Lượt xem của khách bị giới hạn

[Ngôn tình] [Truyện Hoàn] Giờ đang nơi đâu - Duy Đao Bách Tích

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.
[Ngôn tình] [Truyện Hoàn] Giờ đang nơi đâu - Duy Đao Bách Tích

Hoa Tử

Sưu tầm
Tham gia
24/9/19
Bài viết
10,570
Điểm cảm xúc
1,484
Điểm
113
Chương 10: Công tử ăn chơi và tiểu thư khuê các (3)
Sở Vọng đang mải nghĩ thì bất chợt có người gõ cửa phòng. Cô hé mở cửa, thấy Tiết Chân Chân ngồi xổm dưới đất, xuyên qua khe cửa thấp giọng gọi: “Em Sở Vọng, cho chị vào với.”

Sở Vọng tiến thoái lưỡng nan, đành mở cửa ra cho cô nàng vào phòng, sau đó khép cửa lại.

Cô nghĩ bụng, Chân Chân đúng là thông minh, biết phòng cô nằm ở vị trí tốt nên mới tìm đến đây.

Rồi hai cô bé nằm úp xuống sàn nhà, tiếp tục lắng nghe.

Kiều Mã Linh: “Mẹ, dì, con đã làm hai người mất mặt —— con không thiết sống nữa.”

Bà Cát: “Được lắm, chưa gì đã đòi sống chết hả? Ngày trước khi đến tìm dì, dì đã nói rõ với cháu rồi còn gì: Tạ Trạch Ích đã cởi dây cương thì chẳng mấy ai có thể buộc lại, cháu còn quá non nớt, không phải đối thủ của cậu ta. Cháu muốn điều khiển cậu ta ư? Đừng nói đến việc cha cậu ta không cho phép cậu ta cưới con gái Trung Quốc, mà ngay chính cậu ta —— chỉ cần là con gái tính cách đơn giản thì đều bị cậu ta cho vào tròng, chơi mấy ngày là chán, cháu còn trông cậy cậu ta cưới cháu sao?”

Kiều Mã Linh: “Nhưng anh ấy đối với cháu…”

Bà Cát: “E là cháu còn không hiểu được một phần mười cậu ta. Muốn gả cho cậu ta, không bằng gả cho cha cậu ta làm vợ lẽ thứ mười để bớt chuyện!”

Bà Kiều: “Cái gì mà vợ lẽ với không vợ lẽ hả, không phải ai cũng như cô, chịu làm vợ lẽ cho một lão già gần đất xa trời, chỉ mong ông ta chết để thừa kế gia sản! Cô nói chuyện đừng có khó nghe như thế.”

Bà Cát: “Nếu không phải nể tình bình thường con gái chị gọi tôi một tiếng dì, thì tôi cũng đã mặc xác chuyện nhà họ Tạ rồi. Bắt đầu từ sáng mai, chị cứ chờ mà xem, con gái chị dù có gả làm vợ bé cũng bị người ta chê là đồ chơi thừa của Zoe Tse. Một câu thôi chốt nhanh đi, có đồng ý để tôi lo liệu không. Nếu chị không muốn tôi nhúng tay vào chuyện riêng của nhà chị thì tôi sẽ đi, không làm gì nữa.”

Kiều Mã Linh không lên tiếng, còn bà Kiều run giọng nói: “Tôi sẽ không để con bé dây dưa với người họ Tạ kia nữa, mong… mong cô cứu cháu gái mình.”

Chân Chân trợn to hai mắt, khiếp hãi nhìn Lâm Sở Vọng, thấp giọng hỏi: “Cậu Tạ kia là ai vậy?”

Sở Vọng khó khăn dùng khẩu hình đáp: “Không biết —— có lẽ là công tử nhà giàu nổi tiếng.”

Chân Chân nói: “Giống Khấu Chuẩn* à?”

(*Khấu Chuẩn là đại thần Bắc Tống, từng làm đến chức quan tể tướng. Theo lưu truyền, lúc nhỏ tính du đãng, vô phép, giống con nhà giàu. Bà mẹ quở phạt mà ông vẫn không chừa.Một hôm, ông bỏ học đi chơi, bà mẹ giận quá, cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa, phải chữa lâu ngày mới khỏi.Từ ấy ông hồi tâm, chuyên lo học tập.)

Sở Vọng không trả lời, nằm úp sấp tiếp tục nghe.

Bà Kiều chỉ hận không thể rèn sắt thành thép: “Con ơi là con… Bây giờ con còn nhớ nhung thằng oắt họ Tạ kia nữa hả?”

Kiều Mã Linh khóc tức tưởi.

Bà Cát thở dài: “Khắp cả vùng Hương Cảng này, trong số những cô gái bằng tuổi, cháu là người ưu tú nhất, gả cho ai mà chẳng được? Có tiền hơn nhà họ Tạ, gia thế trong sạch hơn nhà họ Tạ, lại cầu tiến hơn cái cậu nhà họ Tạ kia, biết bao nhiều người mà không chọn được? Cũng không biết cậu ta đã cho cháu uống bùa mê thuốc lú nào nữa.”

Dưới lầu im lặng hồi lâu, chỉ có tiếng khóc của Kiều Mã Linh và tiếng thở dài của bà cả Lâm.

Chân Chân nói: “Chị Mã Linh vừa đẹp vừa có gia thế tốt, vì sao không chịu cưới chị ấy?”

Sở Vọng lắc đầu, có thể để một người đàn ông dễ dàng nắm trong tay, sợ là người ta cảm thấy mất đi tính khiêu chiến và thú vui.

Cô nghĩ ngợi rồi hỏi: “Chị có chơi cờ không?”

Chân Chân đáp: “Thỉnh thoảng.”

Sở Vọng nói: “Ví dụ hai chúng ta, thêm cả chị em nữa cùng chơi cờ đi. Chơi với chị em thì chị có thua có thắng, là kỳ phùng địch thủ, ván nào cũng chơi hăng say; Nhưng khi chơi với em thì không ván nào kéo dài quá năm phút, em bị chị hạ đo ván, không còn tính hồi hộp. Vậy chị nói xem, chị muốn chơi với em hay chơi với chị gái em?”

Chân Chân trả lời ngay: “Dĩ nhiên là chơi với em vui hơn rồi.”

Sở Vọng đảo mắt nhìn trời: “Tiết tiểu thư đúng là không phải người bình thường.”

Chân Chân được “khen” thì quên khuấy đi câu nghi hoặc của mình, hất cằm đáp, “Đương nhiên rồi.”

Dường như lúc này ở dưới lầu đã bàn xong đối sách, bà Cát nói: “Được rồi, thế thì tôi sẽ đến thương lượng với ngài Tạ trước, tạm thời đè chuyện này xuống. Còn về bên nhà chị, nhớ quản chặt cái miệng của người hầu lại giùm, đừng để tôi phí công vô ích ở ngoài, còn nhà chị lại bốc cháy.”

Bà Kiều đồng ý, “Cô yên tâm, trong biệt thự nhà tôi vẫn có quy củ.”

Bà Cát cười mỉa, “Tôi đã nói với chị từ lâu rồi, để mắt cao quá làm gì, cho con bé ra ngoài xã giao sớm thì đã không đến mức bị người ta dắt mũi như hôm nay. Đã mười sáu tuổi rồi, cũng không còn nhỏ nữa. Nếu chị thấy ai vừa mắt mà con bé cũng hài lòng, thì mau chóng gả đi đi. Kén cá chọn canh đâm hoa mắt, thậm chí còn không bằng người đầu.”


Bà Kiều đáp một tiếng.

Bà Cát dặn dò xong thì nhấc chân ra về như một làn gió. Bà Kiều bảo dì Triệu đưa tiễn, nhưng bà đã khéo léo từ chối, giày cao gót giẫm xuống sàn gỗ đầy khí thế.

Tiết Chân Chân nói: “Bà Cát này dữ thật đấy, không nể nang gì ai cả.”

Một lúc lâu sau, bà Kiều mới sai một người hầu: “Đỡ tiểu thư lên lầu nghỉ đi. Rồi gọi ba đứa kia xuống.”

Người hầu đáp vâng.

Lâm Sở Vọng vội đẩy Tiết Chân Chân, Tiết Chân Chân sực tỉnh, lật đật rón rén rời khỏi phòng của Sở Vọng, quay về phòng mình.

***

Sau khi xuống lầu, ba cô bé xếp một hàng ngay ngắn trước mặt bà Kiều.

Không thấy bà Kiều có vẻ gì là không vui, chỉ hơi mệt mỏi mà thôi. Có thể điều chỉnh nét mặt khá như vậy, Lâm Sở Vọng vô cùng bội phục.

Bà Kiều bảo dì Triệu đưa ba cây bút máy tới, mỗi người một ngòi. Bà nói: “Bắt đầu từ hôm nay không cần viết bằng bút lông nữa. Nhân dịp cha mấy đứa có gửi thư, ta giao cho ba đứa một nhiệm vụ: dùng bút máy viết thư hồi âm cho cha. Tuần sau đưa thư cho ta, ta sẽ gửi thư đi cho mấy đứa. Chữ có xấu cũng đừng hoảng, cứ để người lớn biết mình đã tiếp thu được kiến thức mới.”

Ba người gật đầu lia lịa. Sở Vọng nhìn sang chị mình, thấp giọng nói, “Thư của cha vẫn còn ở chỗ chị hai, cháu chưa được đọc ạ.”

Doãn Yên bèn ném hai phong thư qua cho Lâm Sở Vọng, “Đây đây, chị đọc xong rồi, không phải đưa cho em đây à.”

Sở Vọng nhặt thư lên, “Còn một bức thư nữa…”

Lúc này Doãn Yên mới ngẩng đầu nhìn bà cả Lâm, chỉ thấy bà xoa huyệt Thái Dương, có vẻ không định quản mấy chuyện này, thế là cô nàng hùng hồn nói: “Xưa nay em hay vất đồ lung tung lại còn tính hay quên, chị chỉ cất hộ em thôi, tự em không lấy đấy chứ.”

Sở Vọng nói: “Thế bây giờ em đi lấy với chị nhé?”

Doãn Yên: “Chị… chị khóa ở trong hộc rồi, khóa… khóa bị hư rồi!”

Sở Vọng: “Trong đó có đồ quan trọng không? Tìm người cạy ra.”

Lúc này tới bà Kiều cũng nhìn không nổi nữa, trên mặt thoáng tức giận, “Doãn Yên!”

Doãn Yên lập tức cúi đầu, “Cháu đùa em ba thôi mà, em ba nghiêm túc quá rồi… Để cháu đi lấy thư cho em ba, em ba đi lên lầu với chị nào.”

Bà Kiều khoát tay, cho ba chị em bọn họ lên lầu.

Lúc đi sau lưng Lâm Doãn Yên lên lầu, Lâm Sở Vọng mở thư của cha ra đọc, vừa nhìn đã thấy đau đầu: kín hai mặt giấy, lại còn là thể văn cổ thâm thúy khó hiểu.

Lâm Sở Vọng vừa đọc thư vừa mồ hôi đầm đìa đi theo Lâm Doãn Yên đến cửa phòng. Lâm Doãn Yên mở cửa, cầm chìa khóa mở hộc tủ, lấy ra một xấp thư, hơi áy náy đưa cho Lâm Sở Vọng: “Xin lỗi em ba nhé, lúc nãy chạy lên lật đật quá, chị bóc thư của cha mà nhầm thành thư của em…”

Sở Vọng cầm lấy thư, trong lòng nổi nóng. Nhưng lại nghĩ đến bây giờ mình còn phải nhờ vả Doãn Yên, cô bèn cười xòa nói, “Chị hai nói gì thế? Cha và anh cả không có ở đây, có rất nhiều chuyện em phải nhờ chị để ý cho.”

Doãn Yên thấy cô dễ nói chuyện như vậy thì xấu hổ cười bảo, “Dĩ nhiên rồi.”

Sở Vọng vội nói: “Chị đã đọc thư của cha rồi phải không, chi bằng nói với em xem viết gì? Trời tối rồi, em cũng lười đọc, đọc nhiều hại mắt.”

Doãn Yên tốt bụng gật đầu, nghiêng người qua để cô vào phòng, “Mời em ba.”

Sở Vọng chỉ định nhờ Doãn Yên tóm tắt xem cha đã nói gì, nào ngờ Doãn Yên lại tốt bụng mở bức thư ra, giải thích từng câu một cho cô hiểu ý. Sở Vọng nghe mà choáng váng, tự dưng lại có cơ hội tham gia khóa học văn cổ.

Khó khăn lắm cô nàng mới đọc xong, Sở Vọng luôn miệng cám ơn chị rồi đứng dậy ra về. Nhưng Lâm Doãn Yên đã kéo tay cô không buông, ngước mắt hỏi: “Còn bức thư kia, không bằng để chị giải thích cho em luôn nhé?”

Sở Vọng nhìn lướt qua, đang định từ chối thì Doãn Yên đã giật mất thư, trải ra ở trên bàn.

Cô nàng đọc mấy hàng, chợt ngẩng đầu nhìn Lâm Sở Vọng cười, mặt ửng đỏ: “Đây là một bài thơ mới.”

Sở Vọng không khỏi mắng to trong lòng: Cô đỏ mặt cái gì hả!! Thư này viết cho bà đây kia mà!! Bà đây còn chưa đỏ mặt mà cô đỏ mặt ghê nhỉ!!

Doãn Yên lại đọc tiếp mấy hàng dưới, nói: “Có điệp câu, có so sánh. ‘Có lúc chỉ muốn làm một chú chim bồ câu trong vườn hoa ở cung điện Sanssouci, hoặc là cơn mưa trước cổng Brandenburg, không thì là chiếc kem ly đang tan trong tay đôi tình nhân trên chiếc du thuyền sông Spree… Có lẽ anh nên trồng một ít trúc tương phi ở trong khu vườn tại Thiệu Hưng, vừa hay có thể xuyên qua kẽ hở cảnh xuân rơi vào giấc mộng’.”

Sở Vọng gật đầu, nói như năn nỉ: “Em đọc hiểu được mà!”

Doãn Yên hỏi: “Nhưng những nơi này là nơi nào?”

Sở Vọng nói: “Là địa mốc ở Brandenburg và Berlin…” Đều là những nơi không bị lửa đạn của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai phá hỏng, Tư Ngôn Tang biết chọn thật đấy!

“Ồ…” Lâm Doãn Yên gật đầu trầm ngâm.

Sở Vọng lại nuối tiếc nói: “Anh ấy không gửi hình về…”

Doãn Yên khựng lại, sắc mặt dần ửng đỏ.

Sở Vọng: “… Hình ở chỗ chị.”

Doãn Yên vội bảo vệ kỹ hộc tủ: “Không, không có hình gì hết.”

“Hình là gửi cho em mà,” Sở Vọng nhìn thẳng vào cô nàng, “Không xin mà lấy tức là trộm. Trả lại đây!”

Doãn Yên dứt khoát nằm bò lên bàn: “Chị không trộm, chị không có trộm! Kẻ trộm là em…”

Sở Vọng biết mình không mạnh bằng cô nàng, không thể gạt cô ta ra được, bèn dùng lời nói đả kích: “Đồ anh ấy gửi cho em, nhưng chị lại chen chân vào cướp đồ đi, vì sao lại thế hả? Muốn gả cho anh ấy ư, có gan thì chị đến trước mặt cha mà nói đi. Trả hình lại đây.”

Doãn Yên đứng bật dậy, đẩy Sở Vọng ra khỏi cửa. Sở Vọng người nhỏ, nên vừa bị cô ta đẩy một cái thì đã té ngã.

Doãn Yên ghét bỏ nhìn Sở Vọng, hậm hực nói: “Vì sao không phải là tao hả! Đoán chừng cha cũng không ngờ là mày sẽ ra đời! Vì sao mày lại xuất hiện trên cõi đời này! Cả nhà không ai hy vọng mày chào đời cả! Nếu không có mày, thì người hứa gả cho anh Ngôn Tang chính là tao!”

Sở Vọng ngạc nhiên ngồi dưới đất, không ngờ một cô bé mới mười hai tuổi lại thốt ra những lời độc địa đến thế. Cô không khỏi nhìn cô ta với đôi mắt khác.
 

Hoa Tử

Sưu tầm
Tham gia
24/9/19
Bài viết
10,570
Điểm cảm xúc
1,484
Điểm
113
Chương 11: Công tử ăn chơi và tiểu thư khuê các (4)
Điệp Nhi, dì Triệu và bà Kiều nghe thấy tiếng ồn thì vội vã đi lên tầng ba. Xả giận xong, Doãn Yên lập tức nằm dài lên bàn khóc lớn. Còn Sở Vọng bị cô ta đẩy ngã lại khó hiểu nghĩ: đại tiểu thư à, con bé mười tuổi như tôi bị cô đẩy ngã còn chưa khóc thì cô khóc cái gì?

Điệp Nhi vội đỡ Sở Vọng dậy. Sau khi hỏi rõ nguyên nhân, bà Kiều tức giận bắt Lâm Doãn Yên trả hình lại cho Sở Vọng.

Doãn Yên nghe thế thì càng khóc toáng, kéo mạnh hộc tủ ra, lấy ra xấp ảnh trắng đen trong một chiếc hộp tinh xảo, hậm hực xé thành hai rồi ném thẳng vào mặt Lâm Sở Vọng.

Sở Vọng: “…”

Điệp Nhi lật đật nhặt lấy mấy mảnh vụn.

Cả buổi hôm nay bà Kiều đã chịu quá nhiều đả kích, giờ không chịu nổi nữa rồi. Bà tức cành hông, nói năng không còn dễ nghe: “Hai đứa tưởng đây là đâu?! Tụi mày là ai hả? Đây là cái chợ Thiệu Hưng hả? Hai đứa là ăn xin hả?!”

Doãn Yên cúi đầu thút thít: “Bác cả…”

Bà Kiều nổi giận: “Cháu đấy…” Lúc này mới sực nhớ ra còn có Lâm Sở Vọng, “Mấy đứa các cháu… Dì Triệu! Bắt đầu từ bây giờ, cấm túc con hai con ba ba ngày, không đứa nào được phép bước ra cửa phòng nửa bước! Múa may Anh iếc gì đó để sau tính tiếp! Ở trong phòng lo tự kiểm điểm đi!”

Tiết Chân Chân nghe thấy tiếng động, chân đi dép loẹt xoẹt định chuẩn bị đến hóng hớt thì cũng bị bà cả Lâm tóm được.

“Cháu cũng thế! Không ở trong phòng còn mò lên đây làm gì? Có chuyện của cháu hả!” Bà cả Lâm ôm trán, dì Triệu vội đỡ bà, “Con Tiết cũng giống hai đứa kia, cấm túc ba ngày!”

Nụ cười trên mặt Tiết Chân Chân vụt qua rồi biến mất, muốn khóc cũng không khóc nổi.

***

Vỏn vẹn chỉ trong một đêm, đường Bá Tước từ ngày nắng rực rỡ biến thành trời âm u giăng đầy mây đen.

Điệp Nhi khép cửa phòng lại cho Lâm Sở Vọng, thấp giọng an ủi: “Cô chủ đừng lo, tôi đã xin ít keo dán cao su từ chỗ đại tiểu thư rồi, sẽ dán lại cho cô. Dán lại là sẽ giống cũ, cô đừng buồn quá.”

Lâm Sở Vọng mỉm cười cảm kích với cô ấy.

Một lúc sau, tiếng gõ cửa lại vang lên. Lâm Sở Vọng tưởng là Điệp Nhi nên nói “vào đi”.

