đã ra đi. Tôi quày quả đi bộ trở lại xe.

Ra tới trạm xăng tôi hỏi về anh nhưng chẳng ai biết. Thế là tôi quay lại khu lều trại. Tôi dọn dẹp sạch sẽ như anh Roger sẽ làm.

Vài năm sau tôi gặp một người đi câu khác bên dòng sông. Tôi tả cho anh ta biết về anh và chỉ nơi anh từng cắm lều. Anh này nhớ lại:

- Ồ tôi biết anh ấy. Đáng buồn là anh ấy bị tử trận.

Tử trận?

- Ở nước ngoài. Anh ấy đang bay trên một máy bay trực thăng thì máy bay rớt. Đáng buồn nhưng tôi nghĩ như vậy có lẽ lại tốt hơn cho anh ấy.

Tôi nghĩ chắc chắn là như vậy!

Vài tuần sau, tôi trở lại dòng sông và ngủ qua đêm ở đấy. Tôi không đi cắm trại, không đi câu - mà để chờ đợi. Qua ánh lửa trại tôi thấy anh Roger. Trong đêm tối ánh lửa trại bảo học tôi, trên cao lấp lánh sao khuya. Chỉ có tiếng dòng sông và gió thổi hiu hiu lạnh, không còn tiếng kèn Harmonica dìu dặt thuở nào.

Dù lòng trĩu buồn tôi vẫn nhận ra mình đã được nhiều hơn tất cả những gì mình đã mất. Dù không nhìn thấy dòng sông trong đêm tối, tôi vẫn lắng nghe tiếng dòng sông của anh Roger. Tôi dần cảm thấy bớt cô quạnh khi nhớ tới những lời thơ anh viết:

Ồ, tôi đã nghe tiếng dòng sông vang lên,

Sáng tình minh, ngày và đêm,

Nhưng liệu tiếng dòng sông còn ở bên tôi qua mai này,

Mai này tôi sẽ đi xa, xa lắm!

Ralph D. Conroy​
 
Tham gia
22/5/22
Bài viết
67
Điểm cảm xúc
91
Điểm
18
6. NGHĨA CỬ CỦA NGƯỜI LÍNH
Chỉ có nhân đức Phân biệt Con người sau cái chết
--- Choisy---
Năm 1949, cha tôi về nhà sau khi chiến dút. Trên mọi ngả đường quốc lộ của nước Mỹ bạn có thể thấy những người lính xuất ngũ xin quá giang về quê.

Điều đáng buồn là chẳng bao lâu sau nỗi vui đoàn tụ thì gia đình lại có chuyện không vui. Bà nội tôi ngã bệnh nặng và phải nhập viện. Bà bị bệnh thận và các bác sĩ bảo với cha tôi là bà cần được truyền máu ngay lập tức, nếu không bà sẽ không qua nỗi đêm ấy. Vấn đề là máu bà thuộc nhóm AB Rh-, là một nhóm máu rất hiếm, mà vào thời đó lại chưa có ngân hàng máu hay máy bay để chuyển máu từ nơi này sang nơi khác như ngày nay. Mọi người trong gia đình đều được thử máu để tìm xem ai có nhóm máu thích hợp với bà. Đáng tiếc là không có ai. Tình hình hầu như tuyệt vọng, bà tôi sẽ chết mất thôi.

Cha tôi nghẹn ngào rời khỏi bệnh viện để báo cho gia đình đến nói lời tạm biệt với bà tôi. Đang lái xe trên con đường quốc lộ, cha tôi bỗng thấy một người lính xin quá giang về quê nhà. Dù đang buồn cha tôi vẫn dừng lại đón người lính ấy,

Cha tôi buồn nên chẳng nói lời nào, nhưng người lính thấy cha tôi khóc người lính bèn hỏi thăm. Qua dòng lệ, cha tôi thổ lộ với người chưa quen rằng mẹ mình đang phải nằm viện chờ chết vì không tìm ra người có nhóm máu thích hợp để truyền máu cho bà.

Sau giây phút chìm trong im lặng, người lính chưa quen ấy đưa cha tôi xem thẻ bài của mình: Anh ta thuộc nhóm máu phù hợp với nhóm máu của bà tôi. Anh bảo cha tôi cho xe quay lại bệnh viện.

Nhờ người lính không quen ấy mà bà tôi đã được thêm gần nửa thế kỷ sau.

