Lượt xem của khách bị giới hạn

[Thơ] [Thơ Dịch] Cổ Thi: Bản Sắc Thi Ca

[Thơ] [Thơ Dịch] Cổ Thi: Bản Sắc Thi Ca
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
xSIRTzT.png


Cổ Thi: Bản Sắc Thi Ca

Sưu tập và biên soạn:
Lạc Mỹ Xuyên Thu

icDkvAX.jpg










Sơ Lược Về Thi Văn

Thi là chí, Văn là đời.

Đó là cội nguồn của văn chương mà các nhà phê bình văn học thường nói.

Văn nhân - Thi sĩ mượn chữ viết để nói lên cái chí của mình, để tả lại cái sự đời. Nhưng để có được một áng văn tuyệt tác, một bài thơ bất hủ họ đã phải dành phần lớn cuộc đời mình để trải nghiệm rồi chiêm nghiệm, suy tư cấu tứ. Ấy chỉ mới là Sức mà thôi, ai ai cũng có thể làm được, nếu muốn. Phần quan trọng hơn đó chính là Tài, mỗi người một vẻ. Thế mới có "chiếu trên" dành cho các bậc Văn hào 文豪 - Thi hào 詩豪!

Khoảng giữa của Văn (tản văn) và Thơ (vận văn) lại tồn tại một thể loại đặc biệt là Phú đại diện cho thể Biền văn, tức kết hợp giữa tản văn và vận văn. Thể loại Phú ngày nay không mấy ai dùng nhưng xưa kia thịnh hành trong một thời gian dài ở Trung Hoa cũng như ở nước ta.
Về cơ cấu và quá trình phát triển cổ thi văn Trung Hoa xin tóm tắt như sau:
Cơ cấu Thi-Phú:

  • Thi kinh > Cổ Phong thi > Đường Luật thi: thi ca thuần tuý, dùng để ngâm vịnh.
  • Sở từ > Phú (lưu thuỷ, đường phú): ngợi ca hay thán oán.
  • Hán Nhạc Phủ > Tống Từ > Nguyên Khúc: làm ca từ cho nhạc kịch.
Cơ cấu Tản Văn:

  • Luận: Luận thuyết (đại thuyết), Nghị luận
  • Ký: Sử ký, Bút ký, Hồi Ký
  • Truyện: Truyền thuyết, Tiểu thuyết
  • Tán: Tự, Bạt; Tế (điếu), Minh
(Trích Cổ Hán Văn của Lỗ Bình Sơn)


Tóm Lược Về Nội Dung

Văn sinh thi, thi hữu văn.

Ngày xưa, thi ca cốt chủ yếu trong những cuộc thi văn nhân, một phần cũng vì nó dễ tóm gọn nội dung hơn là phải viết những câu văn dài dòng lý thuyết.

Bên cạnh đó, cái hay ở thi ca chính là việc đánh giá con người qua việc nhìn cái Chí (志) để đánh giá cái Nhân (人).

"Cổ Thi: Bản Sắc Thi Ca" sẽ giới thiệu một số những tác phẩm thi ca cổ bao gồm thơ cổ Việt Nam và Trung Hoa (Phần lớn là thơ đường). Ngoài những bản tự dịch, Thu sẽ tóm lược vài nét về tác giả, tác phẩm (Bao gồm chữ Hán) cũng như sẽ sưu tầm thêm vài bản dịch của các nhà thơ khác.


Đây là bản dịch dựa vào phần Hán tự và bản Hán Việt nên có phần giống với những bản dịch khác. Nếu có ý kiến về bản quyền, liên hệ người dịch để biết thêm chi tiết, xin cảm ơn.

(Mọi bản dịch sưu tầm thêm sẽ được chú thích)



Danh Sách Tác Giả & Tác Phẩm (Cập nhật)

☆☆☆


Mọi người nếu có những bản dịch khác vẫn có thể tham gia và gửi ngay phía dưới topic.

Nghiêm cấp Spam với mọi hình thức, nếu cần góp ý mời vào topic thảo luận hoặc Wall của mình, nếu không sẽ xóa không báo trước.

 
Sửa lần cuối:
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Bồ Tát Man 菩薩蠻
Tác giả: Thẩm Đoan Tiết
***

Sơ lược tác giả:

Thẩm Đoan Tiết 沈端節 người Ngô Hưng, sống tại Đàm Dương, năm sinh và mất không rõ, sống khoảng trước sau niên hiện Càn Đạo đời Tống Hiếu Tông, làm các chức quan Vu Hồ lệnh (Huyện lệnh Vu Hồ), Tri Hành châu (Tri Phủ Hành Châu).

菩薩蠻

千里供行色,
客愁濃似春山碧。
幸自不思歸,
子規心上啼。

芳意隨人老,
綠盡江南草。
窈窕可人花,
路長何處家。

Bồ Tát Man

Xuân sơn thiên lý cung hành sắc,
Khách sầu nùng tự xuân sơn bích.
Hạnh tự bất tư quy,
Tử quy tâm thượng đề.

Phương ý tuỳ nhân lão,
Lục tận Giang Nam thảo.
Yểu điệu khả nhân hoa,
Lộ trường hà xứ gia.

(Tư liệu: Thivien.net)

Bản dịch:

Núi xuân nghìn dặm một vẻ tròn
Khách buồn khắc khoải trước núi non
Hạnh phúc khi không về chốn cũ
Con về than khóc lòng sắc son.

Cảnh sắc theo người qua bao tuổi
Xanh tận Giang Nam cỏ vẫn còn
Dáng hoa như ngỡ người trong mộng
Đường xa chẳng thấy bóng nhà con.

-Lạc Mỹ Xuyên Thu-


 
Sửa lần cuối:
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Lục Hồn Sơn Trang
陸渾山莊

Tác giả: Tống Chi Vấn
***

Sơ lược về tác giả:

Tống Chi Vấn 宋之問 (khoảng 656-710), còn có tên là Thiếu Liên 少連, tự Diên Thanh 延清, quê quán ở Hà Nam. Tuy không có tài liệu nào cho biết rõ năm sinh nhưng ông mất năm 710, và do đó được xếp vào những nhà thơ của Sơ Ðường. Không rõ cuộc đời sĩ tử của ông ra sao nhưng hoạn lộ của ông bắt đầu rất sớm. Mới hai mươi tuổi đã được Võ Tắc Thiên vời ra làm quan tại Tập hiền quán, sau đó không lâu lại được thăng làm Khảo công viên ngoại lang, rồi Thượng phương giám thừa.

