Lượt xem của khách bị giới hạn

[Lịch sử] Nhất đẳng ấu đế - Mạnh Nguyễn

[Lịch sử] Nhất đẳng ấu đế - Mạnh Nguyễn

Mạnh

Tác giả
Tham gia
9/7/20
Bài viết
423
Điểm cảm xúc
737
Điểm
93
Tên tác phẩm: Nhất đẳng ấu đế
Gọi dân dã hơn là Ấu đế vĩ đại nhất lịch sử

hieuunganh.com_6127a209d14da.png

Tác giả: Mạnh Nguyễn
Thể loại: lịch sử, giả tưởng
Rating: 14+
Tình trạng: Đang tiến hành
Các bạn mong chờ Mạnh viết một thứ gì đó nghiêm túc? Các bạn đến đúng nơi rồi. Đây là câu truyện có vẻ khá là nghiêm túc. Tôi mà không nghiêm túc thì sẽ bị tế lên chín tầng mây luôn. Nên các bạn hãy yên trí là bộ truyện này tôi sẽ nghiêm túc... khoảng 50%. Và, các bạn chờ đợi điều gì từ một đứa học sinh lớp 10 xuyên không về quá khứ làm Hoàng đế?
Mọi tình tiết trong truyện đều do tác giả bịa ra. Hoàn toàn không liên quan chính sử và không có tác dụng khảo cứu


Ném gạch vào đây

 
Sửa lần cuối:

Mạnh

Tác giả
Tham gia
9/7/20
Bài viết
423
Điểm cảm xúc
737
Điểm
93
Bốn rưỡi chiều, Hà Nội thổi vào người tôi một luồng không khí se lạnh của tháng mười hai.

Trước cổng trường là hàng trăm đứa học sinh tấp nập ra về. Tôi cũng dắt chiếc xe đạp ra khỏi cổng trường.

Nhưng chưa về.

Ngày nào cũng thế, tôi vẫn đứng ở cổng trường, chờ đợi một người.

Đó là một ngày bình thường của tôi.

Nhưng ai mà tin được một ngày bình thường như thế này mà lại thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi cơ chứ?

Nó bắt đầu khi tôi bắt gặp người bạn nữ lớp bên.

Tôi thầm thương trộm nhớ cô bạn ấy từ cấp hai. Khi lên cấp ba, chúng tôi học chung trường nhưng khác lớp. Một học kỳ rồi, tôi vẫn chưa dám nói chuyện với cô ấy. Dù là hỏi “Bài thi cuối kỳ của cậu tốt chứ?” hay thậm chí là “Cậu ăn cơm chưa?”, tôi cũng không dám mở lời.

Cứ cười đi. Trái Đất này mười người thì cũng có chín người yêu đơn phương không dám nói giống người thứ mười thôi.

Và vâng, mỗi khi tan học, tôi sẽ dắt xe đạp ra cổng trường và đứng đợi nữ thần của mình. Tôi sẽ ngắm cô ấy đến mê mệt và chỉ dừng lại khi thằng bạn thân của tôi hối thúc tôi về nhà.
“Chiều này vẫn giống chiều qua,
Nàng đi một mạch, bỏ ta thẫn thờ.”

Hôm nay, nó chơi thơ lục bát. Có lần nó còn làm hẳn một bài hịch đọc cho tôi nghe.

“Câm mồm.” Tôi mắng thằng bạn.

Chúng tôi cũng chơi thân từ cấp hai. Lên cấp ba thì được xếp ngồi cùng bàn, dính nhau suốt một học kỳ rồi.

Bạn tôi học ban xã hội, nó bá đạo từ Văn Sử Địa sang tới Tiếng Anh, trừ các môn học tự nhiên. Và tôi là một đứa cực kỳ dở tệ những môn học thuộc lòng và cả môn Ngữ Văn. Tôi có thể kèm nó Toán Lý Hóa Sinh, nó kèm ngược lại tôi Văn với Anh và khảo bài những môn học thuộc.

“Hôm nay tử vi của mày khá xấu.” Thằng bạn tôi kéo chiếc điện thoại. “Có thể sẽ gặp tai nạn. Nhưng sau tai nạn đó thì cuộc đời mày sẽ trở nên tươi sáng cực kỳ.”

“Có giúp tao cưa đổ crush không?”

“Cái đấy là nằm ở mày.” Nó nhún vai. “Muốn quen người ta nhưng không dám nói, khác nào muốn trúng số nhưng không chịu đi mua vé số? Tao nói này, mày không thể cứ im lìm như thế được đâu. Phải hành động chứ.”

“Nhưng…”

“Bậc vĩ nhân lịch sử không trở thành vĩ nhân nhờ đứng nhìn. Họ hành động, họ tìm đường để đi đến thành công.” Rồi nó lại nhìn tôi từ đầu đến chân. “Riêng đường đi tới trái tim crush của mày thì tao thấy nó bị bịt kín mít luôn.”

“Thằng chó này!” Tôi đấm vào tay nó và leo lên chiếc xe đạp phóng về.

Đến đoạn này thì vẫn na ná mọi ngày. Các bạn mong chờ điều gì ở một thằng học sinh lớp mười học ban tự nhiên yêu đơn phương cô bạn lớp bên?

Nhưng ngay sau đó thì thay đổi. Tôi thấy cô ấy. Nữ thần của tôi. Cô ấy cất bước. trong bộ đồng phục mùa đông màu trắng và xanh và chiếc quần đồng phục xanh đen. Mái tóc đen mượt dài ngang lưng thẳng tắp được những cơn gió nhẹ nhàng lướt qua, đôi mắt long lanh của cô nhìn sang hai bên, cẩn thận qua đường.

Khi đã qua tới bên kia đường, cô vẫy tay chào tôi.

Tôi đã nói rằng cô ấy giống như một nữ thần chưa nhỉ?

Khi cô ấy vẫy tay với tôi và mỉm cười, tôi đã nghĩ, hôm nay chết cũng đáng lắm.

Suy nghĩ thật ngu si vì khi đó tôi đã không nhìn đường. Chiếc xe đạp của tôi đang dừng trước mặt một chiếc xe tải.

Sau đó tôi chỉ nhớ, mình đã nằm trên đường. Bất động.

Tầm nhìn mờ nhạt dần. Người tôi bê bết máu. Tiếng người xe xôn xao. Trí não dần ngừng suy nghĩ.



Chết vì gái đúng là cái chết tê tái mà.



Và tôi dần dần nhắm mắt.



Khi mở mắt, tôi thấy trước mặt mình là một người đàn ông.

Ông ta mặc bộ trang phục nhìn rất cổ. Trông như phim cổ trang Trung Quốc nhưng cũng không giống lắm. Bộ râu được cắt tỉa kỹ lưỡng của ông điểm vài sợi bạc. Ông chăm chăm nhìn tôi với một ánh mắt long lanh đầy kỳ vọng.

“Chúc mừng bệ hạ.” Tiếng một người phụ nữ nói bên tai tôi. “Giờ Hợi, ngày hai mươi lăm tháng Giêng năm Chương Thành Gia Khánh thứ 6, tiểu hoàng tử ra đời, sức khỏe tốt.”

“Được… được!” Người đàn ông ấy rơi từng giọt lệ nhìn tôi. “Cuối cùng, trẫm cũng đã có được một hoàng nam! Truyền chỉ của trẫm, phong hoàng tử làm hoàng thái tử. Từ nay, đổi niên hiệu và tuyên cáo đại xá thiên hạ!”

“Bệ hạ.” Một giọng nữ khác yếu ớt cất lên. “Con của thiếp… Thái tử… người chưa đặt tên cho Thái tử.”

“À, à…” Người đàn ông đó lại nhìn tôi và trầm tư suy nghĩ.

“Càn Đức.” Ông nói và cười tươi như đứa trẻ. “Ta sẽ đặt tên con là Càn Đức. Con trai của ta, tên con sẽ là Lý Càn Đức! Tương lai, con sẽ là Hoàng đế của Đại Việt!”

Thái tử? Bệ hạ?

Tôi đang nằm mơ à?

Lý Càn Đức?

Tôi chắc chắn đó không phải tên mình.

Hoàng đế Đại Việt?

Mơ quay về thời cổ đại à?

Đại Việt? Đó là tên của Việt Nam từ thuở xa lắc xa lơ rồi mà. Và người đàn ông kia gọi tôi là Lý Càn Đức là thế nào? Ông ta là ai vậy? Người kia gọi ông ta là bệ hạ? Tức là ông ta là vua? Giấc mơ này có vẻ rõ ràng quá nhỉ?

Tôi là một học sinh trung học phổ thông bình thường như bao học sinh khác. Vẫn giỏi môn này dốt môn kia, vẫn có một tình yêu tuổi học trò không bao giờ dám nói ra. Nhưng hiện tại, tôi nhận ra rằng mình đang ở trong thân xác của một em bé sơ sinh tay chân ngắn ngủn và đang quẫy đạp. Miệng tôi cố gào lên, nhưng chỉ phát ra được những tiếng oe oe.



Sau khi định thần lại và nằm trong chiếc nôi bằng gỗ, tôi bắt đầu suy nghĩ. Đầu tiên, đây không phải mơ. Tôi có thể cảm nhận rõ ràng những chuyển động của mình. Không mông lung như một giấc mơ. Tiếp theo, những người phụ nữ trước mặt tôi đều mặc trang phục như trong phim cổ trang. Nhà cửa được trang trí rất đẹp với những nét cổ kính như phim kiếm hiệp Trung Quốc, không có dấu vết của thời hiện đại. Không điện thoại, không điều hòa, không TV… Cuối cùng là cái thân xác sơ sinh này. Không có răng, tóc lú nhú, tay chân ngắn ngủn và có phần mập mạp. Không còn dấu vết của chàng thiếu niên cao to đẹp trai, khụ khụ, được rồi, không hẳn là cao to, nhưng cũng khá ưa nhìn đấy.

Từ những dữ kiện ấy và xâu chuỗi với những bộ phim cổ trang Trung Quốc và phim hoạt hình Nhật Bản mà tôi đã từng xem cùng lũ bạn, tôi kết luận, mình đã xuyên không rồi.

Tiên sư ông trời! Bao nhiêu thằng không chọn lại chọn tôi để ném về cái thời đại này hả!? Ở cái nơi không có internet thế này thì tôi sống kiểu gì!? Rồi còn bố mẹ tôi nữa. Tôi vừa bị xe tải đâm chết đấy. Bố mẹ tôi chắc đang lo lắm. Còn bạn tôi nữa. Thằng bạn tôi rất giỏi lịch sử, sao ông không đưa nó về mà lại là tôi!? Còn mối tình đơn phương của tôi nữa. Cả năm trời rồi cô ấy mới nhìn tôi lại là lúc tôi bị xe tải đâm chết ngắc. Ông đang đùa tôi đấy à!?

Sau khi chửi trời chửi đất, tôi tiếp tục một số thông tin hiện có.

Ông vua lúc nãy có thể là cha tôi. Ông ta đặt tên cho tôi là Lý Càn Đức Họ Lý. Hoàng đế Đại Việt. Tức là triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Phong làm thái tử. Với kinh nghiệm xem phim cổ trang cùng bà ngoại và mẹ, tôi biết thái tử là con trai của vua, người sẽ trở thành Hoàng đế trong tương lai. Vậy tức là Lý Càn Đức tôi sẽ trở thành Hoàng Đế của Đại Việt? Điều đó có nghĩa là tôi sẽ là một vị vua của nhà Lý sao? Quá nhiều câu hỏi xoay xoành xoạch trong đầu tôi. Chẳng lẽ kiếp trước chết vì gái thì kiếp sau đầu thai làm vua? Nhưng đây là xuyên không về quá khứ… Mặc dù tôi thích phim khoa học viễn tưởng nhưng những thứ như kiểu nghịch lý về du hành thời gian lúc nào cũng khiến tôi đau não. Não bộ tôi hoạt động hết công suất. Đến mức tôi đã ngủ thiếp đi.

Sau nhiều ngày ở trong cái thân xác em bé sơ sinh, tôi cũng đã dần chấp nhận sự thật rằng mình đã xuyên không rồi. Nhưng chính xác thì xuyên không về năm nào thì tôi không biết. Thời nhà Lý, sách giáo khoa chỉ dạy về chuyện Lý Thái Tổ dời đô, Lý Thường Kiệt đánh Tống và Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh thôi. Mấy đoạn kể về kinh tế xã hội này kia thì tôi… toàn ngủ.

Tôi nghĩ rằng nếu có đứa được đưa về thời đại xa xưa này thì nên là thằng bạn thân tôi. Tôi chỉ học lịch sử cho có để được lên lớp thôi mà. Vào tiết cũng toàn ngủ chứ có học hành gì đâu.

“Sớm biết có ngày này thì mình đã chăm học lịch sử hơn rồi.”
 

Mạnh

Tác giả
Tham gia
9/7/20
Bài viết
423
Điểm cảm xúc
737
Điểm
93
Ba năm trôi qua như một cái chớp mắt. À, với bạn thì chỉ là lật sang trang tiếp theo, hoặc nếu bạn đọc trên mạng thì chỉ bấm nút “chương sau” thôi. Nhưng với tôi thì đó là ba năm khốn khổ nhất cuộc đời. Là ba năm đầu tiên tôi sống trong thân xác của Thái tử Đại Việt Lý Càn Đức.

Lần đầu tập đi khá khó khăn. Bởi tôi nhớ cách đứng dậy và bước đi nhưng đôi chân nhỏ bé yếu ớt của đứa trẻ một tuổi không hợp tác với tôi. May làm sao tôi vẫn xoay sở được để có thể đi đứng và đã có thể chạy khi được mười bốn tháng tuổi.

Nhưng đó chưa phải tất cả. Với tôi, mọi thứ đều lạ lẫm. Văn hóa, kiến trúc, chữ viết… Rất may là chúng tôi vẫn nói tiếng Việt. Kể ra thì, trước khi trở về đây, tôi đã nghĩ rằng người Việt chúng tôi khi ấy nói tiếng Trung. Chắc khi trở về phải đi cúng viếng các vị vua mới được.

Nhắc đến trở về, tôi không biết mình cần bao lâu mới có thể về được nữa. Tôi không nhớ vua nào là tên Lý Càn Đức cả. Hay chính xác hơn, vị vua nhà Lý duy nhất tôi biết tên thật là Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn. Sách giáo khoa không mấy đề cập đến tên của các vị vua. Khi học tôi cũng khá mừng vì không phải nhớ quá nhiều cái tên, nhưng bây giờ thì tôi ước gì ngày ấy tôi biết tên của các vị vua.

Năm nay cũng đánh dấu sự kiện lần đầu tôi được dự chầu cùng phụ hoàng tôi. Thú thật nhé, ngồi trên cao và nhìn một loạt những ông già đáng tuổi cha tuổi ông mình lễ phép chào mình, kể cũng thích.

“Bệ hạ, ở Hoa Lư năm nay vụ mùa ổn định.”

“Bệ hạ, có thương nhân Đại Lý hối lộ huyện lệnh Hà Bắc để trốn thuế. Sự việc kéo dài đã một thời gian…”

“Bệ hạ, họ Nùng đang có bụng phản…”

“Bệ hạ, thần đề xuất với tội đọc truyện không like thì phạt xẻo thịt trên tay.”

“Bệ hạ, có thuyền lớn của thương nhân phương Tây bị mắc ngang ở sông Như Nguyệt, cản trở người dân đi lại trên sông…”

“Bệ hạ…”

Được rồi, nghe họ nói một hồi thì tôi bắt đầu ngủ gật. Cuối buổi, một người nói rằng có cống vật. Đó là lần đầu tiên tôi thấy con voi màu trắng.

Hai con voi trắng được nhốt trong cũi. Hoàng đế, thái tử và quần thần cùng ra xem. Thậm chí Hoàng hậu và mẹ tôi, một Nguyên phi cũng tới xem.

Mẹ tôi, Nguyên phi Ỷ Lan, có một sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Có thể nói, sắc đẹp của bà khiến tôi, người đã có người trong mộng, cũng phải xao xuyến. Làn da bà trắng hồng hào đầy sức sống, chân mày thon thả nữ tính, ánh mắt đầy sức quyến rũ và đôi môi đỏ mọng mang một vẻ hút hồn. Bà đang mặc một bộ trang phục lộng lẫy với màu đỏ chủ đạo và đeo nhiều trâm cài tóc bằng vàng và bạc đậm nét quý tộc. Mái tóc đen óng ả của Nguyên phi được búi cao, để lộ ra chiếc cổ cao xinh đẹp. Người được đưa vào cung cách đây mấy năm sau một chuyến tuần du của phụ hoàng. Nghe nói, khi xa giá của phụ hoàng đi đến đâu, người người đổ ra xem. Nhưng có một người đứng sau gốc lan đứng hát mà không chịu tới bên xa giá hành lễ. Lúc đó phụ hoàng tôi giận, nhưng thấy nhan sắc của mẫu phi nên đã nguôi ngoai và sau một lúc lâu trò chuyện, mẹ tôi đã nhập cung trở thành Ỷ Lan phu nhân.

Tôi chỉ nghe bố tôi nhắc tới đền Thái phi Ỷ Lan ở dưới Gia Lâm chứ cũng chưa đi bao giờ. Nếu khi trở về thế kỷ XXI mà tôi đi cúng Thái phi và khấn “Mẹ ơi, con là Đức này, mẹ nhận ra con không?” thì chắc bà ấy cũng giật bắn mình cho xem.

Quay lại với hai con voi. Tôi biết rõ, hai con voi đó chỉ bị bạch tạng thôi. Nhưng mẹ tôi thì không. Bà ngồi cạnh tôi và liên tục giảng cho tôi biết rằng voi trắng là điềm báo cho một đất nước hùng mạnh và thịnh vượng, blah blah blah.

Đúng là thời cổ đại, toàn là mê tín. Và vâng, tôi là một con người của khoa học.

“Thái tử.” Vua cha gọi tôi. Bàn tay ông vẫy về phía tôi. Mẹ tôi khẽ đẩy tôi lên. Tôi lon ton bước về phía phụ hoàng bằng đôi chân bé nhỏ bên trong cổ phục có phần vướng víu. “Hãy xem hai con bạch tượng này, con nghĩ sao về chúng?”