Jeanmie Ecke Sowell
 
Tham gia
22/5/22
Bài viết
67
Điểm cảm xúc
91
Điểm
18
7. TÔI LÀ TẤM GƯƠNG CHO CÁC CON TÔI
Câu giải đáp đương ở trước mắt tôi.
Mấy tuần nay tôi rất xuống tinh thần, tôi tự hỏi làm sao thực hiện được giấc mộng trở thành nhà văn chuyên nghiệp? Nhưng nay tôi đã nhận ra mình không có quyền thối chí bởi vì mình đang được dõi mắt trông theo.

Quả vậy có sáu con mắt luôn dõi theo từng bước tiến của tôi.

Hai con của tôi Jeremy, con trai lớn của tôi. Cháu lên chín và đang dõi mắt xem tôi làm thế nào vững bước trong cuộc sống, đối đầu với thất bại và quyết chí tiếp tục.

Hai con của Matthew. Cháu lên bốn nhưng đã dõi mắt theo tôi để học cách trở thành một người đàn ông chân chính. Và mỗi bước lỗi nhịp của tôi đều bằng cách nào đó được thể hiện qua nét mặt cháu. Bởi vì, trong cháu, hình ảnh tôi luôn cao vòi vọi cả hai mươi bộ (khoảng sáu mét).

Hai con mắt của con gái tôi, Alexandra. Cháu chỉ mới độ tuổi sơ sinh nhưng tôi tin cháu sẽ học hỏi rất nhiều điều từ đám con trai và qua cách tôi đối xử với mẹ cháu và cháu, và về những điều làm nên một người đàn ông chân chính.

Và vượt lên trên mọi thứ là khát vọng của tôi luôn muốn mình là người tốt.

Vậy làm sao tôi dám thoái chí từ bỏ hoài bão làm nhà văn?

Nếu tôi từ bỏ ước vọng làm nhà văn thì sao? Tôi sẽ lấy tư cách gì để dạy các con khi chấp nhận thua cuộc? Liệu tôi có thể cho con thấy bỏ cuộc khi khó khăn quá là điều chấp nhận được? Liệu tôi có bảo các cháu là đôi khi dù mình cố công đến mấy vẫn không thể biến mộng thành thực? Và làm sao tôi có thể cho các cháu bỏ ngoài tai những lời dèm pha của kẻ khác bảo mình sẽ thua và thật điên rồ khi cố sức thử làm.

Đó, bạn thấy đấy, làm sao tôi có thể bỏ cuộc được? Bởi vì cha tôi đã dạy tôi phải có ý chí và lòng chân thật. Và mẹ tôi đã dạy tôi phải có lòng nhân hậu. Tôi đã học được từ những trang sách sống của hai người.

Vì vậy tôi phải phấn đấu. Bởi vì các con tôi đang dõi mắt theo tôi và học hỏi, như tôi đã từng làm với cha mẹ tôi.

Gim Warda
 
Tham gia
22/5/22
Bài viết
67
Điểm cảm xúc
91
Điểm
18
8. NGOẢNH LẠI NHÌN CON

Tương lai của đứa con luôn là công trình của người mẹ
D'. Alembert
Bức tranh chì mầu vẽ một bé trai độ tuổi lớp một với những giọt nước mắt như những hạt dưa chảy trên mặt. Hàng chữ thuyết mình được nắn nót viết: “Tôi buồn quá!”

Đó là bức tranh trong nhật ký viết lại ngày nhập học 19 tháng chín vừa qua của Brendan, con trai tôi. Ngày đầu tiên đi học, Brendan đã khóc rũ rượi như tan ra nước ở trước cửa phòng học. Phòng học ngập tràn những khuôn mặt trẻ thơ với mái tóc được mẹ thấm nước chải thật thẳng, những đôi giày thể thao hiệu Nike và cặp táp mới tinh. Một con thú nhỏ có lộng đang lít xít chạy trong một cái lồng to. Hoa ở trên bàn cô Philips, cô giáo nổi tiếng đạy giỏi ở trường, Cô là một cô giáo rất dễ thương và rất và rất có nghiệm đón nhận những tâm hồn ở độ tuổi lên sáu. Nhưng ngay cả cô cũng không tài nào thuyết phục được Brendan chịu ngồi xuống ghế. Phần lớn các trẻ nhỏ đều háo hức ngồi chờ, nào là bạn Dick, nào là bạn Jane, nào là cô giáo ra bài toán "hai công một bằng mấy". Nhưng Brendan của tôi thì không. Nước mắt nước mũi cháu ràng rụa chảy, cháu bám chặt lấy tôi như sâu bám cây. Tôi cố gỡ cháu ra rồi quay lưng bỏ chạy.