[Tìm hiểu thêm về tác giả]


陸渾山莊

歸來物外情,
負杖閱岩耕。
源水看花入,
幽林採藥行。
野人相問姓,
山鳥自呼名。
去去獨吾樂,
無然愧此生。

Lục Hồn Sơn Trang

Quy lai vật ngoại tình,
Phụ trượng duyệt nham canh.
Nguyên thuỷ khán hoa nhập,
U lâm thái dược hành.
Dã nhân tương vấn tính,
Sơn điểu tự hô danh.
Khứ khứ độc ngô lạc,
Vô nhiên quý thử sinh.


Bản Dịch: Lạc Mỹ Xuyên Thu

Về nơi chốn cũ lòng bỏ lại
Chống gậy bên non ngóng ruộng cày
Nơi đầu nguồn thẳm thơm hoa mới
Chốn cuối rừng sâu thuốc sẵn bày
Người lạ hỏi tên tường danh tính
Chim rừng cất tiếng tự cho hay
Đi lại mình ta cùng khoái lạc
Không tài tự thấy thẹn lòng thay.


Bản Dịch Của Trần Trọng Kim

Nghỉ về gác bỏ chuyện đời,
Thung dung chống gậy coi chơi ruộng cồn.
Xem hoa vào tận trong nguồn,
Có khi hái thuốc đi luôn vào rừng.
Người quê hỏi họ lăng nhăng,
Chim kêu trên núi tự xưng tên mình.
Đi đi cho thỏa tâm tình,
Vụng về ngẫm lại sinh bình tủi thay.

(Bản dịch của Trần Trọng Kim
Sưu tầm: thivien.net)


 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Vãn thứ Nhạc Hương huyện
晚次樂鄉縣

Tác giả: Trần Tử Ngang
***

Sơ lược về Tác Giả

Trần Tử Ngang 陳子昂 (661-702) tự là Bá Ngọc 伯玉, người đất Xạ Hồng, Tử Châu (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Lúc thiếu thời ông chỉ mải vui chơi săn bắn, đánh bạc. Đến 18 tuổi còn chưa biết đến sách. Sau đi học lại rất chịu khó và đậu tiến sĩ. Ra làm quan tới chức Hữu thập di rồi xin từ quan trở về quê. Ông bị chết trong tù năm 42 tuổi. Có để lại tập thơ nhan đề là Trần Bá Ngọc tập.


晚次樂鄉縣

故鄉杳無際,
日暮且孤征。
川原迷舊國,
道路入邊城。
野戍荒煙斷,
深山古木平。
如何此時恨,
噭噭夜猿鳴。

(Tư liệu: thivien.net)


Vãn thứ Nhạc Hương huyện

Cố hương yểu vô tế,
Nhật mộ thả cô chinh.
Xuyên nguyên mê cựu quốc,
Đạo lộ nhập biên thành.
Dã thú hoang yên đoạn,
Thâm sơn cổ mộc bình.
Như hà thử thì hận,
Khiếu khiếu dạ viên minh.


Bản dịch:
Chiều đến huyện Nhạc Hương


Quê xưa khuất bóng giữa trời xa
Cất bước đơn côi dưới xế tà
Sông núi ngỡ đâu về nước cũ
Lối nào như dẫn đến thành ca
Khói hiệu biên cương dần tắt lại
Bão giăng rừng thẳm hẳn vừa qua
Thấy cảnh đau lòng người xa xứ
Chợt nghe vượn hú thoảng đời ta.

Lạc Mỹ Xuyên Thu

 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Tòng Quân Hành
從軍行

Tác giả: Dương Quýnh
***


Sơ Lược về Tác Giả
Dương Quýnh 楊炯 (650-692) sống vào khoảng đời vua Đường Cao Tông 唐高宗, người huyện Hoa Âm 華陰, một trong Sơ Đường tứ kiệt. Trong Toàn Đường thi 全唐詩 có chép 33 bài của ông.


從軍行

烽火照西京,
心中自不平。
牙璋辭鳳闕,
鐵騎繞龍城。
雪暗凋旗畫,
風多雜鼓聲。
寧為百夫長,
勝作一書生。

Tòng Quân Hành

Phong hỏa chiếu Tây kinh,
Tâm trung tự bất bình.
Nha chương từ phụng khuyết,
Thiết kỵ nhiễu Long thành.
Tuyết ám điêu kỳ hoạ,
Phong đa tạp cổ thanh.
Ninh vi bách phu trưởng,
Thắng tác nhất thư sinh.

(Tư liệu: thivien.net)

Bản Dịch: Khúc Ca Tòng Quân

Giăng mờ lửa hiệu phủ Tây Kinh*
Oán giận trong tâm nỗi bất bình
Giữ ấn* trong tay rời gác phượng
Lên yên giáp ngựa đảo Long Thành*
Sương che tuyết phủ trên cờ chiến
Gió lẫn đan xen tiếng trống kình
Thà đứng cầm đầu trăm kẻ lính
Còn hơn học đòi gã thư sinh.

Lạc Mỹ Xuyên Thu



Chú thích:
*Tây Kinh: hay còn gọi là thành Trường An
*Ấn (Ấn ngà): Binh phù
*Long Thành: Kinh thành của tù trưởng Hung Nô
 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Đổ Phủ 杜甫
***

Du_Fu.jpg


Phần Một: Cuộc Đời Và
Sự Nghiệp Sáng Tác


☆ Cuộc Đời:
Đỗ Phủ 杜甫 (712-770) tự Tử Mỹ 子美, hiệu Thảo đường 草堂, Thiếu Lăng dã lão 少陵野老, người đời sau gọi là Đỗ Thiếu Lăng, Đỗ Lăng tẩu, Đỗ công bộ hay còn gọi là Lão Đỗ để phân biệt với Tiểu Đỗ là Đỗ Mục. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình quan lại lâu đời ở huyện Củng, nay thuộc tỉnh Hà Nam. Ông nội là Đỗ Thẩm Ngôn, một nhà thơ nổi tiếng thời Sơ Đường. Cha là Đỗ Nhàn, có làm quan.
imgres


Thời niên thiếu tính từ năm 712 khi ông mới chào đời cho đến năm 746 kết thúc đợt ngao du lần thứ ba, với khoảng thời gian 35 năm, Đỗ Phủ sống giữa thời kỳ phồn vinh của xã hội phong kiến thời Đường. Công việc chính của ông lúc này là làm thơ, ngao du sơn thuỷ. Với trí thông minh hơn người, Đỗ Phủ bắt đầu sáng tác thơ ca vào lúc bẩy tuổi. Tài cộng với sự cần cù nhẫn nại: "Đọc sách vỡ muôn quyển, Hạ bút như có thần" (Phụng tặng Vi tả thừa trượng nhị thập nhị vận) khiến ông đến năm mười bốn tuổi đã trở thành nhà thơ trẻ được các bậc đàn anh mến phục.