Đương kim Hoàng đế Đại Việt có nước da hơi ngăm vì chinh chiến nhiều, ánh mắt Người hiền dịu nhưng cặp chân mày thì trông cương trực và mạnh mẽ. Ở hai bên khóe mắt có những vết chân chim lộ ra khi Người mỉm cười, hàng ria mép mỏng khẽ cong lên. Vị vua mặc một bộ cổn miện với áo bào màu đen, thêu nhiều hoa văn núi, rồng, chim, hổ… ông đeo một cái thắt lưng nạm ngọc. Ấn tượng nhất là chiếc mũ Bình Thiên. Mũ miện mười hai tua dài xuống, mỗi tua có mười hai viên ngọc. Vắt ngang chiếc mũ và rủ xuống hai bên là một dải lụa trắng.

Các bạn nhớ bức tượng vua Lý Thái Tổ ở vườn hoa Chí Linh[1] chứ? Vua cha tôi không hề mặc như thế. Người oai hơn rất nhiều.

Tôi thở dài và nhìn hai con voi. Tôi muốn nói rằng chúng bị bạch tạng do rối loạn sắc tố Menalin. Nhưng nếu nói thế có thể cha tôi sẽ cho thiêu sống tôi mất. Dù không biết nhiều về lịch sử, nhưng tôi có chơi game và xem một số phim về lịch sử, có phim nào đó từng kể về một cô gái bị thiêu sống vì bị nghi ngờ là phù thủy.

“Bẩm phụ hoàng,” Tôi cố nghĩ ra cái gì đó vừa ý lọt tai ông vua. “voi trắng là điềm lành của đất nước. Có thể đôi bạch tượng này chính là quà ông trời ban cho phụ hoàng, ông trời muốn phụ hoàng thiên thu trường tồn, mãi mãi làm một đấng minh quân cai trị Đại Việt ta sánh vai với các cường quốc.”

Vâng, nghe chẳng ăn nhập gì cả, nhưng cha tôi thích là được rồi. Tôi có thể thấy niềm vui sướng hiện lên đôi mắt ông. Một vẻ hớn hở và vui mừng như một đứa trẻ.

“Đúng là con trai của ta.” Phụ hoàng tôi vuốt râu. “Được! Truyền lệnh của trẫm, nhân dịp này, cải niên hiệu làm năm Thiên Huống Bảo Tượng[2] thứ nhất. Ý các khanh thế nào?”

“Bệ hạ vạn tuế!” Quần thần cùng quỳ xuống.

“Thái tử thật là trí hiếu.” Một người đàn ông râu tóc bạc phơ bước tới gần tôi. Với tầm mắt của một đứa bé ba tuổi, người đàn ông đó to lớn như một người khổng lồ. Mà dù đứng ngang hàng với những người lính vốn cao to, ông cũng đã cao lớn hơn họ đôi phần. Dọc theo má trái ông là một vết sẹo khổng lồ. Khóe mắt ông hiện lên những vết chân chim và khuôn mặt ông có nhiều vết đồi mồi. râu ông dài như bức tượng Quan Công mà bạc trắng. Từ ông tỏa ra một khí thế oai phong lẫm liệt, tôi đoán ngày trẻ ông từng là một võ tướng. Ông mặc chiếc áo bào bằng gấm màu tía, đeo một chiếc thắt lưng da và đội mũ cánh chuồn. Trên tay ông là một chiếc hốt bằng ngà. Ông đưa chiếc hốt ra trước và cúi người chào tôi.

“Ngài là ai?” Tôi không biết ông ta. Đây là lần đầu tôi được tới gặp những quan lại này.

“Thứ lỗi cho thần.” Ông vội nói. “Thần, Lý Đạo Thành, khấu kiến thái tử.”

À, tên ông này thì quen này. Tôi nhớ có nghe cô giáo dạy Lịch sử ngày xưa có nhắc. Cha mẹ tôi cũng thường nhắc tới cái tên này. Nếu tôi nhớ đúng, ông là Thái sư, vị quan quyền lực nhất trong triều.

Nói nhỏ nè, Thái sư duy nhất mà tôi có ấn tượng là Thái sư Trần Thủ Độ. Trớ trêu thay, ông ta lại là người sẽ lật đổ nhà Lý của tôi sau này.

“Thái sư.” Mẹ tôi đột nhiên xuất hiện. Bà khẽ nhún người chào Thái sư. Thái sư cũng cúi người chào.

Phải tôi là tôi nhướn mày một cái là xong. Người cổ đại thật là cồng kềnh.

“Nguyên phi mới sinh hạ hoàng tử, mà thần sắc vẫn thật tươi trẻ. Dung nhan của người đúng là mẫu nghi thiên hạ.”

“Ngươi nói thế là sai rồi.” Mẹ tôi lắc đầu. Nhưng nụ cười của bà cho tôi biết là bà thích cái cụm từ đó. “Mẫu nghi thiên hạ chỉ có một thôi. Và đó là chính thất của bệ hạ. Hạng thứ phi như ta làm sao dám giành chứ.”

“Nguyên phi khiêm tốn như vậy, thật là phúc của quốc gia.”

“Thái sư. Ngài nghĩ sao về thái tử?” Mẹ tôi hướng cuộc trò chuyện về tôi.

“Thái tử còn nhỏ, đã thể hiện trí tuệ và lòng nhân hiếu. Tương lai có thể là bậc minh quân sánh với bất kỳ vị đế vương nào.”

“Tương lai của Thái tử cũng là tương lai của quốc gia. Hy vọng đến khi Thái tử đăng cơ, ta vẫn được thấy Thái sư đến thiết triều.”

“Thần tuổi cao sức yếu, e không sống được đến lúc đó. Tương lai của Đại Việt ta, đành nhờ Nguyên phi và thế hệ sau rồi.” Lý Đạo Thành cúi người. “Nguyên phi thứ tội, thần còn có công vụ.”

Rồi ông quay sang tôi.

“Thái tử. Thần xin phép.”

Kể ra được một hàng những ông già nghiêm chỉnh cúi người lễ phép với mình cũng oai đấy, nhưng nghe suốt lại thấy tổn thọ. Tôi vẫn muốn có ai đó ngang tuổi để được tâm sự hơn.

Rồi tôi chợt nhớ ra, tôi vừa mới có một tiểu hoàng đệ.

Hí hửng như một đứa trẻ, tôi phóng thẳng tới Minh Nhân Vương cung, nơi này hiện đang là nơi em trai tôi ở. Thằng bé tên là Lý An Dân. Vừa sinh ra, An Dân đã được phong làm Minh Nhân Vương. Nghe cũng oai lắm. Nhưng làm sao oai bằng thái tử là tôi được.

Khi đến đó, tôi thấy người hầu đều đang quỳ xuống.

Tôi rón rén đến đứng sau bức tường và lén quan sát. Dương Hoàng hậu đang ở đó và nhìn em trai tôi.

Dương Hồng Hạc Hoàng hậu là vợ đầu của phụ hoàng tôi, nhưng không sinh được mống con nào nên có vẻ đang thất sủng.

Đấy, các cô ngồi đấy đọc truyện có muốn làm hoàng hậu nữa không?

Mà khoan, nếu bà ta đang bị thất sủng, có khi nào bà ta đang định làm hại em trai tôi không? Mỗi khi ăn cơm trưa ở nhà, bà ngoại tôi thường mở phim xem. Tôi nhớ có một phim cổ trang nào đó có người đã giết chết một đứa bé sơ sinh chỉ vì ghen tức. Khốn nạn thêm nữa là tự nhiên cảnh phim đó hiện về trong đầu tôi ngay cái lúc oái ăm này.

“Này!” Tôi hét lớn. Bà Hoàng hậu rõ ràng là giật bắn mình. Bà ta có mái tóc đen điểm bạc, gương mặc có nếp nhăn nhưng đã cố che đi bằng lớp trang điểm. Dáng người bà có phần đầy đặn hơn mẹ tôi, bộ trang phục và trang sức trên người bà cũng thể hiện sự cách biệt vị thế giữa hai người, một người là hậu duệ của Dương Hoàng hậu thời Đinh – Lê và là con gái của Phong Vinh Công Dương Đức Uy, tri phủ Nghệ An. Còn mẹ tôi chỉ là một người con gái hái dâu ở nông thôn.

“Thái tử!?” Bà ta trông rõ ràng là đang bối rối. Tôi nhớ vừa nãy bà ta đã than với phụ hoàng là mình mệt nên muốn về nghỉ trước, thế mà lại tới đây, rõ ràng là mưu đồ bất chính mà.

“Bà định làm gì em tôi!?” Tôi quát. Dù âm thanh thốt ra từ miệng của một đứa trẻ ba tuổi nghe trong veo và chẳng có gì giống dọa dẫm, nhưng bà Hoàng hậu kia có vẻ đang run sợ. Tất nhiên rồi, người ta tương lai sẽ là Hoàng đế đó. Tất nhiên bà ta phải sợ rồi. Ánh mắt bà ta trông rõ là lo lắng. Còn em tôi thì khóc oe oe.

“Thái tử…” Dương Hoàng hậu bình tĩnh lại. “ta tưởng người đang cùng Hoàng thượng và Nguyên phi ngắm bạch tượng?”

“Ta đang hỏi bà đấy, bà định làm gì em trai ta?”

“Làm gì à?” Bà ta quay lại và bế đứa trẻ sơ sinh. “Làm thế này này!”

Bà Hoàng hậu vùng tới bế đứa bé lên, mặc cho thằng bé khóc.

“Bà định làm gì!?” Tôi chạy vùng tới.

Ngay lúc đó Dương Hoàng hậu ôm An Dân vào lòng.

“Ngoan nào…” Bà ta dỗ dành đứa bé.

“Thái tử cũng biết,” Bà vừa nói vừa dỗ em tôi, thằng bé dần nín khóc. “ta đã từng này tuổi mà không có nổi một mụn con. Thế mà Nguyên phi nhập cung mới mấy năm đã sinh ra tới hai hoàng nam. Ta cũng ghen tị lắm chứ.”

“Hoàng hậu…”

“Ta là Hoàng hậu.” Bà lắc An Dân một cách nhẹ nhàng. “Nhưng trước khi làm Hoàng hậu, ta cũng là nữ nhân. Ông trời không cho phép ta sinh con, vậy thái tử cũng không cho phép ta bế một đứa hay sao?”

“Ta, xin lỗi.” Tôi cúi người xấu hổ vì đã nghi ngờ bà.

“Hoàng hậu.” Mẹ tôi xuất hiện bên ngưỡng cửa, bà kính cẩn cúi mình trước Hoàng hậu, người có địa vị cao hơn mình.

“Nguyên phi,” Hoàng hậu cũng nhẹ nhàng đáp lễ. Sau đó bà trả An Dân cho người hầu. “mới nhập cung mấy năm đã sinh được thái tử và hoàng tử. Thật đáng mừng.”

“Hoàng hậu quá khen. Sinh thái tử cho bệ hạ là việc của thần thiếp. Sao có thể nhận lời khen ấy được.”

Với kinh nghiệm xem bạn cùng lớp đá xoáy lẫn nhau, tôi nhận ra ngay mẹ tôi đang cố tình cà khịa Hoàng hậu không sinh được con.

“Nếu có gì khó khăn, em cứ nói với ta.” Hoàng hậu mỉm cười. “Ta dù gì cũng là Hoàng hậu, ta luôn xem các con của bệ hạ như là con mình.”

“Đa tạ Hoàng hậu quan tâm.”

Hoàng hậu ra về, mẹ tôi mới thở dài ôm lấy An Dân và ngồi xuống.

“Mẫu phi, may mà Hoàng hậu không có ý xấu, con cứ nghĩ bà ấy sẽ làm gì An Dân nữa chứ.” Tôi hớn hở nói với mẹ.

“Thái tử,” Mẹ tôi nhìn tôi với ánh mắt nghiêm trọng. “con còn nhỏ, chưa hiểu hết bản tính con người. Ai mà biết được nếu không có con, thì hoàng tử nhỏ này đã gặp phải chuyện gì.”

“Dạ…”

“Hoàng hậu nói rằng sẽ xem con như con ruột, ai mà biết được âm mưu của bà ta có phải là muốn sau này, khi con lên ngôi sẽ tôn bà ta làm Hoàng Thái hậu hay không. Rồi sau đó, bà ta sẽ ra lệnh giết ta, chôn sống ta chăng? Con phải cẩn thận với người phụ nữ đó. Không, cả đời này, hãy luôn cẩn thận với phụ nữ. Họ thường nguy hiểm hơn đàn ông.”


[1] Vườn hoa Chí Linh ở Hà Nội, có bức tượng vua Lý Thái Tổ rất to.
[2] Thiên Huống Bảo Tượng (天貺寶象): Trời cho voi quý
 

Mạnh

Tác giả
Tham gia
9/7/20
Bài viết
423
Điểm cảm xúc
737
Điểm
93
Một năm sau, đứa bé sơ sinh kia đã bắt đầu tập đi.

“Cẩn thận thôi, An Dân.” Tôi nói khi thấy đứa bé lạch bạch từng bước.

“Anh!” An Dân gọi lớn chạy về tôi.

Rồi thằng bé ngã oạch.

Và bắt đầu khóc. Tôi dỗ thế nào cũng không chịu nín.

Trông trẻ con đúng là mệt. Có cách nào giúp thằng bé tập đi dễ hơn không nhỉ?

Ý nghĩ vừa nảy ra, tôi liền bắt tay vào làm ngay.

Hai hôm sau, tôi mang một chiếc xe tập đi cho trẻ đến Minh Nhân cung. Chiếc xe có bốn bánh và một tay cầm vừa với tấm với của An Dân.

“Thái tử,” Một người hầu nhìn chiếc xe tập đi cho bé mà tôi đã nhờ người làm hộ với ánh mắt kỳ lạ.

“Đây, ta gọi nó là xe tập đi.” Tôi tự hào khoe.

Nhưng cũng ngay lúc đó tôi thấy hơi hối hận. Nếu vì chiếc xe này mà lịch sử thay đổi thì sao nhỉ? Tôi có làm gì khiến cho dòng chảy lịch sử thay đổi không? Tôi chỉ thầm mong là mình đã xem phim quá nhiều chứ chuyện mình làm chẳng ảnh hưởng gì đến lịch sử cả. Chỉ là một chiếc xe thôi mà. Nhưng rồi hiệu ứng cánh bướm lại hiện lên trong đầu tôi.

Trong khi còn đang suy nghĩ mông lung thì tiếng reo của người hầu đã khiến tôi hướng sự tập trung về phía An Dân, thằng bé đang đẩy chiếc xe và tập tễnh bước. Bước chân dần vững vàng hơn. Trong một khoảnh khắc, tôi nghĩ là mình muốn vứt quách cái lịch sử qua một bên và sử dụng kiến thức của thế kỷ XXI để thống trị thế giới cổ đại này.

“Không ngờ là Thái tử có thể nghĩ ra một thứ như thế này.”

Dương Hoàng hậu bước tới.

“Hoàng hậu!” Tất cả người hầu quỳ xuống. An Dân còn đang mải mê với chiếc xe tập đi và va vào chân Hoàng hậu.

“Minh Nhân vương!” Một người khẽ đứng dậy, nhưng nhìn thấy ánh mắt của Hoàng hậu, cô lại quỳ xuống.

“Minh Nhân vương,” Dương Hoàng hậu bế An Dân lên. “mới ngày nào ta còn ôm trọn con trong lòng, nay con đã tập đi rồi sao?”

“Hoàng… hậu…” An Dân mút ngón tay.

“Hoàng hậu,” Tôi đành cứu thằng bé. “ngọn gió nào đưa Người đến đây thế?”

“Ồ, ta chỉ đang rảnh rỗi thôi.” Hoàng hậu đặt đứa bé xuống và dịu dàng nhìn tôi. “Ta là mẫu nghi thiên hạ, thì trước mắt ta cũng phải trông nom được hai đứa con nhỏ này đã chứ. Không lo được việc trong nhà, sao có thể đảm đương việc quốc gia. Ta nói có đúng không?”

“Hoàng hậu dạy phải.” Tôi cúi người. “Con xin ghi nhớ.”

“Thái tử!” Một quan thái giám chạy vội vào. “Có tin của bệ hạ gửi về ạ.”

Khoe với các bạn nhé, cha tôi đang thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Sách giáo khoa Lịch sử chỉ toàn chiến tranh với Trung Quốc mà quên hẳn ở phía nam nước ta ngày ấy còn có một quốc gia cực kỳ hùng mạnh: Chăm-pa, còn gọi là Chiêm Thành. Có lẽ vì cộng đồng người Chăm ở Việt Nam hiện nay (thế kỷ XXI ấy) nên những cuộc chiến tranh như thế này không được đưa vào sách giáo khoa.

Tôi, Thái tử Lý Càn Đức, năm nay bốn tuổi đã bắt đầu học chữ Hán. Dù nói chuyện bằng tiếng Việt nhưng trong văn bản thì sử dụng chữ Hán. Tôi cũng đã xem phả hệ hoàng gia, theo đó thì tôi là đích trưởng tử của Nguyên Phi Ỷ Lan Lê Thị Yến và đương kim Hoàng đế, Lý Nhật Tôn, cháu nội của Thái Tông Hoàng đế Lý Phật Mã và là chắt của Thái Tổ Hoàng đế Lý Công Uẩn.

Tuy tôi dốt Lịch sử thật. Nhưng bạn cùng bàn của tôi là học sinh chuyên sử. Nó đã chỉ tôi mẹo để nhớ thứ tự các vị vua thời Lý – Trần. Theo thứ tự là Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông[1]. Nếu có kiểm tra cũng chỉ hỏi khoảng bốn đến năm vị vua đầu thôi.

Vậy nếu bạn tôi dạy đúng, thì cha tôi hiện tại là vua Lý Thánh Tông. Và tôi sẽ là Lý Nhân Tông.

Tôi chạy vội đến điện Thiên Khánh, nơi phụ hoàng tôi ngự chầu và xử kiện. Ở đó các quan lại đang đứng nghe người sứ giả báo cáo. Còn mẹ tôi ngồi trên một chiếc ngai vàng nhỏ hơn chiếc ngai của cha tôi. Trong khi cha tôi ra trận đánh giặc thì mẹ tôi chính là người thay ông quản lý đất nước. Hỗ trợ bà còn có Thái sư Lý Đạo Thành và các quan lại. Trước đây, khi ông nội tôi thân chinh đánh giặc thì cha tôi ở lại lo việc nội sự. Nhưng một đứa trẻ bốn tuổi như tôi ngồi trên đó cũng chỉ để làm cảnh thôi và hóa ra mẹ tôi lại giỏi trong việc này nên không ai phản đối. Dương Hoàng hậu cũng ủng hộ bà.

