Lượt xem của khách bị giới hạn

[Đam mỹ] Ẩn Trong Hồn Lụa Mảnh Tình Nam Phương - Ngọc Bắc Khanh

[Đam mỹ] Ẩn Trong Hồn Lụa Mảnh Tình Nam Phương - Ngọc Bắc Khanh
Tham gia
21/8/23
Bài viết
2
Điểm cảm xúc
7
Điểm
1
Ẩn Trong Hồn Lụa Mảnh Tình Nam Phương

An_trong_hon_lua_manh_tinh_Nam_Phuong_1690364561.png

Tác giả: Ngọc Bắc Khanh
Thể loại: Tình cảm lãng mạn, Đam mỹ, Tiểu thuyết Hoài niệm Hiện thực, Truyện sáng tác, Tâm lý - Xã hội...
Tình trạng: Hoàn thành
Số chương: 170
[Chú ý] Các tình tiết trong chương là trí tưởng tượng của tác giả không liên quan đến bất kì một sự kiện, nhân vật đời thực nào. Mọi sự trùng hợp nếu có đều chỉ là ngẫu nhiên.
Tóm tắt:
Thanh Thế lặng lẽ kéo tay anh, đôi mắt hẹp dài phản chiếu sự kích động, giống như vòng xoáy vô hạn. Thời khắc hai con ngươi chạm nhau, khó phát giác trái tim Thuận khẩn trương đến lạ kỳ.

“Anh nên hiểu rằng người nghệ nhân chân chính vẫn sẽ bước tiếp trên con đường của riêng mình, bất kỳ ai quay lưng đều không quan trọng nữa, chỉ cần anh ta biết còn một người mong đợi tác phẩm của anh ta. Có người mong chờ thì anh ta còn có lý do để bền bỉ cống hiến.”

“Anh Thuận, nếu anh không tìm được lý do để dệt lụa thì hãy để tôi - để tôi được vinh dự trở thành lý do của anh.”

Đời hắn chỉ có hai lần đem danh dự và trái tim mình ra thề thốt. Lần đầu tiên chính là hôm nay, lần thứ hai là nhiều năm sau này, hắn nghiêm trang đọc lời thề dưới lá cờ linh thiêng của tổ quốc.

Hắn nói một cách trang trọng khiến Văn Thuận hiểu rõ hàm ý bên trong.

Những tưởng anh sẽ già cỗi và không bao giờ tìm được một người có tâm hồn đồng điệu, trong khi anh mịt mù mặc sức cho định mệnh xô đẩy, hắn cứ thể xuất hiện và cầm đuốc, dắt tay anh, bảo anh ‘đi hướng này sẽ thấy được bình minh’.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

trucxinh0505

Xóm nhỏ phố núi
Thành viên BQT
Administrator
Chuyển ngữ
Tác giả
Tham gia
14/4/19
Bài viết
15,130
Điểm cảm xúc
5,890
Điểm
113
Chương 01: Một thời để nhớ
“Lụa Nam Phương khắp Lục Tỉnh chỉ có một nơi dệt ra được, nhưng phải xem xem người ấy có vì ngươi mà dệt nên kiệt tác hay không."

Năm 1965, Thừa Thiên - Huế.

“Có những người vừa sinh ra đã được khát vọng trong mình đánh thức. Tuy nhiên cũng tồn tại một trường hợp đông đảo khác là dành cả cuộc đời để đi tìm ra khát vọng chân chính. Ha ha, tôi may mắn là loại người đầu tiên, từ nhỏ đã có niềm đam mê bất tận với cổ vật dẫu sinh sau đẻ muộn cả hằng thế kỷ. Đó cũng chính là lý do tôi tổ chức buổi triển lãm cổ vật hôm nay - 'Một thời để nhớ!"

Người chủ trì buổi lễ đang đứng trên bục gỗ phát biểu, anh ta mặc suit phẳng phiu sang trọng, cười khéo léo rồi nói tiếp: “Buổi triển lãm hôm nay chủ yếu là mời bạn bè thân mật cũng như những người cùng chung khát vọng với tôi. Hy vọng giá trị nghệ thuật nó mang lại vượt lên trên cả sự phong hóa của thời gian, giúp mọi người quay ngược quá khứ, cùng nhìn về thời đại nghệ thuật huy hoàng của thế hệ trước!"

Tiếng vỗ tay rộn rã vang lên sau khi anh ta dứt lời, người nghe tất nhiên là phấn khích và cảm động không ngừng.

Quả thật đây là buổi triển lãm rất kỳ công, những cổ vật có giá trị nghệ thuật lên đến hàng ngàn niên đại từ triều Đinh, Lý, Trần, cho đến triều Nguyễn... dường như đều có mặt, chưa kể đây là những món lưu hành trong nội cung xưa, không phải là hàng dân gian chợ trời.

Duy Linh huýt tay Thanh Thế, thấy hắn mịt mờ thì cậu giải thích: “Nơi đây toàn là bảo vật đấy, cậu xem, con Kim Thiềm khắc bằng ngọc phỉ thúy này tồn tại ít nhất là năm trăm năm."

“Kể cả bức hoành viết theo phong cách chữ Khải kia cũng là do một nhà nho có tiếng dưới thời nhà Lê đề nên."

Những thứ này đều được anh Trọng kỳ công sưu tầm. Cha của anh ta là một thương nhân buôn đồ cổ có tiếng, từ bé được tiếp xúc với nhiều thứ quý giá, chỉ riêng về điểm này đã khiến không ít người xuýt xoa ngưỡng mộ.

Đối với một người say mê nét đẹp văn hóa truyền thống như Thanh Thế, nơi này không khác gì thiên đường trên mặt đất.

Âm nhạc nổi lên, Thanh Thế lắng tai một chút đã nghe được tiếng đàn bình dị chân chất, trong cổ điển pha chút mới mẻ của thời cuộc. Cuộc triển lãm chính thức được bắt đầu!

Lọ gốm thời nhà Hậu Lê, chum vại được điêu khắc tinh tế, cái bàn máy may thủ công thô sơ, những bức hoành vẽ chữ như phượng múa rồng bay, những bức danh họa thành Nam đất Bắc, đồng hồ gỗ sưa...

Những thứ này tùy tay cầm một món cũng có thể đem bối phận và tuổi tác của nó dọa cho người ta sợ hết hồn.

Thoáng chốc Thanh Thế như lạc vào trong thế giới mỹ miều hoài cổ, ánh mắt hắn phát sáng cần thận ngắm nhìn những đường nét sắc sảo, đến mức thở cũng nhẹ cũng khẽ, có phần kính cần, không dám.

Hắn cầm máy ảnh luôn đeo bên cổ đặt lên trước mắt, chụp lại bức tranh Giang Sơn Đồ dài hơn sải tay người mà hắn nán lại ngắm đã hơn một tiếng đồng hồ.

Đột nhiên nghe được tiếng người chen vào: “Nơi này vốn dĩ là không cho chụp ảnh."

Thanh Thế hạ máy ảnh xuống, nhìn thấy Trọng đang đứng cười khúc khích, sắc mặt đầy tự hào thiếu điều gióng trống khua chiêng.

Thấy Thế căng thẳng, Trọng tiếp lời: “Nhưng tôi nghĩ những kiệt tác đáng tự hào như vậy phải càng nhiều người biết càng tốt, cho nên mới không đặt ra lệnh cấm nữa."

"Vô vị!" Duy Linh xụ mặt.

