Lượt xem của khách bị giới hạn

[Ngôn tình] [Truyện Hoàn] Giờ đang nơi đâu - Duy Đao Bách Tích

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.
[Ngôn tình] [Truyện Hoàn] Giờ đang nơi đâu - Duy Đao Bách Tích

MUALARUNG91

Tác giả
Sưu tầm
Tham gia
25/8/19
Bài viết
4,780
Điểm cảm xúc
577
Điểm
113
Chương 30: Dàn hợp xướng và người duyệt bản thảo (7)
Tìm được bảng điểm của cô rồi còn tiến hành tính trung bình cộng số, liệu có người bình thường nào nghĩ đến chuyện này không?

“Đó chỉ là phỏng đoán của anh thôi. Chị em nhà em rất thông minh, chị cả đọc nhiều sách, chị hai cũng là tài nữ nổi tiếng ở Giang Nam, thế thì em thông minh về mặt nào đó không được sao?” Cô bịa lời nói.

Từ Thiếu Khiêm cười hỏi: “Em tính toán điểm số cho mỗi môn học đều rất chuẩn, số điểm thi được cũng không hề lệch điểm nào so với dự đoán. Vừa lót đường xong cho tương lai, lại không khiến em quá nổi bật. Nếu đúng như lời em, vậy thì, em có thể nói cho tôi biết là em đang che giấu gì không?”

Xem ra người này đã coi cô là đối tượng nghiên cứu để tiến hành điều tra hiện trường rất nhiều lần, cũng làm công tác thống kê dữ liệu và phân tích cẩn thận, chỉ thiếu nước viết thành luận văn thôi.

Sở Vọng bất đắc dĩ gãi đầu.

“Giả thiết của giáo sư Từ không sai, nhưng lý lẽ ủng hộ giả thiết thì lại không đủ.”

Vừa dứt lời, cô lập tức hối hận.

Chỉ thấy ý cười trên mặt Từ Thiếu Khiêm càng thêm đậm: “Chỉ cho em thời gian hai tuần để dịch luận văn về giả thiết nghi ngờ của tôi, đúng là làm khó em rồi.”

Người này đúng là cáo già, đâu đâu cũng là cạm bẫy. Lâm Sở Vọng thở dài, chỉ cảm thấy da đầu tê rần: “Tùy anh thích nghĩ thế nào thì nghĩ.”

“Tôi nghĩ thế nào không quan trọng, quan trọng là em nghĩ như thế nào.”

“Em nghĩ cái gì?”

“Tôi nhớ em đã nói rằng: vẫn chưa có dự định, đi bước nào hay bước ấy.”

“Ồ, trí nhớ của giáo sư Từ tốt thật đấy.”


“Không biết em có còn nhớ không, nhưng tôi cũng đã nói rồi: Nếu có chuyện gì khó xử, nhất định tôi sẽ hỗ trợ hết sức mình.”

“Ừm, xưa nay trí nhớ của em không được tốt lắm.”

“Không sao, tôi giúp em ôn lại. Có phải tôi còn nói một câu là, tương lai của cô Lâm không chỉ có thế, nếu cứ chôn chân ở đây mãi thì đúng là đáng tiếc?”

“Hình như có nói.”

“Đối với cô Lâm vì chưa lấy chồng nên không chịu gặp ai, hay là cô bé Linzy dù 12 tuổi vẫn có tôn nghiêm, thì những lời tôi đã nói vẫn có hiệu dụng. Nên xin hỏi, quý cô Lâm Trí sẽ trả lời tôi như thế nào đây?”

“Quý cô Lâm Trí không có trả lời gì cả, chỉ đơn thuần muốn kiếm ít tiền tiêu vặt thôi.”

Từ Thiếu Khiêm cười nói: “Cuộc đình công đầu năm đã kết thúc rồi, nhà xuất bản cũng đã mời được người xem xét bản thảo chính thức.”

Lâm Sở Vọng không đổi sắc *à* một tiếng, nhưng trong lòng lại tiu nghỉu: bị mất bát cơm rồi.

“Công việc này, tôi cảm thấy chưa chắc bọn họ đã làm tốt hơn em.”

“Ừm, tôi có thể hiểu.” Dù sao cũng có bằng cấp mà!

“Em rất thông minh, cực kỳ thông minh… Nếu không có nguyên nhân khác, có lẽ là thiên tài.”

“Dù là thiên tài thì cũng có lúc thiếu tiền.”

Thấy vẻ mặt buồn rười rượi của cô, Từ Lai mỉm cười. Im lặng một lúc, rồi anh nói: “Sau này nếu nhà xuất bản không bận, thì sẽ không có nhiều luận văn gửi đến cho em.”

“Không có nhiều, có nghĩa là gần như bằng không?”

“Ừ, có lẽ một năm nhà xuất bản cũng sẽ có vài tháng bận rộn, nhưng nhiều nhất cũng chỉ hai tháng.”

“Được, em biết rồi.” Sở Vọng càng rũ đầu xuống thấp.

“Nếu thiếu tiền quá, thì ở chỗ tôi có một công việc tư nhân có lẽ có thể mời em, lương không hề thấp hơn so với công việc xem xét bản thảo.”

“Việc gì?”

“Dạy kèm tiếng Anh và tiếng latinh tại nhà.”

“Cần phải đến nhà anh hả?”

“Đúng thế.”

Sở Vọng ngẫm nghĩ rồi cười lắc đầu, “Chuyện này không được.”

Có lẽ Từ Thiếu Khiêm cũng biết chuyện này không ổn ở đâu, anh ta cười giải thích: “Là vợ tôi nhờ. Cô ấy muốn nhận cháu tôi làm con nuôi, cậu bé mới từ quê ở Quảng Đông đến cách đây không lâu, vài năm nữa sẽ vào đại học Queen’s, vốn muốn nhờ tôi tìm xem trong trường có trợ giảng hay giáo sư nào tinh thông hai ngoại ngữ này không. Hiện tại xem ra, có lẽ em là người thích hợp nhất.”

Sở Vọng nhìn vào cặp kính anh ta, trầm tư một lúc.

Mọi người hay bảo nếu một người đeo kính thì ngoài tăng thêm vẻ lịch sự ra, còn có thể khiến người ta cảm thấy đây là kẻ mặt người dạ thú. Còn về nguyên nhân là gì thì cô cũng đã từng suy nghĩ rất lâu: người đeo kính luôn nhìn rõ ràng mọi thứ, nhưng ánh sáng phản chiếu lên kính mắt khiến người ngoài không thể thấy đôi mắt sau cặp kính đó đang nghĩ gì – điều này đã gián tiếp hình thành nên thông tin bất cân xứng, là quan hệ giữa khống chế và bị khống chế.

Cô không biết rõ về thời đại này, cũng không hiểu được vị giáo sư Từ này. Nhưng anh ta lại nắm rõ thời đại này trong lòng bàn tay, tin tức của cô đã bị anh ta tìm ra rõ ràng. Sở Vọng cảm thấy rất không an toàn: anh nói là vợ anh thì là vợ anh sao, nói miệng không có bằng chứng, ai biết được anh muốn gì?

Từ Thiếu Khiêm thấy cô do dự, vẫn cười nói: “Tôi sẽ dùng danh nghĩa của vợ đăng báo bản thông báo tuyển dụng này sau. Nhưng trước đó tôi vẫn muốn trưng cầu ý kiến của em, chỉ vì tôi là người trọng người tài, thậm chí còn muốn nhận em làm học trò của tôi. Bởi vì hiện tại, nếu em lấy được một tấm bằng Vật lý trong thời gian ngắn, thì cả cái xứ Cảng này ngoài tôi ra, sẽ không còn người nào có tư cách và năng lực cho em đặc quyền này.”

Nói đoạn, anh cất xấp bảng điểm kia đi. Thấy cô vẫn còn do dự, anh nói tiếp: “Em không cần phải lo lắng. Tôi sẽ giữ bí mật chuyện của em, tuyệt đối không đào sâu thêm, cũng không để người thứ hai biết. Mặt khác, cả Hương Cảng không phải chỉ có một mình em là có thể làm gia sư, nếu em không muốn thì tôi vẫn có thể mời người khác. Còn nữa, chuyện nhận em làm học trò cũng chỉ là đề nghị của tôi.”

Sở Vọng ngẩng đầu nhìn anh ta.

Từ Lai rảo bước đi đến cửa thư viện, kéo cửa ra, cười nói đôi câu với cha Wilson. Sau đó anh ngoái đầu nói: “Nếu như em đổi ý, có thể gọi điện đến số điện thoại này bất cứ lúc nào.”

Nói rồi anh thốt ra một chuỗi dãy số điện thoại.

Thấy Sở Vọng không dùng bút ghi lại, anh cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên, chỉ mỉm cười nói: “Giờ tôi có việc gấp nên hôm nay không thể tiễn em được, về nhà nhớ nghỉ ngơi kỹ.”

Anh lại nghiêng đầu trầm ngâm, sau đó nói: “Tôi nghĩ cô Lâm hẳn sẽ không từ chối đề nghị của tôi, vì cô ấy là người thông minh.”

Dứt lời, anh chào tạm biệt cha Wilson rồi bước nhanh rời đi, để lại một mình Sở Vọng ngẩn ngơ, bóng dáng bé nhỏ lạc lõng ngồi cạnh chiếc bàn lớn. Mãi đến khi thân hình cao to của cha Wilson che khuất ánh sáng ở khe cửa, ho khan hai tiếng trầm khàn, thì cô mới xấu hổ đứng dậy rời đi.

***

Đề nghị của Từ Thiếu Khiêm thật sự vô cùng hấp dẫn. Còn việc vì sao bản thân do dự, có lẽ là vì sợ hãi vô tri trước thời đại này.

Đầu tiên, không biết nhân phẩm của Từ Thiếu Khiêm thế nào mà đã tùy tiện đến nhà người ta, kể cả đúng như anh ta nói: là chị Từ đề xuất thông báo tìm người. Nhưng nếu có chuyện thật, thì một người phụ nữ thời đại phong kiến như chị Từ sao có thể giúp cô được?

Thứ hai, đối với một tiểu thư gia đình giàu có, nếu đến nhà người khác dạy kèm thì thanh danh sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

Dưới các tiền đề không rõ ràng này, vấn đề nan giải lớn nhất của cô chính là: không có người lớn tuổi hoặc bạn bè để tâm sự và nhận được lời khuyên của họ. Nếu có thể được một tiền bối hoặc một người bạn hiểu biết rõ về thời đại này, cũng biết rõ tình cảnh của cô chỉ điểm một hai, thì cô cũng không đến mức do dự bất định, tiến thoái lưỡng nan như thế rồi.

20 đồng bạc kia như phí thông cảm và phí thôi việc, được gửi thẳng vào tài khoản của ngài Saumur. Cô buồn bã nhìn 64 đồng tiền mình tích cóp được: có lẽ giáo sư Từ người ta chỉ đơn giản là Bá Lạc* coi trọng cô thôi, vì sao bản thân lại nghi ngờ ý tốt của người ta?

(*Ngày nay dùng từ này để chỉ người giỏi phát hiện, tiến cử, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài.)

Có điều, chẳng mấy chốc cô đã không có thời gian suy xét đến chuyện đó nữa. Dư âm của sự kiện Ngũ Tạp vẫn chưa tan, thì cuộc thảm án ngày 18 tháng 3 ở Bắc Bình đã lần thứ hai khiến cả nước chấn động. Vào sáng ngày 19 ở trên bàn ăn, bác cả cầm báo chậc lưỡi than thương cho những người tử nạn, cũng may Tư Ưng và Lâm Du biết nhìn thời thế, chuyển trọng tâm công tác về Thượng Hải, may mắn tranh được cơn giông tố này.

Chuyện đó khiến Sở Vọng chợt nhớ đến tạp văn “Kỷ niệm chị Lưu Hòa Trân”* trong sách giáo khoa trung học. Giáo dục quốc dân không khiến cô lý giải được “đời người thảm đạm, máu tươi lênh láng”** là gì, khi nhắc đến sự kiện “18 tháng 3” cũng chỉ khiến người ta cảm thấy đang mượn việc xưa nói chuyện nay.

(*Đây là tạp văn của Lỗ Tấn. Nội dung là sự tưởng nhớ về thanh niên trường Đại học nữ sư phạm bị lính vệ đội đường hoàng xổ súng bắn chết trong thảm án 18/3, cũng như ngẫm nghĩ về thời thế. Mời bạn tìm đọc thêm trên google.)

(**Câu này trích trong tạp văn trên, Phan Khôi dịch.)


Hành quyết lần này còn trắng trợn hơn thế, những người bỏ mình trong cuộc khởi nghĩa lần này cũng nhiều hơn. Cô không khỏi nghĩ: rốt cuộc anh em trong nhà đấu đá nhau đáng để dân tộc khác thương xót hơn, hay là thời đại của kẻ lấn hiếp có thế lực mạnh mẽ tối tăm hơn đây?

Bất luận là gì đi chăng nữa, trong thời đại mà quyền và địa vị của phụ nữ không được bảo vệ đầy đủ, nhưng thông tin lại phát triển trước, thì lời nói của con người còn đáng sợ hơn cả so với đời sau. Trong thời đại mất chủ quyền, lãnh thổ bị chia cắt, quân phiệt hỗn chiến, pháp chế không hoàn thiện (người da trắng trên lãnh thổ Trung Quốc chỉ chịu sự thống trị của hệ thống pháp luật nước mình, còn nhân dân ta bị thực dân lại không được hưởng quyền lợi của pháp luật nước ngoài), cô cũng không mong pháp chế “tiên tiến” của người Anh có thể che chở được mình, cho nên mọi chuyện vẫn nên cẩn thận thì hơn.

Trong lòng cô có rất nhiều thắc mắc. Ví dụ như: chính phủ cầm quyền chỉ là pho tượng gỗ, nửa thành phố Bắc Kinh đều là của họ Phùng, bên ngoài còn có có quân Phụng có sức mạnh gấp ba lần Đoạn Kỳ Thụy. Nhưng vì sao lần nào nổ súng bắn chết thanh niên cũng là chính phủ cầm quyền?

Sở Vọng rất muốn tìm một người bạn hiểu biết rõ về sự thật và có tầm nhìn xa để tâm sự, nhưng hiện tại ngoài ngài Saumur và bà Nguyễn ra, thì đối tượng bộc bạch của cô cũng chỉ có một Tạ Di Nhã.

Ngài Saumur cho rằng: “Bất kỳ mối quan hệ nào nhiều hơn hai thì sẽ có được tính khách quan. Dù tranh chấp cũng khó có sai sót từ một bên.”

Ngài Saumur nói rất khách quan và công bằng, Sở Vọng cái hiểu cái không: cũng giống như trong thời đại Ân Thương, rõ ràng tất cả chư hầu đều rất hung ác, thế mà sách sử chỉ quy mọi sai lầm cho một mình Trụ vương. Bởi vậy mới nói, lịch sử là một cô nàng xinh xắn mặc người trang điểm*.

(*Tác giả châm biếm. Câu này có nghĩa có những người tự ý thêm thắt ý nghĩ cá nhân vào lịch sử, không phải là lịch sử thật sự.)

Bà Nguyễn lại nói: “Dù dì với chồng có cãi nhau thì cũng không phải dì sai. Phụ nữ không có lỗi.”

Sở Vọng và ngài Saumur lại cười lắc đầu: có lẽ ông Nguyễn là một người tai mềm, còn bà Nguyễn lại là một người phụ nữ rất hiện đại.

Ngồi trong quán cà phê Chim Xanh ăn bánh, Tạ Di Nhã lại hỏi: “Hiện tại Thượng Hải Quảng Châu không phải rất giàu à, “điều ước Tân Sửu” thật sự là điều ước không bình đẳng sao?”

Sở Vọng thầm thở dài. Xét về trình độ nào đó mà nói, Tạ Di Nhã đúng là một cô gái thực dân siêu điển hình, không phải là người Trung Quốc thuần túy.*

(*Nội dung chính của Điều ước Tân Sửulà nhà Thanh phải trả tiền bồi thường chiến tranh và buộc phải để cho các nước chiếm đóng Bắc Kinh. Với người Trung Quốc, đây là một điều ước không công bằng.)

Còn cô gái Trung Quốc thuần cổ điển Lâm Doãn Yên kia, hiện tại dù ở trường hay ở nhà thì đều đã được rửa nhục, rạng rỡ hơn xưa nhiều. Đánh giá của cô ấy về sự kiện này hoàn toàn dựa theo ý bác cả: “Cha và chú Tư, đương nhiên rất biết xem xét thời thế rồi.”

Tiết Chân Chân không kìm được mỉm cười: “Nếu muốn xem xét thời thế thì Lâm nhị tiểu thư nên bảo đảm thành tích Anh văn đạt tiêu chuẩn đi đã, nếu không sẽ không đọc được báo tiếng Anh Hương Cảng đâu.”

Bà Kiều lại dập tắt sự kiêu ngạo của Tiết Chân Chân, “Là con gái thì không nên bàn về tình hình chính trị.”

Còn phá lệ khen ngợi Sở Vọng: “Vì sao gần đây Chân Chân và Doãn Yên cứ gặp mặt là cãi nhau thế hả? Có còn dáng vẻ của tiểu thư nhà giàu nữa không? nhìn cháu ba mà học tập đi.”

Rồi bà nghĩ đến chuyện quan trọng nào đó, vô cùng nuối tiếc nói với Doãn Yên: “Có lẽ bắt đầu từ Chủ nhật tuần này, phải tìm một giáo viên Anh văn khác dạy kèm cho cháu rồi.”

Doãn Yên kinh hãi: “Cô Mary phải về Anh ư?”

Chân Chân giễu cợt: “Có lẽ cảm thấy học trò ở biệt thự họ Kiều khó dạy chăng?”

Bà Kiều lườm Chân Chân, nói: “Ừ, nghe bảo là có một nhà ở trong nước đến, muốn tìm người dạy con mình để sau này vào trường Queen’s. Đọc báo thấy ghi tuyển một người biết tiếng Anh và tiếng Latinh. Tiền lương khá cao, có lẽ cô Mary động lòng.”

Nghe thấy hai chữ ‘trường Queen’s”, Sở Vọng lập tức xúc động, hỏi: “Không biết là nhà nào mà giàu thế?”

Bà Kiều nhớ lại rồi nói: “Hình như là họ Từ.”

Lúc này, cả Chân Chân và Doãn Yên có vẻ đều nghĩ đến quan hệ giữa bạn học Diệp và giáo sư Từ, không khỏi đưa mắt nhìn nhau, đã sáng tỏ rồi.

Doãn Yên rất đỗi buồn bã, năn nỉ nói: “Bác ơi, cô Mary đã dạy cháu lâu thế rồi, bây giờ đột ngột đổi giáo viên cũng không quen, hay bác khuyên cô Mary lại đi, nói cháu không nỡ xa cô ấy…”

Bà Kiều đã nói rất uyển chuyển rồi, giờ nghe Doãn Yên nói vậy thì lập tức sầm mặt: “Dạy cháu lâu như thế mà cũng không thấy cháu tiến bộ gì! Bác thấy vẫn nên đổi gia sư đi!”

Doãn Yên bị bà quát thì co rúm lại, xấu hổ trước mặt Chân Chân và Sở Vọng.

Gần đây bà Kiều có không ít chuyện cần quan tâm: sau khi từ Quảng Châu về, ông Kiều lại có chuyện quan trọng muốn quay về Anh. Xem ý của ông, dường như muốn dẫn Mitchell và Leon về cùng. Thứ nhất là núi cao hoàng đế xa, Mã Linh đã gả đi, nếu ông Kiều bị hồ ly tinh ở nước ngoài mê hoặc, đồng ý chia gia sản cho thằng con tạp chủng kia thì sao? Thứ hai, không biết bà nghe được từ đâu: hiện nay có rất nhiều người Trung Quốc ra nước ngoài kết hôn cùng một người vợ khác. Bà Kiều không khỏi căng thẳng, nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng không chịu để ông Kiều dẫn bà hai theo.

Lúc này không biết là ai đã đề xuất chủ ý cho bà: để bà nhận nuôi Leon dưới danh nghĩa mình. Như thế, Leon vừa có thể được bảo đảm địa vị ở bên ngoài, mà sau này nếu cậu ta có kế thừa tài sản của ông Kiều thì cũng sẽ không bạc đãi bà.

Michell không cách nào hiểu được “nhận con thừa tự” là có ý gì. Dì ta chỉ cho rằng bọn họ đang muốn cướp con trai mình, thế là suốt ngày rơm rớm nước mắt, nói gì cũng không chịu. Bà Kiều giỏi tiếng Nhật, còn tiếng Anh chỉ đủ dùng để sai bảo người hầu, nên cũng không thể giải thích chuyện “nhận nuôi con” cho Mitchell, đành phải nhờ hai đứa giỏi tiếng Anh là Sở Vọng và Chân Chân đi giải thích với Mitchell, còn hướng dẫn kỹ lưỡng: “Nếu cô ta khóc thì hai đứa cũng khóc đi, phải khóc to tiếng hơn. Hai đứa thích Leon, nhất định cũng không nỡ để thằng bé rời khỏi nhà ta đúng không?”

Sở Vọng và Chân Chân không chịu được màn thao thao bất tuyệt nhiều lần của bà, cuối cùng đành phải đồng ý. Hai người đứng ngoài cửa phòng khách tầng hai tòa nhà bên cạnh chị đẩy em nhường, không ai muốn xung phong dấn thân. Ngay khi hai người đang ồn ào tranh nhau thì cửa phòng mở ra cái két, nửa gương mặt trắng bệch của Mitchell xuất hiện.

Then cài an toàn trong phòng vẫn khóa nửa, thấy là hai người bọn cô, sự cảnh giác trong mắt Mitchell vơi đi, nhưng vẫn lạnh lùng: “Nếu hai em đến làm thuyết khách thay bà Kiều thì mời về cho.”

Chân Chân không biết làm gì, nhìn sang Sở Vọng cầu cứu. Sở Vọng cũng nhìn lại cô ấy, đột nhiên một ý nghĩ vụt qua trong đầu, cô bèn nói với Mitchell: “Dì à, Chân Chân chơi thân với Leon, chị ấy muốn nói mấy câu với em ấy.”

Chân Chân vừa nghe thấy cô lôi mình ra làm lá chán thì trợn mắt nhìn cô, chỉ hận không thể dùng ánh mắt lóc thịt cô ra.

Leon nghe thấy Chân Chân tới thì vội chạy bước nhỏ ra cửa, cách cánh cửa thấp giọng gọi “chị Chân Chân, chị Sở Vọng”.

Nghe thấy cậu gọi, con tim Chân Chân tim mềm ra, dịu dàng nói: “Leon, chị không nỡ xa em đâu… Ôi.”