Tôi đang đứng phía sau chiếc rèm ở bên cạnh ngai vàng. Ở đây tôi có thể thấy rõ gương mặt mẹ mình và các quan lại ở hàng đầu.

“Bệ hạ đang định lui quân sao?”

Mẫu thân tôi nhìn người sứ giả truyền tin bằng ánh mắt long sòng sọc.

“Bẩm Nguyên phi, Chế Củ thủ mà không đánh. Quân ta đi đường xa mệt mỏi, nên khó lòng đánh được với kẻ địch trên chính lãnh thổ chúng. Bệ hạ và tướng sĩ đều bắt đầu nản và đang chuẩn bị lui quân rồi ạ.”

“Thái bảo thì sao?” Thái sư hỏi người sứ giả. “Sao ngài ấy không khuyên bệ hạ?”

“Hiệu úy thái bảo tiên phong đi đầu. Nhưng đánh mà không có kết quả, chính vì thế nên bệ hạ mới bắt đầu nản ạ.”

“Ôi trời ơi…” Mẹ tôi ngả lưng ra sau chiếc ghế, rồi như chợt nhớ ra mình đang ngồi trước bá quan nên bà ấy lập tức ngồi thẳng dậy. “Ngươi lui được rồi.”

“Các vị, hãy yên tâm.” Mẹ tôi nói với các quan lại khi sứ giả truyền tin đi ra ngoài. “Bệ hạ từ năm mười bốn tuổi đã đánh trận, Thái bảo là tướng tài trăm trận trăm thắng. Chế Củ chỉ đang cố chút hơi tàn thôi. Thế, hôm nay tới đây thôi. Bãi triều.”

“Nguyên phi thiên tuế!”

Vạn là mười nghìn, thiên là một nghìn. Từ “vạn tuế” là dành riêng cho Hoàng đế, ngụ ý cầu cho Hoàng đế sống lâu vạn tuổi. Với các quân vương và vợ con của Hoàng đế như tôi, An Dân và mẹ thì dùng từ “thiên tuế”, cầu cho chúng tôi sống được nghìn tuổi.

Mẹ tôi bước vào trong rèm. Tôi vội núp vào sau góc tường. Khi vào tới phòng, tôi thấy mẹ tôi ngồi phịch lên giường và xoa đầu.

“Mẹ.” Tôi bước vào. Nhìn người mẹ mệt mỏi ngồi trên giường, tôi ước gì mình đem theo một hộp salonpas hay mấy viên panadol extra.

“Thái tử.” Mẹ tôi lại ngồi thẳng dậy. “Con làm gì ở đây?”

“Phụ hoàng đánh trận không thắng được ạ?”

“Thái tử à,” Mẹ tôi vỗ lên chiếc giường. “lại đây với ta nào.”

Tôi ngồi lên bên cạnh mẹ mình.

“Những cuộc chiến này rốt cuộc có ý nghĩa gì ạ?” Tôi hỏi với một giọng điệu ngây thơ. “Không có chiến tranh không phải sẽ tốt hơn sao ạ?”

Đây là một mong muốn từ sâu thẳm trong tôi. Nếu không có chiến tranh, sách lịch sử sẽ ngắn đi rất nhiều. Và bọn học sinh chúng tôi cũng không phải học ngày học đêm vì mấy con chữ chán ngắt nữa. Sâu xa hơn, ông nội tôi mất trong chiến tranh chống Mỹ từ trước khi tôi ra đời nên tôi cũng không muốn chiến tranh rồi chết chóc. Chết chóc rồi lại đau thương.

“Thái tử,” Mẹ tôi vuốt tóc tôi rồi lại bắt đầu một thiên anh hùng ca của ông cố, ông nội và cha tôi về đánh giặc ở các vùng sâu vùng xa.

“Nhà Tống và Chiêm Thành nhiều lần quấy nhiễu biên giới của ta.” Mẹ tôi kết thúc câu chuyện dài lê thê. “Chúng ta luôn phải đề phòng nhà Tống ở phía bắc và Chiêm Thành phía nam, ở các vùng biên giới cũng luôn có những kẻ không thần phục triều đình và có ý định làm phản. Hơn nữa, Chế Củ đang giảm cống nạp. Đây chính là để khẳng định uy quyền của ta, để cả Đại Tống và cả Đại Lý không có ý định phạm vào ta. Cũng chính là để các tộc người phương bắc thần phục triều đình.”

“Nhưng chúng ta cũng có cống nạp cho nhà Tống nhiều đâu ạ.” Tôi buột miệng.

“Đúng. Đại Việt ta chỉ nhận tước phong của vua Tống cho có. Còn vua Tống có thể làm gì ta? Họ đều đang bận rộn với người Liêu và Tây Hạ rồi. Thậm chí ngày xưa, vua Tiên Hoàng nhà Đinh còn chẳng xem Thái Tổ nhà Tống ra gì, thư từ qua lại giữa Đại Cồ Việt và Đại Tống khi đó đều do thái tử Đinh Liễn xử lý. Còn với Chiêm Thành, chúng ta tấn công, chính là để bảo vệ biên giới của chúng ta. Chúng ta tấn công chúng, chính là “tiên phát chế nhân”, đánh trước khiến chúng không thể trở tay và phạm vào chúng ta. Để chúng biết rằng, lãnh thổ Đại Việt ta là bất khả xâm phạm.”

“Nhưng con thực sự không thích chiến tranh. Tại sao không phải là mối quan hệ ngoại giao bình thường như mình với Mỹ? Mặc dù từng chiến tranh gay gắt với nhau, rồi bị cấm vận nhưng bây giờ hai nước đã có mối quan hệ bền chặt rồi đấy thôi. ASEAN được thành lập để giải quyết vấn đề Việt Nam và Campuchia, nhưng cuối cùng ta vẫn là một phần của ASEAN đấy thôi. Sao chúng ta không lấy hợp tác song phương làm đích đến?”

“Con đang nói linh tinh gì vậy Thái tử? Mỹ là ai?”

“À thì, ý con là, con thích một mối quan hệ hòa bình hơn là cứ hở ra là phải đánh nhau.” Tôi dặn mình là phải suy nghĩ kỹ rồi mới được mở mồm ra nói.

“Thái tử, một vị vua, không được phép để cảm xúc cá nhân xen vào công việc. Con có thể muốn yên bình, nhưng người khác thì không. Con có thể tin tưởng kẻ khác, nhưng kẻ khác cũng có thể lợi dụng điều đó. Khi con là một vị vua, con sẽ luôn cần phải xem xét tất cả những kẻ xung quanh con. Cả người mà con tin tưởng nhất, cũng có thể thể phản bội lại con vào một ngày nào đó.”

“Con… hiểu…”

Thực sự là tôi có hiểu. Nhưng tôi cũng không biết phải làm thế nào. Suy nghĩ chuyện chính trị đúng là đau đầu mà. Tự nhiên tôi hiểu được lý do các chính trị gia thường bạc tóc sớm hoặc bị hói.

“Được rồi.” Mẹ tôi xoa đầu tôi. “Ta sẽ đi cầu Phật cho phụ hoàng con thắng trận trở về.”

Ở điểm này, bà giống bà ngoại tôi ở thế kỷ XXI. Trước khi tôi đi thi, bà tôi thường bắt tôi ăn đậu đỏ, kiêng trứng, rồi bắt thắp hương lạy cụ lạy Phật. Cha mẹ tôi ở đây đều rất sùng đạo Phật. Phụ hoàng tôi từng viết một chữ Phật dài đến cả mét. Người dân còn gọi mẹ tôi là Quan Âm nữa kìa.

“Con cũng muốn đi.”

“Thái tử. Con là Hoàng đế tương lai. Việc của con bây giờ là học cách cai trị. Cầu nguyện cho phụ hoàng con, để ta làm là đủ rồi.”

Giờ ngồi xuống và suy nghĩ, nếu tôi thực sự trở thành một vị vua, trở thành Lý Nhân Tông, tức là tôi sẽ phải vừa lo toan nội chính như mẹ, vừa phải lo đánh giặc như cha. Thực sự là nghĩ đến thôi mà thấy thật là nản chí. Sao một thằng học sinh mười năm chỉ biết ăn học chơi như tôi lại phải đi làm vua cơ chứ?



Mấy ngày sau, có sứ giả về báo tin phụ hoàng thắng trận trở về thật.

“Sau khi nghe tin Nguyên phi ở trong nước lo việc nội trị, giúp dân no ấm, bệ hạ đã vô cùng vui mừng và quyết tâm đánh cho bằng được Chiêm Thành.” Người sứ giả thông báo. “Cuối cùng, đã bắt được Chế Củ và đang giải về kinh thành ạ.”

Quan lại nghe xong thì vui mừng bàn tán.

Tôi chỉ cần nghe đến đó, lập tức chạy ra Đại Hưng môn, cổng nam kinh thành Thăng Long. Tất nhiên là nhờ người cưỡi ngựa đưa đi rồi. Một đứa nhóc bốn tuổi chạy được quãng đường dài đó sao?

Xa xa, một đoàn người ngựa đang nối đuôi nhau lũ lượt kéo về. Cát bụi bay mịt mù phía sau họ. Những ngọn gió thổi những lá cờ bay phất phới. Các lá cờ màu vàng với viền màu đỏ với những Hán tự màu đen. Một lá viết hai chữ Đại Việt.


Và một lá chữ Lý. Họ của tôi.


Tôi chạy ra khỏi cổng thành và đến trước hai người cưỡi ngựa đi đầu. Ngay lập tức, tôi quỳ xuống lạy họ.

“Phụ hoàng.” Tôi nhìn họ. “Mừng Người thắng trận trở về.”

“Thái tử.” Cha tôi và người đi bên cạnh ngay lập tức xuống ngựa.

“Sao con đã ra tới đây rồi?” Phụ hoàng tôi bế tôi lên.

“Con… nhớ cha.”

Đó là sự thật. Dù gì thì bây giờ, ông ấy là cha tôi. Và với một lý do sâu xa hơn, nếu ông mất, tôi sẽ phải ngồi lên cái ngai vàng chán ngắt kia.

“Thái tử…” Phụ hoàng tôi nhìn tôi.

“Cha, cho phép con…” Tôi cúi người với lấy thanh kiếm bên hông ông và rút nó ra. Tiếng kim loại sắc lạnh kêu lên nghe thật ai oán. Và thanh kiếm đó quá nặng so với một đứa trẻ bốn tuổi. Nhưng tôi gồng hết sức đưa cao nó lên.

Người đang đi cạnh cha tôi đưa cao cây đại đao và hô lớn. Quân sĩ phía sau reo hò thắng trận.

“Phụ hoàng.” Tôi nhìn cha. “Mẫu phi đang chờ đấy ạ.”

“Thái bảo,” Cha tôi nhìn người đàn ông kia. Ông ta có vẻ tuổi cao hơn cha tôi một chút. Ông ta không to lớn như Thái sư nhưng trông rất rắn rỏi. Đôi mắt của ông long lanh như hai viên ngọc. Mặc dù cao tuổi, nhưng tôi có thể nhận ra khi còn trẻ, ông đã đẹp trai đến mức nào. Nếu sinh ra ở thời hiện đại, ông ấy sẽ chẳng kém gì Sơn Tùng hay tác giả. “ta giao việc khao quân cho đệ. Tối nay gọi các tướng lĩnh đến điện Thiên Khánh dự yến.”

“Thần lĩnh mệnh!” Thái bảo cúi người và truyền lệnh tướng sĩ.

Ông ta ngày trẻ có thể đẹp trai như Sơn Tùng, nhưng giọng thì giống ông thầy thể dục trường tôi. Giọng oang oang và đầy uy lực. Hoàn toàn không có năng khiếu ca sĩ.

“Phụ hoàng, Thái bảo đó là ai vậy ạ?” Tôi hỏi khi cùng cha quay về hoàng cung trên lưng con ngựa chiến. Xung quanh có một đội cấm vệ quân bảo vệ. Người dân hai bên đường quỳ xuống hô vạn tuế, vạn an, vạn phúc…

“Đệ ấy là Ngô Tuấn.” Cha tôi nói. “Nhưng đã được ban quốc tính…”

Quốc tính tức là họ của vua. Được ban cho họ vua đồng nghĩa với việc sẽ có khả năng trở thành vương gia. Còn người này, tôi chẳng có tí ấn tượng nào với cái tên Lý Tuấn. Cả sách Lịch sử hay những cuộc bàn luận của cha mẹ nên chắc ông ta cũng chẳng quan trọng.

“… nên tên đệ ấy là Lý Thường Kiệt.”



[1] Vua đầu tiên của nhà Trần là Trần Cảnh có miếu hiệu là Thái Tông. Nhưng cha ông là Trần Lý được truy tôn làm Trần Thái Tổ.
 

Mạnh

Tác giả
Tham gia
9/7/20
Bài viết
423
Điểm cảm xúc
737
Điểm
93

Những vũ nữ ca múa trong lớp áo lụa lả lướt. Quan văn tướng võ cùng nhau ăn uống cười nói. Nếu tôi không nhầm, ngoài kia, binh lính cũng đang nhậu nhẹt tưng bừng.

“Trẫm lần này đánh Chiêm, không thể không thành nếu các vị không tận lực giúp trẫm.” Hoàng đế Lý Thánh Tông phát biểu sau màn ca vũ. “Trong đó, không thể không kể đến công lao của Nguyên phi và Thái sư đã cùng các quan văn thay trẫm nội trị, hay những tướng võ cùng trẫm ngoại chiến, đi đầu chém giặc. Hôm nay, trẫm đặc biệt ban thưởng cho vị tướng đã tận lực cống hiến. Cho mời Hiệu úy thái bảo Lý Thường Kiệt!”

Lý Thường Kiệt bước ra giữa điện và vái Hoàng đế Hoàng hậu, sau đó quay sang Nguyên phi và Thái tử.

“Hiệu úy thái bảo phụng lãnh Tiết Việt Đại Tướng, sung chức Tiền phong, bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ.” Quan thái giám đọc tờ chiếu. “Luận công ban thưởng, thăng chức Phụ quốc thái uý kiêm lãnh chức Chư trấn tiết độ Đồng trung thư môn hạ, Thượng trụ quốc…” Tên thái giám ngập ngừng nhìn phụ hoàng nhưng cũng nhanh chóng đọc tiếp sau cái nhướn mày của ông. “Thiên tử nghĩa đệ.”

Quan lại xôn xao. Đến cả Dương Hoàng hậu và mẹ tôi cũng ngạc nhiên ra mặt.

“Phong làm Quốc phụ quốc Đại tướng quân, tước Khai Quốc Công, đứng đầu công hầu. Khâm thử.”[1]

Mọi người im lặng một lúc.

“Chúc mừng Thái úy thăng quan!” Thái sư Lý Đạo Thành đưa cao cốc rượu.

“Chúc mừng Thái úy thăng quan!” Các quan tướng khác cũng chúc mừng Lý Thường Kiệt.

“Tiếp tục đi.” Cha tôi nói lớn. “Cho mời, vua Chiêm Thành!”

Tôi và An Dân đã về sớm nên đã không kịp nhìn mặt tên vua Chiêm Thành kia. Nhưng nghe nói y đã xin dâng đất để cầu hòa.



“Cho mời, Tân Quốc sư!”

Một vị hòa thượng trông khoảng ngoài bốn mươi bước vào. Ông mặc áo cà sa màu đỏ bước từng bước nhẹ nhàng tiến vào sảnh điện Thiên An.

“Bệ hạ vạn tuế!” Ông vái phụ hoàng tôi.

“Hoàng hậu thiên tuế!” Ông vái Dương Hoàng hậu.

“Thái tử thiên tuế.” Ông ta vái tôi. Ánh mắt chúng tôi chạm nhau. Đôi mắt ông đầy mạnh mẽ, nụ cười của ông dịu dàng như một ông lão hiền từ.

Cha tôi bước tới đối diện ông và chắp tay lễ Phật.

“Quốc sư. Lỗi của trẫm không nhận ra hiền nhân.”

“A di đà Phật.” Vị Quốc sư cúi gập người. “Bệ hạ quá lời rồi. Lão nạp học chỉ tình cờ học được đôi ba chữ nghĩa, không dám nhận chức vị Quốc sư này.”

Cha tôi đưa tay về phía Thái sư Lý Đạo Thành. “mời Quốc sư về chỗ.”

Vị hòa thượng thở dài, biết mình không cãi lại được nên đành bước tới bên cạnh Thái sư Lý Đạo Thành.

“Trong thời gian trẫm thân chinh, đã có nhiều chuyện xảy ra.” Thánh Tông Hoàng đế ngồi xuống ngai vàng. “Nhưng nhờ có Nguyên phi và Thái sư đồng sức nên thiên tai và loạn dân đều được xử lý. Tất nhiên, trẫm đã luận công ban thưởng cho Thái úy, thì Thái sư và Nguyên phi cũng phải được tưởng thưởng xứng đáng. Đúng không?”

“Bệ hạ,” Thái sư bước ra. “thần là lão thần đầu triều. Cả đời dốc sức cho Đại Việt. Nay đã chẳng còn mưu cầu điều gì nữa rồi.”

“Thái sư nói gì thế?” Phụ hoàng tôi tặc lưỡi. “Trẫm là thiên tử. Chẳng lẽ trẫm không có gì cho khanh được sao? Khanh muốn gì? Đất đai? Mỹ nữ?”

“Thiên hạ tứ phương, đều là đất của bệ hạ. Thần không dám lấy. Thần nay đã gần tám mươi, mỹ nữ cỡ nào cũng chẳng còn sức để mà hưởng nữa. Bệ hạ định thưởng cho cháu thần chăng?”

Cả triều đình cười phá ra. Tôi thì cứ ngôi im như phỗng.



Thấm thoát lại một năm nữa trôi qua. Khi ấy tôi năm tuổi. Ở thế kỷ XXI, có lẽ năm sau tôi sẽ bắt đầu vào học lớp một.

Nhắc đến chuyện đi học, năm nay phụ hoàng tôi cho xây dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử, Chu Công và một loạt nhân vật nổi tiếng mà tôi chẳng nhớ hết nổi. Nhìn công trình xây dựng đồ sộ và hoành tráng, tôi cũng muốn làm một Toán Miếu để thờ Pytago, Talet. Rồi tôi nhớ tới Văn Miếu ở Hà Nội thế kỷ XXI, trông cổ kính nhưng vẫn giữ được sự uy nghi. Công nhận nhà nước bảo tồn di tích văn hóa tốt thật. Cả nghìn năm rồi, qua biết bao cuộc chiến tranh tàn phá mà vẫn gìn giữ và bảo tồn Văn Miếu như mới.