Người kia đi vào, dịu dàng nói, “Em ba, chị nghe Điệp Nhi nói rồi, đừng buồn quá nhé.”

Sở Vọng thấy Kiều Mã Linh đến thì giật mình, vội đứng lên, “Chị Mã Linh!”

Mã Linh cười gượng, “Hồi trước ở trường có giúp bạn dán lại thánh kinh cũ, chị nghĩ mình có thể giúp em nên mới đến đây.”

Sở Vọng được thương mà sợ, vội nhường ghế để chị ngồi trước bàn đọc sách.

Kiều Mã Linh vừa tỉ mỉ dán ảnh cho cô, vừa hỏi han vài chuyện trong nhà, lại vừa đưa mắt nhìn ra ngoài ban công…

Sở Vọng không kìm được cười thầm: hèn gì chị họ đột nhiên tốt bụng, thì ra là nhớ mong người yêu nên mới đến chỗ cô thử vận may.

Nghĩ đến đây, Lâm Sở Vọng thấp giọng hỏi: “Chị thích cái anh kia lắm hả?”

Kiều Mã Linh không đáp, nhưng khi nghe thấy cô hỏi xong, tâm trạng chị lại không kìm được bay xa, bất giác mỉm cười.


Sở Vọng cúi đầu, ngập ngừng nói, “Em lỗ mãng rồi, đáng nhẽ không nên hỏi.”

Kiều Mã Linh buông lớp phòng bị, lắc đầu nói, “Không sao, chị với anh ấy… coi như có duyên mà không có phận. Chị vẫn muốn nói về anh ấy với người khác, nhưng lại không tìm được người.”

Sở Vọng kéo ghế mây tới ngồi bên cạnh chị, ra vẻ sẵn lòng rửa tai lắng nghe.

Kiều Mã Linh ngẩng đầu lên, “Anh ấy rất ga lăng, rất dịu dàng, cũng biết nói đùa nữa, nhưng chưa bao giờ khiến người ta thấy ghét.”

Sở Vọng gật đầu, cô có thể cảm nhận được.

Kiều Mã Linh suy nghĩ, bất giác cười nói, “Chị biết suốt ngày anh ấy chỉ toàn túm tụm với sĩ quan Anh Quốc không đâu vào đâu kia, khiến cha anh ấy nổi trận lôi đình. Cũng biết ngoài chị ra, có thể còn có rất nhiều cô gái khác từng tỏ tình với anh ấy. Nhưng chỉ cần ở bên anh ấy là chị lại cảm thấy, mình chính là người đặc biệt nhất.”

Sở Vọng không khỏi thở dài, từ cổ chí kim thủ đoạn của đám đàn ông khốn nạn đều như nhau: tuy anh có rất nhiều người phụ nữ, nhưng trong số bọn họ, anh thích em nhất…

Những lời này nghe rất đốn mạt, nhưng lại có ma lực rất lớn với phái nữ.

Thứ nhất, người đàn ông này là người mà bạn yêu.

Thứ hai, bên cạnh người đàn ông này có rất nhiều cô gái đẹp hơn bạn nhiều.

Một lần nữa, người đàn ông này nói: bọn họ đều không bằng em.

Bạn rơi xuống bùn, anh ta lại kéo bạn lên mây…

Kiều Mã Linh cúi đầu cười khổ nói, “Nghe dì nói anh ấy sẽ đi học ở trường quân đội West Point. Mẹ chị đã thảo luận với dì rồi, cũng muốn gả chị cho người khác, nghe nói là một hoa kiều nước Pháp, đang làm ăn ở Việt Nam, là một thương nhân giàu có. Đợi đến lúc anh ấy về… có lẽ chị đã là mẹ của mấy đứa con rồi. Chị cứ nghĩ, không biết trước khi đi có thể trò chuyện với anh ấy nữa không, hoặc là nghe anh ấy nói chuyện cũng được. Nhưng chắc chị lại mơ tưởng nữa rồi.”

Vừa dứt lời, một giọt nước mắt to bằng hạt đậu dọc theo lông mi của Kiều Mã Linh rơi xuống.

Chị ý thức được mình đã thất thố, vội lau nước mắt đi rồi quay sang mỉm cười với Lâm Sở Vọng, “Chị dán ảnh lại rồi, cậu Tư đáng yêu lắm, cũng rất tuấn tú. Em gái à, em may mắn thật đấy.”

Sở Vọng cầm lấy hình, không khỏi đỏ mặt, “Cám ơn chị ạ.”

Kiều Mã Linh vuốt tóc cô, nói, “Chị nói chuyện này với em làm gì chứ? Em nghe cũng không hiểu.”

Sở Vọng muốn nói, tôi hiểu chứ, thậm chí tôi có thể là người thầy tâm linh của chị, nhưng chị cho tôi một trăm lá gan thì tôi cũng không dám nói ra.

Không thì chị cứ thử nghĩ mà xem, một cô bé mười tuổi còn chưa dứt sữa lại vỗ nhẹ vào lưng chị, nói với chị: “Đàn ông trong thiên hạ này không một ai là tốt cả, thậm chí bọn họ còn không quan tâm đến chị bằng áo ngực của chị.”

Đợi Kiều Mã Linh đi rồi, Sở Vọng mới đọc thư và xem hình của Tư Ngôn Tang.

Ba bức ảnh, một bức chụp vườn hoa cung Sanssouci, một bức chụp đại giáo đường Berlin, hai bức này là tranh phong cảnh; còn có một tấm là Tư Ngôn Tang ngồi trên du thuyền sông Spree, giơ tay chữ V với ống kính, cười rạng rỡ để lộ chiếc răng khểnh.

Quả đúng là rất đáng yêu.

Dễ nhìn hơn ảnh chụp trong sách giáo khoa và trên Baidu nhiều.

Thư bên dưới thơ cũng chỉ có bảy tám hàng.


Sở Vọng thân yêu,

Anh vẫn chưa hiểu rõ lắm về hai chữ “thân yêu”. Vì vốn dĩ lá thư và bài thơ này được thảo ra từ tiếng Đức. Với bọn anh, bất luận là gọi giáo viên, cha mẹ, bạn bè hay viết thư gửi đến văn phòng bưu cục hỏi ý kiến, thì đều gọi là “Liebe XX”. Nhưng khi phiên sang tiếng Trung lại có vẻ thân thiết mập mờ thái quá.

Giáo viên âm nhạc trong trường dẫn bọn anh đến nhà hát lớn nghe vở kịch “Bóng ma trong nhà hát”, nếu có cơ hội, anh rất muốn được cùng em nghe một lần, cùng đi xe cáp về nhà, cùng phơi nắng trên bãi cỏ ở nhà thờ, cùng ăn kem ly trên du thuyền sông Spree, trong đêm mưa lại che dù ngồi xe ngựa băng qua đại Lộ Unter Den Linden, hoặc cuối tuần đi dạo trong vườn hoa cung điện Sanssouci ở Potsdam… Lúc viết bức thư này hẳn em vẫn đang ngủ, anh có rất nhiều lời muốn viết, nhưng viết ra thì bản thân lại không quá hài lòng, sau khi dịch ra thì lại tìm người giỏi tiếng Trung sửa lại chỉ còn bốn câu. Bốn câu cũng đủ rồi, những lời còn lại, để lần sau gặp em sẽ nói tiếp.


Ngôn Tang.

02.03

Năm dân quốc thứ mười ba, đại Lộ Unter Den Linden.


Bài thơ hôm nay anh viết, ngày trước Sở Vọng đã đọc rồi. Nhưng lúc đó cô không ngờ rằng, một bài thơ mới truyền đời đó lại viết cho chính cô. Nghĩ đến đây, Sở Vọng không kìm lòng ôm con tim bé nhỏ, tránh để mình bật cười.

Cô vừa cười vừa đứng tựa trước cửa sổ. Trong lúc vui vẻ, Sở Vọng bất giác dùng phát âm tiếng Quảng bập bẹ mà hát:

“Nếu người yêu của tôi cô đơn sinh ra vào năm 1914, vừa vặn 100 năm trước cách nhau một thế kỷ…”*

(*Đây là bài “1874” do Trần Dịch Tấn thực hiện, tác giả sửa lời từ năm 1874 thành 1914. Bản dịch của Ô Ly Vơ Béo@Eason Chan VNFC.)

Cô đang hát say sưa thì đột nhiên nghe thấy một giọng nam quen thuộc phì cười truyền đến từ bên dưới ban công:

“Tiếng Quảng Đông của em cũng tốt đấy.”
 

Hoa Tử

Sưu tầm
Tham gia
24/9/19
Bài viết
10,570
Điểm cảm xúc
1,484
Điểm
113
Chương 12: Công tử ăn chơi và tiểu thư khuê các (5)
Sở Vọng giật mình, đẩy cửa chạy ra ngoài ban công, cúi đầu nhìn xuống…

Đứng giữa hàng rào và khóm tường vi bên dưới là một người đàn ông cao to, mặc áo khoác đen.

Đúng thế, chính là giọng Oxford không trật đi đâu được.

Có điều trông không giống như tưởng tượng của Sở Vọng.

Những ngày qua, cô đã nghe rất nhiều chuyện về anh ta nhưng lại chưa gặp người lần nào. Chỉ liên tục nghe mọi người nói cái gì mà con trai của huân tước, tên Zoe, vân vân.

Bởi vì cái tên tiếng Anh đó và nhìn vóc dáng từ phía sau, nên trong vô thức Lâm Sở Vọng đã mường tượng ra hình ảnh của một chàng công tử nhà giàu Luân Đôn: người Anh mắt to mày rậm, có thể có mặt tròn vui vẻ như Watson, cũng có thể là mặt dài như Benedict Cumberbatch, hay thậm chí là gương mặt cao quý trầm tĩnh đậm chất Luân Đôn như Tom Hiddleston. Có thể là con lai, mắt màu nâu hoặc màu xanh da trời, cũng có thể là màu xanh nõn. Nước da tái nhợt vì ít tiếp xúc với ánh nắng, mặc áo khoác màu đen trông không khác gì ma cà rồng.

Nhưng khi Sở Vọng phát hiện là người đứng dưới ánh trăng có tóc đen mắt đen thuần nét phương Đông, cô đã tự hỏi một hồi lâu.

Đúng là anh ta rất cao, cũng mặc áo khoác đen, nước da trắng bợt, hốc mắt lõm sâu, đường nét góc cạnh rõ ràng. Người như thế đứng trước khóm hoa tường vi trong đêm, không phải chính là ma cà rồng bước ra từ trong những câu chuyện Đông Âu thế kỷ trước sao? Có điều con ma cà rồng này lại có một gương mặt rất phương Đông.


Sở Vọng nhìn một hồi, thấp giọng do dự hỏi bằng tiếng Anh: “Anh… Anh chính là cái người tên Zoe Tse hả?”

Người này vừa cười vừa dùng tiếng Quảng Đông đáp lại.

Sở Vọng thấy mình và anh ta đang ông nói gà bà nói vịt, vội dùng tiếng Quảng không ra gì của mình ngắt lời, “Tiếng Quảng của em rất kém, không tin anh nghe em nói nè: ạnh có bít tui nà ai hông?”

Người đàn ông kia bật cười. Chợt dùng tiếng phổ thông trúc trắc trả lời ba câu hỏi của cô, “Tôi cũng không giỏi tiếng Trung lắm đâu, cũng không biết nói giọng Thượng Hải. Tôi là Tạ Trạch Ích, và tôi biết em là ai.”

Sở Vọng gật đầu lia lịa, nói, “Thế thì anh đợi một lúc, để em đi gọi chị gái tới.”

Người đàn ông chưa kịp ngăn cản thì cô bé đứng trên ban công đã chạy biến đi.

Sở Vọng cẩn thận gõ cửa phòng mình, cho rằng có thể gọi Điệp Nhi tới, nào ngờ người tới lại là dì Triệu.

Sở Vọng ôm bụng nói: “Dì Triệu… Làm phiền dì gọi chị Điệp Nhi tới giúp cháu với ạ.”

Một lúc sau, Điệp Nhi đi đến, hỏi: “Cô chủ, nghe nói bụng cô khó chịu hả?”

Sở Vọng khoát tay: “Điệp Nhi, nhờ chị đến tìm chị cả, nói với chị ấy là ich liebe dich đang ở chỗ tôi.”

Ít sì cái gì ở chỗ cô cơ?”

Sở Vọng: “Ít sì lì bơ địch sì.” Lâm Sở Vọng ngẫm nghĩ, vì để cô ấy nhớ lâu nên bổ sung thêm, “Là một loại chiếu hoa lê ở phương Bắc.”*

(*Tác giả dùng cụm từ “一席梨北地席/Nhất tịch lê bắc địa tịch” để ghi lại cách phát âm trong tiếng Trung, vốn không có nghĩa.)

Một lúc sau, Điệp Nhi quay về báo, “Đại tiểu thư nói bà chủ đau đầu, đang ở trong phòng cô ấy, đại tiểu thư phải chăm sóc bà chủ nên không thể đến chỗ cô được. Cô ấy có nhờ tôi nói với cô là nếu có gì thì cứ viết thư đi.”

Sở Vọng ngạc nhiên nghĩ, đúng là đáng tiếc.

Điệp Nhi đi rồi, cô mới khép cửa phòng lại rồi chạy ra ban công. Thấy người đàn ông vẫn còn đứng đó, cô bèn nói: “Hôm khác anh ghé lại nhé, chị không ra ngoài được.”

Nhưng Tạ Trạch Ích lại hỏi, “Chỗ em có giấy bút không?”


Sở Vọng gật đầu, thì ra là muốn nhờ tôi gửi thư tình hả, “Anh chờ chút, để em đi lấy cho anh.”

Cầm bút máy và giấy do bác cả đưa, còn chưa kịp đưa cho anh ta thì Tạ Trạch Ích đã hỏi, “Em biết viết không?” Nói rồi lại như sợ cô nghe không hiểu, khua tay nói, “Viết tiếng Trung ấy?”

Sở Vọng gật đầu. Nói ngớ ngẩn gì thế, đương nhiên là biết rồi.

Tạ Trạch Ích nói: “Thế thì tốt quá, tôi không biết viết tiếng Trung. Tôi đọc lại, em viết giúp tôi có được không?”

Sở Vọng: “…”

Tôi là một bông hoa tương lai của tổ quốc, tự dưng làm thần tình yêu của hai người thì cũng thôi, vì sao còn phải giúp anh viết thư tình… Đúng là thảm hại quá mà.

Sở Vọng chớp mắt nghĩ ngợi, sau đó nói, “Anh định cám ơn em như thế nào đây?”

Tạ Trạch Ích nghiêng đầu hỏi, “Có muốn uống nước ngọt không?”

Từ khi đến thế giới này, thứ Sở Vọng thèm nhất là đồ uống có ga. Cô lập tức giơ hai ngón tay ra, “Hai chai Coca Cola.”

Khóe môi Tạ Trạch Ích bất giác nhếch lên, “Được.”

Sở Vọng rất hài lòng với khoản tiền cược này. Nhưng hai người một trên một dưới trắng trợn nói chuyện như thế có vẻ to gan quá.

Chợt cô đưa tay ra, “Anh cầm giấy bút đi đã.”

Tạ Trạch Ích giơ tay nhận lấy giấy và bút máy trong tay cô.

Rồi bỗng Sở Vọng nhón chân lên nhìn xuống ban công bên ngoài, áng chừng độ cao.

Tạ Trạch Ích hiểu được ý đồ của cô, nhưng lại không biết phải làm gì.

Sở Vọng thở dài, sợ hãi bám vào ban công. Nửa người cô nằm lệch ra bên ngoài, nghiêng đầu nhìn Tạ Trạch Ích vẫn đứng bất động, bụng thầm mắng “đúng là đồng bọn ngu như heo!”, nhưng ngoài miệng lại nói, “Anh đỡ em có được không?”

Tạ Trạch Ích bị cô làm cho buồn cười, vội bước lên trước hai bước, xách cổ áo cô như xách túi thức ăn trong siêu thị, kéo cô xuống đất.

Sở Vọng: “…”

Nếu hai người sinh muộn một trăm năm, bị cư dân mạng nhiều chuyện chụp ảnh lại đăng lên mạng, thì một loạt hành động đó cùng với tổ hợp hai người như bây giờ thật sự đủ để cư dân mạng cười no.

Sở Vọng đứng trên mặt đất, vẫn cảm thấy chưa an toàn mấy, thế là cô tìm một chỗ khuất trong bóng tối, ngồi xổm xuống với Tạ Trạch Ích.

Sau khi ngồi xuống, vì chênh lệch chiều cao đã giảm đi nên trông anh hiền hơn rất nhiều.

Tạ Trạch Ích cười hỏi, “Em nhảy xuống từ trên tầng hai như vậy, không sợ bị ai biết à?”

Sở Vọng nghĩ ngợi rồi đáp, “Nếu bị người ta thấy thì em sẽ nói là anh bắt em đi. Dù gì em cũng là một đứa bé mười tuổi tay trói gà không chặt.”

Tạ Trạch Ích không ngờ cô sẽ trả lời như thế, lắc đầu cười.

Bỗng Sở Vọng nói, “Anh xoay người lại đi, quay lưng về phía em.”

Tạ Trạch Ích xoay người lại, sau đó có cảm giác một tờ giấy đặt lên lưng mình.

Đã có bàn rồi, độ cao cũng vừa tầm, Sở Vọng hỏi, “Nói đi, muốn viết gì?”

“Dear Marlin…” Tạ Trạch Ích nheo mắt, nghĩ ngợi một cách khó khăn, có vẻ không biết nên lựa lời như thế nào. Chợt cô gái bé nhỏ sau lưng anh cầm bút viết sột soạt, các một lớp áo, xúc cảm từ đầu ngòi bút truyền đến khiến anh nhồn nhột.

Sở Vọng vội viết xuống: Mã Linh thân yêu.

Nhân lúc Tạ Trạch Ích còn đang suy nghĩ, Lâm Sở Vọng hỏi, “Em có thể thêm năm chữ ‘thấy chữ như thấy người’ không?”

Tạ Trạch Ích không nghĩ ngợi mà gật đầu ngay.

Đợi tới khi Sở Vọng viết xong, Tạ Trạch Ích mới hỏi, “Em viết thêm gì đấy?”

“Thấy chữ như thấy người,” Sở Vọng nói, “Ghi thêm vào sẽ khiến ta có văn hóa hơn.”

“Có nghĩa là gì?”

Sau khi đến thế giới này, trình độ văn hóa của Sở Vọng cứ hạ thấp dần. Lúc nào cũng bị người ta khinh bỉ, giờ khó lắm mới gặp được một người không bằng mình, cô lập tức vui vẻ giải thích: “Ý chính là: lúc em đọc bức thư này, thì anh đã không có ở đây… A pi, là đọc bức thư này cũng giống như trông thấy chính bản thân anh vậy.”

__________

Tác giả có lời muốn nói: Giải thích ra ở đây có vẻ gây mất hứng, nhưng để tránh có bạn đọc cảm thấy nữ chính thánh mẫu, tôi vẫn muốn nói nữ chính làm như trên chỉ là vì muốn lấy lòng người duy nhất trong nhà mà cô ấy có thể lấy lòng.
 

