“Lụa Nam Phương khắp Lục Tỉnh chỉ có một nơi dệt ra được, nhưng phải xem xem người ấy có vì ngươi mà dệt nên kiệt tác hay không."
Năm 1965, Thừa Thiên - Huế.
“Có những người vừa sinh ra đã được khát vọng trong mình đánh thức. Tuy nhiên cũng tồn tại một trường hợp đông đảo khác là dành cả cuộc đời để đi tìm ra khát vọng chân chính. Ha ha, tôi may mắn là loại người đầu tiên, từ nhỏ đã có niềm đam mê bất tận với cổ vật dẫu sinh sau đẻ muộn cả hằng thế kỷ. Đó cũng chính là lý do tôi tổ chức buổi triển lãm cổ vật hôm nay - 'Một thời để nhớ!"
Người chủ trì buổi lễ đang đứng trên bục gỗ phát biểu, anh ta mặc suit phẳng phiu sang trọng, cười khéo léo rồi nói tiếp: “Buổi triển lãm hôm nay chủ yếu là mời bạn bè thân mật cũng như những người cùng chung khát vọng với tôi. Hy vọng giá trị nghệ thuật nó mang lại vượt lên trên cả sự phong hóa của thời gian, giúp mọi người quay ngược quá khứ, cùng nhìn về thời đại nghệ thuật huy hoàng của thế hệ trước!"
Tiếng vỗ tay rộn rã vang lên sau khi anh ta dứt lời, người nghe tất nhiên là phấn khích và cảm động không ngừng.
Quả thật đây là buổi triển lãm rất kỳ công, những cổ vật có giá trị nghệ thuật lên đến hàng ngàn niên đại từ triều Đinh, Lý, Trần, cho đến triều Nguyễn... dường như đều có mặt, chưa kể đây là những món lưu hành trong nội cung xưa, không phải là hàng dân gian chợ trời.
Duy Linh huýt tay Thanh Thế, thấy hắn mịt mờ thì cậu giải thích: “Nơi đây toàn là bảo vật đấy, cậu xem, con Kim Thiềm khắc bằng ngọc phỉ thúy này tồn tại ít nhất là năm trăm năm."
“Kể cả bức hoành viết theo phong cách chữ Khải kia cũng là do một nhà nho có tiếng dưới thời nhà Lê đề nên."
Những thứ này đều được anh Trọng kỳ công sưu tầm. Cha của anh ta là một thương nhân buôn đồ cổ có tiếng, từ bé được tiếp xúc với nhiều thứ quý giá, chỉ riêng về điểm này đã khiến không ít người xuýt xoa ngưỡng mộ.
Đối với một người say mê nét đẹp văn hóa truyền thống như Thanh Thế, nơi này không khác gì thiên đường trên mặt đất.
Âm nhạc nổi lên, Thanh Thế lắng tai một chút đã nghe được tiếng đàn bình dị chân chất, trong cổ điển pha chút mới mẻ của thời cuộc. Cuộc triển lãm chính thức được bắt đầu!
Lọ gốm thời nhà Hậu Lê, chum vại được điêu khắc tinh tế, cái bàn máy may thủ công thô sơ, những bức hoành vẽ chữ như phượng múa rồng bay, những bức danh họa thành Nam đất Bắc, đồng hồ gỗ sưa...
Những thứ này tùy tay cầm một món cũng có thể đem bối phận và tuổi tác của nó dọa cho người ta sợ hết hồn.
Thoáng chốc Thanh Thế như lạc vào trong thế giới mỹ miều hoài cổ, ánh mắt hắn phát sáng cần thận ngắm nhìn những đường nét sắc sảo, đến mức thở cũng nhẹ cũng khẽ, có phần kính cần, không dám.
Hắn cầm máy ảnh luôn đeo bên cổ đặt lên trước mắt, chụp lại bức tranh Giang Sơn Đồ dài hơn sải tay người mà hắn nán lại ngắm đã hơn một tiếng đồng hồ.