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.”

“Con nói gì?” Phụ hoàng tôi đứng bên cạnh hỏi.

“Dạ không ạ.” Tôi vội chối.

“Thái tử,” Phụ hoàng tôi quỳ xuống ngang với tôi. “con có biết Văn Miếu này là để làm gì không?”

“Dạ… thờ Khổng Tử, Chu Công, Tứ phối, và…”

“Thất thập nhị hiền.” Vua cha tôi nhắc.

“Vâng.”

“Nơi này ngoài để thờ cúng tiền nhân, còn có một chức năng khác. Con đoán ra không?”

“Là để dạy học ạ?”

“Quả đúng là Thái tử thông minh hơn người.” Vua cha tôi cười lớn. “Trẫm đang định, sẽ cho con đến Văn Miếu này học tập.”

“Dạ?” Tôi ngạc nhiên. “Con tưởng là để cho những học sinh tới để học chứ.”

“Không. Chỉ mình con thôi.”

“Nhưng nếu con chỉ học có một mình thì…”

“Thì?”

Tôi định nói là cô đơn. Nhưng nhớ lại thì quanh năm suốt tháng tôi chỉ chơi với thái giám, cung nữ và hoàng đệ tôi thôi mà. Hóa ra đúng là chẳng có ai ngang tuổi tôi để vào học chung cả.

“Thế còn con cái của các quan lại thì sao ạ?” Tôi hỏi tiếp.

Nhưng phụ hoàng tôi đã đi nói chuyện cùng các quan lại khác.

Nói chung là, kể từ đó, tôi vào học tại Văn Miếu. Quanh đi quẩn lại là đọc sách lịch sử và văn học. Học về Khổng Tử, học cả lịch sử Trung Quốc, nghệ thuật chiến tranh, kỹ năng trị quốc, rồi quan hệ Đại Việt với các nước láng giềng. Nhưng đó là việc của suốt nhiều năm liền.

Bây giờ, khi ngồi học trong lớp, chúng ta sẽ thấy ảnh Bác Hồ cười với chúng ta. Còn tôi phải vừa ngồi đọc sách và nhìn cái người viết ra nó (Khổng Tử) đang nhìn tôi. Tôi không mê tín, nhưng mỗi khi tôi đọc sai hay thế nào đó, tôi lại có cảm giác ông ta đang lườm tôi.

Thầy giáo của tôi là một hòa thượng tên Nguyễn Viết Y, đã ngoài năm mươi tuổi, pháp hiệu là Thông Huyền chân nhân. Tôi thường gọi ông là sư phụ. Đáng lý người có trách nhiệm dạy tôi học là một người mang chức Thái phó, nhưng hiện tại trong triều chưa có chức này. Quốc sư Thảo Đường, người mới được phụ hoàng tôi phong chức Quốc sư đã đề cử ông thầy này cho tôi. Ông sư thầy của tôi có hàng ria mỏng hơi cong như người Châu Âu. Mắt ông ánh lên vẻ cương trực cùng một nụ cười hiền từ. Giọng ông trầm bổng đọc những dòng chữ nhạt nhẽo nghe như hát.

Tôi khá lười, nhưng kể ra việc duy nhất mà tôi giỏi chính là học. Tuy nhiên, không phải cái môn này. Và sư phụ tôi chỉ khen tôi trong giờ Toán học. Tôi có thể làm phép tính nhân hai chữ số nhanh như chớp. Còn lại thì, tôi không hề nghiêm túc học kinh thư của Khổng Tử hay thánh nhân thánh nhiếc gì đó. Chỉ toàn là những con chữ vô nghĩa. Sau ba ngày, tôi đã nổi khùng với ông thầy.

“Nếu học nhiều mà không ứng dụng được thì sao phải học ạ?” Tôi hỏi khi chúng tôi tranh cãi về vấn đề muôn thuở mà đến thế kỷ XXI vẫn còn: học Lịch sử để làm gì?

Sau đó, ông dẫn tôi ra ruộng.

Trên cánh đồng lúa nước, những cây lúa nước đang dựng thẳng đứng như những ngọn cỏ đầy hiên ngang.

“Sư phụ này, dù con có hỏi câu hỏi hơi kỳ quặc, nhưng Người cũng không ác độc đến mức bắt con đi cày ruộng đâu nhỉ.”

Sư phụ tôi nhướn mày.

“Chẳng cần nói tới thân phận, con mới năm tuổi, làm sao mà…”

Một đứa nhóc trông còn nhỏ hơn tôi vác cây cuốc chạy ngang qua hai thầy trò.

“Thật ra thì, ta cũng muốn thử.” Ông vuốt ria.

“Sư phụ…” Tôi làm ánh mắt mè nheo.

“Nhưng tiếc thay, đó không phải mục đích của chúng ta hôm nay.” Ông nhún vai. “Thái tử. Người nãy nhìn những cây lúa đó. Người thấy gì?”

“Cây lúa, cần có người chăm sóc, nếu không thì, không thể sống được.”

“Đúng. Nhưng chưa vào đúng trọng tâm.”

Tôi suy nghĩ hồi lâu.

“Nếu Thái tử chưa nghĩ ra, chúng ta sẽ để chuyện này sau hãy nói.” Thông Huyền chân nhân ngồi xuống bên một hàng nước. Văn hóa này đến tận bây giờ, ở các con phố Hà Nội vẫn còn hiện hữu khắp các con phố.

“Dù gì cũng đến đây rồi, Lý lang, ngồi xuống đây với bần tăng nào.”

“Từ thời Nam Việt Vũ Đế đến nay đã hơn một nghìn năm, kinh sách của ta gần như chẳng có gì.” Vị hòa thượng giảng dạy trong khi ngồi uống chè. “Thái tử có thể muốn trở thành một đấng quân vương sáng thì cần phải luôn tu bổ nhân đức. Thiên mệnh vô thường, phải thường xuyên tu đức mới có thể bảo vệ được ngai vàng và xã tắc.”

“Nhưng sao lại phải học cả lịch sử và văn thơ của kẻ đã khiến chúng ta mất gần hết?” Tôi cãi chày cãi cối. “Trong khi sách của chúng thì có nhiều thứ rõ ràng là mê tín, chẳng có tí khoa học gì cả. Rồi còn cả mấy ông thánh nhân nữa, sách của thánh nhân thì không sai được chắc?”

“A di đà Phật. Học hỏi, chính là để tạo ra cái mới từ trong cái cũ. Bài học từ quá khứ chính là để chuẩn bị cho tương lai. Học là để tìm ra những thứ hợp với tư tưởng nhân dân và có lợi cho quốc sách. Nếu Thái tử cứ học theo kiểu tự mãn như thế, người chỉ có thể làm một kẻ hèn mọn mà thôi. Sách của người Hán, trên có thể khuyên quân vương, dưới có thể dạy dân chúng. Lưu truyền từ đời này sang đời khác vẫn không mai một mà Thái tử có thể nói là không cần học sao? Sách đúng hay sai, không nằm ở chữ viết trong đó, mà là thái độ của Thái tử khi đọc sách kìa.”

Bạn biết đấy, lúc ấy tôi vẫn không để ý lắm. Giống như khi bạn nghe mấy tay đa cấp dạy bạn những thứ như báo hiếu, tăng cường sức khỏe, học để thành công… Bạn biết chúng có ích cho bạn nhưng bạn vẫn không làm. Khi ấy tôi cũng như vậy. Dù gì thì tôi cũng là một thằng nhóc mười sáu tuổi ở trong thân xác của một đứa trẻ năm tuổi thôi mà.





[1] Nguyên tờ chiếu trích và thêm bớt từ Việt điện u linh tập phần Lý Thường Kiệt.
 

Mạnh

Tác giả
Tham gia
9/7/20
Bài viết
423
Điểm cảm xúc
737
Điểm
93
Hôm đó, sư phụ tôi có việc phải ra ngoài nên đã để tôi ở lại trong Văn Miếu một mình với mấy pho tượng. Tôi chán nản lật qua lật lại mấy con chữ.

“Khổng Tử này,” Tôi thở dài nhìn bức tượng. “nếu Ngài viết ra cái mớ này, thế Ngài giải thích hộ con, nếu con học chữ của Ngài thì con có quay về thời đại của con được không?”

Khổng Tử không trả lời. Đương nhiên.

“Ngài có bao giờ nghĩ rằng, cái đống mà Ngài viết ra, một nghìn năm nữa chẳng còn ai học không? Ở thời của tôi, mọi người học theo Huấn Hoa Tử hết rồi.”

Khổng Tử không phản ứng.

“Sách của ông tôi chưa thấy bao giờ, nhưng sách của Huấn Hoa Tử được lên TV đấy nhé.”

Có tiếng động sau lưng tôi. Tôi quay lại thì thấy một quả bóng đang lăn vào.

“Phật Tổ ơi! Có tên khùng nói chuyện với pho tượng kìa.”

Phía sau tôi, một cô bé đang che miệng nói.

“Mi là ai? Sao vào được đây?” Tôi quay ngoắt lại quát.

“Công tử xin thứ tội.” Con bé vội quỳ xuống. “Dân nữ chỉ muốn vào đây để tìm quả bóng, không nghĩ đây là nơi dưỡng bệnh của công tử.”

Từ bộ trang phục trơn sờn cũ, tôi đoán con bé này là thường dân.

“Ta không có điên!” Tôi quát ầm lên.

“Dân nữ ít học nên không biết, hóa ra nhà giàu thì thích nói chuyện với tượng.”

Càng nói tôi càng cảm thấy bực. Con bé đó đang nghĩ tôi bị tự kỷ thì phải.

“Khoan,” Tôi vẫy tay với con bé. “vào đây ta hỏi.”

Con bé rón rén bước vào.

“Em biết đây là ai không?” Tôi trỏ vào Khổng Tử.

“Dạ, là Khổng Tử.”

“Ông nổi tiếng hơn tôi nghĩ đấy.” Tôi nghĩ.

“Em biết vì lúc nãy công tử đã nói thế.”

“À, hiểu rồi.” Tôi gật gù. “Cũng nhanh trí đấy. Mi tên gì?”

“Dân nữ họ Lê, tên là Lan Anh ạ.”

“Họ Lê à…” Tôi bước tới bên cạnh con bé. Trong có vẻ chỉ bằng tuổi tôi là cùng. “Mày biết chữ không?”

“Không ạ.” Lan Anh đáp. “Dân nữ còn không biết họ của mình viết như thế nào, nhưng nếu được đổi họ, thì dân nữ muốn được mang họ Lý ạ.”

“Hỗn xược!” Tôi mắng. “Lại muốn mang họ của hoàng thất?”

“Dạ, thì công tử hỏi nên em mới trả lời mà.”

“Thế tại sao mi dám chọn quốc tính?”

“Vì chữ Lý là chữ đầu tiên thầy biết viết ạ. Hơn nữa, thần thích ăn mận. Với cả…” Nó cười. “được làm công chúa thích lắm.”

“Thế làm Hoàng hậu thì sao?”

“Ừm, em không nghĩ làm Hoàng hậu thì tốt ạ. Giống như Hoàng hậu hiện tại, chẳng sinh được con trai nên đang bị thất sủng đấy.”

“Hóa ra chuyện của Dương Hoàng hậu lan truyền khắp nơi.” Tôi thầm thấy thương cho bà.

“Nhưng mà, nếu được làm Hoàng hậu, em muốn được làm Hoàng hậu của một vị vua anh minh.”

“Hử?” Tôi khẽ nhướn mày.

“Em từng được nghe kể chuyện của Lê Ngọa Triều, ông ta quá tàn ác nên đã bị Thái Tổ truất ngôi. Nên là…”

Trong lúc bọn tôi còn đang nói chuyện, có tiếng của sư phụ tôi vang tới.

“Có người tới!” Tôi tặc lưỡi rồi ném quả bóng cho con bé. “Đi nhanh đi. Bị ông già đó bắt được thì phiền lắm.”

“Dạ.” Con bé ôm quả bóng và leo tường ra ngoài.

“Thái tử mới nói chuyện với ai sao?” Thông Huyền chân nhân bước tới.

“À, ta mới nói chuyện với Khổng Tử.” Tôi chém gió.

“Thái tử nói chuyện với tượng sao?” Ông nhướn mày.

“Không phải tượng. Mà là vạn thế sư biểu, Người đã để lại cho hậu thế cả một kho tàng kiến thức tự cổ chí kim. Vừa có thể răn dạy quân vương, vừa có thể giáo hóa chúng dân. Người không đơn thuần chỉ là một pho tượng. Người là bất tử đối với chúng ta!”

Ờm, tôi chẳng biết tôi vừa nói gì nữa. Khổng Tử nhập chăng?

“A di đà Phật. Thái tử quả là anh minh.” Thầy tôi chắp tay vái tôi rồi quay sang vái Khổng Tử. “Bần tăng ngu muội rồi.”

“Được rồi sư phụ.” Tôi quay vào bàn. “Chúng ta học tiếp đi.”

Vâng, thực sự thì đến đây tôi mới bắt đầu nghiêm túc “dùi mài kinh sử”.

Những tưởng cuộc sống của tôi sẽ thanh bình trôi qua như thế, và rồi sau đó tôi sẽ được trở về thời đại của mình. Nhưng không. Trời xanh đố kỵ anh tài (câu này Thông Huyền chân nhân dạy). Cha tôi, Hoàng đế Lý Thánh Tông đã lâm bệnh và đang dần trở nặng hơn. Nhiều người còn đang đồn rằng Người sẽ sớm qua đời. Tất nhiên, những kẻ độc mồm độc miệng ấy đều bị bêu đầu thị chúng, nhưng bệnh tình của vị vua Đại Việt cũng chẳng khá hơn được.

Mỗi ngày, mẫu phi tôi thường dẫn theo An Dân đi chùa tụng kinh cầu sức khỏe cho phụ hoàng. Với một con người khoa học như tôi, việc cầu kinh để mong sức khỏe tốt hơn là chuyện vô lý. Thay vào đó, chăm sóc thuốc thang cho Người còn có ý nghĩa hơn. Nhưng việc hầu hạ thuốc cần người có chuyên môn đảm nhiệm.

Lúc này tôi rất sợ.

Kiếp trước, tôi và bố tôi không hợp nhau lắm. Kiếp này tôi được một người cha hiền dịu nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ và yêu thương vợ con. Tôi thì đang có nguy cơ mất ông ấy.

Tự nhiên tôi hiểu được ý nghĩa tồn tại của Tôn giáo. Không đơn thuần là những giáo điều răn dạy con người. Cũng không phải là mê tín dị đoan. Con người tạo ra những vị thần của lòng mình và tin vào họ như một đấng toàn tri và toàn năng. Để khi con người trở nên yếu đuối sẽ có nơi để đặt niềm tin và hy vọng.

Con người cần có một đức tin, để có thể gửi gắm những nỗi niềm của mình.

“Sư phụ,” Tôi hỏi Thông Huyền chân nhân khi đang tập viết. “Phật Tổ có thể giúp phụ hoàng khỏi bệnh không?”

“A di đà Phật.” Sư phụ tôi lại tiếp tục cái kho A di đà. “Linh hồn đi theo lục đạo[1]. Phúc phần ở Nhân đạo đã hết thì sẽ tới các đạo khác.”

“Phụ hoàng trẫm sẽ không chết!” Tôi gắt lên.

“Thiên tai thiện tai. Thái tử, nói lời đó, hai ta sẽ bị chém đầu đấy.” Ông đưa ngón tay lên miệng ra hiệu. “Nếu có bất trắc xảy ra, thì đó là lý do bần tăng ở đây.”

“Dạ?”

“Bần tăng được thánh thượng và sư phụ tin tưởng, giao phó trách nhiệm dạy dỗ Thái tử. Để Thái tử có thể trị vì đất nước sau này như một đấng minh quân.”



“Thái tử…” Vua Lý Thánh Tông thều thào khi nằm trên giường bệnh ở điện Hội Tiên.

“Phụ hoàng!” Tôi nắm lấy tay ông.

“Trẫm, sắp không qua khỏi rồi.”

“Bệ hạ,” Dương Hoàng hậu hầu hạ thuốc bên cạnh ông cố khuyên nhủ. “đừng nói những lời gở ấy.”

“Từ năm mười bốn tuổi, trẫm đã chinh chiến sa trường. Làm Hoàng đế nhiều năm, gần cuối đời mới sinh được thái tử… Thế mà lại phải ra đi khi con trai ta còn quá nhỏ thế này sao!?”

“Phụ hoàng, xin Người đừng nói gở. Phụ hoàng là bậc hiền quân, nhất định phụ hoàng sẽ không sao đâu mà. Phật Tổ sẽ phù hộ độ trì chúng ta, nhất định phụ hoàng sẽ bình an và tai qua nạn khỏi.”

“Quốc sư,” Cha tôi đưa tay ra, cố với lấy Thảo Đường thiền sư đang quỳ ở bên giường. “trẫm, chưa thể học hết đạo của Quốc sư. Thật là, phụ lòng Quốc sư rồi.”

“A di đà Phật.” Thảo Đường thiền sư chắp tay. “Bệ hạ lấy vũ uy chấn thiên hạ, lấy nhân đức để an con dân, lấy trí để giáo hóa chúng dân. Chẳng lẽ Phật Tổ lại phũ phàng như thế sao?”

“Thái sư, Thái úy…” Vua cha tôi nhìn xuống hai vị cận thần đang quỳ bên dưới.

“Bệ hạ căn dặn.” Hai vị quan đầu triều quỳ xuống.

“Hai ngươi, một người là lão thần triều đình, một người là Thiên tử nghĩa đệ… ta tin tưởng hai ngươi, giao lại con trai ta cho hai ngươi. Hãy phò tá ấu chúa, và bảo vệ Đại Việt, bảo vệ cơ nghiệp Thái Tổ Thái Tông truyền lại… Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi.”

“Thần lĩnh chỉ!”

“Thái tử…” Vua Lý Thánh Tông lại gọi tôi.

“Cha!” Tôi nhào tới ôm chầm lấy ông.

“Các ngươi, ra ngoài đi.” Vua cha tôi vẫy đuổi tất cả mọi người ra ngoài. Sau khi tất cả mọi người ra ngoài, phụ hoàng tôi với tay ra. Tôi vội vã nắm lấy tay ông.

“Phụ hoàng, con mới bảy tuổi, con chưa thể làm được điều vĩ đại như Người. Xin người đừng bỏ con mà.”