Hoa Tử

Sưu tầm
Tham gia
24/9/19
Bài viết
10,570
Điểm cảm xúc
1,484
Điểm
113
Chương 13: Công tử ăn chơi và tiểu thư khuê các (6)
Tạ Trạch Ích nghĩ ngợi một lúc lâu, dùng tiếng Quảng lẫn phổ thông chèn thêm tiếng Anh như Trần Vĩ Đình, chậm rãi lựa lời không khác gì học sinh tiểu học viết văn, “… Sớm thôi anh sẽ rời khỏi Hương Cảng, đến một đầu khác ở bên kia Thái Bình Dương, có thể trong vòng một hai năm, sẽ không chóng quay về…”

Sở Vọng như đang làm bài điền từ vào chỗ trống, khó khăn hiểu là, “Anh phải rời khỏi Hương Cảng, đến bên kia Thái Bình Dương, có lẽ sẽ không quay về trong vòng một hai năm.”

Cảm thấy cô đã viết xong, Tạ Trạch Ích lại nói: “… Chúng ta của hôm nay, dù là hôn nhân hay tình yêu thì đều không được tự do, chí ít là bây giờ khó có thể tự mình làm chủ. Cho dù tiếp nhận nền giáo dục phương Tây nhiều ít thế nào, gia đình của chúng ta vẫn là gia đình Trung Hoa rất truyền thống…”

Anh ta nói những lời này bằng tiếng Anh. Nể tình chất giọng và phát âm của anh ta khiến người nghe cảm thấy sảng khoái, Lâm Sở Vọng miễn cưỡng coi như quay về hồi còn đi học, vừa nghe vừa viết soạt soạt ra giấy.

“… Hy vọng đợi tới lúc anh quay về, cả hai chúng ta đều là người tự do, nếu như em bằng lòng đợi anh. Đương nhiên, với người như anh thì những lời như ‘chờ anh’ quá mức xa xỉ.”

Sở Vọng vội viết ra câu này, nhưng Tạ Trạch Ích đột ngột nói, “Câu này không ổn.”

Sở Vọng dừng bút, hỏi, “Thế có muốn em gạch đi viết lại không?”

Tạ Trạch Ích hờ hững đáp, “Nếu đã viết rồi thì thôi.”

Sở Vọng nói, “Không sao mà, gạch hai nét thôi, nhìn qua hơi không đẹp cho lắm. Nhưng người càng đẹp thì chữ càng xấu, cho nên theo lý luận này, bức thư này của anh có chắp vá thế nào thì chị em cũng không để ý đâu.”

Tạ Trạch Ích cười, “Đây là lý luận của ai thế hả?”

Sở Vọng: “À… Bây giờ thì phải đợi kiểm chứng đã, nhưng có lẽ một trăm năm sau sẽ có người nói ra đó.”

Tạ Trạch Ích nói, “Gạch câu vừa nãy đi.”

Sở Vọng gật đầu, đầu ngòi bút lại rạch ngang mấy nét trên lưng anh.

Tạ Trạch Ích chợt dùng tiếng phổ thông nói: “Chúc em hạnh phúc —— những khi thấy trăng sáng, anh sẽ cầu cho em bình an hạnh phúc. Nhưng anh cũng có một yêu cầu quá đáng: xin em nhanh chóng quên anh đi.”

Sở Vọng thở dài, nghĩ bụng, lời tỏ tình rất được, cho 10 điểm. Còn khốn nạn thì cũng rất khốn nạn, cho 0 điểm. Tổng điểm: không đạt tiêu chuẩn.

Viết xong, Tạ Trạch Ích nói: “Regards, Zoe Tse.”

Sở Vọng cắn nắp bút, do dự một lúc, quyết định tự ý thay đổi: “Mãi là thân ái của em: Tạ Trạch Ích.”

Cuối cùng cũng điền xong một đoạn tiếng Anh xen tiếng Quảng, Lâm Sở Vọng thở phào một hơi, mở thư ra: “Có muốn đọc lại không?”

Nhưng Tạ Trạch Ích đã lắc đầu, “Không cần.”

Sở Vọng gấp thư nhét vào trong túi áo, đi lên trước mấy bước, chợt thấy Tạ Trạch Ích đã quỳ gối xuống bên dưới ban công phòng cô, tựa như một ngọn núi nhỏ sừng sững. Tư thế rất phong nhã, nếu đổi thành người khác thì chưa chắc đã có được khí thế như vậy.

Sở Vọng ngẩn ngơ, bụng nghĩ, người này giở trò gì vậy?

Tạ Trạch Ích nghiêng đầu chỉ vào bả vai, “Lên đây.”

Sở Vọng nhìn chiếc áo khoác có giá trị không hề rẻ của anh ta, “á” lên một tiếng.

Tạ Trạch Ích lại tưởng độ cao này hơi cao, thế là ngồi thấp xuống.

Sở Vọng: “…”

Tạ Trạch Ích ngẩng đầu nhìn cô, cười nói, “Đừng sợ.”

Sở Vọng tiến thoái lưỡng nan, nuốt nước bọt cái ực, khó khăn đạp lên chân trái anh ta rồi leo lên, ngồi trên bả vai anh ta.

Tạ Trạch Ích nhẹ nhàng đỡ khuỷu tay cô, “Ngồi vững chưa?”

Sở Vọng gật đầu, “Vững rồi.”

Chợt Tạ Trạch Ích từ từ nâng cô lên.

Sở Vọng thấy tầm mắt của mình dần lên cao, nghĩ bụng, cao đúng là tốt, tầm nhìn thoáng đãng, cũng nhìn được nhiều phong cảnh tốt đẹp hơn.

“Được chưa?” Tạ Trạch Ích hỏi.

Tầm mắt của Sở Vọng đã ngang với mép ban công. Nếu như cô từng học leo núi thì trèo lên cũng không sao. Có điều…

Cô lắc đầu, “Tay em… không có sức.”

Cô vừa dứt lời thì cả người đã được bế lên. Đến khi hoàn hồn, cô đã được đặt ngồi trên lan can.

Sở Vọng: “…” Vì sao cảm thấy bản thân như một món đồ không có trọng lượng vậy.

Cô nhảy xuống ban công từ lan can, tới khi ngoái đầu lại thì đã không thấy bóng dáng của Tạ Trạch Ích trong vườn hoa đâu nữa.

Chạy nhanh thật đấy… Lâm Sở Vọng không khỏi gãi gáy, hoài nghi liệu có khi nào là mình nằm mơ không.

***

Vẫn đang trong thời gian cấm túc, buổi sáng Điệp Nhi đến rửa mặt cho cô xong thì xuống lầu lấy bữa sáng lên.

Sở Vọng đã tỉnh táo hơn sau khi rửa mặt, cô gọi Điệp Nhi đến, “Báo hôm nay đã tới chưa?”

Điệp Nhi gật đầu, “‘Báo tin tức Hương Cảng’ vừa được đưa tới.”

Sở Vọng nói: “Bao giờ đem bữa sáng lên, có thể cầm một tờ lên cho tôi được không?”

Điệp Nhi đáp được rồi đi xuống.

Điệp Nhi cầm bữa sáng và báo lên, Lâm Sở Vọng mở báo ra, nghiêm túc vừa ăn vừa đọc.

Điệp Nhi thấy cô như thế thì không khỏi tức cười.

Sở Vọng nhấp một ngụm sữa bò, một vòng sữa trắng dính quanh mép, hồ nghi hỏi, “Chị cười gì vậy?”

Điệp Nhi lau miệng cho cô, nói: “Cô ba như thế này, nếu dán thêm râu thì trông giống cụ ông nhà người ta lắm.”

Sở Vọng le lưỡi cười rồi tìm bản tin mà mình muốn đọc ở trên tờ báo. Có điều cô chẳng mất thời gian tìm cho lắm, bởi vì bản tin đó được đăng ở nơi bắt mắt nhất trên tờ ‘Báo tin tức Hương Cảng’.

Mẩu tin kia viết:

“Duyên trời tác hợp: trưởng nữ Mã Linh của ngài Kiều được phong huân tước ở Hương Cảng và cậu hai Mark Hoàng của tiên sinh Hoa kiều Pháp Hoàng Hưng đã vui kết lương duyên.”

Bản tin viết khá lan man, cuối cùng lại dùng chữ to rất bắt mắt viết rõ:

“Cô Kiều, ngay từ khi ra đời đã thông minh sáng suốt, đượchuân tước Tạ Hồng yêu mến, nhận làm con nuôi. Vừa có tin vui, ngài Tạ Hồng vô cùng mừng rỡ, tặng con nuôi mảnh đất bất động sản ở đường Burton làm của hồi môn.”

Lâm Sở Vọng không khỏi chặc lưỡi thở dài, cô út và ngài huân tước họ Tạ này đúng là có thể một tay che trời, chỉ trong một đêm đã quyết định được hôn sự của chị Mã Linh, thậm chí còn đưa lên đầu đề tờ báo.

Nói tới đây, Lâm Sở Vọng không biết nên thương cảm cho chị Mã Linh hay nên hâm mộ chị ấy.

Điệp Nhi thấy cô khóa cửa sổ suốt đêm thì đi tới mở cửa ra cho gió mát lùa vào. Nhưng vừa đẩy cửa sổ ra, ánh nắng ban mai chiếu vào phòng, Điệp Nhi chợt “ơ?” lên một tiếng.

Lâm Sở Vọng hỏi: “Sao thế?”

Điệp Nhi nhìn ra ngoài ban công, nói, “Cô chủ lại đây xem đi.”

Lâm Sở Vọng nhìn ra ngoài theo tầm mắt của cô ấy.

Lâm Sở Vọng: “…”

Trên lan can ngoài ban công đặt một dãy những chiếc chai xanh đỏ, như một bức phù điêu đủ màu sắc đột nhiên xuất hiện trên lan can trắng cẩm thạch —— tất cả đều là nước ngọt.

Lâm Sở Vọng đẩy cửa ra đứng trên ban công nhìn xuống, lại chẳng thấy một ai. Có thể thấy rõ người này đã đến đây đặt lên vào lúc nửa đêm, hoặc dậy từ rất sớm.

Cô đi tới nhìn mấy chai nước ngọt kia, có nước xá xị đủ nhãn hiệu, có chai thủy tinh Watsons Coca Cola, còn có cả vài chai nước ngọt không biết tên, nhìn có vẻ giống bia trái cây nhiệt đới.

Các chai thủy tinh được xếp thành một hàng trên lan can, đúng là làm khó anh ta rồi.

Điệp Nhi nói: “Đâu ra nhiều đồ uống thế này?”

Lâm Sở Vọng thở dài, rồi bảo Điệp Nhi đem một chiếc thùng tới. Điệp Nhi lấy một chiếc thùng gỗ ngày trước dùng để chuyển nhà đặt bên dưới hành lang đến, bên trên đã bị mốc do ẩm. Lâm Sở Vọng gật đầu, cảm thấy vẫn còn dùng tốt chán, thế là bảo Điệp Nhi giúp cô chuyển mấy chai nước ngọt trên ban công vào trong thùng.

Chỉ làm mỗi việc đó thôi mà hai người đổ mồ hôi đầy đầu. Lâm Sở Vọng không khỏi nghĩ, nếu đặt từng chai nước ngọt lên đó thì mất bao nhiêu sức lực đây?

Có điều đợi đến khi Điệp Nhi đẩy thùng vào dưới giường của cô, Lâm Sở Vọng vui vẻ giang tay giang chân ngã phịch xuống giường, “Trời ơi, mình đúng là giàu quá mà, đúng là giàu xổi trong một đêm.”

Điệp Nhi bất đắc dĩ lắc đầu cười.

Lâm Sở Vọng chợt nhớ ra một chuyện quan trọng, bèn hỏi: “Bác đã ra ngoài chưa?”

Điệp Nhi gật đầu, “Ăn sáng xong là đi rồi.”

Lâm Sở Vọng nói, “Nhanh lên! Mau gọi chị cả đến đây!”

Một lúc sau, Kiều Mã Linh rón rén mở cửa phòng của cô ra, vừa vào đã hỏi ngay, “Tối… tối hôm qua anh ấy có đến đây hả?”


Lâm Sở Vọng gật đầu rồi dịch sang một bên, nhường chỗ cho chị ngồi xuống mép giường.

Kiều Mã Linh vừa ngồi xuống, Lâm Sở Vọng lập tức lấy thư trong túi ra đưa cho chị.

Kiều Mã Linh mở thư ra, thấy trên giấy có chỗ đen chỗ trắng thì cười với vẻ bất lực, “Viết xấu thật đấy.”

Lâm Sở Vọng le lưỡi, tình thế cấp bách mà.

Kiều Mã Linh hồ nghi nói, “Xấu thì cũng tạm chấp nhận, nhưng sao lại viết ngang?”

Lâm Sở Vọng ngẩn người, đúng rồi, lúc này kiểu viết từ trái sang phải vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Cô gật đầu nói, “Chắc là do viết tiếng Anh quen rồi.”

Kiều Mã Linh tưởng Tạ Trạch Ích viết, lòng không khỏi cảm động, “Đúng là làm khó anh ấy quá.”

Chữ của mình lại bị xem thường nữa rồi. Lâm Sở Vọng bĩu môi không nói gì.

Kiều Mã Linh nhanh chóng đọc xong bức thư, sắc mặt ủ dột, “Bây giờ kết thúc thật rồi.”

Lâm Sở Vọng thấy chị sắp rơi nước mắt thì vội trấn an, “Cứ tương tư an ủi nhau, không bằng quên đi thì hơn. Có lẽ năm ba năm nữa anh ta sẽ quay về, rồi chị cũng…”

Cô đang tính nói là “chị cũng có thể ly hôn, hai người lại có thể vui vẻ diễn mối tình Khuynh Thành Chi Luyến kinh thiên động địa”. Nhưng lại cảm thấy người ta vừa đính hôn, sao có thể rủa người ta ly hôn được, như vậy không hay lắm. Cô bèn sửa lời, “Dưới gối chị cũng có con cái thành đàn, người ngoài nhìn vào, trái lại cũng có thể thư thái mỉm cười.”

“Thư thái mỉm cười.” Kiều Mã Linh nhướn mày, “Ừ, như thế cũng tốt.”

Lâm Sở Vọng nghĩ ngợi một lúc rồi hỏi, “Chị không muốn nói gì với anh ấy à?”

Kiều Mã Linh lấy ra một phong thư ở trong túi áo, giao cho Lâm Sở Vọng, “Nếu anh ấy có ghé lại, nhờ em giao nó cho anh ấy giúp chị.”

Lâm Sở Vọng gật đầu, chợt sực nhớ ra một chuyện, cô vội đẩy thùng nước ngọt ở dưới giường ra, hỏi, “Chị có muốn uống nước ngọt không?”

Rốt cuộc Kiều Mã Linh cũng nở nụ cười, “Anh ấy đúng là rất biết cách hối lộ trẻ con.”

Lâm Sở Vọng bất bình: Tôi thích uống nước ngọt đấy thì sao, sao có thể là trẻ con được?

“Em ba cứ cất đó uống dần đi.” Kiều Mã Linh dí vào trán cô, “Chị, chị phải đi rồi, nếu mẹ về mà thấy, thì lại phạt hai đứa mất.”
 

Hoa Tử

Sưu tầm
Tham gia
24/9/19
Bài viết
10,570
Điểm cảm xúc
1,484
Điểm
113
Chương 14: Thư nhà kiểu học thuật
Trong thời gian bị cấm túc, Sở Vọng như chàng Alibaba vui vẻ ngày ngày trông nom thùng kho báu của mình. Thư của chị Mã Linh được cô lót bên dưới một chai nước ngọt, đặt trên bệ cửa sổ.

Bất tri bất giác đã đến ngày nộp thư hồi âm, thế nhưng Sở Vọng vẫn chưa viết được chữ nào. Không phải cô lười, mà chỉ đơn giản là vì không đủ kiến thức.

Ngược lại với cô, Lâm Doãn Yên đã viết xong thư từ lâu. Ba ngày nay, bà Kiều lên tầng ba thăm cô nàng rất nhiều lần, lần nào cũng thấy cô bé ngoan ngoãn ngồi trước bàn vẽ vời tập viết, thậm chí còn học tiếng Anh và xoạc chân, khiến bà Kiều vô cùng vui vẻ yên tâm.

Ngoài miệng cô bé ngoan ngoãn gọi bác cả, gọi xong lại không vui xoay đầu đi, vẫn còn dỗi cô chuyện xé ảnh lần trước.

Bà Kiều ngồi xuống bên cạnh, kéo tay Doãn Yên cười nói, “Vẫn còn giận bác hả?”

Doãn Yên không ư hử trả lời.

Bà Kiều bảo dì Triệu lấy bánh bao tào phớ đến, đặt lên bàn. Doãn Yên liếc nhìn rồi tiếp tục cúi đầu đọc sách. Bà Kiều thở dài, “Tính khí bướng bỉnh này, y hệt cha cháu.”

Doãn Yên vẫn không thưa thốt.

Bà Kiều cắt bánh bao tào phớ thành từng lát nhỏ, nói, “Bác cả hiểu rõ ai nhất, Doãn Yên còn không biết sao?”

Doãn Yên bĩu môi, “Không phải bác cũng hiểu rõ em ba nhất đấy à?”

“Được rồi được rồi, bác hiểu rõ em ba nhất, nên cháu làm sai bác vẫn bắt nó chịu phạt với cháu!” Bà Kiều bị cô bé chọc cười, “Chuyện này cháu giải quyết không tốt, cháu có biết vì sao không?”

“Không tốt ở đâu ạ?” Lâm Doãn Yên cụt hứng cúi đầu.

Bà Kiều nói, “Cha và bác hiểu cháu nhất, trong lòng Doãn Yên biết thế là được rồi. Cháu là người có được mọi ưu thế, trừ khi em ba có hôn sự tốt, chứ nó đâu hơn được cháu hả? Cháu phải tỏ vẻ xuất chúng hơn người, không để nó vào trong mắt. Ngày hôm trước cháu bực tức với nó ngay trước đám đông, nếu lọt vào mắt người khác thì sẽ nói cháu không ra dáng chị gái, bảo có muốn bác bảo vệ cháu cũng không được, cháu nghĩ xem có đúng không?”

Lâm Doãn Yên cảm thấy bà Kiều nói có lý, nhưng vẫn không vui, “Hôn sự của nó vốn là của cháu…”

Bà Kiều thoáng tức giận, đặt dao nĩa xuống bàn cái *cạch*, dọa Lâm Doãn Yên giật mình.

“Cái gì mà phải với không phải của cháu hả?” Bà Kiều nghiêm mặt nói, “Cuộc hôn nhân này giờ đã vậy rồi, ngày trước cũng chẳng ai ngờ cả. Chính cha cháu là người hứa gả, sao nhà chúng ta có thể lật lọng bội ước được?”

Lâm Doãn Yên bị bà dọa sợ trắng bệch mặt, không dám ho he.

“Nhưng cháu phải biết, nhà ta không lật lọng không có nghĩa là nhà họ Tư sẽ giữ lời. Năm dài tháng rộng, ai biết được sáu năm sau có xảy ra rắc rối gì không? Cháu chỉ việc ngày ngày học tập tốt, nghiêm túc học những gì bác dạy cháu, chắc chắn chỉ mấy năm nữa cháu sẽ trở nên xuất sắc. Đợi sáu năm sau, em gái cháu lớn lên trông như thế nào, cái cậu nhà kia có còn coi trọng nó không, hay có nhờ vả được người nào khác hơn, chuyện khó nói lắm.” Bà Kiều cố gắng hạ thấp giọng, nhưng lời nói ra rất vang rất có lực.

Lâm Doãn Yên bị bà ta làm ảnh hưởng, trịnh trọng gật đầu.