Vừa rồi cậu cũng đăm chiêu ngắm nghía bức tranh, đang thăng hoa thì bị giọng nói ồ ồ của Trọng làm cho giật mình, đến bây giờ tim còn đập mạnh. Thanh Thế tiếp tục chụp ảnh, từ chối cho ý kiến.

“Cậu vừa về đến Việt Nam là ngồi tàu ra Huế ngay đấy à?"

“Ừ, nhưng không phải vì nể mặt cậu, mà là vì nóng lòng muốn xem triển lãm."

Nghe Thế trả lời trần trụi cũng không làm Trọng thấy tổn thương, anh chỉ nhún vai một cái, xem như tính tình cậu bạn này chưa từng thay đổi.

Hứng thú của anh dần chuyển sang một chuyện khác: “Các cậu đúng là có mắt nhìn lắm, bức Giang Sơn Đồ niên đại không lâu, chiều dài một thước, rộng bốn tấc, được một danh họa nhà họ Võ dưới triều Nguyễn tự tay gia công, chủ yếu khắc họa mong muốn về một lãnh thổ thái bình thịnh thế, đèn đuốc trăm ngả. Chất liệu bằng lụa quý cộng thêm vẽ bằng loại mực thượng hạng nên bảo tồn được lâu, đến hiện tại vẫn còn gìn giữ được vẻ đẹp của nó."

Bên trên bức tranh có họa núi non trùng điệp đan vào trong mây, cây cỏ xanh tốt như có hồn, ruộng nương vườn tược vàng ươm có người chăm bón, về phần cổng chợ tấp nập đông đảo nông dân thương lái, nhìn tranh mà có thể thấy được lòng mình yên ả, Thanh Thế cho rằng 'bách lý cơ đồ', 'thái bình thịnh thế' không ở đâu xa mà được tả trọn vẹn hết trong bức tranh trước mắt này.

Vừa nhìn đã biết nó không phải là tục vật, thậm chí so với danh lam thắng cảnh hắn từng đi qua, trông còn hùng vĩ bát ngát hơn trăm nghìn lần.

“Tôi thậm chí có thể hít thở được không khí bình dị bên trong tranh." Thanh Thế bất giác cảm thán.

“Có điều nhà Nguyễn là thời đại nhiều biến động, hễ ai nghiên cứu sâu xa về lịch sử thì đều biết. Ý đồ của bức tranh âu cũng thể hiện nỗi mong muốn của tác giả trước một giai đoạn nhiều biến động."

Ba người khó kìm nén được tiếng cảm thán điêu tàn mà khắc khoải.

Nếu như họ sinh sớm trăm năm đã có thể hữu duyên chứng kiến giang sơn xã tắc năm ấy, bây giờ vương triều suy thoái, vật đổi sao dời, thứ còn lại cũng chỉ là những di tích vang bóng của thời đại phong kiến đã đi qua.

Dường như thứ gì sinh ra bên trong tạo hóa đều không thoát được một đường sinh mệnh hữu hạn. Tồn hoặc vong, khởi hoặc tàn, bao nhiêu gấm hoa bao nhiêu huy hoàng đều không chịu nổi một tiếng thở dài của thời gian.

Cũng chỉ có thưởng thức cổ vật mới có thể thông qua đó nhìn thấy nét đẹp văn hóa tiềm tàng dù cách xa hơn trăm nghìn năm tuổi. Bọn họ tuy cùng là thiếu gia nhà giàu, được đưa đi du học tiếp nhận giáo dục phương Tây từ bé nhưng chưa có lúc nào quên được cội nguồn giàu bản sắc dân tộc.

Suy cho cùng, lý do họ yêu và sưu tầm cổ vật cũng là vì yêu nước và có lòng tự tôn dân tộc cực kỳ cao.

Ba người chụm đầu ngâm cứu bức tranh này thật lâu đã thu hút không ít sự chú ý của mọi người gần đó. Họ cũng bắt đầu vây quanh thảo luận một hồi.

Có một người đàn ông mặc vest đen giày da, so với những người ở đây thì ông có vẻ rất am hiểu nghệ thuật, ông ta đánh giá bức tranh kỹ càng rồi bỗng ồ lên một tiếng: “Bức Giang Sơn Đồ do cụ Võ Diên vẽ đây mà?! Đã từ lâu giới sưu tầm cứ cho rằng nó bị thất lạc khi Pháp đến, nào ngờ nó vẫn nguyên vẹn nằm ở chốn đây! Quả là danh bất hư truyền!"

"Ông chắc chứ, bức này tôi có đọc qua trong sách vở, thời gian cũng ngót nghét trăm năm, chưa kể lưu lạc khắp nơi thì khó mà nguyên vẹn như thế này được. Ông làm sao chắc chắn là hàng thật?"

Một người phụ nữ trung niên đẩy vai Thế một khoảng để đủ chen vào trong, bà rọi cái kính lúp lên trên bề mặt bức tranh nhưng không thu được thành quả gì, hàm ý câu nói đang nghi ngờ bức tranh là đồ nhái.

“Quả thật là có không ít đồ giả, năm xưa đi buôn ở đồng bằng tôi cũng từng thấy một bức Giang Sơn Đồ, nhưng mà hàng giả thì làm sao tinh tế hẳn hoi như hàng thật được? Nhìn bức tranh này tất nhiên không phải đồ giả."

“Cũng đâu có gì chắc chắn!"

Nhìn người hai người nảy lửa tranh cãi thứ mình sưu tầm là đồ thật hay giả, Trọng hơi rầu rĩ, anh không thể hiện ra mặt mà chỉ can gián vài câu, tuy nhiên họ tranh cãi nảy lửa nên không ai nghe anh nói nửa lời.

Linh và Thế khoanh tay đứng bên cạnh một cách vô can.

Đột nhiên một người nữa tiến lên phía trước, mỉm cười thần bí, giọng nói đủ làm cho những người có mặt kinh ngạc: “Lụa Nam Phương khắp Lục Tỉnh chỉ có một nơi dệt ra được, nhưng phải xem xem người ấy có vì ngươi mà dệt nên kiệt tác hay không."

Câu nói bất thình lình ấy như một đoạn nhạc cao trào, thu hút sự chú ý của hai người đang tranh cãi, thậm chí tất cả mọi người đều đồng loạt hướng ánh mắt tràn ngập hứng thú về phía người cất lời.

Anh ta tầm hơn ba mươi, ăn mặc xuề xòa, để râu dài tóc dài mang hơi thở lập dị, tổng thể cả người toát lên vẻ học thức uyên thâm, không thể xem nhẹ.

Anh ta đầy kính mắt, nói tiếp: “Theo thông tin ít ỏi được ghi chép lại thì bức Giang Sơn Đồ dệt từ lụa Nam Phương trứ danh Lục tỉnh thời bấy giờ. Tôi đã có dịp sờ tận tay loại lụa này một lần, nếu như được tận tay sờ xem chất liệu bức tranh trước mặt, tôi có thể khẳng định nó là hàng giả hay thật!"

Chú thích:

*1 tấc = 10cm

1 thước = 1m

**Thông tin tấm lụa trên đều là hư cấu dựa trên tưởng tượng của tác giả!
Truyện đã được xuất bản, độc giả yêu thích, xin mua sách ủng hộ độc giả :cuteonion32:
 

trucxinh0505

Xóm nhỏ phố núi
Thành viên BQT
Administrator
Chuyển ngữ
Tác giả
Tham gia
14/4/19
Bài viết
15,130
Điểm cảm xúc
5,890
Điểm
113
Chương 02: Lụa Nam Phương
"Trời ơi..."