Hơi thở của phụ hoàng tôi càng lúc càng yếu dần.

“Tuổi trẻ làm nên nghiệp lớn, không phải là không có.”

“Phụ hoàng!”

“Sơn hà Đại Việt, giao lại cho con.”

“Bố!”

“Trước ngày con ra đời, trẫm đã mơ thấy một vị tiên trao con vào tay ta, ông ấy bảo rằng, con đến từ một nơi được gọi là Việt Nam, tới đây để cứu giúp Đại Việt ta. Khi ta tỉnh, cũng là lúc con ra đời. Từ đó, ta đã biết, con chính là người sẽ đưa đường dẫn lối cho Đại Việt ta.” Ông nhìn tôi. “Xứ thần tiên của con, là nơi như thế nào vậy?”

“Con… đến từ tương lai.” Tôi nói thật.

“Tương lai… sao?” Đôi mắt vị vua mở to.

“Con đến đây, từ một nghìn năm sau.” Tôi kể về thế giới của tôi cho ông. Càng nghe, đôi mắt ông càng như muốn bay ra ngoài.

“Hầu như ai cũng được đi học? Không còn vua chúa, không còn nô lệ. Không còn thần phục phương bắc. Đất nước ta…”

Ông cười khùng khục.

“Đất nước được điều hành bởi chính phủ.” Tôi nói tiếp. “Một đất nước thái bình, hạnh phúc, văn minh, công bằng, chùa Diên Hựu của Thái Tông, Quốc Tử Giám của cha, cả kinh thành Thăng Long, đều còn đó…” Tôi nhìn nụ cười và đôi mắt nhắm nghiền của ông. Tay ông nắm chặt lấy tay tôi. Sống mũi tôi cay xè, nước mắt tôi dàn dụa. “Tất cả đều còn đó… Chỉ… không còn cha…”

Ngày Canh Dần tháng Giêng, năm Thần Vũ thứ tư, Hoàng đế Lý Nhật Tôn băng hà, thọ bốn mươi chín tuổi, truyền ngôi cho Thái tử Lý Càn Đức, ấu đế lên ngôi khi mới bảy tuổi.





[1] Thuyết lục đạo luân hồi trong Phật giáo. Gồm Nhân đạo, Súc sinh đạo, Ngạ quỷ đạo, Thiên đạo, Atula đạo, Địa nguc đạo.
 

Mạnh

Tác giả
Tham gia
9/7/20
Bài viết
423
Điểm cảm xúc
737
Điểm
93
“Bệ hạ.” Quan thái giám gọi tôi. “Sắp đến giờ chầu rồi ạ.”

Tôi được người hầu giúp mặc trang phục. Chiếc áo màu đỏ đen mặc bên trong chiếc áo cổn đen thêu họa tiết vàng. Tôi được đội mũ Bình Thiên lên, những chuỗi ngọc rũ xuống che đi một chút tầm nhìn của tôi và cứ sợ nó sẽ đập vào mắt khi tôi bước đi. Vắt ngang chiếc mũ là một dải lụa trắng. Quanh cổ áo tròn có những tua ngọc.

Tôi bước ra điện Thiên An, nơi ông nội tôi và cha tôi đã ngồi thiết triều suốt hàng chục năm qua. Thời ông cố tôi, nơi này mang tên Càn Nguyên. Tôi ngồi lọt thỏm trên chiếc bảo tọa đường bệ mà ba đời nhà tôi đã ngồi. Bên cạnh tôi còn có một chiếc ngai cho Dương Hoàng hậu, bây giờ là Hoàng Thái hậu Thượng Dương. Tôi đã tôn bà (chính xác thì là các quan đại thần tôn dưới danh nghĩa của tôi) là Hoàng đích mẫu nhiếp chính, còn mẹ tôi là Hoàng sinh mẫu, không có quyền dự chính. Trước mặt tôi còn có một chiếc rèm ngăn cách giữa chúng tôi và các vị đại thần.

Tất cả quan đại thần quỳ xuống.

“Thánh thượng vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế!”

“Thái hậu thiên tuế thiên tuế thiên thiên tuế!”

Các bạn biết đấy, hầu hết là tôi ngồi im như phỗng.

Đại khái thì ngày đầu tiên, các quan đại thần bàn truy tôn miếu hiệu cho tiên đế là Thánh Tông, thụy hiệu là Ứng Thiên Sùng Nhân Chí Đạo Uy Khánh Long Tường Minh Văn Duệ Vũ Hiếu Đức Thánh Thần Hoàng đế. Tính từ ngày tôi đăng cơ và tế cáo trời đất ở sân rồng sẽ là năm Thái Ninh thứ nhất.

Tiếp sau đó là đủ thứ chuyện khác như cúng tế, chôn cất linh cữu tiên hoàng, gửi sứ nhà Tống… Và tôi chẳng nói gì ngoài “miễn lễ”, “chuẩn tấu” và “bãi triều”.

Cuối buổi chầu, Thái úy đề xuất ý kiến lập Hoàng hậu.

“Thái úy này,” Cuối cùng tôi đành lên tiếng. “trẫm mới bảy tuổi, ờm, chuyện này có hơi…”

“Bệ hạ, Hoàng hậu là người sẽ ở bên cạnh bệ hạ và hỗ trợ người quản lý cả hậu cung và cả những quốc sách quan trọng.” Thái sư Lý Đạo Thành cất lời. “Lập hậu sớm cũng sẽ giúp người ổn định việc nhà, an cư lạc nghiệp.”

Có một số vấn đề như này. Tiên đế trao cho hai vị này quyền điều hành quốc gia, hỗ trợ tôi, cho đến khi tôi đủ khả năng tự mình chấp chính. Nhưng thân xác cha tôi chưa lạnh, họ đã quay sang đá lẫn nhau. Lý Thường Kiệt thì muốn mẹ tôi, Thái phi Ỷ Lan nhiếp chính cùng tôi. Còn Lý Đạo Thành thì muốn giữ chính thống, Hoàng hậu nhiếp chính. Quyền lực trong triều thì nằm gọn trong tay Thái sư Lý Đạo Thành và Thái hậu Thượng Dương. Còn binh quyền thì nằm trong tay Thái úy Lý Thường Kiệt. Lý Đạo Thành thì muốn học theo nhà Tống, cho quan văn dẫn binh, Thái úy thì cãi rằng chính vì như thế nên nhà Tống chẳng có được bao nhiêu tướng tài. Quan lại trong triều cũng chẳng biết giải quyết thế nào với hai người này. Tuy nhiên, phần lớn thì ủng hộ Lý Đạo Thành.

Lý do hả?

Vì có một số lời đồn về mối tình drama như phim Hàn của tiên đế, Thái hậu và Thái úy. Rồi rộ lên thêm một số lời đồn về việc Thái úy không ủng hộ để Thái hậu nhiếp chính là vì tư tình riêng.

Thế đấy, tôi ngồi ở giữa, chẳng biết làm sao.

“Nhưng trẫm còn quá nhỏ.” Tôi lên tiếng.

“Không thể lo được việc trong nhà, làm sao dám quản cả thiên hạ?” Lý Thường Kiệt cao giọng.

“Thái úy,” Thái sư Lý Đạo Thành lên tiếng. “ngài đang quá lời rồi đấy.”

“Thần phạm thượng.” Lý Thường Kiệt quỳ xuống. “Xin bệ hạ trách phạt.”

“Không sao,” Tôi xua tay. “Thái úy cũng là vì lo cho trẫm. Về việc này, trẫm sẽ xem xét.”

Sáng ngồi làm bù nhìn cho các quan lại và Thái hậu, sau đó lại đến học ở Văn Miếu. Dần dần, để chạy thoát khỏi những buổi chầu buồn chán, tôi viện cớ cần chú tâm vào việc học để chuồn sớm trong khi các quan và Thái hậu tiếp tục buổi chầu.

“Hả? Đổi thầy?” Tôi ngơ ngác ở trước cửa Văn Miếu. Sư phụ tôi đang từ từ bước ra với tay nải trên vai, đang trò chuyện với một vị tăng trạc tuổi.

“A di đà Phật.” Không Lộ vái tôi. “Bệ hạ, bần tăng và Thánh Tông Hoàng đế là đông môn. Nay tiên đế băng, bần tăng phải về chùa Khai Quốc cầu cho linh hồn của Thánh Tông. Đồng thời kế nghiệp Thánh Tông và Thảo Đường sư phụ, làm trưởng môn phái Thảo Đường.”

“Sư phụ…” Tôi chắp tay vái ông. “Sư phụ vất vả rồi.”

“Tiên đế từng kể với bần tăng, bệ hạ là thần tiên giáng trần. Bệ hạ thông minh lanh lợi, bần tăng thẹn tài cán không đủ, không có khả năng để dạy bệ hạ. Bệ hạ muốn trở thành bậc minh quân, ngoài Phật pháp còn cần cả sách Nho nữa.”

“Con hiểu.” Tôi gật đầu. “Sư phụ định…”

“Bần tăng khi trước đi Tây Trúc cầu đạo, cón kết thân với hai người bạn.” Dương Sư phụ đưa tay về phía vị hòa thượng bên cạnh. “Đây là Nguyễn Viết Y. Trước khi xuất gia hành nghề chài, đã đọc và thông hiểu sách Nho. Nhất định sẽ phù hợp hơn bần tăng.”

“Đại sư.” Tôi vái Nguyễn Viết Y.

“Bần tăng hiệu Giác Hải, húy Viết Y. Xin được dốc chút tài mọn để hỗ trợ bệ hạ.”

Và như thế, tôi đổi từ kho A di đà này sang kho A di đà khác.

“Sư phụ không phải môn đồ phái Thảo Đường sao?” Tôi hỏi Giác Hải thiền sư.

“A di đà Phật.” Giác Hải thiền sư vái tôi. “Khác phái nhưng không khác đạo. Đều là người cầu đạo, dẫu đường đi khác nhau, chỉ cần cầu được đạo thì không có chuyện chia rẽ. Ai đúng ai sai, cầu được đạo khắc biết. Bần tăng là môn đồ phái Vô Ngôn Thông, tư tưởng có phần khác với thiền phái Thảo Đường, hy vọng bệ hạ không chê.”

“Thiền cũng chia ra làm các phái khác nhau sao?” Tôi nghĩ cứ ngồi nhắm mắt và suy nghĩ vẩn vơ là thiền chứ.

“A di đà Phật.” Giác Hải Thiền sư lấy bút viết lên những tờ giấy trắng.

“Bắt đầu từ Khương Tăng Hội, Đại Việt ta đến nay có ba phái chính.”










“Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.” Giác Hải thiền sư bắt đầu giảng. “Dòng này chịu ảnh hưởng của kinh Lăng già, kinh Tượng đầu tinh xá và kinh Phương Quảng Tổng Trì. Mục đích của các thiền sư phái này là giác ngộ và để đi đến giác ngộ đầu tiên họ phải thanh lọc thân tâm, nhà Phật gọi là “giới”. Giới luật đối với các thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi được thể hiện ở việc không tham dục, không tham danh lợi, tin ở nghiệp lực, sống bố thí, không chấp trước. Đối với dòng thiền này, Tâm Phật tròn đầy như thái hư, không thiếu không thừa, không rời không tới, không được không mất, chẳng một chẳng khác, không thường không đoạn, không sinh không diệt.”

Tôi ậm ừ giả vờ hiểu.

“Thứ hai,” Giác Hải thiền sư tiếp tục viết.






“phái Vô Ngôn Thông. Dòng thiền này gần gũi với đời sống xã hội, hòa nhập vào đời sống người dân trong khi vấn đề tâm linh vẫn giữ sự độc lập riêng. Tăng sư bổn phái nhấn mạnh giáo pháp “vô đắc”, chủ trương giác ngộ ngay tức khắc, gọi là “đốn ngộ”. Nói cách khác, chúng tăng ni sử dụng biện pháp tu chứng, tự cá nhân nhận thức thế giới bằng thiền định, “đạt ngộ” thì tâm là Phật, Pháp cũng là Phật. Vì vô đắc nên chúng thần thường nhập thế, gần gũi chúng dân.”

“Nói như thế, chẳng phải trừu tượng quá sao?” Tôi hỏi.

“Trừu tượng?” Giác Hải thiền sư chau mày.

“Ý con muốn hỏi là, rốt cuộc, vô đắc là gì?”

“Vô đắc, nhấn mạnh về sự giác ngộ. Sự giác ngộ không thể được ai trao cho. Chỉ có mình mới có thể tự giành lấy.”

Đến đây thì tôi hiểu được đại khái rồi. Về cơ bản, ngay từ kiếp trước tôi đã chẳng mặn mòi gì với mớ Phật pháp giáo điều này. Đến cả quyển sách Giáo Dục Công Dân lớp 10 tôi còn chẳng kham nổi nữa là.

“Cuối cùng, thiền phái mới được lập gần đây. Phái Thảo Đường.”




“Thánh Tông Hoàng đế lập ra dòng thiền này sau khi đón Thảo Đường thiền sư về làm Quốc sư. Tương tự như phái Vô Ngôn Thông, phái Thảo Đường cũng yêu chuộng thi ca. Lại có sự giao thoa giữa Nho và Phật. Nhưng cũng vì trọng trí thức và văn chương mà phái Thảo Đường chỉ ảnh hưởng tới một số tri thức có khuynh hướng văn học.”

Giác Hải thiền sư nhìn tôi chòng chọc.

“Thánh Tông Hoàng đế sáng lập phái Thảo Đường như một cách tổng hợp cả Nho và Phật, cả văn hóa dân gian của Trung Hoa, cả Đại Việt, Tây Trúc và Chiêm Thành. Chính vì thái độ cởi mở với cái mới trân trọng cái truyền thống, Thánh Tông Hoàng đế mới có thể trở nên vĩ đại như thế. Bệ hạ có hiểu điều đó nghĩa là gì không?”

“Là sự cởi mở, sự giao thoa và lòng đức độ. Ngoài Phật pháp và văn hóa, còn mang ý nghĩa ngoại giao, con nói đúng không?”

Và thời gian cứ thế thấm thoát trôi…

“Bệ hạ, bần tăng nghe nói triều đình đã chọn được người đủ phẩm chất để đưa vào cung lập làm Hoàng hậu rồi phải không?” Giác Hải thiền sư hỏi tôi trong một buổi chiều đầu hè.

“Vâng.” Tôi thở dài. Lúc sáng khi nghe tin này tôi cũng hãi hùng lắm. Việc chọn vợ cho mình mà phải để mấy lão già chọn hộ, thời phong kiến này đúng là chẳng có tự do dân chủ gì hết. “Nhưng sư phụ, trẫm mới bảy tuổi, sao đã phải lấy vợ rồi ạ?”

“Bệ hạ, Người có biết vì sao một vị quân chủ lên ngôi khi còn nhỏ thường gây ra biến cố diệt quốc không?”

Tôi khẽ gật đầu. “Vì khi ấy, quân vương không có thực quyền, quyền lực nằm trong tay ngoại thích và quan lại phụ chính.”

“Vương Mãng và Dương Kiên là ông ngoại của Hoàng đế. Hai người họ đã làm gì?”

“Vương Mãng soán Hán lập Tân, Dương Kiên soái ngôi nhà Bắc Chu, thống nhất Trung Hoa, lập ra nhà Tùy.”

Đọc Lịch sử Trung Quốc hóa ra lại hay. Tôi bây giờ có thể đặt bản thân mình vào vị trí của các vị vua ấy để có thể đưa ra quyết định. Tuy chẳng sáng lạn gì, nhưng cũng có thể nhờ vào đó mà tôi có thể đoán được quần thần của mình. Ít nhất là từ những gì họ thể hiện. Giác Hải thiền sư cũng có phần thông tuệ sử sách Trung Hoa hơn so với Thông Huyền chân nhân.

“Bệ hạ nghĩ vì sao Thái úy không dám bật lại Thái hậu?”

“Vì… tiên đế giao đất nước lại cho Thái sư và Thái úy phụ chính cùng với Thái hậu chăng?”

“Việc Thái sư và Thái úy được giao cho trọng trách phụ chính ai ai cũng biết. Mang danh là đại thần phụ chính, chỉ một nước đi sai lầm cũng có thể bị vu vào tội phản nghịch, bệ hạ có nghĩ, mỗi khi Thái úy đưa ra một quyết định mà không được chấp nhận, ông ấy hoàn toàn có thể làm binh biến, trừ khử cả Thái sư và Thái hậu không?”

“Ông ấy không thể làm thế được.” Tôi khẳng định. “Thế lực của Thái sư trong triều ăn đứt Thái úy. Về mặt quân sự, nếu Thái úy làm càn, thế lực của Dương Hoàng hậu ở Nghệ An sẽ phóng Toyota về và gô cổ ông ấy ngay.”

“Thế nếu Thái úy và Thái sư thực sự có một trận chiến, bệ hạ sẽ về phe nào?”

“Trẫm…”

Tôi không thể chọn được. Cả Thái úy và Thái sư đều vô cùng quan trọng đối với đất nước này.

“Bệ hạ đừng quá lo lắng.” Thầy tôi vội nói khi thấy tôi bắt đầu căng thẳng. “Thái sư tuy đang theo phe ủng hộ Thái hậu, nhưng ông ấy cũng sẽ không làm chuyện đại nghịch bất đạo đâu.”

“Thế người mà ta thực sự cần lo lắng là ai?”

“Họ Dương.” Sư phụ tôi đáp ngay lập tức.

“Họ Dương?”

“Họ Dương có quyền lực cưc kỳ lớn trong triều ta. Dương Đức Uy tuy ở ngoài xa, nhưng hắn vẫn là anh của Thiên Cảm Hoàng hậu, tức là anh vợ của Thái Tông, là cha của Thượng Dương Hoàng thái hậu, là bố vợ của Thánh Tông. Bây giờ hắn một mình trấn giữ xứ Nghệ, bệ hạ nghĩ nếu trong triều có biến, hắn sẽ làm gì?”

“Hắn sẽ đem quân về và lật đổ trẫm ư?”

“Xứ Nghệ có cảng biển lớn, giao thương với Tống, Lưu Cầu, Cao Ly và cả các nước Ba Tư rất thịnh. Nhưng bệ hạ đã bao giờ đọc báo cáo về thuế ở nơi ấy chưa?”