Lúc này cơ mặt bà Kiều mới giãn ra, vuốt tóc Lâm Doãn Yên ra sau tai, “Nên là, bây giờ cháu cứ nhân nhượng vì lợi ích đã. Cháu cứ đi xin lỗi em ba đi, để người ngoài thấy người làm chị như cháu rộng lượng thế nào. Chúng ta dù làm gì cũng phải thích đáng, không được để kẻ khác nói ra nói vào.”

Lúc này Lâm Doãn Yên mới mỉm cười, thấp giọng đáp, “Vâng ạ.”

***

Khi bà Kiều dẫn Doãn Yên đến xin lỗi thì Lâm Sở Vọng đang uống xá xị, thế là cô vội đá thùng đồ xuống giấu dưới gầm giường.

Lâm Doãn Yên khẩn khoản xin lỗi, Lâm Sở Vọng cũng bày tỏ: em không nên xúc phạm chị, là em sai trước.

Chuyện cứ thế kết thúc trong tốt đẹp.

Nhưng với Lâm Sở Vọng từ khi tốt nghiệp cấp hai đã bắt đầu cuộc sống chung đụng mười mấy năm mà nói, lời xin lỗi của Lâm Doãn Yên là chân tình hay giả ý, chỉ liếc qua là cô có thể thấy rõ ngay.

Thật ra thì chuyện nhận lỗi đó, cũng chỉ là sau khi cân nhắc suy tính mới nhượng bộ thỏa hiệp.

Có một kiểu người đồng ý trút bỏ sự tôn nghiêm vì quý trọng bạn, không muốn mất bạn.

Nhưng vẫn có một loại người, sau khi quật phá cuộc đời bạn thì lại hời hợt nói: “Xin lỗi nhé, tôi không cố ý.” Chẳng qua là để thuận tiện cho sau này cưỡi trên đầu bạn làm xằng làm bậy mà thôi.

Lâm Sở Vọng hiểu rất rõ đạo lý này, thậm chí có thể đấm ngực khóc chảy máu mắt, vung bút viết ra một bài luận: Luận văn về bạn cùng phòng ngu tới mức nào mới không đáng để tha thứ.

Cũng sau khi bà Kiều dẫn Doãn Yên đến nói xin lỗi, Lâm Sở Vọng mới ý thức được, lá bài trong tay mình quá xấu.

Cô nheo mắt nghĩ ngợi, nhưng vẫn chẳng thể nào nhớ nổi sự kiện Đông Bắc “đổi cờ”, Bắc phạt thành công là vào năm nào*.

(*Vào Ngày 4 tháng 6 năm 1928, Trương Học Lương được các thủ hạ của cha mình tôn lên chức vụ Tổng tư lệnh Bảo an Đông Bắc.Ngay lập tức, ông cùng các thủ hạ tuyên bố đổi cờ, ly khai chính phủ Bắc Dương, gia nhập chính phủ Quốc dân đảng. Do sự quy thuận của Trương Học Lương, Tưởng Giới Thạch dễ dàng chấm dứt cục diện quân phiệt gây rối loạn, hoàn tất công cuộc thống nhất Trung Quốc (tức chiến tranh Bắc phạt 1926-1928).)

Cô vẫn chưa thánh mẫu tới mức muốn viết thư nói với cha rằng: trong hai năm tới, giả sử không thể thay đổi phe cánh nương nhờ chính phủ Quảng Châu*, thì tốt nhất là nên sớm từ bỏ chính sự, chuyên tâm vào chuyện trường lớp, tránh làm con thốt chí trong cuộc chiến tranh chính trị.

(*Năm 1927 trong cuộc nội chiến Trung Quốc, chính quyền Quảng Châu đã vào tay những người Cộng sản Trung Quốc.)

Không biết đến khi đó nhà họ Tư có đáng tin cậy không, nhưng hình như lúc ấy Tư Ngôn Tang đã có thể độc lập được rồi.

Trong tay toàn bài xấu, chỉ có duy nhất một con át, còn lại có quá nhiều nhân tố không thể chống chế.

Cô có kỹ năng của mình, nhưng giờ làm gì được đây?

Dịch ít sách về Cách mạng Công nghiệp Châu Âu, lịch sử Châu Âu cận đại hay lịch sử Hoa Kỳ trước cuộc cách mạng độc lập?

Viết một bài báo học thuật? Đến trường đại học đứng lớp?

Nhưng với tuổi tác và bằng cấp hiện tại mà nói thì chẳng thực tế chút nào.

Nếu tiếp tục nghề cũ, làm hình ảnh sinh học*… lại càng không thể. Hiện tại là thế giới của vật lý và khoa học công nghiệp, còn sinh học cùng lắm chỉ có tác dụng răn đe trong chiến tranh… Huống hồ bây giờ vẫn chưa phát minh ra máy vi tính.

(*Hình ảnh sinh học hay hình ảnh y khoa là kỹ thuật và quy trình tạo hình ảnh trực quan về bên trong của cơ thể để phân tích lâm sàng và can thiệp y tế, cũng như biểu thị trực quan chức năng của một số cơ quan hoặc mô sinh lý học.)

Học vật lý hạt nhân, phấn đấu vì cuộc chiến của phe Đồng Minh chống phát xít sau này sao?

Nghĩ đến đây, Lâm Sở Vọng bị chính bản thân chọc cười. Trong thời đại này, sự xuất hiện của cô chỉ như hạt cát dưới đáy biển sâu. Tại nơi đây có rất nhiều lớp người tài giỏi, biết bao nhiêu anh hùng nhi nữ, người trước ngã xuống người sau tiến lên. Với lượng kiến thức dự trữ hiện hữu của mình, cô không thể thay đổi chiến tranh, chỉ đành để mặc bản thân bị cuốn đi, không khác gì con người trong thời đại này.

Những người vượt thời gian khác thì luôn hâm mộ những nhà du hành thời gian giỏi khoa học công nghệ, nhưng với thân phận một nhà khoa học vượt thời gian như cô mà nói, có những lúc kiến thức học thuật chỉ là thứ vô bổ, còn không bằng hiểu biết thêm về kiến thức lịch sử.

Nhưng may là cô vẫn có điều may mắn đáng giá, đó là chí ít trước khi bị tống cổ vào năm mười sáu tuổi, cô vẫn còn an toàn. Trong sáu năm tới, có rất nhiều tài nguyên có thể lợi dụng.

Nếu có thể được học hành như Lâm Doãn Yên, cộng thêm thiên phú cô có sẵn trước khi đến đây, liệu có phải sẽ tạo ra được một vài kỹ năng đặc biệt độc đáo không?

Tờ giấy viết thư trắng phau đã ba ngày không hạ bút đang nằm trên bàn, Lâm Sở Vọng nôn nóng gõ ngón trỏ xuống giấy.

Chỉ cần không bắt cô đọc thuộc lòng tứ thư ngũ kinh, Đường thi tam bách thủ và viết văn cổ, thì dù bảo cô luyện cách dùng tay không bổ sầu riêng hay đập bể tảng đá bằng ngực cũng được.

Học cái gì đó thì để sau rồi nghĩ…

Lâm Sở Vọng cắn nắp bút, thầm nghĩ: Không phải là thư hồi âm thôi sao? Vậy cứ viết theo những gì mình am hiểu vậy.

Nghĩ đến đó, cô lập tức nghĩ ra đề bài, hạ bút như bay.

Gửi một bức thư nhà đến người cha trong nhà.

Lâm Sở Vọng (1) Lâm Doãn Yên (2) Tiết Chân Chân (3) bác cả (4) chị Mã Linh (5)

(1) là đứa con gái thứ ba của người cha. (2) là người con gái thứ hai của người cha. (3) là cháu ba của dượng Kiều. (4) là chị cả của người cha. (5) là cháu cả của người cha.

Dàn bài: Bài viết này chủ yếu miêu tả những chuyện Lâm Sở Vọng gặp được trong những ngày đến Cảng. Trong bài viết kể sơ lược những chuyện như chăm sóc chị hai Doãn Yên khóc lóc trong hai ngày từ Thiệu Hưng đến Thượng Hải, rồi từ Thượng Hải đi tàu đến Hương Cảng chăm sóc chị hai, bác cả và cô bé Tiết Chân Chân say sóng như thế nào. Ngoài ra, sau khi chuyển vào ở biệt thự họ Kiều trên đường Bá Tước, tất cả những việc ăn ở đi lại cũng được giới thiệu khái quát. Sau đó lại miêu tả cặn kẽ quá trình học ba-lê và tiếng Anh gần một tháng. Ngoài ra, những suy nghĩ và cảm ngộ của Lâm Sở Vọng liên quan đến ba giai đoạn trên cũng sẽ được tổng kết ở cuối bài.

Từ khóa: Đường Bá Tước, biệt thự họ Kiều, ba-lê, tiếng Anh, chị hai bị say sóng nghiêm trọng.

(Ở đây đã lược bớt mười ngàn chữ nguyên bản.)

Cám ơn những người đã đóng góp ý tưởng rất nhiều cho bài viết này: dựa theo mức độ đóng góp mà chia Lâm Doãn Yên, Tiết Chân Chân, bác cả và chị Mỹ Linh theo thứ tự tác giả hai, ba, bốn, năm.

***

Bị chữ phồn thể giày vò suốt đêm, nên lúc viết xong thư nhà theo lối viết tinh tế, nội dung phong phú lại suy luận rõ ràng, Lâm Sở Vọng đã lập tức nằm trên bàn ngủ gục, trước khi nước dãi chảy đến dòng “thư nhà”, Điệp Nhi đã ôm cô lên giường, nhanh chóng cứu lấy bức thư.

Sáng sớm ngày hôm sau, lệnh cấm túc kết thúc. Lâm Sở Vọng mơ màng được Điệp Nhi dẫn ngồi vào bàn ăn, giao thư hồi âm vào trong tay bà Kiều trước hạn chót mười lăm phút.

Khi bà Kiều duyệt thư, ba đứa nhỏ im lặng vùi đầu ăn cơm.

Bà Kiều: “Chữ của Doãn Yên rất nắn nót rất đẹp, khiến người ta thích mắt. Viết đầy đủ hơn một nghìn chữ, dẫn trích điển cố, hạ bút thành văn, văn chương tài hoa, nếu cha con thấy nhất định sẽ rất vui.”

Lâm Doãn Yên nhướn mày, nhưng vẫn bình tĩnh loay hoay dùng dao nĩa ăn trứng chiên.

Bà Kiều tiếp tục phê bình: “Kiểu chữ của Chân Chân đẹp thì có đẹp, nhưng lại quá láu, quá nguệch ngoạc.”


Chân Chân phớt lờ, khẽ liếc lấy Lâm Doãn Yên, nói với vẻ khiêu khích, “Trâm hoa tiểu khải* đã không còn thịnh hành, không chút phóng khoáng gì cả.”

(*Tiểu Khải là kiểu chữ nhỏ viết tay, cụm từ trâm hoa tiểu khải để miêu tả nét chữ nắn nót của người con gái.)

Doãn Yên tức giận, nhưng vẫn nín nhịn không nổi nóng, nghiến răng nghiến lợi nuốt xuống nửa lòng đỏ trứng.

Bà Kiều đặt thư của Tiết Chân Chân xuống, cầm lấy phong thư cuối cùng lên, “Sở Vọng… Sở Vọng…”

Bà nheo mắt, nghi ngờ mình nhìn nhầm: “Đây, đây là cái gì?”

Doãn Yên vô cùng chu đáo đưa đầu đến xem giúp bác, nhìn một lúc rồi lập tức cười phì, “Vì sao lại viết ngang? Kiểu như thế đâu phải thể viết thư… Em ba ngủ đến lú lẫn rồi hả?”

Tiết Chân Chân thấy Lâm Doãn Yên chế nhạo chính em gái mình thì cũng tò mò đưa đầu tới, nhìn một lần rồi lại khinh thường ra mặt, “Viết ngang càng sát với thói quen thị giác của người ta hơn so với viết dọc —— đấy là cha con nói thế. Từ mấy năm trước, mấy người cha con đã đề xướng viết chữ ngang trong tạp chí Tân Thanh Niên rồi. Có điều không phổ biến rộng rãi ngoại trừ những nơi như Bắc Bình, Thượng Hải và Quảng Châu.”

Lâm Doãn Yên rất ghét lúc nào Tiết Chân Chân cũng lấy cái chuyện mình là người Thượng Hải ra để dè bỉu mình, lập tức phản bác, “Vậy vì sao cô không viết chữ ngang hả?”

Tiết Chân Chân thờ ơ đáp, “Có viết chữ ngang hay không cũng phải xem tâm trạng thế nào đã.”

Lâm Sở Vọng đang nín nhịn chợt cười phì một tiếng, suýt nữa đã phun nước trái cây lên mặt Tiết Chân Chân ở đối diện, tức khắc bị bà Kiều trợn mắt.

Mới sáng sớm mà Lâm Doãn Yên đã bị Tiết Chân Chân giễu cợt, không khỏi xấu hổ.

Kiều Mã Linh cũng tò mò lại gần nhìn, “Ngày trước khi học ở trường dòng, có vài sinh viên đại học Hương Cảng cũng từng phổ biến dùng chữ Latin để viết văn theo kiểu này.”

Bà Kiều đặt giấy viết thư ra xa, cảm thấy Lâm Sở Vọng dùng bút máy viết rất khá, hàng chữ cân đối, thế là khen ngợi một câu hiếm hoi, “Cháu ba biết theo trào lưu mới đấy.”

Kiều Mã Linh cũng cười nói, “Nghe Điệp Nhi bảo, sáng nào em ba cũng đọc báo, không sót ngày nào.”

Lâm Doãn Yên im lặng không lên tiếng, chỉ nhướn mày nhìn thư nhà của Lâm Sở Vọng.

Kể từ đó trở đi, đột nhiên Lâm Doãn Yên cũng có thói quen tốt ngày ngày đọc báo.

Điều này khiến Tiết Chân Chân phỉ nhổ: “Phải đợi ba bốn năm nữa, tin kết hôn của cô với cậu Trịnh mới được đăng báo. Giờ gấp cái gì?”
 

Hoa Tử

Sưu tầm
Tham gia
24/9/19
Bài viết
10,570
Điểm cảm xúc
1,484
Điểm
113
Chương 15: Vợ bé và thợ may (1)
Sau khi ngài hầu tước Kiều nhận được tin tức kết hôn của con gái, ông lập tức đi thuyền trở về từ Anh Quốc.

Quần áo mới của ba đứa nhỏ đã có trước khi hầu tước Kiều về: áo len tay ngắn xuân hè, váy ngắn, đầm dài và áo ngủ kiểu phương Tây, mỗi thứ hơn mười bộ.

Còn chưa kịp mặc thử, bà Kiều đã lại đến ra oai phủ đầu: “Lúc nào mặc đồ gì đều có quy định cả. Buổi sáng trước khi ăn sáng, phải thay áo ngủ thành áo tay ngắn mới được ngồi vào bàn ăn. Sau này những thói quen đó sẽ theo các cháu suốt đời. Nếu có khách đến, lúc ở nhà tiếp khách phải đổi thành đầm dài kiểu Tây. Nếu mặc nhầm, không chỉ có ta sẽ phạt mấy đứa, mà sẽ còn bị người ta chỉ trỏ cười nhạo. Giờ chưa phải là tuổi để mặc sườn xám, nên ta đã đặt làm mấy bộ váy hơi rộng cùng với giày đế bằng. Đợi thêm vài tuổi nữa, ra ngoài phải mặc sườn xám và đi giày cao gót.”

Ba đứa nhỏ gật đầu như gà mổ thóc.

Lúc này dì Triệu chợt đi tới, báo cáo với bà Kiều: “Xe đến bến tàu đón ông Kiều đã về rồi ạ, đi cùng còn có ngài Saumur, được ông chủ mời từ Paris đến, nói là để may váy cưới cho cô cả.”

Bà Kiều nghiêm túc hỏi ba đứa nhỏ, “Thế bây giờ nên mặc gì đây?”

Ba đứa nhỏ đồng thanh trả lời: “Váy dài kiểu phương Tây.”

Bà Kiều bày tỏ trẻ nhỏ dễ dạy.

Đầu hè có trận mưa bụi, xe phanh cái *két* ở ngoài cửa, bà Kiều lập tức dẫn bốn cô gái xếp thành một hàng đứng đợi ở trên bậc thềm. Người hầu đầy tớ đứng phía sau, chia nhau ra che ô cho chủ.

Ông Kiều là người đầu tiên xuất hiện từ trên bậc thềm: vì đi trên biển gần một tháng, thiếu trái cây rau tươi, không hấp thụ đủ vitamin nên bên khóe miệng có vết loét. Đường chân tóc khá cao —— xem ra độ cứng của đồ uống* Anh Quốc trong thời đại này vẫn cao như trước. Tóc mai hoa râm, thấp hơn chiều cao trung bình của dân Anh nhưng lại cao hơn mức trung bình của người Trung Quốc, ông mặc âu phục giày da, bụng hơi phệ, song vẫn nhận ra hồi còn trẻ là một chàng trai tuấn tú.

(*Độ cứng của nước là số đo hàm lượng các ion kim loại Ca2+, Mg2+. Uống nhiều nước cứng gây ra hiện tượng rụng tóc.)

Ông thấy vợ và con gái dẫn theo mấy đứa trẻ đáng yêu đứng xếp hàng chào đón mình, trong lòng vô cùng vui vẻ.

Mọi người lần lượt gọi “cậu” “dượng” “cha”, cũng đón tiếp cái ôm vô cùng nhiệt tình từ ông Kiều.

Rồi ông giới thiệu người thứ hai với bọn họ —— ngài Saumur người Pháp từng là thợ may trong hoàng gia Anh Quốc. Ngài đây khá cao, đứng với ông Kiều trông không khác gì chú Thoòng và Xã Xệ*. Ngài Saumur thân thiện hôn má theo kiểu miền Nam nước Pháp với mọi người, dọa Doãn Yên và Chân Chân sợ hãi. Kiều Mã Linh đứng cạnh cười an ủi: “Đừng sợ, ngài ấy chỉ muốn chào hỏi hai em thôi.”

(*Chú Thoòng và Xã Xệ là hai nhân vật trong bộ truyện tranh “Chú Thoòng”. Ảnh.)

c15


Sau khi giới thiệu xong, dưới bậc thang có một cô gái da trắng phúng phính chừng hai mươi tư hai mươi lăm tuổi đi lên. Tóc cô ấy có màu đay, trên mặt lấm tấm tàn nhang, cũng vì thiếu vitamin mà môi bị lột da. Cô ấy ôm một đứa bé trai bốn năm tuổi trong ngực, tóc của thằng bé có màu nâu đậm, đôi mắt xanh lam như cơn gió thổi qua bờ biển, nhưng từ ngũ quan có thể nhận ra đó là con lai.

Sở Vọng lập tức ý thức được có chuyện, không hay rồi…

Quả nhiên, trong sự nghi ngờ của bà Kiều và Kiều Mã Linh, ông Kiều nghiêng đầu, vẫy tay với cô gái da trắng, chỉ vào bà Kiều rồi nói, “Người này, em phải gọi bà ấy một tiếng bà cả, tiếng Trung thế nào ta đã dạy em rồi.”


Người phụ nữ da trắng dùng tiếng Trung cứng nhắc gọi: “Chào bà cả…”

Bà Kiều suýt thì bất tỉnh, may có dì Triệu và Kiều Mã Linh đỡ lấy. Bà miễn cưỡng đứng vững, run giọng hỏi, “Chuyện, chuyện từ khi nào?”

Ông Kiều cúi đầu như không có mặt mũi nào đối mặt với bà, nhướn mày nói, “Từ mấy năm trước rồi.”