Đột nhiên nghe được tiếng người chen vào: “Nơi này vốn dĩ là không cho chụp ảnh."
Thanh Thế hạ máy ảnh xuống, nhìn thấy Trọng đang đứng cười khúc khích, sắc mặt đầy tự hào thiếu điều gióng trống khua chiêng.
Thấy Thế căng thẳng, Trọng tiếp lời: “Nhưng tôi nghĩ những kiệt tác đáng tự hào như vậy phải càng nhiều người biết càng tốt, cho nên mới không đặt ra lệnh cấm nữa."
"Vô vị!" Duy Linh xụ mặt.
Vừa rồi cậu cũng đăm chiêu ngắm nghía bức tranh, đang thăng hoa thì bị giọng nói ồ ồ của Trọng làm cho giật mình, đến bây giờ tim còn đập mạnh. Thanh Thế tiếp tục chụp ảnh, từ chối cho ý kiến.
“Cậu vừa về đến Việt Nam là ngồi tàu ra Huế ngay đấy à?"
“Ừ, nhưng không phải vì nể mặt cậu, mà là vì nóng lòng muốn xem triển lãm."
Nghe Thế trả lời trần trụi cũng không làm Trọng thấy tổn thương, anh chỉ nhún vai một cái, xem như tính tình cậu bạn này chưa từng thay đổi.
Hứng thú của anh dần chuyển sang một chuyện khác: “Các cậu đúng là có mắt nhìn lắm, bức Giang Sơn Đồ niên đại không lâu, chiều dài một thước, rộng bốn tấc, được một danh họa nhà họ Võ dưới triều Nguyễn tự tay gia công, chủ yếu khắc họa mong muốn về một lãnh thổ thái bình thịnh thế, đèn đuốc trăm ngả. Chất liệu bằng lụa quý cộng thêm vẽ bằng loại mực thượng hạng nên bảo tồn được lâu, đến hiện tại vẫn còn gìn giữ được vẻ đẹp của nó."
Bên trên bức tranh có họa núi non trùng điệp đan vào trong mây, cây cỏ xanh tốt như có hồn, ruộng nương vườn tược vàng ươm có người chăm bón, về phần cổng chợ tấp nập đông đảo nông dân thương lái, nhìn tranh mà có thể thấy được lòng mình yên ả, Thanh Thế cho rằng 'bách lý cơ đồ', 'thái bình thịnh thế' không ở đâu xa mà được tả trọn vẹn hết trong bức tranh trước mắt này.
Vừa nhìn đã biết nó không phải là tục vật, thậm chí so với danh lam thắng cảnh hắn từng đi qua, trông còn hùng vĩ bát ngát hơn trăm nghìn lần.
“Tôi thậm chí có thể hít thở được không khí bình dị bên trong tranh." Thanh Thế bất giác cảm thán.
“Có điều nhà Nguyễn là thời đại nhiều biến động, hễ ai nghiên cứu sâu xa về lịch sử thì đều biết. Ý đồ của bức tranh âu cũng thể hiện nỗi mong muốn của tác giả trước một giai đoạn nhiều biến động."
Ba người khó kìm nén được tiếng cảm thán điêu tàn mà khắc khoải.
Nếu như họ sinh sớm trăm năm đã có thể hữu duyên chứng kiến giang sơn xã tắc năm ấy, bây giờ vương triều suy thoái, vật đổi sao dời, thứ còn lại cũng chỉ là những di tích vang bóng của thời đại phong kiến đã đi qua.
Dường như thứ gì sinh ra bên trong tạo hóa đều không thoát được một đường sinh mệnh hữu hạn. Tồn hoặc vong, khởi hoặc tàn, bao nhiêu gấm hoa bao nhiêu huy hoàng đều không chịu nổi một tiếng thở dài của thời gian.