Nghe anh ta muốn kiểm chứng, Trọng ngay lập tức muốn nói họ không cần phải làm vậy bởi vì những cổ vật ở đây đều đã được anh tuyển chọn công phu thông qua nhiều khâu. Nó là tài sản anh bõ công mua về, đương nhiên không thể mua phải hàng nhái được, nhỡ lỗ thì biết khóc lóc bắt đền ai?

Chưa kể bức tranh niêm phong hoàn mỹ trong khung để giữ gìn chất liệu vốn có của nó, không phải muốn mở là mở.

Một bức tranh đột nhiên dấy lên hồi thị phi, đúng là cảnh không ai ngờ tới. Trọng nghi ngờ mấy người này muốn tới gây sự với anh đây mà.

Có người không nhịn được nên chen vào: "Cậu Trọng, tôi thấy đa số người ở đây đều là dân sành nghệ thuật, chủ yếu là họ bày trò để được thấy tận mắt, sờ tận tay chất lụa chứ không phải là không tin cậu. Danh tiếng của bức tranh này không nhỏ, chúng tôi không phải nghi kị gì cậu đâu, chủ yếu là muốn chiêm ngưỡng thôi."

Rõ ràng rằng, dòng lụa Nam Phương đã thất truyền hơn nửa thế kỷ nay, đã từ rất lâu truyền nhân nhà họ Võ không còn xuất hiện công khai trước công chúng, họ lựa chọn lối sống ẩn dật như những kẻ tu sĩ, kể cả lụa cũng ngừng dệt.

Số lụa còn sót lại hiếm đến thảm thương, nghĩ về thời kỳ thịnh vượng của lụa Nam Phương và những cột mốc huy hoàng mà tên tuổi nó đạt được trong quá khứ, không ai không nén nỗi tiếc nuối.

Năm xưa cũng chỉ bậc vua chúa trong cung mới có vinh hạnh dùng chất lụa này khoác lên mình, cho nên người từng có cơ may sờ vào nó ngoại trừ hoàng thân quốc thích ra còn lại là những thương nhân phú hào giàu nứt đố đổ vách.

Thấy tất cả mọi người đều dùng ánh mắt lấp lánh mong đợi nhìn mình, Trọng rất khó xử. Anh không nỡ đem bức tranh phơi ra ngoài không khí cho người khác mỗ xẻ, nhưng tình hình thế này, không mở ra là không xong với bọn họ.

Lúc xoay người anh bất giác nhìn Thanh Thế một cái cầu cứu, gương mặt vốn lạnh nhạt của Thế hơi giãn ra, hắn ôn tồn: "Nếu có hư tổn gì, tôi chịu bảy, anh chịu ba."

Lời của hắn rất có trọng lượng, cũng đáng tin nhất.

"Hào phóng quá!"

"Cậu đúng là người tốt mà!"

Tất cả mọi người không tiếc lời cảm kích nhìn hắn, cổ vật trước mặt chỉ cách có vài bước, được sờ tận tay là cơ duyên không phải muốn cầu là được. Nhờ có sự bảo hộ của hắn mà Trọng an tâm hơn phần nào, to gan lớn mật cho chuyên gia đến tháo dỡ khung kính ra.

"Tuyệt quá!"

“Mềm mịn như tơ, bề mặt trơn nhẵn nhưng không quá bóng bẩy, không quá mỏng nhưng không thể tính là dày. Thứ này may thành trang phục mặc vào sẽ vừa tôn lên nét trang nhã vừa thoát tục, đông ấm hạ mát, thảo nào có tiếng đến như vậy.” Người phụ nữ trầm trồ thốt ra một câu.

"Qua trăm năm rồi mà vẫn giữ được đặc tính vốn có của lụa. Tôi đúng là không còn gì phải bình phẩm thêm. Hôm nay được sờ tận tay nhìn tận mắt lụa Nam Phương cũng xem như sống trên đời không uổng phí, đều là phải cảm ơn hai chàng trai này đây." Người đàn ông mặc suit cẩn thận nghiêng mình.

Dường như Thanh Thế không còn nghe xung quanh người ta đàm thoại cái gì, hắn còn chưa thoát khỏi cảm xúc bồi hồi trong ngực. Nơi ngón tay chạm vào thở lụa còn toát lên xúc cảm mềm mại như chạm vào mây, tưởng chừng chúng có thể hòa tan ra bất kỳ lúc nào vậy.

Không thể nào rời mắt.

Giai điệu cổ điển đương còn vang vọng trong gian phòng màu vàng ấm, người ta xôn xao bức tranh một chập rồi cũng đường ai nấy đi, họ ghé đông ghé tây xem những cổ vật khác.

Duy chỉ có một người kiên trì lẳng lặng đứng nhìn bức tranh, sườn mặt nghiêm nghị hiếm khi giãn gia, hai hàng lông mày cũng không cau có nữa.

“Bàn tay như thế nào mới có thể tạo ra một kiệt tác như vậy chứ?" Hắn lầm bầm.

“Này, cậu cả, cậu làm sao vậy?"

“Cậu không thấy tôi ngắm tranh sao?"

Duy Linh biết món bảo vật này đã rơi vào tầm mắt của cậu cả nhà ông Thống đốc rồi cho nên cười khanh khách, hàm ý khuyên nhủ: “Cậu tỏ ra yêu thích lộ liễu như vậy thì ông Trọng sẽ hô cái giá trên trời cho coi. Mua thì có thể thôi, nhưng mà giá chát lắm, phí của!"

Ai lường đâu Thanh Thế nhíu mày, nhìn cậu một cách quái đản: “Ai bảo tôi muốn mua?"

“Cái đẹp chỉ đúng nghĩa khi được đặt ở nơi nó nên thuộc về. Nếu đem bức tranh về nhà treo mà chẳng ai thưởng thức được thì chẳng phải chôn vùi giá trị của nó à?"

Hắn tự hiểu mình nhất, đầu tiên là ương ngạnh, thứ hai là chiếm hữu, chưa bao giờ để thứ mình thích tuột khỏi bàn tay.

Tuy nhiên đối với nghệ thuật thì khác, tấm lòng của người yêu cái đẹp nằm ở việc nhận thức và chiêm ngưỡng chứ không nên chiếm hữu cho riêng mình.

Đó chính là nguyên tắc hắn tự đặt ra.

Đặt vào trường hợp của bức Giang Sơn Đồ trên, nếu đem về dinh thự nhà hắn để treo thì không ai đoái hoài đến nó, thậm chí còn lầm tưởng nó là một bức vẽ xoàng sĩnh xáo rỗng ấy chứ. Nó chỉ có thể tẩm ngầm tầm ngầm đìu hiu héo mòn đi theo thời gian.

Còn khi được đặt ở triển lãm nó sẽ vinh dự được người ta chiêm ngưỡng và ngợi ca nức nở, cái đẹp giống như đâm chồi phát tán theo gió mùa, sẽ càng ngày càng có nhiều người biết rằng tồn tại một kiệt tác như thế, bất hủ theo thời gian như thế.

Duy Linh và cả Trọng khó nén kinh ngạc mà chằm chằm nhìn vào Thế. Không biết cậu cả ngang ngạnh năm xưa từ khi nào tính nết đã đổi.

Chốc chốc, chỉ thấy Thế hít sâu rồi thở dài một hơi, giọng trầm ngâm như ngậm ngọc: “So với kiệt tác thì tôi quan tâm đến nghệ nhân hơn, thật muốn xem xem truyền nhân họ Võ là bộ dạng như thế nào, vì sao không tiếp nối truyền thống lâu đời của đại gia tộc.”