Sắc mặt của ông Kiều cũng không được tốt, ông không nhìn bà Kiều nữa mà quay sang cười gượng với Kiều Mã Linh, nói, “Mã Linh, đây là dì của con, tên là Mitchell, là người Bồ Đào Nha. Đây là em trai con, Leon. Leon, đây là chị của con, Mã Linh.”

Mitchell sắc mặt nhợt nhạt dùng tiếng Anh chậm rãi nói: “Mã Linh, dì vẫn hay nghe cha con nhắc đến con.”

Kiều Leon bập bẹ gọi, “Chị ơi.”

Kiều Mã Linh: “…”

Lâm Sở Vọng nhìn bóng dáng bác cả như chực ngã trong gió mưa, không khỏi thở dài: nhà họ Kiều tự dưng có thêm một bà vợ bé người da trắng, đúng là trong nhà bốc hỏa rồi…

Hôm nay vừa có khách lại vừa có hậu bối. Khách đi đường xá xa xôi, không thể để người ta dầm mưa được. Kiều Mã Linh biết lúc này tâm trạng của mẹ đang vô cùng phức tạp, nhưng dù thế nào đi nữa cũng không thể để người ngoài cảm thấy nhà mình mất quy củ, bèn miễn cưỡng xốc lên tinh thần mà nói, “Ngài Saumur, dì, Leon, ngoài này mưa lớn, đừng dầm mưa nữa, vào nhà trước đã.”

Chị phủi đi tro bụi trong nội tâm, sai dì Triệu dẫn khách vào nhà.

Sau khi mọi người đã vào, Lâm Sở Vọng đi theo dì Triệu, nghe thấy dì Triệu khuyên bà Kiều: “Có lão gia nhà ai mà chẳng tam thê tứ thiếp!”

Bà Kiều: “…”

Dì Triệu lại khuyên: “Huống hồ bà là lớn, cô ta chỉ là lẽ. Tới cái đất Cảng Thơm này, theo quy định, cô ta phải vấn an bà mỗi ngày.”

Bà Kiều đã mất nửa hồn trong mưa gió, nhưng vẫn cười gằn hai tiếng, “Vấn an ư? Sợ là ta không chịu nổi!”

Dì Triệu: “Bà chủ à… Dù gì cũng có con rồi, không thể làm gì được nữa, bà đành nhẫn nhịn đi vậy.”

Bà Kiều điều chỉnh lại cảm xúc, gương mặt không khác gì bảng màu.

“Được lắm… Nhà ai mà không có lẽ?” Một lúc sau, bà thở hắt ra rồi nhếch mép, mỉm cười đi theo sau mọi người vào phòng.

Mọi người ngồi trong phòng khách, Kiều Mã Linh đang định đi ngâm hồng trà Ceylon thì bị bà cả Lâm chặn lại. Bà nháy mắt với chị, lớn tiếng nói, “Lấy Bích Loa Xuân cậu con cho người đưa tới ở trên nóc tủ lại đây, ngâm một bình.”

Kiều Mã Linh ngạc nhiên, “Bình nào ạ?”

Bà Kiều dùng tiếng Thiệu Hưng nói ra tên dân gian của Bích Loa Xuân, “Là bình “hương thơm chết người”.”

Kiều Mã Linh lập tức hiểu ý, xoay người đi lấy trà.

Kiều Mã Linh lấy bộ trà cụ gốm Bạch Định ra, mấy đứa nhỏ không uống được nên chỉ lấy năm cốc trà.

Kiều Mã Linh cầm bình pha trà, rửa cốc đưa trà, khép tay nâng cốc… Một loạt động tác liền mạch lưu loát, được thực hiện bởi một cô gái phương Đông đang tuổi thanh xuân có dung mạo xuất chúng, tựa như bản dập của tập tranh vẽ mỹ nhân từ thời phong kiến được truyền vào châu Âu thông qua con đường tơ lụa, khiến người da trắng thở dài ngợi khen.

Thấy tròng mắt xanh to tròn vô hồn của bà lẽ Mitchell co lại vì thán phục, trên mặt bà Kiều vụt qua nụ cười đắc ý khó thấy.

Ông Kiều biết vợ mình đang ra oai, chỉ cười một tiếng rồi cầm cốc lên ngửi mùi trà, sau đó quay sang dạy MitChell và ngài Saumur cầm cốc thế nào, thưởng thức trà ra sao.

Bà Kiều cứng mặt, rồi nghiêm giọng bảo Kiều Mã Linh dẫn ba em gái đi thay đồ.

Thay vớ lụa trắng, giày ba-lê và váy bó sát người đi ra, ba đứa nhỏ xếp thành một hàng trước mặt khách. Kiều Mã Linh ngồi ngay ngắn trước đàn dương cầm, trước khi ngón tay hạ xuống phím đàn, chị ngẩng đầu lên, dịu dàng cười hỏi ba em gái, “Cảnh đầu tiên trong Hồ Thiên Nga của Tchaikovsky nhé?”

Ba đứa nhỏ đồng loạt gật đầu.

Người ngồi trên sofa vội ngồi nghiêm chỉnh, xốc tinh thần chuẩn bị thưởng thức tiết mục do các cô gái nhà hầu tước biểu diễn cho các vị khách đường xa.

Vũ khúc nhón chân vang lên từ ngón tay của Kiều Mã Linh, ba cô bé như ba chú thiên nga con mới lớn, đôi giày mũi nhọn giẫm bước trên sàn gỗ phòng khách phối hợp với bộ âm thấp vang dội, tựa như khúc nhạc đệm tiếng trống. Dáng múa dịu dàng đồng bộ, những tia nắng nhẹ hắt vào phòng khách qua khung cửa sổ, theo động tác tay chân mềm mại, chùm sáng giao thoa xen kẽ tạo nên cảnh đẹp.

Kết thúc điệu múa, ba cô bé cúi người chào trong tiếng khen ngợi của khách. Bà Kiểu ngẩng cao đầu ngạo nghễ mỉm cười, sai dì Triệu dẫn ba đứa nhỏ về phòng học tiếng Anh.
 

Hoa Tử

Sưu tầm
Tham gia
24/9/19
Bài viết
10,570
Điểm cảm xúc
1,484
Điểm
113
Chương 16: Vợ bé và thợ may (2)
Thở hổn hển quay về phòng, bất giác Sở Vọng nhớ đến mấy người ngồi trên sofa: môi bị lở còn tay bị xước mang rô, không khỏi thấy khó chịu thay họ. Đặc biệt là đứa bé mũm mĩm kia, nhìn ngoài đã như thế, không biết trong họng bị lở loét đến mức nào rồi.

Cô gọi Điệp Nhi tới, thấp giọng sai bảo, “Xuống bếp lấy chai sủi vitamin, pha với nước sôi nguội rồi đem ba ly lên cho bác cả.”

Điệp Nhi đáp lời.

Sở Vọng nghĩ ngợi rồi nói tiếp, “Lấy thêm một đĩa trái cây nữa, cắt thành múi nhỏ, nhớ chọn quả tươi đấy. Rồi tìm thêm cái bấm móng tay, để bác cả đưa cho ông Kiều.”

Điệp Nhi nghi ngờ ra mặt, nhưng vẫn làm theo.

Sở Vọng hiểu rất rõ sự khó chịu trong chuyến du lịch đường dài này.

Chỉ cần đi hơi xa là số đông mọi người bắt đầu bị xước. Vì thời tiết khô hanh nên mới bị xước, không đau không nhột, nhưng khi ngón tay bạn sờ tới đâu thì phần xước sẽ bị bong ra, chỉ cần thổi nhẹ là nổi da gà. Hơn nữa trên đường đi rất khó tìm được bấm móng tay. Cảm giác hành hạ đó như có người dùng móng tay cào vào bảng đen, cào liên tục không ngừng.

Có một lần trên chuyến tàu hỏa từ lâu đài Neuschwanstein quay về thành phố Munich, Sở Vọng vô tình gặp bốn người Trung Quốc đang đi du lịch. Sau đôi câu trò chuyện, một cô gái ấp úng hỏi: “Cho hỏi cô có dụng cụ bấm móng tay không?”

Nếu là người khác thì sẽ không hay đem theo thứ đồ này, nhưng Lâm Sở Vọng là người đã thấm thía nỗi khổ ấy.

Sau khi đưa bấm móng tay cho cô gái kia, Sở Vọng thấy cô ấy cắt bỏ hơn năm sáu vệt xước ở ngón tay rồi đưa cho người khác… Bốn người cắt xong, trông họ như được thoải mái sau cơn táo bón khó chịu nhiều năm, thư thái thở dài với Lâm Sở Vọng: “Đi du lịch được sáu ngày, nguyện vọng lớn nhất hằng ngày là tìm được một cái bấm móng tay.”

Bọn họ gọi đùa Sở Vọng là ân nhân cứu mạng.

Kể từ đó trở đi, bất cứ lúc nào trong túi xách của Sở Vọng cũng có bấm móng tay, phòng thỉnh thoảng cần khi cứu người.

Điệp Nhi đi đưa ly C sủi, trái cây và bấm móng tay xong thì quay về, sắc mặt lạ lùng đứng cạnh Lâm Sở Vọng không chịu đi.

Sở Vọng cười nói, “Chị muốn hỏi gì thì cứ hỏi đi.”

Điệp Nhi như vẫn chưa hoàn hồn từ trong kinh hãi, “Cô chủ, vì sao cô lại liệu được chuyện đó?”

Sở Vọng: “Liệu chuyện gì cơ?”

Điệp Nhi nghĩ rồi nói, “Lúc nãy đưa mấy thứ đồ cô dặn lên phòng khách, tôi bị bà chủ quát là ‘không thức thời’, ‘không hiểu quy củ’, bảo tôi ‘không biết lúc này là lúc nào hả? Nên làm gì thì đi làm đi, đừng đứng ở đây cản trở nữa’.”

Sở Vọng cũng tò mò, “Sau đó thì sao?”

Điệp Nhi nói: “Tôi đang định đem đồ đi thì người Pháp kia sáng mắt lên, vội bảo tôi gượm đã. Bà chủ thấy tình hình không ổn, cũng bảo tôi đứng lại. Sau đó ông chủ nói mấy người họ đã tìm bấm móng tay ở trên tàu rất nhiều ngày, nhưng tìm kiểu gì cũng không có, hôm nay về nhà lại chưa tìm được cơ hội hỏi bà chủ. Vì dẫu sao vừa vào cửa đã hỏi bấm móng tay thì đúng là kỳ quái.”

Sở Vọng cười phì một tiếng, lại hỏi sau đó có chuyện gì.

Điệp Nhi nói tiếp, “Ông chủ vừa dứt lời thì bà chủ đổi sắc mặt, tươi cười cầm lấy khay trong tay tôi. Kể ra cũng lạ, ba người bọn họ thay nhau cắt xước móng tay ngay trước mặt bà chủ —— đâu ra nhiều xước thế nhỉ? Cắt xong còn cắt cho thằng bé kia nữa, rồi vui vẻ uống C sủi, ăn trái cây. Ông chủ trông rất vui, hỏi tôi là ai dặn làm những chuyện này.”

Sở Vọng vội truy hỏi, “Chị trả lời như thế nào?”

Điệp Nhi nói, “Tôi thưa với ông rằng, ‘Là do bà chủ đã dặn cô từ trước. Cô thấy bà lâu rồi không gặp ông, vui đến mức quên mất chuyện này, thế nên cô mới nhắc tôi chuẩn bị theo lời bà chủ dặn.’ Tôi đáp xong, cả ông bà chủ đều rất vui, hiện tại còn đang cười nói ở dưới lầu.”

Sở Vọng nhìn Điệp Nhi, cảm thấy có một người hầu lanh lẹ như thế đúng là nhặt được bảo bối. Chỉ tiếc là chính cô đang trong phận ăn nhờ ở đậu, trong tay không có tiền dư, nếu không nhất định sẽ thưởng cho Điệp Nhi một đồng bạc.


***

Điệp Nhi vừa rời đi không lâu, Tiết Chân Chân đã nhẹ nhàng như cơn gió lẻn vào phòng Lâm Sở Vọng, không khách khí ngồi phịch xuống cuối giường cô.

Không cảm thấy mình là khách không mời, Tiết Chân Chân hỏi thẳng: “Người phụ nữ da trắng kia là vợ bé bên ngoài của cậu hả?”

“…” Sở Vọng ngẩng đầu khống chế cảm xúc, “Đúng thế, là người Bồ Đào Nha, đứa bé đó là đứa con riêng của bọn họ.”

“Ồ…” Tiết Chân Chân gật đầu như hiểu ra, “Đó là con vợ lẻ, đây là lần đầu tiên chị thấy con vợ lẻ là một đứa trẻ da trắng mắt to mũi cao đấy.”

Sở Vọng: “Chuyện này… Hôm nay chúng ta mới đến Hương Cảng không bao lâu, còn chưa ra khỏi cửa nữa mà. Đợi mấy tháng nữa chị lên cấp hai sẽ thấy nhiều lắm.”

Tiết Chân Chân nghiêng đầu nghĩ ngợi, lại thần bí kéo ghế đến gần Lâm Sở Vọng, nói, “Chị cảm thấy hôm nay mợ khá căng thẳng.”

Sở Vọng cũng hăng hái, “Sao chị lại thấy thế?”

Tiết Chân Chân thấp giọng nói, “Bộ trà cụ sứ Bạch Định đó, năm xưa tổng cộng có ba bộ, trong nhà đại học sĩ thuộc Bát Kỳ Mãn Châu* có một bộ, đến Thái bình Thiên Quốc** thì bộ kia bị mất. Còn lại hai bộ, một bộ chị từng thấy trong viện bảo tàng dân quốc, còn một bộ là ở nhà mợ sao? Một bộ trà cụ này đủ mua mấy căn nhà ở Công cộng Tô giới***, nhà người ta mà có thì đó là đồ gia bảo phải khóa chặt giữ kỹ, sao có thể lấy ra tiếp khách được?”

(*Bát kỳ Mãn Châu là một chế độ tổ chức quân sự đặc trưng của người Mãn Châu và nhà Thanh (sau này), đặc trưng của Bát Kỳ là mỗi đơn vị được phân biệt bằng một lá cờ khác nhau, tổng cộng có tám lá cờ cơ bản theo đó mọi người dân Mãn Châu đều thuộc một trong tám “Kỳ”.)

(**Cuộc cách mạng Thái Bình Thiên Quốc (1851-1864) là cuộc khởi nghĩa nông dân có quy mô lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.)

(***Tô giới cho người nước ngoài định cư ở Thượng Hải.)


Sở Vọng cẩn thận hồi tưởng lại, mơ hồ nhớ giáo viên lịch sử cấp hai từng nhắc đến, có một bộ đã bị lấy đi trong thời kỳ liên quân tám nước, sau đó được trưng bày trong viện bảo tàng Anh, dĩ nhiên không thể xuất hiện ở nhà bác trai cô được. Cô mới cười nói, “Là hàng nhái.”

Tiết Chân Chân là kiểu người ta nói gì cũng tin, không nghiên cứu sâu. Cô nàng “ồ” lên một tiếng bừng tỉnh, luồng suy nghĩ bay xa một lúc lâu, sau đó mới định thần hỏi, “Nhưng nhái tới mức đó thì cũng đáng tiền lắm.”

Sở Vọng gật đầu, “Đổi mấy thỏi vàng cũng không phải là vấn đề lớn.”

“Cho nên, bà vợ lẻ của cậu đã khiến mợ căng thẳng.” Tiết Chân Chân lại vòng về đề tài cũ, “Chính vì vậy nên mợ mới lấy Bích Loa Xuân ra, dùng trà cụ Bạch Định, lại bảo chúng ta múa, muốn ra oai phủ đầu cho hai mẹ con bà vợ bé mới đến cửa đây mà.”

“Đúng thế.” Sở Vọng cười phì, có điều sau đó cô suy nghĩ, lại cảm thấy kỳ lạ, “Các lão gia có năm ba bà vợ bé không phải là rất bình thường sao? Đặc biệt là ở Hương Cảng này, cưới một người vợ bé sinh mấy đứa con lai cũng không lạ gì. Những năm qua bác trai chỉ có một vợ là bác gái, chị Mã Linh cũng mười sáu mười bảy tuổi mới có thêm một vợ lẻ, lúc về còn sợ nhìn sắc mặt của bác gái ư?”

Lần này đổi thành Tiết Chân Chân sợ hãi nhìn cô: “Em không biết hả?”

Sở Vọng lắc đầu, “Biết gì cơ?”

Tiết Chân Chân nghĩ ngợi một lúc, sau đó tiến tới bên tai cô nói, “Chuyện này trước đây ầm ĩ lắm! Lúc đó chị cũng còn nhỏ, sau này mới nghe người ta nói, em đừng kể lại với ai đấy!”

Sở Vọng gật đầu, bày ra bộ dạng rửa tai lắng nghe.

Tiết Chân Chân thấp giọng, “Ngày trước khi mẹ chị bằng tuổi bọn mình bây giờ, nhà chị không có tiền cũng không có thế, chỉ có thể coi là một gia đình nhỏ bình thường. Hồi đó mẹ chị gả cho cha chị cũng coi như là gả cao, từ Thiệu Hưng đến Thượng Hải. Sau đó nghe nói ông nội chị giúp cậu chị, tức ông Kiều bây giờ, tìm hôn sự, cô gái nhà kia chính là út nhà họ Lâm ở Thiệu Hưng, tuy là con vợ lẻ nhưng mẹ đã mất sớm, được gửi nuôi dưới gối vợ cả của anh hai Lâm Du… À, được mẹ ruột của em nuôi đấy.”

Lâm Sở Vọng gật đầu, thì ra cô út được mẹ của Lâm Sở Vọng dạy dỗ.


Tiết Chân Chân lại nói, “Bà Tô kia, là mẹ em ấy, chính là con gái nhà họ Tô buôn trà nổi tiếng giàu có nhất Giang Nam, còn có tiền hơn cả nhà họ Lâm, về sau không biết vì sao lại gả vào nhà họ Lâm, lúc ấy cậu hai nhà họ Lâm đã có vợ bé, người vợ bé sinh cho ông ấy một trai một gái… Chính là anh chị của em đấy.”

Lâm Sở Vọng phức tạp gật đầu, nói, “Em biết đó là anh chị của em, sau này không cần nhấn mạnh nữa.”

Tiết Chân Chân lại hâm mộ kể tiếp, “Hồi chưa lấy chồng, danh tiếng của bà Tô đã truyền khắp Giang Nam, không chỉ vì xinh đẹp phóng khoáng đâu, tóm lại là khuê tú nổi danh. Lúc ấy gả tới nhà họ Lâm, có rất nhiều cậu ấm Thượng Hải khóc mấy ngày mấy đêm… Hình như có cả cha chị nữa thì phải. Về sau nghe nói con út nhà họ Lâm do chính tay bà ấy dạy dỗ, bà ngoại chị không chút nghĩ ngợi, lập tức đồng ý cuộc hôn nhân đó. Nhưng hình như chuyện này có trắc trở gì đó, bất kể thế nào bà Tô cũng không cho phép người chồng tương lai của con út nhà họ Lâm cưới vợ bé. Ông ngoại nghe xong thì không muốn lắm, nhưng bị bà ngoại chị mắng một hồi, đích thân dẫn cậu của chị, chính là ông Kiều đến nhà họ Lâm, ngay trước mặt rất nhiều nữ quyến nhà họ Lâm thề với trời rằng: ‘Cả đời này ông ấy chỉ cưới một vợ, tuyệt đối không lấy vợ bé.’ Thế nên mới có hôn sự này.”