Thật ra Brendan không hề sợ nhà trường. Cháu là đứa trẻ dạn dĩ đã từng biểu diễn rất sống động trước chúng bài "chuông reo vang" trong dịp lễ Noel vừa qua. Cháu chỉ vì không muốn xa tôi. Hai mẹ con đã vui vẻ học với nhau trong thời gian chuẩn bị trước khi cháu vào lớp mẫu giáo. Thế nhưng thời gian luôn đòi hỏi phải có đổi thay.

Ngày ngày vào học lớp một, trong lúc ở trường, Brendan thường tự hỏi mẹ đang làm gì ở nhà. Brendan luôn về nhà ăn trưa, cháu là trẻ duy nhất không chịu ăn ở trường. Cháu chỉ kịp đủ thời gian ăn trưa rồi sau đó lại vội vã đi học, háo hức gặp lại các bạn cùng lớp để cùng chơi cùng học! Vì vậy sau bữa trưa tôi dẫn cháu trở lại trường, ở lại cùng cháu chờ cho đến khi cháu gặp được bạn cháu quen thì tôi mới ra về. Có lần cháu bảo tôi cháu luôn nhìn theo tôi cho đến khi tôi đi xa không thấy nữa. Thế là tôi không bao giờ dám quay lại nhìn cháu mà chỉ vội đi nhanh cho cháu mau không nhìn thấy.

Một ngày nọ, tôi đưa Brendan trở lại trường sau bữa trưa. Cháu thấy bạn, bèn hôn chào tôi rồi chạy đến với bạn.Tôi quay lưng ra về, lòng vui buồn lẫn lộn, vui vì con đã lớn độc lập được, buồn vì mình đã gia nhập vào hội các ông bố bà mẹ có con đã dễ dàng chia tay với mình.

Rồi - không hiểu tại sao - tôi ngoảnh nhìn lại, Brenda đang đứng đó. Các bạn vẫn ồn ào chạy chơi chung quanh. Riêng Brendan đứng dán mặt vào hàng rào, đứng thẳng, vẻ chăm chú nhưng không buôn rầu, đưa tay hôn gió tôi. Thật can đảm, không chút ngượng ngùng và tràn ngập thương yêu, Brendan dõi mắt nhìn tôi quay lưng đi,

Không một quyển sách dạy làm cha mẹ nào có bài chuẩn bị cho tôi thoáng nhìn vào tâm hồn mở ngỏ lột trần như vậy của con trai mình. Trí óc tôi chợt nghĩ đến viễn cảnh mười lăm năm sau khi Brendan xếp quần áo vật dụng vào vali, khi chú cún ở nhà đã già, và nói với mẹ:

- Đừng khóc nữa mẹ! Con chỉ đi học xa thôi chứ có ra nước ngoài đâu!

Trong trí tôi xé vụn hình ảnh rập khuôn các bà mẹ vui vẻ bảo sẽ để con mình ra đi sống tự lập khi chúng đã sẵn sàng, Tôi ngoái nhìn lại Brendan: áo dược mẹ cài nút gọn gàng, chân chưa mấy đứng vững nên còn phải cong vào trong và thầm bảo cháu:

- Con mãi mãi là đứa con nhỏ của mẹ! Mẹ mãi yêu thương con!

Và cố nở nụ cười, tôi hôn gió đáp trả con rồi quay lưng bước đi.


Diane Tullson
 
Tham gia
22/5/22
Bài viết
67
Điểm cảm xúc
91
Điểm
18
9. GIỮ TRỌN LỜI HỨA

Kẻ nào tôn kính cha mẹ sẽ thấy niềm vui trong con cái mình
Xe tôi sắp hết xăng, tôi vội đi tìm trạm xăng luôn thể hỏi thăm đường đi thì bỗng thấy trạm cứu hỏa địa phương. Tôi chợt dừng xe, nhắm mắt lại, đầu tràn ngập kỷ niệm thời thơ ấu của ba mươi lăm năm trước - khi bố tôi còn là một người lính cứu hỏa.