Ông còn được các nhà tinh thông âm luật như Lý Phạm, Thôi Điều, danh ca Lý Quy Niên,... mến chuộng. Điều đó chứng tỏ ông còn là một nhà thẩm âm thành thạo.

Năm hai mươi tuổi, đúng vào thời kỳ cực thịnh của thời Đường, "Đi xa không phải chọn ngày tốt", Đỗ Phủ bắt đầu đi ngao du trước sau ba lần với khoảng thời gian trên dưới mười năm.

Lần thứ nhất ông đi suốt cả vùng Ngô Việt, Kim Lăng, Tường Châu, Tô Châu, Sơn Âm, Tiền Đường. Năm hai mươi bốn tuổi, ông trở về Lạc Dương thi tiến sĩ. Tuy thi hỏng nhưng ông rất bình thản, tiếp tục cuộc sống ngao du.

Lần thứ hai ông đến vùng Tề Triệu, một dải Hà Nam, Sơn Đông, Hà Bắc, ngao du và săn bắt là việc làm chính của ông trong thời kỳ này. Năm 744, ông gặp Lý Bạch tại Lạc Dương. Đại thi hào Lý Bạch hơn ông mười một tuổi lúc này mới từ Trường An trở về vì sự dèm pha của Cao Lực Sĩ.

Lần thứ ba Đỗ Phủ cùng Lý Bạch, Cao Thích rủ nhau đi săn bắn, uống rượu ngâm thơ, thăm hỏi kẻ ẩn sĩ gần xa. Mùa thu năm sau (745) hai người chia tay tại quận Lỗ (Duyện Châu, Sơn Đông). Từ đó hai người không gặp nhau lần nào nữa, nhưng tình bạn thì gắn bó suốt đời...

Những năm ngao du sơn thuỷ này đã bồi dưỡng tinh thần lạc quan yêu đời và lòng dũng cảm, góp phần làm phong phú nội dung và phong cách thơ ca của Đỗ Phủ. Những bài thơ của Đỗ Phủ sáng tác trong thời kỳ này được truyền lại không nhiều nhưng những bài như: Hoạ ưng, Vọng nhạc, Tráng du, Phòng binh tào hồ mã,... cho thấy phần nào tài năng xuất chúng của nhà thơ từ những ngày còn trẻ.

Năm 746, sau khi chia tay Lý Bạch, Đỗ Phủ trở về Trường An, kết thúc quãng đời ngao du đó đây. Lần này ông trở về không ngoài mục đích thực hiện hoài bão từ lâu ấp ủ trong lòng: "Trí quân Nghiêu Thuấn thượng, Tái sử phong tục thuần" (Phụng tặng Vi tả thừa trượng nhị thập nhị vận). Đó chính là ước mơ và lý tưởng chính trị của ông. Theo ông thì đó là con đường duy nhất để thực hiện lý tưởng đó là phải thi đỗ và làm quan. Nhưng tiếc thay, đến đâu ông cũng vấp phải trở ngại. Lúc này Đường Huyền Tông bỏ bê triều chính, giao phó mọi việc cho hai tên gian thần là Lý Lâm Phủ và Dương Quốc Trung. Tuy Đường Huyền Tông hạ chiếu ai có tài thì đi dự thi, nhưng trong khoá thi này Tể tướng Lý Lâm Phủ đánh hỏng hết tất cả các thí sinh để khoe rằng trong những khoá thi trước y sáng suốt lựa chọn hết nhân tài, nên bây giờ chẳng còn một ai và đây cũng là dịp để Lý Lâm Phủ chặn đường tiến cử hiền tài, nhằm củng cố thế lực của phe cánh y. Đỗ Phủ cũng như những thí sinh khác trong đó có Nguyên Kết, một nhà thơ nổi tiếng thời Đường bị đánh hỏng. Từ đây Đỗ Phủ nhận thức đầy đủ hơn bộ mặt chính trị nhà Đường do bọn gian quan nịnh thần khống chế. Để tìm lối thoát, nhiều lần ông gặp gỡ, dâng thư cho các bậc quyền quý mong được tiến cử, nhưng không có kết quả mà cuộc sống thì ngày càng nghèo khốn.

Năm 751, nhân Đường Huyền Tông cử hành đại lễ, Đỗ Phủ dâng lên "Tam đại lễ phú", được Đường Huyền tông khen ngợi cho ghi tên vào Tập hiền viện, chờ bổ dụng nhưng vì bị Lý Lâm Phủ cản trở nên Đỗ Phủ chờ mãi vẫn không có tin gì. Mãi đến năm 755, Đỗ Phủ được bổ làm Hà Tây huyện uý. Mặc dù bao năm sống khổ cực ở đất Trường An nhưng Đỗ Phủ quyết không nhậm chức vì chức huyện uý này buộc ông phải cúi đầu vâng lệnh quan trên, đánh đập kẻ dưới. Bị ông cự tuyệt giai cấp thống trị nhà Đường giao cho ông chức quản lý kho quân giới. Thật mỉa mai thay, một con người nuôi hy vọng giúp vua vượt Nghiêu Thuấn giờ đây chỉ làm anh quản lý kho! Đỗ Phủ nhận chức, ông xin phép về huyện Phụng Tiên thuộc tỉnh Thiểm Tây thăm gia đình. Có ngờ đâu khi vừa về đến nhà thì đứa con trai đã chết đói.

Từ năm 746 đến năm 755, vì thất ý trên con đường công danh, lại thêm cuộc sống gian nan cực khổ, Đỗ Phủ đã sáng tác hàng loạt bài thơ giàu tính hiện thực xúc động lòng người. Lệ nhân hành, Binh xa hành, Xuất tái, Vịnh hoài ngũ bách tự,... đánh dấu khởi điểm mới trong sáng tác của nhà thơ, một bước phát triển mới trong phong cách sáng tác hiện thực phê phán.

Trong số những bài thơ sáng tác thời kỳ này có thể kể bài "Tự kinh phó Phụng Tiên vịnh hoài ngũ bách tự" là bài thơ tổng kết mười năm khốn khổ trên đất Trường An của ông.