Cũng chỉ có thưởng thức cổ vật mới có thể thông qua đó nhìn thấy nét đẹp văn hóa tiềm tàng dù cách xa hơn trăm nghìn năm tuổi. Bọn họ tuy cùng là thiếu gia nhà giàu, được đưa đi du học tiếp nhận giáo dục phương Tây từ bé nhưng chưa có lúc nào quên được cội nguồn giàu bản sắc dân tộc.
Suy cho cùng, lý do họ yêu và sưu tầm cổ vật cũng là vì yêu nước và có lòng tự tôn dân tộc cực kỳ cao.
Ba người chụm đầu ngâm cứu bức tranh này thật lâu đã thu hút không ít sự chú ý của mọi người gần đó. Họ cũng bắt đầu vây quanh thảo luận một hồi.
Có một người đàn ông mặc vest đen giày da, so với những người ở đây thì ông có vẻ rất am hiểu nghệ thuật, ông ta đánh giá bức tranh kỹ càng rồi bỗng ồ lên một tiếng: “Bức Giang Sơn Đồ do cụ Võ Diên vẽ đây mà?! Đã từ lâu giới sưu tầm cứ cho rằng nó bị thất lạc khi Pháp đến, nào ngờ nó vẫn nguyên vẹn nằm ở chốn đây! Quả là danh bất hư truyền!"
"Ông chắc chứ, bức này tôi có đọc qua trong sách vở, thời gian cũng ngót nghét trăm năm, chưa kể lưu lạc khắp nơi thì khó mà nguyên vẹn như thế này được. Ông làm sao chắc chắn là hàng thật?"
Một người phụ nữ trung niên đẩy vai Thế một khoảng để đủ chen vào trong, bà rọi cái kính lúp lên trên bề mặt bức tranh nhưng không thu được thành quả gì, hàm ý câu nói đang nghi ngờ bức tranh là đồ nhái.
“Quả thật là có không ít đồ giả, năm xưa đi buôn ở đồng bằng tôi cũng từng thấy một bức Giang Sơn Đồ, nhưng mà hàng giả thì làm sao tinh tế hẳn hoi như hàng thật được? Nhìn bức tranh này tất nhiên không phải đồ giả."
“Cũng đâu có gì chắc chắn!"
Nhìn người hai người nảy lửa tranh cãi thứ mình sưu tầm là đồ thật hay giả, Trọng hơi rầu rĩ, anh không thể hiện ra mặt mà chỉ can gián vài câu, tuy nhiên họ tranh cãi nảy lửa nên không ai nghe anh nói nửa lời.
Linh và Thế khoanh tay đứng bên cạnh một cách vô can.
Đột nhiên một người nữa tiến lên phía trước, mỉm cười thần bí, giọng nói đủ làm cho những người có mặt kinh ngạc: “Lụa Nam Phương khắp Lục Tỉnh chỉ có một nơi dệt ra được, nhưng phải xem xem người ấy có vì ngươi mà dệt nên kiệt tác hay không."
Câu nói bất thình lình ấy như một đoạn nhạc cao trào, thu hút sự chú ý của hai người đang tranh cãi, thậm chí tất cả mọi người đều đồng loạt hướng ánh mắt tràn ngập hứng thú về phía người cất lời.
Anh ta tầm hơn ba mươi, ăn mặc xuề xòa, để râu dài tóc dài mang hơi thở lập dị, tổng thể cả người toát lên vẻ học thức uyên thâm, không thể xem nhẹ.
Anh ta đầy kính mắt, nói tiếp: “Theo thông tin ít ỏi được ghi chép lại thì bức Giang Sơn Đồ dệt từ lụa Nam Phương trứ danh Lục tỉnh thời bấy giờ. Tôi đã có dịp sờ tận tay loại lụa này một lần, nếu như được tận tay sờ xem chất liệu bức tranh trước mặt, tôi có thể khẳng định nó là hàng giả hay thật!"
Chú thích:
*1 tấc = 10cm
1 thước = 1m
**Thông tin tấm lụa trên đều là hư cấu dựa trên tưởng tượng của tác giả!