Ở trạm có máy bán coca tự động. Ngày đó tôi lên mười và dẫn hai đứa bạn lại thăm bố tôi, hy vọng bố sẽ cho mỗi đứa một lon coca. Hôm đó bố có vẻ ngập ngừng khi đưa tiền mua coca. Nhưng tôi không mấy để ý vì đang nôn nóng trúng khuyến mãi một nắp lon có ngôi sao để lãnh một chiếc nón kiểu thợ săn Davy Crockett.

May mắn là tôi trúng một nắp có ngôi sao. Vậy là với bảy cái ở nhà tôi chỉ cần có thêm hai cái nữa là đủ. Chúng tôi cám ơn bố rồi về nhà ăn cơm trưa, sau đó đi bơi.

Chiều đó tôi ở hồ bơi về nhà hơi sớm và chợt nghe tiếng mẹ rầy rà bố:

- Đó là tiền để ông ăn trưa mà. Sao ông không bảo mấy đứa biết mà lại nhịn ăn trưa như vậy?

Bố tôi vẫn tỏ ra dễ dãi:

- Không sao: Để cho tụi nhỏ vui mà.

Tôi lên gác mở những nắp lon ra coi và nhận ra cha đã hy sinh cho bọn tôi biết chừng nào. Tôi tự hứa sẽ có ngày đền đáp lại công ơn của bố tôi.

Năm bố tôi 47 tuổi - Người lên cơn đau tim đầu tiên. Lần đầu tiên chúng tôi thấy người khỏe nhất, nặng nhất, to nhất nhà đã ngã quy. Có lẽ vì những năm tháng vất vả làm tới ba việc để nuôi một gia đình chín miệng ăn đã khiến bố tôi kiệt sức.

Nhưng bố tôi vẫn cố cầm cự với căn bệnh, vượt qua vài cơrt đau tim nữa, để cố sống nuôi anh em chúng tôi đến trưởng thành.

Đến tuổi về hưu, mộng ước của bố tôi là sắm một chiếc xe tải màu đỏ như xe cứu hỏa. Anh em tôi đã có nghề nghiệp và khá giả nên định góp lại mua tặng bố nhưng bố bảo bố ưng mua nó bằng tiền của chính bố kiếm mới thực sự thấy nó là của bố.

Ngày nọ tôi đưa bố đi kiểm tra sức khỏe. Sau khi khám, nhìn nét mặt của bố tôi biết không ổn. Trên dường về bố nói chuyện về quá khứ. Nỗi lo của tôi đã đúng, bố không còn sống được bao lâu nữa. Bố đã tôi không được cho các anh em và mẹ tôi biết. Bố dặn khi bố không còn tôi phải chăm sóc mẹ thay bố. Bố không sợ chết chỉ buồn là bỏ mẹ ở lại một mình.

Khi đi ngang qua chỗ bán tôi ghé vào cho bố xem. Thấy một xe tải sơn màu nâu, bố tỏ vẻ rất thích. Ngày hôm sau tôi chở bố trở lại, xe đã đề bảng “bán rồi”, bố lộ vẻ thất vọng. Tôi để bố đứng đó và nói có việc cần vào gặp chủ gara. Khi tôi đi, người bán xe bước lại đưa bố tôi chìa khóa xe, nói đó là quà tôi tặng bố. Bố quay lại nhìn tôi với ánh mắt long lanh vẻ vui mừng.

Trên đường về bố nói về mọi bộ phần của xe, có điều bố không hiểu

tại sao ở tay lái lại có ngôi sao coca.

Brian Keefe
 
Tham gia
22/5/22
Bài viết
67
Điểm cảm xúc
91
Điểm
18
10. TẤM LÒNG TRẺ THƠ
Ôi tuổi thơ! Thật tuyệt vời

Ngày nọ nhà văn Leo Buscaglia kể về một cuộc thi tàm đứa trẻ dễ thương nhất. Giải nhất được trao cho một đứa bé trai lên bốn. Bé có một bác hàng xóm mới góa vợ. Một hôm thấy ông ngồi khóc trong vườn sau nhà, bé bèn chạy sang ngồi vào lòng ông. Khi bé về nhà mẹ hỏi bé nói gì để an ủi bác ấy, bé trả lời:

- Con chẳng nói gì cả. Con chỉ giúp bác ấy khóc thôi.