Thái độ của Mitchell cũng dịu hẳn, không đóng cửa đuổi các cô đi nữa. Nhân lúc đó, Sở Vọng khom lưng nhìn thẳng vào cậu, để cậu không có cảm giác uy hiếp do bị người lớn vây quanh.

Cô thấp giọng nói: “Leon, em có muốn vào trường trung học hàng đầu Hương Cảng không? Ở trong trường có dạy học bằng tiếng Anh, cũng có dạy học bằng tiếng Latinh. Học sinh tốt nghiệp trường này, đa số đều vào trường đại học hàng đầu ở Anh và Mỹ.”

Leon ngước đầu lên, nhìn mẹ mình với ánh mắt nửa khó hiểu nửa khát vọng.

Mitchell thoáng động lòng, run giọng hỏi: “Cháu… cháu có ý gì?”

Cô không trả lời câu hỏi này mà nói: “Dù đi theo thương nhân Trung Quốc như ông Kiều đến Anh, thì người Anh có đặt mẹ con các dì vào trong mắt không? Dù là ông Kiều thì cũng không thể tìm được một ngôi trường tốt ở Anh cho Leon được, đúng không?”

Mitchell nghe một cô gái nhỏ như cô lại nói chuyện thẳng thắn như thế, không khỏi liếm môi, ý bảo cô nói hết đi.

Sở Vọng nói tiếp: “Nếu để Leon được nuôi dưới danh nghĩa bà cả, thì hiện tại trong biệt thự này, dì vẫn có thể ngày ngày gặp em ấy, không khác gì trước. Và bà cả cũng có thể cho Leon nhiều thứ hơn dì, nói vậy dì cũng thấy được. Điều tốt đẹp chính là giáo dục, điều kiện cơm ăn áo mặc thượng đẳng hằng ngày, cũng như danh phận tốt…”

Mitchell mỉm cười: “Làm sao em có thể chắc chắn là bà cả sẽ tốt với thằng bé?”

Sở Vọng cười nói: “Nếu dì đồng ý để Leon được nuôi dưới danh nghĩa bà cả, thì em cũng có thể đảm bảo bà cả sẽ đưa Leon đến trường Queen tốt nhất Hương Cảng. Đến lúc đó dì muốn theo ông Kiều đến Anh cũng được, mà muốn ở lại biệt thự họ Kiều xem bà cả dạy Leon thế nào cũng được, tùy dì cả. Dì xem?”
 

MUALARUNG91

Tác giả
Sưu tầm
Tham gia
25/8/19
Bài viết
4,780
Điểm cảm xúc
577
Điểm
113
Chương 31: Nhà họ Từ và san tennis (1)
Nói thực, kế hoạch nhận nuôi của bà Kiều có thành công không, hay Leon có vào được trường tốt không, Sở Vọng vốn chẳng quan tâm. Còn nếu nói có thiệt hại gì thì cũng chỉ đơn giản là nếu ông Kiều đi rồi, thì Tiết Chân Chân sẽ mất đi một chỗ dựa ở trong biệt thự họ Kiều; còn nếu bà hai Mitchell rời đi, có lẽ bà Kiều sẽ trút mọi oán hận chất chứa trong lồng ngực lên đầu Chân Chân và cô.

Đây không phải là chuyện gì trọng đại quá, chỉ là nếu bà hai và Leon rời đi thì cuộc sống của cô sẽ không còn được tự tại nữa.

Có điều, cô còn có một kế hoạch khác.

Một ngày sau khi nói chuyện với dì Mitchell, trên đường đến tiệm may, Sở Vọng chợt ghé vào một bốt điện thoại, bấm một chuỗi gồm 5 số mà mấy tuần trước trong thư viện ở viện Thần học, Từ Thiếu Khiêm đã đọc một lần.

Chỉ một lúc sau, nhân viên tiếp tuyến ở đầu dây miễn cưỡng hỏi bằng tiếng Quảng: “Xin hỏi gọi đến đâu?”

“Xin giúp tôi chuyển máy tới…” Sở Vọng suy nghĩ rồi trả lời, “Biệt thự nhà họ Từ.”

Nghe thấy là giọng con nít, tiếng Quảng còn không rành rọt, tiếp tuyết viên càng không có kiên nhẫn, đáp qua loa vài câu rồi chuyển máy. Thời gian kêu *tút tút* ở đầu dây rất dài, mỗi tiếng tút luôn đi kèm với tiếng dòng điện chạy xẹt xẹt. Vì vậy mà khi giọng của Từ Thiếu Khiêm vang lên, thật sự khiến người ta vui mừng quá đỗi.



Từ Thiếu Khiêm *a lô* rồi không nói gì, còn Sở Vọng thong thả lên tiếng: “Chào giáo sư Từ, em là Linzy. Em tưởng không ai ở nhà.”

Người ở đầu dây bật cười, nói, “Ừ, tôi biết là em mà.”

Sở Vọng kìm nén không cười, cô nhớ thời đại này đâu hiển thị thông tin người gọi. Cô nín cười, đi thẳng vào vấn đề: “Xin hỏi anh Từ đã mời được gia sư thích hợp chưa?”

“Gia sư dạy tiếng Anh thích hợp thì có không ít, cũng xác định được một người rồi; nhưng người còn lại thì chưa tìm được.”

“Em nghĩ anh không cần phải mời người khác nữa đâu; em cho rằng mình có thể đảm nhiệm cả hai ngôn ngữ.” Cô nói: “Và em chỉ nhận tiền lương của một người.”

“Ừ, nghe không tệ. Có thể hỏi là điều gì đã khiến em đổi ý không?”

“Em thừa nhận mình thật sự rất cần sự giúp đỡ của anh. Nhưng em cũng có điều kiện của mình: cho phép em dẫn theo em trai đến nghe giảng chung. Em tin giáo sư Từ cũng biết, có bạn học chung sẽ rất có lợi trong việc học ngoại ngữ.”

Từ Thiếu Khiêm lời ít ý nhiều trả lời: “Được.”

Dừng một lúc rồi anh lại hỏi: “Thế xin hỏi, tôi cần làm gì để giải thích hợp lý cho người nhà em đây?”

Sở Vọng nghĩ rồi đáp: “Có thể dùng danh nghĩa của giáo sư Từ và vợ anh, gửi hai tấm thư mời bằng tiếng Anh đến biệt thự nhà họ Kiều được không? Một tấm là mời con trai trưởng Leon của bà Kiều đến nhà học Từ học tiếng Anh và tiếng Latinh cùng cháu của anh; một tấm khác, dùng danh nghĩa của anh mời em làm học sinh lớp dự bị, đến biệt thự nhà anh học tiếng Latinh?”

Anh ta suy nghĩ rồi cười nói: “Tôi thì không sao, còn về phần vợ tôi, tôi phải hỏi cô ấy trước đã.”

Sở Vọng vội nịnh nọt: “Cám ơn giáo sư Từ, cũng thay em cám ơn vợ anh.”

Từ Thiếu Khiêm cười chào tạm biệt cô, cũng rất lịch lãm đợi cô cúp máy trước.

Cách của Sở Vọng là: Nếu như bà Kiều thật sự nuôi Leon dưới danh nghĩa của mình, thì sau này dẫn theo em trai đi thăm hỏi cũng không bị ai nói ra nói vào đâu nhỉ? Hiện tại Leon đã gần chín tuổi, dù có xảy ra chuyện gì thì cũng có nửa sức chiến đấu. Ngoài ra, cô cũng tự có cách để không cho Leon báo với bà Kiều và Chân Chân là gia sư thật sự là ai.

Trong biệt thự họ Kiều, vì vấn đề tương lai của con trai mình, Mitchell đã tập trung toàn lực khai hỏa. Sau khi thống nhất về vấn đề ăn ở đi lại, giáo dục mầm non, bà hai Mitchell lại tranh luận với bà Kiều về vấn đề nên vào trường Queen’s hay trường Saint Joseph’s, chỉ khổ cho Tiết Chân Chân ngồi bên cạnh làm phiên dịch.

Bà Kiều cười nhạo: “Hai ngôi trường này đều có chất lượng tương đương nhau, nhưng trường trước, nếu muốn nhập học thì cần phải mời người dạy tiếng Latinh. Cô có biết hiện tại tiền lương của gia sư tiếng Latinh ở Hương Cảng là bao nhiêu không? Đúng là không lo việc nhà không biết củi gạo đắt.”

Tiết Chân Chân bị lúng túng về thành ngữ “không lo việc nhà không biết củi gạo đắt”, bèn dịch thẳng từng chữ một cho bà hai Mitchell.

Nhưng bà hai Mitchell lại hỏi ngược lại: “Gạo có giá thế nào, có liên quan gì đến chuyện Leon có học tiếng Latinh không, hiện tại ở Trung Quốc vẫn còn dùng củi nấu cơm hả?” Bà vẫn giữ vững quan điểm của mình: “Sở Vọng đã nói với tôi rồi, chị nhận nuôi Leon như con trai mình, thì nhất định sẽ đưa thằng bé đến trường Queen’s tốt nhất Hương Cảng!”

Bà Kiều nghiến răng, cả hai người gọi Sở Vọng tới, kẹp cô ở giữa. Một người hỏi: “Cháu hứa lung tung gì thế hả, bảo bác đi đâu mời giáo viên dạy tiếng Latinh đây?” Còn một người khác mắt hoen đỏ, khó tin hỏi: “Sở Vọng, cháu và bà cả hợp kế lừa dì ư?”

Tiết Chân Chân bất đắc dĩ nói: “Tự em gây chuyện, chị không giúp được đâu.”

Sở Vọng chẳng hề hốt hoảng, thậm chí còn thong thả nhấp sữa uống. Đang tâm trạng tốt, cô còn tốt bụng khuyên hai bà: “Bác à, dì à, cháu cho rằng đợi hai hôm nữa rồi hai người cãi nhau tiếp cũng không muộn.”

Nhưng hai người họ không nghe lời khuyên mà còn cãi nhau hai ngày. Hai hôm sau, bức thư gửi đến từ biệt thự họ Từ và đại học Hương Cảng đã khiến tất cả mọi người trong nhà phải tắt tiếng.

Doãn Yên thế mà còn bình tĩnh hơn cả Sở Vọng, thản nhiên nói với Chân Chân: “Tôi nhớ trong lớp ta, học sinh có thành tích tốt nhất không phải là em Chân Chân à?”

“Em gái thì vào lớp dự bị đại học trước, còn chị gái vẫn chưa khá khẩm tiếng Anh; dù gì người bị bẽ mặt cũng không phải tôi.” Chân Chân hớn hở trợn mắt lại.

Bà Kiều không có tâm trạng đâu mà chúc mừng và chia buồn cho hai cô cháu gái, bởi vì mọi tâm tư của bà đặt vào một phong thư khác. Trên bàn ăn sáng, bà lại nhắc đến chuyện này: “Nhà họ Từ này, nghe bảo là một nhà trong ngành dệt may nổi tiếng ở Quảng Châu, lần này bà Từ mời, có phải có ý muốn kết thân không?”

Bà kích động gọi dì Triệu tới, để bà ấy đến tòa nhà bên cạnh báo cho Mitchell biết: đã tìm được người dạy tiếng Latinh cho Leon rồi.

Rồi bà Kiều liên tục gửi điện cho ông Kiều, nhắc ông nhanh chóng gọi điện thoại đến tòa soạn báo Trung văn và Anh văn Hương Cảng, để hai tờ báo này ngày mai đăng tin ông quyết định để Leon làm con trai trưởng lên trang nhất.

Bà Kiều lúc thì thấp thỏm đi tới đi lui trong biệt thự, chốc lại vui vẻ phỏng đoán ý đồ của bà Từ. Còn Sở Vọng là công thần phía sau đã bị bà Kiều bỏ qua hoàn toàn, nên gần đến ngày dẫn Leon tới biệt thự nhà họ Từ, cô cũng không được bà Kiều chúc mừng.

***

Đây là lần đầu tiên Sở Vọng đến biệt thự nhà họ Từ, căn nhà nằm ở phố Hoa Viên khu Vượng Giác. Nói là biệt thự, kỳ thực chỉ là một tòa nhà nhỏ nằm khuất sau cổng chào khu Vượng Giác, không quá bắt mắt. Thậm chí còn không có hàng rào, xung quanh chỉ trồng mấy loại hoa dại để ngăn cách với cổng ở biệt thự khác, phân rõ địa giới.

Cô nhấn chuông cửa, một lúc lâu sau mới có một bà già tập tễnh đi ra mở cửa, xuyên qua khe cửa cẩn thận hỏi bằng tiếng Quảng: “Xin hỏi cô là…”

Sở Vọng nói: “Cháu là học trò của giáo sư Từ, Linzy, không biết giáo sư đã nhắc đến chưa?”

Lúc này bà già kia biến sắc, hớt ha hớt hải chạy vào trong, vừa chạy vừa nói: “Cô chủ! Cô chủ! Gia sư mà cậu chủ nói đã đến rồi…”

Sở Vọng nhìn đồng hồ, không tệ, sớm hơn 15 phút so với giờ hẹn lúc 2 giờ.

Một lúc sau, bà lão kia lại hớt ha hớt hải chạy tới, xấu hổ dẫn Sở Vọng và Leon vào nhà ngồi trên sofa, rồi lại lập tức chạy nhanh lên lầu, để lại Sở Vọng và Leon đưa mắt nhìn nhau, cứng người ngồi tại chỗ.

Trong nhà cũng giống bên ngoài: nội thất đầy đủ, nhưng ngoài nội thất ra thì không còn vật dụng gì khác; căn phòng rất sạch, nhưng lại sạch sẽ quá mức, không có hơi thở của sự sống. Có lẽ chủ nhân ngôi nhà chỉ coi đây như nơi nghỉ ngơi chứ không phải là một tổ ấm bé nhỏ.

Vì trống rỗng nên có thể nghe rõ mọi âm thanh. Sở Vọng chỉ ngồi trên ghế sofa, vậy mà tình cờ nghe được chuyện “gia đình tranh chấp”.

Một người phụ nữ có giọng khàn – có lẽ là chị Từ, nói: “Sao cô giáo dạy Anh văn đến sớm vậy… Dì Văn, dì xuống nhà bảo người ta uống trà ăn hoa quả trước đi. Cậu không có ở nhà, dì đừng để người ta cảm thấy nhà mình thất lễ.”

Dì Văn ho hai tiếng: “Đừng nói trà, trong nhà giờ đến bã trà còn không có. Nhưng rau dưa hoa quả… thì có đây, tháng trước cô đem táo với cả bí đao ở quê lên vẫn chưa ăn hết, không biết đã bị mốc chưa nữa.”

Chị Từ lại nói: “Hay dì gõ cửa phòng Văn Quân thử, bảo thằng bé xuống lầu gặp cô giáo trước?”

Dì Văn nói: “Lão đã gọi rồi, nhưng không biết cậu Văn Quân cáu kỉnh gì, có lẽ vì lúc nãy cô mở cửa phòng hút thuốc. Gõ mỏi tay nhưng vẫn không phản ứng.”

Chị Từ thở dài: “Dì… dì chỉnh tóc tai áo quần lại cho tôi, đỡ tôi xuống lầu đi.”

Lần này, cánh cửa ở một căn phòng khác trên tầng hai mở ra, rồi lại đóng cái *sầm*. Chuỗi bước chân nặng nề nhanh chóng từ cầu thang vọng tới, chỉ chốc lát sau, một cậu bé mặc đồng phục màu nâu nhạt vội vã chạy đến trước mặt Sở Vọng và Leon. Gương mặt nhỏ nhắn đang nổi giận đùng đùng, ánh mắt sáng quắc nhìn trên người Leon tóc vàng mắt xanh một lúc, rồi lại quét sang Sở Vọng chỉ cao hơn Leon nửa cái đầu bên cạnh, cực kỳ không khách khí ngoái đầu lại, hỏi với lên trên lầu: “Không phải hai người nói cô giáo tới rồi ư? Cô giáo đâu!”
 

MUALARUNG91

Tác giả
Sưu tầm
Tham gia
25/8/19
Bài viết
4,780
Điểm cảm xúc
577
Điểm
113
Chương 32: Nhà họ Từ và san tennis (2)
Tầm mắt Sở Vọng vượt quá đứa bé nóng nảy trước mặt, nhìn lên đồng hồ lớn treo cạnh tủ âm tường. Con lắc đồng hồ đung đưa vài lần rồi gõ *bing boong* – điểm hai giờ đúng.

Lúc này cửa vang lên cái *két*, giọng của chị Từ ở trên cầu thang vọng xuống: “Anh về rồi đấy à?”

Người ở cửa đáp, “Về rồi đây. Giáo viên đến chưa?”

Chị Từ nói: “Đã đến từ lâu rồi.”

Sở Vọng nghe thấy người ở cửa nói “sao đến sớm thế?”, lật đật nắm tay Leon đứng dậy, cung kính cúi người chào “chào giáo sư Từ”.

Từ Thiếu Khiêm đưa mắt nhìn lướt qua ba người đứng cạnh sofa, mỉm cười gật đầu coi như chào hỏi. Thấy sắc mặt của Văn Quân, anh híp mắt nhìn lên cầu thang, dịu dàng hỏi: “Em lại hút thuốc hả?”

Sở Vọng cũng nhìn lên: chỉ thấy một người phụ nữ yếu đuối được một bà lão mặc áo vải màu vàng đỡ, chậm rãi đi xuống phòng khách; chị Từ rất gầy, gầy tới nỗi làm bộ sườn xám nhũ kim trên người trở nên rộng rãi, có cảm giác đi trên đường cũng có thể bị gió thổi bay; kiểu sườn xám này đang rất thịnh hành với các thiếu phụ thời bấy giờ, rất tôn lên vóc dáng, song khi chị Từ mặc lại có phần ảm đạm phong sương. Tóc chị bóng nhẫy, vấn thành một búi tóc. Dì Văn đỡ chị run run ngồi xuống sofa gần Sở Vọng, lúc này Sở Vọng mới phát hiện lý do mà chị đi đứng không vững —— bên dưới sườn xám là gót ngọc ba tấc* yêu kiều.

(*Một cách nói chỉ bàn chân bó của phụ nữ Trung Quốc thời xưa.)

Nhưng đây là lần đầu gặp mặt, Sở Vọng chỉ mỉm cười thân thiện với chị chứ không quan sát nhiều. Mà chị Từ lại đưa mắt nhìn cô một lượt từ đầu đến chân: là ánh mắt dịu hiền, mang theo sự tán thưởng của phụ nữ lớn tuổi với cô gái trẻ, thậm chí còn bộc lộ quan tâm chiều chuộng.

Cô không biết mình có nên gọi chị là “cô Từ” không: bởi nhìn bề ngoài thì trông chị chỉ khoảng chừng hơn ba mươi, có lẽ ba mươi lăm ba mươi sáu tuổi gì đó, cảm thấy có khi còn già hơn anh Từ. Cô chỉ biết mỉm cười với chị. Lúc này Từ Thiếu Khiêm đi đến giải vây, vô cùng tự nhiên dựa vào tay vịn trên ghế chị Từ đang ngồi, một tay khoác lên lưng ghế sau lưng cô, trái lại càng khiến chị Từ trông già hơn. Dường như chị Từ cũng nhận ra điều đó, vừa giận vừa nói với mọi người: “Tôi không thích ngồi cạnh anh ấy, vì lúc nào cũng khiến tôi như già đi mười tuổi.”

Lúc này Sở Vọng mới mỉm cười áy náy: “Cô Từ không già, chỉ là trông chững chạc hơn thầy Từ đây thôi.”

Từ Thiếu Khiêm mỉm cười, dịu dàng nói: “Bà xã đang chê anh không giục em già hả?”

Từ Văn Quân chỉ một lòng nghĩ đến giáo viên dạy mình hôm nay, gấp gáp hỏi: “Không phải nói hai giờ cô giáo sẽ đến ạ?”

Chị Từ quay sang nhìn Sở Vọng: “Không phải ở bên kia đó à?”

Lúc này Văn Quân mới ngoái đầu quan sát Sở Vọng lần nữa: tuy cao hơn mình nhưng cũng chỉ cao hơn nửa cái đầu thôi. Nước da trắng nõn, thanh tú hơn các cô gái khác, nhưng trên mặt lại cố ra vẻ già dặn, khiến cậu bất giác nhớ lại người thầy thích thuyết giáo trong trường ngày trước; đôi mắt không to song đen láy, cậu cũng không rõ là đôi mắt ấy không có thần thái hay quá trong suốt nhìn rõ mọi việc.

Văn Quân càng nghi hoặc hơn: “Chị mấy tuổi rồi?”

Sở Vọng không chớp mắt đáp: “Mười sáu.”

Văn Quân há to miệng, đưa mắt nhìn sang anh Từ. Anh Từ chị Từ chỉ mỉm cười nhìn Sở Vọng, không lật tẩy cũng không phê bình, chỉ cười mà thôi.

Văn Quân không nhịn được lại nhìn Sở Vọng: dựa vào bề ngoài, nói cô cùng lứa với cậu cậu cũng tin; nhưng sẽ không một đứa trẻ nào lại có biểu cảm trên gương mặt phúng phính đó cả.

Từ Văn Quân vẫn không tin, dùng tiếng Anh nói với Sở Vọng: “Em là Văn Quân Từ, đến Hương Cảng học tiếng Anh ba tháng.”

Phát âm lên xuống rất trầm bổng, là tiếng Anh kiểu Trung Hoa điển hình.

Sở Vọng cười nói: “Chị tên là Linzy, sẽ dạy em tiếng Anh trước, khoảng ba tháng sau, chúng ta sẽ bắt đầu học tiếng Latinh.”

Trong tông giọng Scotland thỉnh thoảng xen vào một hai phát âm kiểu Mỹ.

Cuối cùng cũng có hai câu mà Leon nghe hiểu. Tiếng mẹ đẻ của cậu là tiếng Bồ Đào Nha, tuy không nói tiếng Anh nhiều, nhưng vì được ông Kiều dạy nên cũng có được giọng anh Luân Đôn: “Mình là Leon, là bạn học của cậu.”

Văn Quân vẫn không quá thiết tha: “Em cứ tưởng sẽ là một giáo viên người Anh.”

Sở Vọng ôn hòa cười nói: “Chị cho rằng quốc gia khác nhau, con người khác nhau, dĩ nhiên sẽ có cách tiếp thu ngôn ngữ khác nhau. Trừ khi học ngoại ngữ ngay lúc còn nhỏ, thì để người Anh bản địa dạy sẽ tốt hơn. Nhưng Văn Quân em không phải là đứa trẻ hai tuổi đúng không?” Nói rồi, cô nhìn sang Leon, “Hơn nữa em còn có một bạn học chung rất tốt đấy.”