Cùng lúc Đỗ Phủ ra làm quan thì thời cuộc cũng có những biến đổi lớn lao. Tháng 11 năm 755, An Lộc Sơn nổi loạn ở Phạm Dương và nhanh chống đánh xuống Lạc Dương, Đồng Quan, Trường An. Tháng 8 năm 756, nghe tin Lý Hanh con của Đường Minh Hoàng lên ngôi ở Linh vũ lấy hiệu Đường Túc Tông, Đỗ Phủ tìm Túc Tông. Giữa đường ông bị giặc bắt giải về Trường An. Nửa năm trời sống trong vùng địch tận mắt thấy cảnh đất nước bị dày xéo, ông viết khá nhiều bài thơ lâm ly, thống thiết như: Bi Trần Đào, Bi Thanh Bản, Xuân vọng, Ai giang đầu,...

Tháng giêng năm Chí Đức thứ nhất (756), không chịu hợp tác với giặc, Đỗ Phủ không quản nguy hiểm tìm đường chốn khỏi Trường An tìm về Phụng Tường, nơi chính quyền mới đóng. Đỗ Phủ được giữ chức Tả thập di. Tháng 9 năm 757, quân nhà Đường lấy lại được Trường An, Đỗ Phủ bèn đưa gia quyến về Trường An.

Ở Trường An không được bao lâu, vì dâng sớ cứu Phùng Quán thua trận Trần Đào, nên Đỗ Phủ bị gian thần hãm hại. Tháng 6 năm 758, ông bị biếm ra làm Tư công tham quân, một chức quan coi việc tế tự nghi lễ ở Hoa Châu. Mùa xuân năm 759, trên đường từ Lạc Dương đi Hoa Châu, nhìn thấy cảnh đau thương vô hạn của nhân dân ông viết sáu bài thơ nổi tiếng "Tam biệt" và "Tam lại" được người đời truyền tụng.

Tháng 7 năm 759, Đỗ Phủ xin từ quan đưa gia đình từ Hoa Châu đến Đồng Cốc. Tại đây, ông phải đi lượm hạt dẻ, đào hoàng tinh bao phen trở về tay không, con cái đói meo kêu khóc. Ông làm bảy bài "Càn Nguyên Đồng Cốc huyện tác ca" than thở cảnh khốn cùng lưu lạc, xa cách anh em. Chưa đầy hai tháng, ông lại từ Đồng Cốc đến Thành Đô - Tứ Xuyên. Mùa xuân năm 760, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè ông dựng mái nhà tranh bên suối Hoãn Hoa, đặt tên là Thảo Đường. Ông gửi thư đi các nơi xin đào, lý, mai, cúc,... các thứ cỏ hoa về trồng. Thảo Đường ở phía tây, quay lưng vào quách Thành Đô, ngoài là đường Thạch Tuân, phường Bích Khê, phía bắc đầm Bách Hoa, phía tây cầu Vạn Lý, suối Hoãn Hoa, gần sông Cẩm, phía tây bắc trông ra núi Tây Lĩnh quanh năm tuyết phủ. Phong cảnh hữu tình, ngôi nhà nhỏ càng đượm màu thanh nhã...

Lúc này Thành Đô chưa có nạn binh đao. Ông được sống những ngày thư thái, đánh cờ với vợ, câu cá cùng con, uống rượu với người trong xóm. Ông sinh sống bằng chính mảnh đất của mình, trồng cây thuốc cây ngô. Thế là trong sáng tác xuất hiện một khoảng trời nghệ thuật mới với vẻ đẹp đẹp hoà bình, êm ả của thiên nhiên, xoa dịu những vất vả đắng cay trong cơn loạn lạc. Sáng tác thời kỳ này của ông chủ yếu là thể loại tuyệt cú, tả cảnh điền viên sơn thuỷ và gửi gắm ước mơ trở về cố hương...

Tuy nhiên cảnh yên bình ấy không kéo dài được lâu. Mùa thu năm ấy, một cơn gió lốc lật mất mái tranh Thảo Đường, ông làm bài thơ nổi tiếng "Mao ốc vi thu phong sở phá ca", mơ ước "Có ngôi nhà lớn muôn gian để che chở cho kẻ nghèo khắp thiên hạ. Bao giờ nhà lớn sừng sững hiện ra, riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được". Đầu năm Bảo Ứng (762) vì loạn ông đưa gia đình chạy loạn khắp nơi, gần hai năm sau mới trở về lại mái nhà tranh ở Thành Đô. Được Nghiêm Vũ tiến cử, Đỗ Phủ nhận chức Kiểm hiệu công bộ viên ngoại lang. Nghiêm Vũ mất, ông cũng thôi việc. Lúc này bao bạn thân của ông như Lý Bạch, Cao Thích lần lượt từ giã cõi đời, để lại cho ông nỗi buồn vô hạn. Ông lại phiêu bạt tới vùng Quỳ Châu.

Qua bao nhiêu năm lưu lạc gian nan, giờ đây sức yếu, tuổi già, ông thường xuyên bị bệnh. Quỳ Châu là nơi có nhiều di tích nổi tiếng như thành Bạch Đế, Bát trận đồ của Gia Cát Võ Hầu, nhà Tống Ngọc, Dữu Tín,... nên ông làm năm bài "Chư tướng", năm bài "Vịnh hoài cổ tích", tám bài "Thu hứng" nổi tiếng. Trong hai năm ở Quỳ Châu ông sáng tác 437 bài thơ, chiếm ba phần mười toàn bộ thơ ca của ông, thơ luật chiếm đa số. Chất hiện thực trong thơ ông không thay đổi, vẫn dạt dào tình cảm yêu nước, yêu dân, tuy âm điệu có phần bi thương hơn trước. Ông bỏ công làm thơ luật nhiều hơn trước và đã đẽo gọt, đưa thơ luật lên đến đỉnh cao của nó.