Donna Bernard
 
Tham gia
22/5/22
Bài viết
67
Điểm cảm xúc
91
Điểm
18
11. XIN VUI LÒNG CHO GỌI TỔNG ĐÀI
Khi tôi còn bé, nhà tôi là một trong những nhà đầu tiên mắc điện thoại. Nó được gắn vào tường. Tôi còn nhớ số của nó là - 105. Tôi còn quá nhỏ để với tới điện thoại nhưng thường mê mẩn nhìn mẹ nói chuyện qua điện thoại. Tôi cũng có lần được nói chuyện với ba qua điện thoại. Thật tuyệt diệu!

Rồi tôi lại khám phá ra trong điện thoại có một người đáng nể. Tên người ấy là “Xin vui lòng cho gặp tổng đài”. Mỗi khi mẹ gọi cho người ấy hỏi thông tin gì người ấy cũng biết.

Lần tiếp xúc đầu tiên của tôi với vị thần trong máy điện thoại ấy là vào ngày tôi tự đập cây búa đóng đỉnh vào tay trong khi tấy máy nghịch đồ nghề của ba. Lúc ấy cả nhà đi vắng nên có khóc cũng chẳng ích gì. Mặc dù tay tôi đau khủng khiếp. Cứ thế tôi ôm tay đau đi khắp nhà. Ô kìa điện thoại!

Thế là tôi kéo lê ghế đẩu tới với tay nhấc máy quay số gọi.

- Xin vui lòng cho gọi tổng đài.

Một đôi tiếng click, rồi một giọng nói vang lên:

- Tổng đài nghe đây!

Tôi tấm tức khóc, nước mắt bắt đầu chảy ra khi có người lắng nghe mình:

- Cháu bị dập tay.

Câu hỏi lại:

- Mẹ cháu không có nhà à?

Tôi thút thít:

- Chẳng có ai ở nhà ngoài cháu.

- Cháu có bị chảy máu không?

- Không. Cháu bị búa đập vào tay.

- Vậy cháu mở tủ lấy nước đá đắp vào sẽ đỡ đau. Cẩn thận nghe cháu. Đừng khóc nữa. Sẽ hết đau thôi.

Thế là sau đó, mỗi lần có gì cần hỏi là tôi lại gọi tổng đài. Cô tiên đã giúp tôi từ làm toán đến vị trí địa dư của dòng sông Orinoco mà tôi nuôi mộng sẽ đi thám hiểm khi lớn lên. Cô cũng chỉ tôi cho con sóc - mà tôi mới bắt ở công viên - ăn các hạt đẻ và trái cây.

Và khi Petey, chú chim hoàng anh của tôi chết tôi gọi kể cho cô nghe. Cô lắng nghe tôi rồi nói những lời an ủi mà người lớn vẫn nói với trẻ con. Nhưng tôi vẫn không hết buồn. Tôi không thể hiểu nổi: tại sao chim muông chỉ đem lại nguồn vui cho mọi người bằng tiếng hót lại có thể vào một sáng nào đó nằm chết lăn lóc nơi xó lồng. Cô hẳn nhận ra nỗi khắc khoải của tôi nên cô nhẹ nhàng bảo:



- Paul này, cháu phải luôn luôn nhớ là còn có những thế giới khác cho chim cất tiếng hót.

Thế là tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn. .

Hôm khác tôi lại gọi và được giọng nói dịu dàng quen thuộc ấy trả lời: tổng đài đây.

- Cô ơi, xin cô đánh vần giùm cháu chữ sửa,

- S-ử-a.

Đúng lúc đó chị tôi hù dọa tôi: Giật mình tôi ngã ra khỏi ghế đẩu, kéo điện thoại sút khỏi dây.

Hai chị em sợ quá không biết có bị hỏng gì không. Riêng tôi còn sợ không biết có làm cô tiên trong máy bị thương không.

Ít phút sau có một chú đến gõ cửa nhà, chú bảo;

- Chú đang sửa máy điện thoại cách đây vài căn thì cô tổng đài báo hình như số máy cháu bị trục trặc. Có chuyện gì vậy.

Tôi kể chứ nghe sự cố. Chú cầm lấy máy tôi còn cầm nơi tay:

- Không sao, chỉ một hai phút là xong ngay.

Chú mở máy ra, Trong máy là một đống dây nhợ. Chú lấy đồ văn đinh vít văn vặn nối nối một lúc rồi đóng máy lại gọi:

- Alô, Pete đây. Số máy 105 ổn rồi. Chị thằng bé hù làm nó sợ té, kéo theo máy sút khỏi dây. Thằng bé không sao cả.