Chỉ cần là một đoạn tiếng Anh dài thì Văn Quân sẽ không nghe kịp. Cho nên cả một đoạn trên, cậu chỉ nghe hiểu mơ hồ được câu cuối cùng. Sở Vọng cười hỏi: “Nghe không hiểu đúng không? Thế thì nên khiêm tốn học tập.”

Từ Văn Quân bị cô nói làm cho xấu hổ, sự ngông cuồng vênh váo trên mặt cũng giảm đi bảy tám phần. Ngay trước mặt anh Từ và chị Từ, Sở Vọng chẳng chút sợ sệt, mở bài thi mà nhà họ Từ đã chuẩn bị trước ra, hỏi Từ Văn Quân một hai câu rồi khoan thai giảng bài.

Chị Từ nhìn ba cái đầu ở cạnh bàn trà, không kìm được mỉm cười. Lúc này chị mới gọi dì Văn đến, để bà ra tiệm mua ít trái cây tươi về.

***

Hầu hết các nghiên cứu sinh đều là nửa trợ giảng của các giáo sư. Các giáo sư trăm công nghìn việc, có lúc sẽ không đứng lớp được, đến khi đó sẽ nhờ nghiên cứu sinh giảng bài cho sinh viên. Có khi giáo sư bận suốt một học kỳ, các tiết học trong học kỳ đó đều do cô dạy. Kể từ khi bắt đầu đứng bục giảng, cô mới phát hiện một điều: thực chất đặt ra quy tắc cứ sau 45 phút là nghỉ 15 phút trong lớp là vì các giáo sư cả, để bọn họ và cả cổ họng đều được nghỉ ngơi.

Thời đại này không có loa, cũng không có máy chiếu powerpoint, nên giảng bài cho học sinh sẽ mất sức hơn. Có lẽ Từ Thiếu Khiêm cũng biết điều đó, nên vào lúc đồng hồ chỉ 3 giờ kém 15, anh bảo chị Từ sai dì Văn đi gọi ba đứa nhỏ đến ăn trái cây.

Chị Từ muốn lấy lòng Từ Văn Quân nên cười hỏi: “Cô giáo mới dạy học thế nào?”

Từ Văn Quân đang cắm đầu ăn thanh long, làm như không nghe thấy gì, không chịu trả lời.

Có vẻ chị Từ đã quen với chuyện đó, Từ Thiếu Khiêm ngẩng đầu hỏi dì Văn: “Lại cụt hứng nữa à, đã có chuyện gì vậy?”

Dì Văn kín đáo phê bình: “Buổi trưa cô chủ dẫn cậu ấy đến tiệm cơm ăn hải sản, về đến nhà thì mệt lả người, sợ không chờ được cậu chủ đã ngủ nên mới hút hai hơi, làm cậu Văn Quân ngửi thấy mùi.”

Văn Quân vô cùng tức giận: “Hút hai hơi? Khói lượn khắp phòng, mơ mơ màng màng, sợ người ta không biết biệt thự họ Từ có người hút tẩu thuốc chắc!”

Từ Thiếu Khiêm nhìn Từ Văn Quân, cười lạnh nói: “Thím đưa cháu từ trong nước đến, nhưng có gì bạc đãi cháu không, trái lại còn chiều ra tật xấu. Hử? Chú muốn nghe xem cháu nói gì đây.”

Anh là người xưa nay rất nhã nhặn với người khác, lúc nào trên mặt cũng nở nụ cười, lúc không nói gì lại khiến người ta có cảm giác như gió xuân. Song chưa từng nghĩ, là một người đứng đầu gia đình, Từ Thiếu Khiêm vẫn có sự uy nghiêm cần có.

Văn Quân sửng sốt, dù trong bụng hậm hực tới mấy thì cũng chỉ có thể cúi đầu xuống.

Cả biệt thự chìm trong im ắng, càng khiến người ta cảm thấy lạnh run. Sở Vọng muốn nói gì đó, nhưng không biết phụ nữ trong gia đình cũ mà hút thuốc thì có lỗi lớn thế nào. Có điều cô cũng không có quyền phát biểu, dù gì kiếp trước cô cũng hút thuốc đấy thôi: thức đêm mệt mỏi sẽ hút hai điếu Marlboro Hard, vừa nâng cao tinh thần vui vẻ, vừa có thể làm thần tiên phiêu bồng.

Chị Từ cười kéo áo sơ mi của Từ Thiếu Khiêm, nói: “Không thể trách Văn Quân được. Nói thật, em không quen với biệt thự này: phòng nào cũng như bị nhốt trong hộp bốn bề là đá, chỉ cần trong phòng có tiếng động là chỗ khác đều nghe thấy —— vẫn là nhà cũ một nhà một phủ như trước thoải mái hơn.”

Từ Văn Quân nhìn sắc mặt Từ Thiếu Khiêm, lại nhìn nửa quả thanh long trước mặt, thấp giọng nói: “Mấy hôm trước mới đi với thím ra ngoài xem nhà.”

Từ Thiếu Khiêm thấp giọng *ừ* một tiếng, lúc ngoái đầu hỏi chị Từ, sắc mặt thoáng giãn ra: “Đã nhìn trúng căn nào chưa?”

Chị Từ nghĩ rồi nói: “Ở ngoài đại lộ chính, là căn phòng có nhiều cây cọ ấy. Con đường đó chỉ có tên tiếng Anh nên em không nhớ.”

Từ Văn Quân không ngẩng đầu lên đáp: “Lotus Avenue.”

Từ Thiếu Khiêm ừ một tiếng: “Đó là nhà cũ chưa bị phá dỡ.”

Chị Từ nói: “Em thấy căn nhà đó rất tốt! Sân lớn, có thể cho người trồng hoa cỏ, như vậy sẽ có sinh khí hơn. Đâu giống chỗ này của anh, đến hơi người cũng không có! Người không biết còn tưởng đây là nhà bỏ hoang…” Chị Từ cười với Sở Vọng, nói chuyện lý thú của Từ Thiếu Khiêm: “Lúc ở Quảng Châu, tôi còn nói anh ấy ở Hương Cảng suốt ngày phô trương lãng phí, ăn chơi lu bù, vậy mà vừa tới nơi này ở, trong nhà ngay đến một thứ giống đũa cũng không có, tiếc mớ rau tươi tôi mang từ quê lên quá.”

Sở Vọng nhìn chị Từ, cười nói: “Có lẽ giáo sư Từ bận chuyện ở trường lắm.”

Chị Từ nhìn cô, càng nhìn càng thích, một lúc sau mới sực nhớ ra một chuyện, nói: “À đúng rồi. Còn có một lý do khác em nhìn trúng căn nhà kia nữa: nhà tuy cũ, nhưng trong sân có sân quần vợt mới lắm.” Nói rồi chị nghiêng đầu hỏi Từ Thiếu Khiêm: “Em nhớ thằng bé Văn Dữ chơi quần vợt rất khá đúng không?” Nhận được cái gật đầu của Từ Thiếu Khiêm, chị quay sang cười nói với Sở Vọng, “Đến lúc đó quét dọn sân xong, nếu em có rảnh thì có thể mời bạn học tới chơi, tôi sẽ bảo tụi Văn Dữ dạy các em chơi quần vợt.”

Sở Vọng mỉm cười.

Chương trình học hai tiếng đồng hồ nhanh chóng kết thúc. Cứ tưởng tiền lương sẽ trả theo tháng, nào ngờ chị Từ lại đòi trả công trong ngày cho cô. Sở Vọng âm thầm áng chừng sức nặng, nhưng ngoài mặt vẫn bình tĩnh mỉm cười, cúi gập người chào chị Từ.

Sau khi tiễn Sở Vọng và Leon rời đi, chị Từ cười nói: “Em thích cô bé này.”

Từ Thiếu Khiêm híp mắt: “Ừ, con bé thật sự không tệ, rất thông minh.”

Chị Từ lại hỏi: “Em ấy mười sáu tuổi thật à?”

Từ Thiếu Khiêm cười nói: “Không lớn thế đâu.”


Chị Từ lại bảo: “Em thấy còn nhỏ quá… Có điều con gái bây giờ ai cũng nhỏ. Đã hứa hôn chưa?”

“Nghe nói đã đính hôn rồi.” Từ Thiếu Khiêm cười, nghiêng đầu dịu dàng vén lọn tóc bác rũ xuống bên tai vợ, hỏi: “Sao thế, lại muốn làm mai rồi à?”

Chị Từ thở dài, khoát tay nói: “Nếu chưa hứa hôn thì đúng là rất muốn tìm một nhà tốt cho con bé. Ôi, tiếc quá tiếc quá.”

Rồi chị ngoái đầu suy nghĩ, nói: “Có điều nói ra, mấy cậu cháu trong nhà anh, cũng chỉ có Văn Quân là có tiền đồ, đáng tiếc tuổi còn nhỏ. Mấy người khác, em thấy cũng bình thường, không xứng với con gái người ta.”

Từ Thiếu Khiêm ôm chị vào lòng, thấp giọng nói: “Không phải lúc em gả cho anh cũng lớn hơn anh ba tuổi sao? Lúc mới gặp anh còn ra vẻ người lớn, vênh mặt hất cằm sai khiến kia mà.”

Chị Từ lườm anh: “Lúc gả cho anh? Bây giờ hả, càng lúc càng già.”

“Bây giờ càng lúc càng trẻ con, không khác gì con gái anh cả.”

Nghe thấy hai chữ “con gái”, chị Từ chợt nhớ đến cái thai bị sảy, cảm thấy đau buồn. Dĩ nhiên Từ Thiếu Khiêm biết chị nghĩ gì, càng ôm chị chặt hơn, cúi đầu hôn lên đỉnh đầu chị, thấp giọng nói: “Không có con thì có sao đâu? Anh sẽ không vì thế mà bớt yêu em, em vẫn mãi là người vợ duy nhất anh cưới hỏi đàng hoàng trong cuộc đời…”

“Anh không hiểu đâu.” Chị Từ cắn răng đẩy anh nhưng lại đẩy không được, một giọt nước mắt lăn dài trên má.

***

Khi xe buýt công cộng cách nhà còn một chặng, Sở Vọng lập tức lắc chuông trước, cùng Leon xuống xe.

Ở ngã rẽ vào góc đường Bá Tước có một hàng các cây cọ cao to, bên dưới là những bụi hoa hồng kỳ lạ. Đang là mùa hè nên từng đóa hồng nở rộ, cao hơn cả đầu, vừa hay che khuất hai người.

Sở Vọng xuống xe trước, đi đén đứng dưới bụi hoa kia. Leon đi theo sau, cô thấp giọng hỏi: “Hôm nay học Anh văn thế nào?”

Leon nói: “Chị dạy hay lắm! Em nghe hiểu rõ hết!”

Sở Vọng lắc đầu, nói: “Là cô giáo chứ không phải chị. Về nhà rồi, dù là chị Chân Chân, bác Kiều hay là mẹ của Leon hỏi giáo viên dạy tiếng Anh là ai, Leon cũng không được nói là chị dạy. Nếu để người khác biết, không chỉ chị mất việc, mà Leon cũng không thể đi học tiếng Anh và Latinh tiếp nữa đâu.”

Leon nửa hiểu nửa không gật đầu.

Sở Vọng ngẩng đầu nghĩ ngợi, lại nói: “Nếu có ai hỏi em, em cứ bảo giáo viên kia là người Mỹ, lớn lên ở Scotland. Còn nếu hỏi họ gì, thì em cứ nói là…”

“Thomson. Hồi trước em có một giáo viên tên là Thomson.” Leon đáp.

Sở Vọng cười gật đầu, “Được. Giờ ví dụ chị là chị Chân Chân, chị hỏi em: giáo viên dạy tiếng Anh kia như thế nào? Là người nước nào? Có dạy hay như cô Mary không?”

“Tốc độ nói của giáo viên dạy tiếng Anh rất nhanh, dạy rất rõ ràng. Là người Mỹ lớn lên ở Scotland, trẻ tuổi hơn cô Mary.”

Sở Vọng cúi đầu nghĩ, rồi lại hỏi: “Còn nếu chị Chân Chân hỏi: lúc em học tiếng Anh, chị Sở Vọng đang làm gì? Thì em trả lời thế nào?”

Leon nói: “Giáo sư Từ dạy chị Sở Vọng học tiếng Anh.”

Sau khi bàn bạc xong, cả hai chậm rãi đi về nhà. Đến sáu giờ, nắng chiều buông, những ngọn đèn trong biệt thự cũng dần sáng lên. Mở cửa sắt ở ngoài vườn hoa ra, bước lên bậc thềm, từ xa đã thấy Tiết Chân Chân mặc áo dài màu trắng, ngồi trên bàn đu đu tới đu lui. Thấy hai người cô về thì vội nhảy xuống bàn đu, rảo bước đi đến trước mặt, ngăn đón ở trên bậc thềm.

Leon ngẩng đầu, thấp giọng gọi chị Chân Chân, trong đầu nhẩm một hồi lời thoại. Có điều Chân Chân không hỏi gì, chỉ nhìn Sở Vọng từ đầu tới chân một lượt, mũi hừ một tiếng, nói: “Sinh viên tài cao về rồi kìa.”

Sở Vọng mỉm cười: “Tiết đại tiểu thư đợi chúng em lâu rồi hả.”

“Ai muốn đợi em?” Tiết Chân Chân bĩu môi, “Chỉ là không có em, chị cũng không muốn chung nhà với chị em mắt to trừng mắt nhỏ, nên mới ra ngoài cho yên tĩnh.”

Sở Vọng vẫn cười nói: “Thì cũng là chờ em còn gì.”

Tiết Chân Chân xì cô, nói: “Ai thèm chờ em?” Rồi một lúc sau, cô nàng ngước mắt lên nhìn cô: “Có giáo sư khoa Vật lý tán thưởng em, em vui lắm chứ gì. Đỡ cho bà chị ‘mèo khen mèo dài đuôi’ kia của em suốt ngày không đặt em vào trong mắt.”

Thấy Sở Vọng không đáp mà chỉ cười tít mắt nhìn mình, Tiết Chân Chân nhíu mày nói: “Hồi trước ở trong phòng em nói gì mà kỳ phùng địch thủ đó, không tính em nhé, chỉ có hiệu lực với chị của em thôi.”

Sở Vọng nghiêng đầu mỉm cười, “Em xúc động rồi đây, làm sao bây giờ?”

Tiết Chân Chân trợn mắt, cười nói: “Em mời Tạ Di Nhã uống cà phê Chim Xanh bao nhiêu lần thì cũng phải mời chị uống bấy nhiêu lần, nếu không chị sẽ không tha cho em tội vứt bỏ chiến hữu."
 

MUALARUNG91

Tác giả
Sưu tầm
Tham gia
25/8/19
Bài viết
4,780
Điểm cảm xúc
577
Điểm
113
Chương 33: Nhà họ Từ và san tennis (3)
Sau khi chính thức gửi thư báo trúng tuyển đại học dự bị ngành Vật lý đại học Hương Cảng, trong lịch trình hằng ngày của Sở Vọng đã gạch bỏ đi dòng “trường nữ sinh tư thục Hương Cảng”, dù là vậy thì cũng không được nhẹ nhàng bao nhiêu. Một tuần đến phố Hoa Viên ở Vượng Giác bốn lần, đến Du Ma Địa ba lần, Chủ nhật lại còn bị Tạ Di Nhã kéo tham gia dàn hợp xướng cho bằng được. Danh tiếng của ngài Saumur đã lan rộng khắp đất Cảng, các bà các cô tìm đến ông may lễ phục cũng nhiều lên, đơn đặt hàng kín đến cuối năm. Ngài Saumur lại cố chấp, nói gì cũng không chịu mời thợ giúp, ông như cho rằng người ngoài luôn không bằng người mình dốc lòng bồi dưỡng. Sở Vọng nơm nớp lo sợ nghe, cũng vì thế nên thỉnh thoảng dành thời gian đến Du Ma Địa hai chuyến.

Bởi vì sự hào phóng của chị Từ và ngài Saumur, nên sau một thời gian bận rộn, tài sản của Sở Vọng cũng dần dần nhiều lên, bất tri bất giác sắp được 200 đồng. Bạc nặng trịch, sờ vào khiến người ta có cảm giác an toàn hơn so với tiền giấy ở đời sau.

Hiện tại, một chiếc xe Ford trị giá 8.000 đồng, một căn nhà ở tô giới của Pháp tốn 2.000 đồng…

Nghĩ đến đây, ngày hôm sau cô lập tức gọi điện cho Từ Thiếu Khiêm. Không vì gì khác, mà chỉ muốn hỏi xem bao giờ thì cô chính thức nhập học.

Tiếp tuyến viên hôm nay là một cô gái, dường như nghe thấy giọng con nít nên dịu dàng nở nụ cười, chuyển điện thoại giúp cô.

Điện thoại được chuyển, cô vừa “alo” một tiếng thì Từ Thiếu Khiêm bật cười, như thể đã thương lượng với cô gái tiếp tuyến viên vậy.

“Em gọi điện thoại buồn cười vậy à?” Sở Vọng hỏi với vẻ bất đắc dĩ.

“… Không phải. Chỉ là đôi lúc lo em với không tới ống nghe ở bốt điện thoại.”

“…”

“Ba giờ chiều ngày mai, có rảnh để đến nhà số 3 đại lộ Lotus một chuyến không? Năm đầu tiên học mấy môn cơ bản, tôi sẽ lấy thêm vào sách giáo khoa cho em, một tuần trước lễ Nô-en, em sẽ cùng các sinh viên năm nhất tham gia kỳ thi. Nếu đậu thì có thể trực tiếp vào học chương trình năm nhất. Có điều kỳ này đã thi ba môn rồi, nên sang năm em phải thi nhiều hơn người khác ba môn, sẽ vất vả đấy, như thế có chịu được không?”

“… Nếu rảnh thì được.”

“Ừ, tôi cũng cho rằng đây không phải là vấn đề lớn với em. Vợ tôi cũng nhớ em rồi, chiều mai gặp nhé.”

***

Ngày hôm sau, phong thư ở Anh đã đến.

Không có tuyến xe tốc hành đến đại lộ Lotus, nên khi đổi chuyến xe buýt ở Du Ma Địa, cô chợt nghĩ đến gì đó, nhân tiện nhìn thoáng qua hộp thư ngoài tiệm may, lập tức nhìn thấy bức thư đóng đầy dấu bưu điện.

Xe vẫn chưa tới, cô bưng ghế dựa ngồi cạnh bà Nguyễn đọc thư.

Bà Nguyễn mỉm cười, “Tình yêu tuổi trẻ đúng là làm người khác hâm mộ.”

Sở Vọng lè lưỡi, dựa lưng vào bà Nguyễn đọc thư dưới ánh nắng.

Mong em Sở Vọng đọc được thư này,

Và lúc đọc thư, mọi điều vẫn bình an tốt đẹp.

Sau khi đến Anh, chuyệnăn uống sinh hoạttrở nên rất gò bó. Có điềuẩm thực khá ngon, toàn là chân giò hun khói, pho mát, khoai tây, trứng gà và bánh mì, cứ như bọn họ coi sinh viên là gia súc mà nuôi. Sợít hôm nữa sẽ béo mất, phải tìm ngày đi tham gia lao động với các sinh viên học viện quân sự mới được, quả thật khổ vô cùng. Điều thú vị nhất chính là: Đây là ngôi trường tư nhân nhưng lại muốn gọi là trường công, tiếng Anh là ‘public school’, như thể đang xích mích với ai vậy.

Trời rất hay đổ mưa, hễ một ngày trờiâm u thì suốt cả tháng sẽ không có nắng. Tuy trời như vậy, nhưng không đến mức lạnh căm nhưở Berlin. Bị nhốt trong những pháo đài cao tường cổ kính, cả tháng trời không được ra ngoài, con người cũng trở nên bức bối nặng nề, chỉ mong không dọa em.

Viết thư xong từ lâu rồi, nhưng vì không được tự do nên không gửiđi được, đến lúc gửiđi thì đã qua nửa tháng Tư.

Lần sau viết thưgửi đến em, chỉ sợ là chuyện của mấy tháng sau.

Nay hơi vội vã, mong em chớ trách.


Ngôn Tang

28.04

Năm dân quốc thứ 15 tại Luân Đôn.


Sở Vọng vừa đọc thư vừa cười, đột nhiên bà Nguyễn vỗ cô gọi to, “Xe đến rồi kìa!”

Cô vội nhét thư vào trong cặp sách, ôm lấy bó hoa lan hồ điệp dành để chúc mừng anh Từ chị Từ chuyển nhà mới, rồi cuống quýt đứng dậy chạy sang đối diện, nhảy lên xe buýt đến quận Thuyên Loan. Cô định sẽ viết thư ở trên xe, vì ôm hoa nên phải ngậm vé xe màu đỏ trong miệng, đưa hai tay sờ túi tiền. Nhưng phát hiện vì đi vội quá nên quên đem theo bút, cô buồn bã tựa đầu vào cửa kính trên xe, nhìn xe buýt nảy lên nảy xuống trên con đường trải nhựa, thỉnh thoảng thấp thoáng triền núi đỏ vàng – là những phong cảnh bình thường xem chán.

Cuối mùa hè, ánh nắng vùng nhiệt đới vẫn chan hòa ấm áp. Cộng thêm giảm xóc trên xe buýt không tốt, đi trên đường núi nhấp nhô lên xuống, Sở Vọng dễ dàng thiếp ngủ. Nếu không phải trên xe cũng có một hành khách xuống tại đại lộ Liên Hoa thì e là cô đã ngủ quên rồi.

Nghe thấy tiếng lắc chuông, cô ngẩng phắt đầu lên, xe đang dừng lại ngoài cửa căn nhà số 3 ở đại lộ Liên Hoa. Cô ôm hoa vội đứng dậy xuống xe, chợt trông thấy một người khá quen mặt. Người nọ cũng đứng dưới bóng cây đằng xa nhìn cô, đợi đến gần cô mới xác nhận, người này chính là Diệp Văn Dữ.

Khi cô nhận ra người ta thì Diệp Văn Dữ cũng có vẻ mặt như bừng tỉnh, cười nói, “Vừa nãy lên xe, anh có cảm giác quen quen, nhưng vì bó hoa che khuất mặt em nên lúc nãy không dám đi đến chào hỏi.”

Sở Vọng cũng cười nói: “Thế thì vinh hạnh quá, em còn tưởng trên đời này ngoài chị em ra, không ai có thể khiến cậu Diệp nhớ kỹ mặt mũi.”

“Ôi, em gái này…” Diệp Văn Dữ bị cô nói thế thì lúng túng, một lúc sau mới đuổi theo.