Trọng kích động quá mức, hỏi gặng: “Cậu muốn làm gì?"

Nghe cách nói này của hắn thì chắc mầm là muốn đi Nam Kỳ tìm nhà họ Võ rồi. Trọng biết người bạn này không có gì ngoài tiền tài và quyền thế, nhưng mà lặn lội đường xa để tìm một người mình không quen biết, thậm chí còn không rành người ta ở đâu thì có vô công rỗi nghề quá chăng?

Ánh mắt Thế sáng ngời, so với những ngôi sao ngoài đêm còn có phần rực rỡ sắc sảo hơn.

“Tôi sẽ đem một tấm lụa Nam Phương trở về."

Trọng há hốc mồm, Linh so với Trọng còn há mồm to hơn.

Trọng không tình nguyện đạp đồ lý tưởng của bạn mình, nhưng có một số chuyện không nói không được: “Cậu làm tôi bất ngờ đấy! Nói sao đây nhỉ, cậu đừng buồn chứ tôi nghe đồn nhà họ Võ nay không bằng xưa, càng ngày càng suy thoái, nhân mạch đã đứt đoạn từ vài đời trước rồi. Hiện tại còn có một người nối dõi duy nhất nhưng anh ta bệnh hoạn quấn thân đang chờ ngày chết, còn tha thiết gì đâu mà dệt vải cho cậu?"

Thảm như vậy thật sao?

Thanh Thế đi du học nhiều năm nên tin tức trong nước dĩ nhiên không nhạy bằng con buôn như Trọng. Có điều những thứ hắn đã quyết định thì khó mà rút lại.

Thế giắt hai tay sau lưng, thong thả mở cái miệng cao quý: “Thực hư thế nào, đến nơi là biết."

Trên đời thật sự tồn tại cái gọi là cơ duyên, giống như việc hắn về nước đúng dịp triển lãm của Trọng, giống như việc hẳn không am hiểu tranh và lụa nhưng lại bị Giang Sơn Đồ thu hút.

Một quyết định chóng vánh dẫn đến cuộc hội ngộ ngoài ý muốn sau này...

Ngay thời khắc ngồi trên chuyến tàu Thống Nhất xình xịch băng qua thung lũng vào buổi đêm, Thế ngẩn ngơ nhìn những đốm vàng phát quang bên ngoài ô cửa.

Cảnh vật không ngừng ùa vào mắt như lật từng bức tranh kinh diễm, bỗng có một con đom đóm nhỏ chạy đua với tốc độ đoàn tàu va vào cửa kính trước mặt hắn. Thoáng một cái, ánh sáng vàng đương độ rực rỡ nhanh chóng tàn lụi, chỉ còn lại màn đêm vô tận.
 

trucxinh0505

Xóm nhỏ phố núi
Thành viên BQT
Administrator
Chuyển ngữ
Tác giả
Tham gia
14/4/19
Bài viết
15,130
Điểm cảm xúc
5,890
Điểm
113
Chương 03: Đóng cửa không tiếp
Cái tên Lục tỉnh Nam Kỳ đã hình thành từ thuở xa xưa, đâu đó ở năm Minh Mạng thứ 13 khi vua ban chiếu bãi bỏ Thành Gia Định, chia năm trấn của Gia Định Thành làm sáu tỉnh, trong đó có Định Tường*.

Vùng đất o mình dưỡng ra bao lớp người tài cho đất nước, hun đúc ra hàng lớp sĩ phu, binh tráng đứng dậy đồng lòng dưới lá cờ thiêng liêng của tổ quốc, kiên quyết chống Mỹ chống Pháp đi vào lịch sử với những lời ngợi ca vẻ vang.

Thanh Thế đã tìm hiểu rồi mới đặt chân đến Định Tường, nghe bảo đây chính là nơi mà gia tộc họ Võ bén rễ sinh sống. Hắn xuất thân là người Nam Kỳ nhưng quanh năm du học nước ngoài cho nên khá xa lạ với thông tin địa lý này.

Hắn trước tiên tới tận xưởng vải Nam Phương để đánh giá đôi chút. Đúng như lời Trọng nói, họ Võ không còn đặt tâm huyết vào nghề dệt nữa rồi.

Xưởng vải liêu xiêu đứng trên mảnh đất trống ngoác, lác đác đâu đó trên dưới sáu nhân công đi ra đi vào trông xưởng. Bước vào quang cảnh tiêu điều cũ kỹ, phế liệu thủ công ngồn ngang làm chỗ cho nhện và muỗi sinh sôi, chỉ có hai ba phân khúc dệt được giữ lại, còn bao nhiêu thì đã đóng bụi cũ mèm.

Hơi thở nặng nề và sự thật trần trụi không chút giấu giếm phô bày trước mắt Thế. Đâu ai trên đời có thể liên hệ nơi này với dòng lụa Nam Phương trứ danh được chứ, âu cũng chỉ là một thời vang bóng đã đi qua.

Thực tại tàn khốc ấy là minh chứng cho một câu nói: Vạn vật đều có thể đứng trên đỉnh vinh quang của cuộc đời nhưng không thể ở mãi trên đó.

Thanh Thế khó tránh khỏi cảm giác hụt hẫng. Hắn những tưởng thông qua chuyến đi này gặt hái không ít thứ, ai dè lại trắng tay còn hại lòng mình nặng nề và đau đáu buồn.

"Ông chủ của mấy người đâu?"

Thế giữ chân một nhân công lại, người trung niên đầu quấn dải lụa, áo đã sờn màu trông qua gầy gò, khắc khổ. Trong lúc Thế quan sát ông ta thì ông ta cũng đánh giá hắn, đa số người đến đây đều có chung loại tâm trạng như hắn, đó là tiếc.

“Cậu chủ sẽ không xuống xưởng đâu, cậu... là dân bên ngoài tới đây có đúng không? Nhìn vẻ mất mát trên mặt cậu là tôi biết."

Thế điều chỉnh lại cảm xúc, giấu đi nỗi mất mát trong mắt, cũng thầm khen ngợi cho sự tinh tế của người trung niên.

“Nói như vậy là trước đây đã có không ít người tìm tới à?"

“Không giấu gì cậu, cái danh lụa Nam Phương vẫn còn sức ảnh hưởng cho đến ngày nay. Khách Tây khách ta đều đổ dồn về đây hỏi thăm, thậm chí có người lặn lội từ Trung Quốc xuống tìm mua lụa, cuối cùng ai cũng tay trắng ra về. Cậu nhà chúng tôi đã ngưng dệt lụa quý rồi, nhân công cũng giải tán hết, chỉ để lại vài người trung thành như chúng tôi duy trì hơi tàn cho nhà xưởng."

Thanh Thế chưa từng gặp mặt cậu chủ nhà họ Võ nhưng mà nỗi tò mò đã nhân lên một con số khổng lồ. Không biết cậu ta là ai mà tiền đồ mờ mịt như thế, đến cả lý tưởng của gia tộc cũng không màng, nói đóng cửa là đóng cửa, nếu tổ tiên họ Võ mà biết thì giận đến mức quật mộ ngồi dậy mất.

Danh tiếng gầy dựng trăm năm nói bỏ là bỏ, ở đằng sau là sự bất đắc dĩ hay là do người đó bất tài đây?

Thanh Thế tò mò hỏi: “Người lớn trong nhà chẳng lẽ không ai nói gì hắn, để hắn bỏ là bỏ sao?"