Tiết Chân Chân lại dịch đến gần, “Sau khi đính hôn, dượng của chị vào học đại học Thủ Đô, tức đại học Bắc Kinh bây giờ. Vừa hay gặp cuộc vận động mới, là nhóm đầu tiên đến châu Âu du học. Sau bốn năm du học quay về, ông nội xây dựng một ngôi trường ở Thượng Hải, nhà cũng dần dư dả. Cộng thêm dượng cũng rất nỗ lực… Tóm lại gia cảnh ngày đó đã hơn nhà họ Lâm các em rồi.”

Lâm Sở Vọng nghe cô nàng lại vô tình khoe giàu, bèn cười gật đầu nói, “Đúng thế, nhưng sau đó thì sao?”

Tiết Chân Chân lại nói, “Lúc ấy nghe nói ông Lâm bỏ tiền, đưa mợ và cha em đến Nhật Bản du học, cho nên tạm thời kéo dài hôn sự của mợ. Cậu chị đi học về, đang định rước cô út của em vào nhà thì ông Lâm lại nói: ‘Không được, vẫn chưa phải lúc, con gái lớn của tôi còn chưa xuất giá, sao con gái út có thể gả trước được?’ Nhưng khi mợ du học về thì đã hai mươi sáu, lại là người kiêu ngạo, người bình thường không lọt nổi vào mắt bà ấy. Nhưng nếu kéo dài nữa sẽ thành bà cô già mất, không ai thèm lấy.”

Tiết Chân Chân nhớ lại, chợt cảm khái nói, “Chuyện này, nhà chị với nhà em đúng là giải quyết hết chỗ nói.”

Lâm Sở Vọng bèn hỏi, “Vì sao lại hết chỗ nói?”

Tiết Chân Chân thở dài, “Không biết thế nào mà mợ chỉ nhìn trúng cậu chị, quay về khóc lóc với bà Lâm một hồi. Bà Lâm mới bảo với cô út của em là: ‘Con xem chị con cũng đã lớn thế rồi, không bằng cả hai cùng gả, con bé làm cả, còn con làm bé. Dù gì hai chị em con cũng lớn lên bên nhau, có phúc cùng hưởng có nạn cùng chia, nhất định đến lúc đó chị sẽ không bạc đãi con’.”

“Chuyện… chuyện đó mà cũng được hả?” Lâm Sở Vọng kinh hãi.

Bà tưởng con gái con vợ lẻ của mình là nạp hộ thẻ điện thoại hả, kết hôn mà còn mua một tặng một? Nhà máy da thuộc Giang Nam vỡ nợ, Hoàng Hạc không phải là người, dắt theo em dâu bỏ chạy, bà chủ nhảy lầu bán đổ bán tháo* cũng không có được chuyện tốt như thế!

(*Đây là chuyện có thật vào năm 2002, ông chủ Hoàng Hạc bị cư dân mạng chửi rủa là đồ khốn nạn. Ý muốn nói chuyện Hoàng Hạc làm cũng không khốn nạn bằng chuyện để hai chị em cùng gả.)
 

Hoa Tử

Sưu tầm
Tham gia
24/9/19
Bài viết
10,570
Điểm cảm xúc
1,484
Điểm
113
Chương 17: Vợ bé và thợ may (3)
“Thế sao được?” Tiết Chân Chân lắc đầu, “Nghe bảo lúc đó cô út của em nghe xong thì cười, nói: ‘Hóa ra nhà bà coi tôi như một món hàng bồi giá của chị tôi đúng không?’ Bà Lâm bị cô út của em làm cho tức giận, lúc này mới tìm ông ngoại chị bàn bạc, còn tìm một bà thầy bói tính mệnh, tính ra bát tự của bà Cát xung khắc với cậu chị, đại hung.”

“… Thế hồi trước đính hôn không xem bát tự à?”

Lâm Sở Vọng thầm đảo mắt, cảm thấy thật sự cần phải tuyên truyền khoa học. Một mối duyên phận lại chỉ dựa vào miệng của bà thầy bói, đen nói thành trắng, chết cũng nói thành sống. Chẳng trách mười tám năm trước các mục sư tin lành châu Âu lại gặp nhiều khó khăn trong con đường truyền giáo ở đại lục này đến thế, về sau mới dùng cách khác để giải quyết, lấy lý do mở trường xóa nạn mù chữ để tuyên truyền giáo lý, bắt đầu tẩy não tín ngưỡng từ những đứa trẻ.

“Hồi trước là bà Lâm tìm hôn sự tốt cho bà Cát, viết thư gửi đến phủ nhà chị cầu hôn. Lúc ấy ai cũng cảm thấy đây là mối nhân duyên tốt nên mới đồng ý luôn, bà ngoại chị muốn nên mới thế, còn ông ngoại chị luôn cảm thấy sau này nhất định cậu chị sẽ thành danh rạng rỡ, nên trong bụng không ưng cuộc hôn nhân này lắm. Bà ngoại không đợi được cậu học nên sự đã đổ bệnh qua đời, cuộc hôn nhân này cứ kéo dài không giải quyết. Lúc này bà Lâm mới dẫn theo bà mối đến cửa, mẹ hai của chị, bà nội của em với bà mối ở trong một phòng nói chuyện một hồi, lúc đi ra thì mặt mày ủ dột, nghe nói bà Cát ‘không có phúc sung sướng, con cháu đầy đàn’, lại còn ‘khắc chết chồng ở xứ lạ’.”

Sở Vọng bĩu môi thở dài.

Với người hiện đại như cô thì kiểu chuyện như thế quá quái gở, không khác gì những câu chuyện Nghìn lẻ một đêm. Cô chỉ hận không thể mở lớp để tuyên truyền khoa học cho những người phụ nữ có tư tưởng đang sống ở phong kiến này.

“Khi mọi người không biết phải làm sao, đột nhiên bà nội của em nói: ‘Dù gì hai nhà Kiều – Lâm cũng đã đính hôn, cô con gái lớn của tôi là dòng chính, từ nhỏ được dạy bảo rất tốt, còn đi Nhật Bản du học về, con út của tôi không so được đâu. Tôi gả con gái lớn của tôi cho nhà cậu.’ Rồi bà mối lại tính bát tự của mợ và cậu, tính ra mối nhân duyên đại cát đại lợi suôn sẻ cả đời, thế là cuộc hôn nhân này cứ thế mà định. Cũng không biết lúc ấy cậu của chị có biết không, dù gì cũng tám kiệu lớn rước mợ chị vào nhà họ Kiều, rõ là muốn ép bà Cát làm lẻ. Nhưng bà Cát đâu chịu? Đêm đó mưa to bão lớn, bà ấy muốn tìm tới nhà họ Kiều gây chuyện, nhưng bị cha em trói lại đánh. Chị nghe kể lúc ấy mẹ của em đứng dầm mưa trước cửa phòng cha em khóc lóc, xin ông ấy thả cô út của em. Khi đó bà chưa khỏi bệnh, cơ thể lại yếu ớt, nên về sau lúc sinh em đã bị rong huyết, không tránh khỏi, nên mới…”

Lâm Sở Vọng chấn động trước câu chuyện, ngạc nhiên nói, “Rồi sau đó thì sao?”

Tiết Chân Chân mỉm cười, “Kể ra cô út của em cũng ghê lắm. Lúc ấy cậu của chị chỉ mới đến Hương Cảng, muốn chạy quan hệ khắp nơi, trong đó có một nhân vật tai to mặt lớn họ Cát, là Hoa kiều Anh Quốc, có rất nhiều sản nghiệp ở Hương Cảng, Macao và Thượng Hải. Cậu chị lúc ấy chỉ thiếu điều nịnh nọt ngài Cát thôi. Chẳng biết thế nào mà nửa tháng sau, cô út của em đã gả cho ông Cát hơn sáu mươi làm vợ bé. Ông Cát có một người vợ ở quê Quảng Châu, vì hút nhiều nha phiến nên không ra người cũng không ra ngợm, nhưng dẫu sao cũng là vợ cả, không thể bỏ được. Sau khi cô út của em gả đến Hương Cảng, không biết đã cho ông Cát uống thuốc gì mà khiến ông ta thần hồn điên đảo. Bất kể là chuyện trong chuyện ngoài, cô út của em phải gật đầu đồng ý thì ông ta mới chịu, nếu không sẽ không đồng ý. Lúc ấy dù cậu của chị có nịnh nọt ông Cát thế nào, ông ta vẫn chỉ nói một câu: Không giúp.”

Lâm Sở Vọng bất giác thấy sướng ghê gớm.

“Về sau cậu chị phải đi đường vòng, gặp rất nhiều trắc trở, mấy năm sau ông Cát qua đời, đến lúc đó cậu chị mới đứng vững ở Hương Cảng. Nếu không phải do ông Cát thì e là hôm nay nhà cậu đã khác rồi.”

Lâm Sở Vọng gật đầu, đúng thế. Nói không chừng ông cụ nhà họ Tạ sẽ chịu cưới chị Mã Linh làm con dâu cho xem.

“Không ngờ gả cho ngài Cát mới mấy năm, ông già ấy đã tắt thở, người vợ cả ở quê cũng sống không quá một năm. Dưới gối hai người chỉ có một cô con gái, nhưng cô ấy còn lớn hơn cô út của em mười mấy tuổi, cũng đã lập gia đình từ lâu rồi. Coi như gần nửa tài sản cả đời của ông Cát đã vào tay cô út của em. Kể cũng hay, năm đó cô út của em nhất thời giận dỗi, đâu ngờ lại trở thành phú bà.” Tiết Chân Chân nhìn ra vườn hoa rộng rãi ở ngoài cửa sổ, hâm mộ nói.

“Bà ấy cố ý xây nhà sát bên cạnh biệt thự họ Kiều, không biết có suy nghĩ gì.” Lâm Sở Vọng cũng ngạc nhiên cảm thán, thấy chuyện của cô út có thể đăng lên diễn đàn tám chuyện Thiên Nhai. Cô cũng đã nghĩ ra tên sách rồi, gọi là “Nói về cặp cha mẹ kỳ quặc của tôi”“Truyền kỳ nghịch tập cuộc đời tôi”.

Tiết Chân Chân bĩu môi, rồi lại thở dài: “Có điều chị cũng chỉ nghe kể lại thôi, lắm người thì tam sao thất bản, đồn đại lung tung, có thể không phải thật.”

“Chị nói với em một chuyện nữa nhé.” Tiết Chân Chân nháy mắt, “Tối qua lúc nửa đêm đi vệ sinh, chị có nghe lén dì Triệu nói với một đứa con ở là: mấy căn nhà ở đường Burton làm của hồi môn của chị Mã Linh đó, thật ra không phải là ý của ông Tạ đâu, mà là cô út của em tặng đấy. Nhưng không biết vì sao mà bà ấy không chịu nhận là mình tặng. Em đoán xem là vì sao?”

Lâm Sở Vọng sợ đến ngây người, trong chốc lát có phần không tiêu hóa nổi, lắc đầu nguầy nguậy. Trong đầu cô bất giác hiện lên đôi mắt phượng quyến rũ cách làn khói hoặc từ trong bóng đêm trên bãi cỏ nhìn cô, không biết đôi mắt ấy đã nhìn bao nhiêu chó sói hổ báo, nay nhìn cô lại có suy nghĩ gì.


“Em cũng không đoán ra được hả?” Tiết Chân Chân hơi bực, giọng cũng trở nên gắt hơn, “Sao cái gì em cũng không biết thế! Đúng là, uổng công chị nói nhiều như thế, em đã không có chuyện mới mẻ thì thôi, đằng này cũng không đoán được gì.”

Nói đoạn, cô nàng đánh mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, bất chợt “ơ ——” lên, đẩy cửa ra đi đến ban công.

Sở Vọng thầm than “không xong rồi”, nhưng không ngăn kịp Tiết Chân Chân.

Tiết Chân Chân cầm chai thủy tinh Coca Cola kia lên uống, ánh mắt lại bị bức thư đè bên dưới thu hút. Cô nàng đặt chai Coca xuống, mở thư ra xem. Sở Vọng đưa tay giật lại nhưng không được, đành trơ mắt nhìn cô nàng cầm thư đi.

Thư của chị Mã Linh đã bị lấy đi, tuy phong thư đã được đặt ở đó mấy hôm, bị gió mưa làm cho nhăn nhúm, nhưng vẫn miễn cưỡng nhìn ra được.

Tiết Chân Chân cau mày nhìn một lúc lâu: “Tôi… sửa… cho em… Là có ý gì?”

Sở Vọng đưa mắt nhìn, bên trên là một hàng chữ viết bằng tiếng Anh: “Thịt sườn: tôi đã sửa lại hàng rào cho em rồi, có duyên sẽ gặp lại, Zoe chân thành của em.”

Lúc này cô mới giương mắt nhìn hàng rào tường vi: quả nhiên cái lỗ to trước đó đã được cây và hoa mới chèn vào.

Sở Vọng thở phào, nhưng nhanh chóng lấy lại tinh thần, tức tối nói: Ai là thịt sườn hả?

***

Tầng hai trong một tòa nhà khác là phòng khách, một phòng trong đó là dành cho ngài Saumur, một phòng chứa đồ lặt vặt được dọn dẹp để làm phòng may mặc. Còn về mẹ con Mitchell, thái độ của bà Kiều vẫn vô cùng kiêu ngạo. Bà bày tỏ là do ông Kiều không thông báo trước với bà (về chuyện có vợ hai), cho nên đừng trách bà không chuẩn bị phòng cho họ.

Thế là mẹ con Mitchell đành ở tạm một căn phòng dành cho khách khác.

Con nít rất tò mò. Đột nhiên trong nhà có ba người khách xứ lạ tới, hai đứa trẻ vô cùng hưng phấn, ngày nào học ba-lê xong cũng xách váy đi bộ một vòng ở tầng hai bên cạnh, lúc ăn cơm cũng không kìm được nhìn mấy lần, học tiếng Anh xong càng có lý do quấn lấy ngài Saumur, lấy lý do là —— luyện tập phát âm tiếng Anh.

Còn Lâm Sở Vọng lại không ngừng ai oán: hay nhỉ, sao phải luyện tiếng Anh với người Pháp chứ? Tập với người Trung Quốc cũng được, việc gì phải tập với người Pháp!

Mà Doãn Yên lại là đứa tích cực nhất. Mấy ngày nay ngoài lớp học múa buổi sáng, học tiếng Anh buổi chiều và ba bữa cơm trong ngày ra, Sở Vọng hầu như không thấy chị gái nhà mình đâu. Tiết Chân Chân thấy cả, ra vẻ hết sức khinh bỉ tác phong thôn quê “chưa từng thấy cảnh đời” của cô nàng. Nhưng bản thân Chân Chân vẫn rất hiếu kỳ về người thợ may hoàng gia Anh Quốc, cả bà vợ hai người da trắng cùng đứa bé người lai kia nữa, thế nên cô nàng rất hay kéo Sở Vọng để tiếp thêm can đảm, cùng mình đến lầu bên cạnh nghiên cứu người nước ngoài.

Ngày trước cô từng thề độc là “cả đời này sẽ không nghe người Pháp nói tiếng Anh” nữa, nhưng nay lại vô duyên vô cớ phá lời thề.

Mới đầu Sở Vọng chỉ đứng một bên nhìn Chân Chân chọc cười thằng bé, nhưng cuộc đối thoại của Doãn Yên và ngài Saumur không chỉ một lần khiêu khích ranh giới cuối cùng của cô.

“Chào ngài Saumuer, tôi là Doãn Yên Lâm.” Lặp đi lặp lại mười lần.

“Ngài Saumur, rất hân hạnh được biết ngài.” Tiên sinh Saumur không thể không đặt dụng cụ cắt may trong tay xuống, bắt tay với cô ấy bảy lần.

“Ngài có muốn ăn táo/ quýt/ chuối/ lê không?”

Tuy Sở Vọng có thể sâu sắc cảm nhận được sau khi ngài Saumur một ngày ăn ba bốn trái táo chuối tiêu, thì sẽ muốn uống ít nước dừa hoặc thử sầu riêng hơn. Nhưng Lâm Doãn Yên không cho ông ấy cơ hội ăn loại trái cây nào khác, bởi vì cô ấy không biết những từ vựng kia.

—— “Bây giờ ngài đang làm gì thế?” —— “Bây giờ tôi đang… ừm… cắt.”

Có thể ngài Saumur muốn nói là ‘cắt may’, nhưng ông ấy chỉ biết nói từ ‘cut’. Có thể ông ấy muốn nói động từ chuyên nghiệp hơn, nhưng ông ấy lại không biết thuật ngữ tiếng Anh là gì. Nên cuộc đối thoại như vậy lặp đi lặp lại không dưới mười lần.

Vào giờ dùng trà một ngày nào đó, Lâm Doãn Yên nói, “Ngài Saumur, đến giờ ăn rồi.” (Lâm Doãn Yên không biết nói từ ‘bánh ngọt trà chiều’.)

Ngài Saumur mới ăn xong quả chuối thứ năm do cô ấy đưa tới, nên sau khi nghe thế, cuối cùng ông ấy hoảng sợ hỏi ngược lại, “Ăn cái gì?! Tôi không ăn…”

Rốt cuộc Lâm Sở Vọng cũng suy sụp.
 

Hoa Tử

Sưu tầm
Tham gia
24/9/19
Bài viết
10,570
Điểm cảm xúc
1,484
Điểm
113
Chương 18: Vợ bé và thợ may (4)
Sở Vọng quyết tâm cứu bản thân thoát ra khỏi đối thoại kiểu Lý Lôi Hàn Mai Mai*.

(*Hai nhân vật chính trong sách giáo khoa tiếng Anh Trung Quốc, ý nói cuộc nói chuyện của hai người kia như mấy mẫu hội thoại dạy tiếng Anh cơ bản.)

Cô suy nghĩ năm giây, vào lúc Lâm Doãn Yên đi xuống lầu đem trà bánh lên, Sở Vọng lập tức tới cạnh ngài Saumur, thấp giọng nói bằng tiếng Pháp: “Thưa ngài, nếu ngài không muốn ăn thì có thể từ chối mà.”

Trong những ngày qua, đây là lần đầu tiên Saumur nghe thấy có người nói tiếng Pháp ngoài ông Kiều, tuy phát âm hơi gượng và cũng không quá chuẩn, song vẫn đủ để ông ấy dừng tay đánh dấu trên con ma-nơ-canh.

Sở Vọng nhìn con ngươi đục ngầu của đối phương, lật đật thấp giọng bổ sung, “Ngài không cần phải lo sẽ khiến chị ấy mất hứng đâu, dù gì cũng là nhà cháu thất lễ trước. Nếu không được thật, ngài cũng có thể để lại cho cháu ăn. Nếu như ngài đồng ý thử một lần, sau này chị ấy tuyệt đối sẽ không mời ngài ăn trái cây liên tục nữa.”

“Không phải nếu như thế thì tôi sẽ càng thất lễ hơn ư?”

“Vậy để cháu làm người thất lễ, không phải sẽ tốt sao?”

Lúc này trên mặt Saumur thoáng vẻ kinh ngạc, ngoái đầu híp mắt nở nụ cười chỉ có lúc trêu trẻ con, nhìn cô qua cặp kính, “… Không sợ bị người lớn phạt hả?”

“Bà cả sẽ không phạt cháu đâu, chí ít là gần đây sẽ không làm vậy.” Lâm Sở Vọng nháy mắt, “Không tin chúng ta cược thử nhé, ngài Saumur?”