Năm Đại Lịch thứ 3 (768), Đỗ Phủ rời Quỳ Châu, lênh đênh trôi dạt khắp nơi đến Giang Lăng, Công An (Hồ Bắc), Nhạc Châu (Nhạc Dương, Hồ Bắc), rồi theo sông Tương ra Đàm Châu (Tương Đàm, Hồ Nam). Ở đây ông gặp lại danh ca Lý Quy Niên và làm bài tuyệt cú "Giang Nam phùng Lý Quy Niên" nổi tiếng. Đàm Châu có loạn, Đỗ Phủ lại cùng vợ con xuống thuyền đi Hành Châu (Hành Dương, Hồ Nam), dự định theo sông Hán về Trường An. Cuộc sống đói rét, bệnh tật, phiêu bạt cứ dày vò nhà thơ mãi. Mùa đông năm 770, bệnh tật nằm trên thuyền nghe gió thổi, Đỗ Phủ làm bài thơ ba mươi sáu vần "Phong tật chu trung phục chẩm thư hoài". Đó cũng là thiên tuyệt bút của nhà thơ, vì chẳng bao lâu sau, mùa đông năm Đại Lịch thứ năm (770), Đỗ Phủ nhắm mắt lìa đời trong chiếc thuyền rách nát lênh đênh trên sông Tương. Những bước thăng trầm mà trầm nhiều hơn thăng của cuộc đời nhà thơ kết thúc.

Các nhà thơ Đường hiếm có ai nghèo khổ, lao đao và chịu ảnh hưởng của chiến tranh và loạn lạc nhiều như ông. Sau khi Đỗ Phủ tạ thế, gia nhân vì nghèo túng quá, đành phải tạm đặt linh cữu thi sĩ tại Nhạc Châu (Nhạc Dương, Hoài Nam). Đến đời cháu là Đỗ Tự Nghiệp, mới đến Nhạc Châu, đem linh thần về táng tại chân núi Thủ Dương, ở Lạc Dương (Hà Nam), gần mộ Đỗ Dự và Đỗ Thẩm Ngôn.

Khi Đỗ Tự Nghiệp đưa linh thân Đỗ Phủ qua Kinh Châu, có gặp thi sĩ Nguyên Chẩn trên đường đi. Nguyên Chẩn viết một bài minh đề trên mộ Đỗ Phủ, nói rằng: "Từ khi có thi nhân đến giờ, không có ai vĩ đại bằng Tử Mỹ!". Đúng thế, Đỗ Phủ chẳng những vĩ đại đối với Trung Quốc mà còn vĩ đại đối với cả nhân loại nữa...

☆☆ Sự Nghiệp Sáng Tác:

Thơ Đỗ Phủ tập trung biểu hiện ba khía cạnh chủ yếu: tinh thần phản kháng cường quyền, lòng yêu thương nhân dân và nhiệt tình yêu nước thiết tha. Thường trong nhiều bài, ba nội dung ấy gắn bó với nhau, hỗ trợ cho nhau tạo nên giá trị hiện thực của thơ ca Đỗ Phủ. Tất cả đều xoay quanh một trục thống nhất là bản thân ông. Từ chính những khổ đau của bản thân mình, ông hoà chung nỗi đau của riêng mình với nỗi đau của nhân dân, của đất nước. Thơ ca của Đỗ Phủ chính là những thiên ký sự về đời ông, một cuộc đời thăng trầm mà trầm nhiều hơn thăng.

Tuy chưa thoát khỏi thế giới quan của tư tưởng Nho gia hẹp hòi, nhưng đó là những hạn chế có tính chất thời đại, thơ ca của Đỗ Phủ không vì thế mà giảm đi giá trị của nó. Nhà thơ vẫn hoàn thành sứ mệnh nghệ thuật của mình một cách vẻ vang.

Đỗ Phủ kiêm gồm nhiều thể thơ từ ngũ ngôn đến thất ngôn, cổ thể đến cận thể mà qua tay ông đều trở nên xuất sắc, nhuần nhuyễn. Thơ ông được dụng công gọt dũa rất công phu: "Làm người tính thích câu thơ đẹp, Đọc chẳng kinh người chết chẳng thôi" (Hí vi lục tuyệt cú). Ông sở trường về thơ ngũ ngôn, vốn là thể khó làm hay vì câu thơ ngắn, nhịp điệu đơn giản. Nhưng ông vẫn khéo truyền nỗi lòng chân thật, tha thiết vào thơ, nên những bài thơ ngũ ngôn của ông dù rất dài như "Vịnh hoài bách ngũ tự", "Tráng du", "Thuật hoài",... vẫn đầy sức gợi cảm. Thơ thất ngôn đến tay ông mới thật sự đạt đến đỉnh cao, đặc biệt là thơ luật, được ông chăm sóc, đẽo gọt tỉ mỉ mà vẫn trôi chảy tự nhiên, ít ai bì kịp. Đỗ Phủ làm thơ rất dụng công, đúng như ông đã nói "Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu" (Lời lẽ chưa kinh động lòng người thì chết chẳng yên). Hơn nữa, Đỗ Phủ nắm rất vững thanh vận trong ngôn ngữ Trung Quốc và sử dụng nó để phát huy được sức thể hiện và truyền cảm của thơ. Có những bài thơ dài hàng chục đến trăm câu, ông chỉ dùng độc vận, hoặc cũng có thể trong một bài ngắn ông lại đổi vần. Dùng vần trắc hay vần bằng ông đều có chủ định. Đỗ Phủ còn sáng tạo những hình ảnh thi vị, mới mẻ, giàu sức truyền cảm, sáng tạo những ý cảnh, khí phách rộng lớn. Ông thật xứng với danh xưng "Thi thánh" mà người đời sau tôn tặng.

Đỗ Phủ tiếp thu có chọn lọc, kế thừa có phát huy những thành quả văn học quá khứ rồi hun đúc thành cái của mình, sáng tạo và mới mẻ. Nguyên Chẩn đời sau đánh giá: "Đỗ Tử Mỹ, trên thì làm mờ cả Phong Tao (Thi kinh, Sở từ), dưới thì kiêm cả Thẩm-Tống (Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn), lời thơ vượt cả Tô-Lý (Tô Vũ, Lý Lăng), khí thơ nuốt cả Tào-Lưu (Tào Thực, Lưu Côn), che khuất đỉnh cao Nhan-Tạ (Nhan Diên, Tạ Linh Vận), nhuộm cả dòng thắm Dữu-Từ (Dữu Tín, Từ Lăng), có được tất cả thể chế của cổ kim, và hết thảy cái đặc sắc của từng thi sĩ. Người làm thơ xưa nay chưa từng có ai như Đỗ Tử Mỹ" (Đường cố kiểm hiệu Công bộ viên ngoại lang Đỗ quân mộ hệ minh).