Chú mắc máy, mỉm cười rồi xoa đầu tôi rồi ra về.

Tất cả những chuyện ấy xảy ra trong một thành phố nhỏ ở bờ Tây Bắc Thái Bình Dương nước Mỹ. Đến năm tôi lên chín, gia đình tôi dọn đến Boston - và tôi nhớ vô cùng cô tiên tổng đài của tôi. Cô ấy ở trong điện thoại ở nhà cũ và tôi không hề nghĩ đến thử tìm cô nào trong điện thoại đen thui gầy nhom ở căn nhà mới.

Vậy mà khi lớn lên đến tuổi đến tuổi thanh niên, mỗi khi có điều gì phân vân khó xử tôi lại nhớ lại cảm giác an toàn, bình yên có được khi gọi cô tiên tổng đài, biết chắc mọi vền đề của mình đều được cô giải đáp ổn thỏa. Và lúc ấy tôi hiểu ra cô đã kiên nhẫn dành thì giờ quý báu của cô để thông cảm và giúp đỡ một đứa bé như tôi.

Ít năm sau trên đường ngang qua bờ tây để lên trường đại học, tôi ghé chị tôi đã quay về ở Seattle như thuở nhỏ. Chị đã có gia đình và đang hạnh phúc với chồng con. Sẵn đó tôi chợt muốn gọi lại tổng đài. Giọng nói dịu dàng thân quen lại cất lên:

- Tổng đài đây.

Tôi không dự định trước nhưng lời nói vẫn tuột ra:

- Xin cô vui lòng chỉ cháu đánh vần chữ sửa.

Im lặng một lúc lâu rồi tiếng cô lại cất lên:

- Cô hy vọng tay cháu hết đau rồi:

Tôi bật cười vui:

- Đúng là cô rồi. Hẳn cô không biết cô đáng quý đối với cháu biết chừng nào...

Cô vẫn nhẹ nhàng đáp trả:

Chính cháu mới không biết cháu đáng quý cho cô biết chừng nào. Cô không có con và vẫn luôn trông chờ những lần gọi của cháu. Cô lẩm cẩm quá phải không?

Không, tôi thầm bảo, cô không lẩm cẩm chút nào. Nhưng tôi không nói ra thành lời và hỏi cô tôi có thể gọi lại vào dịp nghỉ hè không. Cô trả lời:

- Được chứ. Cháu cứ bảo cho nói chuyện với Sally.

Thật kỳ quặc khi cô tiên lại có tên tuổi như Vậy.

Kỳ nghỉ hè ấy tôi gọi lại nhưng một giọng nói lạ đáp trả. Tôi hỏi xin gặp cô Sally thì mới hay;

- Chị Sally mấy tháng sau này bị bệnh nên chỉ làm bán thời gian thôi. Chị ấy mới mất xong...

Khoan, cậu nói cậu tên là Villiard hả?... Chờ chút, chị Sally có để lại lời nhắn cho cậu đây.

- Dạ, cô ấy viết gì vậy cô?

Tôi hỏi nhưng lòng đã đoán trước được cô tiên viết gì rồi.

- Đây, để tôi đọc "Paul này, cô vẫn nói là còn có nhiều thế giới khác để chim cất tiếng hót. Cô hiểu là cháu hiểu lời cô nói."

Cảm ơn cô tổng đài rồi gác máy. Vâng tôi hiểu rõ cô tiên muốn nói gì.

Paul Villiard.
 
Tham gia
22/5/22
Bài viết
67
Điểm cảm xúc
91
Điểm
18
12. HÀNG XÓM
Bà con xa không bằng láng giềng gần.
Có hai gia đình cùng di dân sang sống gần San Francisco. Họ cùng là hàng xóm. Cả hai đều trồng hoa hồng và cứ ba ngày lại chở hoa hồng ra bán ở San Francisco. Dần dần hồng của cả hai nhà đã có chút tiếng tăm. Một gia đình gốc Thụy Sĩ, một gốc Nhật Bản.

Đến đệ nhị thế chiến thì gia đình người Nhật bị đưa vào trại tập trung. Ngày họ đi, gia đình Thụy Sĩ tiễn nhà hàng xóm và hứa sẽ để mắt chăm sóc vườn hồng trồng trong nhà kiếng.