Đúng lúc này, Lâm Doãn Yên sai người hầu của mình đem hồng trà và sô cô la Brownie vào phòng.

Sở Vọng lập tức im lặng, lùi ra sau nhìn từ đằng xa.

Sau khi Lâm Doãn Yên ra hiệu để người hầu đưa hồng trà và sô cô la cho ngài Saumur, cô nàng lại trưng ra bộ mặt mong đợi mà nói, “Mời ăn.”

Ngài Saumur nghiêng đầu, phức tạp nhìn Lâm Sở Vọng.

Sở Vọng hiểu ý, nghiêng đầu khôn khéo hỏi, “Chị hai, có phần của em không thế?”

Lâm Doãn Yên nói: “Em tự xuống nhà ăn không được hả?”

Sở Vọng cười nói: “Nhưng mà em đói lắm rồi, em ăn phần này trước, còn phần của em để lại cho ngài Saumur được không?” Nói rồi cô lại ngẩng đầu lên, dùng tiếng Anh hỏi ngài Saumur, “Có được không thưa ngài?”

Thấy được ngài Saumur gật đầu đồng ý, Doãn Yên trơ mắt nhìn Sở Vọng cầm lấy hồng trà và sô cô la Brownie mình chu đáo chuẩn bị, ngồi vào trong góc vui vẻ ăn.

***

Đúng như dự đoán, Doãn Yên lập tức cáo trạng.

Trên bàn ăn tối, ngài Saumur hỏi ý kiến của Kiều Mã Linh về áo cưới, còn ông Kiều và Mitchell, Tiết Chân Chân lại nghiêm túc dạy Leon dùng đũa. Doãn Yên ra vẻ như nghe hiểu tiếng Pháp vô cùng tập trung vào ngài Saumur, nhưng khóe mắt thì liên tục nhìn về bà cả Lâm.

Bà cả Lâm dùng tư thế tao nhã hơn xưa gắp trăm lần ăn nốt nửa con tôm cuối cùng, sau đó kiêu ngạo ngẩng đầu lau miệng. Sau sáu bảy lần điều chỉnh sắc mặt, bà mới hắng giọng, nhìn thẳng Lâm Sở Vọng hỏi: “Nghe nói hôm nay cháu ba tranh đồ ăn với khách?”

Lâm Sở Vọng đang vật lộn với măng tây, nghe thế thì ngạc nhiên ngẩng đầu, rồi gật đầu với vẻ vô tội.

Bà Lâm muốn giữ phong độ trước mặt vợ bé, lại phải giữ uy nghiêm của mình trước mặt ba đứa nhỏ, thế là ho khẽ hai tiếng, nghiêm túc nói: “Cháu đến Hương Cảng đã lâu như thế, mà vẫn chưa học hết phép tắc hả?”

Sở Vọng vội đặt dao nĩa xuống, ngoan ngoãn đứng cạnh bàn, thấp giọng thưa: “Thưa bác, là cháu sai ạ.”

Tuy uy lực của bà cả Lâm bây giờ thấp hơn ngày thường khiển trách quát mắng, nhưng vẫn đủ khiến cuộc trò chuyện trên bàn ăn tạm thời dừng lại.

Mitchell vốn xuất thân là người hầu, từ lâu đã nghe nói đến sự tồn tại của bà cả Trung Quốc xuất thân cao quý, được giáo dục đại học đầy đủ, nên xưa nay luôn kính sợ bà. Lần đầu tiên nghe bà nghiêm túc khiển trách người ngoài, trong lòng cô không kìm được e ngại, sắc mặt trắng bệch ôm chặt lấy Leon cũng tái mặt.

Một bên là vợ cả bảo vệ gia quy, tỏ rõ uy nghiêm, còn một bên là vợ lẻ tóc vàng mắt xanh nhưng tái nhợt đầy thương xót. Ông Kiều thấy thế, phản ứng đầu tiên đương nhiên là trấn an vợ lẻ mong manh khiến người ngoài thương yêu.

Đa số khung xương của phụ nữ da trắng khá to, có thể do cô Mitchell này xuất thân là người hầu, thiếu dinh dưỡng nên trông gầy gò. Hình ảnh người phụ nữ da trắng trong lòng Lâm Sở Vọng là người có sức lực địch thiên quân, có thể túm lấy tóc người ta đập vào tường, không ngờ một thế kỷ trước phụ nữ người da trắng cũng có dị loại. Ở trước mặt bà cả Lâm không được xem là cao lớn, vậy mà so ra lại càng có thể kích thích dục vọng bảo vệ của đàn ông.

Có người từng hỏi: bị mẹ chồng chèn ép thì phải làm gì? Thế thì tìm cho bà ấy một kẻ địch giả tưởng, ví dụ như: người thứ ba trong cuộc sống hôn nhân. Bà ấy tự lo còn chưa xong, dĩ nhiên sẽ không để ý tới bạn nữa.

Câu trên chính là nói bà cả Lâm vào lúc này chứ còn gì nữa, khó khăn lắm mới tìm được lỗi của Lâm Sở Vọng để phạt, nhưng nó đã ngay lập tức xì hơi trong nháy mắt ông Kiều trấn an vợ hai. Dĩ nhiên bà rất tức giận, nhưng hiện tại không thể phát tác, nếu không bà chính là người thất bại.

Chợt bà dịu dàng nói: “Con gái còn nhỏ có hơi nghịch ngợm, cũng không phải chuyện gì lớn. Có điều chỉ được phép lần này thôi, nếu có lần sau, bác vẫn phải phạt cháu. Mau ngồi xuống đi, Mã Linh, vừa rồi ngài Saumur đã nói với con đến đâu rồi, mấy ngày nữa thì có thể may xong váy cưới?” Bà nhìn sắc mặt của ông Kiều, quay qua mỉm cười hỏi Leon bằng tiếng Anh: “Leon đã biết dùng đũa chưa?”

Sở Vọng như được đại xá, vội vã ngồi xuống cầm dao nĩa lên, tiếp tục tác chiến với măng tây.

Lâm Doãn Yên không được thấy Lâm Sở Vọng bị phạt như mong muốn, bèn chuyển sự chú ý sang ngài Saumur, tuy ngài Saumur vẫn dùng tiếng Pháp nói chuyện với ông Kiều, nhưng cô nàng không chỉ một lần nghe ông ấy thốt ra từ “chuwang”*, trong lúc nói cả hai luôn nhìn Lâm Sở Vọng với ánh mắt tán thưởng.

(*Phiên âm tên của Sở Vọng là chǔwàng.)

Thế là Doãn Yên ủ rũ mãi trong suốt thời gian còn lại của bữa tối.

***

Sau bữa tối, Sở Vọng đi bộ xong, ngồi trên xích đu trong vườn hoa đung đưa ca hát. Ngài Saumur đứng ở trên lầu trông thấy cô, bèn vội đi xuống lầu, ngồi xuống cạnh xích đu.

“À há… Không ngờ tôi lại thua cả một cô bé Trung Quốc.” Saumur cười nói: “Vậy cô bé Trung Quốc muốn thưởng gì đây.”

“Lúc nãy ăn tối cháu có nghe ngài nói,” Sở Vọng nghiêng đầu suy nghĩ, “Sau khi may váy cưới cho chị xong, ngài Saumur sẽ rời khỏi biệt thự họ Kiều, thuê một cửa tiệm ở khu vực Du Ma Địa*, tìm hai người học nghề giúp việc?”

(*Du Ma Địa: khu vực tấp nập hàng quán và khách du lịch của Hông Kông, là Khu giang hồ một thời khét tiếng ở đây.)

“Những người bạn của ông Kiều cũng nhờ tôi may ít lễ phục cho họ. Hồi ở Pháp, tôi từng gặp kiểu thêu thủ công Trung Hoa, hy vọng có thể sử dụng lên lễ phục phương Tây. Lần này theo ông Kiều đến Hương Cảng, mục đích cũng là muốn học kỹ thuật thêu thủ công Trung Hoa.”

Sở Vọng gật đầu nói: “Quả đúng là rất đẹp, đáng tiếc tay cháu vụng về, không học được.”

Ngài Saumur tò mò: “Vì sao cháu không nói tiếng Pháp trước mặt người nhà?”

“Cháu và mẹ mình không được người nhà thích cho lắm…” Sở Vọng quyết định nói dối vô hại, “Mà tiếng Pháp và tiếng Anh của cháu lại được bà ấy dạy.”

“Oh, ai lại ghét một cô bé lanh lợi đáng yêu như thế này chứ.” Ngài Saumur không tiếc lời khen, “Thế, cô bé lanh lợi đáng yêu, phần thưởng mà cháu mong muốn có liên quan gì đến kế hoạch sau này của tôi ư?”

Sở Vọng giảo hoạt chớp mắt: “Liệu ngài Saumur có cần một cô bé phương Đông không biết thêu thùa học việc không?”

Ngài Saumur nghe cô nói thế thì rất đỗi ngạc nhiên, nhưng cũng trịnh trọng hỏi: “Vì sao lại muốn học may?”

Cô rất muốn nói rằng: Vì ngài mang họ Luca, một trăm năm sau những bộ áo quần mang tên ngài đều lấy đơn vị hàng vạn làm giá khởi điểm trong mấy buổi đấu giá. Theo ông tổ là ngài học tập, cho dù học được nhiều ít thế nào thì về sau cũng là bát cơm vàng rồi.

Đương nhiên Sở Vọng không thể nói ra tiếng lòng của mình. Nghĩ một hồi, cô nói: “Lúc kết hôn cháu cũng muốn mặc áo cưới vừa thời thượng lại vừa đẹp như chị mình, nhưng chắc chắn cháu không thể mời được thợ may lợi hại như ngài Saumur rồi, cho nên…”

Ngài Saumur nghe thế thì cười phá lên.

Sở Vọng thấy ông cười mình, lại càng ấm ức: “Hơn nữa cháu còn ngờ rằng hôn phu của mình sẽ bỏ mình, kết hôn với một cô vợ thời trang hơn. Nếu như khi đó cháu có thể học được ít kỹ năng từ ngài Saumur thì cũng đủ để nuôi mình.”

Những lời này lại là lời thật lòng.

Saumur nhìn cô bé mới lớn ủ dột mặt mày nói đến vấn đề cưới gả của mình, ông chợt thấy buồn cười, sau đó nghiêm túc hỏi: “Chờ tới khi cháu kết hôn, nếu vẫn còn ở Hương Cảng, nhất định tôi sẽ may áo cưới cho cháu… Có điều, ông Kiều và bà Kiều liệu có đồng ý để cháu gái bảo bối của mình chịu khổ ở chỗ tôi không?”


Hai mắt Sở Vọng sáng lên: “Chỉ cần ngài đồng ý, thì bên bác trai bác gái tuyệt đối không phải là vấn đề.”

***

Ngài Saumur đã đồng ý nhận Sở Vọng vào học việc, dĩ nhiên ông Kiều không có ý kiến. Bà Kiều lại cảm thấy, ở trung Quốc, thợ may vá không phải là cái nghề được coi trọng. Nhưng bà vẫn giả vờ đề nghị Lâm Sở Vọng một hai, báo cho cô biết giáo viên Anh văn sắp về Hương Cảng rồi, hỏi cô có thật sự muốn bỏ thời gian học tiếng Anh buổi chiều để học việc ở tiệm may của ngài Saumur ở Du Ma Địa không?

Nghĩ đến sau này không cần phải giả vờ làm lính mới trong lớp tiếng Anh mỗi ngày nữa, đương nhiên Lâm Sở Vọng cầu còn chẳng được.

Bởi vì giáo viên ở trường dòng đều là người Anh, nên lúc thi khảo sát nhập học cũng bằng tiếng Anh. Chính vì vậy mà Kiều Mã Linh còn lo lắng thay Lâm Sở Vọng, nhưng Doãn Yên lại rất tốt bụng giải vây cho Lâm Sở Vọng: sang năm Sở Vọng mới nhập học mà, còn có thời gian một năm, có thể bắt kịp.

Sau khi bàn bạc với chị Mã Linh về mẫu áo cưới, ngài Saumur cũng tìm được cửa tiệm hài lòng ở Du Ma Địa. Người giáo viên tiếng Anh đã từ Scotland đến Hương Cảng, Mã Linh có thể tập trung chuẩn bị hôn sự. Khi đường Bá Tước khí thế hừng hực bắt đầu chuẩn bị hôn nhân đại sự, thì Lâm Sở Vọng đến Hương Cảng gần nửa năm, lần đầu tiên trở thành người có nửa ngày tự do: có Điệp Nhi đi cùng, chiều nào cô cũng ngồi xe điện đến cửa tiệm của ngài Saumur ở thành phố Cửu Long.

Lâm Sở Vọng học việc không cần đóng học phí, nhưng dĩ nhiên cũng không có tiền lương, cho nên cô vẫn không có tiền dư. Có điều ngài Saumur thường xuyên mua ít bánh kẹo lặt vặt, hoặc may ít đồ chơi nhỏ cho Lâm Sở Vọng. Vì vậy tuy ngày nào cũng đi qua con đường buôn bán của Hương Cảng một trăm năm trước khiến người ta thèm thuồng mua sắm, nhưng Lâm Sở Vọng cũng chỉ có thể đứng từ xa chiêm ngưỡng rồi dẫn Điệp Nhi đi nhanh.

Ở chỗ ngài Saumur còn có một người học việc khác, là một người phụ nữ Việt Nam gả cho người Hương Cảng, họ Nguyễn. Mười sáu tuổi bà ấy đến Hương Cảng, học thêu ở một tiệm may sườn xám tại xứ Cảng Thơm đến tận năm ba mươi tuổi. Vì lúc ở Việt Nam từng theo chân mẹ làm giúp việc cho một gia đình người Pháp hơn mười năm nên bà ấy nói tiếng Pháp khá trôi chảy. Có hôm trên đường về nhà sau khi tan việc ở tiệm thêu sườn xám, bà vô tình thấy cửa hàng của ngài Saumur dán quảng cáo, thế là bà quyết định nghỉ việc ở cửa tiệm sườn xám, đến giúp việc ở chỗ ngài Saumur, cùng ngài Saumur thầy trò cùng tiến —— đương nhiên bà Nguyễn có thù lao rồi.

Bà Nguyễn rất kiệm lời, lần nào cũng ngồi trong góc cẩn thận hoàn thành bước trang sức cuối cùng trong quá trình may áo cưới cho chị Mã Linh —— thêu tranh mẫu đơn. Đa phần bà chỉ ngồi nghe ngài Saumur bị sự vụng về của Lâm Sở Vọng làm cho gần như phát điên, nhưng sau hai lần nổi cơn thịnh nộ ở Du Ma Địa, ông vẫn tiếp tục vui vẻ dạy Lâm Sở Vọng kỹ thuật cắt quần áo quan trọng.

Có một lần duy nhất Lâm Sở Vọng được ngài Saumur gật đầu khen “trẻ nhỏ dễ dạy” là vào một hôm, ông phát hiện cô bé chưa lớn này có thể dùng chính xác vòng tròn nhỏ và hình đa giác để cắt thành vòng tròn lớn và hình bầu dục, kết quả cắt ra là —— được một hình vẽ hoa văn cực kỳ cân đối, có thể thêu trên đó. Ngài Saumur rất bất ngờ, cầm bản vẽ kia ba ngày liền, khen Sở Vọng là “thiên tài trăm năm khó gặp”.

Lâm Sở Vọng mù mờ. Những phương pháp cắt hình học này là các yếu tố cơ bản của CAD và bản vẽ kỹ thuật, sinh viên kỹ thuật nào cũng làm được. Cô chẳng ngờ rằng, vào thời đại công trình học chỉ mới khởi bước, bản thân lại vô duyên trở thành người khơi dòng, điều này thật sự khiến cô khá bất an.

___

Tác giả có lời muốn nói: Khả năng ngoại ngữ của Lâm Sở Vọng là: Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha nghe đọc viết khá nhiều nhưng nói ít. Vì biết tiếng Tây Ban Nha nên cũng nghe hiểu được tiếng Bồ Đào Nha. Chỉ biết từ vựng Latin học thuật, không biết đọc.
 

Hoa Tử

Sưu tầm
Tham gia
24/9/19
Bài viết
10,570
Điểm cảm xúc
1,484
Điểm
113
Chương 19: Vợ bé và thợ may (5)
Có một lần, Sở Vọng hỏi ngài Saumur vì sao không tiếp tục làm thợ may cho hoàng gia Anh Quốc nữa. Ngài Saumur trả lời, lúc ấy nghe bảo có chiến tranh đánh nhau, ông bèn thỉnh cầu vua George V cho quay về Paris đầu quân, vào đoàn bộ binh đi lính ba năm. Sau khi các nước Đồng Minh chiến thắng, ông trở lại Quận 8 Paris mở một tiệm may.

Kể chuyện đó xong, ngày hôm sau ngài Saumur cầm một xấp ảnh đem tới Du Ma Địa, để cô và bà Nguyễn xem ảnh của mình trước khi nhập ngũ và sau khi chiến thắng. Trong hình là ngài Saumur ba mươi tuổi mặc quần bò màu đỏ cùng quân trang màu xanh biển, tay cầm súng trường, sắc mặt kiên nghị.

Bà Nguyễn thì thán phục liên hồi, còn Sở Vọng chỉ nghĩ là “Trời ơi là Quận 8* đấy, 3000 ơ-rô một tháng tiền thuê nhà đấy.” Cô lại nhủ tính: Nếu thật sự không được nữa thì cố gắng kiếm tiền trước năm ba mươi mốt tuổi, đợi tới khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc thì đến Paris mua hai căn nhà, cho thuê một căn rồi sống đến hết đời.

(*Quận 8 là một quận giàu có của Paris, cũng là nơi làm việc của rất nhiều các cơ quan nhất so với các quận khác.)

So với quân trang của Đức Quốc xã thì quân phục nước Pháp có vẻ mờ nhạt hơn, song ngài Saumur trong ảnh vẫn rất tuấn tú. Lâm Sở Vọng hỏi ông có vợ con không, nhưng ngài Saumur lại nhanh chóng nói lảng sang chuyện khác. Đầu tiên là hăm hở khoe vết đạn bắn trên lưng và vết nổ lựu đạn cứa vào tay mình, còn nói từ khi Paris ký “Hòa ước Véc-xây”, có không ít các bà vợ quan ngoại giao Anh và Pháp đến tìm ông đặt làm lễ phục, các bà của hai nước luôn mắng đối phương là “quê mùa”, “không biết thời trang”, hoặc là “quái gở”, “không đủ thể diện”, vân vân… Bà Nguyễn nghe thế thì cười không khép miệng.

Nhắc đến Hòa ước Véc-xây, Sở Vọng chợt nhớ tới một chuyện mà mình rất thắc mắc. Là một nước thất bại trong cuộc chiến, Đức phải trả tiền bồi thường đến tận năm 2010 mới xong. Hòa ước Véc-xây đã khiến Đức phải rơi vào cảnh lạm phát dài hơn một thập kỷ, đồng Mác nhanh chóng mất giá, mấy nghìn đồng Mác mà chỉ có thể mua được một ổ bánh mì*, chính điều đó cũng đã gián tiếp dẫn tới cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

(*Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức bị thua và phải ôm một cục nợ khổng lồ. Thêm vào đó, hòa ước Véc-xây đã phạt Đức một khoản nặng 132 tỷ marks (31,4 tỷ USD) tiền bồi thường chiến tranh do đã gây ra nhiều tổn thất cho các nước phe Hiệp Ước.Để trả nợ, chính phủ Đức đã giở trò lừa dối, họ bắt đầu in thêm tiền và mua ngoại tệ trả tiền bồi thường chiến tranh. Chẳng mấy chốc, hàng hóa thì ít mà tiền thì lại có quá nhiều, khiến lạm phát tăng vọt, tuột khỏi kiểm soát.)