Đỗ Phủ để lại cho đời hơn 1400 bài thơ, phân thành hai loại lớn: cổ thể thi và cận thể thi. Cổ thể thi là loại thơ tự do, cận thể thi là loại thơ cách luật.
- Cổ thể thi: 416 bài trong đó ngũ ngôn cổ thể 271 bài, thất ngôn cổ thể 145 bài.
- Cận thể thi: 1037 bài trong đó luật thi có 772 bài, bài luật có 127 bài, tuyệt cú có 138 bài (31 bài ngũ ngôn, 107 bài thất ngôn).

Các tác phẩm thơ của Đỗ Phủ được dịch và in thành sách ở Việt Nam:
- Thơ Đỗ Phủ (NXB Văn học, 1962)
- Thơ Đỗ Phủ (Nhượng Tống dịch, NXB Văn học, 1996)
- Đỗ Phủ, nhà thơ thánh với hơn một nghìn bài thơ (Phan Ngọc dịch, NXB Văn hoá - Thông tin, 2001)
- Thơ Đỗ Phủ, Nhiều người dịch (NXB Thanh niên, 2004)

☆☆☆Tìm Hiểu Thêm:
Tư Tưởng Và Tác Phẩm


Lịch sử

Từ thời nhà Tống thơ Đỗ Phủ đã được gọi là "thi sử" (詩史). Vấn đề lịch sử được đề cập trực tiếp trong thơ ông là sự bình luận các sách lược quân sự, các thắng bại của triều đình hay những ý kiến ông muốn đề đạt trực tiếp tới hoàng đế. Một cách gián tiếp, ông viết về ảnh hưởng của thời đại đối với đời sống chính mình cũng như người dân thường Trung Quốc.

Những phản ánh chính trị của Đỗ Phủ dựa trên cảm xúc chứ không dựa trên tính toán. Ông ước ao mọi người bớt ích kỷ và làm tròn bổn phận của mình. Tuy nhiên, do người ta không thể không đồng ý với các quan điểm của ông nên các sự thật được biểu đạt đầy sức thuyết phục trong thơ ông đã khiến ông trở thành một nhân vật trung tâm trong thi sử Trung Quốc.

Đạo đức
Một danh hiệu thứ hai mà các nhà phê bình Trung Quốc đặt cho Đỗ Phủ là "thi thánh" (詩聖), ngang hàng với Khổng Tử, vị thánh về triết học. Trong một bài thơ ở thời kỳ đầu tiên của ông, Binh xa hành(兵車行) (khoảng năm 750), đã nói lên nỗi thống khổ của một người bị bắt đi lính trong quân đội triều đình, thậm chí trước khi xảy ra loạn An Lộc Sơn; bài thơ này nói lên sự xung đột giữa việc chấp nhận và hoàn thành nghĩa vụ, và sự ý thức rõ ràng về những đau khổ có thể nảy sinh. Chủ đề này liên tiếp được nhấn mạnh trong những bài thơ về cuộc đời của dân chúng và binh sĩ mà Đỗ Phủ sáng tác trong cả cuộc đời mình.

Tuy việc Đỗ Phủ hay nhắc đến sự thống khổ của riêng mình có thể đem lại một ấn tượng về chủ nghĩa duy ngã. Nhưng thực tế hình ảnh ông trong đó luôn được quan sát dưới góc độ khách quan và hầu như chỉ được đưa ra sau chót để tự cảm thán. Vì thế, ông khiến bức tranh xã hội trong thơ mang tính khái quát cao hơn khi so sánh nó với một cá nhân tầm thường là chính mình.

Tình thương của Đỗ Phủ đối với chính mình và với người khác chỉ là một phần trong các chủ đề của thơ ông: ông còn sáng tác nhiều bài về những chủ đề mà trước đó bị coi là không thích hợp để thể hiện trong thơ. Zhang Jie đã viết rằng đối với Đỗ Phủ, "mọi thứ trên thế giới này đều là thơ" (Chou p. 67), các chủ đề trong thơ ông rất bao quát, như cuộc sống hàng ngày, thư họa, hội họa, thú vật và các chủ đề khác.

Kỹ thuật

Trước tác của Đỗ Phủ đặc biệt nổi tiếng nhất vì tầm vóc của nó. Các nhà phê bình Trung Quốc thường dùng từ Tập đại thành 集大成, theo lời ca ngợi của Mạnh Tử dành cho Khổng Tử. Yuan Zhen là người đầu tiên lưu ý tới mức độ to lớn của các tác phẩm của Đỗ Phủ, năm 813 ông đã viết, (Đỗ Phủ) "đã thống nhất trong tác phẩm của mình những nét tiêu biểu mà người trước mới chỉ đề cập riêng lẻ". Ông là nhà thơ tài nghệ trong mọi phong cách thơ Trung Quốc. Ở bất cứ hình thức nào ông đều mang lại những tiến bộ vượt bậc hay đóng góp những ví dụ mẫu mực. Hơn nữa, thơ ông có phạm vi sử dụng từ vựng rộng lớn, từ cách nói trực tiếp và thông tục cho đến cách nói bóng và ngôn ngữ văn chương. Nội dung chính trong thơ đã thay đổi khi ông phát triển phong cách của mình để thích hợp với hoàn cảnh xung quanh. Những bài thơ đầu tiên theo phong cách trang nhã nhưng về sau này khi trải qua những cơ cực của chiến tranh thơ ông đã trở lại với phong cách đích thực của mình. Những bài thơ sáng tác trong giai đoạn ở Tần Châu đơn giản đến tàn nhẫn, phản ánh quang cảnh hoang tàn. Những bài thơ giai đoạn ở Thành Đô nhẹ nhàng và đẹp đẽ, trong khi ở cuối giai đoạn Quỳ Châu đậm chi tiết và có tính dự báo.

Dù sáng tác ở mọi thể loại thơ, Đỗ Phủ nổi tiếng nhất ở cận thể thi, một kiểu thơ có nhiều ràng buộc về hình thức và số lượng từ trong câu. Khoảng hai phần ba trong 1.500 tác phẩm hiện còn của ông là ở thể này, và nói chung ông được coi là nhà thơ tiêu biểu cho thể loại này. Những bài thơ đạt nhất của ông trong thể loại dùng phép đối song song để thêm nội dung biểu đạt thay vì chỉ là một quy định kỹ thuật thông thường.