“Em làm sao cơ?”

Sở Vọng ôm hoa xoay sang phải, đúng lúc nghe thấy anh Từ ở trong sân lên tiếng: “Sao lại cùng đến đây?”

Diệp Văn Dữ người cao chân dài, chỉ hai ba bước đã vượt qua Sở Vọng đi vào trong sân, cười nói: “Vừa tình cờ gặp nhau nãy ở trên xe buýt… Chú út, học trò mới của chú miệng mồm thật đấy.”

Sở Vọng ôm hoa cúi chào anh Từ, hỏi, “Giáo sư Từ, cô đâu ạ?”

Diệp Văn Dữ nói: “Chú xem, còn chưa làm học trò chính thức mà đã gọi ‘cô’ rồi.”

Có một hàng bàn ghế trúc được đặt trong sân, Từ Thiếu Khiêm cầm một bình tưới tưới một lượt lên bề mặt, rồi anh ngẩng đầu nhìn vào nhà giữa, nói: “Cô ấy đang ở trong nhà…”

Thấy Sở Vọng ôm hoa đi tới, Từ Thiếu Khiêm bật cười, nói: “Em lại đây, trong nhà vẫn còn mùi, đợi ở ngoài sân một lát đi đã. Đợi cô ấy hút thuốc xong đã.”

Nghe thấy Từ Thiếu Khiêm nói thế, cô vội vã lùi lại. Vừa nãy cô thoáng thấy một người nằm nghiêng trên giường ở góc sáng, như lạc trong mây mù, đúng là chị Từ rồi. Sở Vọng chợt cảm thấy may vì ngày đầu khi mình đến biệt thự nhà họ Từ, không nói mấy câu như “thật ra hút thuốc cũng không xấu lắm” hay “đợi mấy năm nữa tôi cũng sẽ hút hai điếu có khi”: thì ra thuốc này không phải là thuốc kia, mà là thuốc phiện.

Tuy trước đây cô từng đến một quán cà phê có vẽ lá thuốc phiện trên biển hiệu, cũng từng thấy bạn bè ăn bánh cần sa, nhưng bản thân chưa thử bao giờ. Dù cần sa có gây nghiện hay gây phê thì cũng không thể so được với thuốc phiện, cho nên khi chính mặt thấy chị Từ hút nha phiến, cô thật sự kích động.

Diệp Văn Dữ và Từ Thiếu Khiêm lại như quá quen với chuyện này, đứng ngoài nắng trò chuyện.

Diệp Văn Dữ hỏi: “Sao không thấy Văn Quân đâu thế ạ?”

“Không quen ở nhà cũ nên không muốn tới.”

“Cháu thấy căn nhà này rất thú vị, tuy có cũ, nhưng người lớn Trung Quốc vẫn rất coi trọng.” Diệp Văn Dữ ngoài miệng nói thích, song cái cụm “người Trung Quốc” đã tạo rào chắn giữa anh ta và căn nhà. Anh ta đánh giá cây cối trong vườn, tò mò hỏi, “Chú phun cái gì lên mấy cái ghế này vậy?”

“Thuốc diệt côn trùng. Mấy thứ đồ gỗ này để lâu rồi, ẩm ướt, dễ sinh côn trùng.”

“Mua ở cửa hiệu Tây?”

“Tự chế trong phòng thí nghiệm.” Từ Thiếu Khiêm ngẩng đầu lên, thấy Sở Vọng đang đứng dưới hiên, ôm bó lan hồ điệp cao hơn cô nửa cái đầu, bèn nói với cô, “Đứng đó làm gì, qua đây phơi nắng đi.”

Diệp Văn Dữ nói: “Con gái Giang Nam sợ phơi nắng lắm đấy, sợ đen.”

“Ồ? Vậy thì nếu lát nữa phơi nắng nhiều thì càng đen mất.”

“Em sợ làm hoa héo thôi, để em đi chào cô trước đã.” Sở Vọng cười nói.

“Đưa hoa cho tôi là được mà, vì sao cứ nhất thiết phải là cô?” Từ Thiếu Khiêm hỏi.

“Khác chứ.” Sở Vọng lắc đầu, dù nói gì cũng không chịu tặng hoa cho anh.

Từ Thiếu Khiêm mỉm cười, híp mắt nói, “Làm như tôi ăn mất hoa vậy.”

Lúc này, chị Từ ở trong nhà khàn giọng nói: “Mấy bụi hoa ngoài nhà anh, ngày trước mọc rất cao… Đừng tưởng em không biết, anh ở đây ba năm, cỏ dại mọc cao ba năm mét, che lấp cả hoa. Còn không phải là anh ăn mất hoa rồi sao?” Chị ho hai tiếng, khạc đờm vào trong ống nhổ, thấy Sở Vọng ôm hoa định vào thì vội nói: “Cô bé đừng vào, đợi trong nhà hết mùi đã… Dì Văn, mau dìu tôi ra ngoài đi!”

Dì Văn cầm cốc trà đến cho chị súc miệng, tiện đỡ chị đi ra ghế ngồi dưới mái hiên. Lúc này chị mới vẫy tay với Sở Vọng, cười tít mắt: “Dì Văn, tìm chiếc bình sứ trắng ngày trước chuyển nhà lại đây, cắm hoa vào, đặt trên bệ cửa sổ phòng tôi. Cô bé lại đây, nói chuyện với tôi một lúc nào.”

Sở Vọng giao hoa cho dì Văn rồi ngồi xuống cạnh chị Từ.

Chị Từ hỏi: “Em và Văn Dữ đi chung chuyến xe đến đây à?”

“Chỉ là trùng hợp gặp nhau trên xe thôi.”

Chị Từ à một tiếng, nói, “Đã cho người dọn dẹp sân quần vợt ở sau nhà rồi, mới tinh luôn. Trước đó muốn gọi em đến chơi quần vợt, nhưng lần nào cũng bị từ chối. Thằng bé Văn Quân không được hoạt bát, nên tôi gọi Văn Dữ đến chơi với em.” Chị cười kéo tay Sở Vọng, nháy mắt nói, “Tôi và Văn Quân đều biết em là học trò mới của anh nhà tôi, cậu em trai của em cũng đang học chung tiếng Anh với Văn Quân.”

Sở Vọng ngẩn người, nói, “Cám… cám ơn cô ạ.”

Chị Từ nói: “Sân nhà này mới sửa xong, anh nhà cũng không muốn về ở, thiếu hơi người. Nếu em muốn thì cứ dẫn bạn đến đây chơi quần vợt.”

Sở Vọng gật đầu, “Nhất định em sẽ thường xuyên tới.”

Lúc này chị Từ mới mỉm cười: “Để tôi gọi Văn Dữ dẫn em đi xem sân quần vợt nhé?” Không đợi Sở Vọng lên tiếng, chị đã gọi Văn Dữ tới: “Cậu dẫn bé Lâm đi xem sân sau đi.”

Diệp Văn Dữ vâng dạ. Tuy Sở Vọng không tình nguyện lắm, nhưng không thể từ chối thịnh tình của chị Từ, đành kiên trì đi theo Diệp Văn Dữ ra sân sau.

Đi đến nơi khuất tầm mắt của chị Từ và anh Từ, hai người dừng bước, nhìn nhau không nói gì, lặng ngắt như tờ, vô cùng xấu hổ.

Sở Vọng phá vỡ im lặng trước: “Cô Từ muốn ghép cặp đũa lệch à?”

“Có lẽ là thế. Thím tôi thích làm mai cho người trẻ lắm.”

Cô nhìn trời, “Lát nữa anh nhớ giải thích rõ ràng với cô Từ đấy.”

“Em bảo anh giải thích thế nào hả?” Diệp Văn Dữ nhìn sân tennis, cười nói, “Chi bằng em thuận theo ý thím, đến đánh tennis một lúc đi, thím nhìn là tự biết.”

Sở Vọng không kìm được mỉm cười, nói, “Không phải là muốn bảo em gọi chị tới, để anh có cơ hội chơi tennis với chị ấy chứ? Toan tính này của anh hay thật đấy.”

Diệp Văn Dữ cười ha ha gãi tóc.

Sở Vọng chợt nhớ đến gì đó, hỏi: “Chị em đã đính hôn rồi, không phải anh không biết đấy chứ?”

Diệp Văn Dữ ngẩn người, “Anh biết.”

“Vậy vì sao anh vẫn theo đuổi chị ấy?”

“Cô ấy nói hôn sự ấy chỉ là trên danh nghĩa, sau này khó mà thành… Nên anh mới…”

Sở Vọng cau mày: “Chị ấy nói với anh như vậy à?”

Diệp Văn Dữ gật đầu.

“Nguyên văn?”

“Cỡ tám chín phần mười? Cô ấy nói chuyện rất vòng vo, anh cũng chỉ nghe hiểu được tám chín phần, nhưng đại để là có ý như vậy.”

Sở Vọng hừ một tiếng, nói: “Anh có nhiều cơ hội nói chuyện với chị ấy như vậy mà lại không mời đi chơi tennis với anh à, vì sao lại phải nhờ đến nhờ em?”

“Cô ấy… cô ấy không chịu để ý đến anh.” Diệp Văn Dữ do dự, không biết có nên nói ra không. Một hồi sau, anh vẫn nói: “Cô ấy nói mình có ý trung nhân rồi.”

Sở Vọng *à* một tiếng, “Thì ra là anh thất tình.”

“Anh có nghe ngóng mà không được gì, cũng nghĩ liệu có khi nào người đó không tồn tại không.” Diệp Văn Dữ thở dài, “Em có biết là ai không?”

“Không biết.”

“Vậy em mời cô ấy đến chơi tennis hộ anh được không?”

Sở Vọng ngẩng đầu nhìn Diệp Văn Dữ. Chỉ thấy anh nhìn mình cười lấy lòng như chú cún to lớn, chỉ thiếu điều vẫy đuôi mừng chủ.

Thế là cô gật đầu: “Được, em sẽ rủ chị ấy giúp anh, có điều đến lúc đó, em không chỉ mời một mình chị ấy đâu.”

Hai người đứng ở sân sau nói chuyện một lúc coi như làm cho có, một lát sau lại cười nói đi ra sân trước. Từ Thiếu Khiêm đã dọn dẹp bàn ghế xong, đang cầm chai thuốc sát trùng tự chế giành công với vợ. Thấy hai người đến, anh bảo Sở Vọng đợi đã rồi đi vào nhà ôm một chồng tập sách đi ra.

Cô lật nhìn: Vật lý cơ bản, Toán học cơ bản, Mạch cơ bản, Sóng âm học cơ bản… Tất cả đều là những đầu sách cơ bản.

Chị Từ khiển trách: “Đợi ăn tối xong rồi anh hẵng lấy cũng được mà, giờ cứ như muốn đuổi người ta đi vậy.”

Sở Vọng ôm sách, cười nói: “Trong nhà em rất nghiêm, nếu không nói trước thì cần phải về nhà ăn tối đúng giờ.”

“Vậy em gọi điện về nhà báo đi?” Chị Từ ngẫm nghĩ, lúc này mới hối hận chợt nói: “Ôi, giờ vẫn chưa kéo điện thoại đến đây.”

Từ Thiếu Khiêm cười nói: “Thế để ngày khác ăn vậy.”

Chị Từ trợn mắt nhìn anh, rồi lại quay sang nói với Diệp Văn Dữ: “Hay hai đứa đi về cùng nhau nhé?”

Diệp Văn Dữ đáp: “Cháu ở lại ăn cơm với chú thím.”

Sở Vọng mỉm cười.

Chị Từ cắn răng nói: “Ít nhất cháu cũng phải đưa người ta ra trạm xe chứ.”

Diệp Văn Dữ đáp vâng rồi nhìn sang Sở Vọng. Sở Vọng nén cười đến nội thương, nháy mắt với anh ta, cám ơn giáo sư Từ và chị Từ xong thì đi cùng Diệp Văn Dữ ra ngoài. Cô tháo cặp sách xuống, dè dặt rút lá thư ra rồi đặt đống sách vào trong cặp, cuối cùng đặt thư ở ngoài cùng, nhưng không để ý có một tấm ảnh rớt ra khỏi thư.

Thị lực của chị Từ không tốt, chỉ nhìn theo bóng lưng đôi trai gái mà hỏi: “Cũng xứng đôi đấy chứ?”

Một chiếc xe buýt chạy ầm ầm đến, Từ Thiếu Khiêm gọi cô nhưng hai người không nghe thấy.

“… Cái con bé vứt bừa bãi này.”

Anh cúi đầu nhặt tấm ảnh lên. Tuy trong vô thức, nhưng tình cờ thấy được bài thơ ngắn viết bằng tiếng Anh ở mặt sau.

Là một bài thơ tình.

Ở mặt khác là một chàng trai cùng bạn bè đứng giữa phòng ăn rộng lớn, tay cầm chiếc hamburger to đùng, nở nụ cười há miệng chuẩn bị ăn.

Anh cầm tấm ảnh trong tay, Diệp Văn Dữ ở đối diện đang đút tay vào túi quay về. Nhớ lại lời của chị Từ, anh cười lắc đầu: “Có lẽ cũng không xứng đôi đâu.”

__

*Qin: Mai mình bận nên không có chương mới nhé.
 

MUALARUNG91

Tác giả
Sưu tầm
Tham gia
25/8/19
Bài viết
4,780
Điểm cảm xúc
577
Điểm
113
Chương 34: Nhà họ Từ và san tennis (4)
Kính gửi anh Ngôn Tang,

Gần đây hay nghe người ta nói “ăn thứ gì thì sẽ giống thứ đó”, tuy cảm thấy không đáng tin lắm nhưng lại rất đáng yêu. Ăn khoai tây giống khoai tây, ăn trứng gà giống trứng gà, ăn bánh mì sẽ giống bánh mì… Đợi đến lúc gặp anh, chỉ cần thấy ai trông giống khoai tây, trứng gà, bánh mì hay phô mai, thì chắc chắn đó chính là anh rồi.

Mà dù vậy, có mập cũng không sao.

Gần đây bạn trên lớp rất thích chuyện ma đăng trên báo, một nhóm năm ba người thường xuyên tụ tập lại với nhau, có lúc nghe thú vị, cũng bình tĩnh tham gia câu chuyện. Thi thoảng còn dọa mọi người bỏ chạy tứ phía, vì thế mà được đặt mỹ danh là “Viên Mai* đường Hillwood”.

(*Viên Mai là tác giả của tác phẩm “Tử Bất Ngữ” – được xem là tiểu thuyết chí quái chí dị đặc sắc của văn học cổ Trung Hoa.)

Cho nên, anh Ngôn Tang à, có lẽ anh cũng sẽ bị Viên Mai đường Hillwood dọa sợ đấy.

Hương Cảng đang vào thu, ánh nắng dồi dào, nhưng không dám phơi nắng nhiều, vì sợ nếu đứng cùng anh sẽ biến thành Hắc Bạch Vô Thường, trông buồn cười lắm.

Cầu chúc anh yên bình

Ngày hai mươi chín tháng chín năm dân quốc thứ mười lăm

Sở Vọng.


***


Gần đây vì mấy cuốn “Tạp chí Đông Phương” từ Thượng Hải đưa đến có đăng tải tiểu thuyết chí quái, nên các cô gái trong dàn hợp xướng vô cùng đoàn kết. Kết thúc buổi lễ, bọn họ nắm tay nhau đi xe đến rạp chiếu bóng, tiệm sách hoặc quán cà phê: để kể nhau nghe chuyện ma.

Sau khi nghe xong, cô cảm thấy không có gì hay cả. Đối với Sở Vọng sinh ra ở thời đại bùng nổ thông tin mà nói, những câu chuyện này thật sự quá gượng. Thỉnh thoảng nổi hứng thú, cô lại xắn tay áo lên, kể cho bọn họ nghe vài mẩu chuyện cô cảm thấy thú vị:

Một là, ở trong ký túc xá nào đó có một cô gái bỗng dưng chết. Học sinh mới vào học, phát hiện không thể mở cánh cửa ký túc xá đó được, bèn nhìn vào trong qua lỗ khóa. Không có gì ngoài một mảng đỏ. Mọi người khó hiểu hồ nghi. Đi hỏi sinh viên khóa trên, người ta trả lời: Trước khi chết, cô gái đó đã chất chứa rất nhiều oán hận, nên con ngươi có màu đỏ.

Chuyện thứ hai là, hàng xóm một cô gái độc thân nào đó chết trong nhà. Vào ngày hàng xóm chết, cô ấy gặp một người xa lạ rời khỏi nhà hàng xóm, nhưng cũng không nghĩ nhiều. Hai hôm sau, cảnh sát đến hỏi: Có nhớ rõ tướng mạo của người đàn ông khả nghi hôm đó không? Cô ấy đáp: Không nhớ rõ lắm. Sau đó cảnh sát rời đi. Hai hôm sau, hung thủ bị bắt, trên báo đăng ảnh của thủ phạm, chính là người cảnh sát ngày đó tới hỏi.

Hai câu chuyện trên đã dọa các cô gái sợ hãi ré ầm lên, cũng vì thế mà Sở Vọng trở nên nổi tiếng. Ngoài miệng các cô gái nói: “Lần sau không chơi chung với Sở Vọng nữa, nhớ đến cậu ấy là lại nhớ hai câu chuyện kia.” Nhưng một tuần sau bọn họ đã quên khuấy lời thề đó, buổi lễ vừa kết thúc lại kéo Sở Vọng tới, nhao nhao bày tỏ muốn “mời cô uống cà phê” và “nghe cô kể chuyện”.

Sắp đến lễ Tạ Ơn, có không ít cô gái bàn nhau sẽ đến vịnh Nước Cạn, hoặc tới đảo nhỏ bên cạnh chơi. Nhưng phần lớn bọn họ toàn là đại tiểu thư không cần lo cơm ăn áo mặc, nên không có nhiều kinh nghiệm về việc đi du lịch xa, thế là chuyện này đành tạm gác lại, nhưng vẫn lẩm bẩm muốn đến chỗ này chỗ nọ chơi.

Di Nhã và Chân Chân là hai thủ lĩnh của hai phe trong lớp, nhưng gần đây vì Sở Vọng nên cũng hòa thuận ngồi chung với nhau. Cãi nhau còn tốt, đáng sợ nhất là khi hai người không nói gì, đứng xa xa, làm mọi người có thể cảm nhận được áp suất thấp vô hình giữa họ.

Trong trường hợp bình thường, giữa bọn họ chỉ cách một Sở Vọng.

Một hôm nào đó khi các cô gái đang bàn nhau xem nên đi đâu, chợt có người hỏi Sở Vọng: “Viên Mai đường Hillwood hiểu biết rộng rãi có đề xuất nơi nào không?”

Cô nghĩ ngợi rồi nói, “Diệp Văn Dữ có nhờ mình rủ chị đến nhà chú của anh ta đánh tennis.”

Tiết Chân Chân nhìn cô, “Anh ta mời chị em thì bọn này đi làm gì, làm nền cho họ à.”

“Không phải cô ta không thích người Nam Dương* đó à, sao lại chịu đi?” Có người hỏi.

(*Nam Dương là tên do người Trung Hoa đặt cho một vùng địa lý nằm phía Nam Trung Hoa, đặc biệt là vùng Đông Nam Á, hiện nay có nghĩa thông dụng ám chỉ cộng đồng Hoa kiều sống ở Đông Nam Á, cụ thể là ở Việt Nam, Singapore, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.)

Sở Vọng cười, “Các cậu vẫn không hiểu chị mình rồi.”

Di Nhã cười nói: “Mình đoán nếu như Tiết đại tiểu thư đi, thì kiểu gì Lâm nhị tiểu thư cũng đi thôi.”

Tiết Chân Chân giễu cợt, “Tôi chẳng thèm đi phá đám chuyện tốt của người ta đâu.”

Di Nhã nháy mắt, dẫn dắt từng bước: “Chúng ta có phá đám gì đâu? Rõ ràng là đi xem kịch vui, sao có thể không đi.”

Chân Chân nói: “Nếu cô ta đi thật, vậy thì tôi phải mau chóng đến xem mặt của tài nữ tiểu thư có dày như cuốn từ điển Vĩnh Lạc không.”

Có lẽ không ai hiểu được lý do Chân Chân và Doãn Yên đồng ý đến chơi tennis, có điều quan hệ nhân quả thì lại rất rõ.

Sở Vọng lại rất nghiêm túc, âm thầm dùng danh nghĩa của Diệp Văn Dữ mời Doãn Yên, có điều cũng bị cô nàng từ chối thẳng mặt. Nhưng sau khi lộ ra tin Tiết Chân Chân cũng muốn đi đánh tennis, Doãn Yên lại rất đúng lúc xuất hiện ở trạm xe buýt quận Thuyên Loan vào ngày hẹn.

Đối với chuyện chị gái mình nhất định sẽ đi chơi tennis, cô chưa bao giờ mang thái độ hoài nghi.

Chín cô gái lúng túng lên xe buýt, mặc váy tennis, đi tất trắng và giày vải. Đã bắt đầu vào đông, cho nên nếu ở ngoài thì bọn họ sẽ mặc áo khoác hoặc áo gió, trái lại khá thu hút ánh nhìn của người khác. Mà người thu hút nhất chính là Doãn Yên: Cô nàng thực sự rất muốn nổi bật nên đã mặc váy dài tay màu hồng nhạt có kiểu dáng từa tựa sườn xám, bên dưới phối một đôi giày da đen. Trong tay cô không có gì, chỉ có một tập nguyên tác “Giông tố” của Shakespeare. Ăn mặc như thế, thật sự rất giống bông sen trong hồ nước xanh, vô cùng xuất chúng.

Có cô gái cười hỏi cô: “Lâm nhị tiểu thư muốn đến thư viện Thuyên Loan đấy à?”

Doãn Yên chỉ cười không đáp.

Một lúc sau, cô nàng cầm sách theo mọi người xuống xe ở đại lộ Lotus. Một cô gái vừa rồi cười hỏi: “Không phải nghe nói cậu từ chối lời mời chơi tennis của Diệp Văn Dữ à?”

“Tuy người tôi không thoải mái lắm, có điều người ta cứ năm lần bảy lượt mời tôi, từ chối mãi cũng không hay. Nên tuy chúng ta đến đây, nhưng tôi sẽ không chơi.” Nói rồi cô nàng mỉm cười, “Tôi nhìn các cậu chơi là được rồi.”

Chân Chân liếc mắt nhìn, “Hôm nay cô ta lại giở trò này à?”

Di Nhã dựa đến gần, chậc chậc thở dài: “Kế hay.”