“Rồi.” Tôi gật đầu. “Cũng bình thường thôi…” Tôi chau mày. Bình thường? Thuế má nơi ấy mà bình thường, chứng tỏ điều đó rất bất thường. Hoạt động kinh tế phát triển, thế mà thuế thu được chẳng cao hơn những vùng khác là bao. Tôi đặt câu hỏi, nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc giao thương kia đã đi đâu? Tôi không nhận báo cáo về việc đắp đê điều gì, nhưng báo cáo về việc đóng tàu xuất hải quân đánh cướp biển thì một xấp. Dù cướp biển có nhiều thật, thì số thuyền trong báo cáo cũng quá lớn. Trường hợp mà tôi đang nghĩ… Dương Đức Uy đang nuôi quân.

“Bệ hạ đã hiểu chưa?” Giác Hải thiền sư lại hỏi.

“Nhưng, chắc gì thiên hạ đã phục hắn?”

“A di đà Phật. Thần nghe nói, từ lâu, Thái hậu đã có cảm tình đặc biệt với Minh Nhân Vương đúng không?”

“Không lẽ, bà ấy định soái ngôi của ta, và lập Minh Nhân Vương lên ngôi?”

“À, chắc là không đâu.” Ông rót trà. “Nhưng cũng có thể chứ.”

“Rốt cuộc là thế nào? Sư phụ đừng dọa trẫm nữa mà.”

“Lúc nãy ta có hỏi Người về chuyện của Vương Mãng và Dương Kiên.” Sư phụ tôi bước tới dưới chân tượng Khổng Tử. “Liệu thiên hạ này, có còn là của họ Lý nữa không đây?”

“Nhưng trước sau gì đất nước này cũng sẽ thành của họ Trần thôi.” Tôi nghĩ nhưng không dám thốt lên. Ông ta mà nghe được chắc lôi tôi xuống khỏi ngai vàng đó ngay lập tức.

“Nhà Lý chưa thể mất lúc này được.” Tôi nói lớn. “Trẫm khẳng định đấy.”

“Làm sao bệ hạ dám khẳng định như thế?” Nguyễn Viết Y chất vấn tôi. “Từ khi Thái Tổ lập quốc đến nay là hơn sáu mươi năm. Tiền Lý, Đinh, Lê đều chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn. Nước Nam Việt của họ Triệu cũng chỉ tồn tại được chín mươi bảy năm. Sao bệ hạ dám khẳng định họ Lý ta có thể cai trị quốc gia này được một trăm hai trăm năm?”

“Vì trẫm sẽ, không, con nhất định sẽ bảo vệ cơ đồ nhất tổ nhị tông để lại. Con ghét cai ngai vàng đó. Nên con càng không muốn em trai con phải ngồi lên nó và làm bù nhìn cho đám quần thần. Không chỉ nội trị, dẫu cho ngoại bang có xâm lược, con cũng sẽ thân chinh đánh dẹp, như ba đời nhà con đã làm. Thánh Tông đã giao lại đất nước này cho con, con nhất định không làm phụ lòng Người.”

Bạn biết lý do thực sự thật ra là gì không? Tôi đang sợ là nếu tôi từ bỏ ngai vàng, lịch sử sẽ bị đảo lộn mất. Tôi càng không muốn em trai tôi trở thành con rối chính trị cho các lão già. Cả việc bảo vệ đất nước cũng thế. Tôi đảm bảo mình không nói xuông.

Sau buổi học, tôi quay trở về Cấm Thành. Nhưng trước khi về đến cung, tôi đã thấy Thái úy Lý Thường Kiệt đang ở trước cửa Cấm Thành.

“Dừng xe.” Tôi gọi lớn.

“Bệ hạ.” Thái úy cúi thấp người chào tôi.

“Thái úy đến tìm ta hay tìm Thái phi?” Tôi hỏi ông.

“Bệ hạ, thần có việc hệ trọng cần bàn với người. Không biết thần có thể ở riêng với người không?”

“Được.” Tôi gật đầu. “Thái úy lên xe đi, chúng ta cùng vào cung.”

“Sao? Đã tổ chức xong lễ cưới rồi?”

Lần đầu tiên tôi cưới vợ, hóa ra tôi còn chưa biết mặt mũi vợ mình như thế nào, thậm chí là còn không biết tên tuổi quê quán và còn chưa từng gặp mặt cũng chưa hề nói chuyện. Quan trọng hơn, lễ cưới của chính tôi nhưng tôi còn không có mặt.

“Vì ngại bệ hạ tuổi nhỏ nên chúng thần đã tổ chức theo lễ dân gian ở quê của tân nương. Sính lễ cũng đã gửi đến nhà người ta rồi. Đêm nay chỉ còn động phòng nữa thôi.”

“Sao đến tận bây giờ khanh mới nói với trẫm!?”

“Bệ hạ đừng lo.” Thái úy khẽ cười. “Chính vì thế nên hôm nay thần mới ở đây.”

“Khanh định…”

“Bệ hạ,” Lý Thường Kiệt lấy từ trong tay áo ra một quyển sách. “trong hôm nay, bệ hạ hãy học hết những thứ này.”

“Không được!” Tôi quát ầm lên. “Đây là tảo hôn! Là ấu dâm! Pháp luật sẽ trừng trị cả ngài lẫn ta đấy.”

“Pháp luật thì Bệ hạ muốn là sửa được mà.”

“Thế là lạm quyền! Hơn nữa, trẫm không nghĩ Thái úy lại giữ bên mình thứ văn hóa phẩm đồi trụy đó. Mọi người thấy thì sẽ nghĩ gì đây?”

“Bệ hạ, thần đã từng này tuổi rồi, dẫu có lòng cũng không còn sức nữa.”

“Ngài lại còn có lòng cơ à? Dê già vẫn thích gặm cỏ non à? Hay gu của ngài mặn như mắm Phú Quốc?”

“Trời ơi Bệ hạ, thần mà dám làm thế bà xã thần sẽ giết thần mất. Tất cả là vì Bệ hạ thôi.”

Cuối cùng, tôi vẫn phải ngồi cùng ông ta nghe mấy thứ mà cả tôi và các bạn hoàn toàn có thể tìm thấy những mô tả sinh động hơn từ những trang web đen.

Cuối cùng tôi cũng về đến điện Thiên Khánh.

“Bệ hạ,” Thái úy Lý Thường Kiệt cúi người vái tôi. “thắng trận trở về.”

“Thắn trận trở về cái đầu ông. Ông muốn tôi làm cái gì với cái thân xác này hả? Giờ ông muốn tôi làm gì đây? Dũng cảm tiến lên hả!?”

Đêm hôm đó, tôi bước vào phòng nghỉ của mình, hôm nay được trang trí màu đỏ với lụa là gấm vóc và cả hoa. Còn có cả một mùi hương khác mọi ngày phang phảng quanh phòng. Trên giường của tôi, có hai cô bé trạc tuổi tôi đang ngồi chờ sẵn. Họ mặc trang phục đỏ và đội mạng che mặt.

“Ừm, trẫm không có kinh nghiệm trong truyện này.” Tôi lẽn bẽn nói. “Nên nếu có thể thì, đêm nay, chúng ta có thể đi ngủ sớm không?”

Sao chứ?

Lần đầu của tôi đấy! Sao tôi có thể làm trò đó với hai cô bé mới mười tuổi được. Tôi sống ở thời cổ đại nhưng tôi tuân thủ theo pháp luật thế kỷ XXI và các giá trị đạo đức của đất nước và thời đại của tôi! Tôi không thể làm thế được.

“Thần khấu tạ long ân.” Hai cô bé quỳ rạp đầu lạy tạ.

Hơi gượng ép.

Chắc tôi nên làm gì đó để hai đứa trẻ thấy thoải mái hơn.

“Khoan đã, các em có thích Toán không?” Tôi hỏi.

Và chúng tôi dành cả đêm để học hình học không gian đến khi cả ba đứa thiếp đi.

Sáng hôm sau, khi tôi tỉnh dậy tôi mới được chiêm ngưỡng nhan sắc của hai Hoàng hậu. Cô bé bên trái, tên Hoa, họ Bùi lớn hơn tôi hai tuổi. Cô bé bên phải tên Vy, bằng tuổi tôi. Nhan sắc ư? Bạn mong chờ gì ở nhan sắc của một vị hoàng hậu? Quốc sắc thiên hương? Chị em Thúy Kiều? Hay là người yêu Chí Phèo? Khiến các bạn thất vọng rồi. Hai cô bé chưa dậy thì thì làm sao mà tôi dám nói bừa chứ. Hơn nữa, tôi có người trong mộng rồi.
 

Mạnh

Tác giả
Tham gia
9/7/20
Bài viết
423
Điểm cảm xúc
737
Điểm
93

Sau khi cưới vợ, tôi gặp họ mỗi tuần để… học Toán Lý Hóa. Trừ lúc thiết triều ở điện Thiên An và đi học ở Văn Miếu ra thì tôi ở trong điện Thiên Khánh để làm những công việc khác (thực tế là Dương Thái hậu làm còn tôi ngồi cạnh để học) và nghỉ ngơi. Còn hai người vợ của tôi ở trong cung Long Thụy và cung Thúy Hoa, phía sau điện Thiên Khánh. Họ cũng được sắp xếp người để dạy các lễ nghi cung đình, cầm kỳ thi họa, việc quản lý hành chính và cả, nói nhỏ nhé, việc thị tẩm tôi là ưu tiên hàng đầu.

“Bệ hạ,” Một vị quan lại bước ra trong một buổi chầu giữa năm Thái Ninh thứ hai. “nhiều ngày mưa dầm không dứt, ảnh hưởng đến mùa màng. Thần đề nghị tìm cách giải quyết.”

“Bùi Thái sử,” Thái hậu lên tiếng. “việc của nhà nông, họ sẽ có cách thôi.”

“Không.” Tôi lên tiếng. Đứng phắt dậy khỏi chiếc ngai. “Cần giải quyết triệt để chuyện này.”

“Bệ hạ?” Mọi người trố mắt nhìn tôi.

Tôi bước ra khỏi tấm rèm.

“Các khanh nghĩ mưa chỉ ảnh hưởng đến mùa màng thôi sao?” Tôi trỏ mặt Bùi Thái sử, người giữ chức vụ quan sát thiên văn khí tượng trong triều. “Thương nhân không buôn bán được. Kinh tế của ta không ảnh hưởng sao? Còn học sinh thì sao? Họ không đến trường được, các khanh nghĩ có ảnh hưởng đến tương lai của Đại Việt không? Các quân binh đang canh gác ngoài cổng nữa. Các khanh có nghĩ một ngày họ trở ốm và quân giặc nhào tới thì sao?”

Đến đây, văn võ bá quan quỳ rạp xuống.

“Chúng thần ngu muội. Xin bệ hạ trách phạt.”

“Được, thế trẫm sẽ phạt các khanh đi thông cống thoát nước.” Tôi buột miệng.

Mọi người lại nhìn nhau.

“Cống?”

“Đào cống sao?”

“Bệ hạ, chuyện này…”

“Chúng ta sẽ không làm như những đường giếng thoát nước.” Tôi ngoắc viên thái giám lại và bảo hắn lấy bút. “Chúng ta sẽ làm một hệ thống cống ngầm khép kín.”

“Đầu tiên, chúng ta đào một lỗ trên ruộng,” Tôi vẽ lên sàn điện. “rồi dùng vật liệu không thấm nước tạo thành một cái ống, dẫn nước ra sông lớn. Trên đường phố cũng thế. Các khanh hãy đào lỗ thông ra sông. Quan trọng nhất là phải tính toán được độ dốc của đường ống thoát nước. Nếu để nằm ngang, nó không thể dẫn nước đi được, còn nếu quá dốc, áp lực nước sẽ quá mạnh và có thể gây ra thiên tai, rất nguy hiểm.”

Các quan lại có vẻ không hiểu lắm.

“Đại khái thì đây sẽ là vụ quy hoạch đô thị đầu tiên trong lịch sử. Trẫm phục mình quá đi. Hô hô hô.”

Tôi đang muốn gì ư?

Đêm hôm kia, tôi đã đọc một vài quyển sách sử về Lê Long Đĩnh và nhận ra ông ta là một vị vua cực kỳ nghiêm túc trong quá trình trị quốc. Điểm đáng nói ở đây là ông ta đã xin nhà Tống cho đặt một người ở chợ để trong coi việc buôn bán giữa hai nước Việt và Tống. Điểm này giống như là xin cấp phép đặt văn phòng đại diện thương mại ở nước ngoài bây giờ vậy. Hôm qua tôi đã tìm một Thị lang trong triều rất có đầu óc trong giao thương, anh ta nói rằng người trông coi đó có thể giống như đại diện của vua ở chợ vậy. Và tôi quyết định rằng tôi cũng sẽ đề ra những quyết định mang tính vượt thời đại như thế.

“Bệ hạ,” Thái hậu lên tiếng, các quan lại đang chen chúc nhau ngắm cái mớ hình vẽ của tôi lục đục quay về chỗ đứng. Thái sư và Thái úy còn đứng nhầm bên.

“Đúng như tiên đế nói, bệ hạ giống như tiên trên trời giáng xuống vậy.”

“Thái hậu quá khen.”

“Nhưng phương pháp này là của thần thánh, không phù hợp với người phàm như chúng ta.”

“Ừ, có lý.”

“Tôi năm nay hơn bảy mươi tuổi rồi mà chưa thấy cái thứ cống thoát nước nào như thế.”

“Nhưng nếu là phương pháp của thần thánh, sao kẻ ở dưới như ta dám…”

“A di đà Phật.”

“Ta nghĩ, từ thời Thái Tổ đến Thánh Tông đều sùng Phật, nhưng từ khi lên ngôi, bệ hạ không mấy khi lễ Phật, có lẽ đây là lý do khiến Phật Tổ không vừa ý nên đang trách mắng chúng ta thôi.”

Thái hậu nói một tràng nghe rõ mê tín di đoan.

“Thái hậu, mưa là một hiện tượng khoa học, hơi nóng từ mặt trời khiến hơi nước bốc lên…”

“Bệ hạ!” Thái hậu quát.

“Ta nghĩ,” Bà hạ giọng sau khi lườm tôi một cái dài như con bé thủ quỹ khi tôi quên đem tiền đóng tiền quỹ lớp. “khi xưa Thánh Tông sùng đạo, cũng thường lễ Phật ở chùa Pháp Vân, bây giờ nếu ta tới rước tượng Phật về cầu tạnh, thì có thể thay đổi tình trạng này chăng.”

“Thái hậu,” Lý Đạo Thành bước ra. “năm xưa, Tản Viên Sơn Thánh và Đồ Sơn Thủy Thánh tranh nhau con gái của vua Hùng, cứ đến tháng bảy, thủy thánh lại dâng nước đánh sơn thánh. Nay nếu ta cúng tế cho sơn thánh, có thể phần nào tiếp sức cho Người đánh bại thủy thánh để sớm ngày bá tánh sinh hoạt bình thường trở lại.”

“Thái úy nói chính hợp ý ta.”

Mấy hôm sau, văn võ bá quan tới núi Tản Viên, nơi mà tôi đoán bây giờ là núi Ba Vì, và cúng bái Sơn Tinh.

Khi mọi người còn đang tiến hành dâng hương và tế lễ, tôi chạy ra đằng sau núi.

Tôi lén lấy một chiếc cốc thó được trong cung. Nhưng đó là nhà tôi mà, về cơ bản tôi đang cầm theo đồ của mình nên không phải là ăn trộm. Tôi chôn chiếc cốc xuống đất. Hy vọng không ai tới đào nó lên.

“Khi nào về, tao sẽ đào mày lên và đem bán cho bảo tàng. Tao sẽ giàu to. Ha ha ha.”

“Công tử?” Phía sau tôi, một cô bé xuất hiện.

Tôi mất hơi nhiều thời gian để nhận ra cô bé. Là Lan Anh! Con bé đột nhập vào Văn Miếu.

“Người là con của vị đại thần nào thế?” Con bé hỏi tôi.

“À, ta họ Lý.”

“Công tử là hoàng thất ư?”

“À, cũng có thể xem là thế.” Tôi gãi đầu. “Mà, mày nhận ra tao à?”

“Vâng, em chẳng mấy khi được tiếp xúc với giới nhà giàu, nên em có ấn tượng mạnh với công tử lắm.”

“Thế ngươi làm gì ở đây?”

“Thần theo phụ thân đến thăm đền thờ thần Tản Viên, để cầu cho thần đánh thắng thần Đồ Sơn.”

“À, lại Sơn Tinh Thủy Tinh à?”

“Ngươi biết không? Đám quan lại này chạy hết vào đây để cúng cho một nhận vật thần thoại, rõ là mê tín, chẳng có tí khoa học nào cả.” Tôi trỏ ngón tay vào đền thờ Sơn Tinh.

“Công tử, Ngài không phải con của quan lại họ Lý dúng không?”

“Cái gì?”

“Ngài là hoàng tử ạ?”

“Hả?” Tôi đứng hình mất mấy giây. “Sao mày…”

“Vì khẩu khí của ngài rất đặc biệt, hơn nữa, thần từng hỏi cha, cha thần bảo nơi thần vào chơi khi ấy là Văn Miếu, nơi hoàng tử học tập. Công tử, người là hoàng tử sao!?”

“À, không.” Tôi lại gãi đầu. “Ta là Hoàng đế.”

“Hoàng…”

Lan Anh cứng họng rồi quỳ rạp xuống.

“Bệ hạ.”

“Đứng dậy đi.” Tôi đỡ con bé.

“Bệ hạ! Dân nữ bẩn thỉu thấp hèn, không dám chạm vào long thể bệ hạ.” Con bé lùi ra xa.

“Lan Anh tiếp chỉ.” Tôi thở dài. “Lại đây.”

“Bệ hạ…”

Tôi nắm lấy tay con bé. Tay con bé có hơi chai sạn, nhưng những ngón tay vẫn nhỏ bé và mềm mại.

“Mày thấy chưa?” Tôi mỉm cười. “Dù trẫm là Thiên tử, nhưng trước khi là Thiên tử, trẫm là một con người. Mày cũng là con người. Đã là con người, thì ai cũng được hưởng nhân quyền và dân quyền như nhau, tạo hóa ban cho chúng ta quyền bình đẳng. Bình đẳng trong cuộc sống, và bình đẳng trong pháp luật. Cho nên, đừng có cư xử với ta như một Hoàng đế. Hãy xem ta, như một người bạn.”

“Bệ hạ…”

“Bệ hạ!”

“Bệ hạ! Người đầu rồi!?”

“Chạy thôi,” Tôi nắm tay Lan Anh bỏ chạy. “Để họ bắt được thì phiền bỏ xừ.”