Chiến tranh chấm dứt gia đình người Nhật được thả về. Về tới nơi, họ thật ngạc nhiên thấy gia đình Thụy Sĩ hàng xóm đã ra đón và đưa về nhà cũ, vườn hồng vẫn đẹp như thuở nào, sổ tiết kiệm đã thêm tiền gửi, và trong nhà trên bàn ăn có một đóa hồng tươi đẹp đang đón chào.

Carol Broadbent
 
Tham gia
22/5/22
Bài viết
67
Điểm cảm xúc
91
Điểm
18
13. ẤM LÒNG
Sự tử tế là vũ khí cao thượng để chinh phục.
Em bé trai bảo: “Có lúc cháu làm rơi muỗng”.

Ông cụ bé nhỏ đáp: “Ông cũng vậy”.

Em bé trai thì thầm: “Cháu tiểu dầm”.

Ông cụ bé nhỏ bật cười: “Ông cũng vậy”.

Em bé trai tâm sự: “Cháu thường khóc”.

Ông cụ bé nhỏ gật gù: “Ông cũng vậy”.

Em bé trai nói thêm: “Tệ nhất là dường như người lớn chẳng mấy quan tâm đến cháu”.

Và em cảm thấy hơi ấm từ bàn tay già nua nhăn nheo ôm lấy tay em: “Ông hiểu điều cháu nói".

Ruth Wiele

--------------

Denver, một sáng mùa đông giá buốt, tôi bước vào siêu thị để mua một linh kiện điện tử tôi đang cần.

Trong siêu thị nhỏ nơi góc phòng chỉ có mỗi hai người. Cô bán hàng đeo bảng tên là Roberta và một ông khách.

Cô bán hàng hẳn đang nghĩ đến con ở nhà, Còn ông cụ tuy đáng người còn cao lớn với bờ vai rộng nhưng lưng và vai đều đã còng. Dáng ông run rẩy đến nổi tôi tự hỏi trời giá rét thế này mà ông cụ còn ra đây làm gì cho mệt.

Roberta mỉm cười với ông cụ rồi cô bỏ các món hàng vào túi và tính tiền. Thì ra ông cụ chỉ mua có ít chuối và bánh ngọt. Rõ khổ, có vậy mà cũng mất công đi thay vì ở nhà trong lúc rét căm căm thế này. Bàn tay già nua chậm chạp thọc vào túi móc tiền ra. Tôi sốt ruột nói thầm: “Nhanh lên cụ ơi. Cụ chẳng có việc gì làm chứ cháu còn cả tỷ việc để làm đây”.

Cuối cùng bàn tay run rẩy cũng móc ra được vài đồng xu và tờ 1 đô nhăn nheo. Lạ chưa, Roberta đón nhận như thể đó là món tiền to quý giá lắm.

Khi mấy món đồ khiêm nhường ấy được bỏ vào bao thì Roberta lại làm thêm điều kỳ quặc khác. Không một lời nào được thốt ra nhưng ông cụ chìa bàn tay xương xẩu ra và cô lặng lẽ đeo dây thun cột gói đồ vào cổ tay ông, những ngón tay phong thấp cong queo, da đồi mồi.

Roberta càng mỉm cười tươi hơn đưa tay nắm lấy cả đôi bàn tay, hơ ấm mặt lưng bàn tay rồi lòng bàn tay.

Sau đó cô đưa tay cài lại hột nút mà đôi tay già chưa cài lại hết được. Rồi cô sửa khăn choàng đã bị lệch cho ông lão. Ông cụ vẫn lặng lẽ như muốn thấm sâu hơi ấm của khoảng khắc này vào trí nhớ mình. Thì ra ông cụ đến đây không vì mua hàng mà vì hơi ấm lòng người.

Làm xong, Roberta nhìn vào mắt cụ và đưa ngón tay lên tinh nghịch dặn:

- Cụ phải cẩn thận giữ sức khỏe để mai gặp lại cháu đó nghe.

Cô ngừng lại một lát như nhấn mạnh rồi nói tiếp, rất thành thật:

- Cháu cần gặp cụ mỗi sáng đó.

Ông cụ chậm rãi quay người bước ra ngoài gió lạnh. Denver vào đông.

Tôi khen cô Roberta:

- Tuyệt quá! Ông cụ là người nhà cô sao mà thấy cô chăm sóc quá vậy?

Cô tỏ vẻ hơi bực mình vì bị hiểu lầm. Ông cụ không họ hàng gì với cô cả. Chẳng qua với cô mọi người cần được đối xử tốt.

Scott Gross
 
Top