“Có khuyên, mà cậu chủ là gia chủ trong nhà, nói một là một hai là hai, cậu ấy không có nhượng bộ ai đâu. Ý cậu đã quyết thì chúng tôi không dám cãi. Tuy nhiên cậu nhà chúng tôi thật sự có tài, hơn ba mươi miệng ăn nhà họ Võ đều do cậu chu cấp cả đấy, tới tháng là chúng tôi có cái ăn cái mặc, vậy nên dần dà không ai dám băn khoăn về quyết định của cậu nữa."

Thế nhíu mày thật sâu.

Lụa Nam Phương có tiếng đến thế, tùy tiện dệt một xấp rồi bán ra cũng đủ cho họ ăn vài năm trời trong thời buổi loạn lạc này, thế mà lại từ chối thịnh ý.

Kề xong ông ấy chuyển qua giới thiệu nhiệt tình: “Chỗ chúng tôi tuy không còn dệt lụa Nam Phương nữa nhưng chất đũi, gấm, sợi bông... vẫn là hàng tốt hơn nhiều nơi khác. Ngài xem qua thử nhé, chắc chắn hài lòng mà."

Họ Võ chuyển hướng sang dệt những loại vải tầm thường phù hợp đại trà, từ bỏ theo đuổi loại chất liệu tinh tế năm xưa.

Thanh Thế lắc đầu: “Không cần, ông cứ làm việc đi, tôi đi."

Trong lòng hắn đã có quyết định, hắn ngồi lên xe hơi, bảo tài xế lái thẳng đến làng Hới, đi cả chục km không quay đầu.

Hắn phải xem xem mặt mũi người họ Võ kia ra sao rồi tra bằng được lý do anh ta không dệt lụa nữa. Nếu như lý do không chính đáng thì hắn sẽ cực kỳ xem thường người này.

Trong đầu lại văng vẳng đến lời mà Trọng cảnh cáo, hậu nhân nhà họ Võ bệnh tật đầy mình, sống không còn bao lâu nữa huống chi là dệt vải...

***

Xóm nhỏ yên bình dần hiện rõ dưới đường chân trời, làng Hới ở ngay trước mắt có nhiều con lạch chảy qua, đôi chỗ phải bỏ lại xe để ngồi phà đến bờ bên kia. Tầm bốn giờ chiều, Thế dừng chân trước cổng nhà họ Võ. Ở phía trước cổng gỗ còn treo bức hoành chữ Nôm ghi danh tánh gia tộc, bài trí hoài cổ, vừa nhìn đã biết nhà này tồn tại phải hơn trăm năm.

Tài xế bị hắn giao ở lại trông xe nên chỉ một mình đến đây, hắn gõ cửa ba tiếng hữu lễ, chốc lát đã nghe được tiếng bước chân lẹp xẹp chạy ra.

Chào đón hắn là một đứa nhỏ để chỏm trên đầu, nó nhỏ xíu và đôi mắt đen lau láu, hình tượng rất giống trẻ chăn trâu trong tranh Đông Hồ mà Thế từng xem.

Đứa bé dạn dĩ nhìn Thế không chớp mắt. Thế sững người, chưa kịp hỏi đã thấy một người nữa từ bên trong rối rít quát: “Ối chao Bưởi ơi, sao con lại tự tiện mở cửa như thế?!"

Người đàn ông nọ nguýt lên một tiếng rồi xách đứa bé kẹp vào nách, nhìn Thế một hồi mới ngớ người: "Ngài..."

Thế đánh giá họ, đây chắc là gia nhân trong nhà.

“Tôi là khách phương xa đến tìm cậu Võ có chuyện quan trọng muốn trao đổi, anh chuyển lời giúp tôi."

“Ừm... ờ... chuyện quan trọng gì vậy quý ngài, ngài nói rõ cho tôi dễ bẩm báo lên cậu."

Cậu chủ đã ra lệnh nếu người đến vì mục đích dệt lụa thì cứ đóng cửa không tiếp, mặc kệ họ có nói gì đi nữa. Mới mấy ngày trước anh không nghe lời đã bị cậu nhà cho phạt mười hèo, đến giờ mông còn sưng đỏ. Đau chết đi được!

Thanh Thế lười lòng vòng, hắn nghiêm mặt: “Tôi muốn cậu nhà các anh dệt một tấm lụa Nam Phương, giá cả bao nhiêu tùy anh ta quyết định."

Nào ngờ cánh cửa kẽo kẹt một cái rồi đóng sầm lại trước mặt Thế, đầu tiên là bất ngờ, tiếp theo là nhục nhã, Thế nhíu mi hỏi: “Các người có ý gì?"

“Ngài làm ơn giơ cao đánh khẽ, tôi biết ngài xuất thân quyền quý nhưng có một số thứ không thể cứ đem tiền ra là đổi được. Cậu nhà tôi đã ra lệnh không tiếp khách đến vì lụa Nam Phương, mời ngài về cho."

Giọng anh Đực ngập ngừng từ bên trong vọng ra.

"Vì sao?"

“Nói chung ngài đi đi, cậu tôi không tiếp.”

Lý lẽ này... dù là người ôn hòa cũng không bình tĩnh nổi. Thế cảm thấy có chút ấm ức, giận dữ xông lên não.

Hắn lạnh lùng buông lời: “Cho dù anh ta có nỗi khổ riêng thì cũng phải cho người khác một câu trả lời đàng hoàng chứ? Danh tiếng lụa Nam Phương không nhỏ, kẻ tìm đến đều do có lòng mới lặn lội đường xa, quãng đường đi cũng chẳng dễ dàng. Cuối cùng đồi lại cái gì? Tôi thật sự xem thường!"

========

Chú thích:

(*) Định Tường: Lại nói một chút về Định Tường, dưới thời Pháp thuộc thì tỉnh này đã bị giải thể, về sau đó lại được chính quyền miền Nam tái lập, hiện tại là năm 1965, cái tên này vẫn được giữ.
 

trucxinh0505

Xóm nhỏ phố núi
Thành viên BQT
Administrator
Chuyển ngữ
Tác giả
Tham gia
14/4/19
Bài viết
15,130
Điểm cảm xúc
5,890
Điểm
113
Chương 04: Tôi không giống họ
Đực nghe mắng mà mặt mày nóng ran. Nếu lời này chỉ một mình anh nghe thì tốt rồi, xui rủi ở chỗ không chỉ có anh và thằng Bưởi, ngay cả cậu Thuận không biết đi ra từ lúc nào cũng đang đứng nghe.

“Nếu không làm gì sai thì cần gì trốn tránh, đây là cách mà nhà các người đối xử với người có lòng ư? Không tiếp đãi dù chỉ một chút, lễ nghi gia giáo nằm ở đâu?"

“Tôi không phục!"

Giọng hắn vọng lại từ sau cánh cửa gỗ, và tất cả đều theo gió truyền vào tai người đàn ông lẳng lặng đứng kia không sót chữ nào.

“Cậu Thuận..."

Đực rón rén nhìn anh, cần thận nuốt nước bọt.

Sắc mặt Văn Thuận nhìn là biết không được tốt, anh phẩy tay áo, dặn Đực: “Đâu phải lần đầu tôi nghe lời thế này? Tôi không sao."

“Mặc kệ họ, anh cứ đi vào nhà. Lại là cái bọn học đòi văn vẻ, nghe phong thanh rồi đến đây gây rối. Phiền toái."