Ảnh Hưởng
Sinh thời và ngay sau khi mất, Đỗ Phủ đã không được đánh giá cao, phần vì những đổi mới trong phong cách và hình thức thơ ông. Một số bị coi là quá táo bạo và kỳ cục đối với giới phê bình văn học Trung Quốc. Chỉ một số ít tác giả đương thời có nhắc tới ông và miêu tả ông với tính chất tình cảm cá nhân, chứ không phải như một nhà thơ xuất chúng hay lý tưởng đạo đức. Thơ Đỗ Phủ cũng ít xuất hiện trong những hợp tuyển văn học thời kỳ đó.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông đối với thi ca Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, và tới thế kỷ thứ 9 ông đã trở nên rất nổi tiếng. Những lời ngợi ca đầu tiên dành cho Đỗ Phủ là của Bạch Cư Dị, người đã ca ngợi những tình cảm đạo đức trong một số tác phẩm của Đỗ Phủ. Hàn Vũ đã viết bài bênh vực mỹ học trong thơ Đỗ Phủ và Lý Bạchtrước những lời chỉ trích nhằm vào họ. Tới đầu thế kỷ thứ 10, Wei Zhuang đã cho dựng lại bản sao đầu tiên ngôi nhà tranh của ông ở Tứ Xuyên.

Tới thế kỷ 11, trong giai đoạn Bắc Tống, danh tiếng Đỗ Phủ lên tới cực điểm. Trong thời gian này các nhà thơ trước đó đã được đánh giá lại một cách toàn diện, theo đó Vương Duy, Lý Bạch và Đỗ Phủ lần lượt được coi là đại diện cho xu hướng Phật giáo, Đạo giáo và Khổng giáo trong văn hóa Trung Quốc. Cùng lúc ấy, sự phát triển của Tân Khổng giáo đã đặt Đỗ Phủ lên vị trí cao nhất, vì trong cả cuộc đời, ông đã không vì đói nghèo cùng khổ mà quên đi quân vương của mình. Ảnh hưởng của ông càng tăng do khả năng hòa hợp những mặt đối lập: phe bảo thủ chính trị bị thu hút bởi sự trung thành của ông với hệ thống tôn ti trật tự sẵn có, còn phe cải cách nắm lấy mối quan tâm của ông đối với đời sống dân nghèo. Từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, sự trung thành với quốc gia và những quan tâm của ông tới người nghèo đã được giải thích sự phôi thai của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội, và ông được tán dương vì ông đã sử dụng ngôn ngữ giản dị "của nhân dân".

Sự nổi tiếng của Đỗ Phủ lớn tới mức có thể đo được, như trường hợp của Shakespeare ở Anh. Mỗi nhà thơ Trung Quốc đều khó có thể không bị ảnh hưởng từ ông. Không bao giờ có một Đỗ Phủ thứ hai, các nhà thơ sau này tiếp nối truyền thống trong từng khía cạnh cụ thể của thơ ông. Mối quan tâm của Bạch Cư Dị tới dân nghèo, lòng yêu nước của Lục Du, các phản ánh cuộc sống hàng ngày của Mai Nghiêu Thần là một vài ví dụ.

( Tư liệu: thivien.net và wikipedia.org )


Đôi lời nhận xét:

"Nếu nói sự yêu thích đối với Lý Bạch xuất phát từ tình yêu thơ lãng mạn của ông, thì đối với Đỗ Phủ lại là sự ngưỡng vọng cao đẹp về con người tài hoa ấy."
Nhắc đến Đổ Phủ hầu như mọi người đã quá quen thuộc với cái tên này trong thi văn cổ đại. Ông là một nhà thơ tài hoa và lỗi lạc trong thi văn lẫn đời thường, khi bước đầu tìm hiểu thơ của ông, tôi rất bâng khuâng vì khối lượng thơ khổng lồ và những bản dịch gần như vô tận, chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Sau gần một tháng tìm hiểu, cộng thêm nhiều bài thơ được biên soạn từ cuốn "Đường Thi Quốc Âm Cổ Bản" tôi cũng đã lựa chọn cho mình nhiều bài thơ phù hợp với phong cách của bản thân và những bài thơ gắn bó với cuộc sống đời thường.

Số lượng bài có thể chỉ cập nhật trong giới hạn khả năng của dịch giả, nếu thi hữu nào có lòng yêu cổ thi lẫn tác giả này, có thể đóng góp thêm nhiều bản dịch khác.

Chân thành cảm ơn các bạn đã đến với Cổ Thi.

 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Phần Hai: Tác Phẩm
♧♧♧

Dã Vọng (Thanh thu vọng bất cực)
野望(清秋望不极)

Tác giả: Đỗ Phủ
***

野望

清秋望不极,
迢遞起層陰。
遠水兼天淨,
孤城隱霧深。
葉稀風更落,
山迥日初沈。
獨鶴歸何晚?
昏鴉已滿林。
Dã vọng

Thanh thu vọng bất cực,
Thiều đệ khởi tằng âm.
Viễn thuỷ kiêm thiên tĩnh,
Cô thành ẩn vụ thâm.
Diệp hi phong cánh lạc,
Sơn quýnh nhật sơ trầm.
Độc hạc quy hà vãn?
Hôn nha dĩ mãn lâm.

Dịch nghĩa

Bầu thu trong vắt khôn cùng
Xa xôi bao lớp bóng râm nổi lên
Nước xa lẫn vòm trời quang đãng
Thành cô quạnh nấp trong sương dày
Lá thưa thớt gió thổi cứ rụng dần
Núi tít mù mặt trời vừa lặn
Hạc lẻ bầy buổi chiều bay về đâu?
Quạ hoàng hôn xao xác khắp rừng.

(Tư liệu: thivien.net)

Bản dịch: Ngắm Cảnh Đồng Quê

Trời thu xanh ngát ngắm vô ngần
Rợp bóng xa xa xếp bao tầng
Vời trong nước lặng hòa trời thẳm
Quạnh quẻ thành ca phủ sương vần
Gió thoảng đưa cành rời lá cội
Mây trời núi chẳng thấy dừng chân
Hạc lẻ xa bầy chiều khuất bóng
Trong rừng tiếng quạ giữa trời quang.

Lạc Mỹ Xuyên Thu


 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Cầm đài 琴臺
Tác giả: Đỗ Phủ
***
txFdyTx3vUWCPqIXEUyoug.1441997184.jpg



琴臺

茂陵多病後,
尚愛卓文君,
野肆人間世,
琴臺日暮雲,
野花留寶靨,
芳草見羅裙,
歸鳳求凰意,
寥寥不可聞。


Cầm đài
Mậu Lăng đa bệnh hậu,
Thượng ái Trác Văn Quân.
Tửu tứ nhân gian thế,
Cầm đài nhật mộ vân.
Dã hoa lưu bảo yếm,
Mạn thảo kiến la quần.
Quy phụng cầu hoàng ý,
Liêu liêu bất phục văn.