Hai đứa tôi chạy trong núi, rất may là không ai bị ngã hay bị thương.

“Thế, quê em cũng đang bị ngập à?” Tôi hỏi Lan Anh khi đang quay lại đền Tản Viên vì trời sắp tối.

“Dạ.” Lan Anh đáp. “Nên em mới cùng cha tới đây cầu sơn thánh.”

“Thế thì để anh dạy em cái này nhé.” Tôi lấy một cành cây và vẽ lại kế hoạch quy hoạch đô thị của tôi.

“Hay quá!” Hai mắt Lan Anh sáng rực. “Quả đúng là bậc Thiên tử có khác.”

“Nịnh hay đấy.” Tôi gật gù.

“Em nói thật đấy ạ. Bệ hạ, cái này…”

“Nếu em nói thật, vậy hãy về và thực nghiệm đi. Nếu thành công, thì đó là em đã chiến thắng Thủy Tinh chứ không phải Sơn Tinh nữa. Em sẽ có thể trở thành anh hùng cứu quốc đấy.”

“Em ạ?” Lan Anh tròn mắt. Nhưng có vẻ con bé cũng thích thế. “Nhưng, em là con gái…”

“Trưng Nữ Vương là đàn ông sao? Bà Lệ Hải là đàn ông sao? Đại Việt ta chứng kiến bao nhiêu nữ anh hùng hào kiệt rồi? Tương lai còn có Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai… ai nói chỉ đàn ông mới làm được anh hùng?”

“Ôi, mình nói hay thật. chính mình còn phục mình nữa kìa.” Tôi hí hửng trong lòng.

“Lan Anh!” Có tiếng gọi từ đằng xa.

“Bệ hạ, phụ thân gọi, dân nữ xin phép.”

“Đi cẩn thận đấy.”

Tôi gật đầu rồi con bé chạy đến chỗ bố nó.

“Ấy chết, mình quên mất triều đình.”

Sau đó tôi phóng như bay về đền sơn thánh.

“Sorry các khanh.” Tôi vẫy tay và cười với họ. “Trẫm hơi ham chơi.”

Văn võ bá quan, Thái hậu và Nguyên phi đều thở phào nhẹ nhõm. Ít nhất thì họ quan tâm tới an nguy của tôi hơn việc nghĩ xem sorry là cái gì.
 

Mạnh

Tác giả
Tham gia
9/7/20
Bài viết
423
Điểm cảm xúc
737
Điểm
93
Này, tôi hoàn toàn không tin ba cái chuyện mê tín, nhưng mấy hôm sau, mưa tạnh hẳn luôn.

“A di đà Phật. Sơn thánh và Phật Pháp Vân linh thật đấy.” Nguyễn Viết Y nhìn trời. “Nhưng mô hình của bệ hạ cũng hay lắm. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm ra những đường ống như thế trong tình trạng này được.”

“Tình trạng này? Ý sư phụ là gì?”

“Cách của bệ hạ, tạo ra một loại ống như thế, rồi chôn dưới đất, lại còn chắp nối vào nhau để dẫn ra sông ra biển nữa. Với trình độ của người hạ giới chúng thần thì quá sức.”

“Đừng có xem con là người trời chứ.” Tôi thở dài. “Chẳng qua mấy hôm rồi mưa quá nên mặt trời không chiếu sáng đủ để làm bay hơi nước thôi.”

Cuối buổi học, tôi quay về Cấm Thành thì lại gặp Thái sư đang đứng chờ.

“Thái sư.” Tôi ngóc đầu ra khỏi xe.

“Bệ hạ, cẩn thận.” Quan thái giám nhắc tôi.

Từ dạo cái mô hình người trời được vẽ lên điện Thiên An, Thái úy và Thái sư tự nhiên ghét nhau ra mặt. Tôi nghe ngóng được, họ vừa mới cãi nhau to về nó. Thái sư thì muốn kính Phật hành lễ, ông ta cho rằng sử dụng kiến thức của trời mà không được cho phép là đại nghịch bất đạo (rõ ràng là tôi cho phép mà). Theo tính chất bắc cầu trong toán học thì lão già đó cũng xem tôi là người giời.

Ngược lại, Thái úy Lý Thường Kiệt muốn dùng nó để dẫn nước, để thử khả năng thực tiễn và áp dụng và các công việc khác. Ông ta muốn áp dụng cái mô hình đó ở nơi quê trước để thử nghiệm.

Trớ trêu thay, có một số tin đồn rằng Thái sư Lý Đạo Thành đã qua lại với người của họ Dương ở Nghệ An. Triều đình bàn tán xôn xao mấy ngày nay. Họ thắc mắc không biết có phải Thái sư đang chuẩn bị làm chuyện gì. Nhưng tôi thì khá yên tâm về lòng trung thành của ông. Lúc đó tôi gần như đã quên hết những lời mẹ dạy cách đấy mấy năm.

“Bệ hạ,” Quan thái giám liếc Thái sư rồi lại nhìn tôi. “như thế có hơi nguy hiểm không ạ?”

“Đi cùng Thái sư mà còn sợ nguy hiểm sao?” Tôi cười. “Dưới gầm trời này ai có thể chống lại Thái sư?”

Tôi chỉ một tên lính gác cổng.

“Ngươi hả?” Hắn chỉ biết quỳ dập trán xuống đất.

“Hay ngươi?” Tôi chỉ tên đánh xe. Hắn cũng quỳ xuống.

“Hay ý ngươi là,” Tôi quay lại nhìn viên thái giám. “Thái sư muốn ám hại ta?”

“Ơ…” Tên thái giám hoảng loạn thấy rõ. “Thái sư, hạ quan không dám có ý đó, chỉ là…”

“Thôi được rồi.” Tôi cười ngặt nghẽo. “Trẫm chỉ đùa thôi. Các ngươi đứng dậy đi.”

“Bệ hạ,” Lý Đạo Thành nói với tôi khi đang ngồi trong xe tiến và cấm cung. “lời Người nói ra là vàng là ngọc, sao có thể nói đùa vô nghĩa như thế chứ?”

“Bình thường thôi.” Tôi thở dài. “Trước có kẻ còn đem sách đen vào chốn cung đình để dạy trẫm cơ. Trên chính con xe này, trên chính con đường này.”

“Bệ hạ là người đứng đầu cả một quốc gia, sao người có thể nói ra những lời như thế?”

“Rốt cuộc hôm nay ông muốn nói gì với trẫm?”

“Dạo gần đây Thái úy có gặp riêng bệ hạ lần nào không?” Lý Đạo Thành hỏi.

“Thái úy à?” Tôi nghiêng đầu. “À, nghe nói ngày mai khanh sẽ ra biên cương một thời gian phải không? Chúc khanh đi mạnh giỏi nhé.”

“Bệ hạ, lão thần đang nghiêm túc.” Lý Đạo Thành trừng mắt. Vết sẹo của ông khẽ giật giật.

“Thôi được rồi.” Tôi thời dài. “Lát nữa trẫm sẽ cho khanh xem cái này.”

Tôi bước vào sân rồng, nơi này vốn dùng để cúng tế trời đất và làm các nghi lễ quan trọng. Bây giờ, có một người đàn ông to lớn đang cầm tay An Dân và dạy thằng bé bắn cung.

“Thái úy.” Tôi bước vào sân tập.

“Bệ hạ.” Lý Thường Kiệt cúi người vái tôi.

“Anh!” An Dân ném cung nhào tới, nhưng đi được vài bước thì nhớ ra gì đó nên đành lùi lại và cúi đầu. “Bệ hạ.”

Trở thành vua đã chia cắt tình cảm anh em bọn tôi. Chẳng biết từ khi nào, giữa chúng tôi xuất hiện một rào cản lễ nghi. Tuy nhiên, đó chỉ khi ở trước mặt người khác, khi ở riêng, chúng tôi vẫn là anh em.

Em trai tôi dạo này dậy sớm tập thể dục, dáng người rất có khí phách. Trên ngón tay cái thằng bé đeo một chiếc nhẫn, loại hỗ trợ bắn cung.

“Em đã bắn được tên chưa?” Tôi cố nở một nụ cười dịu dàng.

“Thần đệ đã có thể ngắm chuẩn hơn. Tất cả là nhờ Thái úy chỉ dạy.”

“Minh Nhân Vương điện hạ rất có tố chất.” Lý Thường Kiệt khen. “Mới hướng dẫn một lần đã có thể sử dụng được cung tên. Tương lai nhất định sẽ còn tiến xa.”

Sau khi liếng thoắng về tài nghệ của em trai tôi, Thái úy mới quay sang Thái sư.

“Thái sư, ngọn gió nào đưa ngài tới đây thế?” Lý Thường Kiệt cúi gập người.

“Ta chỉ tình cờ đi ngang qua thôi.” Lý Đạo Thành cúi người đáp lễ. “Thì ra, Thái úy đang dạy Minh Nhân Vương bắn cung sao? Sao ta không nghe nói gì hết vậy?”

“À không.” Lý Thường Kiệt lắc đầu. “Ta chủ yếu dạy võ công cho bệ hạ, nhưng có lẽ vì Thái sư, mà lịch luyện tập của bệ hạ bị gián đoạn rồi.”

Tôi thề là lúc đó Lý Đạo Thành đã rung lên bần bật. Chắc ông ta tức lắm rồi. Vì sao Thái úy lại dạy võ cho tôi hả? Đích thân tôi bảo đấy. Thái úy đang dần không có gì làm vì một số chức vụ trong triều được chuyển giao cho người khác phe Thái sư. Và cả đất nước này ai mà không biết Thái úy Lý Thường Kiệt có võ công vô địch thiên hạ. Với profile như phim chưởng ấy, tôi phải dận dụng ngay chứ.

“Bệ hạ, hôm nay ta sẽ tiếp tục những gì hôm qua đang dang dở.” Lý Thường Kiệt bơ hoàn toàn Lý Đạo Thành và cùng tôi luyện thương.

Tôi vung cây bổng lên và tấn công vào đối thủ trong tưởng tượng. Lý Thường Kiệt đang dạy tôi U Linh Thương Pháp, bài thương pháp do Thái Tổ sáng tạo ra và được lưu truyền trong quân đội.

“Bệ hạ,” Thái úy chỉ dẫn khi tôi đang thực hiện các động tác. “động tác của Người thiếu uyển chuyển.”

“Bệ hạ,” Thái sư nhắc. “đòn tấn công của người thiếu lực.”

Hai ông già ở bên cạnh cứ tranh miệng nhau mà chỉ dẫn giống như hai đứa con nít lên ba tranh nhau giành bật công tắc đèn.

“Bệ hạ cố lên.” Còn em tôi ở bên cạnh cổ vũ.

“Này,” Tôi hạ cây gậy xuống sau khi múa xong một đoạn thương pháp. “Thái sư và Thái úy, ai mạnh hơn?”

Hai vị nhìn nhau.

“Thái sư đã tinh thông võ nghệ từ khi còn nhỏ tuổi. Tại hạ thực sự không thể so bì.” Lý Thường Kiệt khiêm tốn nói.

“Thái úy tuy trẻ hơn ta nhiều tuổi, nhưng trên chiến trường anh dũng thiện chiến, lập biết bao chiến công, ta thẹn không bằng được.” Lý Đạo Thành cũng chối.

“Hay lắm.” Tôi vỗ tay. “Ta cũng muốn xem hai vị giao đấu.”

“Bệ hạ?” Hai ông già nhìn tôi với bốn con mắt mở to.

“Trăm nghe không bằng một thấy.” Tôi nhìn họ. “Ta thực lòng muốn được mở mang tầm mắt, chiêm ngưỡng trận so tài giữa hai dũng tướng hàng đầu Đại Việt ta.”

“Bệ hạ,” Lý Đạo Thành cố thoái thác. “thần tuổi đã cao, e sẽ làm bệ hạ không vừa mắt.”

“Năm xưa Hoàng Trung tuổi ngoài thất tuần vẫn có thể đấu với Quan Vũ bất phân thắng bại…”

“Hoàng Trung và Quan Vũ[1] có giao đấu sao?” Thái úy vuốt râu.

“… nay chỉ là một trận giao hữu mà khanh lại từ chối, lẽ nào khanh không quan tâm đến sự phát triển võ công của trẫm?”

“Bệ hạ…”

Thực ra thì tôi đang nhõng nhẽo thôi. Cuối cùng hai người họ cũng cởi bỏ quan phục và cầm lấy hai cây gậy.

Nhìn thấy hai thân thể cường tráng với cơ bắp cuồn cuộn và những vết sẹo trên cơ thể họ, tôi như thấy được sự tàn khốc của chiến tranh.

“Thái úy,” Tôi lại gần nói thầm Lý Thường Kiệt. “Thái sư tuổi đã cao, sức khỏe không còn như thời tráng niên, trong trận đấu, đừng đánh hết sức.”

“Thái sư,” Tôi nói thầm với Lý Đạo Thành. “Thái úy là võ quan đầu triều, quân cấm vệ ở đây có đông người là con nhà võ có danh tiếng, ngài nên nhẹ tay để giữ thể diện cho ngài ấy.”

Hai lão già đều nghe tôi nói như thế, có lẽ họ sẽ chỉ đánh hời hợt thôi. Tự nhiên tôi thấy mình thật thông minh.

Hai cây gậy va vào nhau, Lý Thường Kiệt xoay cây gậy trong tay và vung nó vào vai Thái sư. Lý Đạo Thành đưa thân gậy ra đỡ đòn và chọc mũi gậy vào ngực Thái úy, Lý Thường Kiệt lùi lại, ông nắm đuôi cây gậy và quét rộng, Thái sư lùi khỏi tầm, Thái úy nhảu tới vung gậy xuống đầu Thái sư. Người đàn ông già đặt ngang cây gậy đỡ đòn.

“Thái úy!”

“Thái sư!”

Quân sĩ đang đứng gác cũng chăm chú xem trận đấu và hò reo cổ vũ.

Đến lúc trời chạng vạng, hai người họ vẫn bất phân thắng bại.

“Được bao nhiêu hiệp rồi?” Tôi hỏi tên lính bên cạnh.

“Bẩm bệ hạ, hơn hai trăm hiệp ạ.”

“Ta xem thì mỏi cả mắt, thế mà tay họ vẫn chưa mỏi à?”

Cuối cùng, hai cây gậy không chịu được nữa, cả hai gãy đôi.

“Đủ rồi.” Tôi bước lên sàn. Dưới ánh nắng cuối chiều, cơ thể của họ lấp lánh những giọt mồ hôi. “Nhờ hai vị, hôm nay trẫm được mở mang tầm mắt.”

“Tôi nhớ tôi bảo hai ông nương tay với nhau cơ mà.” Có vẻ như đấu được nửa chừng thì họ quên béng luôn.

“Thái sư, đã có tuổi rồi, mà vẫn oai dũng phi thường. Tại hạ bái phục.” Lý Thường Kiệt cúi người. “Hôm nay kẻ hậu bối này cũng được mở mang tầm mắt.”

“Thái úy quá lời rồi.” Lý Đạo Thành cũng cúi người. “Nếu Thái úy không nhường ta, làm sao ta còn đứng vững chứ.”

“Đủ rồi đủ rồi.” Tôi vẫy tay cắt ngang cuộc trò chuyện nghe sặc mùi giả tạo của hai ông già. “Người đâu, ban rượu.”

Hai vị cầm hai cốc rượu và uống một hơi cạn sạch.

“Mong hai vị, từ nay tiếp tục giúp trẫm.” Tôi nói với họ. “Tiên đế băng hà khi trẫm còn nhỏ, nỗi đau này thực không từ ngữ nào có thể tả nổi. Nhưng may thay, trẫm có hai vị đều là những trung thần, mong hai vị,” Tôi cúi người. “cùng trẫm nâng đỡ giang sơn Đại Việt.”

“Bệ hạ!” Cả hai người quỳ xuống, những người xung quanh cũng quỳ xuống hành lễ.

“Được rồi, trẫm còn phải về phòng đọc sách. Hôm nay, thực cảm ơn hai vị.”

Tối đó, khi tôi đang đọc Hán thư, phần Vũ Đế kỷ thì Thái hậu Thượng Dương bước vào điện.

“Đích mẫu.” Tôi bỏ sách xuống.

“Bệ hạ, ta nghe nói, hôm nay bệ hạ đã cho Thái sư và Thái úy giao đấu.” Thái hậu chẳng hành lễ, hỏi thẳng tôi. Bà ấy chưa từng quên các nghi lễ này.

“Đó chỉ là một trận đấu giao hữu thôi.”

“Giao hữu? Là cái gì?”

“Ý trẫm là… Thái sư và Thái úy đều từng là võ tướng, trẫm muốn được học hỏi võ công từ họ. Vừa để mở mang tầm mắt, vừa giúp hai người họ xóa bỏ những hiềm khích lâu nay.”

“Bệ hạ, rốt cuộc Người đang nghĩ cái gì vậy!?” Thái hậu quát lên.

“À, trẫm…”

“Thái úy là chiến thần đương thời, được tiên đế trọng dụng. Thái sư tuổi đã cao, lỡ chẳng may, Thái úy có âm mưu hãm hại Thái sư, thì Lý Thường Kiệt kia hoàn toàn có thể đổ lỗi rằng hắn đang làm theo chỉ thị của bệ hạ, giúp bệ hạ mở mang tầm mắt. Đến lúc đó, Bệ hạ sẽ mất đi Thái sư đầu triều, Thái úy sẽ thừa cơ chiếm lấy quyền lực. Bệ hạ muốn có một kẻ chuyên quyền sao? Bệ hạ muốn mình như Tần Nhị Thế, như Hán Hoàn Đế[2] sao!?”

“Chứ người muốn con giống ai? Lưu Anh hay Vũ Văn Xiển[3]?” Tôi gắt lên.

“Bệ hạ!” Thái hậu tức giận quát lên. Nhưng bà không làm được gì tôi nên đành rời khỏi điện, mặc cho tôi đứng hình ở trong phòng.

Một lúc sau, đến lượt Hoàng thái phi bước vào.

“Mẫu phi!” Tôi đứng dậy ngay lập tức.

“Bệ hạ, nghe nói hôm nay Thái úy và Thái sư đã giao chiến dưới sự chỉ thị của Bệ hạ sao?”

“V… vâng.” Tôi ngồi xuống. “Con chỉ là, muốn hai người họ…”

“Hiện tại họ đang ở hai phe đối lập nhau, chỉ một sơ sẩy nhỏ thôi cũng có thể khiến một trong hai vong mạng. Tất nhiên, trong tình huống này, mất đi một trong hai người họ đều là vấn đề của cả quốc gia chứ không riêng gì bệ hạ hay ta.”