Tiếng dép mộc gõ lộc cà lộc cộc trên nền gạch men xa dần, cậu Thuận không màng đến những lời kia, ngồi yên vị trên phản gỗ lật giở từng trang sách màu sắc đã phai úa.

Đực ngơ ngẩn, nhanh chóng chạy theo Thuận vào trong nhà, cũng không để tâm người bên ngoài nữa.

“Cậu giận rồi nhưng không thể hiện ra mặt, rõ ràng là phiền lòng về lời của tên đó." Nhớ năm đó cậu Thuận tuyên bố ngừng dệt đã chịu không ít chỉ trích từ người nhà, song cậu chưa từng giải thích về quyết định này.

Văn Thuận là người có tâm, Đực tin cậu nhà làm vậy cũng là có lý riêng của cậu.

Văn Thuận là một người đàn ông tầm hai mươi sáu tuổi, phong thái nhã nhặn chính trực, sắc mặt lạnh bạc, giữa hai đầu lông mày tiềm tàng khí chất của người thông tuệ. Anh ta mặc áo lụa ngũ thân màu trắng, đầu đội khăn đen, chân đi guốc mộc.

Anh ngồi trên phản mà tấm lưng thẳng thớm, ngón tay lật sách trắng trẻo tinh tế như chất ngọc dùi mài qua khe nước. Thật giống như hình tượng những nhà nho trong thời đại xưa cũ.

Đây cũng không phải do anh cố ý làm màu, thực chất trong tim luôn hoài cổ, vả lại từ nhỏ đã được truyền thống gia tiên hun đúc cho nên mới luôn mang trong mình bộ dáng chính chuyên như thế.

Thuận biết mình nảy sinh chút vấn đề, lần này anh không cách nào tập trung đọc sách được, bên tai cứ văng vẳng câu nói trách cứ của người lúc nãy, đành gấp sách lại nhìn hoàng hôn buông xuống trên nóc nhà.

"Đực đâu!"

Đực vội chạy từ bếp lên, lau bàn tay ướt nhẹp vào vạt áo, hẳn là đang lục đục chuẩn bị cơm tối dưới bếp.

“Bầm cậu, tôi đây ạ!"

Thuận lơ đãng hỏi: “Người kia... đã đi chưa?"

“Bầm cậu, chưa đi ạ! Ngài ấy đang ngồi phía trước thềm, trông có vẻ không muốn đi."

“Cậu ta có làm gì khác không?"

“Không ạ, chỉ ngồi phía trước thôi, cậu đừng lo, nếu lát nữa họ không đi thì tôi ra đuổi vậy."

Thuận nhìn Đực mà không đáp.

Không biết vì sao Thuận lại để tâm đến những lời nói của người con trai bên ngoài cánh cửa. Hắn ta nghi ngờ những gì anh làm cũng đúng, bởi vì đặt vào trường hợp đó ai mà không giận. Cứ tiền trảm hậu tấu, đột nhiên tuyên bố không dệt lụa nữa, cắt đứt nguồn cung một cách khó hiểu gây ra bao nghi ngờ, tranh cãi...

Nhưng mà anh cũng có nỗi khổ của anh, ai sẽ hiểu được, dù có nói ra cũng không ai hiểu.

Vậy nên anh cứ dùng hành động để từ chối mọi ý đồ, cứ đóng cửa không tiếp là xong, khỏi vòng vo dông dài.

Thế mà lần này anh thấy lạ vì không thể kiên quyết mặc kệ cậu trai kia như những người khách vãng lai trước đây. Hắn nói hắn là khách phương xa lặn lội mà đến, đây không phải kể công, mà là uất ức vì bị xem thường.

Trước đây Thuận cũng từng từ chối không ít người, bọn họ đều là kẻ có tiền không chịu nổi sỉ nhục nên dùng dằng bỏ đi, thậm chí còn chửi rủa họ Võ kiêu căng làm giá. Còn hắn ta, vì sao hắn không đi?

Hắn nói hắn đến vì lụa, chỉ có người thật sự yêu quý lụa mới không màng đến danh dự mà chờ đợi ở bên ngoài. Cũng có chút ngang ngạnh cá tính...

Văn Thuận hạ quyết tâm, tính toán một chút rồi dặn Đực: “Anh canh chừng tầm sáu giờ nếu trời đã sầm tối mà người ta chưa chịu đi thì xem như tôi đánh giá sai họ, mời vào nhà dùng cơm để tạ tội."

Đực trợn mắt kinh ngạc.

"Có nghe không?"

"Dạ nghe."

Đực không dám nhiều lời, vâng dạ lui xuống nhà dưới.

Đúng sáu giờ chiều Đực ra trước cổng gỗ, qua khe hở của cánh cửa thấy người thanh niên

ấy còn đứng bên ngoài, không biết hắn đang nhìn cái gì mà thật chăm chú đăm chiêu, Đực mở cửa hắn cũng không để ý, đến khi Đực kêu một tiếng thì Thế mới tỉnh hồn.

Cuối cùng cũng chịu mở cửa, Thế bước lên trên một bước.

"Anh..."

“Cậu nhà tôi mời ngài vào dùng cơm. Vất vả cho ngài rồi!"

Thanh Thế nghẹn lời, thoáng chốc cứ tưởng mình nghe nhầm. Hắn không ngờ nhà này hồi tâm chuyển ý nhanh như thế, vẫn là không nén được nên mới hỏi: “Đây là do cậu nhà anh mời ư, chuyển ý nhanh thế à?"

Chứ không phải vì cậu mắng lớn quá, mắng thẳng mặt cậu Thuận khiến lòng dạ cậu ấy không yên, đến nỗi đọc một trang sách mà thở dài mấy hơi à? Đực nghĩ vậy nhưng không nói ra, chuyển lời đáp: “Cậu nhà tôi có mắt nhìn người, sẽ không bỏ qua người có tâm."

Theo chỉ dẫn của Đực, Thanh Thế đặt chân trên con đường trải gạch, đi vào trong tầm trăm mét mới thấy được toàn cảnh căn nhà theo kiểu biệt phủ ngày xưa.

Phong cách kiến trúc đã cũ chứng tỏ xây dựng rất lâu về trước, tu bổ lại đôi chút mà không làm mất đi sự cổ kính vốn có. Nhà có ba gian, tất cả được dựng bằng thanh gỗ đồ sộ như cột đình, đều là gỗ lim có điêu khắc hoa văn và chi chít kinh kệ, to bằng vòng tay ôm của trẻ con, mỗi một chi tiết đều rất tinh tế đắt giá.

Bên trong nhà không dùng điện mà thắp đèn dầu đồng loạt, ngọn đèn cháy vang lên những tiếng 'lách tách' nhỏ bé, hành lang cách một mét lại treo một cái đèn bão, bao trùm căn nhà trong sắc vàng đầm ấm.

Thanh Thế có phần ngỡ ngàng, so với khung cảnh hiện đại bên ngoài thì nơi này dường như không hề bị ảnh hưởng chút nào, nói đúng hơn thì nó như một khe hở bị thời gian lãng quên, mang một vẻ hoài niệm xưa cũ khó nói thành lời.

Đực là người thích nói chuyện, cũng bị thu hút với dáng vẻ hiện đại của cậu trai này, biết Thế kinh ngạc nên tốt bụng giải thích: “Cậu nhà chúng tôi luôn thích lối sống như trước đây nên vẫn cố gắng duy trì nó, nếu làm ngài khó chịu thì đừng để bụng."

“Không khó chịu, tôi thấy ý tưởng rất độc đáo!"