Dịch nghĩa
Sau buổi lắm bệnh ở Mậu Lăng,
Càng thêm yêu Trác Văn Quân.
Quán rượu trong cõi nhân gian,
Cầm đài dưới bóng mây chiều.
Hoa dại nằm trong chén quý,
Cỏ hoang vương gấu quần là.
Ý phượng cầu hoàng xưa,
Nay không còn được nghe lại nữa.

(Tư liệu: thivien.net)


Bản dịch: Cầm Đài*

Bỏ chốn Mậu Lăng* đào hoa quấn
Quay về vui cuộc Trác Văn Quân
Quán rượu nhân gian tường khắp cõi
Cầm đài mây phủ bóng giai nhân
Hoa dại say mờ trong chén tửu
Cỏ vấn thơm hương dưới áo quần
Phong tình bỏ lại cầu phượng ý
Vọng tiếng đàn xa biết bao lần.

Lạc Mỹ Xuyên Thu


Chú thích:
*Cầm Đài: đài gảy đàn - Cầm đài là nơi xưa Tư Mã Tương Như thường lên gảy đàn.
*Mậu Lăng: Tên vùng đất có lăng của Hán Vũ Đế năm xưa. Khi đó Tương Như vốn rất phong tình, say mê một người con gái ở Mậu Lăng, có ý muốn cưới nàng làm thiếp. Văn Quân ghen, làm khúcBạch đầu ngâm, Trường Khanh bèn thôi.
 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Bát Nguyệt Thập Ngũ Dạ Nguyệt
Tác giả: Đỗ Phủ
***
131223hinh-nen-vuon-co-duoi-anh-trang.jpg



八月十五夜月其一

滿目飛明鏡,
歸心折大刀。
轉蓬行地遠,
攀桂仰天高。
水路疑霜雪,
林棲見羽毛。
此時瞻白兔,
直欲數秋毫。

Bát nguyệt thập ngũ dạ nguyệt
Mãn mục phi minh kính,
Quy tâm chiết đại đao*.
Chuyển bồng hành địa viễn,
Phan quế ngưỡng thiên cao.
Thuỷ lộ nghi sương tuyết,
Lâm thê kiến vũ mao.
Thử thì đam bạch thố,
Trực dục sổ thu hào.

Dịch nghĩa
Thấy rõ tấm gương sáng bay,
Lòng mong về quê cũ khiến gãy con dao lớn.
Như cỏ bồng đi nơi đất xa,
Vin cây quế để thấy trời cao.
Đường sông tưởng sương với tuyết,
Ở rừng thấy lông lá.
Lúc này ngắm thỏ trắng,
Muốn có ngay vài sợi tơ mùa thu.
(Tư liệu: thivien.net)

Bản dịch:
Đêm Trăng Rằm Tháng Tám


Ngẩng thấy gương treo cách mấy đào
Lòng thương khách cũ đoạn phân đao
Tiễn cỏ bồng bay về đất hứa
Nương cành hương quế vọng trời cao
Đường về khách ngỡ sông sương tuyết
Lối dạo rừng sâu lẫn chim mào
Cung Quảng nơi nào trông thỏ trắng.
Thu về kéo sợi đến ngàn sao.

Lạc Mỹ Xuyên Thu



Chú thích:
*chiết đại đao: Ngô Cương 呉剛, một ông tiên bị phạt giam trong mặt trăng, buộc phải chặt đứt cây quế. Lòng mong về quê cũ của Đỗ Phủ giống cố gắng cùa Ngô Cương, gãy dao rồi mà vẫn chưa có kết quả.
 
Tham gia
16/4/19
Bài viết
377
Điểm cảm xúc
543
Điểm
93
Đăng Nhạc Dương Lâu
Tác giả: Đỗ Phủ
***
Urv7odOt4Fm8dQKbcILzOg.1441998475.jpg


(Ảnh: Nhạc Dương lâu)

登岳陽樓

昔聞洞庭水,
今上岳陽樓。
吳楚東南坼,
乾坤日夜浮。
親朋無一字,
老病有孤舟。
戎馬關山北,
憑軒涕泗流。


Đăng Nhạc Dương* lâu

Tích văn Động Đình thuỷ,
Kim thướng Nhạc Dương lâu.
Ngô Sở đông nam sách,
Càn khôn nhật dạ phù.
Thân bằng vô nhất tự,
Lão bệnh hữu cô chu.
Nhung mã quan san bắc,
Bằng hiên thế tứ lưu.

Dịch nghĩa

Xưa nghe nói nước hồ Động Đình,
Nay được lên lầu Nhạc Dương.
Đất Ngô, đất Sở chia tách ở hai phía đông nam,
Trời đất suốt ngày đêm dập dềnh nổi.
Bà con bạn hữu không có một chữ (thư từ qua lại)!
Thân già yếu lênh đênh trong chiếc thuyền côi quạnh.
Quan san phía bắc đang nhộn binh đao,
Tựa hiên, ròng ròng nước mắt, nước mũi!

(Tư liệu: thivien.net)

Dịch Thơ: Lên Lầu Nhạc Dương

Trước hồ Động Đình thường nghe đến
Nay lầu Nhạc Dương lại được lên
Đông Nam hai phía chia Ngô Sở
Trời đất ngày đêm nổi dập dềnh
Thư tín hữu** hàng*** nay chẳng thấy
Thân già một chiếc thuyền lênh đênh
Phương Bắc xa xôi còn chinh chiến
Ngậm ngùi rơi lệ tựa bên hiên.

Lạc Mỹ Xuyên Thu


Bản Dịch chữ Nôm (Sưu tầm): Tú Xương

Mấy cảnh Tiêu Tương vẫn tiếng đồn
Lầu đây hồ đấy trải bao còn
Chia ra Ngô Sở chiều ngang dọc
Chốt lại càn khôn thỏa nước non
Một chữ thân bằng tin nhạn vắng
Nghìn trùng quan tái chiếc thuyền con
Xa xa cõi bắc lầm phong hỏa
Thăm thẳm Trường An mắt đã mòn.



Chú Thích:
*Nhạc Dương: Nhạc Dương lâu là lầu ở cửa Tây thành Nhạc Dương, một trong Giang Nam tam đại danh lâu (hai lầu còn lại là Đằng Vương các và Hoàng Hạc lâu).
**Hữu: Bằng hữu, bạn bè
***Hàng: Họ hàng
 
Top