Chân Chân có vẻ không hiểu được sự huyền diệu trong đó, nhưng cũng quyết định không chịu hạ mình xin người ngoài chỉ giáo, tự nghi ngờ một hồi, chốc chốc lại nhìn sang Doãn Yên, có điều vẫn không nhìn ra được gì.

Sở Vọng cảm thấy buồn cười.

Diệp Văn Dữ nghe nói Sở Vọng “không chỉ mời một mình Doãn Yên” nên cũng rủ thêm hai cậu bạn trong đội tennis đến. Tưởng ngoài Doãn Yên ra, cùng lắm Sở Vọng chỉ mời hai ba người, nào ngờ vừa đến lại thấy hẳn chín người. Vì chín cô gái này đều có chỗ xuất sắc riêng, khiến hai anh chàng cầu thủ tennis kia mở cờ trong bụng.

Tuy chị Từ thích sôi nổi, nhưng cảm giác vì là trưởng bối, lo một nhóm nam nữ sẽ không thoải mái vì sự có mặt của mình, nên chỉ tới chào một tiếng, dặn dì Văn chuẩn bị nhiều bánh trái rồi vào phòng nằm nghỉ. Sở Vọng vẫn ở trong sân trước nói chuyện với chị Từ một lúc, đến khi Từ Thiếu Khiêm trở lại, cô mới bị chị Từ xua đi chơi tennis. Chỉ chốc lát đã đi ra khỏi phòng chị Từ, nhưng bị Từ Thiếu Khiêm ngăn lại.

Từ Thiếu Khiêm vẫn đặt tấm ảnh kia trong túi áo âu phục, định bụng bao giờ gặp lại Sở Vọng thì sẽ trả ảnh cho cô. Nhưng hôm nay anh lại mặc áo dài Trung Hoa màu xám, không mặc âu phục.

Chị Từ thấy anh sờ soạng khắp áo một hồi mà cũng không tìm ra được gì, bèn cười nói: “Em đã là phẳng chiếc áo kia cho anh rồi, lát nữa anh vào trong tìm thử xem.”

Từ Thiếu Khiêm *ừm* một tiếng, nói với Sở Vọng: “Em đi chơi trước đi, lát nữa tôi sẽ đưa đồ đến cho em.”

Sở Vọng đáp vâng, đang định đi thì bất chợt nghĩ đến gì đó: “Giáo sư Từ?”

“Ừ?”

“Một lát nữa, em có thể được phép lỗ mãng một xíu ở chỗ thầy không?”

Từ Thiếu Khiêm bỗng cảm thấy thú vị, “Em còn biết giương oai nữa hả?” Thấy vẻ nghiêm túc của Sở Vọng, anh khoát tay đồng ý, “Được, chỉ cần không quá đáng là được.”

Sở Vọng ôm giỏ quýt ngọt mà chị Từ khăng khăng nhét cho cô, đi về sân tennis. Trong thời gian cô không có mặt ở đây, các chàng trai cô gái đã thân thiết vui đùa với nhau, tiếng cười nói không dứt, bầu không khí rất vui vẻ. Các cô gái ai cũng đẹp, nhưng trong mắt cánh con trai, mỗi người có một vẻ đẹp riêng.

Nhìn khắp sân tennis cũng không thấy bóng dáng Diệp Văn Dữ đâu, tầm mắt thoáng lệch sang bên, người đang ngồi cạnh chị cô trên bãi cỏ ngoài biên sân đánh, không phải là Diệp Văn Dữ đấy sao.

Nhìn bộ dạng đó của Diệp Văn Dữ, có lẽ vì lo cho Doãn Yên “cơ thể không khỏe” nên chưa chơi trận tennis nào. Doãn Yên chỉ cần hơi động não nghĩ mưu kế, là trong im lặng đã có thể rạch rõ giới hạn giữa Diệp Văn Dữ cùng các cô gái khác, để anh ta chỉ quan tâm mỗi mình trước mặt nhiều người, cũng là một kế hay.

Mọi tâm tư của Chân Chân không nằm trên sân bóng, đương nhiên thua một trận. Thấy Sở Vọng đi đến, cô tức giận ném vợt đi, nói: “Mình đánh mệt rồi, Sở Vọng đến chơi thay chị đi!”

Sở Vọng giơ giỏ quýt trong tay lên cho Chân Chân xem, cười hì hì nói: “Đến ăn ít quýt đi đã nào.” Nói rồi, cô ôm giỏ quýt ngồi xuống cạnh Diệp Văn Dữ và Doãn Yên đang trò chuyện say sưa.

Cô vừa ngồi xuống là hai người không nói chuyện nữa, mà quay sang nhìn Sở Vọng. Trong mắt hai người in rõ cô đang làm vướng bận mình, Sở Vọng lại vờ như không thấy gì, cười hì hì đẩy giỏ quýt đến trước mặt hai người, nói, “Ăn ít quýt cho nhuận cổ đi.”

Có người khác ngồi đây, dĩ nhiên hai người không thể thoải mái trò chuyện được, nên cũng không hàn huyên thêm. Diệp Văn Dữ hỏi Doãn Yên: “Em ăn quýt không?”

Doãn Yên lạnh lùng nói: “Quýt lạnh, ăn sẽ bị tiêu chảy.”

Sở Vọng vừa bóc vừa ăn, “Ngọt cực kỳ.”

Diệp Văn Dữ lấy một quả ủ trong tay, nói với Doãn Yên, “Người anh nóng, anh ủ hết lạnh rồi em ăn nhé?”

Di Nhã thấy thế thì cũng không chơi nữa, cầm vợt tennis hổn hển ngồi cạnh Doãn Yên ăn quýt. Ánh mắt của hai cậu bạn Diệp Văn Dữ gần như mọc trên người Di Nhã. Di Nhã đến, mọi người cũng ồn ào tập trung lại ăn quýt. Cô ăn hai múi, thấy Diệp Văn Dữ đang ủ quýt trong tay thì cười hỏi, “Anh ủ làm gì thế, đàn ông con trai, không ăn mà còn chờ cho hết lạnh à?”

Sở Vọng cười đáp, “Ủ hộ chị gái mình.”

Di Nhã cũng cười: “Cậu Diệp đúng là thiên vị Doãn Yên.”

Doãn Yên tức giận ra mặt: “Cô đừng nói bậy bạ.”

Di Nhã mới hỏi Diệp Văn Dữ: “Em cũng không ăn quýt lạnh được, hay anh ủ hộ em đi?”

Diệp Văn Dữ cười, vỗ vai người bạn khác trong đội tennis của mình, “Vĩnh Hoa, Di Nhã muốn ăn quýt không lạnh kìa.”

Di Nhã cười nói: “Em chỉ ăn quả mà Diệp Văn Dữ ủ cho Lâm Doãn Yên thôi, có cho không?”

Bị người ta đùa cợt ngay mặt, Doãn Yên xấu hổ, khẽ mắng Diệp Văn Dữ: “Em đã nói là không ăn quýt rồi mà, sao anh tự tiện thế?”

Sở Vọng hòa giải: “Chị à, em thấy Văn Dữ tốt với chị lắm, sao chị hay lạnh nhạt với anh ấy vậy?”

Doãn Yên lạnh lùng nhìn cô, “Em không biết là chị có hôn ước rồi à? Muốn tốt với anh ta thì em đi mà tốt.”

Sở Vọng cũng không nổi giận, cười nói: “Wow, không phải chị nói hôn ước kia hơn nửa là không thành hả? Từ nhỏ chị đã đọc Nữ Giới, vậy mà sao chị lại coi lệnh của cha mẹ và một tờ hôn thư như trò đùa vậy.”

Doãn Yên hừ lạnh: “Hôn sự định quá sớm. Hai năm nữa Trịnh Diệc Dân tốt nghiệp xong sẽ đến Mỹ du học, chị cũng vào đại học rồi. Không nói tới chuyện xấu, đến khi đó, tư tưởng lẫn cách nghĩ đều sẽ khác nhau, cha cũng nói qua rồi.”

Sở Vọng bừng tỉnh gật gù, “Có nghĩa là chị cho rằng mình là một người tự do. Vậy vì sao chị nhiều lần gửi thơ đến đại học Hương Cảng, nhưng không đáp lại lời theo đuổi của cậu Diệp? Chị giải thích thế nào đây?”

Diệp Văn Dữ đỏ mặt, hỏi Doãn Yên: “Thơ… là em gửi?”

“Ăn nói hồ đồ!” Doãn Yên tức giận, khép sách lại toan bỏ đi, nhưng Tiết Chân Chân đã chặn đường cô nàng lại.

Chân Chân cười nói: “Đừng có đi chứ, nói cho rõ chuyện này đi đã.”

Doãn Yên cười lạnh, “Liên quan gì đến cô!”

Chân Chân nói: “Hôm đó tôi đã hỏi Bùi Jenny rồi. Người biết Diệp Văn Dữ trước là Bùi Jenn, lúc đó cậu ta còn đến hỏi cô xem nên theo đuổi Diệp Văn Dữ thế nào, cô đã nói gì với cậu ta nhỉ?”

Doãn Yên ngoái đầu lại: “Làm sao tôi biết!”

Chân Chân cười nói: “Lâm nhị tiểu thư đệ nhất Giang Nam của chúng ta đã nói: ‘Thế thì cậu làm một bài thơ tặng anh ta đi. Nếu cậu không làm được thì để mình làm giúp cậu.’ Và kết quả là? Tuy bài thơ tình kia mang tên Bùi Jenny, nhưng trên báo sinh viên đại học hương Cảng cũng đăng một bài giống y hệt, ghi là thơ của quý cô Lâm Doãn Yên. Vừa đưa thơ cho người ta, mà bản thân cũng lấy nó đi đăng báo, chất văn học của Lâm nhị tiểu thư đúng là hay ho nhỉ.”

Lâm Doãn Yên chột dạ nhìn Diệp Văn Dữ, Diệp Văn Dữ ngơ ngác: “Là… là thật hả, em…”

Sở Vọng cười nói: “Em đã nói là trong thâm tâm chị hai thích cậu Diệp mà. Hai người đều là người tự do, không cần đoán mò tâm sự của nhau nữa.”

Diệp Văn Dữ vẫn sững sờ nhìn Lâm Doãn Yên, không biết đang nghĩ gì. Doãn Yên nghiến răng nghiến lợi nói: “Chị có người trong lòng rồi!”

Sở Vọng nghiêng đầu, bình tĩnh nhìn chị mình, khẽ cười hỏi: “Người trong lòng chị hai là ai thế, sao em không biết vậy? Nếu chị không nói, mà bọn em cũng chưa ai thấy, vậy thì sẽ coi như chị đang lừa bọn em. Không có người này đúng không?”
 

MUALARUNG91

Tác giả
Sưu tầm
Tham gia
25/8/19
Bài viết
4,780
Điểm cảm xúc
577
Điểm
113
Chương 35: Nhà họ Từ và san tennis (5)
Di Nhã lại tò mò: “Không biết là thần thánh phương nào mà có thể khiến Lâm tiểu thư động lòng đây, có ở Hương Cảng không?”

Doãn Yên đuối lý, mặt thoắt trắng thoắt xanh: “Hôm nay mọi người ở đây chờ tôi chứ gì, đúng không?”

Sở Vọng ăn hai múi quýt, gật đầu đáp: “Đúng thế đó.”

Doãn Yên đâu ngờ cô lại đáp sảng khoái vậy, thế là bật cười: “Mọi người nghe thấy rồi đấy. Hai kẻ này lúc nào cũng gây khó dễ với tôi, lén lút bàn bạc, tìm cách làm tôi mất mặt trước đám đông. Chỉ là tôi không ngờ, chính em gái tôi cũng liên thủ với người ngoài để đối phó tôi.”

Chỉ bằng hai ba câu, cô nàng đã đặt mình vào vị trí nạn nhân, tứ cố vô thân bị người ta bắt nạt.

Di Nhã *ồ* một tiếng: “Chúng ta có bắt nạt cậu ta à?”

Sở Vọng gật đầu: “Có đó.”

Chân Chân lườm cô: “Bắt nạt cái gì?”

Sở Vọng đã ăn quýt xong, phủi tay đứng dậy: “Em đã rất thành khẩn mời chị gái đến đây, chị ấy cũng từ chối thẳng rồi, đây là điều em đoán được. Đáng tiếc em không biết đã có chuyện gì xảy ra mà chị đột nhiên đến. Em tưởng chị không đến nên mới bỏ chị mà đi cùng các bạn, đấy là thứ nhất. chị nói xem có phải không chị hai?”

Doãn Yên không biết cô muốn giở trò gì, chỉ né tránh Sở Vọng đang thân mật hỏi mình, không trả lời.

Sở Vọng chắp tay sau lưng, cười hỏi: “Nhưng vừa rồi chị nói bọn em ‘bàn bạc với nhau, cùng liên thủ lại để chèn ép chị’, điều đó có nghĩa hôm nay chị ‘chắc chắn sẽ đến’. Có điều em muốn hỏi chị một câu, rốt cuộc là điều gì đã khiến chị ‘chắc chắn sẽ đến’ vậy?”

Doãn Yên nói: “Tự nhiên chị muốn đến thì đến thôi.”

Sở Vọng cười nói, “Trước đó chị nói không đến, nhưng thực chất lại đến, em coi như thật ra chị vẫn thích cậu Diệp vậy. Thế thì, hiện tại đã biết chị và cậu Diệp tình đầu ý hợp, vậy mà em lại dẫn theo rất nhiều đối thủ của chị đến làm phiền, đó là lỗi của em. Đây là thứ hai.”

“Chị… chị không thích anh ta!” Thấy hai mắt Diệp Văn Dữ sáng như đuốc nhìn mình, Doãn Yên thanh minh.

Sở Vọng thôi cười, “Nếu đã không thích, vậy bọn em sẽ bắt đầu từ đầu, nói từ Bùi Jenny đi. Bài thơ kia của chị, trước khi được đăng trên báo sinh viên đại học Hương Cảng, người từng đọc nó chỉ có chị và Bùi Jenny, ngoài ra còn có cậu Diệp nữa, đúng không?”

Doãn Yên không đáp, cô chỉ nhìn Diệp Văn Dữ. Diệp Văn Dữ sững sờ rồi gật đầu, “Đúng thế.”

“Em nhớ muốn đăng bài lên báo sinh viên thì chỉ có thể gửi bản thảo. Vậy thì ai gửi đây, Bùi Jenny gửi? Ký tên Lâm Doãn Yên?”

Tất cả mọi người cười rộ lên.

Sở Vọng quay sang hỏi Diệp Văn Dữ: “Anh gửi hộ chị em à?”

Diệp Văn Dữ ngơ ngác lắc đầu.

“Hiện tại, khoa Trung văn ở đại học Hương Cảng vẫn đang được chuẩn bị, Hương Cảng có rất nhiều tòa soạn báo giúp chị của em vang danh hơn, vì sao nhất thiết phải là báo sinh viên ở trường Hương Cảng?”

Di Nhã phì cười, nghiêng đầu nói: “Lâm nhị tiểu thư cũng đúng là khẩu thị tâm phi.”

Chân Chân cười lạnh: “Nói đi, nói ra tên của người cô thích đi, nói cho Diệp Văn Dữ nghe rõ, cũng để cô được toại nguyện, để hôm nay anh ấy hết hy vọng với cô.”

Lâm Doãn Yên cười: “Anh ta hết hy vọng rồi thì có thể chuyển sang thích cô ư?”

“Hiện tại anh ấy thích cô, tôi coi như anh ấy không có mắt nhìn người. Sau này anh ấy thích ai cũng không liên quan gì đến tôi. Không thích tôi tức không có duyên phận với tôi,” Chân Chân cũng không thèm nhìn Diệp Văn Dữ, bình thản đáp, “Tôi thích ai dĩ nhiên tôi sẽ nói ra miệng, còn cô Lâm à, cô có nói ra được không? Thích là thích, không thích là không thích. Lâm nhị tiểu thư sao ứng xử không dứt khoát vậy?”

Di Nhã nghiêng đầu nhìn Diệp Văn Dữ, chỉ thấy anh ta ngẩn ngơ ngồi tại chỗ, ánh mắt bàng hoàng, không biết phải nói gì. Cô nổi nóng đi đến, vỗ vào đầu Diệp Văn Dữ, “Anh nói gì đi chứ.”

“À…. Anh…” Diệp Văn Dữ vội hoàn hồn, lấy lại bình tĩnh rồi nói, “Thôi, cô ấy đã không muốn nói thì không cần phải gây khó xử.”

Sở Vọng cũng nói: “Nếu không thích thì nên để người ta mất hy vọng sớm; nếu có hy vọng, em nghĩ anh ấy cũng sẽ đồng ý chờ chị, đợi chị xóa bỏ hôn ước rồi lại đến bên anh ấy.”

Lâm Doãn Yên lạnh lùng nhìn cô: “Chuyện này thì có liên quan gì tới em?”

Sở Vọng cười nói: “Đúng thế, chị thích ai hay không thích ai thì liên quan gì đến em? Chỉ có điều, dù làm một con chó thì cũng biết phải đại tiểu tiện ở địa bàn mình, nếu có con chó khác xâm phạm thì phải cắn nó. Huống hồ là người? Hôm nay em chỉ dọn dẹp địa bàn của mình thôi, cũng khuyên chị nên nhìn cho kỹ càng.”

Mặt Doãn Yên đỏ bừng: “Em… em nói ai là chó hả?” Sau đó lại giật mình, lúc Sở Vọng nói lời này cũng không bài trừ bản thân nó ra, thế là lại nhìn sang Chân Chân: “Các người nói xong chưa?”

Chân Chân nói: “Bọn tôi nói xong rồi, người chưa nói xong chỉ có mình cô thôi.”

“Tôi thì có gì muốn nói?”

Doãn Yên đẩy Chân Chân đi ra, Chân Chân cũng không ngăn cô nàng lại.

Mọi người im lặng, Di Nhã hỏi Diệp Văn Dữ: “Anh thích gì ở cô ấy?”

Diệp Văn Dữ suy nghĩ hồi lâu, sau đó cúi đầu cười, “Cô ấy… vẫn rất đặc biệt.”

Nhìn theo bóng lưng của Doãn Yên, Chân Chân cười khẩy: “Nếu hôm nay cô ta nói ra tên người mình thích ở trước mặt mọi người, thì tôi bội phục cô ta đấy, sẽ nhìn cô ta bằng con mắt khác.”

Di Nhã thở dài, đi đến hỏi Chân Chân: “Cậu thích gì ở anh ta vậy?”

Lúc này Diệp Văn Dữ mới quay sang nhìn Chân Chân, thấy tai cô đỏ bừng, nói, “Người đã đi rồi mà sao vẫn không đuổi theo, phong độ của anh đâu?”

Diệp Văn Dữ lắc đầu: “Đã bị mất sạch rồi, còn phong độ gì nữa? Không theo đuổi nữa.”

Di Nhã nheo mắt, vừa ngẩng đầu lên thì thấy có người đứng dưới mái hiên ở cửa nhà họ Từ. Trên người mặc áo khoác nâu đậm, phong lưu cao ráo. Cô nàng cười nói: “Nên học chú trẻ của anh đi.”

***

Cũng không biết Từ Thiếu Khiêm đã đến đây bao lâu, có lẽ nghe thấy đám trẻ cãi cọ, làm trưởng bối không tiện đến gần nên đứng ở xa chờ. Thấy anh ta giơ tấm hình trong tay, Sở Vọng bèn đứng dậy đi đến.

Tấm hình được đặt trong phong thư để tránh bị làm bẩn. Sở Vọng cung kính nhận lấy, cảm kích nói: “Cám ơn giáo sư Từ.”

Anh ta “ừ” một tiếng rồi cau mày thuyết giáo: “Phải chú ý coi trọng thứ của mình.”

Nghe thấy anh một lời hai nghĩa, Sở Vọng nhìn tấm hình trong tay, bật cười: “Giáo sư Từ, thầy nghe thấy hết hả?”*

(*Qin: Vì Sở Vọng đã là học trò của Từ Thiếu Khiêm nên bắt đầu từ đây, mình đổi cách xưng hô của Sở Vọng với anh.)

“Ừ. Có điều cũng không bao nhiêu. Nghe được từ đoạn…” Từ Thiếu Khiêm ngẩng đầu nghĩ ngợi rồi cười nói, “Là chó thì cũng cần đánh dấu địa bàn?”

“… Ồ.”

Từ Thiếu Khiêm lại khích lệ: “Nói không sai, đúng là học trò của tôi.”

Sở Vọng nheo mắt cười nói: “Vâng.”

***

Trong số học trò của mình, chỉ có Sở Vọng là Từ Thiếu Khiêm rất ít quan tâm đến chuyện học hành. Cho dù mỗi tuần đều đến phố Hoa Viên bốn lần, thỉnh thoảng đến nhà mới chào chị Từ, thì số lần nhìn thấy Từ Thiếu Khiêm có thể đếm được trên đầu ngón tay, số câu từng nói cũng không vượt quá mười, đa số đều là – “Văn Quân nghịch ngợm à” hay là “hôm nay vợ tôi có hút thuốc không”, đại loại thế. Chỉ trước ngày thi mới gọi điện đến biệt thự nhà họ Kiều, nói với cô “phải đến đúng giờ, không được tới muộn” rồi vội vã cúp máy. Cho dù vậy, Sở Vọng vẫn hốt hoảng vì được quan tâm.

Mấy ngày sau ngày thi chính là ngày nghỉ lễ Giáng Sinh. Ông Tiết muốn đón Chân Chân về Thượng Hải chơi lễ và năm mới, nhưng bị Chân Chân lần đầu từ chối. Điều này khiến lúc gần đi, ông Tiết vô cùng đau buồn nói: “Con gái lớn rồi, không cần cha nữa.”

Chân Chân nhìn theo bóng lưng cha mà lè lưỡi, rồi quay sang khiển trách Sở Vọng, “Còn không phải do em à! Hại chị gánh tội danh bất hiếu.”

Hôm đó đánh tennis xong về nhà, Doãn Yên rúc vào lòng bác cả khóc đứt ruột đứt gan, tố cáo Chân Chân và Sở Vọng đã ức hiếp mình thế nào. Một lúc sau hai người về đến nhà, bà Kiều đang định trị hai đứa thì cả hai đã nhất trí đồng thanh: “Sao bọn cháu có thể ức hiếp chị hai?”

Không có nhân chứng cũng không có bằng chứng, bà Kiều không thể chỉ vì lời nói một phía của Doãn Yên mà trách phạt hai cô được. Huống hồ, từ sáng sớm ông Tiết đã gọi điện đến báo, nói mấy hôm nữa sẽ ghé nhà thăm.

Thế là sau khi thầm cân nhắc một phen, bà Kiều an ủi Doãn Yên vài câu rồi bỏ qua chuyện này.