Trong thế chiến thứ nhất, rõ ràng Tư Ưng một mực đề nghị Đoàn Kỳ Thụy tuyên chiến với Đức, nhưng vì sao sau Hòa ước Véc-xây, ông ấy lại muốn đưa Tư Ngôn Tang đến Đức du học?

Sở Vọng nhìn ngài Saumur, hỏi ra điều thắc mắc: “Một người trước đó luôn kiên quyết đề nghị tuyên chiến với Đức, nhưng vì sao khi cuộc chiến kết thúc, ông ấy vẫn đưa con trai mình đến đất nước thua cuộc, đến nơi đang giãy giụa trong Hòa ước Véc-xây?”

Ngài Saumur ngẫm nghĩ rồi nói: “Có lẽ không muốn để cậu ta tham chính hoặc đầu quân ở độ tuổi thích hợp chăng?”

Với địa vị của mình bây giờ trong chính phủ Bắc Dương, nếu Tư Ưng cũng để con trai làm quan thì chẳng mấy chốc sẽ từ mây xanh bay thẳng lên mặt trời. Việc gì phải đưa anh ta đến Đức chịu khổ? Dù hiện tại du học đang là cơn sốt, nhưng đến Anh đến Pháp, thậm chí là đến Mỹ cũng tốt hơn là đi Đức mà.

Sở Vọng lại càng thêm khó hiểu.

***

Trong vòng hai tháng qua, không ngày nào là bà Kiều không sứt đầu bể trán vì chuyện đám cưới của Kiều Mã Linh, rồi lại còn phải giành chồng với bà hai Mitchell thường xuyên, thậm chí đến ông Kiều cũng không dễ chịu gì cho cam.

Kỳ khảo sát chất lượng bằng tiếng Anh của trường nữ sinh tư thục Hương Cảng sắp đến, Tiết Chân Chân và Lâm Doãn Yên được thầy Smith dạy kèm liên tục trước khi nhập học, lịch học kín mít cả ngày lẫn đêm, thậm chí có những hôm không thể tham gia lớp múa ba-lê vào buổi sáng được. Thấy chỉ có một mình Sở Vọng, có vẻ cô Thiệu cũng không vui lắm. Nói chung trong khi mọi người vừa bận rộn vừa tranh thủ bới móc khuyết điểm của Sở Vọng, thì cô lại vui vẻ an nhàn được một thời gian.

Sở Vọng thật sự không ngờ rằng mình lại là người đầu tiên trong biệt thự họ Kiều trông thấy chú rể. Buổi chiều hôm đó cô vừa học được cách tạo đường li, đang hào hứng muốn biểu diễn thành quả cho ngài Saumur thì chợt thấy rất nhiều người đổ xô ra đường.

Cô cũng thò đầu ra nhìn, ngay lập tức bị chấn động.

Một hàng dài xếp từ cửa tiệm cho đến tận cuối con phố mà vẫn chưa hết —— một đoàn người khuân vác từng chiếc rương lớn. Trên rương phủ lụa đỏ thắt nút hoa. Trên khay và trong tủ kính đặt những món đồ sứ tuyệt đẹp, còn có cả những thứ đồ thêu bằng sợi đay. Càng về cuối đội ngũ thì lại càng nhiều những thứ đồ nội thất mà Sở Vọng không biết làm bằng gì, tất cả đều là đồ nội thất kiểu châu Âu vô cùng cổ điển trang nhã, có thể thấy giá trị không hề thấp. Phu khuân vác cũng được chọn rất kỹ, bước đi đồng đều, bước chân vững vàng, dù rương có đựng đồ sứ thượng hạng tới đâu cũng không rất cẩn thận không làm vỡ.

Chắc chắn tất cả những thứ này đều là sính lễ của chị cô. Theo như cô nghe được từ người qua đường rỉ tai đồn nhau thì: những thứ này, có mấy thứ chọn từ châu Âu, cũng có những món được vận chuyển từ Việt Nam tới. Tất cả sinh lễ đều được chở tới bằng thuyền – những hai chiếc thuyền, rồi sau đó được tháo xuống ở bến tàu, để phu khuân vác đã thuê trước đó vác từ kho bãi Cửu Long lên núi, rồi dùng xe chở tới đường Burton —— khiến tất cả mọi người ở Hương Cảng đều có thể biết tới sự chịu chơi của tiên sinh Hoàng Hưng.

Có vài chiếc xe hơi hãng Dodge chậm chậm đi theo sau đuôi của đội ngũ phu khuân vác. Khi một chiếc xe trong đó chạy ngang qua, bà Nguyễn đột nhiên kích động chỉ vào người đàn ông mặt vuông đầu tóc bóng loáng, nước da hơi ngăm, tuy không đẹp trai nhưng ngũ quan cân đối, nghiêm nghị ngồi trong buồng lái. Khi chiếc xe đi qua cửa tiệm may thì cũng đúng lúc cửa xe hạ xuống, người ngồi bên trong giơ tay trái lên rảy tàn thuốc. Bà Nguyễn chỉ vào anh ta, nói bằng tiếng Pháp: “Dì biết người này, cậu ta tên là Hoàng Mark!”

Lúc này Sở Vọng mới biết, thì ra đây chính là anh rể họ tương lai của cô.

Bà Nguyễn nói tiếp, “Ở Sài Gòn cậu ta nổi tiếng lắm! Cha cậu ta là ông chủ một công ty thuốc lá lớn, nhà bọn họ cũng có thế lực rất lớn ở Sài Gòn! Năm ngoái cậu ta hẹn hò với bạn gái người Pháp, bị cha bắt được, thế là bị đánh một trận tại chỗ, còn rạch mặt cô gái kia, năm ngoái chuyện này nổi như cồn ở cả đất Sài Thành! Sau có nghe nói cha cậu ta tìm được hôn sự cho cậu ta, cũng không biết là con gái nhà ai ở Hương Cảng nữa…”

Đương nhiên ngài Saumur cũng không biết người này chính là con rể rùa vàng tương lai của ông Kiều, nên cũng trêu vài câu như “không có khí phách”.

Sở Vọng lại không rõ lắm. Cô nhìn áo cưới sắp thành hình trong tay bà Nguyễn với vẻ mặt phức tạp, lại nhìn đội ngũ đưa sính lễ phách lối như nhà giàu mới nổi ở bên ngoài cửa sổ, rồi lại nhớ đến Kiều Mã Linh xinh đẹp trang nhã, bỗng dưng một nỗi buồn vô cớ bao trùm lấy cô.


Có điều cô lại nghĩ, hai người này, một người thì trước khi lấy chồng lén lút hẹn hò với một chàng công tử quốc tịch Anh, một người lại hẹn hò với bạn gái nước Pháp bị cha đánh ngay ngoài đường, cuối cùng đôi bên mất bò mới lo làm chuồng, vì để bù đắp cho sai lầm của của cả hai, cuộc hôn nhân xứng đôi của Kiều tiểu thư và Hoàng tiên phải sinh náo động khắp Nam Dương…

Nên nhìn lại cũng không phải là không công bằng.

***

Ở đường Bá Tước, chuyện thi đầu vào bằng tiếng Anh và chuyện hôn sự đã vào giai đoạn dầu sôi lửa bỏng. Là ông trùm giới kinh doanh tại vùng đồng bằng Châu Giang, cho nên có kha khá thương giới thượng lưu ở Hương Cảng và Thượng Hải mượn lý do chúc mừng hôn lễ của Kiều Mã Linh để đến kết thân với ông Kiều. Quà tặng đến cửa dỡ còn không kịp, trong vườn hoa nhỏ ở biệt thự họ Kiều có hai ba hôm lại có party —— có điều ba đứa nhỏ không được phép tham gia. Ngày nào Lâm Sở Vọng cũng ở trong phòng tập luyện kỹ năng cắt may trong tiếng nhạc blues, còn Tiết Chân Chân và Doãn Yên sứt đầu mẻ trán học thuộc từ vựng trong tiếng nhạc du dương.

Vì từ nhỏ đã tiếp xúc với tiếng Anh nên Tiết Chân Chân học nhanh hơn Doãn Yên nhiều, còn Doãn Yên đã làm tài nữ của thời đại phong kiến quá lâu, vẫn chưa thay đổi tư tưởng, quả thực học rất vất vả. Nhiều lần làm bài kiểm tra nhập học mấy năm của trường nữ sinh tư thục Hương Cảng, Lâm Doãn Yên không qua được, còn Tiết Chân Chân luôn trên tám mươi điểm. Cộng thêm Tiết Chân Chân hay cạnh khóe, ra vẻ ta đây tạo áp lực cho cô nàng, cho nên Lâm Doãn Yên càng học kém đi.

Kỳ khảo sát tháng Mười Hai sắp tới, Doãn Yên một lòng chuẩn bị cho kỳ thi nên tạm ngưng học ba-lê, dĩ nhiên cũng không còn tâm trạng đọc báo nữa. Báo buổi sáng ngày mười tám đã bị mấy cái tiêu đề như “Bắc phạt thảo nghịch” “Chiến tranh Trực-Phụng” chiếm lĩnh, Lâm Sở Vọng bình tĩnh đọc hết mẩu tin, sau khi xác nhận được cha mình không đứng nhầm phe thì bình tĩnh đặt báo xuống, cầm sữa tươi lên uống.

Còn bà Kiều không có khả năng tiên tri thì lại không thong thả như cô, bà đặt báo xuống rồi lén nhìn Lâm Sở Vọng, mặt mày nhợt nhạt đứng dậy, đi vội lên lầu tìm chồng bàn bạc. Lâm Sở Vọng không nghe thấy bọn họ nói gì, nhưng có lẽ cũng không phải là “nếu như phe nghịch tặc Trực thành công, nhà chúng ta có nên tiếp tục bảo vệ Lâm Du không, hay nên sớm vạch rõ giới hạn”.

Bà Kiều lo cũng đúng thôi, nhưng sự thất thố đó cũng chỉ tồn tại trên bàn ăn vào sáng ngày mười tám, về sau bà vẫn đối xử với hai cô con gái nhỏ nhà họ Lâm bình thường.

Còn Lâm Sở Vọng không lo lắng cho tiền đồ nhà mình lại nghĩ xa hơn. Cô chợt nhớ tới Trương thiếu soái – một trong tứ soái thời dân quốc, bây giờ mới hai mươi ba tuổi mà đã là chuẩn tướng, thật sự rất điển trai tuấn tú, đúng là thiếu niên anh tuấn. Nếu không phải kết hôn sớm, thì e rằng ông sẽ là chàng rể kim quy lý tưởng có một không hai của các vị phu nhân xã hội thượng lưu. Mà hiện tại cô tư nhà họ Triệu* cũng cùng tuổi với Lâm Doãn Yên, không biết giờ có đang học ở Hương Cảng không, Lâm Sở Vọng lại rất muốn được gặp nàng giai nhân ấy một lần.

(*Tức Triệu Nhất Địch, còn được gọi là hoa hậu Triệu Sĩ, có nhan sắc và sự thông minh hơn người. Bà say đắm thiếu soái Trương Học Lương tới nỗi từ bỏ thân phận một tiểu thư đài các, chấp nhận làm người không danh không phận bên cạnh ông suốt 30 năm.)

Cũng vì thế nên khi Doãn Yên nói “Hay là để em ba cùng thi khảo sát tiếng Anh lần này đi, cũng tiện để chuẩn bị cho năm sau”, Lâm Sở Vọng không chút suy nghĩ giơ hai tay đồng ý. Ngộ nhỡ, biết đâu lúc nhập học có thể tranh tài cao thấp với Triệu tiểu thư thì sao. Rồi sau này cũng có cái để khoe khoang với con cháu!

Bà Kiều và Kiều Mã Linh cũng chấp nhận đề nghị này của Lâm Doãn Yên. Dẫu sao mọi người cũng không hy vọng là Lâm Sở Vọng có thể thi đậu. Coi như đi theo cổ vũ cho hai chị gái, cũng làm quen trước để năm sau dễ thi đậu.

Vào một ngày trước kì thi, khi Lâm Sở Vọng xin ngài Saumur cho nghỉ thì nhận được một chiếc mũ nồi nhỏ màu đỏ từ ông ấy. Ngài Saumur nói là, nghe bảo người Trung Quốc cảm thấy màu đỏ đại diện cho cát lợi, chiếc mũ đỏ này có ý là “niềm vui từ trên trời rơi xuống”. Cho nên ông đã nhờ bà Nguyễn thêu một chữ “Phúc” nho nhỏ bên dưới vành mũ, đằng sau còn thêu thêm chữ “Lucky~” viết hoa.

Điều này khiến Lâm Sở Vọng bất chợt nghĩ đến những người ngoại quốc đua đòi thời sau, không biết học từ đâu mà rất thích xăm chữ Hán lên người. Rất nhiều lần cô bắt gặp những anh chàng người Đức chạy tới khoe chữ “phúc”, “cát tường” hay thậm chí là chữ “hỉ” xăm trên người mình.

Có điều ngày hôm sau, Sở Vọng vẫn vui vẻ đội mũ nồi lên đầu, ngồi trong xe hơi của nhà họ Kiều thẳng tiến đến trường nữ sinh tư thục Hương Cảng.

Hôm đó là thứ sáu, hai giờ chiều nữ sinh được cho tan học sớm. Nữ sinh mười lăm mười sáu tuổi, để cùng kiểu tóc ngắn cụp, mặc đồng phục thủy thủ trắng xanh xen kẽ. Váy dài quá đầu gối, mặc vớ trắng cao trên bắp chân và đi đôi giày da đầu tròn. Với những cô gái đang dậy thì hoặc đã dậy thì, có thể thấy được ở bọn họ toát lên vẻ giáo dục tốt tu dưỡng tốt. Các cô ấy vừa cười vừa nói đi ngang qua trước mắt những cô bé thấp hơn mình một hai cái đầu, trong tay cầm vợt tennis nhảy lên xe điện. Ba cái đầu nữ bám theo bọn họ một vòng, trên mặt lộ vẻ hâm mộ.

Tiết Chân Chân ngẩng đầu lên, “Nhất định mùa hè năm sau phải xin mợ dẫn chúng ta đến vịnh Nước Cạn phơi nắng mới được. Da sạm đi một chút mới là khỏe đẹp.”

Doãn Yên thì đang lẩm nhẩm từ vựng: “B-e-a-u-t-u-f-i-l, beautiful.”

Tiết Chân Chân liếc nhìn, “Là t-i-f-u-l.”

Lâm Sở Vọng ló đầu nhìn quanh, gặp ai cũng hỏi: “Cho hỏi chị có biết cô tư nhà họ Triệu không? Tên là Nhất Địch hay Edith gì đó.”

Nhưng cuối cùng Sở Vọng vẫn không tìm được di tích sống của thời dân quốc đâu, còn Doãn Yên bị áp lực thời gian đến mức mặt mày tái mét.

Có cả thảy mười hai học sinh mới, mười hai cô bé mười một mười hai tuổi được tu nữ dắt vào tòa nhà như bảo vật cổ xưa, đến phòng học trên tầng hai chia thành ba hàng. Các cô bé thấp hơn nữ tu sĩ một cái đầu, còn Lâm Sở Vọng lại thấp hơn những cô bé kia cũng một cái đầu, chính vì vậy cô rất được các nữ tu quan tâm, cho ngồi vào vị trí rất “nhân vật chính” —— vị trí cuối cùng gần cửa sổ.

Bài thi gồm có hai tờ A4, thời gian trả lời khoảng một tiếng đồng hồ. Bao gồm nghe viết, điền vào chỗ trống, đọc và nhìn ảnh viết văn, độ khó tương đương với đề thi khảo sát cấp hai, nhưng nghe viết sẽ khó hơn, lồng ghép vài điển cố trong thánh kinh —— ví dụ như ở phần viết văn thì bức tranh lại là cảnh đức mẹ Maria ôm chúa Giê-su. Phần kiểm tra nghe do một bà tu sĩ đọc, vì đọc khá chậm nên cũng đơn giản, chỉ có duy nhất một câu phức tạp.

Chẳng mấy chốc Sở Vọng đã làm bài xong, thời gian còn lại cô đổi vài câu trả lời đúng thành sai. Cô tính một lượt, khống chế xác suất đạt điểm ở con số 59, cuối cùng nộp bài cho tu sĩ. Mười một cô gái còn lại đều biết cô chỉ thi cho vui, đoán chừng bài thi này sẽ khó khăn với một đứa bé nên cũng không để tâm lắm.


Sở Vọng đi bộ một vòng ở giáo đường Thiên Chúa bên cạnh rồi mới quay lại ngoài cổng trường. Tài xế nhà họ Kiều đã chờ sẵn, cô lên xe trước, chốc lát sau cả Chân Chân và Doãn Yên đã xuất hiện trước cửa trường. Cả hai im lặng lên xe, tuy không nói gì nhưng kết quả thi đã viết rất rõ trên mặt hai người.

Vào buổi trưa hai hôm sau, bà Kiều cầm ba bảng điểm và hai bức thư thông báo đi vào, nổi giận ngồi xuống bàn ăn.

Bà đưa mắt nhìn Tiết Chân Chân, “Ngài Wilson khen Tiết Chân Chân không dứt lời, cháu là người được điểm tiếng Anh cao nhất trong số các nữ sinh lần này, 95 điểm.”

Tiết Chân Chân mỉm cười, nhét một miếng thịt bò vào miệng.

Rồi bà Kiều hung dữ quay sang nhìn Doãn Yên, “Doãn Yên, cháu… Ôi chao, cháu chỉ thiếu một điểm mà thôi. Tuy kiểu gì ngài Wilson cũng châm chước cho qua, nhưng cháu đấy, học cùng Chân Chân nhưng sao lại tệ thế hả…”

Doãn Yên mím môi, khó khăn không để nước mắt rơi xuống thịt bò. Sở Vọng thầm nhủ, sao chị nhà mình cũng tình cờ được 59 điểm thế nhỉ, đúng là không may.

Bất thình lình bà Kiều nhìn sang Sở Vọng làm cô run bắn lên. Sở Vọng lại nghĩ: Chẳng lẽ mình và Doãn Yên cùng được 59 điểm nên làm người ta không vui ư? Hay là trong mắt mấy người, thực lực của tôi còn thấp hơn 59 điểm?

Bà Kiều thở dài, tiếp tục quở trách Doãn Yên: “Không bằng Chân Chân thì cũng thôi… Nhưng sao cháu… Cháu ba cũng thi đậu, sao cháu còn không bằng cháu ba thế hả?”

*Cạch* một tiếng, cả hai chiếc nĩa trong tay Tiết Chân Chân và Lâm Sở Vọng đều rơi xuống đĩa thịt bò.

“Không… không thể có chuyện đó được, bác gái, cháu được bao nhiêu điểm?” Sở Vọng suýt nữa đã nói lắp. Cô không thể tính sai được, rõ ràng số điểm là 59 mà.

“50/100 là đậu, cháu ba được 59/100.” Bà Kiều bình tĩnh nhìn Doãn Yên nước mắt tuôn trào, nói ra sự thật.

Sở Vọng vỗ trán, mình nhớ nhầm mất tiêu rồi. Điểm chuẩn của phương Tây không phải 60 mà là 50, sao cô lại quên mất điều này chứ!
 
Trạng thái
Không mở trả lời sau này.
Top