Đối với người được đưa sang Hoa Kỳ từ bé như Thế mà nói, hắn thấy công nghệ càng ngày càng tân tiến vượt bật hơn chứ chưa nhìn thấy lối sống cổ lỗ sĩ như thế này bao giờ, trong ánh mắt tức thì dâng trào hứng thú.

Chính diện gian nhà thờ có bày hương khói la liệt, bàn gia tiên trưng vô số những bài vị khắc gỗ được đơm hoa kết quả trang trọng cung kính, hình như trên một cái mâm cao còn trưng xấp vải lụa trắng.

Đi tới một chút, Thanh Thế thấy trên phản gỗ bày một mâm cơm đầy đủ hương vị đồng nội, có một người mặc áo trắng đã ngồi xếp bằng đợi sẵn trên đó, đưa lưng về phía hắn.

Cái ót người ấy rất cao.

Nghe tiếng bước chân, người áo trắng bước xuống phản, trong giây phút hai tầm mắt chạm nhau, Thanh Thế nảy sinh một sự kích động nhẹ nhàng nơi trái tim.

Thuận đưa tay làm động tác mời với thái độ không vồ vập cũng không quá xa cách, chất giọng anh rất ấm: “Chào cậu, mời cậu ngồi. Nếu đã đến thì cùng tôi ăn một bữa cơm để tôi nhận tội vì vừa nãy thất lễ."

“Không lẽ anh là...?"

“Tôi là Văn Thuận, truyền nhân thứ ba mươi hai của nhà họ Võ vùng Lục tỉnh Nam Kỳ."

"Còn trẻ quá!"

Thanh Thế buộc miệng thốt ra một câu như thế, hắn để ý từ cách ăn mặc cho đến đi đứng, kể cả ngữ khí của Thuận đều mang theo cả một bầu trời văn hóa thời xưa, nhìn qua có chút bảo thủ kín đáo.

Nhìn mặt mày hồng hào, đây mà là 'bệnh tật sắp chết' trong lời của Trọng à? Đúng là qua cái miệng của gã thì dù trâu lành cũng biến thành trâu què!

Hắn ý thức được mình lỡ lời bèn đưa tay ra chạm lấy tay anh, giới thiệu nửa thật nửa giả: “Tôi là Thanh Thế, xuất thân con cái nhà buôn lâu đời, nhà ở ngay Gia Định giáp với phía bắc của Định Tường, nghe danh anh đã lâu bây giờ mới được gặp."

Văn Thuận sâu xa cười: “Tôi thì có danh tiếng gì mà nghe chứ, đều là hưởng phúc của tổ tiên. Cậu ngồi đi."

Ấn tượng lần đầu gặp mặt không tồi, chỉ là Thanh Thế còn để bụng chuyện lúc nãy nên luôn tìm cách nói bóng nói gió anh.

Văn Thuận hiểu ý cười khổ: “Tôi không nghĩ cậu sẽ ở lại cho đến cùng.”

[Tôi cho rằng cậu tầm thường như những thương nhân kia, không đạt được mục đích thì quay ra dẫm đạp.]

Câu ấy Thuận giữ lại không nói ra, cầm ấm rót cho Thế một chén trà nóng hồi. Thế rũ mi nhìn mặt nước đong đầy trong chén, thẳng thắn nói: “Nếu tôi không kiên trì thì không xứng nhận được khoản đãi như vậy. Tôi biết anh thử lòng tôi. Có điều, tôi thật sự khó hiểu ở một điểm, vì sao anh không kế thừa truyền thống của gia tộc nữa chứ, lụa Nam Phương là nét đẹp thủ công rất đáng được kế tục đấy?"

Anh bất đắc dĩ lắc đầu, vô cùng ôn tồn như đã sớm bằng lòng với thực tại khốc liệt: “Dệt lụa để làm gì trong khi lòng người đã thay đổi, khi người ta không đánh giá một kiệt tác thông qua giá trị mà chỉ tới vì thương hiệu đình đám của nó, xem nó như tôm cá nhan nhản ngoài chợ mà mặc cả?"

“Có mấy ai hiểu được ý nghĩa của lụa, có khi cậu cũng giống họ, chẳng qua là so với họ, cậu tôn trọng cái đẹp nhiều hơn một chút."

Thanh Thế phản ứng: “Tôi không giống họ! Anh có thể không tin lời tôi nói nhưng sự thật đúng là như vậy."
 

trucxinh0505

Xóm nhỏ phố núi
Thành viên BQT
Administrator
Chuyển ngữ
Tác giả
Tham gia
14/4/19
Bài viết
15,130
Điểm cảm xúc
5,890
Điểm
113
Chương 05: Lần đầu tắm giếng
Những lời mà Thuận nói giống như là thiếu nữ bị phụ tình, sau đó không tin vào tình yêu nữa. Nghe thì rất hợp lý nhưng lại bất công vì bên ngoài chẳng phải còn rất nhiều chàng trai tốt ư?

“Cho tôi nói thẳng, anh không thể vì một vài người mà vơ đũa cả nắm được. Sao anh chỉ vì một vài thành phần mà ngưng hẳn cái nghiệp của gia tộc chứ? Điều đó không công bằng đối với những người yêu lụa chân chính."

Thuận đánh giá cậu thanh niên trước mặt một chút, khuôn mặt người này rất góc cạnh, mày mắt sắc bén, đôi con ngươi có độ sâu, nhìn qua khiến người ta không dám coi khinh. Người này nói chuyện bộc trực thẳng thắn xen lẫn đôi chút bốc đồng của tuổi trẻ, Thuận cũng không trông đợi gì một người trẻ tuổi non dạ như hắn có thể hiểu lòng mình.

Hai người đều có cái nhìn bất đồng về đối phương, nếu đã không hiểu nhau thì tốt hơn hết là nói ít đi vài lời.

“Cá bơi dưới nước không hiểu được nỗi khổ của khỉ leo trên cây và ngược lại. Nhân sinh quan khác nhau thì hà tất phải đào sâu tìm hiểu cho nhọc người.” Thuận nói một cách ôn hòa, thực chất là đang nhắc nhở Thế không nên tò mò quá nhiều.

“Cậu cứ ăn nhiều vào, đừng để bụng đói."

Thanh Thế thấy anh làng sang việc khác thì trong lòng dâng lên nỗi khó chịu, mà khó chịu về cái gì hắn cũng không rõ nữa. Chỉ là cảm giác này cứ như đấm vào bông vậy, khiến hắn vô cùng hụt hẫng.

“Vậy chuyện dệt lụa cho tôi anh thấy sao?"

Hắn đi nhiều nhìn nhiều, sống mà gò bó mình như thế lần đầu tiên hắn thấy. Từ đầu đến chân Thuận đều là những dấu chấm hỏi khiến hắn đi từ ngạc nhiên này đến bỡ ngỡ khác.

Nhắc đến chuyện dệt lụa làm Thuận hơi khựng lại, có chút trách người này sao chưa từ bỏ ý định. Anh ngẩng đầu lên đón tiếp ánh nhìn soi mói của Thế: “Tôi mời cậu bữa cơm xem như là chuộc tội, còn việc dệt phải đợi tôi nghĩ thêm."

“Nếu được anh dệt cho một tấm lụa thì có trả giá bằng thứ gì tôi cũng đồng ý. Cho nên anh hãy suy nghĩ đi, tôi không vội."

“Vì sao cậu nghĩ tôi biết dệt lụa? Tôi là kẻ không có chí tiến thủ, từ lâu đã quên đi lý tưởng gia tộc rồi."