Gần đây Lâm Du và Tư Ưng đã đi Nam Dương một chuyến, chắc phải ba tháng sau mới về, nên năm nay vẫn để Sở Vọng và Doãn Yên ở lại Hương Cảng. Sở Vọng biết Chân Chân không muốn về nhà ăn Tết vì sợ nếu mình đi, bà Kiều và Doãn Yên sẽ liên thủ giáng tội cô. Trong lòng cô rất cảm kích, đuổi theo Chân Chân ồn ào một hồi.

Trong ngày nghỉ, lớp Anh văn cũng được tạm nghỉ một thời gian. Năm nay có rất nhiều phu nhân nhà giàu rộ lên phong trào uốn xoăn tóc, trong ngày Đông thì trùm thêm mũ len lên tóc, để lộ gương mặt xinh xắn bé nhỏ, trông không đơn điệu tẻ nhạt, thế là cô cũng làm một chiếc mũ cho bà Kiều và chị Từ.

Văn Quân và Leon đã gần mười tuổi. Cô không biết con trai thời đại này thích gì, sau một hồi vắt óc động não, cô xin Từ Thiếu Khiêm ít dây đồng và sợi bông, sau đó ra cửa hàng Tây mua ít pin ắc quy hiệu Minh Châu Dạ* và giấy màu cứng, làm hai chiếc xe hơi bìa nhựa chạy bằng điện không được đẹp cho lắm.

(*Pin ắc quy. Ảnh.)

c35


Mà một trong hai chiếc xe, trong lần đầu tiên chạy thử ở Du Ma Địa đã đụng vào ma nơ canh, “tan xương nát thịt”. Thân xe không còn, động cơ nhanh chóng lao ra đường cái, bị một chiếc xe đạp đi ngang qua nghiền mất.

Sở Vọng im lặng cất một chiếc xe đi, hôm sau đến cửa hàng mua hai cây bút máy hiệu Quốc Dân làm quà Tết cho Leon và Văn Quân.

Từ Thiếu Khiêm vô tình thấy cô tặng bút máy cho Văn Quân.

“Chế tác xe hơi thất bại rồi à?” Anh thân thiết cười hỏi.

“Làm mất mặt thầy rồi.” Sở Vọng xấu hổ nói.

“Thế quà của thầy đâu?” Da mặt Từ Thiếu Khiêm dày thật.

“Trong kỳ thi sau lễ Tạ Ơn, em có điểm số cao nhất?” Sở Vọng cười nói, “Em tăng thể diện cho giáo sư Từ, không phải là món quà tốt nhất sao!”

“Chưa công bố điểm mà em biết rõ thế à.” Từ Thiếu Khiêm bật cười, nhưng cũng không phủ nhận thành tích của cô, “Sao lần này không tính trung bình trọng số 85 điểm nữa?”

“Vì trên địa bàn của thầy lại có người đánh phủ đầu em, nên đương nhiên cần phải ra oai một chút rồi.” Sở Vọng cười hì hì.

Còn chưa biết nên tặng quà gì cho Từ Thiếu Khiêm, thì cậu học trò Văn Quân của cô đã chuẩn bị cho cô một món quà – là văn phòng tứ bảo không quá quý trọng, nhưng rất tinh tế. Giấy bút được gắn tại một mặt trong hộp gỗ, còn mặt khác là bàn tính*.

(*Bàn tính. Ảnh.)

c351


Đến thăm nhà họ Từ xong, lúc dì Văn tiễn cô về thì nói một câu rất kỳ lạ: “Cậu Văn Quân thích cô giáo lắm. Cả cậu chủ và cô chủ chăm sóc cậu ấy lâu như thế, mà còn chưa nhận được quà do cậu ấy tặng.”

Sở Vọng ngạc nhiên, nhưng cũng không nghĩ nhiều, “Do giáo sư Từ và cô Từ dặn em ấy làm tròn lễ tiết, là nhà ta dạy dỗ tốt.”

Dì Văn nhìn cô, nhưng ngoài mặt lại không nói rõ là có biểu cảm gì.

Dì Văn là người hầu hồi môn của chị Từ, vì có tuổi nên tính tình cũng khá lạ, bởi vậy cũng không nghĩ nhiều về chuyện này.

Một ngày nọ ở Du Ma Địa, buổi chiều ngài Saumur ra ngoài, bà Nguyễn thần bí nhích lại gần, hỏi Sở Vọng: “Ngài Luca đến Hương Cảng nhiều năm như thế mà chỉ có một mình. Cô đơn thật, không biết Tết năm nay có lại một mình nữa không?”

Sở Vọng nghĩ ngợi rồi đáp: “Có thể ngài Luca có người yêu ở Pháp, nên mới không qua lại với người khác.”

“Có người yêu ở nước ngoài thì cũng không đến mức kỳ quái như vậy, liên tiếp mấy ngày rất ít xã giao…” Bà Nguyễn nói rồi, cũng hiểu được đàm luận sau lưng ngài Saumur không hay lắm, thế là ngậm miệng. Một lúc sau, bà mới nói tiếp: “Cháu nói xem, dì mời ngài Luca đến nhà mình ăn bữa cơm lễ Phục Sinh thì thế nào?”

Sở Vọng vui vẻ: “Thế thì tốt quá, chỉ cần dì Nguyễn không sợ chồng mình để ý thôi.”

“Ông ấy dám à!” Bà Nguyễn hung dữ nói, “Dì sẽ phạt ông ấy quỳ trên hộp kim chỉ.”

Hai người nói cười một hồi, đúng lúc này ngài Saumur cầm theo một xấp thư từ trạm xe đi về. Ông hồ nghi hỏi: “Ai quỳ trên hộp kim chỉ thế?”

Sở Vọng và bà Nguyễn cười bò, không còn sức trả lời ông.

Ngài Saumur cho rằng hai người đang đùa mình, bèn giơ xấp thư trong tay lên: “Ngài Luca mà giận thì sẽ không đưa thư từ Anh Quốc cho Sở Vọng đâu.”

Sở Vọng phải năn nỉ ỉ ôi một hồi thì ngài Saumur mới hết giận, trả thư lại cho cô.

Cầm thư vào trong góc ngồi, nhân tiện tìm giấy bút, chuẩn bị như thường ngày, vừa đọc thư vừa chuẩn bị bản nháp hồi âm. Sau khi mở phong thư ra, bên trong chỉ có nửa tờ giấy mỏng tang nho nhỏ, bên trên viết một hàng chữ ngắn ngủi:

Ngày 13 tháng 5, bến phà Trung tâm số 5, tàu Litan.
 

MUALARUNG91

Tác giả
Sưu tầm
Tham gia
25/8/19
Bài viết
4,780
Điểm cảm xúc
577
Điểm
113
Chương 36: Thuyết tương đối
Cách ngày 13 tháng 5… chỉ còn hơn một tháng.

Sắp đến rồi.

Sở Vọng cẩn thận đặt tờ giấy chung chỗ cất xấp thư cũ, cho vào trong hộp gỗ rồi nhét xuống gầm giường.

Sau tiết xuân phân, khí trời ngày càng ẩm ướt, thường xuyên có sương mù. Ẩm thấp tăng cao, ba ngày hai bữa mệt rã rời. Chỉ mới rửa mặt sạch sẽ đó mà toàn thân lại có hơi nước. Trái cây mới mua về đến hôm sau đã bắt đầu mốc meo. Điều này càng khiến bà Kiều oán trách phàn nàn.

Sở Vọng sắp nhập học đại học Hương Cảng không cần mặc đồng phục thủy thủ qua ngày, thế nên cũng bắt đầu lo nghĩ về vấn đề ăn mặc. Còn Doãn Yên và Chân Chân bước vào tuổi 15 thì được nhận món quà tuyệt vời nhất trong độ tuổi này: sườn xám.

Doãn Yên là thiếu nữ phương Đông điển hình nên trông khá gầy, có điều thắng ở khí chất xuất chúng; Mà Chân Chân ở tuổi này lại dậy thì rất thành công, dù là bộ sườn xám có vẻ hơi rộng thì nếu cô mặc vào, chỉ cần thoáng cử động nhẹ là cũng tôn lên được đường nét cơ thể.

Hai chị gái đã đến tuổi mặc sườn xám, còn Sở Vọng tạm thời chưa được hưởng đãi ngộ này. Tuy cô đã cao bằng Doãn Yên song cơ thể vẫn đang ở đầu giai đoạn trưởng thành, chỉ mới trổ mã, vẻ trẻ con non nớt vẫn còn, nếu mặc sườn xám thì cũng sợ phải búi thêm hai búi tóc nhỏ trên đầu như đám trẻ con.

Vào sáng ngày đưa sườn xám đặt may đến, Doãn Yên và Chân Chân lần lượt thử từng bộ một, xúng xính ăn diện cả buổi. Sở Vọng ngủ dậy muộn, thậm chí đến bữa sáng cũng chẳng màng ăn, chỉ ngậm lát bánh mì trong miệng rồi vội đi xuyên qua giữa hai thục nữ mới nổi ở đất Cảng, nhưng đi chưa được mấy bước đã bị Chân Chân tóm lại, bắt cô chọn xem sườn xám vải nỉ hồng cánh sen đẹp hay sườn xám lụa mỏng thêu hoa hồng đẹp hơn.

Vì ngậm bánh mì nên Sở Vọng chỉ lúng búng trả lời, chẳng ai nghe rõ cô nói gì. Chân Chân đánh giá bộ áo len màu than chì và cặp kính tròn của cô một lượt, nói: “Em ăn mặc thế này thì còn gì dáng vẻ của tiểu thư nhà giàu, định đến tòa soạn làm nhân viên đánh máy đấy à?”

“Hai màu sườn xám này, nếu có khung xương nhỏ thì mặc sẽ đẹp hơn. Độn nhiều vải thì đâu có đẹp?” Vì sự kiện ở sân tennis nên Doãn Yên đã ghi hận Sở Vọng. Thấy Chân Chân quở trách Sở Vọng, cô nàng cũng không bỏ qua cơ hội giễu cợt hai người. Doãn Yên lườm Sở Vọng, nói tiếp, “Nó phải đi khai giảng chứ còn gì nữa, đeo kính trắng là để mọi người nhìn lướt qua là biết nó được ai mời nhập học.”

Chân Chân hăng hái, đẩy Sở Vọng đi ra ngoài cửa, nói: “Ngày đầu đến trường, đừng đi muộn đấy.” Sau đó lại quay đầu toan cãi nhau với Doãn Yên, xì một tiếng xem thường, nói: “Lâm nhị tiểu thư tay chân nhỏ như vậy, e là thợ may còn phải nối thêm một sợi dây vào áo cho cô, một đầu cột lên cây, miễn gió thổi qua thì cô lại bay theo gió.”

Sở Vọng nghe vậy thì phì cười, nhưng không muốn ngày đầu đi học lại thành người đến cuối cùng nên đành vội vã ra cửa, rất không trượng nghĩa giao chiến trường trong nhà lại cho một mình Chân Chân.

Trên đường đi từ quận Thâm Thủy Bộ đến quận Trung Tây có không ít học sinh sinh viên lên xe buýt. Trong tiếng lắc chuông và tiếng cười nói, xe buýt dừng lại trạm, Sở Vọng mơ màng xuống xe, từ đằng xa đã thấy Diệp Văn Dữ vô cùng nổi bật đứng ở trạm xe điện. Anh ta mặc áo lụa kiểu Trung Hoa cổ điển, nhưng trong miệng lại nói tiếng Trung khẩu âm vùng Nam Dương chẳng ra gì: “Linzy! Ở đây!”

Diệp Văn Dữ gạt đám đông ra lách đến gần Sở Vọng, thở hắt một hơi bảo: “Giáo sư Từ bảo anh đợi em sẵn ở cổng, nói em lần đầu đến, nhờ anh dẫn em đến lớp đăng ký môn… Ha, sao hôm nay em ăn mặc như giáo sư Từ phiên bản nữ vậy, sao lại đeo kính thế?”

Cũng không phải cô bị cận thật. Chỉ là đời trước Lâm Trí cận 2 độ, nguyên nhân là vì sau khi lên đại học phải giảng bài quá nhiều, nếu không đeo kính thì sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn. Cho nên giờ nhập học, theo thói quen cô cũng đeo thêm kính, để lúc nghe giảng có cảm giác an toàn hơn cô – kỳ thực cũng chỉ là vấn đề tâm lý thôi. Lần đầu tiên cô đeo kính là vào hai tuần trước ở tiệm may khi đang biến váy áo thành áo dây liền quần. Ngài Saumur từ biên ngoài trở về, nhìn cô mấy bận, khen khích lệ: “Cặp kính không tệ.”

Ngài Saumur rất có mắt nhìn thời trang, cho nên ông khá kỹ tính kén chọn. Được ông khen tức là chiếc kính này rất được, chí ít là hiện tại cô đã đi trước trào lưu, Sở Vọng nghe mà sảng khoái vô cùng. Cho nên hôm nay đến trường cô cũng đeo nó, không ngờ lại bị người ta hai lần nói là “bắt chước giáo sư Từ”.

Cô cũng đánh giá Diệp Văn Dữ trên dưới một phen, nói: “Một người Nam Dương như anh thì mặc mã quái làm gì?”

Diệp Văn Dữ vuốt áo: “Anh thấy chú trẻ hay mặc thế, lần đầu biết mã quái Trung Hoa lại ra dáng thế này.”

“Đáng tiếc mã quái cũng chọn người, thầy ấy mặc thì ra dáng cổ điển,” Sở Vọng lắc đầu, cảm thấy nuối tiếc: “Còn anh mặc thì…”

Diệp Văn Dữ xoa đầu, ngẩn ra một lúc mới nói, “Anh mặc thì sao?”

Hai người đi đến văn phòng đào tạo, một đội ngũ dài kéo ra tận ngoài hành lang, Sở Vọng gạt đám đông ra để Diệp Văn Dữ chen lên. Anh ta lấy được chương trình học và bảng đăng ký môn học, hai người đứng tại chỗ nghiên cứu sắp xếp khóa học. Tờ lịch học của Sở Vọng đã ghi sẵn ba môn tự chọn – ba con chữ theo thể Sấu Kim* mạnh mẽ do Từ Thiếu Khiêm viết: Toán học, Anh văn và Ngữ văn.

(*Thể Sấu KimThể là một trong những phong cách độc đáo của nghệ thuật Thư pháp. Đặc điểm của thể chữ này là: kết thể chữ hơi dài, đường nét gầy guộc mà cứng cỏi.)

Diệp Văn Dữ đưa đầu tới nhìn, “Wow, em cũng có môn tự chọn hả?”

Sở Vọng cũng nhìn lịch học của anh ta, chỉ thấy bên trên viết tám chữ to đùng: “lịch sử văn học cổ điển Trung Hoa”, phía sau có hai chữ to màu đỏ tươi: học lại. Cô ngẩng đầu nhìn Diệp Văn Dữ, trên mặt hòa lẫn vẻ nghi ngờ và kính nể.

Diệp Văn Dữ lại không thấy gì, còn khuyên nhủ: “Rất nhiều sinh viên ở Hương Cảng rất giỏi tiếng Trung. Học sinh Trung Quốc thì còn dễ hơn nữa, tín chỉ lại nhiều, nên rất nhiều người chọn môn này.”

“Đâu phải anh học Tứ thư Ngũ kinh từ nhỏ, viết thơ bốn sáu mà lớn lên đâu, anh chọn môn này làm gì?”

“Cảm thấy môn này rất thú vị.”

“Thú vị như chị em à.”

Diệp Văn Dữ cười ha ha, “Em cũng chọn lịch sử văn học cổ điển đi, tốt xấu gì cũng kéo anh theo.”

“…”

Trong chương trình học toàn là mấy môn từa tựa nhau như Đại cương Cơ học, Kết cấu Cơ học và Mạch điện Phức tạp. Vào cuối lịch Ở cuối tờ chương trình học, cô thấy một môn học trong ba học kỳ, tín chỉ môn học cao gấp đôi lịch sử văn học cổ điển, tên là “Thuyết tương đối”.

Cô không chút nghĩ ngợi, lập tức cầm bút điền tên môn này vào phiếu. Diệp Văn Dữ cản không kịp, thấy cô điền xong mới hỏi với sắc mặt lạ lùng: “Em muốn chọn thật hả?”

Sở Vọng gật đầu.

“Em có biết môn này một năm rưỡi thi một lần không? Có biết thi không qua thì phải học lại một năm rưỡi, tỉ lệ qua môn không quá 1/5 không?”

Cô lắc đầu. Có điều cũng bày tỏ mình hiểu mà: Tính đến thời điểm hiện tại thì hai lý thuyết được công bố cũng chỉ mới hai mươi năm và mười năm mà thôi*. Trong thời đại khan hiếm các nhà vật lý, thì đấy được coi là lý thuyết mới nhất trong ngành học mới nhất.

(*Thuyết tương đối gồm hai lý thuyết vật lý do Albert Einstein phát triển, với Thuyết tương đối đặc biệt công bố vào năm 1905 và Thuyết tương đối tổng quát công bố vào cuối năm 1915 và đầu năm 1916. Mốc thời gian hiện tại trong truyện là 1927.)

“Em có biết ai dạy môn này không?”

“Ai?”

“Chú trẻ của anh.”

Cô kiểm tra lại tất cả các môn để không bị trùng giờ học. Mở sách giáo khoa của năm nay ra xem một lượt: Toán học thì giải các phương trình nhị phân và tính toán số góc giao nhau trong hình học; còn môn Mạch điện thì đơn giản hóa mạch phức tạp và mạch khóa chéo thành cách mắc nối tiếp dễ hiểu… Trải qua trăm năm quy nạp đúc kết tại đời sau, thì những môn này đã được dạy rõ trong vòng hai tuần học ở trình độ văn hóa cấp ba, nhưng ở thời đại này thì phải học trên một năm. Sở Vọng không kìm được cảm khái: dù là môn học nào, thì người đời cũng dựa vào tài trí thông minh cộng thêm tổng kết kinh nghiệm mà tiến hóa.

Môn duy nhất mà cô có thể miễn cưỡng xốc tinh thần để nghe giảng là môn của Từ Thiếu Khiêm. Đối với Thuyết Tương Đối, anh có cách giảng giải độc đáo rất riêng. Môn này ngày trước cô đã học rồi, nhưng khi nghe Từ Thiếu Khiêm giảng thì lại như đang nghe một câu chuyện xa xăm sâu đậm.

Ngày đầu tiên lên lớp, câu đầu tiên của anh đã khiến Sở Vọng giật mình. Anh nói: “Liệu con người có khả năng băng xuyên như mũi tên thời gian không? Từ viễn cổ đi đến hiện tại, hoặc từ tương lai xa xôi đi đến thời điểm này, và liệu chúng ta có sống trong cùng một thời đại không?”

Ngày trước cô cũng đã nghĩ đến vấn đề này. Khi nghiên cứu về phương trình khối lượng và năng lượng, cô đã nghĩ: Nếu có du hành thời gian, thì bản thân đi từ chiều này đến chiều khác có còn là mình không?

Là một tôi không trọn vẹn, hay đã là một người khác?

Trong thoáng chốc, suýt nữa cô đã nghi ngờ: lời mở đầu này của Từ Thiếu Khiêm có vẻ như đang hỏi cô.

Cô ngẩn ngơ trong chốc lát, mãi cho đến khi nghe thấy Từ Thiếu Khiêm hỏi: “Theo logi thì có khả năng thành lập giả thuyết vượt thời gian không gian không, có ai trả lời thử không?”

Sở Vọng hoàn hồn, thấy Từ Thiếu Khiêm đứng ở xa mỉm cười nhìn mình: “Linzy, có hứng thú trả lời không?”

Cô trầm ngâm rồi đứng lên trả lời: “Giả dụ có thể xuyên thời gian thì em sẽ quay về quá khứ, giết bà ngoại trước khi bà sinh ra mẹ em, như vậy sẽ sinh ra một nghịch lý: có bà ngoại em trước, sau đó mới có em. Sự tồn tại của em chứng minh bà ngoại em không thể chết. Cho nên, em không thể giết bà ngoại mình được, như thế cũng sẽ phủ định sự tồn tại của giả thuyết vượt thời gian.”

Từ Thiếu Khiêm cười, hỏi ngược lại: “Ở chiều thời gian em quay về quá khứ, tại khoảnh khắc em đến đó thì đã xảy ra thay đổi rồi. Sự thay đổi này dẫn đến biến đổi dây chuyền, nên mới khiến em không thể giết bà ngoại em được.”

Sở Vọng nheo mắt: “Thời gian quá khứ và tương lai chỉ là tương đối. Thay đổi ở tương lai mà quá khứ có thể tạo nên cũng chỉ là ‘một sự kiện nào đó’ mà thôi.”

Từ Thiếu Khiêm lắc đầu: “Không đúng. Trong khoảnh khắc em đến quá khứ thì đã thay đổi mọi tương lai của thế giới rồi.”

Cô ngẩng đầu lên: “Thay đổi điều gì? Một giây ấy sẽ giảm bớt Ôxi, thải ra nhiều Cacbon điôxít ư? Sự thay đổi đó chỉ là nhỏ bé không đáng kể. Mọi sự kiện trọng đại trên thế giới này sẽ không vì cá nhân em mà thay đổi: ví dụ như thảm họa môi trường do sự phát triển công nghiệp, ví dụ như các giống loài bị tuyệt chủng, và ví dụ như chiến tranh. Nếu bản thân em chỉ gây ra thay đổi không quan trọng, thì vì sao lại có sự biến đổi dây chuyền, ngăn cản em giết bà nội mình? Còn nếu quan trọng, thì thế giới này định sửa chữa sự tồn tại của em như thế nào để dẫn đến thay đổi nhỏ bé nhất?”

Đúng lúc này chuông tan học vang lên, Từ Thiếu Khiêm cũng không tiện nói gì thêm. Hai người đều biết cuộc đối thoại này có rất nhiều lỗ hổng. Nếu như nói tiếp, sẽ còn có rất nhiều vấn đề như “thế giới này vẫn là thế giới ban đầu, hay là một thế giới khác”. Rất nhiều bạn học đứng dậy phàn nàn, nói mới tiết đầu tiên đã nghe không hiểu, ra oai phủ đầu nặng như vậy thì về sau còn học hành thế nào đây?

Từ Thiếu Khiêm bị các sinh viên mang theo nghi ngờ chặn đường ngay cửa, còn Sở Vọng cầm sách vở đã chuẩn bị bước ra khỏi lớp. Có một sinh viên có lẽ không quá bắt kịp suy nghĩ của hai người, lúc Sở Vọng đi ngang qua thì đột nhiên không đầu không đuôi nói: “Một cuộc chiến có thể được xem là sự kiện trọng đại đã xảy ra rồi.”