“Hay Thái hậu?” Tôi vô tình nói thêm.

“Thái hậu có tới đây sao?”

Tôi kể lại mấy câu ngắn ngủi Thái hậu và tôi trao đổi mới khoảng nửa khắc trước.

“Thái hậu sợ rằng Thái úy đả thương Thái sư sao?” Mẹ tôi nhìn ra bên ngoài cửa sổ trầm ngâm.

“Ngày trước, Thái sư và mẫu phi có quan hệ rất thân thiết, sao bây giờ,”

“Thái sư chưa từng ủng hộ ta.” Mẹ tôi quay lại nhìn tôi. “Ông ta chỉ về phe một thứ duy nhất: sự chính thống.”

“Hả?”

“Việc ông ta hỗ trợ ta trong việc trị quốc khi tiên hoàng thân chinh là vì Thái hậu đã đồng ý. Còn lần này,” Mẹ tôi ngồi xuống trước mặt tôi. “việc buông rèm nhiếp chính chỉ dành cho Thái hậu và ấu chúa. Ta hoàn toàn không có cái đặc quyền ấy.”

“Nhưng, con thấy mẹ có năng lực hơn Thái hậu mà.”

“Năng lực? Năng lực thì là gì so với tiền tài và danh vọng? Ta không phải chính thất của Thánh Tông. Ta chỉ là một con bé nông dân ở nông thôn được Thánh Tông đón vào cung thôi.”

“Nhưng những chuyện này thì liên quan gì đến việc học võ của con?”

“Đơn giản thôi. Nếu đây là một âm mưu để ám sát Thái sư, thì khi đó phe cánh của bà ta sẽ giảm sút cực mạnh. Việc Thái úy đích thân dạy võ cho bệ hạ, chẳng qua là vì chính bệ hạ ra lệnh. Nếu không, đừng mong Lý Thường Kiệt đó được tới Cấm Cung mỗi ngày như thế.”

“Rốt cuộc thì mẹ và Thái hậu đấu đá nhau vì điều gì?” Tôi gắt lên. “Mọi người cùng đoàn kết với nhau không phải sẽ tốt hơn sao?”

“Đoàn kết?” Hoàng sinh mẫu của tôi trừng mắt. “Người nghĩ ta không muốn sao? Ta cũng muốn cùng Hoàng đích mẫu của người buông rèm nghe chính sự lắm chứ. Nhưng bà ta có cho ta?”

“Nhưng…”

“Bệ hạ.” Thái phi Ỷ Lan đập bàn. “Người quá ngây thơ.”

“Mẹ, con thực sự, muốn cùng cả mẹ, và Thái hậu,”

“Người muốn?” Thái phi nhướn mày. “Người nghĩ người chỉ cần muốn là được? Người chỉ được phép lựa chọn mà thôi. Một là Thái hậu, hai là ta. Thế thôi!”

“Tại sao lại phải chọn một trong hai kia chứ!?”

“Vì đó là bắt buộc.”

“Trẫm là Thiên tử!” Tôi hét lớn. “Trẫm lệnh cho cả hai người hòa hợp với nhau!”

“Bệ hạ!” Mẹ tôi, giống Thái hậu, quát tôi một cái rồi bực tức bước ra khỏi điện.

Vài hôm sau, tôi vẫn ngồi chơi trên ngai vàng như thường ngày. Tôi chẳng nghe các quan nói gì hết mà cứ mãi suy nghĩ làm cách nào để mẹ mình và Thái hậu có thể cùng nhau hợp tác.

“Bệ hạ! Thái hậu!” Một người lính lao vào với vẻ hớt hải.

“Có chuyện gì vậy?” Thượng Dương Thái hậu hỏi.

“Hoàng thái phi và Thái úy dẫn quân tới đòi Thái hậu phải nhường lại vị trí nhiếp chính cho Thái phi.”

[1] Hai ông này có giao đấu. Nhưng là trong một tiểu thuyết được viết sau thời điểm này khoảng vài trăm năm.
[2] Tần Nhị Thế và Hán Hoàn Đế đều gặp tình trạng hoạn quan chuyên quyền, dẫn đến triều đại dần trở nên suy vong.
[3] Hai vị vua cuối cùng của Đông Hán và Bắc Chu. Đều bị ông ngoại của mình soán ngôi.
 

Mạnh

Tác giả
Tham gia
9/7/20
Bài viết
423
Điểm cảm xúc
737
Điểm
93
Quan lại xôn xao bàn tán.

“Hoang đường!” Thái hậu đứng phắt dậy.

“Thái hậu đừng nóng.” Tôi khuyên Dương Thái hậu. “Trẫm sẽ khuyên can Hoàng sinh mẫu. Chắc người chỉ đang nhất thời nóng giận mà thôi.”

“Bệ hạ!” Thái hậu quay sang quát tôi. “Đây rõ ràng là phản rồi!”

“Bà ấy là mẹ trẫm, cũng là ái phi của tiên hoàng, sao có thể…”

“Con tiện nhân đó muốn cướp đi mọi thứ của ta sao!?” Thái hậu giận dữ bước xuống. “Con tiện nhân đáng chết! Con nô tì chẳng đáng mười quan tiền mà dám tranh giành ngôi báu này với ta!?”

“Thái hậu!” Tôi quát lên. “Bà không được phép nói mẹ trẫm như thế!”

“Im đi!” Dương Thái hậu quay lại hất ngã tôi. “Người nghĩ Người ngồi lên được đó là xong hả? Chẳng qua, người chỉ là con tốt ta dựng lên thôi, tên nhóc con như mi, con của một con tiện dân thì cũng chẳng cõ tư cách ngồi lên chiếc ngai này!”

“Thái hậu!” Một vị quan bước tới gần. “Sao người có thể nói ra những lời đại nghịch bất đạo như vậy chứ!?”

“Im miệng!” Thượng Dương Thái hậu rút thanh kiếm đeo bên hông tên lính vừa chạy vào báo tin và chém vào ông ta, khiến ông bị thương ở tay.

“Bổn cung là mẫu nghi thiên hạ! Bổn cung là chính thất của tiên đế. Bổn cung không thể nào thua trước con tiện nhân kia được!”

“Thái hậu!” Tôi chạy tới cạnh bà. “Người điên rồi sao?”

“Ta đang rất tỉnh táo!” Bà ta túm lấy tôi.

“Thái hậu!” Quan viên gào thét cố can vị Thái hậu đang tức giận.

“Tránh xa ta ra!” Bà ta đưa thanh kiếm lên ngang cổ tôi. “Ngươi dám tiến lên một bước, Đại Việt sẽ mất đi thêm một Hoàng đế nữa ngay bây giờ đấy.”

“Thái hậu…” Tôi ngước lên nhìn bà ta.

“Thái hậu!” Mẹ tôi và Lý Thường Kiệt tiến vào điện, trên tay Lý Thường Kiệt là cây đại đao.

“Không được lại gần!” Dương Thái hậu hét lớn. “Mày mà lại gần tao nửa bước, con mày khó mà đảm bảo.”

“Thái hậu,” Lý Thường Kiệt kinh hãi. “bà đang…”

“Tránh ra cho ta!”

Dương Thái hậu bắt tôi làm con tin và dắt tôi rời khỏi điện. Xung quanh, vô số quân sĩ đang bao vây lấy bà.

“Thái hậu,” Tôi nói với bà. “dù người có định làm gì thì cũng không thành đâu. Ta còn có một em trai, dẫu cho có giết ta ở đây thì bà cũng chẳng đạt được gì mà chỉ hại mình thôi.”

“Giết mi? Mi nghĩ ta muốn giết mi?” Dương Thái hậu hỏi. “Ta không chỉ muống giết mi. Tao còn muốn giết cả mẹ mày, em mày, và tất cả những kẻ đã công nhận con tiện nhân kia ngang hàng với ta!”

“Thái hậu! Bà dám nói thế với mẹ trẫm?”

Tôi nóng máu và cắn lên tay mụ ta.

Hóa ra tôi đã nhầm. Nhiều năm trước, tôi đã nghĩ đây là một vị Hoàng hậu dịu dàng không thể có con nên chỉ có thể tìm kiếm niềm hạnh phúc ấy ở những đứa con khác của chồng mình. Nhưng quả đúng là mấy đời dì ghẻ nâng niu con chồng. Mụ Hoàng hậu độc ác này không chỉ muốn giết tôi, mà còn cả mẹ tôi và em tôi.

“Bắt mụ yêu hậu đó lại!” Tôi ra lệnh.



Đã mấy ngày rồi tôi không ra chầu. Tôi đã nói rằng mình cần tĩnh tâm để xem xét lại. Mẹ tôi cũng nói rằng vụ việc vừa rồi đã khiến tôi kinh sợ nên cần để tôi nghỉ ngơi. Trong lúc đó, bà đã một mình nhiếp chính.

“Thánh thượng,” Quan thái giám bước vào nói với tôi. “Thái phi đã ra lệnh tống giam Dương Hoàng hậu cùng rất nhiều cung nữ vào cung Thượng Dương rồi ạ.”

“Trẫm biết!” Tôi quát ầm lên khiến viên quan thái giám sợ giật bắn mình.

“Thế, hạ thần xin cáo lui.”

“Khoan đã.” Tôi vẫy hắn quay lại. “Thái sư về chưa?”

Thái sư Lý Đạo Thành đang trên đường ra biên cương một thời gian nên hoàn toàn không có mặt trong khi Lý Thường Kiệt làm binh biến. Ngay sau khi ra lệnh bắt giam Dương Hoàng hậu, tôi đã hạ lệnh gọi Lý Đạo Thành về ngay lập tức.

“Bẩm bệ hạ, Thái sư đang trên đường về ạ.”

“Thế thì gọi Thái úy đến đây.”

Sau một lúc chờ đợi, Lý Thường Kiệt cũng tới.

“Bệ hạ cho gọi thần.” Ông quỳ vái tôi.

“Chuyện binh biến hôm trước, đã lan ra ngoài chưa?” Vừa hỏi xong thì tôi tặc lưỡi. “Kệ đi. Dù có lan ra hay chưa thì chắc Dương Đức Uy kia cũng biết rồi.”

“Bệ hạ yên tâm.” Lý Thường Kiệt tâu. “Thái phi đã hạ lệnh tru di tam tộc nhà Dương Hồng Hạc. Dương Đức Uy bị bêu đầu thị chúng, gần một nghìn người có liên quan đều bị giam chờ xét xử rồi ạ.”

Tôi thở dài. “Thế mẫu phi định sẽ giải quyết Thượng Dương Thái hậu thế nào?”

“Bệ hạ, chuyện này…”

“Chôn sống ả.” Mẹ tôi bước vào cắt ngang lời Lý Thường Kiệt.

“Mẫu phi.” Tôi tròn mắt nhìn bà.

“Ta sẽ cho chôn sống ả.” Mẹ tôi lặp lại. “Rồi cho tuẫn táng cùng tiên đế. À, còn phải đem chôn cả lũ cung nữ nữa.”

“Mẹ.” Tôi thốt lên. “Có nhất thiết phải làm như thế không?”

“Có!” Mẹ tôi dứt khoát đáp.

“Nhưng bà ấy… chỉ là…”

“Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng thế thì con để mẹ già vào đâu?”

“Nhưng, con, Dương Thái hậu, đâu có ngược đãi mẹ đâu.”

“Bệ hạ,” Lý Thường Kiệt lên tiếng. “nếu hôm đó thần và Thái phi không làm binh biến thì người sẽ bị chôn sống cùng tiên đế, có thể chính là Thái phi!”

“Cái gì cơ?”

“Bảy mươi hai cung nữ kia, là bảy mươi hai sát thủ ả ta nuôi để chờ thời điểm Dương Đức Uy đem quân tới thì nội ứng ngoại hợp giết hết tất cả và nắm quyền. Họ Dương đã lên kế hoạch trừ khử cả ta và Người rồi, bệ hạ.” Thái phi Ỷ Lan nói. “Sau đó ả sẽ đưa em trai người là Minh Nhân Vương lên ngôi để dễ bề thao túng.”

“Tại sao chứ…”

“Từ lâu lắm rồi, ả yêu hậu đó vẫn luôn muốn Minh Nhân Vương trở thành hoàng đế. Vì ả ta biết nếu là bệ hạ, người được thần tiên phái xuống thì sẽ rất khó thao túng.” Mặt mẹ tôi đỏ bừng lên vì giận “Mụ yêu hậu đó định giết con của ta!”

“Nên người mới tiên phát chế nhân?” Tôi nhớ lại lời dạy của bà mấy năm trước.

“Đúng thế.” Mẹ tôi nói. “Ta đã chuẩn bị chiếu chỉ với ấn triện của bệ hạ và cả người đưa tin ngày đêm chạy ngựa tới Nghệ An. Khi ấy, thân binh của Thái úy đã đóng sẵn ngay ngoài phủ, đợi Dương Đức Uy có biểu hiện bất tuân thì chém tại chỗ.”

“Sao mẹ làm nhanh thế?” Tôi tròn mắt. “Mà sao mẹ làm được tất cả những việc đó mà con không hay biết gì hết?”

“Bệ hạ,” Lý Thường Kiệt khẽ nói. “Khu mật sứ, được tiên hoàng giao lại cho Thái phi.”

“Khu mật sứ?”

Khu mật sứ là một nhóm các hoạn quan điều phối và giám sát giấy tờ sổ sách của Hoàng đế. Và người đứng đầu Khu mật xứ… không ai khác, chính là vị hoạn quan đang quỳ trước mặt tôi.

“Các người làm trẫm kinh hãi thật đấy.” Tôi rặn ra một nụ cười.

“Tiên đế đã lường được sự chuyên quyền của họ Dương từ lâu.” Lý Thường Kiệt nói. “Người ngay từ đầu đã yêu cầu thần, phụ giúp Thái phi, loại trừ gian thần, phò tá ấu chủ.”

“Thế còn Thái sư?”

“Dương Đức Uy có mời Thái sư làm nội ứng.” Lý Thường Kiệt nói tiếp. “Nhưng Thái sư đã cự tuyệt. Ông ấy nể tình nhà họ Dương có công với nước với dân nên đã không báo cáo lại chuyện này, để lũ giặc đó tự biết sửa lỗi… Thái sư không có liên quan trong vụ này. Thượng Dương Thái hậu cũng biết, ông ấy chỉ ủng hộ sự chính thống, tức là Thái hậu cùng ấu đế buông rèm nhiếp chính. Ông ta không bao giờ ủng hộ việc sát quân.”

“Bệ hạ!” Tên thái giám chạy vào. “Thái sư đang tự trói mình và quỳ ở bên ngoài.”

Tôi, Thái phi và Thái úy chạy ra ngoài.

“Bệ hạ!” Lý Đạo Thành khóc lóc dập đầu xuống sàn. Ông đang bị dây thừng trói toàn thân và đang mặc một bộ quần áo trắng của phạm nhân. “Vi thần ngu xuẩn, ủng hộ kẻ gian. Xin bệ hạ giáng tội.”

“Thái sư!” Tôi phóng vút xuống, vấp bậc thang và suýt ngã ra đất.

“Mau cởi trói cho Thái sư!” Tôi ra lệnh.

“Tránh xa ta ra!” Thái sư quát khi hai tên lính đang tới gần ông.

Tôi rút thanh kiếm bên hông tên lính và cắt đứt dây thừng.

“Bệ hạ!” Lý Đạo Thành giằng lấy thanh kiếm trong tay tôi.

“Thái sư!” Lý Thường Kiệt lao tới.

“Ta là kẻ mang trọng tội.” Thái sư khóc lóc kề thanh kiếm lên cổ mình. “Tội lỗi của ta là ủng hộ yêu hậu. Nay, ta chỉ có thể dùng cái chết để tạ tội!”

“Lý Đạo Thành tiếp chỉ!” Tôi hét lớn.

“Bệ hạ…”

“Tiếp chỉ!” Tôi quát.

Lý Đạo Thành và những người xung quanh đồng loạt quỳ xuống.

“Thánh Tông Hoàng đế ra đi, giao lại ấu chúa và giang sơn cho Thái sư và Thái úy. Hai vị như tay phải và tay trái của trẫm. Thảo Đường Quốc sư vừa viên tịch. Nay lại mất đi một trong hai vị, làm sao trẫm có thể giữ được giang sơn của nhất tổ nhị tông!?”

“Bệ hạ…” Lý Đạo Thành khóc.

“Truyền ý chỉ của trẫm, tội của Thái sư Lý Đạo Thành là tin theo kẻ gian, nay phải tiếp tục dốc hết sức lực, vì Đại Việt cống hiến hơn nữa để chuộc tội!”

“Bệ hạ…” Lý Đạo Thành khóc như một đứa trẻ. Bây giờ nhớ lại, tôi lại thấy ông ta mít ướt thực sự. Có lẽ là bệnh mau nước mắt của người già.



“Sao ạ?” Tôi nhìn mẹ tôi với ánh mắt nghiêm trọng. “Lưu đày?”

“Không phải lưu đày.” Mẹ tôi vừa xem tấu chương vừa trả lời tôi. “Chính Thái sư đề nghị xin được đi đấy chứ. Hơn nữa, vốn dĩ ông ta đang đi rồi, chỉ là bệ hạ gọi ông ta về thôi.”

Lý Đạo Thành đã xin ra Nghệ An, đất cũ của Dương Đức Uy. Suốt nhiều năm bất ổn vì họ Dương nên cần chỉnh đốn lại. Xong việc sẽ hồi triều.

“Ông ấy xin giáng chức xuống Tả gián nghị đại phu.” Mẹ tôi nhìn tôi. “Không những thế, ông ấy còn đem theo cả vị hiệu của tiên đế để thờ phụng.”

“Nhưng, đem theo vị hiệu của phụ hoàng…”

“Đáng ra là không được.” Mẹ tôi giải thích. “Đường đường là Hoàng đế, sao có thể được thờ trong nhà của bề tôi. Nhưng ông ấy đã có lòng, thôi thì lần này ta sẽ nhắm mắt cho qua.”

Mẹ tôi thở dài và dãn mặt ra.

“Mẹ…”

“Nhân đây thì, bệ hạ à,” Mẹ tôi lại nghiêm nét mặt nhìn tôi. “bệ hạ có biết sắp sửa có chuyện gì hay không?”

“Chuyện… chuyện gì ạ?”

“Sứ thần nhà Tống sắp sang nước ta đấy.”
 
Top