Thế nói thẳng: “Tôi thấy tấm lụa cúng tổ nghiệp trên bàn thờ. Nhà này có mình anh là truyền nhân, anh không biết dệt thì ai dệt?"

Thuận không ngờ sức quan sát của cậu trai trẻ này tinh tế đến vậy.

“Vì sao cậu đột nhiên muốn có một tấm lụa Nam Phương?"

“Tôi đã thấy bức Giang Sơn Đồ trong buổi triển lãm cổ vật, nó rất đẹp, qua nhiều năm nhưng vẫn mang sức gợi cảm trí mạng."

Thuận gật đầu xem như hiểu: “Thì ra đã rơi vào tay người khác, thảo nào... Bức ấy là ông tổ nhà tôi vẽ dâng vua, là niềm kiêu hãnh của cả gia tộc.”

Đôi mắt anh đang vui lại chùng xuống mang nét đượm buồn sâu sắc, Thế hiếu kỳ nhìn theo, trong một khoảnh khắc ấy hắn có cảm giác như người này mang chứa những tâm sự nặng nề đến mức có thể dìm chết người.

Hình như đó là sự tiếc hận, lẫn theo nỗi cô đơn vây chụp trong đôi mắt.

“Vàng son đến mấy cũng chỉ là dĩ vãng vụt qua."

Bữa cơm cứ thế mà kết thúc trong nỗi bâng khuâng khác lạ của Thế. Hắn dõi theo bóng lưng trăng trắng khuất dần nơi cuối hè, bất giác siết chặt nắm tay...

[...]

Hôm nay là mười ba âm lịch, bầu trời đêm như sà xuống khi mà mặt trăng lớn hơn gấp mấy lần ngày thường, nó gần như đầy đặn tròn vành và không ngừng tản ra ánh sáng vàng dìu dịu.

Khoảng sân trước hè được rọi sáng thấy rõ từng viên gạch xếp cần thận theo quy luật, ngọn cỏ lay động, có tiếng dế râm ran phát ra ở trong. Cái sự yên tĩnh khó tìm ở những thành thị chưa bao giờ gần gũi với Thanh Thế đến nhường ấy.

Thế được gia nhân sắp xếp cho căn phòng ngủ đối diện phòng của Thuận, trong phòng có một cái giường gỗ lót nệm mới tinh cùng với giá sách toàn chữ Nôm, đây là chữ viết tay chứ không phải in, hình như là chép kinh Phật thì phải.

Tầm chín giờ tối khi gia nhân trong nhà tắt đèn đi ngủ hết thì Thanh Thế lục đục đi tắm rửa, lúc ra ngoài thì có cố tình ngó sang phòng Thuận, thấy phòng vẫn sáng đèn.

Ở đây chưa có xây nhà tắm hẳn hoi, kể cả một bức tường chắn gió cũng không có nốt, buộc lòng hắn phải thả rông tắm nước giếng đằng sau nhà. Lúc nãy có hỏi thăm người làm, họ nói mọi người đều phải tắm như vậy.

Hắn không hề thích cảm giác này, cái cảm giác phơi cơ thể ra bên ngoài có khả năng cao bị người khác nhìn thấy rất là kỳ cục, dù biết mọi người đã đi ngủ hết nhưng hắn khó tránh lo được lo mất.

Tiếng côn trùng râm ran thay bằng tiếng xả ào ào của nước.

Nước giếng mát lạnh có thể xóa tan được cái oi ả của những ngày đầu hạ, sự khó chịu dần dần đã bị Thế đánh tan ra khỏi đầu, thay vào đó là thoải mái hưởng thụ những thứ dân dã lạ lẫm lần đầu tiên trải nghiệm.

Hắn ngước mặt lên trời rũ rũ mái tóc, bọt nước trượt từ cằm xuống yết hầu phô ra đường cong mạnh mẽ. Mãi cho đến khi nghe đằng sau lưng có tiếng guốc mộc lộp cộp truyền tới, trái tim Thế bất ngờ nhảy vọt lên đến tận cuống họng!

Hắn phản xạ rất nhanh, hô lớn: "Ai?"

“Là tôi. Hình như cậu đi tắm quên mang theo quần áo để thay, lúc cậu đến tôi cũng không thấy xách hành lý, vậy nên cứ mặc tạm đồ của tôi đi."

Nghe âm giọng cường điệu của Thế khiến Thuận hơi giật nảy, may mà anh điềm tĩnh thành thói nếu không thì khó tránh khỏi giật mình nói lắp. Đối với anh việc nhìn thấy cơ thể của người đồng giới rất chi bình thường, anh cũng đâu có ham thích quái đản đâu mà hắn phải kiêng dè?

Chưa kể mắt anh rất yếu, không nhìn thấy gì khác ngoài hai gò mông trắng tuyết săn chắc hết.

“Đi đi, tôi tự lo được." Hắn có chút cáu khi Thuận còn chưa chịu đi.

Thế thấy tai mình nóng ran, may mà trời đang đêm, hy vọng là anh không thấy gì cả, nếu không thì mặt mũi hắn biết vứt ở đâu?

Sống trên đời hai mươi bốn năm chưa bao giờ hắn xấu hổ như hiện tại. Nếu Thuận giống như đám bạn hắn thì tốt rồi, còn đằng này hắn luôn coi anh là phạm trù gì đó lạ lẫm và xa cách, cho nên khi bị anh nhìn trần trụi, hắn chịu không nổi!

Thuận hắng giọng: “Cậu không cần quay mặt lại, quần áo tôi gấp sẵn để ở đây, tắm nhanh rồi vào kẻo nhiễm lạnh."

Dặn dò xong anh tính toán đi nhanh vào trong nhà, mà kể cũng lạ, ma xui quỷ khiến thế nào Thanh Thế bước nhanh đến kéo tay anh lại. Hắn đi nhanh mà không kịp nhìn nên bị hụt chân, chưa kịp kéo người thì đã mất thế ngã nhoài về phía trước.

"MỘT..."

Hắn rên rỉ một tiếng khổ sở, nghe gân cốt dưới chân mình kêu giòn tan 'răng rắc'.

Hắn rống lên một tiếng đau nhói, dưới chân không thể đứng được nữa. Nếu mà đập mặt xuống nơi đây ít nhất phải gãy vài ba cái răng, thay vì đau hắn lại thấy mặt mình chạm vào thứ gì mềm mại ấm áp, đồng thời mùi trầm hương thoang thoảng dễ chịu chui vào khoang hô hấp, nhất thời tước đoạt đi nhận thức của hắn.

Qua chừng một phút Thế mới nghe trên đỉnh đầu truyền xuống chất giọng lành lạnh: "Buông ra."

Lúc này ý thức ùa về, Thế khó xử nhận ra mình đang được Thuận ôm trong lòng, thật sự là ôm, còn hắn thì không ngừng siết chặt thắt lưng người ta ngây ngẩn hơn một phút trời.

Đầu tóc của hắn làm ướt mảng áo trước ngực anh, hắn khó xử đến không biết phải làm sao, chân bắt đầu rân rân đau nhức cho thấy dấu hiệu bị trật khớp rồi.

“Tôi không đứng được, chân đau."

“Cậu vô duyên vô cớ kéo tôi lại làm cái gì chứ?" Thuận cũng nổi giận.

“Muốn hỏi anh có tinh dầu gội đầu không, chẳng ngờ đống gạch dưới chân vô duyên vô cơ thiếu mất một viên, làm tôi bị hụt." Hắn xấu hổ đáp.
 
Top