Sở Vọng chỉ mỉm cười với người bạn kia rồi vội vã đi về.

Việc cô có được tri thức vật lý cũng không mách cô phải dùng khả năng yếu ớt của mình như thế nào, thì mới có thể chỉ thay đổi riêng một quãng lịch sử nhất định nào đó.
 

MUALARUNG91

Tác giả
Sưu tầm
Tham gia
25/8/19
Bài viết
4,780
Điểm cảm xúc
577
Điểm
113
Chương 37: Đảo nhỏ (1)
Thư nhà của cha đã đến biệt thự nhà họ Kiều. Trong thư nói vì cuối tháng 5 trường đại học sẽ làm lễ sát nhập, nên ngày 19 ông và Tư Ưng sẽ về Thượng Hải một chuyến, còn thuyền chở Tư Ngôn Tang từ Anh về sẽ cập bến ngày 20, đồng thời cũng nhờ bà Kiều dẫn Doãn Yên và Sở Vọng đi thuyền ngày 18 đến Thượng Hải.

Ông Tiết đã nghe được chuyện này nên cũng gửi điện báo tới, nhờ bà Kiều dẫn Chân Chân đi cùng.

Trên bàn ăn, sau khi tuyên bố chuyện này xong, bà Kiều chỉ nhận được tiếng hoan hô khá là bình tĩnh của ba cô gái.

Bà Kiều đánh giá ba người rồi nói: “Về Thượng Hải gặp cha, xem nhà mới thế nào, sao không thấy đứa nào vui thế?”

Chân Chân cười hì hì: “Bởi vì vui quá nên phải kìm nén không để cười thành tiếng.”

Doãn Yên nhìn Sở Vọng, mỉm cười bảo: “Còn không phải ư, ngày 20, cũng sắp rồi.”

Sở Vọng cũng cười đáp: “Tàu thuyền bây giờ chỉ mất ba ngày là có thể đến Thượng Hải. Với chị mà nói, nên vui là ngày 21 mới phải.”

Bà Kiều cũng nói: “Hiện tại tàu thuyền nhanh hơn trước nhiều. Doãn Yên, Chân Chân đã thay đồng phục rồi, còn cháu thì đang làm gì thế hả, quên hôm nay phải đi học à?”

Doãn Yên đi lên lầu, Chân Chân nhìn theo Doãn Yên cười lạnh, “Từ lúc Lâm nhị tiểu thư mặc sườn xám là bắt đầu ghét bỏ bộ đồng phục kia rồi.” Sau đó lại nhìn Sở Vọng đánh giá một phen, “Con gái vào đại học có ai quê mùa như em không? Chỉ mấy ngày nữa là cậu Tư kia sẽ về, em mau chóng học bản lĩnh thích chưng diện của chị em đi, đừng để bị người ta so sánh không bằng.”

Sở Vọng chỉ cười không đáp.

Thì ra ngày 13 đến Hương Cảng là anh lén đến đây. Sau đó đi thuyền ngày 17 về Thượng Hải, lại nói với mọi người là ngày 20 mình mới về.

Sở Vọng cũng bắt đầu trở nên bận rộn. Hương Cảng tháng 5 nóng hơn ở Anh rất nhiều, không biết anh có đem đúng đồ không, tốt nhất đừng mang theo áo ấm.

Nhớ đến áo lụa Trung Hoa mà giáo sư Từ hay mặc, cô xác nhận mát mẻ hơn áo sơ mi áo gi-lê mà các quý ông hay bận nhiều, Tư Ngôn Tang mà mặc thì sẽ ra dáng hơn Diệp Văn Dữ cho xem. Nhưng với Tư Ngôn Tang từ nhỏ đã tiếp thu tư tưởng mới, không biết anh có cảm thấy đây chỉ là “cặn bã” mà sinh lòng kháng cự không.

Cô hỏi ý kiến ngài Saumur và bà Nguyễn, mùa này con trai mặc áo sơ mi tơ tằm thì liệu có phù hợp không. Sau khi nhận được câu trả lời khẳng định, cô bắt đầu may áo sơ mi cho Tư Ngôn Tang. Vì không biết chắc chắn số đo của anh, cũng chỉ có vài tấm ảnh đen trắng không mấy rõ ràng, nên cô chỉ có thể áng chừng mà làm ba chiếc áo sơ mi trắng cùng một kiểu dáng nhưng khác kích cỡ.

May áo sơ mi suốt mấy ngày liền, ngài Saumur nghi ngờ hỏi bà Nguyễn: “Con bé làm cho ai thế?”

Bà Nguyễn cười trả lời: “Còn có thể là ai nữa? Cái cậu viết thư kia kìa.”

Ngài Saumur tò mò hỏi: “Không lẽ chàng trai viết thư kia sẽ đến Cảng à? Bao giờ tới? Tôi và dì Nguyễn có thể hân hạnh gặp mặt không?”

Sở Vọng cười nói: “Ngày 13 tháng này sẽ đến, nhưng cháu cũng không rõ là có đến Cửu Long không. Nếu anh ấy đến bán đảo, nhất định cháu sẽ dẫn anh ấy tới Du Ma Địa.”

Ngoài làm áo sơ mi để đối phó với thời tiết ra, Sở Vọng còn bắt đầu lo lắng vì vấn đề chọn quà gì đây. Hiện tại những thứ tốt ở Hương Cảng đều là hàng ngoại, cũng không thể mua bút máy hay đồng hồ quả quýt Tây Dương để tặng cho Tư Ngôn Tang mới từ nước ngoài trở về được. Cô có đến cửa hàng Tây xem vài lần, nhưng cũng chỉ càng tăng thêm sâu sắc suy nghĩ “không thể mua đồ ở đây được”.

Bên cạnh cửa hàng là một xưởng mộc. Tình cờ hôm đó đi ngang qua, cô thấy một người thợ mộc đang làm bộ phận cơ quan trong hộp gỗ. Cô dừng chân đứng ngoài nhìn, chợt trong đầu lóe lên một ý nghĩ.

Anh có hút thuốc không nhỉ?

Sở Vọng chỉ nhớ mang máng, dường như trong cuốn sách lịch sử cận đại nào đấy đã thấy ảnh anh hút thuốc, nhưng không biết bắt đầu hút từ khi nào. Không biết giờ anh đã hút thuốc chưa, nhưng nếu sau này muốn hút thì chuẩn bị một chiếc bật lửa tinh xảo vẫn là điều cần thiết.

Trên đường về, cô nhớ lại chiếc bật lửa của mình ở kiếp trước, dùng bút vẽ hơn mười tờ. Hôm sau cầm bản vẽ đến cửa hàng Tây hỏi, ông chủ người Ấn Độ nói có thể làm được, nhưng phải đợi tới ba tháng.

Ba tháng sau thì anh đã về lại Anh Quốc mất rồi, Sở Vọng không đợi nổi. Cầm bản vẽ uể oải quay về Du Ma Địa, ngài Saumur nhìn thấy nó, lại bày tỏ rất hứng thú với bản vẽ này.

Cầm bản vẽ nghiên cứu cho đến trưa, rồi ngài Saumur nói với Sở Vọng: Ông có quen một người tên Dupont chuyên chế tác đồ dùng da, hiện tại đang ở Hương Cảng, ông có thể hỏi hộ ngài Dupont này giúp cô.

Nghe ông nói xong, Sở Vọng trầm ngâm suy nghĩ rất lâu. Ngài Dupont này, liệu có phải là Simon Tissot Dupont* không?

(*S.T Dupont là người sáng lập thương hiệu thời trang cao cấp S.T. Dupont chuyên chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như ví, túi sách bằng da, bút, nước hoa, thuốc lá, nổi tiếng nhất là bật lửa bỏ túi.)

Ngay buổi chiều hôm đó, ngài Dupont đã cho câu trả lời: vì có đến hai trăm cơ quan nên phải mất nhiều thời gian chạm trổ. Nhưng nếu dùng lá vàng và paladi mỏng thì chỉ mất 10 ngày là làm xong.

Sở Vọng lập tức đồng ý, thậm chí còn không hỏi xem giá tiền mua vàng và paladi là bao nhiêu. Thấy cô sảng khoái như thế, ngài Saumur chỉ lắc đầu cười, cho rằng cô đã bị chàng trai ở Anh mê hoặc.

Cho nên ngài Saumur rất uyển chuyển đưa ra hoài nghi về phong cách ăn mặc ngày thường của cô.

Một ngày nọ ông nói: “Đợi chàng trai Anh Quốc đến Hương Cảng, cháu có định dẫn cậu ta ra biển không?”

Sở Vọng suy nghĩ rồi gật đầu đáp có: “Vịnh Nước Cạn đông người quá, có lẽ sẽ đến đảo nhỏ nào đó ở lân cận.”

Ngài Saumur nói: “Trên đảo rất nóng, cháu định mặc gì?”

Cô chưa kịp trả lời thì ngài Saumur đã nheo mắt, đưa ra đề nghị: “Bộ áo liền quần cháu may hôm trước rất được. Mặc áo sơ mi ở trong, hoặc áo sơ mi đi kèm váy xếp ly, rất hợp với áo sơ mi lụa kiểu nam mà cháu làm.”

Sở Vọng cười cám ơn ngài Saumur.

Nếu anh giấu cha và người nhà lén đến đây thì Sở Vọng cũng không thể để người quen gặp hai người bọn họ được, nên đến đảo nhỏ ít người hơn vịnh Nước Cạn là một lựa chọn cũng không tệ. Ngày 13 tháng 5 là thứ sáu, nếu đến đảo bốn ngày từ ngày 13 đến ngày 17, thì phải nghỉ hai lớp của giáo sư Từ.

Khi đến xin phép Từ Thiếu Khiêm, cô thuận tiện hỏi Từ Thiếu Khiêm nên đến đảo nào chơi thì sẽ vui hơn.

Từ Thiếu Khiêm nghĩ ngợi rồi nói, “Tôi chưa nghiên cứu kỹ về chuyện này. Nếu như sợ gặp người quen thì đến đảo Bồ Đài cũng được.”

Vậy là đã tạm thời quyết định được nên đi đảo nào, nhưng sau đó Sở Vọng lại không biết phải xin phép bà Kiều thế nào đây. Nghĩ đi nghĩ lại một lúc lâu, chợt một hôm nào đó chị Từ nói: “Nghe nói em muốn đến đảo Bồ Đài chơi với chồng chưa cưới vài hôm hả? Nếu em không biết nói với bác em thế nào thì cứ bảo là tôi mời em đi. Nếu bà ấy không tin, vậy để tôi gọi điện đến biệt thự xin phép giúp em, em chỉ việc đi chơi vui vẻ.”

Sở Vọng cũng không có cách nào tốt hơn thế nữa, luôn miệng cám ơn chị Từ đã suy xét chu đáo thay cô. Chị Từ lại nói: “Thật ra em cũng không cần phải cám ơn tôi làm gì. Ngày trước khi gả cho thầy em, tôi cũng muốn được gặp mặt trước khi kết hôn một lần, để biết người mình sắp gả trông như thế nào. Dù bản thân luôn muốn kết hôn, nhưng trước và sau khi thành thân thì sẽ khác nhau. Tôi không đi đứng được… Nếu ở trên đảo thấy gì ăn ngon hay có đồ chơi nào vui, thì nhớ đem về cho tôi và Văn Quân nhé.”

Thế là thủ tục xuất hành cũng đã được giải quyết, thuận lợi tới nỗi đến Sở Vọng còn nghi ngờ toàn bộ những chuyện này là một cái bẫy.

Đến gần ngày 13, bật lửa cũng đã được làm xong, mất hết hơn nửa số tiền Sở Vọng tích góp được. Ngài Dupont tự mình đem đến cửa, nói là muốn xem ai đã vẽ ra bản vẽ này, có vẻ không tin ngài Saumur bảo là do một cô bé chưa đầy 14 tuổi vẽ.

Thấy ngài Dupont ngạc nhiên mãi, trong thâm tâm Sở Vọng thực sự rất xấu hổ: kỳ thật bản vẽ này là do học trò của ông 80 năm sau tạo ra, không phải do tôi vẽ đâu. Đời sau vì để mua được chiếc bật lửa mang thương hiệu của ông, cô đã tốn mất gần ba bốn tháng tiền lương.

Gần đây nghe nói đã nối thông điện thoại đường dài Trung Nhật, mỗi lần cãi vã, Chân Chân đều lấy chuyện này để giễu cợt Doãn Yên, nói gì toàn là: “Nếu cảm thấy ấm ức thì gọi điện cho chồng chưa cưới của mình đi! Cứ nói cô ở Hương Cảng rất mệt, bảo anh ta về đón cô đi Tokyo. Dù gì thì cũng sắp lấy nhau rồi, cũng cỡ nửa năm mà thôi.”

Đối với Doãn Yên, những lời này đúng là sát chiêu có hiệu lực cao. Nhưng chỉ mấy hôm sau, sát chiêu này đã mất tác dụng – bởi vì không biết bà Kiều nghe được từ đâu mà nói mấy trường đại học ở châu Âu mời Lâm Du đến dạy, lần này đi có lẽ sẽ dẫn Sở Vọng và Doãn Yên theo.

Nên khi Chân Chân nói gì mà bảo cô đến Nhật Bản đó, Doãn Yên chỉ mỉm cười bảo: “Không cần phải đi Nhật nữa, đi châu Âu cũng thế thôi.”

Sáng sớm ngày 13, Sở Vọng đeo cặp trên lưng chuẩn bị ra ngoài thì Chân Chân và Doãn Yên lại đang cãi nhau về vấn đề “liệu ông Lâm có dẫn Doãn Yên đi châu Âu không”.

Chân Chân chế giễu: “Tiếng Anh của cô như thế, sau này còn nói chuyện với người Đức người Tây Ban Nha rồi cả người Pháp, nói có hiểu không?”

Doãn Yên đáp trả: “Cô thì nói rành rọt rồi, vậy cô đi đi.”

Thấy Sở Vọng đi xuống lầu, Chân Chân lập tức nói: “Cô nên củng cố quan hệ với Sở Vọng đi, đến lúc đó lỡ cô đi lạc, con bé còn có thể bằng lòng thương lượng với bọn buôn người, chuộc lại cô với mấy chục đồng tiền, cũng tiết kiệm được không ít bạc cho chú Lâm.”

Bà Kiều trách Chân Chân: “Buôn người với không buôn người cái gì thế hả, phủi phui cái mồm, cãi nhau cũng vừa phải thôi. Còn nữa, chị em nó có đi châu Âu hay không cũng chưa chắc, hiện tại cứ ở đây, gặp chú Lâm đã, đừng vội nói bậy bạ.”

Bà nhìn Sở Vọng cầm mũ che nắng đi xuống, hỏi: “Ra bến tàu bây giờ hả?”

Sở Vọng gật đầu.

Bà Kiều lại hỏi, “Đi bằng gì?”

Sở Vọng đáp, “Đi xe buýt ạ.”

Bà Kiều ồ lên, không vui nói: “Cô Từ không tìm xe đến đón à.”

Doãn Yên cười nói: “Có lẽ cô Từ bận quá chăng, nên mới mời em ba lên đảo giúp.”

Bà Kiều gật đầu: “Nếu xét về việc cẩn thận quan tâm thì hai đứa không bằng cháu ba đâu. Sở Vọng đi ra ngoài, cũng nên đem theo nhiều tiền chút.”

Doãn Yên lại nói: “Bình thường cứ ba ngày hai bữa là lại uống cà phê ăn kem với Tạ Di Nhã, xem ra cũng kiếm được không ít tiền ở chỗ ngài Saumur nhỉ.”

Chân Chân cười nói: “Tự Sở Vọng kiếm được và bác cho em ấy là hai chuyện khác nhau.”

Bà Kiều bảo dì Triệu đưa túi tiền cho Sở Vọng, cũng bảo: “Đây là bác nên cho cháu… Đương nhiên, nếu thấy có Côn bố* tốt thì có thể mua một ít đem về.”

(*Côn bố: là một loại tảo dẹt ở biển, là một vị thuốc trong Đông y.)

Sở Vọng cười nhận túi tiền, chào tạm biệt bà Kiều và hai chị rồi đi ra cửa.

Tiền bạc mà, việc gì phải từ chối.

Từ mùa xuân ba năm trước khi đến Hương Cảng này, thì đây là lần thứ hai cô ngồi xe đến bến tàu. Ngày hôm đó đó là một ngày đẹp trời, nhẽ ra cảnh sắc cũng phải đẹp như thế. Nhưng lần đầu tiên mang theo lo lắng thấp thỏm với thế giới không biết gì và sinh hoạt ngày sau, nên lúc đó dù thấy hồ nước xuất hiện sau sườn núi đỏ thì cô cũng không có cảm giác đặc biệt. Tuy bây giờ vẫn mù mờ, nhưng trong lòng Sở Vọng đã “quang đãng” hơn: Hương Cảng mà anh thấy, phải là một Hương Cảng rộng rãi trong lành chào đón anh.

Đi được nửa đường, không khí trở nên ẩm ướt, đặc biệt là trong xe buýt bị đóng kín ở mọi phía. Mở cửa sổ ra, cơn mưa phùn rơi lất phất hắt vào trong – đã hiểu vì sao những người ngồi sát cửa sổ không chịu mở cửa ra rồi. Sở Vọng không ngồi ở vị trí tốt, bị hun nóng đến mức mồ hôi đầy người. Cô không khỏi nghĩ: may mà ở tuổi này không cần trang điểm, nếu không đến bến tàu đúng giờ, thì nhất định lớp trang điểm trên mặt trông sẽ rất khó coi.

Xe buýt băng qua nội thành, liên tục có người lắc chuông xuống xe. Cuối cùng cô cũng được ngồi cạnh cửa sổ, mở cửa ra một làn gió ùa vào, rốt cuộc không khí trong xe cũng dễ chịu hơn, chỉ có điều mưa lại hắt lên người ông cụ ngồi sau. Sở Vọng xin lỗi đóng cửa xe lại, sau một hồi ngột ngạt, cuối cùng cũng được xuống ở bến tàu Trung Tâm, chợt lúc này trong bụng hô to chết rồi: cô quên đem theo dù.

Cô đi vào trong sân ga, gặp một con thuyền du lịch vừa chạy vào cảng, vậy tức là phải một lúc nữa thì con thuyền kế tiếp mới cập bên. Người trên thuyền lần lượt đi xuống, mọi người chen chúc nhau ra ngoài, Sở Vọng cũng chỉ có thể theo đám đông chen lên trước bến, đi vào một tiệm tạp hóa mua một cây dù màu đen. Người bên ngoài đã ít đi, cô miễn cưỡng từ từ chen vào cảng. Có hai tiểu thương cũng đi lên theo, một người là đến từ đại lục, một người là dân Hương Cảng.

Người ở đại lục chắc muốn đến đây “đãi vàng”, trước ngực treo một chiếc rương, trong rương có đủ các loại nước có ga. Trên rương dùng bút cọ màu viết: nước uống Hà Lan*.

(*Nước ngọt được truyền vào Trung Quốc từ thời kỳ Đồng Trị thời nhà Thanh (1862-1874), được gọi là nước Hà Lan.)

Lưu thông hàng hóa nước ngoài ở Hương Cảng phát triển hơn nhiều so với ở đại lục, giá nước ngọt khá rẻ, nên độ phổ biến cũng cao hơn trong nước không ít. Không biết nghĩ gì mà đến Hương Cảng bán nước Hà Lan, nhưng chắc chắn một điều là không kiếm được nhiều tiền. Thấy anh ta cứ quấn lấy mình, Sở Vọng bèn cho anh ta hai hào, mua hai chai nước Hà Lan đỏ nhạt.

Một tiểu thương khác thì chào hàng thuốc lá. Sở Vọng lắc đầu: “Ngài thấy tôi giống người biết hút thuốc à?”

Xua người bán đi, hai tay cô cầm hai chai, không còn tay để cầm dù nữa. Người trên cảng vơi dần, cô đi đến bàn bán phiếu: vừa để trú mưa, vừa để hỏi xem bao giờ tàu Litan vào cảng.

Cô gái bán vé kia có vẻ rất rảnh rang, đang lén dùng điện thoại của công ty gọi cho người yêu. Mặt nở nụ cười, ỏn ẻn nói chuyện bằng tiếng Quảng, khiến Sở Vọng nghe thấy mà nổi cả da gà. Nhân viên bán vé khó khăn cúp máy, không tình nguyện hỏi cô: “Đi đâu?”

Sở Vọng nghĩ ngợi rồi nói: “Tôi muốn hỏi…”

Nhân viên biến sắc: “Chỗ tôi không phải là nơi cố vấn!”

Lúc này lại có người vỗ vào Sở Vọng. Cô ngoảnh đầu nhìn lại, người kia đội mũ rơm, vành mũ hạ thấp. Người kia thấp giọng hỏi: “Có hai vé bán rẻ đến đảo Tháp Môn, cô muốn mua không?”

Sở Vọng đang định lắc đầu từ chối, thì nhân viên ở phía sau đã sửng cồ lên: “Sao, bọn cơ hội giờ càn rỡ thế hả, cũng không nhìn xem ở đây là đâu, dám bán vé trước mặt tôi hả?”

Người kia lại chẳng đoái hoài đến cô nhân viên, hỏi Sở Vọng tiếp: “Thế vé đến Đông Bình Châu thì sao, cũng chỉ còn hai vé thôi.”

Sở Vọng cũng chỉ cười lắc đầu: “Cám ơn, nhưng tôi không cần.”

Cô ngoái đầu hỏi nhân viên: “Xin hỏi bao giờ thì tàu Litan vào cảng? Tôi nghe nói là ngày 13…”

Người bán vé mất kiên nhẫn khoát tay, “Tàu Litan? Vào từ sáng sớm rồi, hiện tại người cũng đã đi hết, cô bé đến muộn rồi!”

Người phía sau lại hỏi: “Xin hỏi, cô còn muốn vé đến Bồ Đài không? Tôi bán rẻ hơn bọn họ lắm rồi.”

Tới muộn mất rồi… Sở Vọng ngơ ngác nghĩ. Nếu đã đến rồi, không chờ thì đi đâu nhỉ.

Mưa bên ngoài càng lúc càng to, cô cầm nước Hà Lan che dù, người bán vé lậu lại đi theo cô, đột nhiên cầm lấy chiếc dù trong tay cô che mưa cho cô, cúi đầu hỏi: “Vé tàu đi đảo Bồ Đài, có muốn không?”

Sở Vọng giật thót mình, vươn tay nhấc mũ người nọ kia lên, nhưng người kia nhanh chóng né tránh. Mũ rơm khá to, song vì anh lắc mình nên bị gió trên sân thổi bay.

Người đàn ông ấy mặc một chiếc áo len màu xám nhạt bên ngoài áo sơ mi, đi quần tây và giày đen đế bằng. Mũ rơm bị thổi bay, mưu kế của anh thất bại, không biết làm gì ngoài đút tay trong túi quần, cúi đầu dịu dàng mỉm cười. Là một người vô cùng gọn gàng, nụ cười kia lại không giấu được chiếc răng nanh tinh nghịch – ngay đến nụ cười cũng trong sáng hơn người khác nhiều.

Quả nhiên là anh.

Thời gian ba năm đã khiến một chàng trai trở thành một người đàn ông, nhưng vẫn đọng lại hơi thở của tuổi trẻ.

Anh mỉm cười đến gần Sở Vọng, trong tay cầm hai tấm vé tàu, cười hỏi: “Vậy là muốn dẫn anh đến đảo Bồ Đài hả?”
 

MUALARUNG91

Tác giả
Sưu tầm
Tham gia
25/8/19
Bài viết
4,780
Điểm cảm xúc
577
Điểm
113
Chương 38: Đảo nhỏ (2)
Sở Vọng nhìn anh, tay cầm nước Hà Lan vòng ra sau lưng sờ soạng: “Em muốn dẫn ai đi đảo Bồ Đài ấy nhỉ?”

Tư Ngôn Tang chỉ vào mình: “Anh nè.”

Sở Vọng nheo mắt nhìn anh, hỏi: “Anh là ai?”

Anh cười nói: “Vị hôn phu của em.”

“Vị hôn phu của em?” Sở Vọng đánh giá anh một lượt từ đầu tới chân, sau đó lắc đầu, “Gần đây hôn phu của em ăn khoai tây trứng gà rất nhiều, phải béo núc béo ních mới đúng. Còn anh quá gầy, đâu giống anh ấy?”

Tư Ngôn Tang cười khổ, “Hiện tại anh béo cũng không kịp rồi, phải làm gì bây giờ?”

Sở Vọng nhìn anh, “Ăn phô mai nhiều mà không có thịt thừa, rốt cuộc anh làm sao hay thế?”

Anh nhỏ giọng phản bác: “Hương Cảng nắng gắt như vậy, vì sao em không bị sạm đen?”

Sở Vọng hung dữ đáp trả: “Sao nào, anh thích da đen hả?”

Tư Ngôn Tang không nhịn được bật cười.

“Không phải. Hiện tại rất tốt…” Anh cúi đầu, cố gắng nghĩ ngợi một hồi rồi mới ngẩng đầu lên tổng kết: “Chỗ nào cũng vừa phải.”

Thấy bộ dạng dè dặt tìm từ của anh, Sở Vọng cũng không kìm nén nổi mà phì cười: “‘Cũng vừa phải’ cái gì chứ? Tùy ý thế à? Anh đến nhà em làm khách hả?”

“Anh không phải là khách của em sao?” Anh hạ giọng hỏi, “Thế anh là gì của em?”

“Anh là…” Sở Vọng thật sự ngẩng đầu nghĩ ngợi.

Một thoáng sau mới hiểu ra đây chỉ là lời nói đùa, cô lập tức xoay người đi ra ngoài, vừa đi vừa nghiêng đầu mỉm cười. Tư Ngôn Tang vội đuổi theo cô bung dù lên, ngoài miệng vẫn truy hỏi, “Là gì?”

Hai người một trước một sau đi trong mưa. Mưa càng lúc càng lớn, có mùi của cơn mưa đầu hạ. Ra khỏi bến tàu đến trạm xe buýt, giày da của Sở Vọng đã ướt sũng, cô cúi đầu nhìn ống quần anh – một mảng đen từ dưới đầu gối lan xuống tận trong giày, có nghĩa trong giày cũng ướt.

“Hành lý của anh đâu?” Sở Vọng hỏi.

“Gửi ở bến tàu rồi.” Anh nói.

Sở Vọng cúi đầu trầm ngâm, chuyến xe buýt tới bến cảng làng chài Aberdeen đã đến rồi. Sở Vọng tay cầm nước ngọt, miệng ngậm hai tấm vé xe lên xe, Tư Ngôn Tang cụp dù đi sát theo sau. Đám đông lần lượt đi lên, hai người đi xuống cuối xe, chỉ vừa dừng lại thì xe đã nổ máy khởi động.

Đáng nhẽ trong xe sẽ phải chen chúc dữ lắm, nhưng Sở Vọng lại có thể thoải mái xoay người. Đưa mắt nhìn lại, thì ra Tư Ngôn Tang đã giang tay tạo ra một khoảng không gian nhỏ cho cô.

Tư Ngôn Tang “à” một tiếng với cô. Trong khoảnh khắc Sở Vọng ngạc nhiên, hai tấm vé xe màu đỏ nhạt trong miệng cô đã bị anh rút lấy. Lúc cúi người, hai giọt nước từ trên tóc anh nhỏ xuống tay cô. Sở Vọng nhìn giọt nước trong suốt lấp lánh trên tay, tới khi ngẩng đầu lên thì thấy anh đang mỉm cười nhìn mình.

“Từ nãy đến giờ anh cười gì thế?”

Anh lắc đầu không đáp.

Sở Vọng bất đắc dĩ, lại hỏi: “Nóng hả?”

Anh gât đầu.

Sở Vọng đưa chai nước Hà Lan cho anh, anh cầm lấy uống liền mấy hơi.

“Có ngọt không?”

“Có.”

“Thật không?” Sở Vọng nghi ngờ uống một ngụm, quả nhiên ngọt ngấy, ngọt tới nỗi làm cô nhíu mày, không biết vì sao anh có thể ung dung uống hết cả chai như vậy.

Mắt thấy sắp đến Aberdeen, Sở Vọng vội nhón chân với tới dây chuông, nhưng với mấy cũng không với thấu. Tư Ngôn Tang mỉm cười vươn tay ra, rung chuông *leng keng* như đang khoe mẽ. Sở Vọng nhìn anh, anh mím môi, lại kéo thêm hai lần nữa. Lần này đến bác tài cũng biết anh ra vẻ hơi quá, nói: “Nghe thấy rồi, cũng không phải là tên điếc! Xuống xe ở Aberdeen ——”

Xe vừa dừng lại, Sở Vọng tức khắc kéo tay anh chen lách đi ra cửa xe, chen lấn một hồi, mũi chân vừa chạm đất thì xe cũng chạy vụt đi. Cô thở phì phò cười to, nói, “Giống đánh nhau lắm đúng không?”

Anh không đáp, ngẩn ngơ nhìn bàn tay phải đang được Sở Vọng nắm chặt.

Sở Vọng cười, nắm tay anh chạy đến bến cảng. Lúc này trời đã ngừng mưa, ánh nắng chan hòa bị tầng mây che khuất, trên mặt đất ướt sũng. Một chiếc thuyền sắp rời bờ, thủy thủ ở trên bờ hét lớn: “Ai đi Trường Châu thì nhanh chân lên ——” Đến khi tàu rời bến hơn hai mét thì anh ta không hét nữa, chạy nhanh lấy đà rồi nhảy phốc lên sàn thuyền, khiến Sở Vọng trợn mắt há mồm nhìn.

Đợi trên bến yên tĩnh trở lại, Sở Vọng đi tìm thủy thủ đứng cạnh một con tàu khác, hỏi: “Đến đảo Bồ Đài, chuyến xuất phát sớm nhất là khi nào?”

Người nọ cau mày nói: “Bồ Đài? Hôm nay là thứ Sáu, không phải Chủ nhật, không có thuyền đến Bồ Đài!”

Vậy biết làm sao đây? Sở Vọng ngoái đầu nhìn Tư Ngôn Tang, trong lòng phủ quyết rất nhiều phương án. Anh lại nheo mắt nhìn ra xa, sau đó hỏi: “Thế con thuyền kia đi đâu?”

Người kia nhìn lại theo ánh mắt anh, nói: “Thuyền đó đúng là đến đảo Bồ Đài, có điều là thuyền của thủy quân. Gần đây mới mời vài sĩ quan đến dạy, hiện tại mời các sĩ quan đến đảo Bồ Đài chơi cuối tuần ——”

Cám ơn người kia xong, Tư Ngôn Tang ngoái đầu cười nói: “Đi theo anh.” Nói rồi anh kéo tay cô đi về chiếc thuyền của thủy quân. Con thuyền to lớn lộng lẫy, có điều đã hơi cũ. Thảm đỏ trông chẳng ra gì, trải dài từ trong khoang ra trên boong rồi xuống tận bờ, cạnh thảm đỏ có ba bốn sĩ quan người Anh tụ tập hút thuốc nói cười. Anh đi về phía trước, hỏi bằng tiếng Anh: “Cho hỏi Neil Brown có ở trên thuyền không? Vừa rồi tôi có thấy anh ấy.”

Mấy người thủy quân nghe thấy phát âm chuẩn của anh thì nhìn anh thêm mấy lần. Tư Ngôn Tang cười nói: “Tôi có học chung với anh ấy lúc ở Anh.”

Mấy người kia cũng không dám thất lễ hỏi thêm, chỉ réo người đi tìm Neil tới.

Một lúc sau, một anh chàng thủy quân người tròn xoe, tóc đỏ mắt xanh ở trên boong chầm chậm chạy tới. Vừa trông thấy Tư Ngôn Tang, anh ta cười lớn, dùng tiếng Trung kiểu Anh gọi: “Tư, là cậu!”

Đợi đến khi tới gần, anh ta cười nói bằng tiếng Anh: “Tôi còn tưởng là bạn nào chứ!” Nói đoạn quay sang nhìn Sở Vọng, giật mình bừng tỉnh, hỏi Tư Ngôn Tang: “Cô gái này chính là quý cô gấu Teddy khổng lồ kia đúng không?”

Quý cô gấu Teddy khổng lồ cái gì cơ? Sở Vọng thắc mắc vô cùng, giương mắt nhìn Tư Ngôn Tang. Xem ra anh cũng không thích Neil nói thế, khẽ chau mày rồi chậm rãi gật đầu.

Không đợi Tư Ngôn Tang giới thiệu Sở Vọng, Neil đã tự ra vẻ thân mật chìa tay ra với Sở Vọng: “Xin chào quý cô, tôi là Neil, đi cùng thuyền về nước với Tư.”

Sở Vọng đang định bắt tay với anh ta, không ngờ Neil đã trở tay hôn lên tay cô, dọa Sở Vọng sợ hãi giật mình. Đợi Neil đứng lên, Sở Vọng cười cười xấu hổ, tự giới thiệu: “Tôi là Linzy.”

Neil nhướn mày, “Và?”

Sở Vọng cũng nhướn mày nhìn Tư Ngôn Tang, ngoài miệng đáp: “Không có.”

Neil cười to: “Hai người muốn lên đảo Bồ Đài đúng không? Sáng nay ở trên thuyền tôi nghe cậu ta nói thế. Nếu không giới thiệu cô là gì của Tư thì tôi sẽ không đồng ý.”

Tư Ngôn Tang giải vây: “Là vị hôn thê của tôi.”

Neil vỗ vai anh, “Tôi nói rồi mà.” Rồi quay sang nhiều chuyện với Sở Vọng: “Cô Linzy, con gấu Teddy kia, cậu ta đã nói với cô chưa?”

“Gấu teddy gì cơ?”

Anh ta vỗ vai Tư Ngôn Tang, chào một tiếng với mấy người lính thủy quân đứng ở cửa, sau đó ba người đi thẳng vào trong khoang.

“Bạn bè đi thuyền từ Anh đến đây như chúng tôi đều biết —— ” Neil nói với vẻ rất khoa trương.

“Im miệng.” Tư Ngôn Tang cau mày cắt ngang.

“Mời anh nói tiếp.” Sở Vọng thấy hứng thú, cười bảo Neil nói tiếp đi.

Neil hạ thấp giọng, cười bảo: “Dọc đường cậu ta ôm một con gấu Teddy khổng lồ, có nói gì cũng không chịu cho vào trong vali, cả đường cứ cầm trong tay. Người Anh người Đức người Pháp ở trên thuyền đều biết chắc chắn Tư có một cô bạn gái đáng yêu ở Hương Cảng, bởi vậy những cô gái muốn đến gần cậu ta cũng không được, vừa thấy cậu ta là tránh xa ba mét. Cô đã nhận được chú gấu chứa đựng tình yêu dạt dào của cậu ta chưa?”

Sở Vọng lắc đầu, cười nhìn Tư Ngôn Tang.

Neil càng nói, mặt Tư Ngôn Tang càng đen.

Sở Vọng cười: “Gấu của em đâu?”

“Lúc xuống thuyền mưa to quá. Bị dầm mưa bẩn hết rồi.” Tư Ngôn Tang quay đầu đi, “Anh bỏ trong vali, chắc em không muốn đâu… Nếu em nhìn nó, cũng sẽ cảm thấy xấu cho xem.”
 

MUALARUNG91

Tác giả
Sưu tầm
Tham gia
25/8/19
Bài viết
4,780
Điểm cảm xúc
577
Điểm
113
Chương 39: Đảo nhỏ (3)
Neil cười lớn bảo: “Để Tư tiếng tăm lừng lẫy cầm suốt dọc đường, đúng là đáng tiếc… Nếu không cần thì cho tôi đi, tôi không chê đâu.”

Sở Vọng mỉm cười: “Tôi đâu nói là không cần.”

Tư Ngôn Tang cụp mắt nhìn thẳng, “Hồi sáng nhìn không rõ, cứ tưởng mưa không lớn.”

Cô nghĩ ngợi, “Phơi nắng một lúc là ổn thôi mà, không xấu đâu.”

“Thật hả?” Lúc này anh mới nhướn mày nhìn cô, “Xin lỗi em.”

Sở Vọng mỉm cười, đang định trấn an anh vài câu, thì chợt thấy vài người sĩ quan được thủy quân ngoài cửa vây quanh đi vào trong khoang, nghênh ngang tiến thẳng một mạch về phía trước. Trong số những người đi vào có giọng Anh pha lẫn giọng Mỹ. Sở Vọng *wow* lên, “Vì sao có cả người Mỹ nữa vậy?”

Neil nói, “Từ thế kỷ trước, đây từng là bến cảng tiếp tế của chiến hạm nhiều nước mà.”

Tư Ngôn Tang nheo mắt nhìn rồi nói, “Là không quân?”

Neil cười đáp: “Một du học sinh đến Mỹ mời vài đại tá không quân đến giảng bài. Có điều hải quân thì chắc chắn vẫn phải là người Anh rồi.”

Sở Vọng mơ hồ nghe thấy một âm thanh khá quen tai, nheo mắt nhìn nhưng không nhận ra là ai. Chợt mấy cô gái người Mỹ đứng cạnh vừa cười to “oh gosh ——” đầy khoa trương, nhấn chìm âm thanh kia đi, rồi bọn họ cùng nhau đi thẳng lên lầu.

Có hai người ở trên lầu thò đầu xuống gọi Neil đi lên, Neil mỉm cười với họ, nói: “Trên đảo chỉ có một khách sạn, sợ là tối nay đã bao phòng hết rồi, không biết còn phòng trống không nữa.”

Nói đoạn, anh ta đi lên cùng với hai người kia, dưới khoang thuyền không còn ai nữa, chỉ có hai người đưa mắt nhìn nhau.

“Không có chỗ ở thì đành đi dạo trên đảo thôi.” Sở Vọng nháy mắt, “Nghe nói có nhà của thầy mo và đá quan tài đấy.”

Tư Ngôn Tang cười: “Lần này Viên Mai đường Hillwood muốn kể chuyện gì cho anh đây?”

Sở Vọng chắp tay sau lưng, xoay lưng về phía anh sảng khoái bước hai bước, bất chợt cô ngoái đầu lại, cầm bật lửa trong tay, khi ngọn lửa phừng lên, ánh lửa nhảy múa trên mặt anh. Cô cười nói: “Chuyện ma!”

Trong lúc anh ngây người, Sở Vọng đã đặt bật lửa vào tay anh, cười nói: “Tặng anh.”

“Của anh?” Anh mở tròn mắt, nhìn chăm chú chiếc bật lửa đồ chơi xinh xắn trong tay, bất giác mỉm cười, “Anh…”

Sở Vọng nhìn vào mặt anh, nhủ thầm: bây giờ vẫn chưa biết hút thuốc à?

Đúng lúc này, lại chợt nghe thấy âm thanh quen tai ở trên lầu truyền xuống: “—— Xin lỗi đã làm phiền, có thể cho mượn lửa không?”

Hai người đồng thời ngẩng đầu lên. Chỉ tháy một người đàn ông mặc áo gi lê màu ám xanh khoác ngoài, quần trắng giày xanh cọ, miệng ngậm một điếu thuốc chưa châm lửa đi xuống lầu. Anh cau mày, có lẽ nghiện thuốc lá rồi. Anh giơ hai tay kẹp lấy điếu thuốc, chỉ vào chiếc bật lửa trong tay Tư Ngôn Tang, hình như thấy là người Trung thì lại dùng tiếng Quảng lặp lại: “Có thể mượn lửa được không?”

Người này cũng trắng y hệt Tạ Di Nhã, thậm chí càng không có sắc máu. Sở Vọng nhìn mặt anh ta chăm chú, rồi đột nhiên cũng thốt ra một câu bằng tiếng Quảng: “Anh là… Coca Cola Watsons kia?”

Người nọ cũng nhìn cô một lúc, sau đó bật cười nói: “Là tôi.”

Rồi anh đứng thẳng người lên, nói: “Tiếng Quảng của em vẫn rất tệ.”

Sở Vọng đáp trả: “Anh cũng không sành sõi tiếng Trung.”

“Thế à.” Anh bĩu môi, “Tôi cho rằng mình đã tiến bộ rất nhiều.” Rồi anh cúi đầu nhìn bật lửa trong tay Tư Ngôn Tang, tán dương: “Đẹp lắm.”

Tư Ngôn Tang nheo mắt, khách khí nói: “Cám ơn. Có điều tôi cũng mới nhận được.”

“Anh cũng hút thuốc?” Tạ Trạch Ích hỏi.

“Có hút.” Tư Ngôn Tang không do dự đáp.

Sở Vọng nhịn không được mỉm cười. Rất muốn nói không cần phải ép mình đâu, nhưng không đành lòng vạch trần anh.

Tư Ngôn Tang tiếp nhận lấy một điếu 555, kẹp vào giữa tay lóng ngóng châm lửa, nhưng châm mấy lần cũng không đỏ. Sở Vọng nhìn ra ngoài, suýt nữa đã không kìm nén được kích động muốn bước đến chỉ điểm. May mà Tạ Trạch Ích cũng nhìn không đặng, mở miệng nhắc nhở trước: “Vừa hút vừa châm.”

Tư Ngôn Tang gật đầu, học theo người ta ngậm thuốc vào miệng, châm lửa rồi hít một hơi —— chợt hốc mắt đỏ bừng, ho khan dữ dội. Sở Vọng đi tới vỗ vào lưng cho anh, trong bụng oán thầm: không biết hút thì đừng cố học làm gì.

Tạ Trạch ích cười nói: “Hút nhanh quá rồi đấy.”

Lúc này thân thuyền đột ngột rung lên, thuyền đã cập bờ rồi. Trên lầu truyền đến tiếng bước chân cùng tiếng vỗ tay hoan hô, tiếng giày cao gót giẫm xuống sàn vang lên liên tục, một cô gái tóc nâu tựa vào lan can, dùng giọng Mỹ ai oán: “Zoe, sắp lên bờ rồi, em muốn ăn hải sản ngoài đường.”

Tạ Trạch Ích nhướn mày nhìn cô nàng, gật đầu nói, “Xuống đây.”

Sau đó hỏi Tư Ngôn Tang: “Lần sau xin lửa, có thể nói cho tôi biết chiếc bật lửa này được làm ở đâu không?”

Không đợi có được câu trả lời, anh đã sải bước rời đi, ôm eo cô gái người Mỹ lên bờ.

Tư Ngôn Tang khó khăn lấy lại sức sau hơi thuốc đầu tiên trong đời dùng sức rít quá mạnh, rồi lúc này mới hỏi, “Ai vậy?”

“Anh trai của một người bạn.” Sở Vọng không biết liệu anh ta có nói với Tạ Di Nhã là thấy mình ở Bồ Đài không, nên không khỏi thấp thỏm.

Lúc này Neil ở trên lầu cũng đã đi xuống, một tay khoác lên vai Tư Ngôn Tang, cùng anh đi nhanh về phía trước, vừa đi vừa cao giọng nói: “Cậu phải cám ơn tôi đấy Tư à. Tôi đã vì cậu mà xin một căn phòng đấy, nếu cậu muốn thể hiện lịch thiệp, thì buổi tối chen chúc với tôi cũng được, nhường căn phòng đó cho quý cô kia ở…”

Mắt Tư Ngôn Tang vẫn đỏ kè, căng thẳng nhìn sang cô. Sở Vọng gật đầu, mỉm cười đi theo bọn họ.

Khách sạn lớn duy nhất trên Bồ Đài nổi tiếng vì hải sản ngoài đường. Ba người chen chúc giữa đám thủy quân ồn ào, ai nấy tự về phòng mình. Sở Vọng thay quần áo bẩn vì dính mưa trên người, đổi sang áo sơ mi trắng và áo dây liền quần. Cô vừa lau khô tóc vừa đẩy cửa ra, thì thấy Tư Ngôn Tang đã chờ sẵn bên ngoài. Sở Vọng ló đầu ra hỏi anh: “Áo quần với giày đã khô chưa?”

Anh lắc đầu.

Sở Vọng ôm ba chiếc áo sơ mi trắng kia đưa cho anh, “Cầm áo vào phòng tắm thay đi, cởi tất ra đưa em.”

Anh nhìn áo rồi lại ngẩng đầu nhìn Sở Vọng, hai mắt đen láy.

Sở Vọng mỉm cười: “Nhìn em như thế làm gì?” Nói đoạn, cô đẩy anh đi vào, “Nhanh đi thay đi, nhân lúc không có ai ở đây.”

Anh ôm áo hỏi: “Thấy thì sao, có thể khiến em gả cho anh sớm hơn không?”

Sở Vọng trợn mắt nhìn anh, anh bật cười đi vào phòng, khép cửa lại.

Khách sạn có chuẩn bị máy sấy cầm tay. Khi hong khô quần và giày cho anh, chợt trong phòng rửa mặt truyền đến: “Hai năm rưỡi lâu quá, nếu sang năm thì tốt biết mấy.”

__

*Chiếc bật lửa được nhắc đến trong truyện, hình ảnh do tác giả đăng.

75282381_3099993566681608_8329433173251325952_n
 
Trạng thái
Không mở trả lời sau này.
Top